Lời dẫn: Bài này viết để tham dự hội thảo với chủ đề Phật giáo và văn học Bình Định được tổ chức vào các ngày 3, 4 và 5 tháng 8 năm 2018 tại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định.
|
Thầy Thích Phước An - ảnh Trần Quang Diệu |
QUÊ HƯƠNG VÀ HỒN ĐẠO
Trong thơ văn Quách Tấn
Thích Phước An
Trong bài Đôi dòng cảm nghĩ về cuốn Võ Nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2001, Giáo sư Mạc Đường, nguyên viện trưởng viện Khoa Học xã hội TP.HCM có cho biết rằng, họ Quách, mặc dù ông tổ vốn dòng Mân Việt nhưng không chịu sống dưới chế độ Mãn Thanh nên đã rời bỏ Trung Quốc di dân sang Việt Nam. Đến thế hệ Quách Tấn và con là Quách Giao đã trên 300 năm. Vì sống tại Tây Sơn đã nhiều thế hệ “ nên họ Quách có biết dược nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương. Nhất là thời đại Tây Sơn và phong trào Cần Vương. Gia phả của họ Quách đều có ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng này.
“Thân mẫu của Quách Tấn, thuộc phái họ Trần mà vào thời Tây Sơn đã có đến bốn người con trai phục vụ dưới trướng quân Tây Sơn. Di tích còn lại ngoài bản phổ hệ còn có ngôi mộ xây bằng vôi to lớn, tọa lạc tại thôn Trường Định. Đó là mộ của cụ ông Trần văn Phàn làm quan đến chức cai cơ thời Tây Sơn.
Chính nhờ thân mẫu mà nhà thơ Quách Tấn có biết được khá nhiều tư liệu về nhà Tây Sơn và lãnh đạo cần vương Mai Xuân Thưởng. Bên cạnh mẫu thân còn có nhiều bác, chú, cậu và thân hào trong huyện kể lại những điều mắt thấy tai nghe cho nhà thơ ghi chép. Tập trung tư liệu trong suốt 60 năm, từ thưở đi học cho đến lúc có được sự nghiệp văn chương, nhà thơ luôn luôn mang trong lòng hoài bão viết về quê hương của mình.
Vào năm 1968 Quách Tấn cho ra mắt tập Nước Non Bình Định, năm 1988 lại viết về văn nhân Bình Định, phát huy văn thơ của bốn cha con nhà họ Nguyễn ở thôn Vân Sơn huyện An Nhơn (tác phẩm họ Nguyễn thôn Vân Sơn). Đồng thời cũng vào năm đó, ông lại cho ra cuốn nhà Tây Sơn, do Nhà văn hóa thông tin Nghĩa Bình xuất bản.
Sau ba tác phẩm viết về Bình Định, ông còn nuôi hoài bão viết về võ Bình Định và hát bội Bình Định. Nhưng tuổi tác và nhất là bệnh tật đã không cho Quách Tấn toại nguyện, nên ông phải cùng con là Quách Giao cùng chung nghiên cứu và sáng tác. Ông qua đời đột ngột, Quách Giao con trai của ông đã dùng tư liệu của cha để hoàn tất hai tập Võ Nhân Bình Định và hát Bội Bình Định” (1).
Trong số 5 tác phẩm mà Quách Tấn đã viết về Bình Định đó, có lẽ tác phẩm Nước Non Bình Định là tác phẩm mà ông đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết nhất. Khởi đầu từ 1958 đến 1964 thì mới hoàn thành, chưa nói những năm còn đi học ở Quy Nhơn cũng như khi ra trường đi làm việc thì lúc nào ông cũng bận tâm tìm tư liệu nữa.
Trong tập hồi ký Bóng Ngày Qua, Quách Tấn cho biết vì sao ông bỏ công sức quá nhiều như vậy :
“Tôi viết Nước Non Bình Định như một đứa bé quá thương yêu mẹ, phải bám vào cổ mẹ mà nói một cách ngọng ngiu rằng: “Mẹ đẹp quá! Mẹ nhân đức quá! Con thương yêu mẹ quá, mẹ ơi!”. Phải nói lên để cho vơi bớt nỗi lòng và để mong anh chị em trong gia đình chú ý đến mẹ, thương yêu mẹ gấp năm gấp mười lên” (2).
