Wednesday, May 20, 2020

Tuệ Sỹ: Phát triển tâm từ



VĂN-THÙ hỏi Duy-ma-cật: [1]«Bồ tát nên quán sát chúng sanh như thế nào?»
Duy-ma-cật đáp:«Như nhà ảo thuật quán sát con người ảo hóa do mình tạo ra; Bồ tát nên quán sát chúng sanh cũng như vậy. Cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn bóng mình trong gương; nhìn ánh lửa khi nhiệt bốc;[2] như tiếng vọng của lời gọi; như mây nổi trong bầu trời;[3] như đám bọt nước;[4] như bong bóng trên mặt nước;[5] như lõi chuối rỗng; như ánh chớp lóe kéo dài;[6]
(…)
Bồ tát nên quán sát chúng sanh cũng như vậy.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi:«Bồ tát quán như thế thì làm sao thực hành lòng từ?»[7]

1. Từ thế giới quan đến nhân sinh quan

Trên đây, mặc dù câu hỏi của Văn thù là sự quán sát chúng sinh, Bồ tát nhận thức về chúng sinh như thế nào; trong giải thuyết của Duy-ma-cật, chúng sinh được nhận thức như một cá thể của thế giới, một pháp trong tất cả pháp, bị chi phối bởi các quy luật tồn tại như tất cả mọi sự hữu. Đó là cái nhìn khắc kỹ lạnh lùng. Nếu thế giới và chúng sinh là giấc mộng, và những hoạt cảnh của giấc mộng trong đó mọi vui buồn, đều chỉ là giả dối; vậy thì, người đã nhận thức ra giấc mộng, đã tỉnh mộng, không còn bận tâm gì đến nó. Cho nên, Văn thù mới đặt câu hỏi: Nếu quán sát như thế, Bồ tát làm thế nào để phát triển tâm từ?
Cũng ý nghĩ tương tự, trong kinh Bát nhã, sau khi nghe Xá-lợi Tử thuyết minh về sự tu tập ba-la-mật của Bồ tát bằng tịnh giới mà chuyển hướng tâm đến cứu cánh thành tựu trí Nhất thiết trí, Mãn Từ Tử liền hỏi,  “Nếu hết thảy pháp đều như huyễn, hoàn toàn không thực chất tồn tại, Bồ tát làm thế nào để chuyển hướng đến cứu cánh trí Nhất thiết trí?” Xá-lợi Tử đáp, “Nếu hết thảy các pháp có một phần thực hữu mà không phải là huyễn sự, thế thì Bồ tát tuyệt đối không thể chuyển hướng đến trí Nhất thiết trí… Do bởi tác nghiệp của phương tiện thiện xảo, sinh ra từ đại bi tâm của Bồ tát đối với hết thảy chúng sinh; do phương tiện thiện xảo mà Bồ tát biết hết thảy các pháp đều là Không; và cũng do phương tiện thiện xảo đó mà Bồ tát không cố ý an trụ trong chân lý của tuyệt đối tịch tĩnh.”[8]
Quán chiếu của Bồ tát cũng như quán chiếu của Thanh văn, đó là thực huệ. Diệu dụng của thực huệ là phương tiện, mà tự thể của phương tiện là tâm đại bi. Như một người có trí, nhận thức được nguy cơ tàn phá của dòng thác lũ, không thể không khuyến cáo những ai đang sống trên dòng chảy của con thác. Bồ tát cũng vậy, ánh sáng từ con mắt trí tuệ của Bồ tát khi quán chiếu thực tại như huyễn, thì cũng đồng thời cảm nghiệm được nỗi khổ của chúng sinh bị nhận chìm trong dòng thác như huyễn đó, cho nên tự nguyện trở thành là người bạn của hết thảy. Kinh Phật mẫu Bát nhã nói, “Bồ tát do tu tập Bát nhã ba-la-mật mà thành tựu chính trí. Bằng trí tuệ ấyBồ tát nhận thức chúng sinh đang bị gông cùm đày đọa trong lao ngục, bèn phát khởi tâm nguyện cứu trợ. Bấy giờ, Bồ tát được hỗ trợ bởi tâm đại bi, và bằng thiên nhãn thanh tịnh mà quán sát cùng khắp vô lượng vô số vô biên chúng sinh, thấy có chúng sinh tạo nghiệp vô gián sẽ phải thọ báo kịch khổ, hoăc thấy rơi vào lưới tà kiến không sao thoát được; thấy như vậy tức thì khởi tâm đại bi, nguyện rằng, ta sẽ làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, diệt trừ mọi thống khổ cho chúng sinh. Bằng tư duy như vậy, mà không trụ trong tướng đó, cũng không trụ trong tướng khác. Đó gọi là ánh sáng trí tuệ của Đại Bồ tát.”[9]
Bồ tát như vậy được ví như một người tài ba, mưu trí và dũng cảm, cùng với thân quyến và bằng hữu đang lữ hành băng qua hoang mạc đầy nguy hiểm. Tất nhiên, tự mình, ông có thể vượt qua hoang mạc ấy một cách an toàn; nhưng ông cũng không thể bỏ mặc mọi người. Bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật, ông không sợ nguy hiểm cho bản thân trong khi bằng mưu trí khéo léo ngăn ngừa mọi tai họa có thể ập đến bất ngờ cho những người thân yêu của mình, bao che và an ủi họ trong những cơn kinh sợ hãi hùng. “Các Bồ tát cũng vậy, thương xót các sinh loại hữu tình chìm ngập trong thống khổ sinh tử nên nhất tâm chuyên niệm từ bi hỷ xả, được nâng đỡ bởi thiện căn thù thắng do tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa, được hỗ trợ bởi phương tiện thiện xảo của chư Phật, tích lũy các công đức hướng đến Vô thượng Chính giác, tuy tu tập Không, Vô tướng, Vô nguyện, nhưng tâm không tác chứng nơi thực tế.”[10]
Quán chiếu tự tính Không mà chẳng hề chứng nhập thực tế Không, không an trụ trong biên tế như thực của tính Không như là cảnh giới an toàn của chính mình, Bồ tát vẫn phải lăn lóc trong sinh tử như hết thảy chúng sinh khác. Như Duy-ma-cật nói với Văn thù: “Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi. Vì hết thảy chúng sanh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sanh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sanh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sanh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh.”[11]

2. Bốn Phạm trụ và Vô lượng tâm

Bồ tát phát triển tâm đại bi như thế nào? Tu tập từ, bi, hỷ, xả; bốn vô lượng tâm mà Phật giảng dạy cho các Thanh văn. Một thời, tôn giả A-nan dẫn các tỳ kheo trẻ đến đức Phật, thỉnh cầu Phật giáo giới, làm thế nào để hướng dẫn các tỳ kheo trẻ tu tập, Phật dạy, “A-nan, Ta đã từng giảng thuyết cho ngươi về bốn vô lượng. Tỳ kheo thành tựu và an trụ tâm tương ưng với từ, tràn đầy khắp một phương, cho đến bốn phương, trên dưới… Cũng vậy, an trụ tâm bi, tâm hỷ, tâm xả… A-nan, ngươi hãy dạy các tỳ kheo trẻ tu tập bốn vô lượng này để cho các tỳ kheo được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh…[12]
Bốn vô lượng này cũng được gọi là bốn Phạm trụ. [13] Đó là bốn tâm tư để cho một người mà đời sống được coi là tương ứng với Phạm thiên, và với tâm ấy sau khi chết được tái sinh lên thế giới của Phạm thiên. Tăng nhất A-hàm nói, có vị Thiên chúa gọi là Đại Phạm, thống lãnh một nghìn thế giới, tối thượng không gì vượt qua. Nếu tỳ kheo tu tập bốn Phạm trụ này, tâm tư có thể bao trùm cả một nghìn thế giới như vậy. Tỳ kheo muốn siêu việt Dục giới để sống trên cõi Phạm thiên giới, hãy tu tập bốn vô lượng này.[14]
Một thời, khi Phật trụ tại vương quốc Câu-tát-la; bấy giờ có hai thanh niên Bà-la-môn tranh luận nhau về con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên, nghĩa là được nhìn thấy và sống gần bên Thiên chúa. Tất nhiên họ đều y trên tín điều tôn giáo được truyền bởi các Thánh điển Vệ-đà như nhau, nhưng mỗi người hiểu theo một cách khác theo trường phái Sư truyền của mình. Hai người tìm đến Phật, đề nghị phân giải. Đức Phật không bác bỏ sự tồn tại của Phạm thiên, và giảng giải cho họ rằng chỉ có thể đi đến Phạm thiên, sống với Phạm thiên, những ai mà tâm tư tương ứng với phẩm chất Phạm thiên. Tâm tư ấy là bốn vô lượng: từ, bi, hỷ, xả.[15] Nói cách khác, nếu hiểu theo tín điều tôn giáo của họ, theo đó, Phạm thiên hay Thiên chúa là tình yêu; vậy thì, một người với tâm thù hận không thể sống chung với một người mà tâm tư luôn tràn ngập tình yêu. Như vậy, đức Phật đồng thời bác bỏ quan điểm truyền thống, tin tưởng tập tục lễ nghi tế tự và cầu nguyện của Vệ-đà để có thể thấy được Phạm thiên.
Nếu tu tập bốn vô lượng như là bốn Phạm trụ, thiền cao nhất mà người thực hành có thể đạt đến là Sơ thiền. Bởi vì, kết quả của Sơ thiền là cõi Phạm thiên, phân thành ba cấp theo ba trình độ cao thấp khác nhau trong Sơ thiền. Ba cấp ấy là, từ dưới thấp kể lên, Phạm chúng thiên,[16] cõi của cư dân của Phạm thiên, tức các linh hồn con dân của Thiên chúa trên Thiên đường nước Chúa. Cao hơn, là Phạm phụ thiên,[17] các vị trợ tế, hay các đại thần của Phạm thiên; tức các Thánh trên thiên đường. Cao nhất, chỉ một ngôi vị duy nhất, là Đại Phạm thiên,[18] chúa tể của một nghìn thế giới; được xem là đấng biến mãn, toàn năng, nhưng chỉ giới hạn trong một nghìn thế giới mà thôi.
Vượt lên trên Phạm trụ, các trình độ thiền đạt được bằng các vô lượng tâm khác nhau. Theo lý giải của Hữu bộ, tu hỷ vô lượng cần phải y trên Sơ thiền và Nhị thiền, vì trong hai thiền này hỷ đều hiện diện. Ba vô lượng còn lại y trên sáu địa mà tu tập, tức bốn thiền, vị chí định và trung gian định; hoặc chỉ y trên năm địa, trừ vị chí định.[19] Hữu bộ cũng nói, thành tựu cao nhất của tu tập từ vô lượng là đạt đến Biến tịnh thiên, tầng thứ ba cao nhất trong Đệ tam thiền. Tu bi vô lượng, cao nhất đạt đến Không vô biên xứ thiên, tầng thứ nhất trong bốn vô sắc định. Tu hỷ, cao nhất đạt đến Thức vô biên xứ thiên, tầng thứ hai trong bốn vô sắc định. Tu xả, cao nhất đạt đến Vô sở hữu xứ thiên, tầng thứ trong bốn vô sắc định.[20]
Như vậy, bốn vô lượng nếu được tu tập như là bốn Phạm trụ, chỉ có mục đích thế gian, mong cầu kết quả phước báo trên chư thiên. Bốn vô lượng được thực hành bởi các Thanh văn cũng chỉ hướng đến mục đích tự lợi, như là một trong các phương pháp tu tập thích hợp để đối trị tham sân. Như tu từ để đối trị sân tâm, tu bi đối trị hại tâm, tu hỷ đối trị bất hân ủy tâm (bất mãn, không hài lòng), tu xả đối trị dục tham.[21]
Mặc dù như trong kinh được trích dẫn bởi Thanh tịnh đạo luận, theo đó khi một tỳ kheo đến thỉnh cầu Phật chỉ dạy một pháp môn rồi ông sẽ thọ trì pháp môn để tu tập hầu đạt đến cứu cánh, và thoạt đầu Phật không mấy tin tưởng vào khả năng tu tập của tỳ kheo này nên đã chỉ dạy cho bốn vô lượng tâm, tu tập tâm giải thoát với từ, bi, hỷ, xả; tu tập thường xuyên coi như là cỗ xe, như là cơ sở, nỗ lực thực hành, tích lũy, cho đến mức hoàn hảo.[22] Thế nhưng, tiếp theo sau đó là tu tập bốn niệm trụ để diệt tận phiền não, chứng đắc A-la-hán. Cho nên, các nhà Hữu bộ nói, bốn vô lượng được tu tập chỉ có thể đối trị bốn chướng chứ không thể diệt trừ các mê hoặc, phiền não.[23] Lý do được giải thích, là vì các thiền là cơ sở để tu bốn vô lượng này đều có tính hữu lậu không có hiệu lực diệt trừ mê hoặc. Thêm nữa, chúng là những tác ý thắng giải, nghĩa là chỉ y trên ước nguyện, hay trên phán đoán tự do chứ không phải phán đoán bằng hiện thực. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được tu tập trong giai đoạn gia hành, tức như là những tu tập chuẩn để trấn áp các chướng ngại trước khi thực sự đoạn trừ các phiền não.
Theo một cách nói, tu bốn vô lượng như vậy chính là sự vận dụng ước nguyện, lấy đó làm công cụ đối trị các chướng ngại. Như đối với các chúng sinh đang sống an lạc, hành giả lấy đó làm đối tượng mà khởi lên tâm từ, mong rằng hết thảy chúng sinh đều được an lạc. Cũng vậy, khi tu bi vô lượng, hành giả rải tâm đến hết thảy chúng sinh đang đau khổ với ước nguyện mong cho hết thảy chúng sinh thoát khỏi khổ não. Sự khởi tâm như vậy là thắng giải tác ý, nghĩa là y trên phán đoán tự do, chứ không phải là chân thật tác ý, là phán đoán căn cứ hiện thực. Tư duy như vậy, như Thế Thân nói, chỉ là ước nguỵện, chứ không thực sự khiến cho chúng sinh nhờ vậy mà hưởng lạc, thoát khổ. Như vậy, há không phải là điên đảo? Nghĩa là, tu tập với tâm hướng đến sự thể mà sự thể sẽ không xảy ra như tâm tưởng. Tất nhiên là không điên đảo. Vì cơ bản, a-thế-da,[24] tức thâm tâm hay ý hướng của hành giả là chân thật. Nói cách khác, đó là những ước nguyện chân thật, tuy không được thể hiện thành sự thực như ước nguyện.
Đó là tính chất của bốn vô lượng được tu tập bởi Thanh văn.

