Thursday, March 21, 2019

Giới Thiệu PHẨM VẬT CỦA TRẦN GIAN của Nguyễn Hoàng Lãng Du

Giới Thiệu PHẨM VẬT CỦA TRẦN GIAN 

(Tấm Lòng của Một Vị Trưởng)




PHẨM-VẬT CỦA TRẦN-GIAN
Biên-soạn: Nguyễn Hoàng Lãng Du
Bodhi Media xuất-bản, 2019
Bìa và trình-bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-0-359-36781-8
© Tác giả và nhà xuất-bản giữ bản-quyền.

Trong nhân gian, Chân lý được tôn trọng và có giá trị lâu bền. Theo từ (tự) điển mở, “Chân lý là khái niệm để chỉ những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan; sự phù hợp đó đã được kiểm tra và chứng minh bởi thực tiễn. Nói cách khác chân lý là thực tại được nhận thức một cách đúng đắn. Tóm lại chân lý là một sự thật của loài người luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian.”  Phật Giáo lấy Tứ Diệu Đế (Bốn Chân Lý Vi Diệu) làm nền tảng. Thiên Chúa Giáo lấy Chúa Kito làm Chân lý.
Người xưa cũng lấy 5 đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm lẽ sống. Trong tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian của Nguyễn Hoàng Lãng Du, anh cũng lấy Sự Thật làm hành trang. Sự thật, Người thật và Việc thật là những gì cuốn sách này muốn truyền trao. Trong tác phẩm này cô đọng những tài liệu có nghiên cứu tóm lược những mẫu chuyện hay về người thật, việc thật từ Đông sang Tây, từ Cổ đến Kim. Nhưng tại sao tác giả phải tốn thời gian và công sức để làm việc này? Thuở xưa, Tú Xương, một nhà thơ trào phúng, người có Tâm và Tầm trong thi ca, có lần nhìn nhận “sự nghiệp” đích thực của chính mình rằng:
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì!
Thế mà bây giờ, cũng có nhiều người xuyên suốt bao thế hệ, trong đó có nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du hay cá nhân chúng tôi lại ‘lảm nhảm’ đi làm cái việc mà cụ Tú Xương (Trần Tế Xương: 1870 – 1907) hay cụ (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: 1889 – 1939) đã cảnh giác từ thuở đó, từ cái thuở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Phải chăng, đó cũng là nghiệp dĩ văn chương, hay chỉ là một chút hoài niệm, một món quà nhỏ nhoi để lại cho đời. Hay tác giả chỉ muốn nói lên Sự Thật, vì Sự Thật là ánh sáng, là chân lý và là kim chỉ nam để sống.
Chân lý và Sự thật vi diệu cần phải tiếp nối và lưu truyền. Tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian, một phần đóng vai trò đó vì không những Tác phẩm này có những tài liệu và bài học cụ thể về tin yêu, bác ái, đạo đức, nhân bản mà còn mang tinh thần chánh niệm, cũng như một ý thức hệ tử tế, ôn hòa, và lẽ phải cần thiết để xây dựng và lưu lại cho mai hậu. Tinh thần vị tha, nhân bản, từ bi, bác ái và trí tuệ vi diệu đó cũng là nền tảng của những người “Trưởng” dù là Trưởng Hướng Đạo hay Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Trưởng Hướng Đạo và Hướng Đạo sinh thì luôn gìn giữ 3 lời hứa và 10 điều luật sau đây:
Lời hứa Hướng Đạo:
“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:
  1. Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh và Quốc gia tôi
  2. Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào
  3. Tuân theo luật Hướng Đạo.”
Luật Hướng đạo:
  1. Hướng đạo sinh trọng danh-dự; ai cũng có thể tin được lời nói của Hướng đạo sinh.
