Friday, July 3, 2020

THAY LỜI KẾT (THƠ VÀ ĐÁ)

Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn (Tranh Hs Dạ Thảo)
Văn Học Press xuất bản, 12/2019
(Ba ngôn ngữ: Việt – Anh – Nhật.
Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên;
Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung;
Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo

THAY LỜI KẾT
Trong khi ngồi đánh máy lại từng bài thơ trong nhật ký của Nguyễn Đức Sơn, nhìn lại ngày ghi 18/11/69 (trùng ngày Sinh của ông 18/11/1937 tròn 82 tuổi), và so lại ngày trên bản thảo chuẩn bị gửi cho nhà xuất bản in sách.
Tính cho đến ngày hôm nay, 18/11/2019 là đúng 50 năm. Hay nói cách khác là nửa thế kỷ đã trôi qua, những kỳ nhân như Nguyễn Đức Sơn của thế kỷ 20 còn sót lại qua đến thế kỷ 21 này còn có được bao nhiêu người?  
Là thế hệ ở giữa các bậc tiền bối và thế hệ trẻ đi sau, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ ghi chép lại để lưu giữ và phổ biến những thi phẩm, văn chương quý giá của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn để lại cho hậu thế.  Mặc dầu quen biết vợ chồng ông từ năm 2000,  mười chín năm rồi, nhưng mãi đến bây giờ mới thuận duyên để làm tập thơ Nguyễn Đức Sơn  này.  Đây chỉ mới là một phần trong nhật ký chưa từng công bố của ông đã được cất giữ hơn 50 năm qua.
Bẵng đi một thời gian hơn 10 năm không liên lạc, tình cờ tôi đọc một bản tin online: “(27/07/2019) Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn hiện vừa nhập viện với nghi vấn xuất huyết não, do lúc sức khỏe suy yếu, bị té. Tình trạng được coi là nguy hiểm.  Gia đình đã chuyển từ bệnh viện ở Bảo Lộc qua Đà Lạt. Xin thông báo cho quý thân hữu văn nghệ gần xa được hay.”  Ngay lúc đang ở Đà Lạt, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện vào thẳng phòng cấp cứu hồi sức thăm ông, nhìn thấy ông nằm mê man đang thở bằng bình dưỡng khí và có một đường khâu vết thương còn chỉ trên trán. Cầm tay ông, tôi cảm được cái bắt tay choàng vai thân mật mỗi khi ông gặp tôi thay cho câu hỏi thăm sức khỏe nhau.  
Một tuần sau quay trở lại thăm ông, gặp Nguyễn Đức Yên, Phương Bối, và Tiểu Khê.  Trên đường Yên tiễn tôi đi ra từ giường bệnh đến cổng bệnh viện, Yên đã nhắc đến tác phẩm Cái Chuồng Khỉ  của Nguyễn Đức Sơn đã được tái bản ở Mỹ.  Chỉ có thế thôi mà trên suốt chặng đường bay dài về đến Houston, trong đầu tôi cứ lảng vảng ý nghĩ  làm sao đây để có thể in được tập thơ cho Sơn Núi, làm món quà cuối tặng ông khi ông còn có thể nghe và cầm được quyển sách của ông, là đứa con tinh thần mà ông đã ước nguyện làm từ 50 năm trước.
Chỉ bằng linh cảm tôi thấy mình có thể xuất bản và phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Sau khi trăn trở, suy nghĩ và xác định sẽ làm gì, và phải làm như thế nào, tôi gọi điện thoại về cho Nguyễn Đức Lão nói ý định, thì Lão cho biết khi cha còn mạnh khỏe, Nguyễn Đức Sơn đã viết di chúc và ủy quyền lại toàn bộ những tác phẩm bao gồm thơ văn và nhật ký, cũng như số tác phẩm được công bố hay chưa từng công bố cho con gái là Nguyễn Đức Phương Bối rồi.  Tôi liền gọi ngay cho Phương Bối.  Sau khi cùng bàn thảo và định hướng về hình thức nội dung sẽ in trong nhật ký của ông, qua hôm sau Phương Bối gửi cho tôi lá thư viết tay.
Đọc xong những dòng thư này của Phương Bối, tôi muốn làm ngay tập thơ Nguyễn Đức Sơn như một món quà tặng ông khi còn có thể, để sau này mình không hối tiếc nói:  “Phải chi hồi đó !”
