Wednesday, March 25, 2020

Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki

Nhân đọc: Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki
Thích Phước An


MEISTER Eckhart, sinh tại nước Đức, là nhà thần bí vĩ đại của Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. Sự xuất hiện của Eckhart đã làm đảo lộn những người đi trước ông, D. T. Suzuki trong Mysticism; Christian and Buddhist (xin xem Huyền Học: đạo Phật và Thiên Chúa, bản dịch của Như Hạnh, Kinh Thi 1974) đã nói rằng, lần đầu tiên khi đọc Eckhart, ông đã xúc động tràn trề, và D. T. Suzuki cho rằng, Eckhart đúng là “một tín đồ Thiên Chúa Giáo phi thường” và Thiên Chúa Giáo của Eckhart, D. T. Suzuki nghĩ là “thật độc đáo và có nhiều điểm khiến chúng ta do dự không muốn xếp ông thuộc vào loại mà ta thường phối hợp với chủ nghĩa hiện đại duy lý hóa hay chủ nghĩa truyền thống bảo thủ. Ông đứng trên những kinh nghiệm của riêng mình, một kinh nghiệm phát sinh từ một tư cách phong phú, thâm trầm, và đạo hạnh”. Và như vậy D. T. Suzuki, viết tiếp về Eckhart: “Ông cố hóa giải những kinh nghiệm ấy với cái loại Thiên Chúa Giáo lịch sử rập khuôn theo những truyền ký và huyền thoại. Ông cố đem cho chúng một ý nghĩa “bí truyền” hay “ nội tại” và như thế ông bước vào những địa vực mà đa số những tiền nhân lịch sử của ông không chạm đến”.
M. Eckhart nỗ lực giải thích Thánh Kinh trong một ánh sáng khác. Ví dụ vấn đề thời gian đối với Chúa không hề là thời gian theo quan niệm toán học:
“Ngày của linh hồn và ngày của Chúa khác nhau. Trong ngày tự nhiên của nó linh hồn biết tất cả vạn vật trên thời gian và không gian; chẳng có gì xa hay gần. Và chính vì thế mà tôi nói, ngày hôm ấy vạn hữu bình đẳng. Nói về thời gian như là được sáng tạo bởi Chúa ngày mai, hôm qua, hẳn là nói điều phi lý; Chúa tạo ra thế gian và vạn vật trong cái bây giờ hiện tại. Thời gian trôi một ngàn năm qua đối với bây giờ cũng hiện tại và gần gũi đối với Chúa như chính giây phút này. Cái linh hồn ở trong cái bây giờ hiện tại này, trong đó đấng Cha sinh ra đấng Con duy nhất và cũng trong sự sinh ấy linh hồn được hồi sinh trong Chúa, đó là sự sinh; cũng nhanh như linh hồn được tái sinh trong đấng Cha đang sinh đấng Con duy nhất của Ngài trong nó”.
Và như vậy M. Eckhart cho chúng ta thấy rằng, thời gian là vô thủy và vô chung:
“Chúa Đấng Cha và Đấng Con không liên hệ gì với thời gian. Sinh không ở thời gian, nhưng ở tận cùng và giới hạn của thời gian. Trong những vận hành quá khứ và vị lai của sự vật, trái tim ta lướt qua; nỗ lực để biết những sự vật vĩnh cửu thì thật là vô ích, phải để tâm trí vào những sự vật thiêng liêng”.