  2. Hướng đạo sinh trung-thành với tổ-quốc, với cha mẹ, với người cộng sự.
  3. Hướng đạo sinh có bổn-phận giúp-ích mọi người.
  4. Hướng đạo sinh là bạn khắp cả mọi người và coi Hướng đạo sinh nào cũng như ruột thịt.
  5. Hướng đạo sinh lễ-độ và liêm-khiết.
  6. Hướng đạo sinh yêu-thương các sinh vật.
  7. Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện-bác.
  8. Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
  9. Hướng đạo sinh tằn-tiện của mình và của người.
  10. Hướng đạo sinh trong sạch từ tư-tưởng, từ lời nói tới việc làm. (HDVN, 1957-1975)
Còn trong tổ chức Gia Đình Phật Tử thì ai ai cũng cố gắng thực hành 3 điều luật của các em Oanh Vũ và 5 điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thiếu, Thanh của Gia Đình Phật Tử, đó là:
Ba Điều Luật Của Ngành Oanh Vũ
  1. Em tưởng nhớ Phật
  2. Em kính mến Cha Mẹ và thuận thảo với anh chị em.
  3. Em thương người và vật.
Năm Điều Luật của Ngành Thanh, Thiếu và Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử
  1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
  2. Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
  3. Phật tử trau dồi trí huệ, tôn trọng sự thật.
  4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
  5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Ðạo. (Gia Đình Phật Tử Việt Nam, 1944)
Trưởng Hướng Đạo hay Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, Thiên Chúa hay Phật Giáo, Tây hay Ta, v.v… tất cả đều là “Trưởng” và là huynh đệ với nhau, và theo ngôn ngữ của tác giả, Chúng Ta Là Anh Em. Với tinh thần trên, nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du luôn hướng về các tổ chức giáo dục tuổi trẻ, noi theo tinh thần hướng thiện cao thượng, chúng tôi tin rằng: đối với cựu trưởng hướng đạo lão thành Nguyễn Hoàng Lãng Du là một nỗ lực vượt bậc của riêng người và là món quà quý báu cho thế hệ mai sau. Hầu hết những nhân-vật trong tài-liệu này là có thật, những sự thật vi diệu. Hãy đọc Xưa Cũ Như Những Ngọn Đồi (Thánh Gandhi) hay Hạnh phúc và Khí giới (Đức Đạt Lai Lạt Ma 14)Họ đến và rồi đi như sự tuần hoàn kỳ diệu trong thiên nhiên. Tình yêu, trí-tuệ, sự dâng-hiến và hành-động của nhiều người trong tuyển tập này là hoa thơm cho nhân loại và là dấu dẫn đường cho con người đến gần Chân-Thiện-Mỹ.
Họ đã đến và đi như những chiếc lá vàng rơi về nguồn cội. Họ tới, tạm dừng lại trên thế-gian này, sống và cống hiến, rồi ra đi một cách âm thầm lặng lẽ, trong đó có nhà giáo dục, nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du.  Nhưng những gì họ để lại là những đứa con tinh thần vô giá cho thế hệ tương lai.
Phẩm Vật của Trần Gian chứa đựng một quá trình và kinh nghiệm sống của một con người có trái tim rộng lớn. Nhưng xa rộng hơn, đây là những bài học quý giá, là Phẩm Vật của Trần Gian, chứ không phải của riêng Anh. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tìm thấy tác phẩm này là chiếc cầu kết nối không gian và thời gian; nhịp cầu hiểu biết, thương yêu và trí tuệ đưa những người đi trước và kẻ đến sau ngày càng gần lại. Mà trí tuệ là gì? Ông Paul Baltes, nhà tâm lý học của Viện Max Planck ở Berlin, Đức định nghĩa như sau: “Trí tuệ là trạng thái của tri thức về hiện trạng con người, về cách xuất xứ / hiện hữu của nó, yếu tố nó hình thành, cách thức con người ta giải quyết vấn đề khó khăn ra sao, và cách sống đời của mình để sau về già chúng ta đánh giá tốt ý nghĩa của nó” (Xin tạm dịch từ câu tiếng Anh).