3. Bốn vô lượng và ba đối tượng

Các nhà Đại thừa cũng nhận bốn vô lượng tâm, về cơ bản, là bốn Phạm trụ. Ngoài ý nghĩa chính của vô lượng tâm là đối trị chướng như trong sự tu tập của Thanh văn, trong Đại thừa còn nêu lên ba đặc tính khác nữa của bốn Phạm trụ hay Vô lượng. Trang nghiêm kinh luận nói, “Bốn Phạm trụ tức bốn Vô lượng: từ, bi, hỷ xả. Trong đó, bốn vô lượng của Bồ tát có bốn đặc tính: 1. Trị chướng, tức đối trị các chướng ngại, nghĩa là trấn áp các phiền não. 2. Hiệp trí, sự đối trị đặc biệt do chứng đắc trí vô phân biệt. 3. Chuyển cảnh, hướng đến đối tượng là chúng sinh duyên, pháp duyên và vô duyên. 4. Thành sinh, thực hiện những nghiệp thù thắng để thành thục chúng sinh.”[25] Tức là, Thanh văn tu bốn vô lượng chỉ nhắm đến đối tượng duy nhất là chúng sinh, trong khi đó Bồ tát còn y trên đối tượng là pháp để quán chiếu bản tính tồn tại của chúng sinh, và sau cùng y trên đối tượng vô phân biệt mà phát khởi bốn vô lượng.
Y trên các đối tượng như vậy để phân biệt, khi lấy chúng sinh làm đối tượng, bốn vô lượng hay bốn Phạm trụ là thực hành trong phạm vi Dục giới, chung cho các phàm phu và ngoại đạo. Bởi lẽ, tín đồ của các tôn giáo chỉ ước nguyện sinh lên trời, sinh về nước Chúa để có thể diện kiến Thiên chúa ở đó. Tình yêu của chúng sinh ở Dục giới không thể trùm lên các cõi trên, Sắc giới và Vô sắc giới. Cho nên, khi kinh nói, “tâm câu hữu với từ, trùm khắp một phương[26] là nói đến không gian của Dục giới đối với chúng sinh chưa ly Dục, hay chưa đắc Sơ thiền trở lên. Thêm nữa, y trên đối tượng là chúng sinh, chỉ quán chiếu đến các điều kiện khổ hay lạc của chúng sinh mà không quán chiếu bản chất tồn tại của chúng, đó là sự vận dụng tâm ý một cách chủ quan.[27] Do tính chất chủ quan như vậy nên không thể diệt trừ phiền não. Phiền não chỉ có thể bị đoạn trừ với nhận thức chân chính về bản chất của tồn tại. Ngoài ra, chúng chỉ bị trấn áp. Nói cách khác, chỉ khi nào tư duy tập trung quán chiếu trên đối tượng là pháp, quán chiếu bản chất tồn tại của pháp, chỉ như vậy mới diệt trừ được phiền não.[28] Cho nên, luận Du-già nói, bốn vô lượng được tu tập với đối tượng là hữu tình là hành trì phổ thông cho cả phàm phu lẫn ngoại đạo. Lấy pháp làm đối tượng, là pháp tu bất cộng, hay đặc hữu của Thanh văn và Độc giác. Vô duyên, tức đối tượng vô phân biệt là  thực hành riêng biệt của Bồ tát.[29]
Trong đó, vô duyên từ được giải thích là thực hành của Bồ tát từ địa thứ tám trở lên. Ở đó, Bồ tát duyên đến đối tượng Chân như để quán chiếu. Khi chứng đắc vô sinh pháp nhẫn,[30] bấy giờ tất cả thiện căn đều viên mãn, và hết thảy phiền não được diệt tận, do bởi thân và ngữ nghiệp, mà Từ vô lượng y trên đó để thể hiện, bấy giời hoàn toàn thanh tịnh.[31] Địa thứ tám của Bồ tát tương ứng với quả vị A-la-hán của Thanh văn, ở đó phiền não cũng đã bị diệt tận, và thân ngữ nghiệp đều thanh tịnh.

