Showing posts with label Tuệ Sỹ. Show all posts
Showing posts with label Tuệ Sỹ. Show all posts

Sunday, November 24, 2019

Ngồi Giữa Bãi Tha Ma


Ngồi Giữa Bãi Tha Ma
Tác giả: Tuệ Sỹ


Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng ngà lụa trắng trải ngàn cây
Khuya lành lạnh gió vào run bóng quỷ
Quỷ run run hôn mãi đống xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đầu lửa ma trơi
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời.

***


Chuyện đã kể rồi hồng hoang lững thững
Vẫy tay chào nối gót chẳng buồn trông
Cõi nào đây nghe tiếng vọng lưng chừng
Ghé lại hỏi biết đâu trời sẽ sáng
Mắt mờ mịt qua mấy dòng sông cạn
Buổi chiều dâng sóng cả bạc đầu xanh
Rồi vĩnh biệt như mấy lần ảo mộng
Rồi ra đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm
Nào đâu nữa tóc em thôi gió cuốn
Người ra đi tâm sự với hoàng hôn
Làm sao tìm lại ngày qua
Tuổi xanh mờ khói trầm ca vọng về
Hình ai heo hút trên đê
Nhìn con nước lũ chiều quê nhạt màu
Chân non cỏ nội hoa đồng
Thành hoang đá đổ mù trong khói chiều
Tượng đồng tạc bóng cô liêu
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi

Bài 2


Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô
Vì lêu lổng mười năm dài gối mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần
Ðất đỏ thắm nên lòng người hăm hở
Ðá chưa mòn nên lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi mưa phùn nắng quái
Nên mười năm quên hết mộng đợi chờ.


Bài 3


Cầm lòng lại dấu chân ngày biệt xứ,
Cuộc buồn vui đâu hẹn giữa vô cùng.
Bờ bến lạ biết đâu mòn cuộc lữ
Ðể ta về uống cạn nét thu phong
Như cánh hải âu cuối trời biển lộng
Bồng bềnh bay theo cánh mỏng ngàn đời
Chạnh nhớ người xưa miền nguyệt ẩn
Thôi một lần thương gởi giữa mênh mông
Chiều lắng đọng thênh thang ghềnh đá dựng
Những nỗi buồn nhân thế cũng phôi pha,
Mầu nhiệm nào đằng sau bao huỷ diệt
Mà nụ hồng vừa nở thắm ven khe.
Khắp cả chốn đâu chẳng là tịnh độ,
Vô sự một đời trắc trở gì đâu,
Không phiền trược mong cầu chi giải thoát,
Cứ thong dong như nước chảy qua cầu.
Từ độ biết buồn câu sinh tử,
Bỏ nhà đi một thoáng riêng mình,
Mẹ già thôi khóc cho thân phụ,
Lại khóc cho đời ta phiêu linh.
Nhớ mẹ một lần trong muôn một,
Thương em biết vậy chẳng gì hơn,
Suối trăng về tắm bên đồi lạ,
Chiều thu sang hải đảo xanh rờn.

Bài 4


Một kiếp sống, một đoạn đường lây lất
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao
Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ
Ðường âm u nối lại mấy tiền thân
Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn
Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn


Tuệ Sỹ

Sunday, November 17, 2019

Tuệ Sỹ: Thư Chào Mừng Ðại Hội Cư Sĩ Phật Giáo Hải Ngoại

Tuệ Sỹ: Thư Chào Mừng Ðại Hội Cư Sĩ Phật Giáo Hải Ngoại (PL 2547-2003)




Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão,
Thưa các Đạo hữu Phật tử,
Từ trong nước, chúng con đê đầu đảnh lễ Chư tôn Trưởng lão, hiện tiền chứng minh cho ngày Đại hội Cư sĩ hôm nay. Tôi cũng xin gơi đến tất cả Phật tử hiện diện ở đây lời chào thân thuộc giữa những người con Phật, mà hoặc vì do căn tánh dị biệt, hoặc do môi trường sinh hoạt không đồng, nên thường có những mâu thuẫn tư tưởng. Dù vậy, tất cả đều hiểu rằng Phật tử tại gia xuất gia đều chỉ có một con đường duy nhất để đi, là cùng đi chung trong Thánh đạo mà đức Thích Tôn đã chỉ; và cũng chỉ có một mục đích phải đạt đến là giải thoát và giác ngộ mà Đức Thích Tôn đã khai thị.
Trong vòng ba mươi năm nay, tôi không rõ có bao nhiêu Đại hội Cư sĩ được tổ chức ở Hải ngoại. Ở trong nước, nếu có, tôi cũng không có cơ duyên để tham dự. Như thế cũng đủ để nói rằng trong một thời gian rất dài tôi không có những giao tiếp rộng rãi với các Phật tử tại gia. Trong điều kiện như vậy, thật khó cho tôi để viết một bài tham luận cho Đại hội Cư sĩ được tổ chức như hôm nay.
Theo chỗ hiểu biết thiếu cơ sở của tôi như hiện nay, thì Đại hội được tổ chức bởi Tổng vụ Cư sĩ hải ngoại tất nhiên mang tính chỉ đạo, đề xuất các chương trình tu học cụ thể, trong điều kiện xã hội phương Tây, giữa nền văn chất phồn vinh hiện đại mà các Phật tử đang sinh hoạt.
Thêm nữa, Phật tử hải ngoại, cũng như bộ phận lớn khác của dân tộc, vì những lý do hoặc kinh tế, hoặc chính trị, mà phải rời bỏ quê hương, trở thành công dân nước khác, với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của đất nước đang cưu man mình; nhưng trong huyết quản, trong tâm thức, các Phật tử Việt nam hải ngoại không thể quên bẵng cội nguồn, do đó luôn luôn vẫn cảm thấy nghĩa vụ thiêng liêng của mình không chỉ đối với quá khứ tổ tiên, mà còn cả với nhiều thế hệ hiện tại và tương lai, vẫn thao thức với tâm niệm nào đó về tiền đồ của Tổ quốc. Đây không phải là nghĩa vụ hai tầng, một vai hai gánh nặng. Vì sao vậy ? Ngày nay, thế giới càng được mở rộng, khoảng cách giữa các dân tộc càng trở nên gần gũi, do đó, một con người hiện đại không chỉ có nghĩa vụ với đất nước của mình, mà còn có nghĩa vụ nhân loại nữa. Ở nơi nào đó có thiên tai, tật dịch, phần còn lại của thế giới tự thấy có nghĩa vụ cứu tế. Nơi nào đó một dân tộc bị áp bức, phần còn lại của nhân loại lên tiếng can thiệp. Như thế, điều được gọi là nghĩa vụ dân tộc, cùng với nghĩa vụ nhân loại, là hai hoạt dụng của cùng một thể tánh. Trước hết, đó là thể tánh người. Thứ đến, nói trong ý nghĩa chân thật, đó là thể tánh Phật. Người Phật tử sống giữa đời thường, hằng ngày như bị cuốn chìm trong thế giới xa hoa và hưởng thụ, vẫn thấy tự mình có thể học đạo và hành đạo, học và hành một cách tự nhiên như thở, vì tự thể của mỗi chúng sinh là thể tánh Phật.
Trên căn bản giáo lý, thì ai cũng có thể nói được như vậy. Nhưng còn vấn đề khế lý và khế cơ, thì tôi không thể nói cụ thể hơn được nữa. Tuy vậy, tôi cũng muốn góp một chút công đức với Đại hội, nên cũng xin góp một vài điều suy nghĩ.
Chúng đệ tử của Phật, do xu hướng sinh hoạt đời thường khác nhau, nên phân thành hai, tại gia và xuất gia. Rồi lại do tính phái dị biệt nên chia thành bốn. Dù hai chúng, hay dù bốn chúng, các đệ tử đều có chung một Thánh đạo để đi, có chung một cứu cánh Niết-bàn để đạt đến.
