Showing posts with label Đinh Trường Chinh. Show all posts
Showing posts with label Đinh Trường Chinh. Show all posts

Saturday, June 20, 2020

Tưởng niệm Người về Núi

Kính tiễn Nguyễn Đức Sơn của hoạ sỹ Đinh Trường Chinh

Tưởng niệm Người về Núi
“Tuổi vàng suối mộng trời thơ
Lớn lên tôi chết trên bờ hư không” *




1.
Khi đến sông vẫn chảy
Khi ở núi vươn xanh
Ra đi sông núi thẳm
Cuộc đời bụi sắc không.


2.
Trần gian bao nghiêng ngửa 
Thơ cuồng / tục như Ông
Cao nguyên mảnh đất chờ trông
Vui cùng lãng tử cõi không u sầu.



3.
"Đất trời đến thuở rụng râu
Có tao hậm hực ngồi khâu cuộc đời" *
Bao phen trồng cấy giống tươi
Rừng Phương Bối thẳm công lao của người.




4.
Khóc cười giữa chốn mù khơi
Bầy con ở lại chơi vơi phận mình
Đến đi một cõi tinh anh
Xa lìa quán tạm long lanh bụi vàng.



5.
Ông đi hết cõi lang thang
Mới hay đống phẩn cũng là liên hoa.



6.
Thôi thì, nắng hạ mưa nhanh
Thôi thì thôi nhé thôi thì thế thôi.
Không thì thôi, có thì thôi
Không thôi cũng có, có rồi cũng không.



7.
Đời là mộng
Hãy thương nhau
Nếu còn đau
Xin thương tiếp.


8.
Tháng sáu trời mưa
Trần gian mộng mị
Ướt vai, Phật cười.


Bạch X. Phẻ


* Thơ Nguyễn Đức Sơn

Wednesday, April 1, 2020

Họa sĩ Đinh Trường Chinh: Hội Họa là Đời Sống

 
4.c.-Dinh-Truong
Về Phố Xưa - Tranh Đinh Trường Chinh 

Họa sĩ Đinh Trường Chinh thuộc thế hệ họa sĩ “trẻ,” trưởng thành và định hình trong nghệ thuật ở hải ngoại những năm gần đây. Anh vẽ dễ dàng, sáng tác mạnh, luôn tìm tòi ý thức mới trong hội họa, nhạy bén trước các vấn đề xã hội và nhân sinh. Ý thức hội họa là điểm mạnh trong tranh của anh, người xem luôn luôn cảm nhận một ý tưởng rốt ráo nào đó, dù hiện thực hay siêu hình mang tính triết học. Ngoài vẽ, anh còn làm thơ, và cũng như tranh, thơ anh thấm đẫm tính trữ tình, đầy ắp những băn khoăn với cuộc sống bên trong một tâm hồn thơ mẫn cảm. Độc giả Việt Báo đã biết đến họa sĩ Đinh Trường Chinh qua số báo xuân 2019, với những bức tranh minh họa trong suốt số báo Xuân. Hôm nay, Việt Báo hân hạnh gửi đến quý độc giả bốn phương một vài trao đổi với họa sĩ Đinh Trường Chinh để chúng ta biết thêm đôi điều về quan điểm cũng như phương pháp sáng tạo của tài năng này.

Việt Báo (VB): Được biết anh là con trai của họa sĩ Đinh Cường, một danh họa lẫy lừng suốt mấy chục năm qua của làng họa Việt Nam, người đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng hội họa Việt Nam cho đến ngày tạ thế cách đây không lâu, nhưng vẫn xin hỏi anh tình huống nào đã thúc đẩy anh trở thành một họa sĩ?
 