4. Quán chiếu tu Vô lượng

Hành từ như được thuyết minh trong Du già sư địa luận và Đại thừa trang nghiêm kinh là bắt đầu từ chỗ lấy chúng sinh làm đối tượng. Đấy là sự nghiệp từ thiện xã hội mà mục đích là xóa đi nỗi thống khổ của chúng sinh. Làm như vậy chỉ có thể mong cầu phước báo ở thiên giới, mà cao nhất là thiên giới của Phạm thiên. Các Thánh đệ tử không quan sát nỗi khổ thế gian như là hậu quả của hàng loạt phản ứng tâm sinh lý. Ngoài nhận thức sự khổ của thế gian do ân ái biệt ly, hay tình thù tụ hội, các vị ấy quán sát sự khổ trên tính chất vô thường của các hành, tức trên tính vận động của mọi hiện tượng mà xu hướng tất yếu là dẫn đến tình trạng tan rã và sụp đổ. Quán sát rằng, “Sắc là vô thường. Cái gì là vô thường, cái đó là khổ. Cái gì là khổ, cái đó không phải là tự ngã. Cái đó không phải là của tôi. Tôi không phải là cái đó. Cái đó không phải là tự ngã của tôi.” Trên cơ sở nhận thức đó, cái gọi là chúng sinh hay hữu tình, chỉ là tổ hợp giả danh; không tồn tại một thực hữu nào như là chúng sinh cả. Cho nên, khi các Thánh đệ tử hành bốn vô lượng, nói là rải tâm từ lên hết thảy chúng sinh trong một phương; từ phương đông, cho đến cả sáu phương, thượng phương, hạ phương. Nhưng vì chúng sinh là giả hữu, không thể lấy cái giả hữu làm đối tượng tu tập; cho nên, đối tượng mà Thánh đệ tử hướng đến để vận dụng tâm từ là pháp.
Trong hai đoạn kinh được dẫn từ A-hàm và Nikāya ở trên, Phật chỉ dạy bốn vô lượng như là pháp yếu dự bị làm nền tảng cho sự tu tập cao hơn đối với các tỳ kheo trẻ, hay tỳ kheo mà nghị lực không nhiều lắm. Bởi vì đối tượng ở đây không phải là các vật vô tri vô giác như đất, nước, hơi thở, hay xác chết ngoài bãi tha ma, mà là những con người cụ thể có một quan hệ xã hội hay thân thích trong chừng mực nào đó. Tập trung ý tưởng trên những đối tượng gần gũi, dễ gợi nhớ, với những tình cảm thân thiết nhất, để loại bỏ dần các ý tưởng xấu, những ác bất thiện pháp. Nói theo ý nghĩa tâm lý học, các tỳ kheo trẻ được khuyến khích tu tập bốn vô lượng, coi đó như là sự đào luyện tâm lý để có thể sống cuộc sống viễn ly, ẩn dật, mà không cảm thấy cô độc trong núi rừng hoang vắng.
Bồ tát hành đạo bắt đầu từ giữa lòng xã hội nên sự tiếp cận với mọi thống khổ nhân sinh là lẽ tất nhiên. Tu bốn vô lượng là y trên a-thế-da, trên tăng thượng ý lạc, nghĩa là y trên thâm tâm, trên tâm nguyện nhiệt thành và luôn luôn hướng thượng, ước mong xóa sạch mọi thống khổ của thế gian. Như vậy, khởi điểm hành từ là hướng đến các chúng sinh như là đối tượng. Như kinh Kam cang nói, Bồ tát hành đạo đưa vô số chúng sinh đến an lạc của Niết bàn mà không thấy ở đó có chúng sinh, vì Bồ tát không hành đạo với ấn tượng về sự tồn tại của tự ngã. Ngay chỗ này, Văn-thù đã chỉ ra mâu thuẫn như là xung đột nội tâm khi Bồ tát hành từ như thế. Không thấy tồn tại chúng sinh như là thực hữu, nhưng vẫn cảm nghiệm một cách sâu xa các chúng sinh đang ngụp lặn trong biển khổ. Duy-ma-cật thuyết minh hành từ của Bồ tát gồm cả ba phương diện, như được phân tích trong luận Du-già và Trang nghiêm, cho nên không hề có mâu thuẫn xung đột trong nhận thức của Bồ tát và kinh nghiệm thực tế đời thường.
Trong thuyết minh của Duy-ma-cật, ba đối tượng hành từ không tách rời nhau, tuy vậy mỗi đối tượng vẫn có những đặc tính cá biệt y theo đó mà vận dụng quán chiếu. Trước hết, y trên quán chiếu tính Không theo đó mọi tồn tại đều bất thực, hết thảy chúng sinh đều như huyễn, Bồ tát hành từ không đối tượng, tức vô duyên từ mà Duy-ma-cật giới thiệu như là tịch diệt từ. Tịch diệt, vì bản chất của tồn tại vốn không sinh không diệt. Bồ tát nhận thức pháp tính là Không, mọi hiện tượng đều là giả hữu; đau khổ hay an lạc là những hiện tượng giả hữu. Bồ tát tự bản thân không thấy có đau khổ hay an lạc, nhưng đồng thời cũng biết rằng các chúng sinh đang chịu đày đọa bởi các khổ. Bồ tát vốn không bịnh, nhưng vì chúng sinh bịnh nên Bồ tát bịnh. Tâm từ như vậy vận hành một cách tự nhiên, tuỳ thuận pháp tính. Bồ tát yêu thương chúng sinh, đó là tình yêu không điều kiện, vì pháp tính là như vậy.
Một chuổi các khái niệm tiếp theo trong đoạn thuyết minh này của Duy-ma-cật là những mô tả các yếu tính của vô duyên từ. Nói tóm lại, vô duyên từ được mô tả ở đây cũng là các phẩm tính của trí tuệ quán chiếu.
Trong vô duyên từ, như đã thấy, không thể thiếu chúng sinh duyên và pháp duyên. Các khái niệm về hành từ của A-la-hán, cho đến Phật, thuyết minh Bồ tát thể hiện từ tâm với đối tượng là pháp, là y trên những gì đã được chứng ngộ và được giảng dạy bởi Phật. Đó là pháp thanh tịnh ly nhiễm.
Cuối cùng là hành từ với chúng sinh duyên, Bồ tát hành từ cụ thể với mười ba-la-mật. Vật bố thí là pháp, nhận bố thí là chúng sinh; ba-la-mật được thành tựu là thực tại siêu việt, từ đó lưu xuất vô duyên từ.
Trên đây là đoạn thuyết minh về các phẩm chất của từ y trên các đối tượng. Trong sự thực hành, đoạn thuyết minh này cần được hiểu là sự hành từ diễn theo tuần tự thứ lớp, tương ứng với ba đại thời gian hành Bồ tát đạo: giai đoạn phàm phu trước khi chứng nhập Sơ địa; thừ hai, từ Sơ địa cho đến địa thứ bảy; sau hết, từ Bất động địa thứ tám cho đến thành Phật.
Bồ tát trong giai đoạn phàm phu, khi hành từ, để tâm từ không bị dao động và thoái thất trước vô lượng thống khổ của chúng sinh mà tâm từ hữu hạn của phàm phu không thể ôm trọn, do đó hành từ vì tình yêu đối với chúng sinh nhưng đồng thời cũng quán chiếu bản chất tồn tại như huyễn, bất thực của chúng sinh. Bồ tát hành từ như là tịch diệt, như là vô tránh, v.v.
Khi vào Sơ địa, do quá trình tích lũy tư lương phước đức bằng hành từ, do quán chiếu tính Không của các pháp, Bồ tát chứng thực chân lý, thấy được một phần của Chân như, bấy giờ thị hiện giữa thế gian mà hành từ với tâm vô cầu như A-la-hán, cho đến như Phật. Từ tâm phát khởi từ các quả chứng Bồ đề hay giác ngộ. Trong đây, Bồ tát hành từ không chỉ thuần bằng a-thế -da tức bằng tâm nguyện mà thôi; nhưng là hành từ cụ thể bằng các ba-la-mật:  thí, giới, nhẫn, tinh tấn, định, huệ, phương tiện, nguyện, lực, trí.
Sau hết, từ địa thứ tám, Bồ tát không bị dao động giữa sinh tử và Niết bàn, nên hành từ bằng các tự tại thọ sinh, hiện các thần thông du hý để giáo hoá, dựng thành một thế gian mà chúng sinh sống an lạc với trực tâm, thâm tân, không dối trá, không tạp hành.
Trên đây là thuyết minh tường tận các sắc thái và các phẩm chất của hành từ y trên ba đối tượng. Đoạn tiếp theo, Văn thù hỏi về ba vô lượng còn lại, nhưng chỉ được thuyết minh văn tắt.
Về ý nghĩa căn bản của bốn vô lượng, luận Câu-xá[32] nói, “Trước hết, tư duy về lạc mà mình cảm thọ được, hoặc lạc nơi Phật, Bồ tát, Thanh văn, Độc giác, hành giả ước nguyện hết thảy chúng sinh cũng cảm được lạc thọ như vậy. Đó là hành tâm từ vô lượng… Quán sát chúng sinh chìm đắm trong biển khổ, hành giả ước nguyện chúng được giải thoát khổ. Đó là hành bi vô lượng. Quán sát sự kiện các chúng sinh thoát khổ, được an lạc, hành giả khởi tâm tùy hỷ. Đó là hỷ vô lượng.[33] Tu xả vô lượng, hành giả quán sát các chúng sinh với tâm bình đẳng, không thiên lệch thân sơ.” Đây là tu tập bốn vô lượng theo phương diện tiêu cực.
Định nghĩa của luận Du già trước hết cũng theo ý nghĩa mang tính tiêu cực như vậy. Luận nói, “Đối với chúng sinh mong cầu an lạc, Bồ tát phát khởi tăng thượng ý lạc, duyên đến khắp cả mười phương, an trụ trên nhận thức không điển đảo về hữu tình (với ước nguyện cho chúng được an lạc). Đó là tâm câu hữu với từ…Đối với chúng sinh thọ khổ, Bồ tát khởi tăng thượng ý lạc ước nguyện trừ khổ, duyên khắp mười phương với tâm câu hữu với bi. Đối với chúng sinh đang hưởng thọ lạc, khởi tăng thượng ý lạc tùy hỷ, duyên khắp mười phương với tâm câu hữu với hỷ. Đối với chúng sinh không khổ, không lạc, cũng không đang thọ khổ hay thọ lạc, theo thứ tự lần lượt khởi tăng thượng ý lạc trừ các mê hoặc si, tham, sân, duyên khắp mười phương với tâm câu hữu với xả.”
Ở đây, trong định nghĩa của Duy-ma-cật, các vô lượng được nhận thức từ phương diện tích cực của chúng. Duy Ma-cật nói, Bồ tát hành bi là chia xẻ hết thảy công đức mà mình chứa nhóm được cho hết thảy chúng sinh. Công đức ấy có thể hiểu theo nghĩa vật chất và cả ý nghĩa tinh thần. Cho nên, nói bi tâm là ước nguyện bạt khổ, thì đây không chỉ là ước nguyện, mà chính là hành động dấn thân trong những công tác cứu tế.
Về tu hỷ, Duy-ma-cật nói, đối với những thành tựu lợi ích của chúng sinh, Bồ tát khởi tâm hoan hỷ, tùy hỷ mà không hề hối hận. Tức là luôn luôn tán trợ và khuyến khích những sự nghiệp từ thiện, đem lại ích lợi cho nhiều người. Nói là không hối hận, nghĩa là không hề do dự. Cuối cùng, tu xả, là thi hành phước nghiệp sự một cách bình đẳng với tâm vô cầu.
Đến đây thì một vấn đề quan trọng được đặt ra: Bồ tát hành bốn vô lượng, mang tình yêu đến với hết thảy chúng sinh, ngay trong thế giới đầy biến động kinh sợ, đầy dẫy những hận thù như vậy, làm thế nào để giữ vững được tâm tư không dao động? Duy-ma-cật nói, bấy giờ Bồ tát nương tựa trên Đại ngã của Phật. Những người tu Phật không tin vào sự tồn tại của một Thần Ngã siêu việt. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, được hành trì trong giới hạn phàm phu, bốn vô lượng chính là bốn Phạm trụ, tức là con đường dẫn đến cộng trụ với Phạm thiên, thể nhập bản tính của Phạm thiên. Đối tượng để hành bốn Vô lượng chỉ trong giới hạn chúng sinh duyên. Bồ tát sơ phát tâm, tu bốn vô lượng để làm kiên cố tâm bồ đề, cũng bắt đầu với đối tượng là chúng sinh, nhưng chuyển đối tượng hướng đến Phật như là sở y. Đối tượng và sở y đó là Pháp thân Phật, với Niết bàn mà Phật chứng đắc, được nhân cách hóa hay thần hóa thành Đại Ngã. Đó là nhân cách biểu hiện cho sức mạnh của đại từ và đại bi, là nguồn suối tâm linh vô tận luôn tắm mát cho Bồ tát, thêm sức cho Bồ tát, nghĩa là gia trì uy lực cho Bồ tát trong mọi chướng duyên khi hành đạo. Trong tận cùng sâu thẳm, ý nghĩa nơi nương tựa của Bồ tát có nguồn gốc là vô trụ. Vô trụ, là căn nguyên vô thuỷ của thiện và bất thiện. Vì căn bản vô trụ nên tất cả tùy thuộc nhân duyên. Nói cách khác, Bồ tát thâm hiểu lý duyên khởi, nhận thức rõ các pháp khi sinh, khi diệt đều lệ thuộc và quan hệ lẫn nhau. Nghĩa là, y trên quán chiếu tự tính của các pháp là Không mà vượt qua mọi sợ hãi.
KẾT
Ở dây, chúng ta tạm thời kết luận bằng trích dẫn đoạn kinh dưới đây.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
«Đâu là nguồn gốc của vô-trụ?»
Duy-ma-cật đáp:«Vô-trụ chẳng có gốc. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc vô-trụ này mà các pháp được kiến lập.»
Bấy giờ trong thất của Duy-ma-cật có một thiên nữ, thấy các trời, người đến nghe Pháp, liền hiện thân xuống rải hoa trời lên các Bồ tát và Đại đệ tử. Hoa rắc trên thân các Bồ tát tức thì rơi xuống đất, nhưng rắc trên thân các Đệ tử thì bám vào. Tất cả các vị Đệ tử dùng thần lực phủi hoa, nhưng hoa không đi.
T.S.
(trích TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC, PHẬT GIÁO THỪA THIÊN – HUẾ. Số 11 –  Pl. 2548)