Cách giải thích Thánh Kinh như trên thì thật khó mà người Thiên Chúa Giáo chấp nhận, nhất là Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. D. T. Suzuki nhận xét đoạn văn của Eckhart: “Từ những đoạn văn này, chúng ta thấy rằng câu chuyện sáng tạo trong Thánh Kinh hoàn toàn mâu thuẫn; nó không có được ngay cả một biểu tượng trong Eckhart, và hơn nữa, Chúa của ông cũng chẳng hề giống đức Chúa mà hầu hết người Thiên Chúa Giáo quan niệm. Chúa không ở trong thời gian có thể liệt kê được theo toán học. Sáng tạo tính của Ngài không có tính cách lịch sử, không có tính cách ngẫu nhiên, và không tài nào đo lường được. Nó diễn biến liên tục, không khởi thủy, không chung cục. Đó không phải là một biến cố của hôm qua hay hôm nay hay ngày mai, nó phát sinh từ vô cùng, từ hư vô, hay từ không tuyệt đối.” Và chúng ta có thể đọc thêm câu nói này của Augustin: “Chúa đang làm hôm nay tất cả những gì sẽ được làm trong ngàn năm vị lai nếu như thế gian tồn tại được lâu dài như thế và Chúa vẫn đang làm hôm nay tất cả những gì Ngài đã làm trong nhiều ngàn năm dĩ vãng”.
Nhưng nếu chúng ta đọc đoạn trên của Eckhart trong tinh thần của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Đại Thừa thì cách giải thích trên chẳng lạ gì đối với Phật Giáo. Trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika Sutra) phẩm “Vô Lượng Thọ” Đức Phật đã không hề bảo Ngài đã thành Đạo trong một thời gian nhất định nào.
“Này, Thiện Nam Tử, Ta thành Phật đến nay đã lâu đến vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên kiếp rồi. Giả tỉ như có người nghiền nát vô số trăm ngàn vạn ức thế giới ba ngàn này thành hạt bụi, giả tỉ người ấy đi qua Phương Đông đặt hạt bụi ấy ở một nước, và cứ thế đặt khắp Phương Đông tất cả hạt bụi trong khắp vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên nước. Này, Thiện Nam Tử, các ông nghĩ thế nào? Có ai suy nghĩ, tính toán, ước lượng được con số của toàn thể thế giới ấy không?
Bồ Tát Di Lặc cùng chúng hội Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn, không ai tính biết số thế giới vô lượng vô biên ấy được, sức người không đương nổi, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đã chứng trí vô lậu cũng không thể nghĩ, đếm biết con số ấy được, cả đến chúng tôi, được quả bất thối vẫn không lường được vì lẽ, bạch Thế Tôn, những thế giới ấy vốn vô lượng vô biên vậy”.
Phật liền nói với chúng hội Bồ Tát rằng: “Các Thiện Nam Tử, này ta nói rõ cho các ông nghe: Những thế giới ấy mà người kia đặt một hạt bụi , tất cả những hạt bụi ấy, mỗi hạt bụi ví như một kiếp, Ta thành Phật từ ấy đến nay còn nhiều hơn số trăm ngàn vạn ức vô biên kiếp ấy. Từ ấy đến nay, Ta luôn luôn ở tại thế giới Ta Bà này nói Pháp giáo hóa chúng sanh”.
Tất cả tư tưởng của Eckhart là đưa con người đi về lại suối nguồn của Thiên Thể (Gottheit) muốn đi vào Thiên thể thì phải từ bỏ mọi sự kể của Chúa, bởi vì theo Eckhart, khi mà trong lòng còn rơi rớt lại một cái gì đó thì con người không thể đạt đến tận nơi suối nguồn của Thiên Thể. Nhưng Thiên Thể là gì? Trong một bài giảng Eckhart nói về Thiên Thể:
“Trong khi tôi tồn tại trên nền tảng , trên căn đễ, trong dòng sông và nguồn nước của Thiên Thể, không ai hỏi tôi đang đi đâu hay tôi đang làm gì: không có ai để hỏi tôi. Khi tôi đang trôi chảy tất cả các tạo vật nói về Chúa. Khi người ta hỏi tôi, Eckhart này, khi nào thì ông ra khỏi nhà? Thì hẳn là tôi đã ở trong nhà. Dù vậy đi nữa tất cả những tạo vật cũng nói về Chúa và tại sao họ không nói về Thiên Thể? Tất cả mọi vật ở trong Thiên Thể đều là một, và chã có gì để nói về điều ấy. Chúa làm việc, Thiên Thể không làm gì cả, chẳng có gì để làm. Trong Thiên Thể không có tác động. Nó không bao giờ trù tính một công việc gì cả. Chúa và Thiên Thể dị biệt với nhau như là hoạt động và bất động. Khi trở về với Chúa, ở nơi mà tôi vô hình tướng, sự phá thấu của tôi hẳn sẽ cao thượng hơn sự phát xuất của tôi. Một mình tôi đem tất cả tạo vật ra khỏi ý nghĩa của chúng vào tâm trí tôi và biến chúng thành trong tôi. Khi tôi trở lại nền tảng, vào những thâm xứ, vào suối nguồn của Thiên Thể, hẳn sẽ không ai hỏi tôi từ đâu đến và đi về đâu? Không ai tiếc nhớ tôi: Chúa tịch diệt.