Đọc câu trên của Quách Tấn khiến tôi liên tưởng đến nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ nổi tiếng Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong. Khi đề cập đến quê cha thì lời thơ dù thương cảm nhưng có cái gì hơi chua chát chứ không ngọt ngào, nồng hậu như khi nói về quê mẹ mình:
Quê cha Hà Tĩnh, đất hẹp khô rang
Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm
Với Quách Tấn ngoài việc ca ngợi người mẹ Bình Định đẹp, hiền từ, nhân đức ra, thì gần như tác phẩm nào viết về Bình Định ông cũng đều nhấn mạnh, đó là hào khí ngút trời của người dân Bình Định. Chẳng hạn trong lời mở đầu, Quách Tấn đã viết:
“Ngày xưa- có lẽ ngày nay cũng vậy:
Học trò Bình Định ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
Để đi được cho đành, trước khi ra về, anh học trò Bình Định bèn rủ:
Mãi vui Hương Thủy Ngự Bình
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng kinh đô
Bình Định không đồng khô cỏ cháy
Năm dòng sông chảy
Sáu dãy non cao
Biển đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng
Anh hào vào mây xanh
Mấy lời của anh học trò đa tình kia đã nói lên được những nét đại cương của tỉnh Bình Định.
Một tỉnh mà nền văn minh của Chiêm Thành còn để dấu nơi cổ thành, cổ tháp đã chịu tang thương trong bao nhiêu tinh sương mà tiếng anh hào của ba vua Tây Sơn ngày xưa và của Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ gần đây vang dội trong lòng người Việt Nam như tiếng sóng của Thị Nại vỗ vào Gành Ráng, Phương Mai, vỗ vào bóng mây trời giăng mặt biển.
Bình Định đại khái là thế và phong cảnh Bình Định, như anh học trò đã thú thật, không có vẻ thanh lịch, không có vẻ yêu kiều, cũng không được tráng lệ. Nhưng rất hữu tình trong vẻ thuần phác, trong vẻ kỳ cổ, trong vẻ thâm u. Và những vẻ đẹp ấy vốn ẩn tàng chứ không bộc lộ, khách vô tình hay khinh bạc không dễ thấy được chân tướng của non sông." (3)
Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước khi đọc được tác phẩm NNBĐ của Quách Tấn, mỗi lần có dịp về thăm quê, thăm chùa, chùa tôi nằm dưới chân núi Bà, thuộc huyện Phù Cát chung quanh có núi non bao bọc, mỗi chiều tôi thường ra đứng trên nền gạch đổ nát hoang tàn của Tân Phủ Càng Dương, một trong những căn cứ quân sự của nghĩa quân Tây Sơn lập ra để canh chừng mặt biển rồi ngóng vọng về rặng núi phía Tây. Nhưng dường như lúc nào cũng mờ khuất sau những đám mây. Rồi tôi nhờ đến mấy câu thơ mà Quách Tấn đã khiêm tốn bảo là ca dao Bình Định nhưng thật ra theo chỗ tôi biết là do ông sáng tác:
Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thú Thiện, bên này Dương Long
Nước sông trong
Dò lòng dâu bể
Tiếng anh hùng
Tạc để nghìn thu
Xa xa con én liệng mù
Tiềm Long hỏi chốn vân du đợi ngày
Thú Thiện, Dương Long là những cái tháp của người Chiêm Thành, vẫn đứng đó hơn mười thế kỷ nay như còn tiếc nuối cho một thời huy hoàng đã chôn sâu trong lòng đất.
Và dưới chân những ngọn tháp đó là nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Bùi thị Xuân ở hậu bán thế kỷ 18 cùng Mai Xuân Thưởng lãnh tụ phong trào Cần Vương vào thế kỷ 19 và cũng là nơi chào đời của nhà thơ Quách Tấn nữa.
