Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn - Thơ Tuệ Sỹ |
Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ
hay Trang Sử Sống Của Việt
Nam Thời Nay
Nam Dao
Nam Dao
Từ
cổ chí kim hay từ Đông sang Tây, cho dù là giống dân nào ở thời đại nào đi
chăng nữa thì chắc đa số trong nhân loại đều đồng ý với nhau ở một điểm liên
quan đến nội dung câu nói: “Coi mặt mà bắt hình dong.” Đối với
những thầy tướng số thì ánh mắt là nơi bắt mạch gian ác tà thiện của con người. Có
những ánh mắt láo liên làm chúng ta cảm thấy e dè bất ổn. Có những ánh mắt
gian ác làm chúng ta lạnh người run sợ. Thế nhưng cũng có những ánh mắt từ
bi bác ái đem lại nguồn an tịnh cho con người.
Trong
gian đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam hiện nay, sự tà thiện hiện rõ như mực
đen trên trang giấy trắng. Chả cần phải là thầy bói, những nạn nhân của trại
cải tạo nói riêng và đại khối dân tộc nói chung đều đã mang vào ký ức của cuộc
đời họ những ánh mắt tàn bạo một thời đã tàn phá mảnh đời họ đến rách
nát. Đối chiếu với những ánh mắt tàn bạo đó dân tộc Việt Nam ngày hôm nay
cũng lại cảm nhận được dù chỉ được nhìn qua hình ảnh những ánh mắt từ bi xây dựng
tình người của những bậc tù nhân lương tâm tu hành cao cả như Đại Lão Hòa Thượng
Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, linh mục
Nguyễn Văn Lý v.v…
Tuy
không biết nhiều về bói toán, nhưng khi ngắm nhìn chân dung của những bậc tù
nhân lương tâm tu hành nói trên tôi cảm thấy những ánh mắt kia nào có khác chi
những bông sen ngát hương thơm từ ái nở trên vũng bùn lầy bạo lực. Tinh thần
từ ái đó mạnh đến nỗi tôi không hề thấy hiện trên khuôn mặt quý Ngài một dấu vết
dù nhỏ nhoi biểu lộ sự oán giận những kẻ đã đầy đọa cuộc đời quý Ngài. Hình
ảnh quý Ngài đã phản ảnh phần nào tinh thần bao dung trong văn hóa Việt Nam có
từ ngàn xưa.
Trong
tất cả những bức chân dung của những vị tu hành, có một tấm hình đặc biệt làm
tôi xúc động suy tư để rồi đưa ra một kết luận cho riêng mình: bức chân dung của
Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ mà tôi được nhìn thấy trên những tờ truyền đơn Niềm Tin
Thắng bạo lực, theo tôi đó chính là biểu tượng cho trang sử sống của Việt Nam
thời nay, một trang sử pha trộn những nét bi hùng tráng và đen tối những đau
thương hấp hối tình người.
Phải!
Chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ chính là biểu tượng cho trang sử sống của
thời đại Việt Nam ngày hôm nay. Khi nhìn bộ mặt chỉ còn da bọc xương của
người tù Thích Tuệ Sỹ bị giam lỏng tôi tránh sao không khỏi liên tưởng đến hình
ảnh các trẻ em Phi Châu chờ chết vì đói chỉ vì quê hương các em quá nghèo nàn lạc
hậu không đủ sức cưu mang các em. Đối với những người ngoại quốc nào không
theo dõi tình hình chà đạp nhân quyền ở Việt Nam thì tấm hình Thích Tuệ Sỹ sẽ
làm họ liên tưởng đến một nước Việt Nam khốn cùng không thua gì các xứ Phi Châu
chậm tiến. Điều họ nghĩ quả không sai sự thật vì Việt Nam nằm trong danh
sách của 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Cho nên khuôn mặt da bọc xương của
Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng cho tầng lớp đại đa số quần chúng Việt
