Tiếp theo phần một và hai, hôm nay chúng ta tiếp tục thảo luận với nhau về đề tài “Ý nghĩa và tinh thần tu học, hành trì của người Huynh trưởng”, mà như đã trình bày, đây là tài liệu hội thảo của GĐPT Miền Quảng Đức, 2001. Bấy giờ Trưởng ban là Chị Tâm Chánh Phạm Thị Hoài Chân và Phó Điều Hành là Anh Tâm Nghĩa Ngô Vân Quy. Nói cụ thể hơn, đây là tài liệu tổng hợp từ các nguồn tham khảo được liệt kê, lúc bấy giờ có được, để thuyết trình trước hội nghị:
- Trao cho thời đại một nội dung Phật chất, Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
- Những đóng góp to lớn của đạo Phật với dân tộc và nhân loại, Hòa thượng Thích Đức Nhuận
- Đại Cương Đạo Đức Học Phật Giáo, Hòa thượng Thích Mãn Giác
- Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
- Thắng Man Giảng Luận, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
- Gia Trưởng, Huynh trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
- GĐPT Việt Nam-Cương Yếu và Tổ Chức, Huynh trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
- Tinh Yếu Kinh Văn, Huynh trưởng Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi.
và đặc biệt, phần nhiều nhằm giới thiệu văn bản “Đại Cương xây dựng chương trình tu học và huấn luyện Huynh trưởng GĐPT” của Trưởng niên Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi, nay đã xuất gia với Pháp hiệu Thạnh Không.
Đại hội toàn quốc 2004, Hoa Kỳ, quả thật là một biến cố ngoài dự tính, khép lại mọi dự án của các lãnh vực tu học GĐPT, được tập thể xây dựng và trong giai đoạn khai triên và thực hiện, bị đình trệ, hoặc xóa bỏ. Nhiều năm sau kéo theo những hệ lụy mà điểm đáng tiếc, là phá vỡ những giá trị chung đã từng được anh em vun đắp để làm thành chất liệu tô bồi cho tổ chức phát triển mà không lệch hướng. Nói một cách khác, những giá trị tinh hoa do chính anh chị em dày công vun xới, lại do chính mình đãi bôi.
Nhiều thế hệ tiếp bước, vì vậy chưa kịp tiếp cận những nguồn tư liệu vốn cần và căn bản, để khi tham dự các lớp huấn luyện, hoặc nghiêm trọng hơn lúc đóng vai trò huấn luyện, dễ vấp phải những việc đáng tiếc, mà chất lượng đào tạo càng lúc càng suy giảm, thiếu hiệu quả.
Niên trưởng Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi (phải), nay là Thầy Thạnh Không
Tinh thần học Phật thể hiện tròn sáng
qua hành trình tu Phật của người Huynh trưởng
Trở lại với lời tâm trong phần hai vừa rồi, ta hiểu gì về “trau dồi biệt nghiệp”. Hiểu theo nghĩa xúc tích tròn đầy phải chăng là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, hướng đến một sự tu học và hành trì cho mình. Chúng ta khi đã nhận thức rõ rằng: con người vốn là một hiện hữu trong mê, nhưng nhờ phúc duyên lớn nhất là gặp được giáo lý của Phật chỉ bày cho thấy trong cái thực thể mê si ấy lại có một kho tàng quý báu là Phật tánh, chỉ vì lâu nay mãi lăng xăng theo hiện tượng giới trăm sai vạn biến mà khởi niệm buông lung, chao đảo mê lầm. Nay thì quyết tâm quay về nương tựa Tam Bảo phát lập hạnh nguyện đêm ngày thủ trì nghi giới, nhiếp phục thân/tâm để sáng lộ tự tính thường tịch. Sau đó mang cái thực nghiệm, thực chứng ấy trao truyền cho đàn em, cho những ai mà mình có duyên gặp gỡ để hướng dẫn họ phát khởi sự thiết tha yêu đạo, mến đạo và sống đạo.
Phát nguyện gia nhập vào hàng ngũ Huynh trưởng GĐPT, chính là chúng ta đã chọn lấy một pháp môn tu trong dòng tiếp hiện-tiệm tu, nhưng chí nguyện là Đại Thừa-Bồ Tát Hạnh. Người Huynh trưởng lúc đi trên con đường cầu đạo và tu học phải lấy căn bản thanh tịnh Pháp thân làm đầu, tránh phạm Giới phần, tự thân phải biết huân tu thiện nghiệp, rời bỏ mọi sự tham ái và chấp thủ.