_____________________________________
[1] Duy-ma-cật sở thuyết (La-thập), Phẩm Quán chúng sinh (Vimalakīrtinirdeśa, Devatāparivartaḥ ṣaṣṭhaḥ)
[2]  Nhiệt thời viêm 熱時炎. VCX: dương diệm thuỷ 陽焰水, bóng nước trong quáng nắng. Vimala: marīcikāyām udakam.
[3]  Không trung vân 空中雲. VCX:  hư không trung vân thành đài các 虛空中雲城臺閣, thành quách, đài các trong mây trong bầu trời; Skt. gandharava-nagara, thành phố gandharva, thành phố càn-thát-bà, chỉ thành phố nhìn thấy trong biển do phản chiếu của mây và hơi nước bốc từ biển.
[4]  DMC: thuỷ tụ mạt 水聚沫. (Skt. phenapiṇḍa). VCX: thuỷ tụ mạt sở hữu tiền tế 水聚沫所有前 際, tiền tế của đám bọt nước; VCS giải thích: «tiền tế vốn không hiện hữ, vì nguyên lai là không.» Nghĩa là, không thể xác định điểm xuất phát của bọt nước. Cf. Pali, Saṃyutta, iii. 142: Pheṇapiṇḍūpamaṃ rūpaṃ, vedanā bubbuḷūpamā, marīcikūpamā saññā, saṅkhārā kadalūpamā; māyūpamañca viññāṇaṃ, quán sắc đống bọt nứoc, thọ như bong bóng nước, tưởng như quáng nắng, hành như cây chuối, thức như huyễn thuât.
[5]  DMC: thủy thượng bào 水上泡; (Skt. udaka-budbuda) VCX: thủy phù bào hoặc khởi hoặc diệt 水浮泡或起或滅. bong bóng trên mặt nước chợt nổi chợt chìm. Cf. Trung A-hàm 12 (Đại 1, tr. 503b).
[6]  Điện cửu trú 電久住. VCX không có thí dụ này.
[7]  VCX: tu đại từ (Skt. mahāmaitrī-bhāvanā).
[8] Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 587, T7n220, tr. 1036c29.
[9] Phật mẫu xuất sinh Tam pháp tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, quyển 20, Taisho T8n228, tr. 655b04 佛說佛母出生三法藏般若波羅蜜多經
[10] Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 550, T7n220, tr. 834b12
[11] Phẩm 5, “Văn thù thăm bịnh”.
[12] Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ, T1n26, tr.563b13.
[13] Cf. Đại tập pháp môn kinh, T1n12, tr. 228a21 ba trụ: Thiên trụ, Phạm trụ, Thánh trụ. 天住梵住聖住Trường A-hàm 8, kinh Chúng tập,T1n1, tr. 50b14. gọi là ba đường: Hiền thánh đường, Thiên đường, Phạm đường. 賢聖堂.天堂.梵堂。Cf. Tập dị môn luận 6, T26n1536, tr. 389a16, ba trụ: “Thiện trụ, Phạm trụ, Thánh trụ. .. Thế nào là Phạm trụ? Đó là bốn vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Như Thế Tôn nói cho Bà-la-môn Phệ-na-bổ-lê, Ta có khi hành một trong bốn vô lượng, với mục đích Phạm trụ..” Cf. Pali, Saṅgīti-sutta, D. iii. 219: tayo vihārā– dibbo vihāro, brahmāvihāro, ariyo vihāro. Giải thích ý nghĩa của Brahmavihāra (Phạm trụ), Visuddhimagga, ix. 106 (i. 321): Yathā  ca  brahmāno  niddosacittā  viharanti, evaṃ  etehi  sampayuttā yogino brahmasamā hutvā viharantīti seṭṭhaṭṭhena niddosabhāvena ca brahmavihārāti vuccanti. Cũng như các Phạm thiên sống với tâm không oán kết, cũng vậy ở đây hành giả an trụ tương ưng bình đẳng với Phạm thiên được nói là an trụ với Phạm thiên (Phạm trụ) với tâm tối thượng không oán kết.
[14] Tăng nhất A-hàm 21, T2n125, tr.658c18, gọi bốn vô lượng này là “bốn đẳng tâm” 四等心 và bốn Phạm trụ là “phạm đường. 梵堂” Nguyên tiếng Phạn vihāra có nghĩa là trụ, hay đời sống, và cũng chỉ cho tinh xá hay tăng viện.
[15] Trường A-hàm 16, kinh Tam minh,  T1n1, tr. 104c16. Cf. Pali, Tevijjā-sutta, D. i. 236ff.
[16] Skt. Brahmakāyika.
[17] Skt. Brahmapurohita.
[18] Skt. Mahābrahman.
[19] Câu-xá 29. Tham chiếu, Pali, Visuddhimagga, ix. 111-112 (bản Anh, Nānamoli): ba phạm trụ đầu, y trên ba thiền đầu trong hệ bốn thiền, hay bốn thiền đầu trong hệ năm thiền. Xả vô lượng, duy nhất y trên thiền cuối cùng. Hoăc y trên cả năm thiền, dẫn kinh Saṃkhitta-suttaṃ, Anguttara iv. 300: cả bốn vô lượng y trên định có tầm có tứ (savitakkampi vicāraṃ pi: Sơ thiền), y trên định không tầm chỉ có tứ (avitakkam savicāram: trung gian thiền), định không tầm không tứ  (avitakkam avicāram: Nhị thiền), định câu hữu với hỷ (sappītikam pi: Nhị thiền), định không hỷ (nippītikampi: Tam thiền), định câu hữu với niệm (sātasahagatampi: Tứ thiền), định câu hữu với xả (upkkhāsahagatampi: Tứ thiền).
[20] Thuận chính lý 79. Tham chiếu Pali, ibid., 119: từ tâm giải thoát (mettaṃ cetovimuttiṃ), cao nhất là Tịnh thiên (Subhaparama); bi tâm giải thoát (karuṇaṃ cetovimuttaṃ), cao nhất là Không vô biên xứ (Ākāsāṇañcāyatanaparama); hỷ tâm giải thoát (muditaṃ cetovimuttiṃ), cao nhất là Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanaparama); xả tâm giải thoát (upekkhaṃ cetovimuttiṃ), cao nhất là Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatanaparama).
[21] Câu-xá 29, T29n1558, tr. 150b23. Giải thích của Thuận chính lý 79, T29n1562_p0769a03: sân (thù nghịch, vyāpāda) là một tâm sở. Muốn sát hại hữu tình, gây đau đớn cho chúng là tâm sở hại (vihiṃsa). Đắm trước cảnh giới, không muốn, không hài lòng với các phẩm thiện, gọi là không hân uỷ (arati). Trong các đối tượng dục lạc mà khởi tâm tham nhiễm, tình không biết chán, gọi là dục tham (kāmarāga). Cf. Visuddhimagga, ix. 93-96 (bản Anh,. Nānamoli): từ đối trị sân (vyāpādūpasamo), bi đối trị hại (vihiṃsūpasamo), hỷ đối trị bất mãn (arativūpasamo), xả đối trị hiềm hận và tùy tham (paṭighānunayavūpasamo).
[22] Cf. Saṃkhitta-suttaṃ, Anguttara iv. 300: mettā me cetovimutti  bhāvitā  bhavissati  bahulīkatā  yānīkatā  vatthukatā  anuṭṭhitā  paricitā susamāraddhā’ti.
[23] Câu-xá 29, T29n1558, tr. 150c21. Cf.  Thành thật luận 12: “Tu từ tâm tuy không đoạn được kết sử phiền não, nhưng trước hết bằng từ tâm mà tích luỹ phước đức, trí tuệ, nhờ đó đạt được huệ của Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử. Vì vậy, Kinh nói, tu tâm để chứng đắc A-na-hàm.”
[24] Skt. āśaya, ý hướng, hay xu hướng. Vì rất khó tìm thấy từ nghĩa tương đương, nên Huyền Trang đành phiên âm. La-thập thường dịch là thâm tâm.
[25] Đại thừa trang nghiêm kinh luận 9, T31n1604, tr. 635c20. Cf. Sūtrālaṅkāra, xvii, k.17, brāhmyā vipakṣahīnā jñānena gatāś ca nirvikalpena/ trividhālambanavṛttāḥ sattvānāṃ pācakā dhīre//
[26] Pali định cú: mettāsahagatena  cetasā  ekaṃ  disaṃ pharitvā  viharati.
[27] Thắng giải tác ý, skt. adhimukti-manasikāra, phán đoán chủ quan. Trái với chân thật tác ý, Skt. tattva-manasikāra, phán đoán y trên sự thực.
[28] Thuận chính lý 79.
[29] Quyển 44, T30n1579, tr. 535c25.
[30] anutpattidharmakśānti, chứng nghiệm  tự tính không sinh khởi của các pháp. Bồ tát từ địa thứ sáu, thành tựu Bát-nhã ba-la-mật, thâm đạt tính Không, nhận thức các pháp bản lai không sinh, không diệt. Nhận thức này được gọi là thuận nhẫn. Từ địa thứ bảy đến thứ chín, thuận nhẫn chuyển thành vô sinh pháp nhẫn.
[31] Śūtrālaṅkāra, xvii. k. 19: tasyāś ca tathatārthatvāt kṣāntilābhād viśuddhitaḥ/ karmadvayād anālambā maitrī kleśakṣayād api//  vô duyên từ, vì quán chiếu chân như, vì đắc (vô sinh pháp) nhẫn, vì hai nghiệp đã tịnh và vì phiền nào đoạn tận.
[32] Quyển 29, .
[33] Cf. Visuddhimagga, ix. 108 (bản Anh): đó là bốn  ước nguyện đem lại lợi ích an lạc, giải thoát khổ, tùy hỷ theo sự thành tựu của chúng sinh, và vô cầu.  Yasmā  ca hitūpasaṃhāra-ahitāpanayana-sampattimodana-anābhogavasena   catubbidhoyeva  sattesu  manasikāro.