DTC-Tu-Hoa
Đinh Trường Chinh - Tự họa
Đinh Trường Chinh (ĐTC): Thật ra tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp theo nghĩa có bằng cấp. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp trường mỹ thuật hay một ngành Fine Arts nào. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ ngưng học vẽ. Có lẽ cái “vốn” lớn nhất tôi có là niềm đam mê dành cho hội họa – sự đam mê thật sự tôi không biết bắt đầu từ đâu. Chắc chắn là từ rất sớm. Tôi nhớ, từ hồi còn bé năm, sáu tuổi, Bố tôi đã “khoe” những hình vẽ nguệch ngoạc của tôi cho các bạn bè ông xem, có lẽ vì nó ngộ và có một gì đó không bình thường. Tôi nhớ Bố tôi có nói đâu đó: “Vẽ và hội họa giống nhau bởi cả hai đều dùng màu sắc, đường nét để ghi lại. Nhưng khác nhau ở chỗ vẽ là ghi lại bằng hình thức mô phỏng, bắt chước, những gì đã có sẵn theo các hình thức đã thành khuôn sáo… Còn hội họa là dùng phương tiện màu sắc để ghi lại những bóng dáng, hình ảnh, thể cách hoàn toàn mới mẻ theo dòng cảm xúc, suy tư và sáng tạo của mình.” Và, tôi đã lớn lên trong môi trường hội họa như thế. Chung quanh tôi lúc nào cũng hăng hắc mùi dầu xăng, màu, cả mùi thơm của những tấm bố mới. Tôi đã giúp Bố tôi pha màu, căng toile... và cũng đã bao lần cùng ông thức qua đêm, đã chứng kiến những bức tranh được hoàn chỉnh từ những tấm bố trắng toát. Sự quan sát dài hơi đó giúp tôi có một cái nhìn về hội họa từ bên trong, bên trong cả tâm hồn một người họa sĩ. Dần dần, tôi tiếp thu cái tư duy hội họa đó, thấm dần vào máu mình lúc nào không hay. Khi lớn lên, tôi có ghi danh học các lớp vẽ, kỹ thuật căn bản, bố cục, chân dung, anatomy, v.v… để giúp mình thêm kỹ thuật vẽ. Bố tôi thật sự chưa bao giờ dạy tôi trực tiếp nhưng ông là người thầy lớn nhất bởi ông đã truyền cảm hứng hội họa đến cho tôi. Tôi cho đó là điều quan trọng nhất để làm được cái mình muốn: niềm đam mê, trong một tâm hồn yêu nghệ thuật tự nhiên. Từ lúc nhỏ cho đến nay, tôi lúc nào cũng thích cầm bút, cầm cọ vẽ, lấm lem qua thời gian. Nếu có thời gian rảnh thì tôi thường chọn “vẽ tranh” như một ưu tiên thứ nhất. Nếu hôm nay tôi có được gọi là họa sĩ thì cũng vì thế – sự miệt mài và say mê làm việc của mình cho bộ môn nghệ thuật tạo hình này, dù chẳng đi đến đâu và chẳng mang đến cho ai niềm vui nào khác ngoài chính mình ra.
 
VB: Là con của một họa sĩ lớn, có lợi điểm gì? Và, ngược lại, có khó khăn, thách đố gì cho sự nghiệp hội họa của mình?
 
ĐTC: Lợi điểm là những điều tôi đã nêu trong câu trả lời trên. Tôi sống và lớn lên trong studio của Bố tôi, nơi ông đã miệt mài sáng tác chưa bao giờ ngưng nghỉ cho đến cuối đời. Ở đó, ngoài là “chứng nhân” cho các tác phẩm được thành hình của ông, tôi còn được “tham dự” (không chính thức) không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa Bố tôi với bạn bè ông. Họ thường vẽ cho nhau trong các cuộc gặp gỡ như thế, bàn bạc những ý tưởng về hội họa, thi ca, âm nhạc..., những loại hình nghệ thuật bổ sung cho nhau . Vốn “kiến thức” đó, cộng thêm sự tò mò của tôi, như một vốn liếng vô tận đã cho tôi những nhận thức mà có khi bạn phải cần một khoảng thời gian dài để học hỏi và mày mò, cho dù là loại kiến thức “ngoài lề.”  Tôi đã rất “hands-on” khi lớn lên trong môi trường đó – “ngôi trường mỹ thuật” duy nhất mà tôi đã dự thính. Tôi vẽ một cách tự nhiên và tự do. Dĩ nhiên tôi không tránh khỏi lối vẽ của Bố tôi, vì đó là mỹ cảm đã ăn vào người tôi từ nhỏ. Nhưng với cá tính của mình, tôi biết tách ra khỏi bóng mát đó. Một điều quan trọng nữa là ý tưởng mình có trước khi tạo hình. Cái này thì không ai giống ai, và cũng không ai bắt chước được ai (trừ khi cố ý). Vẽ tranh là thể hiện những tâm tư nội tại lên không gian trước mặt. Với những ý tưởng riêng có được, thường trực đến, tôi thể hiện lên tranh với mong muốn tạo ra một sự riêng biệt cho con đường sáng tác của mình. Phần kỹ thuật thì có thể trau dồi thêm, mỗi ngày sẽ học hỏi được từ những cái “xấu,” “thô,” những đường nét bố cục vụng của chính mình vẽ ra, rồi cải thiện qua thời gian. Một khi mình quên đi được kỹ thuật, thả lỏng người khi sáng tác, thì lúc đó mình mới có sự “tự do” cần thiết cho sáng tạo. Thách đố lớn nhất là vượt qua chính mình, chứ không phải là vượt qua một người khác.

