THIỀN CHÁNH NIỆM ĐẠO PHẬT
VIỆT NAM Ở PHƯƠNG TÂY
Phật giáo phương Đông, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, trong
gần nửa thế kỷ qua đã mang lại cho con người và xã hội phương Tây một món quà
tinh thần đáng quý: Thiền Chánh Niệm (mindfulness meditation).
Chùa Tam Bảo |
Sau hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Chiến tranh Việt
Nam, con người đã thấm thía với hoàn cảnh loạn động vể cả thể chất lẫn tinh thần.
Chiến tranh liên miên đã đưa nhân loại vào núi xương, biển máu. Với bản tâm náo
động, con người hoảng hốt chối bỏ cả chính mình để tự nguyện hay bắt buộc lăn
mình vào cuộc chiến. Khi tiếng súng đã im bặt, người ta vẫn còn bị quán tính
chi phối, điên đảo nhìn nhau. Nhu cầu “tịnh hoá” trở thành một khát vọng tinh
thần để giữ sự cân bằng cho trí óc và lương tri.
Với “bóng đè” chiến tranh còn nặng nề trong ký ức và tâm hồn,
con người cần nhu cầu an lạc mà bản chất tĩnh lặng của đạo Phật hiện ra như một
đáp án, một con đường hoá giải lý tưởng cho vấn đề.
Hiện nay, sau gần năm mươi năm sống xa quê, những chùa viện
Phật giáo của người Việt Nam sống khắp
nơi trên thế giới đạt đến con số nghìn; trong đó, tập trung đông nhất là tại
Hoa Kỳ mà đặc biệt là những vùng đông dân cư người Việt.
Tuy nhiên, đã nhiều thập niên đi qua mà số chùa có các Phật
tử, thành viên và tham dự viên người bản xứ và nước ngoài đến sinh hoạt thường
xuyên chiếm tỷ số còn quá ít. Các chùa Việt Nam thường có số người ngoại quốc đến
sinh hoạt lẻ tẻ chừng năm bảy người. Nhưng chùa Việt có số lượng người Mỹ đến
sinh hoạt hằng trăm thì tôi mới chỉ thấy được duy nhất lần đầu ở chùa Tam Bảo.
Trong chuyến đi dài ngày “Viếng chùa mùa Xuân”, tôi có dịp đến
viếng và tham gia sinh hoạt tại chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, tiểu bang
Louisiana, Hoa Kỳ. Tối nay, thứ Sáu (1-3-2019) có lớp Thiền Chánh Niệm của chùa
dành riêng cho người Mỹ. Được biết là lớp thiền tập nầy được mở ra và sinh hoạt
liên tục đã hơn mười năm nay.
Lớp Thiền Chánh Niệm được tổ chức hằng tuần vào tối thứ sáu
lúc 7:30pm và chấm dứt lúc 9:00pm. Tối nay, tôi đã trực tiếp tham dự với gần 80
người khác. Các tham dự viên trong độ tuổi từ 20 đến 60, hầu hết là người Mỹ da
trắng. Các học viên được sắp xếp ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn ở tư thế bán già.
Sau lễ Phật nhẹ nhàng niệm danh hiệp Phật Bổn sư Thích Ca và Bồ tát Quán Thế
Âm, thầy trụ trì Thích Đạo Quảng hướng dẫn pháp thoại về đề tài: “Làm thế nào để
biến kẻ thù thành bạn” (How to Turn Enemies into Friends) hay làm thế nào để sống
có ít kẻ thù và có nhiều bạn hữu.
Thật ra, với những đề tài như thế này thì không có gì mới mẻ
trong xã hội phương Đông cũng như phương Tây. Cái mới ở đây
là nhìn qua nhãn quan Phật giáo. Thầy Đạo Quảng có sự khéo léo của một hành giả
hơn là diễn giả khi thầy không bị dính mắc vào ngôn ngữ đầy thuật ngữ chuyên
khoa của một giáo sư đang giảng dạy môn Tâm Lý Trị Liệu Nhân Văn Hiện Sinh
(Existential Humanistic Psychotherapy).
