Showing posts with label Lotus. Show all posts
Showing posts with label Lotus. Show all posts

Friday, November 29, 2019

LỜI NGỎ - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Designed by Uyên Nguyên. 

LỜI NGỎ - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trời bắt đầu lạnh và những chiếc lá thu đã đổi màu tuyệt đẹp. Mảnh trăng non đang chênh chếch ngồi hiên, gần tháng 11 rồi mà sao chưa thấy mưa. California, cả hai miền Nam và Bắc đều trong khói lửa của nạn cháy rừng trầm trọng. Còn bên kia Thái Bình Dương, thì cơn bão số 5 cũng vừa quét qua tại các tỉnh thành Miền Trung. Lũ lụt, hạn hán, thiên tai đang xảy ra khắp mọi nơi. Biến đổi khí hậu là có thật và đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. 

Theo Liên Hợp Quốc, “Sự thay đổi khí hậu hiện tại đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên khắp năm châu bốn biển. Nó đang làm gián đoạn nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến người dân, cộng đồng và các quốc gia phải trả giá rất đắt trong hiện tại và thậm chí nhiều hơn vào ngày mai. Địa cầu đang hâm nóng, thời tiết đang thay đổi, mực nước biển đang tăng lên, các biến đổi thời tiết đang trở nên bất thường, tiêu cực hơn và khí thải nhà kính (methane/ mêtan, carbon dioxide / cạc-bon đi-ô-xít, v.v…) đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nếu không có hành động, nhiệt độ bề mặt trung bình của thế giới có khả năng vượt 3 độ C trong thế kỷ này. Những người nghèo, cơ hàn và những ai dễ bị tổn thương nhất đang bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.”

Trong vấn đề cấp bách này, chúng tôi đang đặt câu hỏi tương tự như Johan R. Platt: “Phật giáo có thể giúp cứu hành tinh không? Một cuốn sách mới, Ecodharma lập luận rằng có, chúng ta có thể - nhưng chỉ khi Phật giáo tự cứu mình trước.” Mục tiêu và chân lý cao thượng của Phật giáo là làm giảm bớt đau khổ mà cuối cùng dẫn đến giác ngộ, như Phật giáo Dấn thân đã khuyến khích, nó không chỉ dành cho giác ngộ cá nhân, mà còn là sự soi sáng xã hội và / hoặc con người rộng lớn hơn. Cách chúng ta tiến lên tích cực là nâng nhau lên.

Do đó, phương thức giáo dục trong Phật giáo là chủng tử và huân tập: Gieo hạt, ươm mầm, tưới tẩm cho hạt bồ đề, cây hạnh phúc của chúng ta ngày càng phát triển. Nền tảng giáo lý Phật Đà là Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo. Những chân lý này phải truyền lại cho các thế hệ tương lai, để mỗi cá nhân cũng như các thành viên của cộng đồng nhân loại sống có trách nhiệm, an bình và hòa hợp với tất cả mọi người và mọi loài, cũng như sống cho vừa, cho đẹp để chúng ta bảo vệ và nuôi dưỡng Trái đất của Mẹ.


Trước những sự biến đổi khí hậu và môi trường sống, thực sự đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm, và hành động cụ thể ngay lập tức trong thời điểm này mà không chần chừ do dự. (The climate emergency is the defining issue of our times). Trường hợp khẩn cấp về khí hậu là vấn đề được xác định của thời đại chúng ta. Chúng tôi, anh em trong nhà xuất bản Hoa Đàm và Lotus Media Inc. đang biên soạn và kết tập các bài viết Tiếng Anh, của nhiều tác giả Ngoại quốc lẫn Việt Nam, đã từng đăng ở các báo chí quốc tế về vấn nạn hâm nóng địa cầu và thay đổi khí hậu. Tuyển tập được thực hiện đặc biệt nhắm vào giới độc giả trẻ, là thế hệ đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT sanh ra và lớn lên tại hải ngoại, hầu nâng cao nhận thức và hành động trước những diễn biến thiên tai ngày càng nặng nề do những hành vi tiêu cực của con người gây ra.