4.b.-Dinh-Truong
Phố Thinh Không

VB: Theo anh, hội họa miêu tả đời sống thực tại, hay đời sống thực tại trực tiếp ảnh hưởng lên hội họa? Nói cách khác, tương quan giữa đời sống và hội họa là gì?
 
ĐTC:  Vẽ tranh là bộ môn nghệ thuật tạo hình. Với tôi, hình ảnh được tạo ra chắc chắn là từ đời sống. Nếu không là một hiện vật, thì cũng là một thứ gì có thể chạm đến, ngay cả khi bạn vẽ lại một giấc mơ. Giấc mơ cũng chính là một phần của đời sống con người. Vì thế không thể tách rời sự tương quan giữa hội họa và đời sống. Tôi cũng nghĩ rằng hội họa giúp cho đời sống rất nhiều. Ngày xa xưa, hội họa ghi lại cuộc sống thay cho những kỹ thuật được phát minh sau này (ví như như chụp hình). Cho đến ngày nay, ngành hội họa giúp ích cho đời sống ở nhiều mặt khác nhau. Hội họa là một phần quan trọng của nền nghệ thuật nhân loại, và dĩ nhiên đời sống sẽ cực kỳ khô khan nếu không có nghệ thuật. Giống như khi bạn vào một building hay một văn phòng với bức tường hoàn toàn trắng toát. Hội họa còn giúp rất nhiều trong khả năng quan sát, thị giác, trí tưởng tượng... Đó là lý do tại sao hội họa được gợi ý để dạy cho các em nhỏ từ rất sớm. Để tăng khả năng quan sát, trí nhớ, tưởng tượng... ở đứa trẻ. Nói chung, sự tương tác giữa hội họa và đời sống đến như một lẽ tự nhiên. Người ta có thể vào galleries, museums xem tranh như đi xem phim, nghe nhạc. Hội họa đã góp mặt như một phần sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc sống bình nhật.
 
VB: Câu hỏi này, có lần chúng tôi đặt ra với nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, hỏi về thơ. Nay cùng câu hỏi, nhưng thay thế thơ bằng hội họa, vì thơ và hội họa có nhiều cái tương đồng. Câu hỏi đó là: Thiếu thực phẩm, thiếu tự do, người ta có thể chết. Nhưng thiếu hội họa, không ai chết cả. Sự thật là phần nhiều người ta không quan tâm đến hội họa, không mấy ai bỏ cả chục ngàn đô-la mua tranh (hội họa) về treo trong nhà. Anh nghĩ sao về một đời sống không hội họa, không thơ ca?
 