Tất cả những con người được ca tụng là vĩ đại đều tha thiết và gắn bó với nơi mà mình đã sanh ra. Vua Quang Trung cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Chẳng hạn, giờ phút được xem là vinh quang nhất của đời mình, vị tướng bách chiến bách thắng vẫn không quên nhắc đến quê hương nghèo khổ của mình, một cách đầy hãnh diện trong Chiếu Lên Ngôi được tuyên đọc tại Núi Bân, Thuận Hóa trước khi kéo đại quân ra Thăng Long quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược để chúng biết “Nước Nam anh hùng là có chủ”:
“Trẫm là người áo vải đất Tây Sơn, không một tấc đất, không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân…”
Đúng hai thế kỷ sau tức là hậu bán thế kỷ 20 Quách Tấn cũng người đất “Tây Sơn áo vải” viết hai bài văn tế là nhân dân Bình Định tế vua Quang Trung, nhân dân Bình Khê tế Tây Sơn Tam Kiệt cùng bản tiểu sử được khắc bằng đá dưới tượng bán thân vua Quang Trung. Hai bản văn tế được tuyên đọc vào ngày mùng 5 tết trong lễ chiến thắng Đống Đa và ngày kỵ 3 Vua ngày 13 tháng 11, hằng năm trước 1975. Mỗi lần đọc hai bài văn tế và bản tiểu sử tôi có cảm tưởng là Quách Tấn đã làm sống lại trọn vẹn cái hào khí ngút trời mà Quang Trung Nguyễn Huệ và nhân dân Bình Định đã cống hiến cho tổ quốc vào hậu bán thế kỷ thứ 18.
Xin được trích một đoạn về vua Quang Trung trong bản văn tiểu sử Tây Sơn Tam Kiệt :
“Còn Vũ Hoàng sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần. Lại sùng thượng kinh văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đạt đức được tôn kính bậc thầy, văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.
Thân Bố y tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng, họ Lưu.
Quả là cái thế anh hùng.
Năm Tân Mão (1771) thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo, trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lừng lẫy.
Riêng Vũ Hoàng,
Ba lần bạt thành Gia Định, ba lần vào Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối. Tạo nên cơ nghiệp Võ Thang.
Lại hai phen tảo quân xâm lược. Năm Giáp Thân (1784) đánh tan 300 chiến thuyền xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước về.
Năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch 29 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân thỉnh về.
Do vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.
Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập.
Công thật cao như Trường Sơn.
Ân thật sâu như Nam Hải
Non sông đã định. Vũ Hoàng chăm lo việc trị bình:
Đắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường.
Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc.
Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự.
Lập Sùng Chính Viện để đào tạo nhân tài.
Và cái nhục cống người vàng cho Trung Quốc rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quãng.
Nhưng than ôi!
Năm sắt đá rèn gan, trời chưa kịp vá.
Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong.
Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ trường thịnh.
Tuy nhiên,
Danh Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng, núi Tượng mà cao.
Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình" (4)
Nhưng không chỉ có Quách Tấn người của “Tây Sơn áo vải” ca tụng Quang Trung Nguyễn Huệ người của đất Tây Sơn mà giới trí thức thời đó cũng như bây giờ đều đồng loạt ca tụng chiến thắng vĩ đại của dân tộc ở hậu bán thế kỷ 18.
Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời đã tận mắt chứng kiến:
Thành Nam thập nhị kình nghê quán
Chiếu diệu anh hùng đại võ công
Nghĩa là :
Nơi thành phía nam của Thăng Long
Có mười hai đống chôn xác giặc xâm lăng
Càng làm rạng rỡ đại võ công của bậc anh hùng
Mà đến hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn làm rung động những nhà thơ lớn, như Bùi Giáng trong thi phẩm nổi tiếng Mưa Nguồn có bài Nguyễn Huệ với những câu như:
Bàn chân người đạp xuống
Bàn chân người bước lên
Hà Hồi chuông trống giục
Mười vạn quân theo gót
Tha thiết một niềm tin
Mây trời cao chót vót
Dòng nước cũng động mình
Và theo tôi, tất cả người Bình Định chúng ta phải lấy làm hãnh diện hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương sau đây:
Người ra Bắc oai danh mờ nhật nguyệt
Ôi! Ngàn năm rạng rỡ đất Quy Nhơn
Triều đại Tây Sơn tuy oanh liệt nhưng tồn tại quá ngắn ngủi không đầy 30 năm. Và điều lạ là sau khi Tây Sơn sụp đổ thì không thấy bất cứ một cuộc nổi dậy bằng võ trang nào để phục hồi nhà Tây Sơn? Các tướng lãnh Tây Sơn mà hầu hết là người Bình Định, đã quá tiêu cực và nhu nhược chăng? Trong khi đó tên vua bán nước Lê Chiêu Thống đã chạy theo tàn quân Tôn Sĩ Nghị sang Trung Quốc, vậy mà vẫn có những kẻ trung thành nổi dậy chống lại nhà Tây Sơn như Dương Đình Tuấn ở Yên Thế (Bắc Giang) như nhóm Phạm Đình Đạt, Phạm Đình Phan, Phạm Đình Dữ hoạt động rất mạnh ở vùng Lạng Giang, triều đình phải chật vật lắm mới tiêu diệt được.
