Phù sa tuy có lở bồi, Sông Lam nào có chia phôi chúng mình?
Quảng Pháp - Trần Minh Triết
Ảnh minh họa: Uyên Nguyên
Mùa dịch cúm, đi đâu cũng nghe người ta kháo nhau “cách ly” (quanrantine) hoặc “giữ khoảng cách tiếp xúc” (Social Distancing)… Kỳ thật nhân loại tuy bước vào thế kỷ toàn cầu hóa vẫn có những khoảng cách rõ rệt hoặc vô hình, và nghịch lý là, chính những kỹ nghệ lẫn công nghệ “social” (media) được chúng ta sử dụng đã góp một phần không nhỏ vào việc “social distancing” giữa xã hội, gia đình, không phải cho đến bây giờ, khi mà virus Covid-19 xuất hiện.
Đành rằng “giữ cho nhau một khoảng cách”, ở mỗi giai đoạn và mỗi hoàn cảnh có một ý nghĩa nhất định, nhưng khoảng cách mà chúng ta đã, đang giữ và không biết đến bao giờ là một khoảng cách chia bôi đầy buồn tủi. Lịch sử quê nhà cách ly là một dòng sông chảy dài chia đôi hai bờ sông Gianh, xuôi về Bến Hải rồi lạc trôi ra đại dương phương ngoại…
Trên kệ sách Mặc Cốc (Ảnh: Uyên Nguyên)
Sáng nay đọc nhiều tin nhắn của anh chị em, nhắc nhớ ngày Giỗ của Anh Hựu. Lại nghĩ cái nghĩa cách ly sinh tử vốn luôn sẵn chờ của kiếp phù hư thì mọi thứ, mọi việc lại trở nên nhẹ nhõm đi. Cách ly như thế, lại chẳng hơn gần như tình trạng của chúng ta bây giờ. Gần mà khoảng cách chao ôi là buồn!
Vài ngày trước, Nguyên Túc cho xem một tấm ảnh kỷ niệm thật dễ thương, buổi đó Nguyên Túc và Sư Huynh Phổ Hòa (tức Anh Tuân) ngồi vào một bàn cờ tướng. Ván cờ có phân tranh thắng bại không? Hay chỉ cốt huân tập cho nhau đức tính nhẫn nại và thận trọng. Tôi nhớ nhiều lần vì sốt ruột những việc làm khiến mình không ưng của anh này, chị kia…, tôi đem phàn nàn với Anh Hựu. Anh nói “cái gì còn nóng thì đừng thọc tay vào”, hoặc giả “ừ thì sửa từ từ…”. Nhiều lúc sửa chưa được, không được thì anh cũng… khóc! Vì Anh bình thường như bao người khác. Như Anh từng nhắn nhủ, cái thời Anh còn ngồi ghế quan tòa, hẳn cũng có lúc phạm sai lầm khi phán xét. Bởi tính tương đối, tương sinh quan. Bởi luật tính cũng là tình; và bởi sự đời vốn ảo hóa khôn lường, nghiệp vận xoay tròn không chừa một ai. Đúng ở chỗ này, với người này chưa hẳn đã tốt cho chỗ kia, người khác. Cái sự đợi luôn luôn đối nghịch nhưng lại là cặp đôi hình, bóng. Cho nên sự chia lìa là điều không thể tránh nếu mà mỗi chúng ta không nhận thấy sự “có mặt cho nhau” mà thôi, có mặt ngay cả khi mà mình đang gồng chịu một khoảng cách ly bấy bao.
Nguyên Túc và Sư Huynh Phổ Hòa đánh cờ tướng tại chùa Phổ Từ, 11 năm trước (Ảnh: Nguyên Túc Nguyễn Sung)
Lần đó tôi hỏi anh Tuân, sau đại hội toàn quốc 2004, sao Anh không về một phía cùng anh Hựu, mà một Anh thì về phía BHD “Anh Mai”, một bên ở lại BHD “Anh Tín”. Anh cười! Nụ cười trắc ẩn!
Người lớn, được gọi là Cả, vì do cái tâm lượng cả bao dung như thế! Như Mẹ Tiên đem con xuống biển là cho con thể nhập vào cái thế giới bao la đại dương tình thương; như Cha Rồng về núi là đem con lên đỉnh Thái Sơn cao để thấy cái tự tánh từ bi nhân gian muôn nhà là một. Chia để học bài học huyết thống và ý thức về nguồn.
Hôm nay Giỗ anh Hựu, nhiều bài học Anh nhắn nhủ cho đàn em vẫn còn là những đề án phật sự dang dở. Nhớ Anh, chi bằng cố gắng thực hiện cho hoàn thành.
Mùa dịch cúm đang hoành hành, những cách ly đắp bồi thêm đôi bờ của một dòng sông mang tên hiền hòa: “Sông Lam”. Nhưng lần cách ly này, phải chăng đang thắp “sáng lên tình thương” cho nhau. Hãy biến sự cách ly thương ghét hôm qua nếu có, thành sự cách ly trong ý nghĩa “giữ đời cho nhau” như bây giờ.
Phù sa tuy có lở bồi, nhưng dòng sông nào có chia phôi chúng mình. Sông Lam vẫn chảy xuôi dòng từ thương nguồn huyết thống thương yêu, hãy cùng nhau về tắm gội một màu trăng dọi Từ quang.
Mặc Cốc, 22 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)
Uyên Nguyên
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)