ĐTC: Đối với riêng tôi thì hội họa là một phần rất lớn của đời sống tôi, nên chắc chắn nó cần thiết và giúp ích cho tôi. Khi nhà thơ Phùng Quán viết “... Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy,” tôi cảm được ngay – thơ ở đây không chỉ là giá trị tinh thần. Tôi cảm nhận được luôn cái giá trị “vật chất” của “câu thơ” Phùng Quán, “vịn” như một “cây gậy” để đỡ người mệt mỏi đứng dậy. Có những lúc tuyệt vọng, mệt mỏi thân xác, tôi chọn cách ngồi vẽ tranh hàng giờ; và những lúc ấy trong sâu thẳm tôi là một sự hòa bình, một sự tự do vô giá. Đời sống có cần hội họa không thì cái đó chỉ phụ thuộc vào từng cá nhân. Với riêng tôi, nó vô cùng cần thiết. Như tình yêu. Có những bức tranh làm tôi nhớ nhung và thường trực nghĩ về. Thực sự là thế. Có những bức vẽ bỏ dở từ đêm qua, khi đi làm về, tôi chạy ngay vào để nhìn ngắm chúng. Tôi nghĩ những bức tranh đó là những vật thể hoàn toàn cho tôi cảm giác thật. Vậy thì chắc chắn, hội họa tôi là một phần của đời sống tôi.  Không có hội họa, tôi sẽ không còn là tôi nữa – có nghĩa là tôi đã chết một phần nào rồi.

4.a-Dinh-Truong
Phố rán chiều

VB: Đâu là đường biên giữa hội họa và tranh ảnh lá cải, quảng cáo? Cái gì định nghĩa hội họa? Tại sao bức Benefits Supervisor Sleeping của họa sĩ Lucian Freud vẽ một người đàn bà xấu xí béo mập núng nính khỏa thân nằm ngủ trên sô-pha lại được xem là kiệt tác và bán ra với giá trên 33 triệu đô la?
 
ĐTC:  Tôi nghĩ bức tranh  Benefits Supervisor Sleeping của Freud được xem như một bức vẽ nổi tiếng (và đắt nhất một thời) vì những giá trị nó mang đến cho nghệ thuật tạo hình , theo ý tôi , có mấy điểm sau:
    – Kỹ thuật tuyệt đỉnh của nó . Freud đã đeo đuổi đến cùng cách vẽ tân (và siêu) hiện thực của ông, hiện thực trên từng thớ da, từng tế bào.  “Da” con người như một cảm hứng độc đáo mà ít ai có được. Freud vẽ sự nhục dục, xác thịt con người một cách “thực” nhất như cách ông nhìn.
    – Tác giả đánh đổ quan niệm “thiếu nữ đẹp” ước lệ thường thấy trong tranh thiếu nữ – nhất là từ các họa sĩ lãng mạn. Điều đó cần một sự bứt phá nội tâm không dễ có được, chỉ những cá tính mạnh, như Freud mới có được. Vượt ra khỏi một ước lệ trong nghệ thuật (và vượt thành công), định hình một phong cách không giống ai, đã là một giá trị to lớn.
    – Xác định cái mới trong nghệ thuật không có nghĩa là phải trừu tượng, cao xa, khó hiểu. Abstract không có nghĩa là mới hơn Figurative. Một nghệ sĩ có thể làm mới và trở thành “master” từ những cái tưởng đã cũ. Freud chỉ cần một người đàn bà quá khổ ngồi trên cái ghế đã diễn đạt được triết lý mà ông muốn đưa đến người xem. Đó là một bậc thầy vậy.
    Bức tranh xứng đáng về mặt chuyên môn lẫn triết lý, ý tưởng.
    Tôi nghĩ, trên căn bản, đó cũng là những yếu tố chính có thể nhìn thấy được giữa một tác phẩm đẹp, nghệ thuật và một bức tranh tầm thường, tạm gọi là “tranh chợ” hay “lá cải” mà có thể tóm gọn như sau:
    – Tranh cho thấy kỹ thuật vững vàng, bố cục chặt chẽ, màu sắc trong, sạch, ánh sáng...
    – Phải có ý tưởng riêng biệt và chuyển tải được ý tưởng đó một cách tài hoa, không giẫm phải lối mòn, không bắt chước, tạo ra một sự chuyển động nào đó lôi cuốn người xem, và phải bật ra một cảm xúc nào đó từ người vẽ. Tác phẩm đẹp phải là một tác phẩm duy nhất, không có cái thứ hai.
    Nội bao nhiêu đó thôi cũng đã là những yếu tố mà tranh hàng loạt, tranh chợ, tranh chép... không thể có được rồi.
    Còn hội họa ư? Cái đó thì tôi không có khả năng nói hết về nó. Đó là một thế giới mà vẫn tạo cho tôi sự ngạc nhiên thích thú hầu như mỗi lần tiếp cận với nó.
 
