Tuesday, June 7, 2011

GIỚI THIỆU THI PHẨM: MẸ, CẢM XÚC VÀ EM CỦA BẠCH XUÂN PHẺ - Trần Kiêm Ðoàn

GIỚI THIỆU THI PHẨM:
MẸ, CẢM XÚC VÀ EM
CỦA
BẠCH XUÂN PHẺ

Trong những giai thoại văn học Ðông- Tây nổi tiếng của thế giới văn chương, những giai thọai được nhắc đến nhiều nhất là thái độ vô tình, có khi đến độ khước từ và vùi dập, của thế hệ văn bút đàn anh đối với tác giả đàn em lần đầu mới nhập cuộc.  Những thi sĩ tài danh Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp… hay những tác giả lớn của nền văn học thế giới như Appolinaire, Kafka, Eliot… cũng từng bị các ông chủ báo ném những sáng tác đầu tay vào sọt rác. Tình cờ có người nhặt được mới khám ra đó là những “mớ rác” của thiên tài!
Bởi vậy, bất cứ một thái độ vội vàng hay chủ quan nhận định nào dành cho một tác phẩm thi ca, nhất là một tác phẩm đầu tay đều rất dễ phiến diện.  Tôi thường tự nhắc mình phải ghi nhận điều nầy một cách nghiêm túc khi đọc thơ.  Và cũng với tinh thần cẩn trọng như thế tôi mở từng trang bản thảo tập thơ “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” của Bạch Xuân Phẻ ra đọc.
Với nghệ thuật, nhất là văn học nghệ thuật, thi ca là một lãnh vực mang tính huyền thọai nhiều nhất vì thơ và người làm thơ xuất hiện giữa đời vừa hiện thực vừa ảo ảnh.  Thơ vần vũ như hải triều nhưng thơ cũng bay lãng đãng như sương như khóị Những cảm xúc và ngôn từ trong Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Trường Tương Tư của Lý Bạch, Dưới Cầu Mirabeau của Appolinaire, La Lac của Lamartine, Ðôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, Tinh Huyết của Hàn Mặc Tử… là những hạt ngọc thơ của nhân loạị  Cho nên người đời sau làm thơ không phải là những người đi tìm lại dấu vết những hạt ngọc đó mà là kẻ lên đường sáng tạo những viên ngọc mới cho thi cạ
Với một tinh thần trân quý dành cho thơ, tôi đọc những sáng tác văn chương của những cây bút trẻ Việt Nam tại hải ngọai, mà đặc biệt là Hoa Kỳ với sự thích thú của một người đang lang thang trong khu rừng chữ nghĩa với ước mong thấy được một vài bóng dáng của viên ngọc lạ thi cạ  Ðọc thơ, bình văn của tuổi trẻ Việt Nam tại Mỹ, trước hết, người đọc cần đặt người làm thơ và tác phẩm vào bối cảnh thực tế của nó.
Bạch Xuân Phẻ và tác phẩm đầu tay “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” là một trường hợp điển hình.  Với một ít vốn liếng tiếng Việt mang theo tới xứ người ở vào lứa tuổi học trò, Phẻ đã tự trau giồi để giữ gìn và phát huy tiếng mẹ đẻ của mình song song với chương trình học hành và sinh hoạt với bạn bè, xã hội xung quanh hoàn toàn bằng tiếng Anh.  Suốt những năm dài đằng đẵng trên ghế nhà trường của bậc trung học và đại học Mỹ, cho đến khi tốt nghiệp đại học ra làm giáo sư khoa học tại trường trung học Mira Loma, dù tiếng Việt không hề có một cơ hội nào góp mặt với chương trình học và dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng Phẻ đã âm thầm nuôi dưỡng ngôn ngữ mẹ đẻ trôi chảy luân lưu trong tâm trí của mình.  Xa hơn thế nữa, Phẻ đã chọn cho mình một con đường muôn lần gian khó hơn, so với một người biết tiếng Việt bình thường:  Ðó là LÀM THƠ  !
         Thơ của Phẻ trong “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” là cả một vườn thơ trong sáng.  Sự trong sáng giao hòa trên cả ba khía cạnh:  Ngôn từ, ý tưởng và nhạc điệụ