Riêng tác phẩm: Phẩm Vật của Trần Gian, là tư liệu có trí tuệ được diễn đạt trong gần 100 bài viết ngắn, có tựa đề từ A đến Z như sau:
Ăn Sáng, Anh-Hùng Nơi Nghĩa-Trang, Bài Giảng Biết Đi, Bàn Tay Nhỏ, Bắt Đầu, Bất-Khuất, Biết Điều, Buộc Tội, Cách Chấm Dứt Tranh Cãi, Cái Cúc Áo, Cái Tâm, Cao-Thượng, Cây Tre, Chắn Nắng, Chia Sẻ, Chiếc Cầu Của Cô Gái Xấu Số, Chiếc Giầy Của Thánh Nhân, Chọn Người, Chúng Ta Là Anh Em, Con Lừa, Cùng Khốn, Độ-Lượng, Đứng Dậy Sau khi Ngã Xuống, Đường Lầy, Đường Lối Mới, Giá-Trị Của Sự Thực-Hiện, Hàng Thiện Trí-Thức, Hạnh-Phúc Và Khí-Giới, Hành-Xử, Hoàn Lại Cho Người, Hy-Sinh, Kẻ Phản-Bội, Khác- Biệt, Không Cần Nhớ, Không-Khí, Làm Thầy, Lãnh-Đạo, Leo Lên Từ Đáy Vực, Lịch-Sự Và Bén Nhậy, Lời Khuyên, Lula, Ly Trà, Mọi Người Đều Vui-Vẻ, Món Quà, Một Người Cha Đặc-Biệt, Ngắn-Gọn, Nghe Nhạc, Nghệ-Thuật Của Nhà Danh-Họa, Nghĩa Cả, Người Bạn Tốt,, Người Khách Lạ, Người Lịch-Sự, Người Mẹ Của Phong-Trào Tự-Do, Người Và Cá, Nhân Tính, Nhân-Đạo, Niềm Tin, Phần Của Các Em Mồ-Côi, Phật Ky-Tô, Phong Cùi, Phụ-Họa, Phục-Vụ, Phương-Pháp Của Nhà Hiền-Triết, Sau Khi Đã Chết, So-sánh, Tấm Lòng Của Một Vị Vua, Tận-Hiến, Tay Trắng, Tha-Thứ, Thành-Thật, Thích-Ứng, Thiên-Lệch, Thuật Cai-Trị, Thuyền Không Thể Đắm, Tin Vui Nhất Trong Tuần, Tôi Hành-Động, Trong Bùn Lầy, Tương-Xứng, Ứng-Khẩu, Vâng Lời, Vị Mục-Sư Và Cô Gái Nhỏ, Việc Nghĩa, Việc Nhỏ Bé, Vươn Cao, Vượt Trở-Ngại, Xếp Hình Cùng Mẹ, Xưa Cũ Như Những Ngọn Đồi, Ý-Kiến Của Tôi, Yêu Thiền.
Ở đây tác giả đã biểu lộ tâm huyết, tinh hoa, niềm tin yêu và hy vọng, mà hy vọng chính là định hướng của tinh thần, của trái tim. Đó cũng là nền tảng đạo đức, một giá trị cốt lõi và nhân phẩm để con người vươn lên. Chúng ta đều biết hy vọng không dập tắt được khổ đau nhưng duy trì được niềm tin rằng có thể chấm dứt đau khổ ấy.
Khi chúng ta bước đến ngưỡng cửa Bố thí Ba La Mật, khi phẩm vật cho và được nhận, cũng như người nhận và cho, không còn có sự phân biệt thì đó là một sự thành công mỹ mãn. Vì cho và nhận hai nhưng một, vì để tiếng cười khi ra đi; như hai vầng thơ mà tôi đã viết năm nào, nay thì xin mượn lời Baso nhận định về tác giả và tác phẩm như sau vậy.
Qua cánh cửa con
Hoa Đào vừa nở
Cả ngoài lẫn trong.
Tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian cũng như hoa Đào ấy, nhẹ thoảng trong không gian đến được tay của quý vị đang đọc, là một món quà trân quý của nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du. Xin được trân trọng giới thiệu tác phẩm này đến quý vị như là một sự truyền cảm hứng cho nhau và một hữu duyên tương phùng tao nhã. Những mẫu chuyện trong tác phẩm này chúng ta có thể kể cho nhau nghe trong những buổi sinh hoạt quanh đèn, câu chuyện dưới cờ, những đêm lửa tàn, hay cho con cháu chúng ta v.v… Xin hãy đọc với lòng trân quý và biết ơn. Kính chúc quý vị hữu duyên với tập sách này đầy đủ sức khoẻ, bình an và hạnh phúc.
Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Tâm Thường Định – Bạch X. Phẻ
Sacramento, CA. Ngày 14.02.19

No comments:

Post a Comment