Wednesday, July 1, 2020

Phạm Công Thiện: TRÁCH NHIỆM CỦA TUỔI TRẺ VIỆT NAM VỚI QUÁCH TẤN

TRÁCH NHIỆM CỦA
TUỔI TRẺ VIỆT NAM VỚI QUÁCH TẤN

Đối với Quách Tấn, tôi đã nói hết những gì cần nói trong hệ TƯ TƯỞNG. Tản Đà chấm dứt thế kỷ 19 và Quách Tấn là thi hào vĩ đại nhất ở thế kỷ 20. Cho mãi đến năm 1970 này, tôi cũng chưa thấy ai đủ sức mạnh tâm linh đứng ngang hàng Quách Tấn.

Từ năm 1932, ngày "trọng đại" mà Hoài Thanh cho rằng "một cuộc cách mạng về thi ca đã nhóm dậy" ngày đó, đối với tôi, cũng chính là ngày tang tóc của cảm thức tâm linh Việt Nam.
Trước năm 1932, cảm thức tâm linh Việt Nam đã bị Tàu đục khoét cho đến độ tan rã, chỉ có Tản Đà là người cuối cùng cứu vớt lại, sau năm 1932 chỉ còn Quách Tấn cứng đầu đi tới và tàn bạo khinh miệt tất cả cuồng phong từ Tây phương thổi tới.

Đứng bên Quách Tấn có Hàn Mặc Tử, mặc dù Hàn Mặc Tử là một nhà thơ Tây phương hơn cả những nhà thơ Tây phương vĩ đại ở Tây phương, nhưng nhờ định mệnh tàn khốc và cơn đau linh thiêng đã xô đẩy Hàn Mặc Tử đến cảm thức hố thẳm toàn triệt của buổi chiều vàng vọt ở Đông phương; nhờ thế, Hàn Mặc Tử đã đến kịp với Quách Tấn trong tiết nhịp vĩnh cửu của Việt Nam.

Hàn Mặc Tử đi xuống và Quách Tấn đi lên, giống như sự lên và xuống, cả - Heraclite và Larmenide: hai người chỉ là một, một người đau một lần rồi chết rồi một người đau suốt đời rồi chết một lần. Hai người đã nhìn thấy vĩnh cửu trong một lần đau và một lần chết. Song, ĐAU và CHẾT có nghĩa gì đối với hai đứa con Đông phương nhất của Đông phương. Việt Nam nhất của Việt Nam.

Đang lúc cả một thời đại đâm đầu ngu xuẩn chạy theo Tây phương từ thơ Mới đến thơ Tự Do, chỉ có một người điềm nhiên bất động đứng lại với - quê hương: QUÁCH - TẤN.
Hôm nay tôi không muốn nói thể thơ mà thôi, tôi muốn nói cả - Hồn thơ: có ai cảm nhận hồn thơ Dân tộc như Quách Tấn ? Có ai cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam như Quách Tấn? Quách Tấn xứng đáng là kẻ nối dòng của Không lộ thiền sư, Vạn hạnh thiền sư, Ngộ ấn thiền sư và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của một Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên. Sau Nguyễn Du, sau Tản Đà, chỉ còn có Quách Tấn, và Quách Tấn còn hơn cả Nguyễn Du và Tản Đà vì chính Quách Tấn đã chịu thảm kịch bi đát nhất gấp trăm ngàn lần Nguyễn Du và Tản Đà, Nguyễn Du chỉ chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa, Tản Đà chỉ chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa và Tây phương , còn Quách Tấn lại chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa, Tây phương cận đại và Tây phương hiện đại, Tây phương của Hippies và nôn mửa.

Hàn Mặc Tử là một người chịu ảnh hưởng Tây phương một cách sâu thẳm và tốt đẹp nhất; ở Việt Nam tôi chỉ thấy một người Ki-tô giáo đúng nghĩa ; Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử là người tín hữu Ki-tô giáo duy nhất : Kierkegaard đã đau đớn vì không tìm thấy một tín hữu Ki-tô giáo như vậy ( nếu Kierkegaard còn sống đến thế kỷ 20 và gặp thấy Hàn Mặc Tử thì chắc chắn Kierkegaard chết một cách thỏa mãn).

Còn Quách Tấn là một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng. 

Tất cả thi sĩ Việt Nam từ tiền chiến cho đến bây giờ đều là một lũ hèn họ chạy theo ngoại bang bằng cách này hay cách khác. Quách Tấn là người duy nhất can đảm lì lợm sống chết với những gì còn lại với quê hương.

Thẩm mỹ học Tây phương đã thành tựu trong trận chiến tranh Việt Nam sau Rimbaud và Hoelderlin, Tây phương đã lặng chìm. Rimbaud ước mộng trở về Đông phương nguyên vẹn và Hoelderlin mơ mộng quay về với nguồn sông Indus ở Ấn Độ. Đang khi đó một lũ vong bản đua đòi chạy theo xác chết của Tây Phương ; từ đám thơ mới tiền chiến ở Việt Nam cho đến đám thơ tự do ở miền Nam tất cả đám thi sĩ hèn mọn đều là những kẻ tiếp tay cho Tây phương tàn phá Việt Nam.

Những gì tôi nói hôm nay về Quách Tấn, tôi nói với tất cả thẩm quyền của một kẻ hiểu biết Tây phương nhiều nhất.

Tôi không muốn nói nhiều, tôi xin để lại trách nhiệm cho thanh niên Việt Nam hiện nay, trách nhiệm của những đứa con dân tộc đối với một thiên tài can đảm đã chịu đựng một mình, nuôi dưỡng một mình tất cả di sản tâm linh cao cả nhất của quê hương.

PHẠM CÔNG THIỆN
( Viện Đại học Vạn Hạnh 29/7/1970)"


Vài nét về Quách Tấn
trên Thivien.net 
(Tiểu sử đầy đủ tại Thư Viển mở ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1ch_T%E1%BA%A5n) 

Quách Tấn (1910-1992) là tên thật, tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, sinh tại Bình Định. Trong nhóm thơ Bình Định hồi ấy, gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn), ông cao niên hơn cả, hơn Hàn Mặc Tử hai tuổi, hơn Yến Lan năm tuổi, hơn Chế Lan Viên tới mười tuổi... Các bạn thơ đó của ông là những cây bút kiệt xuất của phong trào Thơ Mới sôi động khi ấy. Nhưng Quách Tấn lại làm thơ theo lối cũ: thơ luật Đường. Người ta coi Hàn là rồng, Chế là phượng, Yến Lan là lân, cả ba tượng trưng cho tung hoành, đĩnh đạc thì ông tự nhận mình là rùa, tượng trưng chậm chạp và vất vả (Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia) cho đủ long ly quy phụng. Hai tập thơ đầu Quách Tấn xuất bản lúc Thơ Mới đang thắng thế hầu hết là thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt.

Xin đọc thơ của Ông ở đây.