D. T. Suzuki cho rằng, chân trời Thiên Thể của Eckhart hoàn toàn phù hợp với giáo lý Tánh Không (Sunyata) của Phật Giáo. Nhưng D. T. Suzuki cũng không quên lưu ý chúng ta biết rằng, chữ Sunyata là chữ đã gây ra ngộ nhận nhiều nhất tại Tây Phương, nếu không muốn nói là đã làm cho các nhà học giả Tây Phương sợ hãi. Và họ vẫn không ngớt bảo Phật Giáo là hư vô thuyết (nihilism). Sự hiểu lầm này, thật ra thì quá dễ hiểu, vì người Tây Phương họ đã sống trong một bối cảnh tâm linh khác biệt với chúng ta – bởi vậy, khi ta bắt buộc những tư tưởng gia này nhảy vào một hệ thống hay không khí xa lạ thì đương nhiên học phải mất thăng bằng hay kết án nó là tiêu cực hay phá hoại. Chúng ta phải hiểu Tánh Không như thế nào? Có một câu chuyện sau đây đã xảy ra giữa Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc và vua Lương Võ Đế. Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt đại dương đến Trung Hoa. Lương Võ Đế mời Đạt Ma vào triều, thì câu chuyện đã xảy ra như thế này:
Lương Võ Đế vấn Đạt Ma Đại Sư. Như hà thị thánh đế đệ nhất nghĩa? Ma vân: quách nhiên vô thánh. Đế viết: Đối trẩm giả thùy?  Ma vân. Bất thức.
Đế hỏi: Thế nào là chân lý tối thượng?
Đạt Ma: Trống không, chẳng có gì là thánh trong đó cả,
Đế hỏi: Thế ai đang đứng trước mặt trẩm?
Đạt Ma: Không biết (bất thức).
Lương Võ Đế, ông vua mộ đạo đã từng lập chùa, độ tăng vô số này không hiểu nỗi đạo lý tối thượng của Bồ Đề Đạt Ma tức thì Đạt Ma liền quay về phương Bắc, ngồi nhìn vào vách đá chùa Thiếu Lâm (cửu niên diện bích) trong suốt chín năm trời.
D. T. Suzuki đã tưởng tượng một cách thú vị về cuộc diện kiến kỳ lạ này: 
“Hẳn sẽ là một biến cố sôi nổi nếu lại có Eckhart hiện diện ở buổi diện kiến này xảy ra trong cái vương quốc hoa lệ vào thế kỷ mười một trước ! Nhưng biết đâu Eckhart lại chẳng đang nhìn tôi viết những điều này ở thành Nữu Ước tân thời và cơ giới nhất?”
Trong cuộc hội kiến trên, hai tiếng “bất thức” của Bồ Đề Đạt Ma rất quan trọng. D. T. Suzuki cho là hai tiếng “bất thức” không thể hiểu theo những người theo thuyết bất khả tri (agnosticism) vì “bất thức” ở đây hoàn toàn thuộc vào một loại khác, “bất thức” thì phải hiểu theo Eckhart: “Trí thức chuyển hóa, chứ không phải sự dốt nát và thiếu hiểu biết. Chính nhờ biết mà chúng ta đạt đến cái không biết này. Bây giờ chúng ta biết rằng cái biết linh thánh, bây giờ cái dốt nát của ta mới được nâng cao và trang điểm với kiến thức siêu nhiên”.