Thủa xưa, khi thế giới này mới thành hình, khi mặt đất này chưa xuất hiện sinh vật, tổ tiên của loài người là những chúng sinh sống trong cõi Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Các chúng sinh ấy phi hành trong không gian theo tốc độ ánh sáng, tồn tại với thức ăn hỷ lạc do tầng số dao động của ánh sáng tạo nên. Cho đến khi chúng bị hút xuống mặt đất, mất khả năng di chuyển theo ánh sáng, phải nếm vị của đất làm thực phẩm, để rồi thân thể càng lúc phì đại. Thoạt kỳ thủy, chưa có sự phân biệt tính phái. Sinh vật nguyên thủy ấy nếm vị đất làm thức ăn; quá trình tiêu hoá, hấp thu, bài tiết, diễn thành những chu kỳ tiếp nối, dần dần tổng hợp thêm nhiều loại thức ăn mới. Giai đoạn tổng hợp cuối cùng, đó là lúa gạo. Và cũng sẽ còn nhiều tổng hợp tương lai nữa. Phù hợp với quá trình tổng hợp thức ăn, thân thể của chúng sinh cùng theo đó mà tiến hoá. Cho tới một lúc, sự phân biệt tính phái xuất hiện. Từ phân biệt tính phái dần dần tiến tới phân biệt chủng loại, chủng tộc, dân tộc, và đẳng cấp. Đó là hình thái tiến hóa tất nhiên của xã hội loài người. Khi Phật thuyết kinh này, chỉ lại quá trình tiến hoá và phát triển của xã hội, Ngài muốn giải thích cho các đệ tử hiểu rõ rằng mọi phân biệt trong thế gian, những mâu thuẫn tranh chấp giữa các cộng đồng xã hội, và dân tộc, chỉ là hệ quả do tác động bởi các môi trường sống, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Nói cách khác, là do những tương tác giữa các biệt nghiệp và cộng nghiệp. Điều đó không chỉ khai thị ý nghĩa rằng tất cả mọi dân tộc, bất kể khác nhau trong quá trình tích lũy sở hữu vật chất như thế nào, thảy đều bình đẳng trong phẩm chất như là con người; thêm nữa, điều đó còn khai thị ý nghĩa rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong thể tánh.
Qua nội dung lược thuật từ một đoạn kinh như trên, ở đây tạm thời chúng ta có thể nói rằng, trên căn bản tư tưởng và nhận thức như vậy, Phật tử hành đạo giữa đời thường mà không hề thấy tự mình cách ly và mâu thuẫn với người đời. Nhận xét này có lý do của nó. Từ trước, trong xã hội Việt nam, tu Phật đồng nghĩa xa lánh mọi sinh hoạt thế gian. Nhiều người bà con lớn tuổi của tôi, rất tin Phật và rất thường xuyên đi chùa lễ Phật, nhưng lại nói, chưa dám quy y Phật, vì còn ham uống rượu, và còn ham nhiều thứ khác nữa. Nói thế thì các chúng đệ tử của Phật đều là các vị Thánh hết, vì chẳng ai còn tham, sân, si; chẳng còn ham muốn vật chất gì nữa. Nhưng, kinh nói, Phật pháp như thuốc. Tùy bịnh mà cho thuốc. Hết bịnh, không còn cần đến thuốc. Cho nên, không ai nói rằng chờ tôi lành bịnh rồi sẽ vào nằm bịnh viện. Trong ý nghĩa đó, chúng ta hẵn không ngạc nhiên khi phải nhận xét rằng, giáo lý của Phật cao siêu như thế mà sao các đệ tử Phật sống chẳng cao siêu chút nào. So sánh một cách tượng hình, nói thế thì cũng như nói rằng, bịnh viện kia hay thế, nhiều bác sỹ giỏi thế, mà sao con bịnh lại càng ngày càng đông, không ít đi chút nào. Chúng ta có nguỵ biện quá chăng, khi so sánh như vậy? Về nghĩa lý thì không ngụy biện, nhưng trong thực tế thì có ngụy biện đấy. Thực tế có ngụy biện, vì qua thực tế có một bộ phận tại gia cũng như xuất gia tự nhận là đệ tử Phật nhưng sống bê tha, thác loạn, tiêu chuẩn đạo đức còn dưới những người không tin Phật; hoặc viện dẫn kinh điển để biện hộ cho sự suy thoái nhân cách của mình. Trường hợp này có thể so sánh con bịnh đến bịnh viện mà không chịu tuân theo quy tắc điều trị của bác sỹ; tự mình ăn uống, ngủ nghỉ, làm theo ý thích của mình; nhưng lại chê trách bịnh viện chữa trị không hiệu quả; bịnh càng tăng chứ không hề thuyên giảm. Tuy vậy, bịnh viện cũng vẫn thấy có phần trách nhiệm, vì đã không chăm sóc bịnh nhân đúng mức, và nhất là không có biện pháp nghiêm khắc khi cần thiết phải nghiêm khắc.