Tuyển tập này kết tập các bài viết liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu từ các học giả và hành giả giáo lý của Đức Phật, đặc biệt là Thầy Thích Nhất Hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều Lạt ma phương Tây trong đó có Ven. Thubten Jampa, Lama Willa B. Miller, David Loy, Kara Holsopple, Lucia Graves, Sister True Dedication, Linda Hueman, Dion Peoples, Jo Confino, Bạch X. Phẻ và Trần T. Khanh.

Chúng ta hãy cùng nhau thực hành sống đời thiểu dục, thanh đạm, cùng “sáng thêm niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ” hãy sống với tứ nhiếp pháp--Catuh-samograha-differu--(bố thí Dana, ái ngữ Priyavacana, lợi hành Arthakrtya, đồng sự Samanartharta) và tinh tấn chuyển hóa những nội ma ngoại chướng để ngày càng đến bến bờ Chân-Thiện-Mỹ, Nhất Thừa hay ít nhất là để giúp cho Trái đất Mẹ xinh đẹp và quý giá này thành một môi trường sống lành mạnh và tốt đẹp cho nhiều thế hệ trong mai hậu. 

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyển tập Hoa Đàm số 7 - CHỈ CÓ TỪ BI MỚI CÓ THỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA KHỎI VẤN NẠN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (ONLY LOVE CAN SAVE US FROM CLIMATE CHANGE).

Thay mặt Ban Biên Tập
Tâm Thường Định

Monday, February 18, 2019

Phật Giáo Vấn Đáp - The Buddhist Catechism ( Henry Steel Otcott và HT. Thích Trí Chơn)



Sách designed by Uyên Nguyên, Lotus Media Inc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông độc giả Phật tử Việt Nam tại hải ngoại đang cần có tài liệu trau giồi Phật Pháp bằng tiếng Anh để dùng nói chuyện, hay có thể trình bày tóm lược về giáo lý đạo Phật với người ngoại quốc cũng như giúp các học sinh, sinh viên Phật tử đang theo học ở các trường trung, đại học tại Hoa Kỳ thông hiểu một số danh từ Phật học Anh ngữ chuyên môn để có thể soạn viết những bài luận văn, thuyết trình ngắn (papers) hoặc diễn đạt, trao đổi ý tưởng về Phật giáo với các bạn bè ngoại quốc và giáo sư Mỹ trong lớp, chúng tôi đã không ngại tài trí thô thiển cố gắng soạn dịch cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) sau đây để cống hiến chư Phật tử gần xa.




Tác phẩm do Phật tử người Hoa Kỳ, đại tá kiêm học giả H.S.Olcott (1832-1907) biên soạn, tham cứu từ 15,000 trang kinh điển Phật giáo, gồm có tất cả 383 câu hỏi và trả lời tóm lược về mọi yếu điểm của Phật giáo từ cuộc đời Đức Phật, giáo lý, sinh hoạt chư Tăng, đến lịch sử truyền bá cùng sự tương quan giữa Phật giáo và khoa học v.v… Mặc dù nơi bản chính Anh văn ghi 383 câu hỏi nhưng thật sự chỉ có 381 câu, vì thiếu hai (2) câu số 104 và 105. Và, để quý độc giả tiện đối chiếu với nguyên tác, nơi bản dịch, chúng tôi vẫn ghi đủ số 383 câu hỏi như nguyên bản tiếng Anh. Cuốn “The Buddhist Catechism” xuất bản lần đầu tiên năm 1881 tại Adyar (Ấn độ) và bản tiếng Anh được tái bản lần thứ 33 ( năm 1897); thứ 36 (1903); thứ 40 (1905); thứ 42 (1908); và lần thứ 44 (1915).