Phương Bối cũng gửi cho tôi xem di chúc và giấy ủy quyền có người làm chứng, có chữ ký cũng như dấu tay của Nguyễn Đức Sơn.  Thế là tôi và Phương Bối bắt tay làm việc ngay đúng vào ngày 11/09/2019.
Đầu tiên là Dạ Thảo nhận được ngay hơn 600 files ảnh, Phương Bối chụp từ nhật ký thơ của Nguyễn Đức Sơn bằng điện thoại gửi qua tin nhắn.  Phải mất hơn 3 ngày tải hình xuống, phải chỉnh sửa lại vì cái lộn ngược cái lộn xuôi rồi mới đọc được.  Thêm hơn 1 tuần ngồi đánh máy lại, mà Phương Bối dặn rất kỹ là cha không cho 
phép sửa bất kỳ một câu, một chữ nào, dầu là một dấu phẩy, dấu chấm, chữ viết hoa hay không viết hoa trong thơ của ông; mà chỉ được phép sửa lỗi chính tả thôi, cũng như bài nào đọc không rõ hay không phù hợp thì không in.
Nếu như bên nớ, mấy quyển nhật ký thơ của Sơn Núi, Phương Bối đóng lại thành một túi thơ thì bên ni Dạ Thảo đánh máy xong in ra cũng đựng đầy một cái hồ lô.  Phải đọc thơ Sơn Núi như thế nào đây để cảm được tình tiết, thời gian, không gian mà phân loại, sắp xếp chia dàn bài có trình tự để in một tập thơ theo đúng tiêu chuẩn quy định.  Đến đây xin thưa là lần đầu tiên Dạ Thảo in sách.  Nên Dạ Thảo phải áp dụng phương pháp vẽ một bức tranh bằng thơ Nguyễn Đức Sơn
Cứ tưởng tượng trước mặt là khung bố trống không vô hình hay là quyển sách chỉ có những trang giấy trắng. Bố cục tổng thể của bức tranh được phác thảo bằng bút chì như thế nào thì tập thơ hiện ra dàn bài của từng chương như thế ấy.  Chi tiết và sử dụng gam màu sao cho hài hòa phù hợp với nội dung thể hiện biểu cảm từng nhân vật trong tranh, chính là những chuỗi thơ, bài thơ, câu thơ, mẫu chữ, cỡ chữ, sẽ được dàn dựng sắp đặt ra sao lên trang giấy.  Với tính cách khác người của Sơn Núi thì Dạ Thảo cũng có những ý tưởng thiết kế trình bày để không nằm trong những khuôn mẫu bình thường.
Vừa nhìn thoáng qua thủ bút những bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, lối viết một câu hai ba chữ rồi xuống hàng, Dạ Thảo đã liên tưởng ngay đến thể loại thơ Haiku.  Vậy là nảy ra ý dịch thơ của Nguyễn Đức Sơn sang tiếng Nhật. Chia sẻ ý tưởng và hội ý với giáo sư Bùi Chí Trung, hiện anh đang là trưởng Phân khoa Cao học Giao Lưu Văn Hóa Quốc Tế tại trường Đại học Aichi Shukutoku thành phố Nagoya, Nhật Bản.  Ngoài ra anh cũng thường xuyên tham gia những buổi đọc thơ của Câu lạc bộ thơ Quốc tế ở Nagoya.
Anh Bùi Chí Trung đã ở Nhật 50 năm (18/11/1969, cũng là ngày anh lên máy bay sang Nhật du học) nên thật tình anh cũng chưa được đọc thơ của Nguyễn Đức Sơn, nhưng sau khi đọc xong bản đánh máy mà Dạ Thảo gửi sang, anh đã nhận lời dịch ngay và còn nói:  “Nếu thơ của Nguyễn Đức Sơn được tự do phổ biến trong thời gian 50 năm qua thì ông đã đóng góp giá trị rất lớn cho nền thi ca văn học của Việt Nam.  Nhưng ngược lại, với cách sống tự cô lập mình với xã hội, nên thơ của ông không bị ảnh hưởng vào trào lưu thế giới bên ngoài mà vẫn giữ được chất thơ nguyên thủy của Sơn Núi từ xưa đến giờ.”
