Sunday, July 19, 2020

TINH THẦN THÍCH THIỆN HOA VỚI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

TINH THẦN THÍCH THIỆN HOA VỚI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Vào hồi 6 giờ 5 phút sáng nay (20 tháng Chạp Nhâm Tý, tức 23/1/1973), Tổng thống Lyndon Johnson qua đời và Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã viên tịch. Hai tin lớn được loan cùng một lúc trên đài phát thanh ngoại quốc. Tiếng nói trong máy vẫn đều đều nhưng tôi không còn nghe gì nữa. Tôi không buồn, không khóc nhưng một thứ tâm tư nặng nhọc đè xuống khoảng trí óc bơ vơ như nhìn lên mặt trăng bị đám mây chì che khuất. Tôi ngạc nhiên tột độ. Có bao giờ Tào-A-Man lại tắt thở cùng lúc với Gia Cát Vũ Hầu! Từ lâu, tôi không tin HT. Thiện Hoa sống lâu, nhưng cũng không ngờ Thầy lại ra đi sớm như vậy. Từ ngót hai mươi năm nay, không lúc nào thân Thầy không có bệnh. Rồi những năm gần đây, khi cụ thân mẫu của Thầy quá vãng, cộng thêm Phật sự chồng chất, tình thế dồn dập, tôi chắc Thầy rất khó sống lâu.
Tin Thầy viên tịch đã gây xúc động lớn. Hằng triệu người khóc, hàng ngàn người phúng điếu, hàng vạn người đi tiễn đưa. Và chắc chắn giờ này có sử gia bắt đầu ghi chép lịch sử đời Ngài.
Từ hồi Thầy lên chức vị Viện Trưởng tôi không hay lui tới. Thầy đau không đến thăm. Thầy mất không đưa tiễn. Nhưng phải đâu tôi là kẻ vô tâm. Đối với tôi, Hòa Thượng Thiện Hoa hiện hữu trong trí không phải với hình ảnh Ngài Viện Trưởng mà chính là “Cố Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam”. Bởi vậy, những dòng hồi ký sau đây là một tài liệu thiết thực do một nhân chứng ghi lại để bổ túc vào cuộc đời hoa gấm của Ngài.
Từ năm 1958, Gia Đình Phật Tử tại miền Nam vẫn còn yếu kém. Chỉ có Gia Đình Chánh Đạo ở chùa Xá Lợi là tương đối vững vàng hơn cả. Chưa mấy ai biết Gia Đình Phật Tử là cái gì. Nhưng tại miền Trung đã có cơ sở khắp các tỉnh, so đoàn viên lên tới 6,7 chục ngàn người, đang phát triển mạnh mẽ dưới tầm khủng bố hèn hạ của Ngô Triều. Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn bị giam và tuyệt thực. Rút cuộc vì nhiều lý do, anh phải tạm lánh mặt vào Sài Gòn. Thế là mỗi tuần một lần vào tối thứ Năm, chúng tôi chỉ có độ mười anh em cốt cán họp nhau tại Chùa Ấn Quang để tìm mọi cách củng cố và phát triển phong trào.
Trong những buổi họp ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại mời TT. Thiện Hoa vào bàn họp với chúng tôi để thỉnh thị ý kiến của Thượng Tọa: Thầy tỏ ý buồn, là phong trào Gia Đình Phật Từ tại miền Nam còn quá yếu. Thầy vẫn nói: “Lãnh đạo do ở Tăng già nhưng không có cư sĩ thì Phật sự khó bành trướng được. Nhưng nếu muốn có hàng Phật tử thuần thành thì tốt nhất phải gieo mầm đạo từ thời thơ ấu. Do đó, tổ chức và lý tưởng Gia Đình Phật Tử phải được quảng bá tích cực”. Anh em chúng tôi âm thầm làm việc. Kịp đến năm 1961, chúng tôi đã hoàn thành được Nội quy mới và triệu tập Đại Hội toàn quốc tại chùa Xá Lợi. Sau mấy ngày hội họp tích cực, đầu óc địa phương, chính kiến hoàn toàn dẹp bỏ và mọi sự đều thu được kết quả mỹ mãn. Đến buổi họp chót để bầu Ban Hướng Dẫn Trung Ương, anh em chúng tôi bị bế tắc. Bởi lẽ anh Trưởng Ban cũ không thể làm công khai được. Vì lý do an ninh cá nhân cũng như sự sinh tồn của đoàn thể, ảnh khó chấp nhận sự đề cử dù có uy tín vẹn toàn. Thật sự, lãnh đạo thanh niên thì ai cũng thích nhưng cũng ngán. Rút cuộc, Đại hội kéo nhau đi cung thỉnh Thượng Tọa Thích Thiện Hoa. Thật tội nghiệp cho Thầy. Âu đây cũng là tiền định. Có lẽ suốt đời Thầy phải nhận các nhiệm vụ bất đắc dĩ. Dịp đó, Thầy viện đủ lý do để từ chối và rút cuộc vì cảm thương lũ chúng sanh trẻ tuổi lạc loài, Thầy phải nhận lời. Anh em còn nhớ rõ lời nhắn nhủ của Thầy khi phát nguyện tựu chức.