Hôm nay thầy là một “thôn tăng” nói chuyện bình dân bằng
ngôn từ trong sáng, dễ hiểu với một tập thể đủ mọi trình độ trong hiện thực đời
thường. Sự lãnh hội nội dung đề tài tu học của người tham dự được thể hiện rõ
nét qua những lời phát biểu của họ ngay sau bài giảng của Thầy.
Sau buổi sinh hoạt Thiền Chánh Niệm, tôi có dịp hỏi chuyện
và trao đổi ý kiến với một số người Mỹ ở nhiều độ tuổi khác nhau từ trong khoá
học. Tuy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những điểm chung khiến họ gặp
nhau ở nơi này vì họ đều có nhu cầu của một đời sống tâm linh và sự khao khát học
những cái mới. Phần đông đều có những vấn đề về đời sống như gia đình xung đột,
vợ chồng bất hòa, con cái ra ngoài lề xã hội... nên khi họ được biết đến đạo Phật
như là một đạo của Từ bi, Trí tuệ và An lạc thì họ tìm đến để mong có một sự học
hỏi, chia sẻ và hoá giải với người thân, với hoàn cảnh và trong tâm hồn của họ.
Không khí nghiêm túc mà cởi mở và vui tươi, phong cách ứng xử
nhẹ nhàng mà đầy hỗ trợ, tương kính... trong suốt buổi sinh hoạt hôm nay là những
dấu hiệu cụ thể của một buổi tu học thành công.
Sáng nay, tôi có dịp phỏng vấn thầy Đạo Quảng về những yếu tố
nào đã khiến cho người ngoại quốc tin tưởng vào các lớp học tọa thiền của chùa
viện Phật giáo Việt Nam như trường hợp chùa Tam Bảo, thầy đã có ý kiến rằng:
- Khung cảnh trang nghiêm và thanh tịnh của chùa thường gây
sự chú ý và quan tâm đầu tiên của khách thập phương đặc biệt là người ngoại quốc.
Chùa Tam Bảo nằm trong khung cảnh thiên nhiên xanh mát của rừng sồi Live Oak
Tree trên một diện tích trước sau gần tám mẫu là một lợi điểm về quang cảnh.
- Hình thức thờ phụng trang nghiêm mà đơn giản sẽ không gây
cảm giác “phản cảm” cho những người thuộc về các tôn giáo khác mà đặc biệt là
người Mỹ phần lớn đều theo đạo Tin Lành, đạo Công Giáo. Thật vậy, trên bàn thờ
cũng như ngoài khuôn viên chùa Tam Bảo chỉ có một tượng Đức bổn sư Thích ca và
tượng Quán Thế âm bằng thạch cao trắng. Ngoài ra không có những tượng đài khác
màu mè như thường thấy ở chùa viện nhiều nơi khác.
- Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy hướng
dẫn. Thầy Đạo Quảng là một tiến sĩ ngành Tâm Lý học hiện đang giảng dạy ở đại học
Xavier University of Louisiana. Ngoài ra, Thầy cũng là một chuyên viên tham vấn
của các trung tâm cai nghiện ở địa phương và dành nhiều thì giờ tham gia các
công tác từ thiện xã hội với nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau nên có sự quen
biết tương đối khá rộng rãi.
Thật ra, khuynh hướng của đạo Phật khẳng định rằng không có
một sự thành hình hay thành tựu nào là do một hay vài nguyên nhân đơn lẻ tạo
nên cả mà luôn luôn có một sự tổng hợp nhiều điều kiện thường được gọi là
“duyên” để tác tạo nên.
Nhân chuyến viếng thăm chùa Tam Bảo người viết xin được ghi
lại một vài nét mà mình trực tiếp chứng kiến - mắt thấy tai nghe - với ước mong
rằng những chùa viện Phật giáo Việt Nam sẽ là những trung tâm thu hút người ngoại
quốc càng đông càng tốt. Đó là hiện tượng
sinh động và điều kiện “ắt có” trên đường giới thiệu văn hoá Phật giáo và hoằng
dương chánh pháp.
Chùa Tam Bảo 3-3-2019
Trần Kiêm Đoàn
No comments:
Post a Comment