Khi dịch thơ, để đưa qua gần giống thể loại Haiku là những vần thơ có 17 âm tiết nối kết.  Anh Bùi Chí Trung đã cố tìm chữ áp theo 5 âm, 7 âm, rồi 5 âm để bài thơ khi đọc có âm điệu nghe quen thuộc với ngôn ngữ Nhật trong thơ Haiku, giống như vần thơ lục bát trong ca dao Việt Nam, mà vẫn giữ được hồn thơ của Sơn Núi toát ra.  Có những câu chữ anh phải chuyển qua nghĩa chữ Hán rồi từ đó mới dịch sang tiếng Nhật, mà còn thêm phần phiên âm ra chữ Latin để người ngoại quốc có thể phát âm được tiếng Nhật.
Phần của Dạ Thảo chỉ có mỗi việc là cắt dán font chữ Nhật vào thôi, vậy mà vẫn có những sai sót, anh đã xem lại chỉnh sửa từng lỗi nhỏ, cũng như thay đổi những câu chữ để rõ và sát nghĩa hơn.  Cám ơn giáo sư Bùi Chí Trung đã tham gia và giới thiệu thơ của Nguyễn Đức Sơn ra cho sinh viên Nhật và người thích Thơ ở Nhật.
Đã dịch sang được tiếng Nhật thì không có lý do gì mà không làm được thêm phiên bản tiếng Anh, khi xuất bản tập thơ Nguyễn Đức Sơn ở Mỹ.  Người trong tầm ngắm của Dạ Thảo là Nguyễn Phước Nguyên.  Sang Mỹ từ năm 1975 khi vừa 12 tuổi, anh là một trong những thành viên sáng lập và biên tập trang Văn Học Nghệ 
Thuật Liên Mạng vào những năm 1995, khi công nghệ thông tin ở Mỹ vừa bắt đầu có email phổ biến ra đại chúng.  Khi dịch sang tiếng Anh, Nguyễn Phước Nguyên tâm nguyện: Dịch trọn ý, nhưng phải ngoạn mục trong ngôn ngữ thơ tiếng Anh, như bài thơ gốc tiếng Việt của Nguyễn Đức Sơn.
Trở lại phần dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên trong Chương II, mà Nguyễn Đức Sơn đã đặt tựa đề “Gái Con, Con Gái.”  Đây là một chuỗi thơ gồm 18 bài thơ.  Mặc dầu 2 câu đầu của 18 bài thơ đều bắt đầu bằng 4 chữ “Gái Con, Con Gái”, với những ngôn từ tiếp theo sau 4 chữ đó, ông diễn đạt những thay đổi chuyển tiếp của người con gái qua từng thời kỳ trưởng thành - từ một Con Gái thơ ngây, đến Con Gái tuổi dậy thì sang Con Gái tuổi biết yêu, rồi Con Gái đi lấy chồng, và cuối cùng Con Gái làm vợ làm mẹ.
Nguyễn Phước Nguyên đã dùng những cụm từ như Girl Puerile, đến Girl Pubescent, sang Blossomed Maiden, rồi Young Woman và cuối cùng là Young Wife thật chính xác, và toát ý, để thể hiện trọn vẹn ý thơ “Gái Con, Con Gái” mà Nguyễn Đức Sơn đã cẩn mật diễn đạt trong chuỗi thơ này.
Đó cũng là điều mà Dạ Thảo tâm đắc nhất trong cách dùng chữ tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên khi chuyển ngữ.  Viết sao cho người nước ngoài đọc hiểu và thấm được thơ của Nguyễn Đức Sơn theo văn hóa và ngôn ngữ của họ, mà vẫn giữ được ý nghĩa và cốt cách riêng của thơ Nguyễn Đức Sơn.  Cám ơn lòng ái mộ Nguyễn Đức Sơn và sự nhiệt tình hết mình của Nguyễn Phước Nguyên cho tập thơ nầy.