Uyên Nguyên: Tin giả có khi là tin thật nhưng cho mục đích giả tâm, hay đọc lại “Xảo thuật tình báo và truyền thông” của Trần Lý


Đức Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang
những ngày bị quản thúc tại Bình Định (Ảnh tư liệu Vạn Tường)
Khoan nói điều chi to tát, chỉ rút ra bài học của bản thân thời gian tổ chức Nhóm Hoa Đàm từ giữa thập niên ‘90, tôi ý thức vai trò truyền thông nói chung và truyền thông Phật giáo nói riêng, chí ít chỉ cho cộng đồng Phật giáo và Gia đình Phật tử mà thôi. Nhưng suy cho cùng, khi khoanh vùng một cộng đồng Phật giáo như thế, có tách biệt ra sự vận hành chung của xã hội Việt Nam, hay của cộng đồng Người Việt tỵ nạn hải ngoại hay không?
Nhìn lại chúng ta đã thất bại vì lẽ gì? nếu không phải bắt nguồn từ chính sách tuyên truyền bá đạo. Nghĩa là những thông tin liên lạc của mình dựa trên một nền tảng bất chính. Nó tạo ra hàng loạt sự khủng hoảng trong nội bộ tổ chức mà nguy hiểm nhất, dẫn dắt nhận thức lịch sử sai lệch cả trong quá khứ và hiện tại cho những mục tiêu chính trị thế tục. Tất nhiên, nó định hướng cho một hoặc nhiều thế hệ dấn liều vào những cuộc tranh chấp một cách thiếu tỉnh giác. Điều đó nhìn lại hoàn cảnh của chúng ta trong khoảng hai thập niên đổ lại, thì tự khắc giật mình!
Giật mình nhưng đã tỉnh chưa? Tôi thật sự chưa thấy có cơ sở, hoặc dấu hiệu nào để kết luận, khi mà những loại thư rác, tin giả, thậm chí là những thông tin có định hướng nhầm dẫn dắt quần chúng vẫn còn tiếp diễn.
“Fake News”, là hiện tượng nổi cộm trong xã hội Mỹ gần đây dưới thời tổng thống Donald Trump, nhưng thực sự nó là thực trạng đã có từ rất lâu trong sinh hoạt xã hội loài người và chỉ riêng cộng đồng Phật Giáo, đã phải chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.
Tôi không có thói quen thư từ riêng cho Thầy, trước hết là vì tôn trọng thời gian pháp sự của Thầy, và nhất là sự thanh tịnh cho Thầy, một phần nữa tôi từng nghe Thầy tâm sự: “… bây giờ mà muốn biết gì, muốn nói gì thì quý thầy, quý anh chị bên đó có dịp về đây, ngồi cạnh nhau thì Thầy còn nói được, chứ Thầy không thể vói qua bên đó mà nói…” Điều đó nói lên tính chất độc lập, minh nhiên của Thầy với bất cứ mọi hoạt động của những tổ chức Giáo Hội, hội đoàn GĐPT nào mà lắm lúc tôi nghe người ta khoác lên cho thầy nhiều vai vị vốn không thật. Nhưng bản hoài độ sanh, độ lượng Thầy ít khi đính chính, cái đó là một ưu điểm của Thầy, nhưng cũng là khuyết điểm. Nhưng ưu hay khuyết đó là với cái nhìn phàm tục ưa thích tra vấn của mình, chứ với bậc Thầy có thể làm được bất cứ những gì mình nói và nghĩ, chỉ khác bao kẻ thấp thường chúng ta là đã vượt qua những chặng đường biện chứng hiện sinh, không đóng lên bộ mặt để người khác tôn thờ như một thần tượng, hay giữ thái độ để người khác mong cầu và chiêm ngưỡng chí thành vì đã làm bằng cái làm đích thực ở trên cái toàn thể. Hiểu được điều này, đồng thời hiểu tại sao Thầy IM LẶNG, như Đức Phật đã từng im lặng trước sự tra vấn, khắc khoải muôn đời của con người về hiện hữu nội thân và ngoại giới của Mang Đồng Tử (Malunkyaputta).
Trở lại vấn đề truyền thông, thuở trước một chút và sau một chút giai đoạn Giáo Hội khởi hoạt, bấy giờ PTTPGQT cũng hoạt động, mà lúc đó thì chưa bén rễ ở Hoa Kỳ, nên văn thư của Giáo Hội nhiều khi ôn Không Tánh gởi ra cho một nhóm anh em thanh niên, trong đó Phật giáo có, Thiên chúa Giáo có và Hòa Hảo nữa v.v…  thường hay tụ tập ở một nhà in góc đường Bolsa và Beach. Ở đây anh em nhiệt tình với Đạo, với hiện tình Quê Hương, nức lòng theo những biến chuyển phục hoạt của Giáo Hội Mẹ, nên thường nhanh nhảu phổ biến tin tức đến các giới truyền thông cộng đồng. Lần đó phổ biến văn thư của Hòa Thượng Huyền Quang, cũng chỉ một văn bản, nhưng so lại với văn bản của PTTPGQT gởi ra một hai ngày sau, lại có vài điểm khác biệt. Cộng đồng kháo nhau là văn thư thiệt, văn thư giả. Cái này giả cái nào thiệt, không thể nói được! Vì trên danh nghĩa cái nào cũng là của Giáo Hội, của Ôn Huyền Quang ấn ký. Nội bộ thì anh Võ Văn Ái đòi từ chức!
Vậy thì mấu chốt ở chỗ nào? Do cơ chế có chỗ vốn đã không tình hợp hợp lý, mà nhân sự phụ trách truyền thông cho Giáo Hội trong lẫn ngoài nước bất nhất. Ôn Không Tánh gởi ra ngoài theo cách không chính thức là chính bản, còn PTTPGQT phổ biến chính thức là văn bản anh đã sửa. Tất nhiên cuối cùng thì vẫn xem văn bản từ PTTPGQT là hợp lệ. Và anh Ái nghiễm nhiên tại vị, với yêu sách từ đó về sau văn kiện của Giáo Hội phải qua PTTPGQT trước khi phổ biến ra cộng đồng.
Cũng từ kinh nghiệm này, cảm thông với nỗi lòng của Thầy Viên Lý: “mình đang thở bằng mũi và nói bằng miệng của người khác”, ý Thầy là việc nhà của mình mà buộc phải phải mượn các tổ chức bên ngoài nói dùm tiếng nói của Phật giáo, của Giáo Hội, nên tôi và Quảng Hoàng đã hỗ trợ thầy xây dựng ngay trang nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tội nghiệp hồi đó chưa có chùa Điều Ngự, Thầy còn ở chùa Diệu Pháp mà phải lái xe từ xa về ngủ đêm tại văn phòng Tekwaves trên đường Harbor của Quảng Hoàng để làm nhanh trang nhà nói trên.
Như vậy, sự bất cập và bất nhất nói trên trong việc truyền thông của Giáo Hội cũng dẫn đến tình trạng, ngay cả vị Tổng Thư Ký của Viện Hóa Đạo, là Thầy Tuệ Sỹ cũng không nhận văn thư của Giáo Hội trước vị giám đốc PTTQT, điều này là những nguyên nhân chính để Thầy Tuệ Sỹ khó làm việc, đành xin từ chức hay hoán chuyển nhiệm vụ, mặc nhiên không hề có chuyện xích mích cá nhân nhỏ nhen gì ở đây nhưng thời điểm đó, sự đồn đãi không biết có định hướng hay vô tình lại khác với bản chất sự việc xảy ra.
Từ 2006, tôi đã nghe Thầy kể, nhưng nghe thì để đó chứ không lạm bạn. Nhưng điều đó mãi sau này tôi đem ra hỏi Thầy Viên Lý, người tiếp nối vai trò Thư Ký, rồi làm Chủ Tịch VII/VHĐ cho đến khi Giáo chỉ 10 “cách chức” Thầy để thay bằng Thầy Trí Lãng.
Buổi sáng Giáo chỉ 10 ban hành, buổi chiều hai giờ trưa cùng ngày tôi có mặt ở chùa Điều Ngự, Thầy cho tôi cái hẹn mà do bấy giờ Thiện Giao, chủ bút báo Người Việt sai tôi đi làm bản tin về sự kiện “nóng” này. Trong buổi nói chuyện, còn có anh Việt Dzũng, thầy trò ngồi với nhau trong tình nhà hơn là chuyện báo chí. Song tôi vẫn mang về một bản tin cho báo, bàn với Thiện Giao viết thật khéo, không mất lòng ai và nhất không tạo thêm sự ồn ào cho Giáo hội. Bản tin đi liền buổi tối trên online và báo giấy phát hành ngày hôm sau.
Buổi đó tôi có hỏi Thầy, “hồi đó con có từng nghe ôn Tuệ Sỹ kể là nhiều văn kiện của Giáo Hội thì PTTPGQT có trước mà Viện Hóa Đạo, tức Thầy thì có sau, làm việc như vậy thì rất khó…”. Lúc này đã Hòa Thượng, Thầy Viên Lý trả lời: “Ừ thì đúng vậy, anh Ái có đường dây riêng với Thầy Quảng Độ, nhiều cái mình cũng không được biết trước…”
Rồi với giọng trầm hẳn còn nguyên cảm xúc buồn mà có lúc tôi tưởng thầy sắp khóc khi trả lời một số thắc mắc của tôi và anh Việt Dzũng, chung quanh thịnh suy của GHPGVNTN trong và ngoài nước. Có dịp tôi sẽ kể chi tiết hơn cái duyên gặp gỡ ngày ấy của Thầy trò, còn rõ như in.
Và cũng từ những kinh nghiệm này, khi nhắc đến vấn đề truyền thông cộng đồng, trong đó vai trò làm truyền thông của giới cư sĩ, lẫn Tăng sĩ Phật giáo rất quan trọng, nếu áp dụng vào thực tiễn bằng Bát Chánh Đạo, tức giảm thiểu được nhiều những đau thương gieo rắc cho người tiếp nhận các nguồn thông tin đó. Cộng đồng đã vậy, riêng nội bộ các tổ chức Phật Giáo từ Giáo Hội đến Gia Đình Phật tử cũng vậy.
Rút lại, tin giả (Fake News) có khi không phải là tin giả, mà là thật, thật nhưng để hướng đến một mục đích giả tâm.
Vì vậy sau bao nhiêu năm, bài học đắt giá của cộng đồng Phật Giáo, của Giáo Hội mà chúng ta vướng phải, nếu không thấm thía rằng mọi sự khởi nguồn từ tâm ý bất chính, nhưng phương tiện để đạt được mục đích là dùng truyền thông tuyên truyền dẫn dắt quần chúng, thì là gì?
Tôi cho đăng tiếp một tư liệu nữa, để minh chứng cho tác dụng, sự lợi hại, cũng là tác hại của truyền thông, mà thời nào, chính quyền chế độ nào, tổ chức đoàn thể nào v.v… một phần lớn cũng phải vì nó tồn tại, phát triển, nhưng cũng vì nó suy vong. Qua tư liệu này, tôi mong quý Ôn và Thầy, nhìn nhận nhau mình chung một nỗi đau, vì vẫn chung một tăng thân GHPGVNTN, và khi mà thông điệp của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống trùng tuyên còn đồng vọng:
“… mỗi thành viên trong Tăng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, đều có thể là sơ duyên hoặc thân duyên cho tình trạng bản thể thanh tịnh của Tăng bị hoen ố bởi khách trần phiền não, bản thể thanh tịnh bị phá hoại bởi dị giới, dị kiến, dị oai nghi. Quy lỗi cho các đồng phạm hạnh khác và tự khẳng định không lỗi, dù đúng hay sai, thảy đều là nhân duyên cho Tăng-già không hòa hiệp (…)
Tăng-già đệ tử Thế Tôn trong tự tánh chân thật thanh tịnh dù được thấy như là hiện tượng bị phân hóa, với những tranh chấp nội bộ nghiêm trọng theo giá trị thế tục; thế nhưng, phiền não vốn chỉ là khách trần, chỉ như bụi đường bám theo gót chân sang quý. Tự tánh thanh tịnh vẫn luôn sáng ngời trong tự tâm của mỗi chúng sanh.”
Để những ngày tới hanh thông tốt đẹp hơn, phải chăng cần xóa lấp những tin giả, thư giả, lời giả và tâm giả từ lần đầu tiên đã gây ra biết bao đổ vỡ qua hình thức mượn Đạo tạo truyền thông đại chúng, nhưng với tâm địa đầy giả vọng?
Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 
những ngày bị lưu đày ra Thái Bình (Ảnh tư liệu Vạn Tường)