Như vậy, các tướng lãnh Tây Sơn quan niệm thế nào về chữ trung? Vốn được đặt hàng đầu ở các triều đại phong kiến?
Trong tác phẩm Võ Nhân Bình Định, Quách Tấn có đề cập đến vấn đề này qua cuộc đối đáp giữa hai tướng Tây Sơn và Võ Văn Dũng người Phú Phong và Đặng Văn Long người huyện Tuy Phước.
Đại đô đốc Đặng Văn Long là người đã chỉ huy đoàn quân đánh vào đồn Khương Thượng ở phía tây thành Thăng Long, mở đường cho đại quân của vua Quang Trung tiến vào Thăng Long.
Sau khi vua Quang Trung băng hà, Cảnh Thịnh còn quá nhỏ để cho gian thần lộng hành. Đặng Văn Long chán ngán từ chức trở về quê dạy võ. Nhưng rồi nhận thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy cũng đều chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư. Đặng Văn Long liền đóng cửa trường lên núi làm rẫy sống qua ngày.
Một hôm tướng Võ Văn Dũng, lúc này đang trốn tránh triều đình Phú Xuân biết nơi ẩn náu của Đặng Văn Long nên tìm đến thăm. Gặp lại cố tri, Đặng tướng quân vui mừng khôn xiết, Nhưng khi nghe Võ Văn Dũng bàn đến chuyện phục hưng nhà Tây Sơn thì Đặng lắc đầu nói:
“Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính là vì tổ quốc. Nếu giặc Mãn Thanh không đem quân sang chiếm nước ta thì tôi mãi mãi là con hạc nội, máu đâu phải dính tay.
Còn nhà Tây Sơn thì chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu vua không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi như vậy?
Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được gì nữa? Mà dù có làm được thì làm để làm gì? Nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu. Mà tranh ngôi báu cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi trên 30 năm trời đánh nhau, nhân dân đã quá điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.
Võ tướng quân ra về, Đặng ở luôn trên núi cao. Trong nơi khói mây, không ai biết tướng Đặng Văn Long ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn” (5)
Như vậy, hầu hết các tướng lãnh Tây Sơn đều chỉ chủ trương trung thành với tổ quốc với dân tộc chứ không trung thành với một cá nhân hay một triều đại nào.
Trong Nước Non Bình Định phần viết về núi non có lẽ được đánh giá cao nhất, trong một bài viết khi tác phẩm vừa ra đời, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, ông vốn rất say mê các cửa biển miền Trung. Nhưng trong Nước Non Bình Định, Quách Tấn chỉ dành 18 trang để viết về biển, nên đọc xong vẫn còn thấy thèm. Ngược lại trong chương viết về núi non Quách Tấn Đã dành đến 80 trang. Và Nguyễn Hiến Lê đã tóm lược 80 trang mà Quách Tấn đã viết về núi như thế này:
“Trong tám mươi trang có tới trăm ngọn núi. Tuy không cao lắm nhưng “ Hùng Dũng Hiểm Tuấn” nhiều ngọn núi hình dáng kỳ dị như Mạ Thiên Sơn, đứng phía này mà ngó thì rất ngạo, hung tợn như “ há miệng mắng trời” nhưng đứng phía khác thì trông lại rất hiền lành ”lễ độ”, có phía coi như ông Phật ngồi, có phía như hổ nằm, mà từ trên cao nhìn xuống như cánh buồm.
Có núi hình dáng không kỳ dị, mà sắc thì diễm ảo như núi Xương Cá, những buổi trưa nắng gắt ờ xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn vào những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương thì lóng lánh như hạt kim cương” (6).
Và trong hồi ký viết về cuối đời, tôi nhớ Nguyễn Hiến Lê vẫn quả quyết rằng: "Nhất là cảnh núi non mà tôi tin chắc rằng không ai viết hay hơn Quách Tấn được".
Trong hồi ký viết về Nước Non Bình Định Quách Tấn trả lời một độc giả ở Phú Phong nói rằng, tôi vào Hầm Hô đánh cá luôn, tôi chỉ thấy đá là đá, chớ có thấy gì đẹp đâu mà ông Quách Tấn ca tụng đến như thế”
Quách Tấn trả lời “ông vào Hầm Hô với tấm lòng mong được nhiều cá thì có bao nhiêu vẻ đẹp của Hầm Hô đều chui hết vào bụng cá rồi còn đâu mà thấy đẹp”.
