Tuesday, March 3, 2020

TUỆ SỸ: SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA

Tự tại - Photo: Quang Vu's fb.

SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA


TUỆ SỸ


THỆ GIẢ NHƯ TƯ PHÙ? BẤT XẢ TRÚ DẠ!


Trôi hoài biền biệt như vậy sao? Ngày đêm không ngơi nghỉ! Dòng nước Hoàng Hà cứ trôi mãi, mang hết tính chất đời sống của người Trung hoa đổ vào biển. Người ta bắt gặp trong thi ca của họ bàng bạc những cánh nhạn lẻ loi trong bóng chiều tà ý nghĩa biến dịch trở thành mối ngậm ngùi của tuế nguyệt. Trong cuộc lữ; người đi còn có hẹn ước trở về; nhưng năm tháng trôi qua như con chim đã đốt tổ bay đi, không còn cơ hội nào để trở lại nữa:
Nhân hành đo khả phục
Tuế hành na khả truy?
(Tô Đông Pha)
Lòng sông càng lúc càng rộng; lòng người càng lúc càng nhỏ hẹp; nhỏ cho vừa những quy ước giới hạn của ngôn ngữ. Làm thế nào để được như mặt hồ trên đỉnh núi, đem lòng trống ra mà đối đãi với mọi người? Làm thế nào để có thể nói cạn những gì cần phải nói, và sau đó là sống bằng hơi thở của trời đất?
Đấy là những ý tưởng gợi hứng từ Kinh Dịch: cùng lý tận tính dĩ tri vu mệnh.
Nơi đây, người viết chỉ cố ghi lại một vài hình ảnh rải rác trong thi ca của Trung hoa. Đối với họ, thi ca là những khát vọng thầm kín được phát hiện thành lời; phát hiện theo tiết điệu nhịp nhàng của vũ trụ. Điều này cũng được ghi lại trong Kinh Dịch: Thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung. Bươi móc những gì đang lẩn khuất, thăm dò cho thấu đáo những gì trong sâu xa. Qua câu nói ấy, người ta muốn biết bởi sự thúc đẩy nào mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, người ta tiếp nối nhau mà nói, nói hoài không thôi; nói đủ mọi cách, và hầu như không cần biết trong những điều được nói có gì mới lạ hay không:
(Mỗi Phùng Thục tẩu đàm chung nhật)
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không.
(Tô Đông Pha)
Sau một ngày dài nói chuyện mới hay rằng lời nói của mình như ngọn núi Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời.
Hình ảnh của ngọn Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời, hay hình ảnh những dấu chân của một đàn chim bay ngang qua hư không; đó là những hình ảnh biểu tượng cho tác dụng của ngôn ngữ thi ca. Tác dụng của nó như muốn khuấy động thế giới hư vô tịch mịch: tác dụng không vết tích; vì là nơi chốn tận cùng của cuộc lữ. Cuộc Lữ của năm tháng phiêu du; Cuộc Lữ của một hạt bụi lăn lóc:
Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi qui nhàn
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần.
(Lý Bạch)
Sống là khách qua đường. Chết là kẻ trở về. Trời đất như một quán trọ, cảm thương hạt cát nghìn đời lăn lóc. 
Trong cuộc lữ ấy, một tiếng nói chưa đủ; nói bằng đôi môi “ngọt ngào” chưa đủ; nói cho đến “bốn dây rỉ máu năm đầu ngón tay” cũng chưa đủ, nói cho đến một cánh hoa “thiên kiều bá mị” phút chốc rơi xuống lòng sông lạnh “vô thanh vô tức”, có lẽ cũng chưa đủ:
Tay cầm cung bực xô ngang
Nửa chừng dâu biển lấy ngàn ước mong
(Bùi Giáng)
Và như vậy, trong cõi đời rong chơi của chúng ta, tiếng cười càng lúc càng nhỏ và vắng bặt, chỉ còn lại khoảng trống hiu hắt không nói không cười. Lặng lẽ như từng lớp phấn liễu vơi dần theo cơn gió; để cho hương sắc thanh xuân tản mác vào những cánh đồng cỏ non trên nghìn bến nước. 