Đối với GĐPT, tinh thần huấn luyện Huynh trưởng dù cao cấp như trại Vạn Hạnh cũng không nhằm đào tạo các nhà học giả, mà chỉ nhằm đào tạo những Huynh trưởng hướng dẫn thế hệ kế thừa. Nên học Phật không phải để bàn sâu tán rộng, mà học để hiểu, nhớ nhuần nhuyễn và làm cơ sở cho hành động nhập cuộc dấn thân, đối trị những điều ác dữ, hướng đến chí nguyện Đại thừa, để làm tốt cho Đạo, làm đẹp cho Đời. Tinh thần này là ý nghĩa thực dụng của Kinh Lăng Nghiêm, soi rọi cuộc đời hư huyễn vô thường và làm nổi bật các tính thường còn mà GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ thì trước hết phải nhắm đến việc rèn luyện tư cách tác phong đạo đức, thành toàn nhân phẩm con người (tự độ), rồi mới nghĩ đến chí hướng Đại thừa cao cả (độ tha). Giải thích điều này, xin nêu ra đây mấy yếu tố để anh chị dễ dàng nhận xét:
- Lăng nghiêm chỉ dạy rốt ráo các pháp đối trị tà vọng và hành trì thắng nghĩa viễn ly, GĐPT nương theo đây vẽ phác chương trình tu học và hành trì của mình;
- Lăng nghiêm dạy nhân quả đồng phận, nghĩa là lấy Phật tâm mới có thể cầu Vô thượng Đạo, GĐPT phải học hiểu, và tự giác xin được phát nguyện, không ai chỉ định hoặc thúc ép trong sự tự phát quyết định đó.
- Lăng nghiêm không tách rời lý thuyết và hành động. GĐPT lấy tinh thần Bi-Trí-Dũng làm phương châm hành động.
- Lăng nghiêm lấy đức tin sáng suốt mà dõng xuất chí hướng. GĐPT lấy đức tin sáng đó làm ngọn đuốc soi đường cho cả cuộc đời mình.
- Lăng nghiêm, kể từ khi phát nguyện, A Nan và Đại chúng kiên trì hạ thủ cho đến chứng quả vị giác ngộ. GĐPT kể từ khi phát nguyện, nguyện trung thành với tổ chức, nguyện xả thân vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc, nguyện ngày đêm tinh tấn tu học giáo lý Phật đà, nguyện tôn trọng Nội quy-Quy chế GĐPT.
- Lăng nghiêm lấy căn bản thanh tịnh pháp thân làm đầu, GĐPT kiến lập điều luật thứ 4: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.”
- Lăng nghiêm dạy Phật tử đoạn sát, GĐPT kiến lập điều thứ 2: “Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.”
- Lăng nghiêm dạy Phật tử đoạn tham và vọng ngữ, GĐPT kiến lập điều thứ 3: “Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.”
- Lăng nghiêm dạy phải trường kỳ chiến đấu cùng tự thân. Giới luật là cốt để ngăn chặn phiền não chứ không để phẩm bình kẻ khác. GĐPT lấy kỷ luật tự giác, tự phê, tự kiểm, đúng thời đúng chỗ.
- Lăng nghiêm xưng tán Văn-Tư-Tu và sử dụng Giới-Định-Huệ để đi đến giác ngộ, GĐPT lấy Văn-Tư-Tu để kiến lập và hình thành chương trình tu học. Lấy Giới-Định-Tuệ làm phương pháp tu trì…v.v.
Phật pháp tuy phân thành nhiều giáo hệ, nhưng lúc tu học thì Huynh trưởng không nên phân chia bởi tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều là phương tiện môn. Phương pháp giáo dục GĐPT vốn nương từ các đề Kinh mà kiến lập đường hướng cụ thể, và ở đó nổi bật tinh thần “bất nhị pháp môn”, nghĩa là pháp môn không hai:
Học và Hành là hai. Học cho biết sự tướng chánh, tà, hư, huyển, chân. Lại cũng biết nương theo tà mà lập chánh; nương nơi hư mà lập thực; nương huyễn để lập chân. Do đó khi tà, hư, huyễn đã diệt thì cái tướng học, hành, chánh, chơn thật cũng không có. Sự và Lý là hai. Nương nơi sự mà hiểu lý, nhờ lý mà hiểu sự. Thông đạt lý, không chấp trụ. Thế cho nên GĐPT dù có phân thành ngành nam, nữ, thanh, thiếu, đồng hay các bậc học từ Sơ sanh đến Lực, các cấp Tập, Tín, Tấn và Dũng…v.v thì vẫn không hạn cuộc vướng kẹt ở những hàng rào hình thức ấy. Tinh thần giáo dục của GĐPT là phá chấp triệt để nhưng lại không thấy chỗ phá chấp, nghĩa là sự lý nương nhờ nhau mà tồn tại và hoại diệt đúng thời nghi. Vì vậy, sự và lý phải song hành hỗ tương và tròn sáng. Sự nương lý mà tồn tại, lý nhờ sự mà được hiển bày.