Nam không có đủ cơm ăn trong cuộc sống hàng ngày đầy rẫy những tủi nhục lầm
than trong bóc lột và áp bức. Dân tôi khốn đốn là thế đó. Trẻ thơ nào
có được cắp sách đến trường mà phải lê lết đầu đường xó chợ nhặt từng mảnh giấy
vụn đem đi bán hay moi thùng rác tìm thức ăn thừa để cầm cự sống qua
ngày. Còn người già thì lấy trăng sao làm nhà, gió mưa làm bạn. Thế
mà nhà nước CSVN vẫn cứ khoe khoang thành tích xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ngày
càng tốt đẹp, vỗ ngực tự hào chuyện chăm lo dân thật tử tế ! Vậy thì bộ xương
cách trí của người tù Thích Tuệ Sỹ này hẳn phải là bằng chứng của sự đối xử tàn
bạo của chính quyền đối với người công dân vô tội tên Thích Tuệ Sỹ. Thích
Tuệ Sỹ xơ xác bởi vì đâu ? Phải chăng vì Ngài đói tự do ngôn luận? Thích Tuệ Sỹ
khô đét bởi vì đâu? Phải chăng vì Ngài khát sự đối xử công bằng giữa người và
người? Mỉa mai thay, trong cơn đói khát tâm linh đó Ngài lại bị nhồi đến căng bụng
bởi những trận đòn khủng bố và những món ăn tự do dân chủ khó tiêu được xào nấu
bằng loại dầu mang nhãn hiệu Định hướng theo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam. Loại dầu độc đó đã làm cho người tù lương tâm Thích Tuệ Sỹ giờ chỉ
còn da bọc xương. Loại dầu đó không phải chỉ đốt cháy những tế bào tự do
nuôi sống xác thân người tù Thích Tuệ Sỹ mà nó đã thiêu hủy cả bầu trời tự do
và những giá trị đạo đức tinh thần trong mỗi con người Việt Nam. Ngày hôm
nay, nếu có ai hỏi tôi về tự do dân chủ ở Việt Nam tôi chỉ cần đưa họ xem chân
dung Ngài là họ tìm thấy liền câu trả lời thật chính xác và thật sống động. Vâng,
chỉ mỗi cái đầu còn da bọc xương của nhà học giả tù nhân lương tâm tên Thích Tuệ
Sỹ cũng đủ diễn tả trọn vẹn khúc quanh đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm
nay, một trang sử buồn đậm những dòng chữ chà đạp tự do dân chủ và tình người.
Thi
sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết một câu thơ khi ông còn bị giam trong ngục tối: “Trong
bóng đêm phục sẵn một mặt trời.” Câu thơ này làm tôi liên tưởng đến một
mặt trời đã phục sẵn trong hốc mắt thâm sâu của người tù Thích Tuệ Sỹ là biểu
tượng của bóng đêm lịch sử Việt Nam ngày hôm nay. Mặt trời đó chính là ánh
mắt từ bi sâu thẳm đang sưởi ấm bóng đêm lạnh ngắt tình người. Mặt trời đó
cũng chính là tinh thần bất khuất của dòng giống Tiên Rồng không chịu cúi đầu
trước bạo lực, là nguồn mạch ngầm từ ngàn xưa từng luân lưu bất tuyệt trong
dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Nguồn mạch
ngầm này đang tiếp tục cuồn cuộn chảy nuôi sống tâm linh Thích Tuệ Sỹ, là sức mạnh
tinh thần vô biên giúp cho Thích Tuệ Sỹ đứng trên mọi bạo lực, từ bi hiên ngang
hiện hữu trên cõi đời này dẫu xác thân Ngài giờ chỉ còn là da bọc xương.
Càng
ngắm nhìn chân dung Ngài tôi lại càng thấu hiểu câu nói ánh mắt là cửa sổ của
tâm hồn. Tâm hồn bất khuất và bao dung của dân tộc Việt Nam có từ ngàn xưa
đang bàng bạc phảng phất trong ánh mắt của người tù Thích tuệ Sỹ ngày hôm
nay. Qua hốc mắt sâu thẳm đó tôi đã cảm nhận được một dòng suối Từ trong
tim Ngài chảy ra, một dòng suối phát xuất từ mạch ngầm tự nghìn xưa đang âm thầm
cố gắng xoa dịu những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.