Điều cũng nên lưu ý ở đây là, các thí dụ nêu trên chỉ có ý nghĩa tùy theo chỗ áp dụng, hoặc cho chúng xuất gia, hoặc cho chúng tại gia. Trong sự hành trì giới luật, chúng xuất gia nếu phạm giới thì có thể bị trị phạt, hoặc có thể bị tẫn xuất. Điều khoản giới luật của người xuất gia khá nhiều; không có điều vi phạm nào mà không có những quy định trị phạt kèm theo. Giới tại gia ít hơn; chỉ năm hoặc tám giới thôi. Thực tế so với người xuất gia thì tại gia vi phạm học giới của mình rất thường xuyên hơn, nhưng chỉ được khuyên bảo là nên sám hối để nghiệp chướng mỏng dần đi thôi, chứ không có hình thức trừng phạt nào cả. Trong liên hệ này, chúng ta có thể nhắc lại thí dụ về bịnh viện. Một bịnh viện, hay bác sỹ có lương tâm, không từ chối bất cứ con bịnh nào. Ngay cả khi không còn hy vọng cứu chữa, bác sỹ vẫn cố tạo cho bịnh nhân hy vọng sẽ được cứu chữa. Đó là tình yêu trong chức nghiệp. Đức tính từ bi được thể hiện trong những lời dạy của Phật cũng vậy.
Tất nhiên ở đây chúng ta không nói quá lời để binh vực các Cư sĩ tại gia tin Phật nhưng thiếu nghị lực, giải đãi, sống phóng đãng mà không hề có chút phản tỉnh.
Dù sao, nhìn trên bề mặt, người tại gia hành đạo có khó hơn xuất gia, bởi vì phải sống ngay giữa dòng xoáy ô trược, thường xuyên bị vị ngọt của thế gian hấp dẫn. Sự khó khăn này là nói theo khoảng thời gian để thành tựu cứu cánh, sớm hay muộn khác nhau. Khó, vì thời gian thành tựu quá dài. Trên đại thể, sống tại gia hay xuất gia, chỉ do căn tánh dị biệt, cơ duyên sai biệt, chớ không vì chỗ này khó tu hơn chỗ kia. Trong thời đức Phật, nhiều vị xuất gia, kể cả Ngài A-nan, tất nhiên có rất nhiều thuận duyên để tu tập, nhưng chỉ mới chứng được sơ quả, là quả Thánh mà các Cư sĩ như Ông Cấp Cô Độc, Bà Tỳ-xá-khư và nhiều Cư sĩ khác nữa chứng đắc không mấy khó khăn. Còn những người tại gia khác như Thủ Trưởng giả ở Tỳ-da-ly, hay Úc-già ở Tượng thôn, tuy sống tại gia, lại đắc quả trong Thánh đạo còn cao hơn ngài A-nan.
Vậy thì, vấn đề không phải ở chỗ khó hay dễ, giới nhiều hay giới ít, mà chính là thành tựu mục đích cứu cánh. Trong ý nghĩa đó, tại gia hay xuất gia đều bình đẳng trong Thánh đạo. Xuất gia nếu để rơi mất tâm bồ đề, thì dù về hình thức có nói là đang hành Phật sự nhưng thực chất là đang tu theo ma nghiệp. Tại gia tuy sống và làm việc theo thế gian, nhưng làm với tâm bồ đề, thì tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp. Kinh chữ Hán nói, “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, tức thành ma nghiệp.”
Nhưng làm thế nào để phát khởi được tâm bồ đề, và rồi làm sao để an trụ tâm ấy? Đó là những câu hỏi mà ngài Tu-bồ-đề đã hỏi Phật trong kinh Kim cang. Điều khó khăn nhất để hiểu Phật pháp đối với học Phật và tu Phật, đoạn đường khó khăn nhất, dài nhất phải vượt qua, mà thường là dài đến một a-tăng-kỳ kiếp, đó là làm sao để thấy biết một cách như thực rằng, trong tự thể, trong tự tánh, ta là Phật tử, là con Chân thật của Như lai, sinh ra từ kim khẩu của Như lai, hóa sinh từ Chánh pháp của Như lai, là kẻ thừa tự gia tài Chánh pháp của Như lai. Như người cùng tử trong kinh Pháp hoa, không phải dễ dàng một sớm một chiều để thấy ngay rằng thân phận của mình không phải là kẻ tôi tớ hèn hạ, chỉ xứng đáng với công việc quét dọn các hầm xí.
Vậy thì, tâm bồ đề, tức ước nguyện thành Phật, là nền tảng tâm địa cho Phật tử học đạo và hành đạo.