Và tác giả NNBĐ kết luận: “ cái đẹp sẵn có trong tạo vật và vốn không bờ bến khi thấy hay không thấy và thấy đến mức độ nào là tùy từng người vậy” (7)
Là một thi sĩ Quách Tấn luôn luôn xác định rằng, khi viết hai tập du ký, Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương ông chỉ nhấn mạnh về phong cảnh, cổ tích, giai thoại, huyền thoại, là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về khoa học, thiên về chuyên môn thuần túy là những những cái thường còn thì nhường lại cho các nhà nghiên cứu và học giả.
Vì thế cho nên ta thấy trong Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương gần như lúc nào Quách Tấn cũng nhắc đến câu “ khó tin rằng có, khó ngờ rằng không”. Một lần ngồi trò chuyện về thi ca với ông, tôi đọc cho ông nghe bốn câu thơ của ngài Cưu Ma La Thập :
Tâm sơn dục minh đức
Lưu huân vạn do diên
Ai loan cô đồng thượng
Thanh âm triệt cửu thiên
Nghĩa là :
Ở trong núi nuôi dưỡng các đức tính chói sáng
Hương thơm tỏa ra hàng vạn dặm
Rồi cũng giống như con chim loan
Cất tiếng kêu buồn thảm trên cây ngô đồng
Âm thanh của nó vọng đến chín tầng trời
Ông trầm trồ khen ngợi hay quá và nói rằng “ Tâm sơn dục minh đức” là điều mà tôi muốn thể hiện trong các tác phẩm của tôi đặc biệt là hai tác phẩm Xứ Trầm Hương và Nước Non Bình Định.
Nhưng giai thoại hay huyền thoại theo Quách Tấn không có nghĩa là mê tín dị đoan. Nơi trang 248 trong Xứ Trầm Hương, khi viết về chùa Linh Sơn ờ Vạn Giã (Khánh Hòa ), Quách Tấn đã đề cập đến những vấn đề quan trọng như phép lạ, thần thông biến hóa, tức là những vấn đề mà thời nào, ở đâu cũng có một số người lợi dụng để khoe khoang về trình độ tu chứng của mình, nhằm mê hoặc những người thiếu hiểu biết, thiếu suy xét với mục đích không khác gì hơn là đem về lợi lộc cho bản thân mình:
Chùa Linh Sơn ờ Vạn Giã được thành lập vào năm 1761, khai sơn là hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu Kim Cang Lão Tổ. Quách Tấn viết :
“Tục truyền rằng, khi hòa thượng đến ngồi tu thiền dưới gốc cây kén, thì con hổ đến sanh ở bên cạnh một cách tự nhiên”, Quách Tấn đặt câu hỏi vả tự trả lời “ không có gì lạ cả” vì sao ? Ông dẫn chứng “bác sỹ Yersin khi đi tìm Đà Lạt, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ. Bác sỹ đứng yên, hồi lâu rắn bò đi. Người ta ngờ rằng bác sỹ có thuật thôi miên. Nhưng bác sỹ Yersin giải thích:
- Thú dữ cắn người , trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không có ý làm hại chúng, thì chúng có cần hại mình làm chi”.
Rồi Quách Tấn giải thích trường hợp ngài Đại Bửu trong tinh thần Phật Giáo “ngài Đại Bửu cũng thế, từ thiện căn lực của Ngài tỏa ra từ thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình.
Các vị chân tu sống bình yên trên núi cao đều nhờ đức từ bi chứ không phải phép lạ, hoặc thần thông biến hóa mà chế ngự được thú dữ.
Nhưng người đời không hiểu rõ, tưởng ngài Đại Bửu có phép lạ, đến Quy y mỗi ngày một đông” (8)
Cuối rặng núi Bà ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát có một ngôi chùa, dù chùa có tên chính thức là Linh Phong nhưng người dân ở đây đều gọi là chùa Ông Núi. Theo Quách Tấn trong nước non Bình Định thì :
“ Người địa phương gọi là Ông Núi, vì thấy nhà sư tu ở trên núi suốt năm.