Để có được một bản thảo thiết kế hoàn chỉnh đúng tiêu chuẩn của nhà sách Barnes & Noble mặc định, Dạ Thảo xin cám ơn anh Trịnh Y Thư đã tận tình giải thích chỉ dẫn từng bước một.  Anh không ngại trả lời điện thoại, email, tin nhắn hay bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì vào bất cứ lúc nào.  Anh Trịnh Y Thư là một nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật.  Dạ Thảo vừa mới được anh gửi tặng quyển thơ Phế Tích Của Ảo Ảnh và tạp bút Chỉ Là Đồ Chơi.  Ôi! sao mà đồ chơi của Trịnh Y Thư thật hấp dẫn quá đi.  Văn Thơ Nhạc Họa, cái gì Dạ Thảo cũng muốn chơi hết vậy nè, chỉ tội là không đủ sức để chơi thôi.  Trong cuộc chơi này, anh nhận phần trách nhiệm quan trọng của nhà xuất bản Văn Học Press là xuất bản và phối hợp với nhà sách Barnes & Noble về việc in ấn phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Sơn Núi có hai thứ bất di bất dịch trên người ông là cái nón bê-rê (mũ nồi) màu đen; và cái túi vải màu xám, đáy hình tròn, có hai sợi dây dù thắt lại mà cũng có thể dùng sợi dây quảy túi lên vai.  Khi rút dây túi lại, miệng túi xòe ra, đặt dưới đất nhìn trông rất giống cái hồ lô đựng rượu của mấy đạo sỹ ngày xưa.  Nên Dạ Thảo đặt tên cho cái túi đựng thơ của Sơn Núi là cái hồ lô thơ, hay là cái bị cái bang.  Vì bất kỳ lúc nào trong túi đó, ông cũng có thể rút ra một xấp giấy chi chít thơ, hay bản nháp, hay bản copy thơ, tạp chí.  Chưa kể nào là áo quần, võng, đồ ăn, v.v... giống như là cái tủ di động.
Nếu có gặp Sơn Núi bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng như xem lại ảnh chụp của ông từ hồi còn rất trẻ, đến ngay cả những bức ký họa vài nét, hay trong tranh sơn dầu của họa sỹ Đinh Cường;  Thì một trong hai vật bất ly thân này đã luôn luôn có mặt cùng với ông suốt mấy chục năm qua.  Đối với Dạ Thảo có thể nói hai hiện vật này chính là biểu tượng độc đáo nhất mỗi khi nhắc đến nhà thơ Sơn Núi, Sao Trên Rừng, hoặc Nguyễn Đức Sơn.
Qua điện thoại, vợ của Nguyễn Đức Sơn, chị Phượng nói chậm rãi: “Mình rất vui khi nghe tin cô Dạ Thảo đang chuẩn bị in tập thơ cho Sơn Núi, ổng mà biết được là mừng lắm đó, khi nào cô về Việt Nam thì lên chơi nhe.” Rồi Phương Bối đưa điện thoại qua cho Sơn Núi, “Cha ơi! cô Dạ Thảo gọi về nói chuyện với cha nè.”  Bên kia đầu dây Sơn Núi Ừmm... thật lớn.  
Phương Bối hỏi tiếp: “Cha ơi! cha còn nhớ cô Dạ Thảo không?”  Sơn Núi lại Ừmm... thêm một lần nữa.
Cám ơn những lời nói động viên chân tình và sự hỗ trợ của chị Phượng, Yên, Lão, Phương Bối, và Tiểu Khê để có thể nhanh chóng thực hiện tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Chỉ một tiếng Ừmm ... của Sơn Núi trên điện thoại lại chính là động lực là sự tiếp trợ cho Dạ Thảo làm việc không quản ngại bất kỳ khó khăn nào.  Mặc dầu phải chạy đua với thời gian, với sức khỏe cạn kiệt từng ngày của Sơn Núi, cũng như công việc và múi giờ trái ngược nhau nhưng cứ nhớ lại lời thách thức của Sơn Núi ngày nào với Dạ Thảo 17 năm về trước.  Lúc đó đang ở studio của họa sỹ Hồ Hữu Thủ, Sơn Núi chạy đến bằng chiếc xe mà thầy Tuệ Sỹ đặt cho cái tên là chiếc xe thổ mộ thời tiền sử.  Khi biết được Sơn Núi lái nó từ đồi Phương Bối, Bảo Lộc xuống tới Sài Gòn thì Dạ Thảo không thể tin nổi.  Đang trố mắt nhìn thì bị Sơn Núi thách “dám ngồi lên cho Sơn Núi chở đi không?” Dạ Thảo nói “dám chớ sao không” vừa mới leo lên ngồi, chân chưa kịp mang dép thì Sơn Núi rồ ga chạy một cái vèo ra cổng đi một vòng khu chợ Đa-Kao.