Tuy nhiên, khởi đầu, không phải tất cả mọi người tìm đến Phật pháp chỉ với ước nguyện duy nhất là thành Phật. Rất nhiều người tìm đến Phật pháp để tìm nguồn an ủi tinh thần, để làm vơi đi thống khổ đang phải chịu đựng. Đó là phương diện cứu thế của Phật pháp. Yếu tính của Phật pháp là sự vận hành diệu dụng của từ bi và trí tuệ. Cho nên, Phật pháp trước hết là ngôi nhà dưỡng lão, là viện cô nhi, là trại tế bần. Điều này được theo cả ý nghĩa tượng trưng, và cả sinh hoạt thực tiễn. Như khi Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi Phật, Bồ tát làm thế nào để phát khởi tâm bồ đề, và làm thế nào để an trụ tâm ấy, thì Phật chỉ ngay phương pháp thực hiện, đó là tu tập bố thí. Chính sự bố thí khi được tu tập đến mức thành tựu tuyệt đối thì cùng dẫn đến thành tựu các ba-la-mật khác. Trong các kinh điển nguyên thủy, hạnh bố thí của người tại gia được thuyết minh rất nhiều. Nhiều đệ tử Phật nổi tiếng về hoạt động từ thiện của mình như Trương giả Cấp Cô Độc ở thành Xá-vệ, hoăc trưởng giả Cù-sa ở Kiều-thưởng-di. Nhiều đại lễ tế đàn, hiến máu súc vật cho Thần linh, được Phật giải thích lại ý nghĩa chân thực của cầu nguyện và hiến tế, để rồi những đại tế đàn ấy chuyển hướng thành đại hội cứu tế xã hội.
Bố thí hay hoạt động từ thiện, theo lời dạy của Phật, bao gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nói theo nghĩa tốt. Về mặt tiêu cực, là chi xuất tài sản của mình để chẩn tế những người cô khổ. Chi xuất nhiều như ông Cấp Cô Độc, cho đến hồi tài sản khánh kiệt. Sau đó, do chỉ giáo của Phật, và khuyến cáo của Tăng, ông phục hồi lại sản nghiệp. Và lại tiếp tục sự nghiệp cứu tế nữa.
Rõ ràng, theo lời dạy đó, Phật tử tại gia làm giàu, tích lũy tài sản, không phải chỉ để hưởng thụ cho mình hay thân thuộc của mình, mà còn để chia xẻ cho nhiều người, những kẻ hoặc thiếu may mắn, hay thiếu năng lực để tự cấp dưỡng. Cho nên, trong rất nhiều kinh, Phật dạy một Phật tử tại gia phải biết tích lũy sản nghiệp thế nào cho đúng pháp, và rồi chi dụng sản nghiệp ấy một cách hữu ích, cho mình và cho nhiều người, cho đời này và cho nhiều đời sau nữa.
Đằng khác, về mặt tích cực, hành vi bố thí của Phật tử tại gia chính là nhân tố để duy trì sự an lạc hiện tại cho xã hội. Như khi một người bà-la-môn đến hỏi Phật về nghi thức tổ chức đại tế đàn hiến tế và cầu nguyện thần linh sao cho có hiệu quả. Phật đã chỉ cho những điều nên làm trước hết để cho tế tự có hiệu quả thiêt thực. Đó là, nếu cần đủ công quỹ cho tế đàn mà phải bắt dân đóng thêm thuế, và động viên sưu dịch, thì chỉ khiến cho dân đã nghèo khó lại nghèo khó thêm mà thôi. Điều nên làm bấy giờ là, vua hãy xuất thóc giống trong kho cho người làm ruộng gieo trồng, mở công xưởng cho những người muốn làm thợ, mở trường dạy nghề cho những người muốn học nghề, vân vân, nghĩa là làm sao cho dân chúng có an cư lạc nghiệp, sau đó mới nói đến chuyện tế tự. Như vậy, nghĩa vụ tôn giáo chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực, chỉ khi nào xã hội tương đối sung túc và an lạc. Nếu trong một nước có nhiều người theo đạo Phật, mà nhân dân nước ấy không an lạc, xã hội không trật tự an ninh, đại bộ phần dân chúng còn sống trong nghèo khó, thế thì ở đó không thể gọi là đạo Phật hưng thịnh.
Nói tóm lại, chỉ trên căn bản thực hành bố thí mà Phật tử tại gia tự nâng cao phẩm chất đạo đức của mình, thành tựu giới ba-la-mật. Rồi sau đó dần dần tiến tới thành tựu các ba-la-mật khác, như thiền định và trí tuệ. Đó là quá trình tu tập mà Phật đã chỉ dạy một cách rất rõ ràng, cụ thể. Còn hành trì như thế nào, tùy theo căn tánh dị biệt. Bởi vì, không phải tất cả mọi chứng bịnh đều có thể chữa trị hiệu quả bằng nhân sâm duy nhất.
Đến đây tôi xin phép kết thúc mà không đề nghị một kết luận cụ thể nào cả. Bởi vì, những điều mà Phật tử cần biết, thì ở đây tôi không đủ điều kiện để cung cấp. Còn những gì Phật tử cần làm, tôi lại không đủ cơ duyên để góp ý. Duy chỉ có tâm nguyện rằng, hạt giống bồ đề trong tất cả chúng ta không bao giờ hư hoại để có ngày nảy nở hoa trái giác ngộ.
Xin hồi hướng công đức đến hết thảy chúng sinh, hằng sống an lạc trong chánh pháp.
Tuệ Sỹ
  • Feature Image: Thầy Tuệ Sỹ – Vạn Giã 7/11/2013 (ảnh: Khung)