Có hai hình ảnh quen thuộc gợi lên ý tưởng biến dịch; như dòng sông và như ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi. Mỗi hình ảnh lại gợi lên một ý nghĩa tương phản: tác thành và hủy diệt. Trời đất như đã thay loài người nói lên ý nghĩa cứu cánh của sự sống, nói bằng một thứ tiếng riêng biệt: tiếng nói thầm lặng, hay tiếng nói của sự im lặng.
Sức mạnh của con người không nằm trong chính nó. Ước vọng thâm thiết nhất của con người cũng không nằm trong chính nó. Mùa xuân, mùa của sức sống xinh tươi, không đọng lên trên đôi mắt. Qua đôi mắt, người ta tìm thấy khát vọng thanh xuân vì nơi đó phản chiếu bóng mờ những phấn liễu, phản chiếu hình ảnh của một dòng nước lượn quanh. 
Rốt cuộc, cuộc đời của người ta giống như cái gì? Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ? (Tô Đông Pha) cũng nên nghĩ là giống như một cánh nhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước. Bóng, nhạn và dòng sông trong bước tao ngộ tình cờ:
Nhạn quá trường giang
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Một thiền sư Việt Nam trước đây đã nói như vậy.
Tao ngộ tình cờ rồi tan rả và biến mất. Cũng nên nghĩ là biến mất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biến mất trong lớp sa mù của buổi sáng (Cao nguyên):
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.
Một thi sĩ Việt Nam ngày nay cũng đã nói như vậy.
Người không gặp người trong gang tấc “mặt nhìn mặt”. Gặp nhau trong những hẹn ước thiên thu của đỉnh đá trên núi này và một hạt muối trong lòng biển xa xôi kia. 
Và đây cũng là đạo lí tự nhiên: đôi mắt của chúng ta chỉ có thể mở ra để nhìn theo một chiều hướng duy nhất. Muốn thay đổi chiều hướng thì phải thay đổi cả tư thái và vị thế. Quả thật, chúng ta muốn vượt qua những giới hạn cá biệt, để làm gì? Để: “bước đi nhặt cánh sao rơi” ở một đại dương heo hút kia?
Go and catch a falling star
(T. Doun)
Hay để thấy rằng thân thể của mình cũng bao la vô tận như hư không; thấy cả vũ trụ như thấy một quả xoài trong tay?
Nếu chưa vượt qua khỏi những giới hạn cá biệt; cái ước mong này cũng chỉ là một thứ ước mong cá biệt. Giới hạn cá biệt càng lúc càng khép kín.; người ta bỗng cảm khái như một hạt cát lăn lóc trong sa mạc. Những gì cần thấu hiểu phải được phân phối thành thật tự theo quy ước của thế giới cộng đồng.  Chúng phản chiếu lẫn nhau trong thế giới biến động vô cùng vì là tương giao vô tận của một động một tĩnh. 
Thế là vì muốn thấy và hiểu nên cần có phân tích và trật tự của phân tích. Nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu. Tất cả những ước muốn đó được kết tụ lại như để phóng tầm mắt, vào một thế giới tuyệt đối. Đằng sau những lời đã nói, chúng ta còn lại một câu hỏi: khát vọng sâu xa nhất trong lòng mình là gì?
Dục thức triều đầu cao kỷ hử
Việt sơn hồn tại lãng hoa trung
(Tô Đông Pha)
Muốn đo chiều cao của ngọn sóng cao được bao nhiêu, thì nên biết, đã từng vượt qua đỉnh núi nhưng lại y nhiên chìm đắm trong những con sóng dạt dào. 



Nhã Luân đánh máy lại từ Trần Đăng Thành's fb - #‎sau_lưng_ngôn_ngữ_của_thi_ca_tuệ_sỹ