VB: Tranh của anh có thuộc về một trường phái nào không? Anh có xem trường phái là quan hệ đối với một họa sĩ không? Hay như bên thi ca, chính cái “riêng tư,” cái “phi quy chiếu” mới là những thuộc tính quan hệ đối với thơ Hiện đại và Hậu Hiện đại?
 
ĐTC: Tranh tôi không thuộc về một trường phái nào cả. Có lẽ đó cũng là một điều không hay: tôi chưa định hình hẳn hoi như một họa sĩ. Tôi sống và lớn lên trong mỹ học xưa cũ của hội họa Pháp và một chút của hội họa hiện đại Mỹ những thập niên 50, 60, cộng với một nền văn chương thụt lùi lãng mạn của Việt Nam. Tôi khó thoát ra khỏi mỹ cảm ấy. Nhưng, cũng có một điều khá mâu thuẫn là đôi khi không thuộc trường phái nào lại cho ta sự tự do của một đứa bé khi chạm đến môn nghệ thuật này.
    Ngày xưa, thường có nhiều trường phái, mỗi trường phái được khởi xướng bởi những người cha đẻ hoặc các họa sĩ thành công nhất trong trường phái của họ. Cũng có những trường hợp, trường phái lại giam họ đến một đời vẽ. Sau này, cũng có nhiều movements trong sự tiến hóa của nghệ thuật tạo hình. Những Mimimalism, Tachisme, Color Field, v.v... Tuy nhiên, những họa sĩ đương đại tôi yêu thích thường tạo nên “trường phái” của riêng họ. Một vài cái tên: Cy Twombly, Soulages, Tapies... Họ vẽ tự do và đẹp. Thể hiện nội tâm lên bố một cách tinh tế nhất. Tôi cho đó là cái quan trọng nhất chứ không phải đi theo trường phái. “Trường phái” của họ chính là hội họa, tác phẩm của họ. Bạn sẽ thành một “master” khi loại bỏ được trường phái và kỹ thuật trong đầu khi thực hiện tác phẩm. Mọi thứ sẽ tự nhiên trôi theo đầu ngón tay, đầu cọ với những chất liệu của màu sắc và ánh sáng.
    Nói cho cùng vẽ tranh đối với tôi là một công việc tự do, hay một việc làm để thể hiện sự tự do. Hình thức, trường phái do con người đặt ra, và dĩ nhiên, cần thiết. Nhưng tôi không chủ trương vẽ theo một trường phái nào cả. Tôi tự nhận thấy tranh mình rất cũ kỹ so với trào lưu mỹ thuật thế giới, nhưng khi đặt ý tưởng lên tranh, tôi không muốn gượng làm những gì không phải là mình. Miễn sao tôi cảm thấy có đủ tự do để làm cái mình thích là tôi thỏa mãn.

4.d.-Dinh-Truong
Ý Nghĩ Mùa Đông

VB: Anh vẽ khá dễ dàng, xin hỏi cảm hứng sáng tác anh lấy từ đâu? Thao thức, trăn trở nội tại hay cảnh huống ngoại tại, trong đó những động thái xã hội là động cơ chính?
 
