Friday, March 8, 2019

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

VANTUYEN_1Tuệ Sỹ Văn Tuyển 1: Tư Tưởng Phật Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
IMG_3346Đã từ lâu và vài ba lần mỗi khi nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, lúc phân chia các thời kỳ, niên biểu 1963 và những năm tiếp theo cho thấy sự chuyển hướng ngoạn mục cho tinh thần và sự sáng tạo bật lên lan tràn cho ít ra là một thế hệ thanh niên mà sự vận động của thời thế đã mang lại. Không có cuộc thay đổi quyền lực quyết liệt năm 1963 – ở đây tránh dùng chữ cách mạng – có thể dùng chữ đảo chánh – sẽ không có sự ngoạn mục vừa nói. Tinh thần Đông phương, sự hòa hài của nhân quần, Thiền tính và thiên nhiên xanh mát một sớm một chiều đã từ các mái chùa lan tỏa vào tuổi trẻ thành phố, các phường khóm, những con đường quê, tiếng chuông thu không, lời kinh niệm Phật, và trở thành thơ, thành nhạc, thành văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam trong ít nhất là 10 năm sau đó [nó chỉ biến đổi năm 1973 với Hội Nghị Quốc Tế về ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Paris, một vận động chính trị ở ngoài tầm tay của Sài Gòn]. Mười năm trước đó, với dấu mốc 1963, sách vở báo chí nay còn ghi lại cho đời sau: các trí thức thất thế dưới “chính quyền nhân vị” và dưới một bầu trời rợp ác điểu mây đen đã thấy lại Phương đông, dập dìu nơi mái trường Vạn Hạnh lại thấy thày xưa, vẻ cũ thân thuộc: những Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Thạch Trung Giả, Ngô Trọng Anh, Tam Ích một phía, phía khác những người trẻ tuổi tràn đầy sức sáng tạo trên tở tạp chí Tư Tưởng với các nhà xuất bản An Tiêm Lá Bối Ca Dao Hoàng Hạc và Ban Tu Thư Vạn Hạnh và cả trăm cả ngàn cuốn sách viết và dịch với Tuệ Sỹ, Phùng Khách Trí Hải, Phùng Thăng, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp, Phước An, Lê Tôn Nghiêm, Chơn Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Trúc Thiên, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư,… Hôm nay mục Thời Sự Nhân Văn sẽ nói về một trong nhưng người trẻ nhất trong những danh tính vừa kể: nhà thơ Tuệ Sỹ.
Trong tổ chức của đại học Vạn Hạnh, Tuệ Sỹ là khoa trưởng Phật học. Ông nổi tiếng với sự thấu suốt “Triết Học Về Tánh Không,” được coi là học giả xuất sắc về Long Thọ. Lúc ấy ông mới hơn hai mươi tuổi. Vào đời ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, tên khai sinh là Phạm Văn Thương, vào chùa tu năm 7 tuổi, tức “đồng nhi xuất gia.” Năm 21 tốt nghiệp cao đẳng Phật Học, năm 1965 học xong phân khoa Phật học đại học Vạn Hạnh, đến năm 1970 được hội đồng viện đặc cách phong giáo sư thực thụ. Năm 1972 chủ biên Tạp chí Tư Tưởng. Tác phẩm đầu tay là “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”, 1973. Ông đọc Tô Đông Pha từ nguyên tác chữ Hán. Ngoài sự uyên bác về Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa, ông còn là một học giả về văn chương cổ Trung Hoa. Năm 1984 bị cộng Sản Việt Nam bắt giam do sự tranh đấu không ngừng đòi tự do tôn giáo, và ngày 30 tháng 9, 1988 bị tòa án của họ ở thành phố HCM tuyên án tử hình cùng thượng tọa Trí Siêu. Do áp lực của quốc tế, nhiều năm sau họ đổi bản án thành chung thân, cuối cùng trước dư luận chống đối không bớt giảm, họ đã phải để ông tự do sớm hơn hạn định. Hòa thượng Tuệ Sỹ từng là đệ nhất phó viện trưởng Viện Hóa Đạo Kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước khi trở về chùa vùng Bảo Lộc. Cố Hòa Thượng Mãn Giác Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh từng nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật Giáo Việt Nam phải đợi tới 350 năm mới có một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ.”
