Điểm Thơ:
HƯƠNG LÒNG của Bạch Xuân Phẻ.
Tại Mỹ trong thế kỷ nầy, có một tội nặng nhất mà pháp luật chưa ngó ngàng gì tới: Đó là tội "Giết thì giờ!"
Một sớm mùa Xuân cuối tuần nào đó, bạn thử vào thăm viện dưỡng lão hay bệnh viện của những người đang ở giai đoạn cuối của bệnh nan y, bạn sẽ thấy thời gian quý báu và quan trọng biết dường nào. Con người chiến đấu để được sống từng phút một. Thời gian không có đủ mà thở; lấy gì để giết?!
Thế mà người ta "giết" thật. Giết để làm thơ hay viết văn. Có khi một tâm hồn nghệ sĩ ngồi một mình thăm thẳm trong đêm để sáng tác một câu thơ, một đoạn văn. Nhưng liền sau đó hay sáng hôm sau lại tự mình xóa đi không thương tiếc. Song, trong biết bao nhiêu lần "lỡ dại" đó, người nghệ sĩ chợt khôn ra. Và bỗng một câu thơ tuyệt tác, một đoạn văn để đời hiện ra trên trang giấy. Câu thơ nở hoa; đoạn văn tỏa ánh sáng như từ một cung trời nào vừa rơi xuống. Người làm thơ đọc thơ mình; người làm văn đọc văn mình mà xúc động đến ràn rụa nước mắt. Nỗi mừng vui bột phát của người nghèo kiết xác, chỉ sau một giấc ngủ bỗng khám phá mình thành triệu phú có khi không bằng niềm vui của một vần thơ chợt hiện đến với người thi sĩ. Chỉ cần một phút được sống tràn đầy cảm xúc như thế thôi thì cũng đủ cứu sống lại từng chuỗi thời gian âm thầm "bị giết." Sáng tạo là phục sinh. Làm thơ là cứu sống những quá khứ thời gian trăn trở; là thức tỉnh những chớp mắt hiện tại; và thắp sáng rực rỡ những ước mơ và dự phóng cho tương lai.
Phải chăng vì thế mà Trần Tế Xương ngày xưa đã phá ra cười ngặt nghẽo, khen -- hay chê -- rằng: "Khôn nghề cờ bạc là khôn dại. Dại chốn văn chương ấy dại khôn!"
Trong số những người "dại khôn" đó, có người em -- vừa tuổi đạo, vừa tuổi đời -- mà tôi thực lòng mến phục: Bạch Xuân Phẻ, một người làm thơ trẻ mang trong lòng hai cảm xúc thiêng liêng, quê mẹ và quê người.
Có thể nói rằng, trong thi phẩm đầu tay "Cảm Xúc, Mẹ và Em" đã xuất bản và ra mắt bạn đọc ba năm trước, Bạch Xuân Phẻ chỉ mới dám đi những bước rất thận trọng trên con đường ngập nắng thi ca. Thơ Phẻ trong thời nầy như một con chim đứng trên cành quê hương xanh biếc đã thành quá khứ và quê người ửng hồng hướng về tương để hót líu lo. Trong khung cảnh êm đềm và quen thuộc của quê mẹ và quê em, nếu có lỡ "đậu phải cành mềm" thì cũng không đến nỗi nào "lộn cổ xuống ao" vì xung quanh Phẻ có đông anh em và bè bạn đều ưu ái và tâm đắc.
HƯƠNG LÒNG, thi phẩm thứ hai của Bạch Xuân Phẻ, đang nhoẻn cười trước mắt bạn, là cả một bước tiến đầy khích lệ và triển vọng trong hành trình thi ca của tác giả. Khái niệm "hành trình thi ca" chẳng có gì là đại ngôn hay cường điệu trong bước đi của Phẻ khi người làm thơ trẻ nầy đang cố lột xác vươn lên từ dòng thơ cũ. Phẻ làm thơ (chứ không phải dịch thơ) bằng song ngữ (Việt, Anh). Thơ tiếng Việt của Phẻ giàu cảm xúc chân phương về tình tự quê hương đất nước và tình yêu con người trong mối tương tác hài hòa giữa nhân sinh và tạo vật. Mối tương tác giữa đất nước và tình yêu đó khi bước lên một bước nữa vào dòng suy tư sẽ thành ra triết lý... đại ngã, vô thường:
Ai nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ
Nhịp tim nào thổn thức trước ngàn sao
Và tiểu ngã chan hòa cùng đại ngã
Ôi hư không! Em có nếm vô thường?
(Núi Rừng Bảo Pháp)
Thơ tiếng Anh của Phẻ có ưu thế về từ khá chọn lọc và sự diễn trực cảm, không quanh co với một điệu thơ rất... phương Tây:
The weather gets colder as an autumn night falls
Silence is bathed with the loneliness
Alone in a quiet and empty house
Which sadness is more misery than tonight?
(As the Cold Night Unfolds)
Nhưng thú vị và táo bạo nhất trong toàn tập thơ Hương Lòng là phân mục "Những bài thơ ngắn nhất!" Bạch Xuân Phẻ còn tỏ ra "thông thoáng" và ngắn hơn cả các thiền sư Nhật làm thơ Haiku. Cũng dễ như thơ lục bát Việt Nam -- dễ làm nhưng rất khó hay -- thơ Haiku giúp chuyển tải tư tưởng bằng "thiểu ngôn" hay vô ngôn. Nhưng vì tính nghệ thuật quá cao nên khó trở thành "đại chúng hóa."
Thơ ngắn nhất cuả Bạch Xuân Phẻ có những bài ngắn đến độ tưởng chừng như không còn và cũng không cần chữ nghĩa nữa.
"Bài thơ" ngắn nhất mở đầu là:
Đầu hẻm
một bầy trẻ
Nhiều "bài" ngắn nhất chỉ có 3 chữ:
Mẹ
mênh mông
Một chủ thể: Đầu hẻm, mẹ; và một đối tượng: Một bầy trẻ, mênh mông. Đơn giản thế thôi nhưng biết đâu cũng đủ nhấc dòng suy tưởng của con người bay bỗng, phiêu du...
Tập thơ Hương Lòng chuẩn bị ra đời trong mùa Vu Lan. Vu Lan có trăng tròn của em, có hoa hồng của mẹ và có những vần thơ của thi nhân.
Trăng tròn soi bóng đường đêm. Hoa hồng tỏa nồng tình thương Mẹ. Và những vần thơ gom hết trăng và hoa vào cảm xúc.
Xin được trang trọng giới thiệu những trăng, hoa và cảm xúc trong thế giới thi ca của Bạch Xuân Phẻ đang về, đang đến và đang đi trên nẻo thơ qua thi phẩm Hương Lòng.
Trần Kiêm Đoàn
Natomas, mùa Xuân 2007
No comments:
Post a Comment