ĐTC: Cảm hứng sáng tác là cái khó có thể nói hay dự tính trước. Nó thường ập đến bất ngờ và tự dưng cho mình một thôi thúc phải ghi lại ngay, lên tranh, lên những “media” có trước mặt. Những “cảnh huống ngoại tại” thường đi song song với “trăn trở nội tại.”  Vẽ tranh với tôi thường là công việc bùng phát từ bên trong. Cái đầu mình dường như điều khiển những ngón tay cầm cọ, chấm màu, pha xăng, vấy tạt lên tấm bố... Đó là những động tác đến rất tự nhiên như có một sự điều khiển vô hình, vô thức nào đó từ bên trong con người mình.  Cũng có những cảm hứng thường đến từ sự liên hệ với ký ức mình. Những hình ảnh bên ngoài cuộc sống, nếu gợi nhớ từ một ký ức nào đó , thường dễ lay động và trở thành cảm hứng cho người sáng tác. Nói chung, mọi thứ đều rất trừu tượng và khó có một sự giải thích rõ ràng nào cho câu hỏi “Cảm hứng đến từ đâu?” Đó cũng là sự quyến rũ cho người làm nghệ thuật. Có những lúc, bạn bắt đầu vẽ những nét đầu tiên, rồi sau đó cứ theo sự dẫn dắt của màu sắc, bố cục, và bạn sẽ khám phá thêm trong quá trình hình thành bức vẽ. Có những ý tưởng, cảm hứng bật ra bất ngờ, liên kết với nhau, xọ câu chuyện này đến câu chuyện kia... trong một bức tranh. Có khi không cần một cái gì to tát, ví dụ như chỉ từ một lời hát thôi, tôi cũng có thể vẽ nó thành một bức tranh. Ngoài ra, tôi cũng vẽ nhiều tranh xã hội, những hiện thực cuộc sống, những trăn trở hàng ngày...
    Tôi thích sáng tác, phá ra ngoài những đường viền, khung bố cục, kích thước đúng thật ngoài đời. Miễn sao tranh chuyển tải được điều mình muốn nói. Không bắt ép mình. Vẽ một cách tự do. Đôi khi, bạn cũng không kiểm soát được một khi đã đi sâu vào bức tranh. Rất nhiều lúc, màu sắc gợi đưa bạn đến một điểm đến khác với những gì mình nghĩ ban đầu. Nên cứ vẽ, không gò bó, không tính toán nhiều... Vẽ, để đó, ngắm đi ngắm lại, hoặc cất ủ thật lâu. Một hôm nào đem ra xem lại. Có khi còn thích, có khi xóa đi. Và như thế, chuyện vẽ tranh thật quyến rũ, thú vị.
 
VB: Theo anh, làm họa sĩ có phải hy sinh đời sống bình thường như người ta vẫn nghĩ không? Làm thế nào để cân bằng nội tâm với cuộc sống đời thường mà vẫn cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sáng giá?
 
ĐTC: Nói hy sinh thì hơi to tát nhưng chắc chắn là có một sự đánh đổi không nhỏ. Người làm nghệ thuật nếu được tự do từ những hệ luỵ thì rất lý tưởng để “tự do” trong sáng tác. Đời sống là một sự thỏa hiệp. Bạn phải đánh đổi nhiều thứ để có một phần đời sống nghệ thuật, thứ đời sống mang lại oxygen tinh thần cho bạn. Tôi vừa đọc đâu đó, một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp, Romain Gary, “được” người con trai mô tả: “… according to Diego Gary, he (Romain Gary) was a distant presence as a father: Even when he was around, my father wasn’t there. Obsessed with his work, he used to greet me, but he was elsewhere.” (https://en.m.wikipedia.org/wiki/Romain_Gary). Cũng có những họa sĩ như vậy. Họ sống trọn vẹn trong thế giới bay bổng của sắc màu nhưng không làm tròn những nhiệm vụ, tạm gọi là bình thường, khác của đời sống, thứ đời sống vật chất. Tôi xác định là khó, rất khó, cân bằng đời sống nội tâm để làm “vừa lòng” những bộ mặt khác nhau của đời sống.
    Với tôi, tôi trân trọng những tác phẩm đẹp được “tạo hình” bởi những nhà tạo hình giỏi, cho dù họ không biết cách sống “giỏi.” Tôi chỉ nhìn họ trong phạm trù của họ. Tôi không nghĩ bạn có thể cho ra đời những tác phẩm lớn nếu bạn cứ mãi loay hoay với đời sống thường nhật, những hệ lụy muôn đời. Bạn cần phải vượt ra khỏi cái nhà tù đó để được tự do. Và có tự do thì mới có tác phẩm lớn.
 
VB: Xin cảm ơn họa sĩ Đinh Trường Chinh đã chia sẻ cùng độc giả Việt Báo những điều thật hữu ích và thú vị về hội họa và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Nguồn: Việt Báo