“Trong bầu
không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với
mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai...”, một bông
sen Thích Tuệ Sỹ đã trồi lên từ vũng nước ao tù đó. Bông sen ngát hương Bi
Chí Dũng làm sống dậy lịch sử hào hùng của những bậc chân tu Trần Hưng Đạo, Lý
Thường Kiệt vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh thời đó nên đã tạm cởi chiếc
áo nhà tu khổ hạnh đi vào đấu tranh để cho đất nước ta được độc lập ấm no và tồn
tại cho tới ngày hôm nay. Dòng suối Từ của Đức Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt
và Thiền sư Vạn Hạnh giờ đây đang luân lưu trong ánh mắt Thượng Tọa Thích Tuệ sỹ
và quý Thầy lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là thức ăn tinh thần
nuôi sống những tâm hồn vị tha cao cả đó - những Người Lái đò lịch sử đang cố gắng
Chèo Con Đò Lịch Sử Việt Nam vượt qua những trận cuồng phong tàn bạo để sớm đưa
dân tộc và đạo pháp đến được bến bờ an lạc, hạnh phúc trong nắng ấm của tình
người.
Kính Bạch
Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ,
Con
tránh sao không khỏi đau lòng khi chọn chân dung Ngài là bức tranh sống của lịch
sử Việt Nam đen tối thời nay. Thế nhưng trong sự đau buồn đó lòng con lại
nhen nhúm một niềm hãnh diện về sự kiên cường bất khuất không cúi đầu trước bạo
lực lẫn tấm lòng bao dung của dòng giống Lạc Việt đã được thể hiện qua ánh mắt
Từ bi Chí Dũng của Ngài. Bức chân dung Thích Tuệ Sỹ nào khác chi một lời
huấn từ nhắc nhở con và những ai còn nghĩ mình còn là người Việt Nam rằng trước
khúc quanh cực kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay muôn người như một
phải bỏ qua mọi dị biệt, đến với nhau trong tinh thần Hòa đồng, để cùng với đại
khối dân tộc lèo lái con thuyền quốc gia sớm vượt qua cơn lốc độc tài đảng trị
hầu đem lại những mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Trên hải trình vạn dặm
gian nan lướt con sóng độc tài, con luôn ghi nhớ lời Thầy nhắc nhở phải lắng
nghe trong tâm mình “dòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu
những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.” Đây
mới là điều chính yếu nói lên sự khác biệt giữa những con người thật sự Việt
Nam thấm nhuần lòng bao dung của tổ tiên với những con người lãnh đạo Cộng Sản
Việt Nam đã bị chủ thuyết ngoại lai phá hủy toàn diện cội nguồn Việt Nam trong
tâm hồn họ.
Bạch Thầy,
Quý
Thầy đã đem lại cho con và đặc biệt cho tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay niềm tự
hào về quê hương dân tộc. Quý Thầy đã dạy cho chúng con một bài học lịch sử
hào hùng về ý chí quật cường bất khuất của dòng giống Tiên Rồng, được tiếp nối
ngày hôm nay qua cuộc đời tù tội của Quý Thầy. Bài học tự rèn luyện cho
mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô úy để có thể “đứng
thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực nhìn thẳng
không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản
thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.”Một bài
học tu hành nhắc nhở con và các Phật tử rằng trong giai đoạn Phật pháp lâm nạn
ngày hôm nay thì chuyện sống hay chết, vinh hay nhục, sẽ không làm dao động tâm
tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không
hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.
Bạch Thầy,
Dẫu
con biết rằng những lời vấn an gửi đến Thầy cũng bằng thừa vì Thầy đã chấp nhận
cái chết để đổi lấy tự do hạnh phúc cho muôn dân. Tuy nhiên nơi phương trời
xa xăm con vẫn xin mạn phép gửi đến Thầy lời vấn an chân thành nhất của một
công dân nước Việt nguyện cố sống với những điều mà Thầy đã giảng dạy:
- Các
con hãy tự hào với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ đứng thẳng
trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng
không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản
thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.
Dòng
suối Từ cuồn cuộn chảy trong hốc mắt sâu thẳm bất khuất của Thầy đã trở thành
tiếng gọi của Hội nghị Diên Hồng dìu dắt con và tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay
vững bước trên con đường đấu tranh đòi lại những quyền tự do căn bản cho dân
mình. Ánh mắt Từ Bi Chí Dũng đó cũng đã đưa con đến với Đạo. Đạo làm
người với ý nghĩa đúng đắn nhất của nó.
Nam Dao
(Adelaide
03-12-01, Úc Châu)
Nguồn:
TUỆ SỸ ĐẠO SƯ - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập
2 của Tác giả: Nguyên Siêu do Ban Tu Thư
Phật Học Hải Đức Nha Trang In lần thứ nhất, California - Hoa Kỳ 2006.
No comments:
Post a Comment