Truyền thuyết nói rằng, Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì Ông Núi mới gánh một gánh củi xuống chân núi để ở ngã ba đường, rồi lên núi trở lại. Hôm sau người trong vùng đem muối , gạo đến để đó rồi gánh củi đem về nhà chụm. Hôm sau Ông Núi đến nhận muối gạo, nhiều ít không cần biết, mất còn không bận tâm. Nhưng những khi trong vùng có bệnh dịch thì nhà sư đem thuốc xuống núi cứu chữa. Chữa xong lên núi ngay, một cái vái chào cũng không nhận.
Ông Núi viên tịch vào đời Tây Sơn (1771 – 1802). Hiện còn bảo tháp song có người bảo rằng tháp mới xây sau này để kỷ niệm, chứ thật ra Ông Núi đã bỏ đi mất từ khi gian thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, trong nước loạn ly, nhân dân lầm than, Ông Núi một đi không trở lại và không biết đi về đâu(9).
Vào mùa hè năm Mậu Dần (1938) Quách Tấn đến viếng chùa. Ông đến để tìm lại cái hang đá mà Ông Núi đã từng tham thiền nhưng “hang đá bỏ vắng lâu đời, đường vào hang gai lấp, cửa vào hang mây phủ kín ”chẳng thấy Ông Núi đâu hết, chỉ thấy cái tháp Ông Núi đứng trơ vơ trong nắng chiều:
Có chăng? Chăng mất: người trong tháp
Có đó mà không: núi ẩn cây
Bởi vậy nên thi nhân chỉ còn biết:
Đành gửi nhớ thương chương ký ức
Nghìn sau khói nhạt mối tình xưa
Dù không tìm thấy dấu vết của Ông Núi, nhưng Quách Tấn đã tìm thấy một buổi chiều, một buổi chiều mà ông đã ghi lại, bằng những câu rất đơn giản. Nhưng sau những câu đơn giản đó, ta có cảm tưởng như có một xanh vĩnh cửu vừa chớm dậy trong hồn thi nhân:
“Người đến viếng chùa, long không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa hẳn khỏi trần tục:
Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chùa đầy non
Nếu không có tiếng chuông lây mộng, thì mộng vẫn còn mãi trong bóng mây ráng” (10).
Đọc mấy dòng đơn giản trên, tôi nhớ một người yêu thơ Quách Tấn đã nhận xét: "Người thơ chỉ sống trong một thoáng cũng bằng kẻ phàm trần sống một đời dài khi lòng đã đánh mất đi cái bản chất thanh tịnh của thiên nhiên" (11)
Và có phai đúng như lời của Khổng Tử được truyền tụng từ gần 25 thế kỷ nay là người say mê cái đẹp của núi non là người nặng lòng nhân (Nhân Giả Nhạo Sơn?).
Chắc chắn là như vậy rồi. Những bài thơ tuy ngôn ngữ giản dị nhưng vô cùng hàm súc sau đây sẽ cho chúng ta thấy, tấm lòng của thi nhân, chẳng những đối với chim chóc mà ngay cả những bông hoa dại trên đương quê, cũng được thi nhân trân trọng và nâng niu trong cõi thơ của mình.
Vào một buổi chiều, có lẽ là buổi chiều mùa đông. Quách Tấn đang đi dạo trên con đường quê, chợt ông nhìn thấy trên cành cây bênh vệ đường có một tổ chim. Nhìn kỹ thì ông thấy đó là tổ chim sâu. Con chim mẹ đang đút mồi cho chim con. Quan sát cảnh tượng đầy cảm động ấy. Quách Tấn đã ghi lại cảm xúc của mình trong một bài thơ có tên là Nhánh Chiều:
Chiều đọng nhánh mồ côi
Nhìn chim sâu đút mồi
Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng cũ bóng mây trôi
(Mộng Ngân Sơn)
Rainer Maria Rilke, thi sĩ của nước Đức, trong tác phẩm lừng danh Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi , đã khuyên những người làm thơ trẻ rằng, khi náo mà thấy tâm hồn mình cô đơn, cằn cỗi thì hãy hồi tưởng lại tuổi thơ bé bỏng của mình.
Đúng là như vậy rồi, cứ mỗi lần đọc hai câu:
Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng cũ bóng mây trôi
Là tâm hồn tôi lại tràn ngập một tình yêu mênh mông khó tả về một làng quê nghèo khổ ở dưới chân Núi Bà huyện Phù Cát nhưng lại rất có nhiều mây trắng và nắng vàng đã xa xôi.
Và chẳng phải sứ mệnh thiêng liêng của bất cứ thi sĩ chân chính nào trên mặt đất này cũng đều phải khơi dậy cho được tình yêu thương đó đến trên cuôc đời vốn dĩ thiếu vắng tình thương này hay sao?