Vì vậy, Sunyata (Emptiness) không có nghĩa là trống không. D. T. Suzuki cho rằng ngay cả những tiếng như: khiếm diện, tuyệt diệt hay trống không – thì đó không phải là ý niệm của Tánh Không. Tánh Không của Phật Giáo không ở trên bình diện tương đối siêu việt tất cả những hình thức liên hệ hỗ tương, của chủ thể và khách thể, sanh và tử, thượng đế và thế gian, có và không, xác nhận và phủ nhận. Trong Tánh Không không có thời gian, không có không gian, không có biến thành, nó là cái làm tất cả những cái này có thể có; Nó là một số không đầy những khả tính vô biên, nó là cái không với những nội dung bất tận.
Như vậy thấy được Tánh Không tức là thấy được khuôn mặt của mình trước khi mình sinh ra (bản lai diện mục) như Lục Tổ Huệ Năng, một nhà huyền học vĩ đại khác của Đông Phương đã nói vậy. Đâu đó, trong một bài giảng Eckhart, ông cũng nói tương tự: “Trước các tạo vật, trong cái bây giờ vĩnh cữu, tôi đã diễn trò trước Đức Cha trong nỗi tịch lặng thiên thu”, thấy được khuôn mặt mình trước khi mình sinh ra, tức là trở về thăm lại cố hương của mình trong trạng thái hồn nhiên nguyên thủy của nó. Ở đó, trái cây trí thức chưa bám rễ.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là, căn bản triết lý của Phật giáo đặt trên nền tảng nào? Hiểu được điểm này tức là thấy được sự khác biệt của Phật giáo với mọi hệ thống tư tưởng khác. D. T. Suzuki đã nói lên sự khác biệt ấy – một cách triệt để, triết lý Phật giáo được xây dựng trên kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật – nếu không có giác ngộ tức là không có Phật giáo. Sử chép rằng, sau sáu năm lang thang khổ hạnh và trầm tư, Đức Phật, trong một đêm kia khi sao mai mọc, Ngài đã hốt nhiên đại ngộ. Lần đầu tiên ngài khám phá ra Gahakaraka (kẻ làm nhà), chính cái Gahakaraka này đã khiến con người đắm chìm trong đêm dài sinh tử, không làm chủ lấy mình. Khám phá ra cái Gahakaraka tức là chấm dứt mọi ràng buộc nô lê thúc phược của đời sống. Khi Đức Phật khám phá ra cái nguyên nhân này, Ngài thốt lên:
Tìm kẻ dựng căn nhà này
Ta lang thang vô ích
Qua bao kiếp luân hồi
Và những kiếp luân hồi mệt mỏi thay.