VANTUYEN_2Tuệ Sỹ Văn Tuyển 2: Tiểu Luận Triết Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Trong mấy tháng gần đây một bộ sách 900 trang khổ lớn nhan đề là “Tuệ Sỹ Văn Tuyển” được Hương Tích xuất bản tại Hoa Kỳ. Trước khi đi vào Văn Tuyển này, về Tư Tưởng Phật học, tiểu luận triết học và về văn học, trước hết là những đề mục của cuốn I: Tư Tưởng Phật Học:
Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận: Vũ trụ luận thần thoại, Vũ trụ luận cổ đại, Ý nghĩa thần thoại.
Dẫn vào Duy Thức học: Thức là gì? Tâm-ý-thức, Thức biến, Thành duy thức, Thành duy thức luận. Giá trị của Bồ tát hạnh. Thức ăn để tồn tại: đoàn thực hay đoạn thực, xúc thực, ý tư thực, thức thực.
Vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch kinh tạng Phạn ngữ và Hán ngữ. Lý luận phiên dịch, Cấu tạo từ. Bát quan trai giới, tu giới, ý nghĩa bát quan trai, ý nghĩa thọ giới, nội dung tám giới, tăng trưởng thiện căn. Du già bồ tát giới. Và lễ Tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt.
Xin trích một đoạn dẫn giải và quan điểm của Tuệ Sỹ vế vấn đề đã tốn nhiều giấy mực, đó là “vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch.”
“Theo định nghĩa chung ngày nay, phiên dịch là sự chuyển dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Tất nhiên trong Hán văn hai từ ‘dịch’ trong đây cơ bản không đồng nghĩa. Chúng ta nói là chuyển dịch, vì quen với từ Anh ‘translation,’ mà gốc La-Tinh của nó, translatio là từ phát sinh từ phân từ thụ động quá khứ – translatus, của động từ transfere mà chúng ta tạm cho là tương đương với từ chuyển dịch. Nội hàm của từ ngữ như vậy cũng cho ta thấy rõ mục đích của công việc này và cách thức thực hiện. Về cơ bản, và có lẽ kể từ nguyên thủy, dịch là chuyển một vật từ ngôn ngữ này sang này sang ngôn ngữ khác để người nghe đồng nhất nội hàm của hai từ khác nhau. Như khi một Phạn tăng muốn chuyển từ ãmra-vana sang Hán, vì lúc bấy giờ đức Phật đang ở tại chỗ đó. Theo chứng kiến hiện trường, hay do mô tả chính xác, họ chuyển được từ vana sang từ viên là cái vườn, mặc dù nhiều khi họ phân vân giữa viên và lâm. Nhưng hiện trường không có vật gì đương với từ ãmra, và cũng không thể mô tả để người Hán hiểu, đành phải phiên âm là yêm-ma-la viên. Hoặc giả khi họ phiên dịch những điều Phật quy định về thức ăn cho tỳ kheo. Họ đưa ra từ khãdanĩya. Sự kiện được đề cập này có thể mô tả xác thực, mà cũng có thể chứng kiến hiện trường. Nhưng Hán văn không hề có từ tương đương, vì người Hán không bao giờ nghĩ đến thực phẩm theo cách đó. Vậy lại phải phiên âm khư-đà-ni, hay khư-xà-ni, hay tương tự, tất nhiên phát âm lơ lớ với nguyên ngữ.
VANTUYEN_3_FBTuệ Sỹ Văn Tuyển 3: Văn Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Đó là trường hợp phiên chuyển những từ cụ thể, sờ nắm được, mà vẫn vấp phải những điều bất khả. Trường hợp liên hệ đến ý tưởng, sự việc tất phải khó hơn. Nhưng cũng có thể dễ hơn. Vì người ta nói vẽ quỷ dễ hơn vẽ người.” (Tuệ Sỹ, Tư Tưởng Phật Học, tr. 183-184.)
Cuốn thứ hai là tiểu luận triết học. Cuốn thứ 3 là văn học. Người sưu tập lại các bài viết này, anh Hạnh Viên mà tôi đã có gặp, đã trích dẫn một số thơ tuyển của sư phụ anh, rồi viết một “Hậu Từ” ý vị. Tôi sẽ làm như thế, cũng trích dẫn một vài đoạn thơ của người bạn tôi, trên nửa thế kỷ qua, rồi dùng hậu từ của anh để tạm kết luận bài đọc sách này.
Thiên Lý Độc Hành
1
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mẳt sao ngàn nửa khuya
2
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.
3
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao.
4
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đã phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
Tuệ Sỹ
13226880_1162286673781475_5360730743411659643_nThầy Hạnh Viên (ảnh: Facebook Kelly Võ)