GĐPT là một đạo tràng bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, trí ngu, quý tiện, tuổi tác, gái trai, già trẻ hay đối xử đãi ngộ nên có cùng chung một chương trình tu học thống nhất. Thế thì người Huynh trưởng cần phải tu học để tùy thuận thông biến, lấy tinh thần trụ thế gian mà trì Như Lai Tạng, với pháp hỷ hoan lạc mà truyền thừa không dứt (Vô tận đăng). Khi đó mọi thứ bức bách, khảo đảo, khó khăn của hoàn cảnh môi trường có tác nhân hay không tác nhân, đều cẩn thận quán chiếu để thấy rằng đó là nghịch vận Bồ Tát hạnh, để dẫn dắt ta tấn tu. Không trụ vào trú xứ, cấp bậc hay chức vụ. Phục vụ bất cứ ở đâu, lúc nào và làm việc hết khả năng của mình (tinh thần này chính là nương vào đề Kinh Duy Ma Cật). Phải luôn luôn tâm niệm Huynh trưởng là người bạn lành của tổ chức, của đàn em thì không đợi mời thỉnh, bất kỳ lúc nào và ở đâu mà tổ chức cần thì sẵn sàng gánh vác và chịu trách nhiệm về thịnh suy của tổ chức. Huynh trưởng phải phá vỡ mọi đầu óc cục bộ địa phương, lấy tinh thần Thắng Man mà nhiếp phục tất cả mọi oán tặc ma chướng, đối trị ngã mạn tự cao và tự ti để thể hiện và gìn giữ thống nhất của đoàn thể mình.
Tóm lại, quá trình sinh hoạt GĐPT là áp dụng giáo pháp Phật đà. Người Huynh trưởng nhớ đến thế hệ tôn huynh đi trước liền thể hiện sự biết ơn đó bằng cách báo ân sẵn sàng gánh vác sứ mạng trước thế hệ em mình. Sứ mạng này đòi hỏi người Huynh trưởng phải buông bỏ những tư tưởng kém hèn, chạy theo căn trần dục lạc mà vong thân mất gốc, bỏ những công việc chuyên gây nhân tạo nghiệp và tập cách quản trị điều hành sự nghiệp tuệ giác. Không tự tôn, không tự ti, tinh tấn hành trì mà không thấy là mình có làm có công. Hân hoan vui vẻ khi thấy người hơn ta, giúp đỡ kẻ thiếu thiện duyên để cùng mình thăng tiến. Phải năng hành thân giáo, nêu tánh hạnh lành, dẹp bỏ phê phán, chỉ trích người khác. Phải thực tu, thực chứng, không vụ ngôn thuyết, biện bác lý luận. Nỗ lực tinh tấn, âm thầm tấn tu, đối trị giải đãi, sân hận.
Khi Huynh trưởng đã nhận thức vạn Pháp đều là phương tiện, phải biết cách dụng của từng pháp môn để hướng dẫn đàn em. Phát triển xây dựng tổ chức qua hành trì Kim Cang, lấy trí huệ làm tôn chỉ để khai quật tận gốc sân hận mê si. Khi mỗi chúng ta là một Kim Cang giả thì tổ chức được thắp sáng bởi ánh đuốc trí tuệ, xây dựng bằng công đức thù thắng nhằm quét sạch những hạn cuộc chướng ngại. Tinh thần Kim Cang là lưỡi gươm đoạn trừ ma chướng, không sợ hoàn cảnh, đối nhân tác hại mà vẫn tinh tấn không lùi.
Để tạm kết luận phần này, khi ta nhận thức rõ rằng Huynh trưởng chịu trách nhiệm sự tồn vong của tổ chức thì không thể không nắm vững tinh thần Bồ Tát Đạo. Không dính mắc ở hành xứ quốc độ, đến đi không lưu tích, ở về, xuất xứ khó nghĩ bàn mới có thể hành thâm Bồ Tát Hạnh, lợi ích cho tổ chức và nhân quần xã hội. Vậy, Huynh trưởng trước phải tự độ, sau mới nói đến độ tha.
Xin hẹn quý anh chị vào kỳ tới: Những nguyên lý căn bản khi kiến lập chương trình tu học Huynh trưởng GĐPT.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát
No comments:
Post a Comment