Vui gì đâu!  Cũng chiếc xe này Sơn Núi đã chở Phương Bối và Tiểu Khê, thêm cái bị cái bang lên Đà Lạt dự triển lãm của Dạ Thảo ở hotel Palace năm 2003.
Cám ơn Phương Bối đã tìm được trong cái hồ lô thơ của Sơn Núi bài thơ viết cho Dạ Thảo.  Còn nhớ  ngày hôm đó, viết xong Sơn Núi đưa cho đọc, vừa đọc xong thì Sơn Núi đòi lại cho bằng được còn mắng Dạ Thảo là đồ gà vịt giun dế làm gì có trình độ đọc được thơ Nguyễn Đức Sơn. Tuy miệng thì chửi nhưng vẫn đi tìm giấy làm thơ cho tiếp mà vừa kể: “Có lần ở trên núi giữa cánh rừng cháy khô, ý thơ ra mà không có giấy để viết xuống.  Sơn Núi bẻ cây viết thơ xuống đất, rồi chạy xuống núi tìm được giấy viết trở lên thì, Hỡi ôi! Gió đã xóa hết chữ rồi.  Sơn Núi chỉ còn biết đứng khóc.”
Theo lời Phương Bối kể lại, có lần thầy Tuệ Sỹ lên đồi Phương Bối thăm Sơn Núi.  Ông hào hứng đưa thầy ra chỉ lên đồi thông và nói: “Sơn Núi sẽ làm nơi này thành một bãi thơ đá chỉ để khắc thơ mà Đông Tây Kim Cổ chưa ai làm.”  Thầy Tuệ Sỹ cười cười nói: “Ông cứ làm đi. Khi nào làm nhớ cho tôi gửi vài bài thơ vào đó.”  Ý tưởng của Sơn Núi khắc Thơ trên Đá chưa thực hiện được nhưng hôm nay Sơn Núi hân hạnh được thầy Tuệ Sỹ viết lời bạt cho Thơ và Đá  trong tập thơ Nguyễn Đức Sơn với tâm tư, tình cảm thâm tình giữa thầy và Sơn Núi đã trải suốt 50 năm qua bao biến cố thăng trầm.  Tập thơ cũng đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật để giới thiệu đến độc giả phương Đông và cả phương Tây mà sẽ còn được bày trên kệ trong các tiệm sách Barnes & Noble ở Mỹ nữa.  Giấc mơ của Sơn Núi đã trở thành hiện thực rồi.  Sơn Núi ráng chờ nhé!
Xin dành lời cám ơn trang trọng nhất đến thầy Tuệ Sỹ, thầy đã viết với một tâm thức sâu lắng, qua ngôn ngữ thầy dẫn dắt người đọc như cùng đi với Nguyễn Đức Sơn xuyên suốt cõi thơ,  cõi đời, và luôn cả một kiếp người.
Đào Nguyên Dạ Thảo

Đôi nét về Tác giả
  Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.  Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận.  Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông làm thơ rất sớm, và đã in ra nhiều tập thơ và truyện ngắn từ đầu những năm 1960 cho tới năm 73. Ông có bài viết đăng trên những tạp chí hay các tờ chuyên đề rất nổi tiếng của miền Nam như Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Bách Khoa, Sáng Tạo,Thời Tập, Thời Nay, Trình Bày, Đối Diện, Mai, Văn, Văn Nghệ.  
Sơn Núi là tên gọi khi nói chuyện với bạn bè. Nguyễn Đức Sơn và vợ Nguyễn Thị Phượng có 9 người con theo tên gọi của thiên nhiên như Thạch, Thảo, Thủy, Vân, Không, Yên, Lão, Phương Bối, Tiểu Khê.
Hiện vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, sống ở đồi Phương Bối, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc.

TÁC PHẨM
Tập Truyện Ngắn:
Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968)
Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969)
Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971)
Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang (chưa in)
Thơ: Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965)
Bọt Nước (Mặt Đất, 1966)
Lời Ru (Mặt Đất, 1966)
Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967)
Vọng (An Tiêm, 1972)
Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972)
Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973)

Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973)