XẢO THUẬT TÌNH BÁO VÀ TRUYỀN THÔNGCỦA PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ

Trần Lý

Chính phủ và các cơ quan an ninh quốc gia, các đảng phái chính trị, thành lập và tổ chức về tình báo để lấy tin, thông tin, biết người biết ta, bảo vệ mình, phá hoại người, là chuyện bình thường, ắt có.
Một tổ chức tôn giáo, hoặc cơ quan thông tin, phát ngôn nhân danh tôn giáo, mà thiết lập bộ phận tình báo, hoặc hoạt động tôn giáo với xảo thuật phản gián của tình báo, mới là điều khó chấp nhận. Nếu chấp nhận, cũng đồng nghĩa xem tổ chức tôn giáo ấy là một tổ chức chính trị.
Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) không phải là một tổ chức chính trị, nhưng cơ quan thông tin chính thức của Giáo Hội này là Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (PTTPGQT) lại có những hành xử giảo hoạt, ranh ma, giống như xảo thuật phản gián, điệp vụ của ngành tình báo. Những xảo thuật này, được sử dụng mỗi khi PTTPGQT lâm vào thế bí, hoặc để sửa chữa những sơ xuất, có khi là cách để tránh né sự thật, và cũng có khi là sự hăm dọa nhắm vào chính những người lãnh đạo tổ chức của mình.
Bài viết này hoàn toàn dựa trên những dữ kiện và văn kiện có thật đã xuất hiện trên các websites, diễn đàn, email nhóm hoặc cá nhân, do chính PTTPGQT phổ biến hoặc trích lại từ những nguồn khác. Những trình bày ở đây không phải là những kết luận, nhưng nếu không có sự phản biện và giải thích hợp lý nào từ phía PTTPGQT, chúng có thể được xem là sự thực của những vỡ tuồng gian xảo mà những người Phật Tử chân chất, nhất là những bậc tu hành lâu năm trong chốn thiền môn, dù có nhiều kinh nghiệm dấn thân phục vụ Giáo Hội, cũng không sao ngờ và hiểu được.
SỰ KIỆN “CHÚC THƯ GIẢ” CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG
Không ai quên được là thời gian Đức Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN mới viên tịch, trên các diễn đàn và nhóm email xuất hiện một vài chúc thư giả trước khi GHPGVNTN, thông qua PTTPGQT, phổ biến chúc thư gọi là “thật”.
Các chúc thư giả bị PTTPGQT cáo giác là do “cơ quan phản gián Bộ Công An, tiếm danh Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế” tạo nên “nhằm dối gạt và gây hoang mang dư luận” (nguyên văn của PTTPGQT trong Thông cáo Báo chí ngày 20-8-2008).
Cái lợi của cộng sản trong việc tung ra những chúc thư giả như vậy không biết có lớn lao và mang lại kết quả cụ thể nào cho họ không. Nếu chỉ “nhằm dối gạt và gây hoang mang dư luận” không thôi thì “điệp vụ” này thật là nhỏ, chẳng có gì quan trọng. Lớn chăng là chúc thư giả có gây chia rẽ nhân sự của một Giáo Hội cương quyết chống lại cộng sản hay không mà thôi. Đối với âm mưu này, nếu Giáo Hội biết thì nhanh chóng trấn an dư luận bằng chúc thư thật, không có gì phải nao núng, hoang mang.
Nhưng Giáo Hội, thông qua PTTPGQT, đã thất bại trước sự kiện chúc thư giả (nếu thực sự chúc thư giả là do “cơ quan phản gián Bộ Công An” tạo ra):
  1. Không chứng minh được chúc thư thật là thật (vì cả giả lẫn thật đều có văn bản và chữ ký Đức Tăng Thống tách rời, hình thức giống nhau không hơn không kém).
  2. Đã cho rằng các chúc thư kia là giả, do cơ quan phản gián cộng sản tạo ra, nhưng lại tin vào nội dung của chúng là nhằm đưa TT. Thích Tuệ Sỹ lên làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, rồi dựa vào đó kết án đây là mưu đồ của “TT. Thích Tuệ Sỹ”, của “Nhóm Thân Hữu Già Lam” và của “nhóm Về Nguồn ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu” (TCBC ngày 20-8-2008). Mượn sự xuất hiện của chúc thư giả, ông Võ Văn Ái còn nói rằng “mục tiêu Bộ Công an vận động ráo riết cho Thượng tọa sớm đoạt chức này” (chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN).
Như vậy, cách làm của PTTPGQT không những không giải tỏa được sự “dối gạt” và sự “hoang mang dư luận” của phản gián cộng sản mà còn cho thấy PTTPGQT “gây hoang mang dư luận” gấp mười lần hơn những gì chúc thư giả muốn có.
Cân đong tác dụng của chúc thư giả, xem ai được lợi ích nhiều nhất? Cộng sản được bao nhiêu lợi? – “Gây hoang mang dư luận” trong một thời gian ngắn trước khi có công bố chính thức của GHPGVNTN. Lợi này không đáng kể. Có chăng là lợi cho những người ghét và đố kỵ, muốn loại trừ và dập tắt ảnh hưởng của TT. Thích Tuệ Sỹ. Người đó là ai nếu không phải là ông Võ Văn Ái và nhóm thiểu số của Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo (VP2 VHĐ) đã được chứng minh qua nhiều văn kiện và bài viết chính thức của Giáo Hội đăng trên website của PTTPGQT?
Chúc thư giả có khả năng đưa đến kết quả là TT. Thích Tuệ Sỹ lên làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo hay không? – Không. Vì chúc thư “gọi là thật” trước sau gì cũng được chính thức công bố bởi Giáo Hội. Chúc thư giả gửi từ email cá nhân, phổ biến rải rác trên vài diễn đàn internet, ai mà tin! Hơn nữa, theo Hiến Chương GHPGVNTN mà xét, Đức Tăng Thống không có thẩm quyền sắp xếp nhân sự của Viện Hóa Đạo mà chỉ có quyền hạn chuẩn y danh sách công cử do Viện Hóa Đạo trình lên mà thôi. Vậy cái chuyện “đề nghị” hoặc “ủy nhiệm”, hoặc “ủy thác” chư tôn đức giáo phẩm nhận chức vụ nào đó trong những “chúc thư giả” là chuyện không thể xảy ra, không thể áp dụng. Tất cả các thành viên GHPGVNTN trong và ngoài nước đều nắm vững vấn đề này, cho nên, nếu có ai “mưu đồ” như cáo giác của ông Võ Văn Ái, cũng không thể mượn “chúc thư giả” để hy vọng được làm Viện Trưởng VHĐ.
Còn việc ông Võ Văn Ái nói là “mục tiêu của Bộ Công an vận động ráo riết cho Thượng tọa sớm đoạt chức này”, nếu có thật, công an cộng sản cũng không dại gì tạo ra chúc thư giả, bởi vì chúc thư giả rõ ràng là hại TT. Thích Tuệ Sỹ. Còn những ai ủng hộ TT. Thích Tuệ Sỹ, như Nhóm Thân Hữu Già Lam mà ông Võ Văn Ái cáo giác chẳng hạn, sẽ không bao giờ làm ra cái chuyện đã không mang kết quả mà còn gây hại uy tín của Thượng tọa như vậy.
Tựu chung, nếu cho rằng cộng sản tung ra chúc thư giả thì phải hiểu rằng cộng sản và VP2 VHĐ cùng có chung ý đồ dập tắt ảnh hưởng của TT. Thích Tuệ Sỹ. Còn nếu cho rằng cộng sản ủng hộ TT. Thích Tuệ Sỹ thì chúc thư giả ấy không thể do họ, mà do PTTPGQT cố tình tung ra để có lý do kết án, làm giảm uy tín của TT. Thích Tuệ Sỹ đấy thôi.
Thế rồi, PTTPGQT đã đưa lên mạng riêng phần thủ bút ghi ngày tháng và ấn ký của Đức Đệ tứ Tăng thống để chứng minh các chúc thư kia là giả. Việc công bố hai dòng thủ bút (ngày tháng và nơi chốn) cùng ấn ký của Đức Đệ tứ Tăng thống rốt cuộc chỉ chứng minh được là VP2 VHĐ có giữ bản sao (phó bản – electronic photocopy) bằng điện tử (chưa phải là bản chính trên giấy trắng mực đen – hard copy) phần ký tên của Đức Tăng thống chứ chưa chứng minh được là có một chúc thư thật nào cả. Phần ấn ký và phần nội dung chúc thư, cho đến ngày nay, cuối tháng 11-2008, vẫn còn cái bên đông cái bên tây, chưa ráp lại với nhau thành một văn kiện duy nhất. Chữ ký và con dấu của Đức Tăng thống, ai cũng có, không riêng gì VP2 VHĐ, không riêng gì công an cộng sản, vì chính PTTPGQT đã cung cấp lên mạng, gọi là để chứng minh cái thật, nhưng thực ra là để mọi người cùng “sở hữu bình đẳng” như nhau, có lý do để nhiều chúc thư, văn kiện giả được tung ra về sau, Giáo Hội không sao kiểm soát nổi.
Chúc thư của Đức Đệ tứ Tăng thống, được biết là đã trao tận tay HT. thích Quảng Độ, không ai biết trước được nội dung, ngày tháng ấn ký. Từ điểm này, có thể nêu những nghi vấn sau: 1) làm sao cơ quan phản gián của Bộ Công An có được chữ ký, thủ bút, con dấu của Đức Đệ tứ Tăng thống để đưa ra chúc thư giả gần một tháng trước khi VP2 VHĐ công bố chúc thư “gọi là thật”? 2) không những có chữ ký con dấu, cơ quan phản gián của Bộ Công An còn có một văn kiện tương tự chúc thư “gọi là thật” trước khi VP2 VHĐ công bố ngày 17-8-2008, vậy ai cung cấp cho cơ quan phản gián? HT. Thích Quảng Độ hay ông Võ Văn Ái? 3) ngoài HT. Thích Quảng Độ và ông Võ Văn Ái ra, không ai có thể có được chữ ký và con dấu cũng như nội dung chúc thư trước khi công bố (ngày 17.8.2008), vậy thì ai là người tung ra chúc thư giả? – Chắc chắn không phải  Hòa thượng Thích Quảng Độ. Vậy thì có thể biết nguồn gốc từ đâu rồi.
Giả, trong trường hợp chúc thư nói trên, chỉ có người nào có thủ bút và ấn ký của Đức Tăng Thống trong tay, và với tâm địa gian xảo, lươn lẹo, cùng với ác tâm, đố kỵ, mới có thể làm được. Người này đã dùng “chúc thư giả” như một mũi tên, bắn một lượt ba chim: 1) cộng sản – những kẻ “dối gạt và gây hoang mang dư luận”; 2) TT. Thích Tuệ Sỹ, nhóm Thân Hữu Già Lam và nhóm Về Nguồn – là những kẻ bị xem như là đà cản nấc thang danh vọng và bá đạo của ông Võ Văn Ái; 3) HT. Viện trưởng VHĐ – nên liệu mà bám theo ông Võ Văn Ái để bảo đảm ngôi vị, chứ không sẽ có ngày mất trong tay kẻ khác.
Đây là xảo thuật của tình báo, của phản gián, là việc làm của kẻ ác, chứ không phải của người hiền lương, không phải là hành động của tôn giáo, nhất là Phật giáo.
“LỜI CAM KẾT GIẢ” CỦA HT. THÍCH QUẢNG ĐỘ
Qua kinh nghiệm của vụ “chúc thư giả,” tác giả của chúng tất biết cái lợi của một ná bắn hai ba chim. Khi cần thiết, cứ việc mang “bổn cũ ra soạn lại”. Tuần lễ trước, tuần lễ mà PTTPGQT vừa phổ biến Thông bạch số 33/HĐLV/TB/XLTV, đúng là “khi cần thiết” ấy.
Hãy nhìn lại bối cảnh từ đó một văn kiện “giả” được tung ra.
  • Ngày 25-9-2007, Thông bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo chỉ số 9 do HT. Thích Quảng Độ ban hành không thành công, ngược lại Giáo Hội còn bị cô lập, mất hết hậu thuẫn của Tăng Ni và Phật Tử hải ngoại.
  • Ngày 24-8-2008, vừa chính thức nhậm chức Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống xong, HT. Thích Quảng Độ liền ban hành Thông bạch số 31, không thừa nhận các Giáo Hội tại hải ngoại không khâm tuân Giáo chỉ số 9. Thông bạch 31 này cũng bị phủ nhận và vô hiệu hóa từ 4 Giáo Hội PGVNTN tại hải ngoại qua Tuyên Bố Chung ngày 09-9-2008.
  • Ngày 15-11-2008, HT. Thích Quảng Độ lại ra Thông bạch số 33, tức Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN, “phản đối việc sử dụng danh xưng GH PGVN TN khi không tuân thủ nội dung Hiến Chương GH PGVN TN” (điểm 9, Thông bạch số 33). Thông bạch 33 này lại bị tác giả Thích Siêu Phương viết một bài phản bác rất gay gắt, tựa đề “Nhận định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN”, phổ biến ngày 19-11-2008. Bài phân tích của tác giả Thích Siêu Phương không những không chấp nhận sự cáo buộc tiếm danh của VP1 và VP2 gán cho các GHPGVNTN hải ngoại, mà còn vạch cho thấy chính VP1 và VP2 VHĐ đã “không tuân thủ Hiến Chương”, và đồng thời “tiếm danh GHPGVNTN”.
Có thể nói là bài viết của tác giả Thích Siêu Phương đã đặt VP1 và VP2 vào thế bí, không thể biện luận, phản bác. Trong thế cùng đường này, PTTPGQT chỉ còn một giải pháp tự vệ duy nhất: chụp mũ cộng sản lên tác giả Thích Siêu Phương! Chụp mũ như thế nào để mọi người tin? Chụp mũ bình thường thì thiên hạ cho là rẻ tiền, sẽ không thèm lưu ý, không thèm đọc. Cho nên lại phải dùng “độc chiêu” tài liệu giả, gây ấn tượng rất mạnh, nhất là có liên quan đến lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, vốn được nhiều người ngưỡng mộ, quí kính (dù nay đã giảm đi rất nhiều).
Đây, xảo thuật diễn tiến như vầy:
  • Ngày 21-11-2008, 3:44 PM (giờ Việt Nam, nếu thực sự email này được gửi đi từ trong nước), một email mạo danh HT. Thích Không Tánh, viết ngắn gọn mấy chữ “Gửi Văn Phòng II và anh Ái – Bây giờ tính sao đây để trả lời cho công chúng. Thích Không Tánh” và gửi 2 văn kiện đính kèm (attachments): 1) “Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ viết lúc được trả tự do, và 2) bài “Nhận định về Quyết nghị 9 điểm của GHPGVNTN” của Thích Siêu Phương.