Người yêu thơ sẽ có cơ hội tiếp cận với tác giả một cách nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy ấn tượng của cảm xúc và nghệ thuật qua gần 150 bài thơ vừa minh họa, vừa diễn cảm, vừa phân tích và cũng vừa nói lên thái độ sống của Phẻ về cha mẹ, về quê hương và dân tộc.  Phẻ đã biểu cảm được tình cảm thiết tha mà không tô vẽ; nồng nàn mà không khách sáo; gần gũi mà không thô cứng khi viết về mối thâm ân của cha mẹ qua các bài thơ Nhớ Mẹ, Lòng Mẹ, Nhớ Về Mẹ, Vu Lan 99, Có Bao Giờ Cha Biết…  Hình ảnh Quê Hương của Phẻ cũng không phải là những gì vĩ đại xa xôi mà là những gì hết sức thân thương, gần gũi của xã Nhơn Lý, Bình Ðịnh.  Và khái niệm dân tộc của Phẻ cũng khởi nguồn từ những khuôn mặt thân ái của gia đình, người tình và bè bạn quanh mình.
         Mẹ ơi thương mẹ vô vàn
         Mẹ là suối nước non ngàn của con.
                           (Nhớ Về Mẹ)ï
         Có một nét bàng bạc làm cho Thơ của Bạch Xuân Phẻ trở thành mượt mà, lãng mạn và đam mê hơn, đấy là sự hiện hữu của “…VÀ EM” – một người tình xứ Huế. Hình như người tình xứ Huế trong thơ Phẻ có những nét lạ lùng về cả cảm xúc lẫn suy tư mà chính người tự hào là “Huế chay” như tôi cũng phải mĩm cười thú vị và bị lôi cuốn vào cái “cảm xúc Huế mà chưa phải Huế” rất đáng yêu của Phẻ.  Thì ra, nét đáng yêu của người “khi yêu bỗng trở thành thi sĩ” đó là do Phẻ viết và nghĩ về Huế qua nhân dáng của người tình gốc Huế nhưng lớn lên ở Mỹ, chứ bản thân tác giả chưa bao giờ ra Huế…  Ai ra xứ Huế thì ra…!
         Ta chết ngất một thời, em gái Huế
         Thân mảnh mai, gò má đỏ hây hây
         Nụ cười đó, mái tóc huyền rất mượt
         Nay xa rồi, hình bóng vẫn đâu đâỵ
                           (Dĩ Vãng Một Cuộc Tình – Viết thay…)
         Một hình ảnh khác tạo dấu ấn đậm nét trong suy tưởng và niềm tin  của Bạch Xuân Phẻ là mái chùa Kim Quang và Gia đình Phật tử Kim Quang, nơi đã ghi dấu những bước trưởng thành của Phẻ về tri thức, về đức tin, về tình yêu, tình bạn và tình ngườị  Cho nên, những vần thơ của Phẻ trong thi phẩm: “Mẹ, Cảm Xúc và Em” cũng mang dư âm tiếng hát của Kim Quang một thời và mãi mãi:
         Tình Lam ấy, tôi không thể thiếu
         Mất em đi, tôi mất một đời!
                  (Tìm đâu một cõi đẹp như mơ)
         Ðọc thơ Bạch Xuân Phẻ, tôi không có ý so sánh, không cất công truy tìm những gì cao siêu nhảy múa xa hơn ngoài THƠ-chính-nó.  Thơ Phẻ tươi tắn và chân phương đầy ý nhị như ca dao của vùng quê hương ven miền duyên hải Nhơn Lý, Bình Ðịnh. Người đọc dù nghiêm khắc hay hào sảng đến mức nào cũng tìm thấy mầu trời hy vọng của tuổi trẻ, màu hứa hẹn của tình yêu và màu rực rỡ của niềm tin trong mỗi bài, mỗi ý của tác giả.
Trong sinh họat văn học nghệ thuật của người Việt ở Hải Ngoại, tác phẩm thi ca “Mẹ, Cảm Xúc và Em” là một sự đóng góp thật đáng quý trong dòng thơ tươi mát, trẻ trung đang luân lưu trôi chảy từ nguồn đến biển; từ quê mẹ đến quê người và từ quê người vọng âm về quê mẹ.
         Xin được giới thiệu Bạch Xuân Phẻ và thi phẩm đầu tay “Mẹ, Cảm Xúc và Em” đến quý độc giả và các thiện hữu yêu thơ với lòng quý mến và trân trọng.

Trần Kiêm Ðoàn

Tháng 01 năm 2004

No comments:

Post a Comment