Monday, November 4, 2019

A FAREWELL by Tue Sy - Tống Biệt Hành (Tuệ Sỹ)


A FAREWELL

Just one single step, yet the mountain is high
Oh, Haven! In which direction will the white clouds settle?
The ferry is moored at the shore swaddled in morning dew
If love should dry up, would water turn cold?


A long journey, immensely far, far away
Where myriad of layers of floaty mist adorn the silken sky
The boat hardly leaving the shore, red dawn already breaks out
Yet thousands of years of farewell had passed

Till the end of summer night, chasing illusion
Autumn fading away, illusionary dreams whiten the Milky Way
The wind refuses to cease, waiting for dew to congeal
Which thousands of years later turns sullied


By the end of Autumn, one no longer sees signs of the traveler 
Autumn forest bloody rain devastates the thatch cottage  
I play the pistil on faded color
Of the piano keyboard, or the blue color of blood.


Nha Trang 1977

Poem by Tuệ Sỹ
Translated by Phe X. Bach
Edited by Prof. Thai V. Nguyen


Tống Biệt Hành


Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Thơ Tuệ Sỹ
Dịch qua Anh ngữ bởi Htr. Tâm Thường Định
Hiệu đính: GS. Nguyễn Văn Thái

Saturday, October 19, 2019

Sách Mới Của Tâm Thường Định: ‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’

Sách Mới Của Tâm Thường Định:
‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’
Nguyên Giác

