Monday, February 18, 2019

Phật Giáo Vấn Đáp - The Buddhist Catechism ( Henry Steel Otcott và HT. Thích Trí Chơn)



Sách designed by Uyên Nguyên, Lotus Media Inc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông độc giả Phật tử Việt Nam tại hải ngoại đang cần có tài liệu trau giồi Phật Pháp bằng tiếng Anh để dùng nói chuyện, hay có thể trình bày tóm lược về giáo lý đạo Phật với người ngoại quốc cũng như giúp các học sinh, sinh viên Phật tử đang theo học ở các trường trung, đại học tại Hoa Kỳ thông hiểu một số danh từ Phật học Anh ngữ chuyên môn để có thể soạn viết những bài luận văn, thuyết trình ngắn (papers) hoặc diễn đạt, trao đổi ý tưởng về Phật giáo với các bạn bè ngoại quốc và giáo sư Mỹ trong lớp, chúng tôi đã không ngại tài trí thô thiển cố gắng soạn dịch cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) sau đây để cống hiến chư Phật tử gần xa.




Tác phẩm do Phật tử người Hoa Kỳ, đại tá kiêm học giả H.S.Olcott (1832-1907) biên soạn, tham cứu từ 15,000 trang kinh điển Phật giáo, gồm có tất cả 383 câu hỏi và trả lời tóm lược về mọi yếu điểm của Phật giáo từ cuộc đời Đức Phật, giáo lý, sinh hoạt chư Tăng, đến lịch sử truyền bá cùng sự tương quan giữa Phật giáo và khoa học v.v… Mặc dù nơi bản chính Anh văn ghi 383 câu hỏi nhưng thật sự chỉ có 381 câu, vì thiếu hai (2) câu số 104 và 105. Và, để quý độc giả tiện đối chiếu với nguyên tác, nơi bản dịch, chúng tôi vẫn ghi đủ số 383 câu hỏi như nguyên bản tiếng Anh. Cuốn “The Buddhist Catechism” xuất bản lần đầu tiên năm 1881 tại Adyar (Ấn độ) và bản tiếng Anh được tái bản lần thứ 33 ( năm 1897); thứ 36 (1903); thứ 40 (1905); thứ 42 (1908); và lần thứ 44 (1915).

Từ đó (1915) đến nay, tác phẩm này đã được các nhà xuất bản, hội đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ và những quốc gia khác cho in lại nhiều lần nhằm mục đích truyền bá giáo lý của đức Phật đến người Tây Phương khắp nơi trên thế giới. Cuốn sách cũng đã được dịch ra ít nhất 20 ngôn ngữ của các nước Á và Âu Châu như Ấn Độ, Tích Lan, Pháp, Đức, Nga, Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha v.v… Hơn nữa, tác phẩm trên không những khoảng 90 năm trước đây (1897) mà ngay cả hiện nay, nó vẫn còn được dùng làm tài liệu căn bản để dạy Phật Pháp bằng Anh văn cho đa số học sinh, sinh viên và chư Tăng tại hàng trăm trường trung, đại học Phật giáo cũng như các chùa, Phật học viện ở Tích Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Tân Gia Ba, và nhiều quốc gia Á Châu khác.

Vì nhận thấy lợi ích thiết thực như thế, nên lần đầu tiên, chúng tôi cố gắng dịch tập sách này ra tiếng Việt, mong đóng góp phần nhỏ vào kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại; cũng như để giúp cho các Phật tử, nhất là giới trẻ thanh, thiếu niên Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng các quốc gia Úc và Âu Châu có thêm tài liệu Phật Giáo bằng song ngữ Anh-Việt để tiện bề nghiên cứu. Chúng tôi dịch xong cuốn sách từ mùa hè năm 1986, nhưng vì thiếu nhân duyên nên đến nay, nó mới được in ra để gởi đến quý vị.

Chúng tôi cũng xin thưa, ngạn ngữ Pháp có câu: ”Dịch là phản bội” (Traduire c’est trahir), nhất là dịch sách Phật giáo, chứa đựng triết lý thâm sâu lại đầy dẫy những thuật ngữ tiếng Pali và Sanskrit (Phạn) khó hiểu; cho nên, mặc dù đã hết sức tra cứu trong hoàn cảnh thiếu thốn tự điển về danh từ Phật học bằng tiếng Việt-Pali-Sanskrit như hiện nay tại hải ngoại, chúng tôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi có những lỗi lầm, sơ sót.

Chúng tôi mong dịch làm sao vừa sát nghĩa câu văn của nguyên bản, vừa lột hết ý của tác giả được chừng nào hay chừng ấy, để quý độc giả khi đọc không thấy đó là bản dịch. Có những trường hợp, vì muốn được rõ nghĩa, nên chúng tôi đã phải thêm vào sau câu văn dịch vài chữ đặt trong hai dấu ngoặc. Hầu hết các danh từ Phật giáo về triết lý, nhân hoặc địa danh tiếng Pali và Sanskrit (Phạn), chúng tôi đều dịch ra Việt ngữ, và có ghi kèm sau cả những tiếng Pali, Sanskrit đó để giúp quý độc giả tiện bề tra cứu.

Riêng bản Phụ Lục (Appendix) phần sau cuốn sách này, chúng tôi chỉ dịch “Mười bốn (14) điều Tin Tưởng Căn Bản của Phật Giáo” ở trên mà thôi; còn đoạn dưới liệt kê danh tánh của quý Chư Tăng, Phật tử đại diện những phái đoàn các nuớc đến tham dự đại hội Phật giáo tổ chức tại Adyar, Madras (Ấn độ) vào tháng 01 năm 1891, (trang 92, 93, và 94), chúng tôi đã không dịch vì nhận thấy không mấy cần thiết.

Tiện đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế đã hết lòng khích lệ, góp nhiều ý kiến bổ ích, và nhất là giúp đỡ chúng tôi phương tiện để ấn hành dịch phẩm này.

Sau cùng, chúng tôi kính mong quý chư tôn, thiền đúc; pháp hữu ân nhân cùng các bậc cao minh thức giả sẽ vui lòng bổ chính cho những sai lầm, thiếu sót, nếu có; để nhờ đó, sau này cuốn sách sẽ được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn trong kỳ tái bản. 
Hoa Kỳ, mùa Vu Lan 2531 (1987)

--------------
Lotus Media tái bản, tháng 2, 2019

No comments:

Post a Comment