  • Cùng ngày 21-11-2008, 8:33 AM (giờ Pháp quốc, nếu thực sự ông Võ Văn Ái lúc ấy đang ở Pháp), ông Võ Văn Ái trả lời HT. Thích Không Tánh, mà thực sự là mượn cớ để trả lời chung cho công chúng qua nhóm email của Yahoo (Yahoo Groups), với mấy điểm chính sau đây: 1) phủ nhận “Lời Cam Kết” ký tên Đặng Phúc Tuệ (thế danh của HT. Thích Quảng Độ) là do chính Hòa thượng viết. 2) tố giác việc giả mạo văn kiện này là do “cơ quan A16 thuộc Bộ Công an, tương đương với X15 Cục 2 Phản gián thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách biên soạn tài liệu, kể cả tài liệu phản gián GIẢ (thông tin GIẢ, tư liệu GIẢ, hình ảnh GIẢ) nhằm bôi nhọ và ly gián nội bộ đối phương” (trích email của ông VVA). 3) nối kết “2 tư liệu gửi kèm hôm nay”, cho là của Bộ Công an gửi chung thì tất nhiên kẻ giả mạo “Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ và tác giả bài “Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN” (Thích Siêu Phương) đều là công an cộng sản cả.
  • Ngày 25-11-2008, PTTPGQT ra TCBC, tiêu đề “Cảnh báo ‘Lời Cam Kết’ giả do công an cộng sản gán cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ”, với mấy lý do chính, tương tự như đối với chúc thư giả, sau đây: 1) tố giác cơ quan phản gián của Bộ Công An cộng sản. 2) Gián tiếp hăm dọa HT. Thích Quảng Độ – liệu mà bám sát Võ Văn Ái, kẻo bị “thân bại danh liệt” bất cứ lúc nào. 3) liên kết những tác giả và những người mình không thích vào chung một phía với công an phản gián để làm giảm uy tín những người này.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, nạn nhân của chiến dịch “fake news” (Ảnh tư liệu Vạn Tường)
Lời bàn:
  • Trong email gửi nhiều người thông qua nhóm email của HT. Thích Không Tánh, ông Võ Văn Ái nói tác giả bài “Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN” là “của cái ông Công an giả dạng Thầy Tu”. Xin hỏi: có phải chỉ vì bài viết của ông Thích Siêu Phương được ai đó gửi chung với “Lời Cam Kết” (được coi là giả) của HT. Thích Quảng Độ nên có thể kết luận rằng Thích Siêu Phương là “Công an giả dạng Thầy Tu” không? Mai sau có người lấy bài của ông Võ Văn Ái gửi chung với diễn văn của Nông Đức Mạnh, có thể kết luận Võ Văn Ái là “công an giả dạng phát ngôn nhân VHĐ” không? Nếu không thể chấp nhận cho trường hợp của mình nhưng lại quả quyết kết luận cho trường hợp của kẻ khác thì quá ư hồ đồ, thành kiến, giả vờ như kém thông minh để làm cái chuyện mà ngay cả người thất học nhất cũng không làm được! Cái ông công an đó đã “giả dạng” rồi mà còn lộ liễu gửi “Lời Cam Kết” chống phá HT. Thích Quảng Độ chung với bài viết của mình làm gì để cho ông VVA tức khắc nhận ra là công an phản gián! Hơn nữa, bài viết của ông Thích Siêu Phương này đã được phổ biến trên nhiều diễn đàn, websites, và nhóm email mấy ngày trước đó, đã làm cho VP1 và VP2 nghẹn họng không trả lời hay phản biện được, đã thành công rồi, vậy mà còn giả HT. Thích Không Tánh làm gì để gửi chung bài viết ấy với “Lời Cam Kết”! – là văn kiện cũ rích mà “Đông Dương Thời báo ở bang Texas huyên truyền tài liệu này từ mấy năm trước” (trích lời ông Võ Văn Ái – email gửi HT. Thích Không Tánh ngày 21-11-2008). Chẳng lẽ ông “công an giả dạng Thầy Tu” này muốn tiết lộ tung tích cho quần chúng và ông Võ Văn Ái biết được tẩy của ông sao! Nếu không phải là ông Thích Siêu Phương gửi mà do công an phản gián, vậy có phải là công an phản gián muốn hại ông Thích Siêu Phương không? Nếu công an phản gián muốn hại Thích Siêu Phương thì Thích Siêu Phương có phải là người của công an phản gián không?
  • Có thể nói thẳng ra là chắp 100 ông Võ Văn Ái, đem cái bài của Thích Siêu Phương ra mà phân tích, chứng minh bất cứ điều nào là của công an cộng sản, và phản biện sao cho ra hồn, ra lý, những luận điểm của Thích Siêu Phương là sai. Đừng có giở cái thói chụp mũ, vu khống ra để né tránh trả lời những chất vấn mà ông Võ Văn Ái cùng tất cả thành viên VP2 đều không trả lời được; không phải chỉ riêng Thích Siêu Phương, mà còn có tất cả những người mà ông Võ Văn Ái liệt kê vào “sổ đen” của TCBC ngày 25-11-2008, hàm hồ chụp mũ cộng sản hết như: Thích Viên Thành, Thích Viên Giáo, Trần Đại Lĩnh, Như Thuyết, Tâm Nguyên, Thấu Tâm Can, Áo Giáp, Nhóm Áo Lam, Nhóm Phật giáo Việt Nam vì Dân tộc, Atula Giới, Võ Văn Hàm, v.v…” Điều hèn nhát và bất lương nhất là khi đối phó không được liền cụp đuôi chạy thật xa rồi ngoái lại, không quên gộp hết những kẻ mình không thích vào chung một xâu với nhau, sủa lên rằng: “không phải tui thua, mà vì mấy ông đều là cộng sản hết nên tui không thèm phản biện, không thèm trả lời”.
  • Làm sao ông Võ Văn Ái xác định được “Lời Cam Kết” ký tên HT. Thích Quảng Độ là do “cơ quan A16 thuộc Bộ Công an, tương đương với X15 Cục 2 Phản gián thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách biên soạn tài liệu, kể cả tài liệu phản gián GIẢ (thông tin GIẢ, tư liệu GIẢ, hình ảnh GIẢ) nhằm bôi nhọ và ly gián nội bộ đối phương” ngụy tạo? Cũng tương tự, làm sao ông có thể xác quyết “chúc thư giả” trước đây cũng do “cơ quan phản gián” của Bộ Công An? Có phải ông là đặc tình của công an cộng sản, hoặc là nhị trùng tình báo, nên biết được những bí mật tình báo của đối phương? Tại sao không phải là những cá nhân nào khác, tổ chức khác, có thể là ngoại đạo, hoặc tổ chính trị nào đó, hoặc đơn giản chỉ là kẻ không thích ông, đã giả mạo các văn kiện kia? Có phải đưa những người nào đó ra thì không ai tin, nên quả quyết là cộng sản thì mọi người dễ tin hơn?
  • Tạo một email giả, gửi tài liệu “gọi là giả” có hại cho lãnh đạo của mình (“Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ), kèm theo tài liệu thật mà mình không đối phó được (“Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm” của Thích Siêu Phương), để kết luận cả 3 đều là giả. Đây là xảo thuật của tình báo áp dụng trong truyền thông, mà là truyền thông của PTTPGQT. Nếu PTTPGQT có thể chứng minh được email giả kia là của cộng sản, không phải của ông VVA và “phe ta” (VP2), thì việc vin vào lý do vì bài của Thích Siêu Phương được gửi chung với “tài liệu giả” chống phá HT. Thích Quảng Độ nên Thích Siêu Phương cũng là cộng sản, cũng là thứ xảo thuật hèn kém, quỷ quyệt, lưu manh.
  • Trở lại 3 lý do chính để tạo ra sự kiện “Lời cam kết giả” và ra TCBC ngày 25-11-2008 như đã nói ở trước. Đây cũng là chiêu thức một ná bắn 3 chim như sự kiện “chúc thư giả” hồi tháng 8.2008: 1) Cáo giác công an cộng sản ngụy tạo tài liệu: sự cáo giác này luôn có lợi, vì chứng tỏ mình chống cộng, không phải cộng sản, sẽ được nhiều người ủng hộ, chia xẻ. Cộng sản có bị oan trong vụ này hay không cũng chẳng làm gì được mình, bất quá là họ chửi lại mình, nói là mình vu khống. Nhưng cộng sản càng chửi thì mình càng được những người chống cộng tin tưởng hơn. 2) Gián tiếp hăm dọa HT. Thích Quảng Độ: nếu Hòa thượng bị lung lay, có chiều hướng xét lại và quay trở về với khối đa số và từ bỏ nhóm thiểu số luôn đứng sau lưng ngài thì ngài hãy xem hậu quả trước mắt đây! Không phải chỉ có “Lời Cam Kết giả” này thôi đâu, sẽ còn nhiều thứ “giả” khác nữa tung ra. Đây, Hòa thượng xem, “Lời Cam Kết bằng thủ bút trên đây đã từng được báo Công An, An Ninh Thế giới trong nước nhắc nhở nội dung từ nhiều năm qua nhằm bôi nhọ Hòa thượng Thích Quảng Độ mỗi khi có chiến dịch đánh phá GHPGVNTN. Tuy chưa công bố toàn bản viết tay. Tại Hoa Kỳ, một Trang nhà có tên “Đông Dương Thời báo” đặt tại bang Texas, đã chuyển vận các tư liệu giả vu cáo Hòa thượng Quảng Độ, đánh phá GHPGVNTN và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế từ mấy năm qua” (trich nguyên văn TCBC ngày 25-11-2008 của PTTPGQT). Hòa thượng thấy chưa, cộng sản nó phá Hòa thượng nhưng “chưa công bố toàn bản viết tay”, nên cũng chẳng bao nhiêu người biết được cái “Lời Cam Kết” đó; những người thuộc phe đa số của Giáo Hội cũng ngại ngần và hổ thẹn không dám đăng hay chuyền nhau; còn tôi đây, một khi đã phổ biến trên trang lưới Quê Mẹ và PTTPGQT rồi thì cả thế giới đều biết. Những biện minh của Hòa thượng đối với “Lời Cam Kết giả” này chưa chắc có sức thuyết phục bằng chính cái tài liệu mà tôi đưa lên mạng. Không những thế, ngay cả những thư từ qua lại giữa HT. Thích Không Tánh “giả” và Võ Văn Ái “thật”, rồi giữa HT. Thích Không Tánh “thật” và Võ Văn Ái “giả”, đều nói những điểm bất lợi cho Hòa thượng, đã được PTTPGQT cho phổ biến toàn cầu rồi. Đây nhé, một trích đoạn của Võ Văn Ái “giả” trong toàn văn bản đã được đăng trên website PTTPGQT: “Riêng bản thân con nghĩ thì có lẽ Lời Cam Kết ấy có thật, là do một phút khủng hoảng, hoặc vì “muốn “được mau chóng ra ngoài để phiên dịch Phật Quang Đại Từ Điển nên Ngài Viện trưởng mới “hạ bút “cam kết như vậy. Điều này thật bất lợi vì cho thấy HT của chúng ta đã không giữ được khí “tiết, đã “đầu hàng một cách nhục nhã. Chuyện này mà lan truyền ra ngoài thì chúng ta cũng khó còn “đất để “sống. Do vậy phải tuyệt đối giữ bí mật dù HT có viết lời cam kết thật hay không. Còn nếu “Ngài Viện “trưởng xác định 100% là không hề có Lời Cam Kết thì chúng ta mới dám mạnh miệng tố “ngược lại “bọn công an. Quan trọng nhất là phải gán tội cho bọn Viên Giáo, Siêu Phương và Thân “Hữu Già “Lam, liên kết chúng vào với bọn công an để triệt hạ chúng.” Đấy, Hòa thượng thấy không? Tài liệu giả, tài liệu thật, người giả, người thật, đều được PTTPGQT đưa hết lên mạng, công bố cho toàn thế giới. Giả, chỉ cần xoay một cái thì trở thành “thật”; thật, xoay một cái trở thành “giả”. Công an cộng sản chúng có thể hại Hòa thượng 10, nhưng tôi đây có thể hại đến 1000 lần hơn! Hòa thượng hãy thận trọng cân nhắc nên đứng về phía nào. 3) Chụp mũ tất cả những ai bất đồng quan điểm: đây mới là mục tiêu chính của sự kiện “Lời Cam Kết giả”. Những kẻ đã dám nói ra sự thực, đã dám vạch trần sự gian dối, lường gạt, hỗn láo, vô lễ… của ta đối với Tăng Ni, đã cả gan cáo giác ta là khuynh loát Giáo Hội, đã dùng những bài lý luận sắc bén, có sức thuyết phục, khiến người trí bỏ rơi ta, khiến ta không thể phản biện, không thể trả lời được một câu nào! Nhất là tên Thích Viên Giáo, tác giả bài “Chất vấn ông Võ Văn Ái”, đã đưa ra 33 câu hỏi hóc búa khiến ta phải chịu nhục nuốt hận, không dám mở miệng trả lời, làm mất thể diện của ta! Cho nên nhân dịp này, ta cứ giả vờ nói bài “Nhận định về Quyết Nghị 9 điểm” là của Thích Viên Giáo, dù ai cũng biết là của Thích Siêu Phương. Tất cả những tên ấy, những tên đã từng chống lại ta, ta phải cho hết vào một rọ “cộng sản” để từ đây không còn ai đọc những gì chúng viết nữa!
  • Và đây, hãy đọc đến cuối TCBC ngày 25-11-2008, sẽ thấy ông Võ Văn Ái kết luận bằng hai đoạn văn. Hai đoạn cuối cùng kết thúc TCBC này (được bôi đậm, khác với toàn bài), mới là mục tiêu chính của sự kiện “tài liệu giả”: “Với những cứ liệu nói trên, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đồng bào Phật tử nói riêng và đồng bào người Việt nói chung cảnh giác những tài liệu GIẢ hay những bài viết đánh phá, bôi nhọ, vu khống GHPGVNTN thời gian một năm qua với các tên nặc danh Thích Siêu Phương, Thích Viên Thành, Thích Viên Giáo, Trần Đại Lĩnh, Như Thuyết, Tâm Nguyên, Thấu Tâm Can, Áo Giáp, Nhóm Áo Lam, Nhóm Phật giáo Việt Nam vì Dân tộc, Atula Giới, Võ Văn Hàm, v.v… (đoạn áp chót) “Lời cam kết” giả của Hòa thượng Thích Quảng Độ và bài viết “Nhận định về “Quyết nghị 9 điểm” của GHPGVNTN” của Thích Siêu Phương do cơ quan phản gián Bộ Công an và tay chân mạo danh Hòa thượng Thích Không Tánh gửi lên mạng Internet hôm 22.11.2008 là một bằng chứng gian tà.” (đoạn cuối cùng)
Thật là một “chiêu thức” tuyệt xảo! Có thể bán rẻ hết lương tâm và sự nghiệp hoạt động chính trị của mình cho mục tiêu dơ bẩn là ngụy tạo tài liệu giả rồi cáo giác tài liệu giả, để từ đó có thể chụp mũ, vu khống kẻ khác thay vì đối thoại và trả lời những chất vấn của họ! Có lẽ ít ai trên đời này, dù là tình báo chuyên nghiệp, có thể làm được những gì PTTPGQT đã làm. Bởi vì tình báo họ chỉ dùng xảo thuật nghề nghiệp để đạt mục tiêu nhanh chóng, nhất thời. Còn ở đây, trên cả xảo thuật! Nó vượt hơn, nhưng lại thấp kém, ti tiện, không ai có thể tưởng tượng được. Lật cuốn từ điển sưu tập về những tính từ xấu của một con người, cũng không tìm ra từ nào thích đáng nhất để miêu tả tác giả sự kiện “chúc thư giả” và “tài liệu giả” này. Phải gom hết những từ trong đó mới diễn tả nổi.
Cám ơn đời đã cho tôi thấy sự thực về một con người tồi tệ, xấu xa, giảo quyệt và gian dối nhất. Nhờ đó, nhìn quanh mình, mới thấy mọi người đều tốt đẹp, dễ thương.
San Jose, ngày Thanksgiving, 27-11-2008
Trần Lý