Nhưng giờ đây, kẻ làm nhà kia, ta đã thấy ngươi
Ngươi sẽ không dựng lên căn nhà này nữa
Tất cả những đòn ruôi của ngươi đã gãy
Kèo cột của người đã tan tành
Đã đạt đến tịch diệt của tất cả tham ái
(Pháp cú) 
Nhưng Đức Phật đã dùng khí giới gì để khám phá ra điều này? Khoản thứ nhất của Bát Chánh Đạo là Sammadassana – Chánh Kiến. Thấy tức là thể nghiệm thực tại; và kế đến là Sammasankappa, chánh trí, nhìn thấy sự vật trong trạng thái như tính (tathata) hay hiện tính của chúng. Toàn thể triết lý Phật giáo xuất phát từ chữ “kiến” cái mà Đức Phật đã từng trầm tư:
Các hành (sankhara) là vô thường
Nhờ trí (panna) quán xét vậy,
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các hành là thống khổ
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các pháp là vô ngã
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
(Pháp cú)
Chữ “kiến” này không thể nằm trong bình diện thông thường – điều này cần một tuệ giác siêu việt. Nói theo các nhà đại thừa Phật giáo thì đó chính là cái thấy của Trí Bát Nhã – chỉ có trực giác Bát Nhã mới thấy được tất cả các pháp (sarvadharma) thì  tự ngã của chúng mới phơi bày những tinh lực xây dựng tích cực và làm tiêu tan những mây mờ của maya (ảo hóa) tức là đập tan mọi cơ cấu ảo tưởng, và một thế giới khác sẽ được thiết lập trên nền tảng của Bát Nhã (trí tuệ) và karuna (từ bi). Vì vậy, nói theo D. T. Suzuki, giác ngộ có nghĩa là vượt qua thế giới của tâm lý học, là khai mở con mắt Bát Nhã, tức là nhảy thẳng vào thực tại cứu cánh, vượt qua bờ bên kia của dòng luân hồi (Samsara). Nơi đó, tất cả các pháp được nhìn thấy từ trạng thái như thị của chúng. Bởi thế, Phật giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến những thâm xứ uyên áo nhất của thực tại.
Chữ “kiến” đóng một vai trò quan trọng trong tri thức luận của Phật giáo, vì “kiến” nằm trên nền tảng của “tri”, không có “kiến” thì không thể “tri” được. Tất cả tri thức được khởi đầu từ “kiến” – và chính “kiến” và “tri” đã đưa thái tử Tất Đạt Đa hoàn thành tuệ giác vô thượng dưới gốc cây Bồ Đề cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Một người đã đạt được trạng thái giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến chiến thắng cuối cùng và không có một ai có thể thấy vết tích của người ấy được -  vì kẻ ấy đã đi và không để lại dấu vết, tiếng Phạn “không dấu vết” là apada.
Như vậy, giác ngộ tức là trở về lại mái nhà xưa sau bao kiếp lang thang trôi dạt. Trong một bài giảng Eckhart cũng đã nói về sự trở về này: “Trở về lòng mẹ, mà từ ấy tôi sinh ra, tôi không có Chúa mà chỉ có chính tôi: Tôi không ước muốn hay khát vọng gì cả, vì tôi là sự hiện hữu thuần túy, một kẻ biết về chính mình bởi chân lý linh thánh”. D. T. Suzuki đã nói rằng, Eckhart đã sống vào thời Trung Cổ, giữa những đầu óc hẹp hòi của người Thiên Chúa Giáo thời đó thì việc họ không chấp nhận Eckhart thì chẳng có gì lạ. Eckhart mất năm 1327. Hai năm sau (1329) Đức Giáo Hoàng Jean XXII đã khai trừ tư tưởng Eckhart.
Đọc Eckhart, ta bắt gặp một không khí hoàn toàn Đông Phương, nhất là Đông Phương của Phật giáo Đại Thừa. D. T. Suzuki đã trích lại cảm tưởng Coomaraswamy:  
“Eckhart tiêu biểu một đối chiếu gần gũi lạ lùng với những lối suy tưởng Ấn Độ. Đôi khi cả đoạn đọc giống như một bản dịch trực tiếp từ Sanskrit. Dĩ nhiên, không phải chúng ta nói rằng có những yếu tố Ấn Độ nào đó hiện diện thực sự trong văn phẩm Eckhart, mặc dù có một Đông Phương trong truyền thống Âu Châu, phát sinh từ những nguồn tân Plato hay Ả Rập. Nhưng những gì được chứng minh bằng loại suy tư không phải ảnh hưởng của một hệ thống tư tưởng đối với hệ thống khác, mà là sự nhất trí của truyền thông siêu hình học trên thế giới vào mọi thời”.
Chúng ta đồng ý với Coomaraswamy rằng Eckhart đã không ảnh hưởng Đông Phương gì cả, mà chính là “đồng thanh tương ứng” của những tâm hồn vĩ đại, những kẻ đã nhảy vào thực tại.

Thích Phước An