“Thú thật với anh em, vì đại sự tôi phải đảm nhận một việc cổ kim chưa từng có. Với chức vụ này và trong giai đoạn tế nhị hiện tại, chúng ta nên nhắm kỹ cả hai mặt rộng và sâu. Về chiều rộng, ta phải cố gắng phát triển phong trào cho rộng lớn. Và để duy trì phần lượng to lớn ấy, chúng ta phải chú ý về phẩm. Mà cái phẩm to lớn nhất của người Phật tử là phải tu học".
Thành thật mà nói, Thượng Tọa Thiện Hoa chỉ nhận chức vụ để đối diện với chính quyền, còn mọi việc thì anh em chúng tôi đều phải cáng đáng như cũ. Thế nhưng, Thầy luôn luôn theo dõi và khuyến khích anh em hoạt động. Tôi dám quả quyết rằng: Nhờ có Thầy Thiện Hoa giúp đỡ, Gia Đình Phật Từ hồi đó mới tránh gãy đổ. Và sau này, những Quách Thị Trang, Yến Phi... với bao thanh niên Phật tử quả cảm khác, xuất hiện hùng dũng trong mùa Pháp nạn, đều chính nhờ đã thấm nhuần sâu sắc lý tưởng của Gia Đình Phật Tử, mà trong đó TT. Thiện Hoa là người đã đặt viên đá lớn và gắn bó nhất. Hòa giải là bản tính của Thầy. Trước mặt Thầy, không ai có tâm chia rẽ hay xung đột. Mọi sự dù khó tới đâu, hễ có Thầy nhìn tới là trôi chảy.
Ròng rã suốt mấy năm âm thầm sinh hoạt, lá cờ màu lá mạ, hoa sen trắng đã lần lượt tung bay khắp cơ sở Phật giáo không phân biệt môn phái, từ miền Đông qua suốt miền Tây và lan xuống cực Nam của nước Việt. Trong thời gian đó, công việc Gia Đình Phật Tử không làm cho việc nghiên cứu và trước tác của Thầy bị cản trở. Có một điều chưa bao giờ tôi thấy Thầy dùng chữ “phải" trong ngôn từ. Lệ thường, phần đông các bậc trưởng thượng khi nói với thanh niên thì cứ “các anh phải thế này, phải thế nọ”. Trong lời khuyên bảo của Thầy, vắng hẳn các ngôn từ chỉ thị đó. Bên trong lời nhẹ nhàng ấy, bao hàm một sức mạnh vô lượng, khiến cho ai được kêu gọi đến cũng đều tuân phục mà không chướng ngại. Sự hiểu biết về thanh niên của Thầy vượt xa mọi người. Thầy rất chịu khó tìm hiểu, rất chịu khó hòa đồng. Cho nên trước sau đối với Thầy, anh em trong Gia Đình Phật Tử cần ghi khắc vào tim hình ảnh của vị Trưởng Ban Hướng Dẫn cao cả đó.
Năm 1963, dù bận rộn với chức vụ trong Ủy Ban Liên Phái, Thầy cũng không xa chúng tôi. Trong cơn dầu sôi lửa đỏ, Thầy vẫn an nhiên tự tại khiến mọi người vững lòng. Thật khó tìm ở Thầy những gì ồn ào, hấp tấp, mà ở đó sự trầm tĩnh luôn luôn là một áng từ vân bao phủ và lúc nào cũng sẵn sàng đổ xuống những trận Hoa Đàm. Mùa Hè năm 1964, nhiệm vụ trong Ủy Ban Liên Phái hoàn thành! Thầy lui về trọn vẹn với công tác trước thuật. Trước Đại hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc ở trường Gia Long, khi bàn giao công tác cho anh Trưởng Ban Hướng Dẫn mới nhất và cũ nhất. Thầy tươi cười nói: “Tôi hân hoan trả lại chức Trưởng Ban bất đắc dĩ cho anh em”. Đại hội bùi ngùi luyến tiếc, vì với chức vụ bất đắc dĩ, Thầy lại làm việc tích cực hơn cả những người bao giờ cũng tự cho rằng mình là con người quan trọng nhất không thể thiếu được.
Bây giờ thì vinh quang đã đến với Thầy. Chín phẩm hoa sen đã nâng bước chân Thầy về Cực Lạc. Thầy ra đi khi hòa bình vừa tới. Nhiều người lo sợ Phật giáo sẽ phải điêu linh. Tôi không tin như vậy. Trước tinh thần hòa giải cực độ của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, tôi quả quyết không một ai còn chút đạo tâm lại dám đi ngược lại con đường trước mắt Thầy đã vạch. Tinh thần ấy là khung kính lớn để mọi người soi mặt.