Từ đó (1915) đến nay, tác phẩm này đã được các nhà xuất bản, hội đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ và những quốc gia khác cho in lại nhiều lần nhằm mục đích truyền bá giáo lý của đức Phật đến người Tây Phương khắp nơi trên thế giới. Cuốn sách cũng đã được dịch ra ít nhất 20 ngôn ngữ của các nước Á và Âu Châu như Ấn Độ, Tích Lan, Pháp, Đức, Nga, Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha v.v… Hơn nữa, tác phẩm trên không những khoảng 90 năm trước đây (1897) mà ngay cả hiện nay, nó vẫn còn được dùng làm tài liệu căn bản để dạy Phật Pháp bằng Anh văn cho đa số học sinh, sinh viên và chư Tăng tại hàng trăm trường trung, đại học Phật giáo cũng như các chùa, Phật học viện ở Tích Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Tân Gia Ba, và nhiều quốc gia Á Châu khác.

Vì nhận thấy lợi ích thiết thực như thế, nên lần đầu tiên, chúng tôi cố gắng dịch tập sách này ra tiếng Việt, mong đóng góp phần nhỏ vào kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại; cũng như để giúp cho các Phật tử, nhất là giới trẻ thanh, thiếu niên Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng các quốc gia Úc và Âu Châu có thêm tài liệu Phật Giáo bằng song ngữ Anh-Việt để tiện bề nghiên cứu. Chúng tôi dịch xong cuốn sách từ mùa hè năm 1986, nhưng vì thiếu nhân duyên nên đến nay, nó mới được in ra để gởi đến quý vị.

Chúng tôi cũng xin thưa, ngạn ngữ Pháp có câu: ”Dịch là phản bội” (Traduire c’est trahir), nhất là dịch sách Phật giáo, chứa đựng triết lý thâm sâu lại đầy dẫy những thuật ngữ tiếng Pali và Sanskrit (Phạn) khó hiểu; cho nên, mặc dù đã hết sức tra cứu trong hoàn cảnh thiếu thốn tự điển về danh từ Phật học bằng tiếng Việt-Pali-Sanskrit như hiện nay tại hải ngoại, chúng tôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi có những lỗi lầm, sơ sót.

Chúng tôi mong dịch làm sao vừa sát nghĩa câu văn của nguyên bản, vừa lột hết ý của tác giả được chừng nào hay chừng ấy, để quý độc giả khi đọc không thấy đó là bản dịch. Có những trường hợp, vì muốn được rõ nghĩa, nên chúng tôi đã phải thêm vào sau câu văn dịch vài chữ đặt trong hai dấu ngoặc. Hầu hết các danh từ Phật giáo về triết lý, nhân hoặc địa danh tiếng Pali và Sanskrit (Phạn), chúng tôi đều dịch ra Việt ngữ, và có ghi kèm sau cả những tiếng Pali, Sanskrit đó để giúp quý độc giả tiện bề tra cứu.

Riêng bản Phụ Lục (Appendix) phần sau cuốn sách này, chúng tôi chỉ dịch “Mười bốn (14) điều Tin Tưởng Căn Bản của Phật Giáo” ở trên mà thôi; còn đoạn dưới liệt kê danh tánh của quý Chư Tăng, Phật tử đại diện những phái đoàn các nuớc đến tham dự đại hội Phật giáo tổ chức tại Adyar, Madras (Ấn độ) vào tháng 01 năm 1891, (trang 92, 93, và 94), chúng tôi đã không dịch vì nhận thấy không mấy cần thiết.

Tiện đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế đã hết lòng khích lệ, góp nhiều ý kiến bổ ích, và nhất là giúp đỡ chúng tôi phương tiện để ấn hành dịch phẩm này.

Sau cùng, chúng tôi kính mong quý chư tôn, thiền đúc; pháp hữu ân nhân cùng các bậc cao minh thức giả sẽ vui lòng bổ chính cho những sai lầm, thiếu sót, nếu có; để nhờ đó, sau này cuốn sách sẽ được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn trong kỳ tái bản. 
Hoa Kỳ, mùa Vu Lan 2531 (1987)

--------------
Lotus Media tái bản, tháng 2, 2019