Cũng vào một buổi chiều trên con đường quê, nhưng lần này thì lại khác hẳn, nghĩa là không phải nhìn chim sâu đút mồi nữa, mà Quách Tấn lại nhìn thấy hai con Sáo Sậu đang tương tàn với nhau trên lưng con trâu:
Lưng trâu đôi sáo sậu
Không chút lòng thương nhau
Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau
( Mộng Ngân Sơn)
Có lẽ với hầu hết chúng ta, quanh năm suốt tháng chỉ bận tâm đén những vấn đề mà chúng ta cho là đại sự, mà quên những gì có vẻ tầm thường và nhỏ nhặt, như chuyện hai con sáo sậu đang tương tàn với nhau chẳng hạn. Nhưng với Quách Tấn thì chuyện đó chẳng hề là tầm thường và nhỏ nhặt tý nào. Cứ đọc hai câu cuối:
Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau
Thì ta có thể thấy được tâm trạng của ông khi nhìn thấy hai con sáo sậu tương tàn với nhau. Dường như, đối với ông lúc đó bầu trời như chợt tối sầm lại?
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm là, dù trong thơ Quách Tấn có nhắc nhiều đến những cảnh mà chỉ có người đã sanh ra và lớn lên ở thôn quê thì mới biết “Co ro thân cò lép, bến lạnh đứng rình mồi”, “Qua hàng tre nắng nhuộm, dòn dã tiếng cu cườm”, “Lắc lư chim chèo bẽo, trên nền trời rạng đông”, “Nắng nhuộm đồng lúa thơm, hương theo ngọn gió nồm” hay “ Vườn xưa muôn cách trở, phảng phất mùi hoa cau” chẳng hạn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể xếp ông như một nhà thơ thuần tuý nói lên cái đẹp của đồng quê Việt Nam như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ hay Nguyễn Bính mà theo tôi, phải xem Quách Tấn như một nhà thơ lúc nào cũng bâng khuâng đi tìm kiếm một quê hương tâm linh cho chính mình:
Chiều chiều trong nước Lại Giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương
Như Quách Tấn đã khẳng định nhu vậy trong tập thơ Mùa Cổ Điển, từ thuở còn trai trẻ của ông.
Dường như thi nhân là những kẻ trực nhận một cách mạnh mẽ hơn ai hết sự mong manh, thoáng chốc của mọi thứ mà con người tự cho là hạnh phúc trên cuôc đời này. Trong khi đoàn tụ thì thi nhân đã linh cảm đén lúc phải chia ly, trong cảnh vui vẻ đầm ấm của gia đình thì thi nhân đã nghĩ ngay đến những bất hạnh đang chờ trước mắt:
Ánh lửa hoang hôn đã lập lòe
Oanh Vàng còn nuối bóng hoa lê
Hỡi anh trương ná dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về
( Động Bóng Chiều)
Quách Tấn có bi quan lắm không? Chắc chắn là không. Ông chỉ muốn nói lên một sự thật, dù sự thật ấy có hơi phủ phàng. Nếu bi quan thì làm sao ông có thể gần như “Van xin” con người hãy bớt tàn ác đi, đừng bóp chết những hy vọng mong manh của cuộc đời vừa mới chóm dậy?
Hỡi anh trương ná dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về
Đó là Quách Tấn đối với chim chóc, tức là những sinh vật cũng biết đau đớn, cũng ham sống và sợ chết như con người có lẽ chúng chỉ khác con người ở chỗ, con người biết tính toán hơn thua và nhất là đủ nhẫn tâm để tàn hại chúng mà thôi.
Còn đối với cỏ cây hoa lá thì sao?
Mặc dù hầu hết chúng ta đều xem cỏ cây hoa lá là những vật vô tri, vô giác, là thứ khi nào cần thì chúng ta bẻ đem vào để trang hoàng cho những cuộc vui của chúng ta, xong cuộc vui thì đem vứt vào đống rác khổng lồ ở các thành phố mà không hề có một lời cảm ơn vì nó đã góp phần tô điểm cho cuộc vui vô bổ đó.
Quách Tấn có hai bài thơ nói lên hết tất cả tấm lòng của ông đối với hoa.