Nhìn vào đó, đa số có thể minh tâm kiến tánh, nhưng đó cũng có thể hóa thành quái vật trước tấm “kính chiếu yêu”. Bản chất chân thật của mỗi một người không thể che giấu được dưới ánh sáng chiếu diệu đó. Tinh thần hòa giải còn, mọi sự chỉ sẽ như bóng tối tiêu tan trước vầng thái dương.
Ngày nay, phương danh của Hòa Thượng Thiện Hoa chói lòa trong chức vụ Viên Trưởng. Mỗi giới tìm ở Thầy chỗ dựa. Từ ông bà chính khách cho tới bậc tu hành, hết thảy đều tìm thấy ở đó một niềm tin. Và niềm tin ấy đã phảng phất trong tâm hồn người thanh niên tin Phật một cách tế nhị và vô vụ lợi. Có người chiêm ngưỡng Thầy với vóc dáng của một bậc Chân tu. Có người lại coi đó là một chính khách lỗi lạc. Tất cả đều thấy Thầy qua tâm tư của họ. Có người muốn nhuộm Thầy màu sắc địa phương. Và có lẽ ít ai chịu nhìn nhận ở Thầy cái vóc dáng một lãnh tụ thanh niên chân chính. Bởi hoàn cảnh đặc biệt, phần đông những người mới tới chùa sau ngày Pháp nạn đều không biết rõ một giai đoạn hoạt động đặc biệt trong đời Thầy. Người ta xưng tán công lao dựng chùa, dịch kinh, đào tạo Tăng tài, lãnh đạo Giáo Hội và không mấy ai biết tới vị cố Trưởng Ban Hướng Dẫn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Thế nhưng xưa nay “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Một chữ, nửa chữ đem dạy cho cũng đủ để cho ta gọi bằng Thầy, huống chi nhờ có Thầy mà tổ chức Gia Đình Phật Tử mới vượt được khó khăn để tồn tại, thì công lao ấy hẳn vô lượng vô biên, bất khả tư nghì. Hẳn nhiên lòng sùng kính của Phật tử bốn phương đối với Thầy dù ở nhãn quan nào cũng đáng cho ta chia sẻ. Nhưng lòng sùng kính ấy phải toàn vẹn và chung thủy. Từ ngày thành lập Gia Đình Phật Tử đã có bao nhiêu vị Tăng làm cố vấn giáo lý nhưng mấy ai còn giữ được tấm lòng chung thủy như Thầy. Nghĩ tới Thầy, chúng ta thấy bớt cô đơn. Thầy mất đi như đốm lửa cuối cùng đã tắt. Nhưng đốm lửa ấy đã bay lên cao, thật cao và trở thành một vì sao chiếu rọi vào những tâm hồn hướng thượng. Lẽ thường, khóc một người đã mất là khóc cho chính mình. Chúng ta không có những giọt nước mắt đó. Thầy chỉ hóa thân chứ không bao giờ chết. Sự chết không đến với những danh nhân bất diệt. Đức Phật nhập Niết Bàn là sự khởi đầu của một tôn giáo vĩ đại. Thầy chúng ta siêu thoát thì muôn vàn tâm hồn khác phải vươn lên.
Chắc chắn những ngày tới đây, Gia Đình Phật Tử sẽ còn gặp nhiều trở ngại nữa. Bên trong và bên ngoài ám khí vẫn còn đó. Nếu không tự tin và dũng mãnh, chắc chắn chúng ta sẽ khó vượt qua. Gia Đình Phật Tử không hề hò hét đòi làm cách mạng, cũng không ồn ào mưu toan cải tạo cả xã hội loài người. Toàn thể lý tưởng là sự trầm tĩnh tột độ. Một tiếng hét dù to tới đâu cũng phải trở về hư vô, mà sự trầm lặng thì sâu xa vĩnh viễn, vô cùng. Bây giờ đây nhiều tiếng hét đã trở thành lạc lõng. Người gầm thét đang ngỡ ngàng với cả chính mình. “Vô thanh thắng hữu thanh” lẽ đó bao giờ cũng hiện thực.
Cho nên tưởng niệm tinh thần Thích Thiện Hoa, Gia Đình Phật Tử nên theo gương tĩnh mặc của Thầy. Đối với một Phật tử, tôn sùng cá nhân là điều tối kỵ, nhưng tưởng niệm tới công lao của một Thầy thì mới vẹn tròn chung thủy. Và có thủy chung trong tâm niệm cũng chưa đủ, người thanh niên phải thể hiện cho bằng được ý nguyện cao đẹp của tiền nhân.

Sài Gòn năm 1973

Lữ Hồ - Người Áo Lam
Nguồn: Bodhi Media