Monday, February 18, 2019

VIẾT TỪ PHƯƠNG XA - Phan Tấn Hải

Sách designed by Uyên Nguyên, Lotus Media Inc. 

PHAN TẤN HẢI: Có lần, khi học tới bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận, khi nghe đọc câu “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…” tôi nhìn ra khung cửa sổ của lớp, và kinh ngạc nhìn thấy màu nắng chiều trải theo các vạt hắt lên những tường vách, và có cảm giác mình nằm chết soãi trên nắng chiều. Không biết tại sao như thế, nhưng cũng không rõ cảm giác đó có phải là cảm nghiệm văn chương hay không. Những cảm giác lạ lùng như thế không quên được, và đó là những bước đi tự nhiên vào văn học.


Hay như khi được cô giáo giảng về tác phẩm Anh phải sống của Khái Hưng viết chung với Nhất Linh, tôi nghe tiếng sóng vỗ bên tai, sóng vỗ chung quanh mình và tiếng cặp vợ chồng cố gắng bơi giữa dòng nước thủy triều vùi dập. Tôi nhớ, cô giáo đọc cho đoạn này, và rồi không quên nổi:
“– Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:
– Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ…”.

Nhìn về văn chương, đoạn trích trên không có gì gọi là xuất sắc hay tiêu biểu Tự Lực Văn Đoàn, hay “văn chương hào nhoáng” cả, nhưng cảm xúc thời thơ ấu thật là tuyệt vời. Tiếng sóng vỗ theo tôi, vọng bên tai cả khi rời lớp, phóng chiếc xe đạp về nhà. Ý thức về cái chết, về cái sống lần đầu tiên của tôi cũng là từ đoạn văn trên. Trí nhớ ám ảnh hoài về truyện này, như thế cũng không thuần túy vì văn chương. Tại sao thì không rõ.

Hay như khi nghe cô giáo giảng về tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ, cũng của Khái Hưng. Hình ảnh người tráng sĩ trong thời Hậu Lê, với bối cảnh nội chiến của Tây Sơn và những kẻ phò vua – nghĩa là, những người đứng về phía người dân nổi dậy, theo lá cờ Tây Sơn, và những người trung quân. Truyện nói chung là có những hình ảnh không thích nghi, như khi tráng sĩ vào chùa đi tu, nhưng rồi mang áo nhà sư mà lại mê nhan sắc giai nhân. Nói chung, là hỏng kiểu. Nhưng một khi đã nghe kể, chứ chưa nói đã đọc xong, thì không thể nào quên được hình ảnh của chàng Phạm Thái và nàng Quỳnh Như. Khi nghe kể chuyện, tôi nghe quanh mình có tiếng vó ngựa nội chiến của thời Tây Sơn, có tiếng gươm giáo xông trận, và có tiếng than khóc của lương dân.

Sau này, cũng không ngờ rằng mình lại bước vào một cuộc nội chiến thời hiện đại của dân tộc. Nhưng ngẫm lại, lịch sử là thế: ngay cả cụ Nguyễn Du, tài năng là thế, trong gia đình cũng tan nát vì theo hai phía nghịch nhau trong cuộc nội chiến.

Thời đó có chuyện đôi bạn học thời thơ ấu – Ngô Thời Nhậm, ra cầm quân theo vua Nguyễn Huệ Tây Sơn; còn Đặng Trần Thường, theo phò Nguyễn Phúc Ánh, người sau này thống nhất đất nước, trở thành vua với hiệu là Gia Long.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, Ngô Thời Nhậm và nhiều quan tướng Tây Sơn bị lôi ra Văn Miếu phạt đòn, đánh roi. Theo truyền thuyết thì Ngô Thời Nhậm chết vì roi tẩm thuốc độc. Người chủ trì trận đánh roi lại là bạn thời thơ ấu Đặng Trần Thường.

Trước khi đánh roi, Thường ra câu đối:
– Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai (Vế đối có 5 chữ ai, một chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).

Ngô Thời Nhậm đáp:
– Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế (Có 5 chữ thế, và chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhậm).

Gia tộc cụ Nguyễn Du cũng chia đôi gay gắt. Đoàn Nguyễn Tuấn là người nuôi cụ Nguyễn Du ăn học, và sau đó cụ Nguyễn Du cưới em gái Đoàn Nguyễn Tuấn. Khi cụ Đoàn Nguyễn Tuấn theo nhà Tây Sơn, được Nguyễn Huệ giao chức quan lớn, thì cụ Nguyễn Du trốn về quê vợ, vì hầu hết gia tộc Nguyễn đều chống lại Tây Sơn.

Tôi mỗi lần nghĩ tới ngòi bút của Tự Lực Văn Đoàn, nghĩ tới Khái Hưng (người được tin là bị ám sát ở hậu phương), tới Nhất Linh, tới tất cả các nhà văn thời đó và sau này… đều bùi ngùi. Những cuộc nội chiến đã phá hoại tiềm lực dân tộc biết là bao nhiêu.

Khi các cụ Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí… bị thực dân Pháp bắt giam rồi đày lên Sơn La… thì là chuyện bình thường. Nhưng khi Khái Hưng bị ám sát mới là chuyện để nói.

Thời Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích… chỉ bị đánh roi vào giai đoạn hậu nội chiến. Nhưng còn khi quốc-cộng phân tranh, đẫm máu ác liệt biết là bao nhiêu...

(TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ MÀU NẮNG QUÊ NHÀ của Phan Tấn Hải, trong tuyển tập VIẾT TỪ PHƯƠNG XA, Bodhi Media sắp xuất bản, 2019)

No comments:

Post a Comment