Người viết hân hạnh được tác giả Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ) mời giới thiệu tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” mới ấn hành, đúng ra là tái bản với nhiều hiệu đính và bổ sung. Không tham dự được Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” tại San Jose ngày 19/10/2019, do vậy bài này được viết ra để trân trọng cảm ơn và để hỗ trợ các sinh hoạt hoằng pháp rất mực quý giá như thế.
Tác phẩm viết bằng song ngữ Anh-Việt, ấn hành lần đầu là năm 2017, lần tái bản này năm 2019 với nhiều bổ sung. Bìa là tranh vẽ Thầy Tuệ Sỹ của họa sĩ Đỗ Trung Quân. Đang phát hành trên mạng Amazon ở địa chỉ: https://www.amzn.com/1087801222/.
Duyên khởi để hình thành tác phẩm là, theo Tâm Thường Định viết nơi Lời Nói Đầu: “Nhân dịp sinh nhật của Thầy, chúng tôi mạo muội làm việc nho nhỏ này như một món quà từ phương xa để kính dâng một vị Thầy lớn của Phật giáo Việt Nam, người đang âm thầm hành đạo trong kiên trì và nhẫn nại với tấm lòng từ bi rộng lớn. Trí tuệ của Người là ngọn hải đăng của nhiều thế hệ, trong đó có chúng con.”
Được biết, Thầy Tuệ Sỹ sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943. 
Có thể hiểu dễ dàng duyên khởi về sách này, nếu chúng ta biết rõ về tác giả Tâm Thường Định, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tại California. Tác giả đã trải qua nhiều năm đọc các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, do vậy từng trang sách đều hiển lộ tấm lòng rất mực tôn kính với Thầy. Bản thân Tiến Sĩ Tâm Thường Định cũng là một giáo viên dạy Hóa học tại một trường trung học ở Sacramento, đồng thời đang dạy về Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) tại nhiều học khu California. Đồng thời, tác giả Tâm Thường  Định cũng hoạt động trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) – nơi giam 3.300 tù nhân hình sự.
Người viết không dám bình luận gì về tiếng Anh của tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” vì trình độ tiếng Anh của người viết phần lớn là tự học, không thể bằng tác giả Tâm Thường Định. Một số bản dịch và bài viết của Tâm Thường Định trong bản tiếng Anh lại có hỗ trợ từ Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Thái, do vậy người viết không dám bàn về phần tiếng Anh (ngay cả, khi có thắc mắc).
Lý do phải viết song ngữ chỉ vì giới trẻ, ngay cả trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử VN, cũng không đọc được tiếng Việt. Và như thế, các em này hoàn toàn bị đứt lìa với PGVN, không thấy được công trình của các nhân vật đã đóng góp lớn cho PGVN, trong đó có Thầy Tuệ Sỹ.
Nơi đầu sách có Lời Giới Thiệu bằng tiếng Anh của Tiến Sĩ W. Edward Bureau, và phần này do cư sĩ Doãn T. Kim Khánh dịch ra tiếng Việt. Lời này chủ yếu là nhận định của GS Bureau về công việc đi dạy Thiền Chánh Niệm của Tâm Thường Định (Phe Bach) tại các học khu California.
Tiến sĩ Bureau viết, nơi đây trích bản Việt dịch như sau:
Phương cách lãnh đạo có chánh niệm hiện hữu ngay trong thiên nhiên, vừa đúng lúc vừa vượt thoát được khái niệm thời gian. Đó là cốt lõi của phương pháp lãnh đạo luôn có mặt ở hiện tại và chia sẻ hiện tại với người khác. Khái niệm này chính là tâm huyết mà Phẻ trao truyền cho những nhà giáo dục khắp California trong những buổi huấn luyện việc đưa chánh niệm vào lớp học. Làm được như vậy rõ ràng là đem lại cho cả nhà giáo dục lẫn người học sức khoẻ về cả tinh thần lẫn thể chất, đồng thời phương pháp dạy và học trong chánh niệm cũng tạo bối cảnh cho tâm từ bi và an lành.
Tiếp theo, là Lời Giới Thiệu của Thầy Thích Nguyên Siêu (từ San Diego, California), chủ yếu nói về nội dung sách. 
Trong này, Thầy Thích Nguyên Siêu viết về sách của Tâm Thường Định, trích:
Tác phẩm này gồm có hai bài của Ôn Tuệ Sỹ. Bài thứ nhất có tựa đề “Tâm Thư Gởi Tăng Sinh Huế”, nhưng người đọc sẽ thấy rõ ý của Ôn muốn nhắn gởi đến cả thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống trong một hoàn cảnh đất nước: “Bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai.” Từ đó, Ôn tha thiết nhắn nhủ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình…
Bài thứ hai có tựa đề “Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ.” Bằng cái nhìn và nhận định về một thế hệ, Ôn đã đánh thức những tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam: “Tuổi trẻ Việt Nam đang bị bật rễ, do đó có nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây, tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc….
Bước qua phần hai là thơ của Ôn Tuệ Sỹ… Qua phần thứ ba là thơ của anh Tâm Thường Định…: Và phần thứ tư cũng là cuối cùng của tác phẩm, đó là bài viết: “Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ” của Tâm Thường Định, muốn tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong bài thơ “Một Thoáng Chiêm Bao”…”
.
Tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” của Tâm Thường Định như thế rất đa dạng. Trong đó, hai bài viết của Thầy Tuệ Sỹ viết cho giới trẻ Việt Nam đều có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ mời gọi định hướng cho thế hệ trẻ xuất gia và tại gia về thái độ tu học trong cương vị mỗi người tự nhìn bằng đôi mắt của mình, mà cũng mời gọi nhìn từ điểm đứng dân tộc để có những hành hoạt tương lai.
Dịch sang tiếng Anh, đặc biệt khi dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ, là một nghệ thuật rất mực gian nan. Thí dụ, Thầy Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tác giả Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận.”