Trong Mộng Ngân Sơn:
Tình Quê phong nhụy thắm
Đơn chiếc nở bờ hương
Không nở đưa tay hái
Nghiêng lòng đón lấy hương
Và trong Giọt Trăng:
Thương hoa không nở hái
Hoa rụng lòng thêm thương
Vén cỏ chiêu hồn lại
Ngàn xanh hiu gió sương
Đây không chỉ thuần túy là sự trang trọng của một nghệ sỹ trước vẻ đẹp của hoa, mà chắc chắn đã phát xuất từ tấm lòng của một tâm hồn đa cảm, xem hoa cũng có tâm hồn như chính mình.
Đọc hai bài thơ trên của Quách Tấn tôi lại liên tưởng đến thiền sư Huyền Quang đời Trần ở thế kỷ thứ 13.
Thiền sư vốn rất mê bông cúc, ông có đến những sáu bài thơ vịnh bông cúc.
Trong sáu bài thơ đó, có một bài ông trách nhẹ các cô gái không thấy được vẻ huyền diệu của hoa, mà cứ đến đâu hễ thấy hoa là ngắt cài đầy lên mái tóc của mình rồi mới chịu ra về:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai
Nghĩa là :
Hàng năm cùng sương móc, vào thu hoa cúc nở
Trăng thanh gió mát, thỏa thích tấc lòng
Thật đáng cười cho kẻ không thấy vẻ huyền diệu của hoa
Đến đâu là hái hoa dắt đầy đầu mà trở về
Ta có thể giải thích như thế này, nếu như tất cả con người trên mặt đất ai cũng thấy được vẻ huyền diệu của hoa như thiền sư Huyền Quang ở đời Trần và thương hoa nhưng không nỡ đưa tay hái chỉ nghiêng mình đón lấy hương như Quách Tấn ở hậu bán thế kỷ 20, hì có lẽ nhân loại ở ngày hôm nay đã tránh được hậu quả vô cùng tai hại như thiên tai, bão lụt, động đất và nhất là trái đất ngày càng nóng lên như các nhà môi sinh đã báo động liên tục chăng?
Trước khi dứt lời, xin được trở lại dòng sông Côn trong Nước Non Bình Định, con sông quan trọng nhất trong 5 dòng sông của đất Bình Định.
Theo Quách Tấn, sông manh nha bắt nguồn từ 3 tỉnh: Quảng Ngãi, KonTum và Bình Định rồi chảy xuống thị trấn Phú Phong qua làng Kiên Mỹ trước nhà vua Quang Trung, nên trong bài văn tế vua Quang Trung, Quách Tấn viết:
Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm
Mãn vui tình mai liễu độ xuân
Đỉnh Tây Sơn gió cuộn sóng tùng
Chạnh tưởng đấng anh hùng cứu quốc
Nhưng vì sao lại đặt là Côn Giang?
Quách Tấn giải thích :
“Chữ Côn mượn trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử.
“Biển Bắc có loài cá Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành chim gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì dời sang biển Nam. Biển Nam là ao trời. Khi Bằng dời sang biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ.”
Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu sanh trưởng trên đất đã sản xuất các bậc hào kiệt như Nguyễn Huệ, Bùi thị Xuân, Mai Xuân Thưởng… mà dòng sông Côn nhuần thắm, có ngày trỗi dậy “quạt cánh Bằng bay chín vạn tầng cao… Nếu không được như thế, thì ít ra cũng đừng làm những giống cá con con hễ thấy mồi con là đớp” (12).
Đó là hoài bão, là kỳ vọng mà Quách Tấn tiên sinh đã gửi đến cho tất cả người dân Bình Định của chúng ta hiện nay và cả mai sau nữa chăng?
Nha Trang, cuối xuân Mậu Tuất (2018)
Thích Phước An
Ghi chú:
(1). Võ Nhân Bình Định, NXB Trẻ 2001 TP.HCM, các trang 5,6,7
(2). NNBĐ, NXB Thanh Niên, 2002 TP.HCM, tr 3,4
(3). SĐD trang 3,4
(4). SĐD tr.3,4,1-3,4,2
(5). Võ Nhân Bình Định, Tr. 298-299
(6). NNBĐ. Phần phụ lục, Tr. 517
(7). SĐD. Phần phụ lục, Tr. 517
(8). Xứ Trầm Hương. NXB văn học nghệ thuật KH 2002, tr.248
(9). NNBĐ. Tr. 267-268
(10). NNBĐ. Tr.272
(11). Hương thơ Quách Tấn, nhiều tác giả, nxb hội nhà văn 2002. Tr.26
(12). NNBĐ. Tr.116