Huỳnh Kim Quang
Nếu Trái Đất mỗi ngày không múa điệu nghê thường lả lướt quanh Vầng Thái Dương rực rỡ thì có lẽ con người cũng chẳng chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kỳ diệu của xuân hạ thu đông.
Và nếu tâm thức con người không hòa điệu bước nhảy theo vũ khúc thiên thu của trời đất thì làm gì có cảnh rộn ràng vui tươi của ngày Tết theo truyền thống văn hóa Việt.
Xuân, vì vậy, là hương sắc tuyệt trần của sự phối ngẫu nhiệm mầu giữa tâm, cảnh và thời gian. Chả thế mà danh thần Nguyễn Trãi, trong bài thơ “Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm,” đã từng có lần nhìn sắc xuân đến say đắm:
Nhãn biên xuân sắc huân nhân tuý
(Sắc mùa xuân xông vào mắt khiến cho lòng say đắm)
Xưa nay, tao nhân mặc khách đều mê say hương sắc của nàng xuân. Cho nên người ta mới phong tước cho nàng xuân là chúa xuân, biểu tượng cho cái đẹp mê hồn của thiên nhiên. Trong bốn mùa, xuân hạ thu đông, thì xuân không chỉ là vũ điệu khởi đầu của thời gian, mà còn là bước nhảy êm ả, đẹp đẽ, và tươi tắn nhất, với muôn ngàn thảo mộc nẩy mầm đơm hoa và trái đất như khoác lên chiếc xiêm y muôn sắc sặc sỡ.
Nhưng, tùy tâm và cảnh của mỗi người mà xuân mang dáng dấp khác nhau. Vị hoàng đế anh minh của Nhà Trần đã 2 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, là Trần Nhân Tông, có lần diễn tả cảm trạng về một chiều xuân trong bài Xuân Vãn:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.
Chiều Xuân
Thuở nhỏ chưa thấu lẽ Sắc Không,
Xuân phơi trăm đóa gửi chuyện lòng.
Gương mặt chúa Xuân nay đã tỏ,
Nệm cỏ ngồi xem rụng cánh hồng.
(Bản dịch của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ)
Tâm sự của vị tị tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có khác với cảm nhận của thế nhân khi thưởng xuân. Nhà tu liễu ngộ được lẽ sắc không của vạn pháp thì an nhiên tự tại mà ngắm xuân chứ không rộn ràng, động tâm như người đời.
Trong khi đó, thi hào Nguyễn Du dù đọc Kinh Kim Cang cả ngàn lần mà có lúc cũng rơi lệ trong đêm xuân khi cảm thân phận lữ khách tha hương ngàn dặm trong bài thơ Xuân Dạ của ông:
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).
Đêm Xuân
Đêm đen Xuân đến biết tìm đâu
Bóng liễu bên song chạnh nỗi sầu
Dừng bước giang hồ, thân ủ bệnh
Xót đời mưa gió, mệnh chìm sâu
Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau
Nam Đài tiếng sóng Long Giang gọi
Kim cổ lạnh tràn đưa tiễn nhau.
(Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch Việt)
Tâm trạng ngày xuân của thi hào Nguyễn Du lúc làm lữ khách tha hương ngày xưa sao nghe giống tâm trạng của người Việt tị nạn ly hương ngày nay quá! Nhưng biết làm sao, khi quê hương còn xa vời vợi. Quê xa không phải vì đường xa, mà vì lòng người hai bờ chính kiến xa cách nhau diệu vợi.
Mấy ngày cận Tết, mỗi đêm đi làm về khuya ngang qua những con đường đèn mờ vắng vẻ, lòng người tha hương bỗng nghe cô quạnh lạ thường. Nhớ những cái Tết năm xưa ở quê nhà rộn rịp và gia đình bà con sum vầy ấm áp.
Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau
Xuân về trên đất Mỹ lại nhằm vào mùa đông giá rét lạnh lùng. Cái giá rét của ngày xuân ở xứ người càng thấm thía hơn khi màn đêm phủ xuống thân phận cô liêu của kẻ tha hương. Thi sĩ Pierre Emmanuel của Pháp đã diễn tả triết lý cao siêu vi diệu đến khó hiểu của những đêm tối cô liêu qua bài thơ “Seuls Comprennent Les Fous” (Chỉ Những Người Điên Mới Hiểu) mà nhà thơ Phạm Công Thiện đã dịch xuất thần như sau:
Một chút tình thương trong máu
Một hạt chân lý trong hồn
Cũng như một chút hạt kê cho chim sẻ
Để sống trườn qua một ngày đông lạnh
Người có nghĩ rằng
Những bậc thánh cao siêu nhất lại cân nặng hơn?
Tại sao vĩnh cửu lại màu xanh lá cây?
Ôi đau đớn không lời
Cành dương xỉ còn khép lại…
Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa
Thì không bao giờ biết được vĩnh cửu.
Ôi đêm tối
Mi là hương vị bánh mì trên lưỡi ta
Mi là cơn mát rượi hồn của quên lãng trên hình hài ta
Mi là dòng suối không hề cạn chảy về niềm im lặng của ta
Vào mỗi buổi chiều là rạng đông của nỗi chết trong ta.
Ca hát mi làm gì
Cầu nguyện mi làm gì
Bởi vì chỉ một giọt nước mắt cô liêu
Cũng chứa đọng mi trọn vẹn
Ôi đêm tối
Phải chăng “Những chiếc lá đầu mùa” của thi sĩ Emmanuel là những chiếc lá mùa xuân, biểu tượng của hy vọng và vĩnh cửu? Thì ra, trong cái u tối rợn người của đêm đen cũng còn “một chút tình thương trong máu,” hay “một hạt chân lý trong hồn.”
Đó cũng chính là hình ảnh đóa mai mùa xuân vừa nở sau đêm đông bão bùng giá rét của Thiền sư Mãn Giác đời Nhà Lý:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)
Bởi thế, không có bước nhảy của tâm thức con người hòa cùng vũ điệu thời gian thì xuân chỉ là xuân của bốn mùa, xuân hạ thu đông, trơ cùng tuế nguyệt. Dù có lá xanh mơn mởn khoe sắc hay hoa vàng rực rỡ thắm tươi thì nào ai hay biết ẩn hiện trong đó là hương sắc gì, là nụ cười chưa tắt trên môi, hay ngấn lệ còn nóng hổi mới vừa rơi từ khóe mắt.
Vũ điệu mùa xuân đang tung tăng trên khắp nẻo đường của người Việt lưu cư. Xin mời mọi người mở ngỏ tâm thức để cùng nhảy với vũ điệu của mùa xuân Mậu Tuất đang về.
No comments:
Post a Comment