“Hậu từ của người sưu tuyển:

Chuỗi thơ khép lại tập sách, lại mở ra một phương trời cô tịch. Hình ảnh trong thơ đọng thành những vì sao xa lấp lánh trong đêm dài.
Tập 3 này đến tay độc giả đã góp thành bộ ba tập Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tạm chia theo ba chủ đề: Phật học, Triết học và Văn học, là bước đầu sưu tập những bài viết rải rác của tác giả còn lại sau quãng đường 50 năm xuôi ngược. Ba tập sách mỏng hẳn không thể tập thành đầy đủ các bài viết của tác giả trong gần nửa thế kỷ, với bao biến động của xã hội cũng như bản thân người viết không ngừng lưu chuyển; chúng tôi hy vọng trong tương lai, các bạn hữu có thể tình cờ tìm thấy, giúp chúng tôi sưu tập lại các bài viết mà vì nhiều hoàn cảnh đã thất lạc hay còn nằm đâu đó trong các ngăn tủ bị bỏ quên. Ở đây trong các tập sách này, chúng tôi chỉ đơn giản sưu tập và sắp xếp lại theo thời gian, còn lại tất cả đều được giữ nguyên, dù qua đó độc giả có thể thoáng thấy dấu vết ngang tàng sôi nổi của tuổi trẻ một thời xung thiên chí hay sự trầm mặc bao dung của tuổi già lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, hay chuẩn mực nghiêm trang nơi giảng đường Phật học. Những vết tích trong từng dấu chân như vậy vẫn miệt mài để lại bên đường.
Nhớ chuyện xưa. Khi còn trẻ, trong một lần chán chường thất vọng, tác giả đã liều bỏ chùa đi hoang. Buổi tối nằm trong phòng trọ một bến xe tỉnh lẻ để chờ chuyến xe sáng hôm sau, ông tình cờ nghe được mẩu chuyện của hai cô gái phòng bên cạnh:
– Cả ngày chưa có thằng khách nào, xui thiệt! Kiểu này chắc tối nay húp cháo.
Im lặng một lúc, có tiếng trả lời:
– Hay mày làm bộ qua gõ cửa phòng kế bên thử. Tao thấy hồi chiều có thằng cha mới tới. Mặt mày coi cũng ngon lắm.
– Tao thấy rồi, thầy chùa đó bà. Ai lại…
– Thầy chùa thì cũng là đàn ông chớ mậy…
Ông nằm im không dám cử động, vờ như đã ngủ để cô nàng kia đừng có bạo gan tìm đến.
Ấy là thời chiến tranh, thời buổi nhiễu nhương, những số phận không may phải ngụp lặn trong một thực tế trần trụi và một lý tưởng xa xôi, mơ hồ.
Gần nửa thế kỷ sau, thời bình, với tuổi 70 ông còn phải giả ngủ lần nữa, tuy trên một cung bậc khác…” (Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tr. 267-8).
Viên Linh

No comments:

Post a Comment