Như thế, tuyển tập song ngữ về Thầy Tuệ Sỹ do Tâm Thường Định chuyển ngữ là một công trình lớn, đã thực hiện cẩn trọng qua nhiều năm, và bây giờ tuyển lại để ấn hành. Tác phẩm này cần có trong tủ sách những người quan tâm về Phật Giáo VN nói chung, và về Thầy Tuệ Sỹ nói riêng.
Người viết khâm phục tác giả Tâm Thường Định là chuyện tất nhiên, đương nhiên và hiển nhiên. Chỉ thêm nơi đây, xin đề nghị bạn Tâm Thường Định trong lần tái bản tương lai, nên chiếu rọi thêm một phương diện lớn khác của Thầy Tuệ Sỹ: một vị Bồ Tát xuất gia, và là người tích cực quảng bá Bồ Tát Đạo. Đề tài này sẽ đặc biệt thích nghi với giới trẻ Việt Nam, dù tại Hoa Kỳ hay tại Việt Nam.
Người viết nhận thấy rằng Thầy Tuệ Sỹ là một người ưa sống trầm lặng, xa rời các náo nhiệt thế gian, nhưng lòng luôn luôn thương xót chúng sinh.  
Thí dụ, có lúc nghe tin Thầy Tuệ Sỹ ra ẩn tu ở Khánh Hòa, có lúc nghe tin Thầy về ẩn nơi Bảo Lộc; và ngay khi ở Sài Gòn, Thầy cũng giữ hạnh ẩn tu. Vào năm 2005, khi Thầy Nhất Hạnh tới Chùa Già Lam (Sài Gòn) thăm, mới biết rằng Thầy Tuệ Sỹ đang nhập thất, đã gõ cửa nhưng cũng không thấy ra gặp được. Nghĩa là, Thầy Tuệ Sỹ giữ hạnh ẩn tu, ngay nơi náo nhiệt như Sài Gòn mà vẫn tịch lặng cõi riêng. Dù vậy, khi theo dõi các sách và các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, mới biết rằng Thầy hoằng pháp, quảng bá chánh pháp theo cách riêng.
Thầy Tuệ Sỹ như thế đã sống theo lời dạy của Đức Phật. Cụ thể là lời dạy trong Kinh Trung A Hàm MA-77. Nghĩa là ẩn tu, nhưng luôn luôn thương xót chúng sinh đời sau. Đọc kỹ kinh này, cho thấy Đức Phật cũng khuyên chúng sanh “học theo Như Lai” – phải chăng đó là “học theo Bồ Tát Đạo”? Nếu nghĩ như thế, là từ trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã khuyên chúng sinh nên theo hạnh Bồ Tát, tức là theo hạnh Đại Thừa. Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư như thế.
Kinh MA-77 qua bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau:
Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”. (1)
Nghĩa là, Đức Phật nói rõ, một vị sư đi tu không phải để riêng tự giải thoát, mà cần nghĩ tới (và thương xót) chúng sanh đời sau, và nếu có ai đời sau học theo Như Lai thì… tự quân bình, vừa ẩn tu, vừa thương xót chúng sanh. Chỗ này có thể nghĩ là, không lẽ Đức Phật tu qua 3 a tăng kỳ kiếp, giúp vô lượng chúng sanh, bây giờ thành Phật, rồi vào Niết Bàn để biến mất luôn? Trong khi hạnh Bồ Tát là không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Tuy nhiên, nếu nói rằng có một vị nào mang nguyện Bồ Tát để đời đời tái sanh nhằm cứu chúng sanh là dễ rơi vào chấp Có, nhưng nếu nói biến hẳn luôn là dễ rơi vào chấp Không – đây là nơi, nếu không có Trí Tuệ Bát Nhã là sẽ hỏng cả hai đầu biên kiến.
.
Có một tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ ít được nghe tới (nhiều phần, có lẽ, vì hoản cảnh ẩn tu của Thầy) là cuốn “Du Già Bồ Tát Giới” (Hương Tích Phật Việt ấn tống, 2017) – trong sách này, nơi Chương 1, nói về các “Bồ Tát Tại Gia thời Ðức Phật”… ghi nhận về một số vị cư sĩ Bồ Tát Tại Gia.
Trong Tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), hình ảnh Cư sĩ Úc Già (Ugga) hiện ra khác với hình ảnh Cư sĩ Úc Già trong Tạng Bồ Tát.  
Chỉ ngay trong một câu nói của Úc-già Trưởng giả (theo Kinh Đại Bảo tích, quyển 82, hội 19 “Úc-già trưởng giả”) nêu lên để thỉnh vấn Đức Phật cũng cho thấy suy nghĩ cách biệt một trời một vực giữa một ngài Úc Già trong Tạng Thanh Văn và ngài Úc Già trong Tạng Bồ Tát.
Thầy Tuệ Sỹ viết nơi Chương 1, sách Du Già Bồ Tát Giới, trích:
Bản kinh Úc-già Trưởng giả của Đại thừa, để xác nhận chí nguyện của ông Trưởng giả, đã gắn cho ông những lời thỉnh vấn Phật:
“Những thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì ích lợi của hết thảy chúng sinh, muốn đưa tất cả vào Niết-bàn an lạc cứu cánh, muốn duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… những vị ấy cần phải làm gì? Giới đức hành xử của Bồ-tát tại gia là thế nào? Làm thế nào mà tuy vẫn sống đời tại gia những vẫn tùy thuận tu hành những điều Như Lai giáo huấn mà không tổn hoại các bồ-đề phần?”…” (2)
Đó là hạnh nguyện Bồ Tát: đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn, duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… Tư tưởng này hình như không có, hoặc không thấy rõ, trong Tạng Thanh Văn.
Cũng trong Chương 1 đó, Thầy Tuệ Sỹ phân tích về trường hợp Cư sĩ Thiện Sinh và hai bản kinh Thiện Sinh dị biệt trong hai tạng kinh. Tương tự, với một số Cư sĩ khác.
Xin nhắc lại rằng, dịch ra Anh văn các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ là một công việc cực kỳ gian nan, không dễ tí nào. Nhất là khi muốn dịch các lý luận phức tạp của Thầy Tuệ Sỹ (như trong sách Du Già Bồ Tát Giới nêu trên) thì lại trăm phần khó hơn nhiều. Nơi đây, người viết (trong cương vị tự xem như học trò của Thầy Tuệ Sỹ) muốn nhắc dịch giả Tâm Thường Định (một học giả uyên bác mà người viết có cơ duyên là bạn thân) rằng, nếu bạn tái bản cuốn sách tuyệt vời này trong tương lai, xin dịch thêm (hoặc dịch tóm lược) các phân tích của Thầy Tuệ Sỹ về Bồ Tát Hạnh. Đó cũng là những phân tích rất mực trí tuệ, chỉ thấy được từ một người đọc kinh với tâm rất mực từ bi, như Thầy Tuệ Sỹ. 
Trân trọng cảm ơn tác giả Tâm Thường Định: tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” là một công trình lớn, về một vị Thầy lớn. Rất mực hy hữu. Xin chúc mừng.
GHI CHÚ:
(2) Chương 1, Du Già Bồ Tát Giới: https://gdptvietnam.org/tue-sy-bo-tat-tai-gia-thoi-duc-phat.gdpt