Tuesday, May 19, 2020

KHI TÔI NÓI RẰNG TÔI LÀ NGƯỜI PHẬT TỬ


KHI TÔI NÓI RẰNG TÔI LÀ NGƯỜI PHẬT TỬ
Giáo sư Richard Gombrich, người dành 40 năm cuộc đời để nghiên cứu Phật giáo và ngôn ngữ Pali tại Đại học Oxford, Từ năm 2003 đến nay ông là Giám đốc học thuật, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Đại Học Oxford.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là tôi thanh tịnh và tốt đẹp hơn những người khác. Mà nó mang ý nghĩa là tôi có quá nhiều vô minh và tâm thức nhiễm ô cần phải loại bỏ. Tôi cần Tuệ Giác của Đức Phật.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là tôi có Trí Tuệ cao hơn người khác. Nó có nghĩa là tôi đã bị quá nhiều sự kiêu ngạo xâm chiếm. Tôi cần học cách để trở nên khiêm nhường và phát triển một cái nhìn rộng mở hơn.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải vì tôi hay hơn hay dở hơn người khác, mà bởi vì tôi hiểu tất cả chúng sinh đều bình đẳng với nhau.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải vì tôi muốn trốn tránh thế giới và theo đuổi hư vô. Nhưng để biết rằng sự sống đang diễn ra hàng ngày được nằm trọn trong Pháp, và sống với hiện tại chính là thực hành.
Kháng thể của người Phật tử
Khi tôi nói tôi là Phật tử, tôi biết rằng tôi chỉ yêu thương những người hợp với sở thích của mình, nhưng Đức Phật thì thậm chí yêu thương cả những người chống đối, ganh ghét, hãm hại Ngài, dẫn dắt họ đạt đến viên mãn Trí Tuệ và Từ Bi. Đó là lý do vì sao tôi chọn bước theo những giáo huấn của Đức Phật!
Khi tôi nói tôi là Phật tử, nó chẳng gắn liền với mục tiêu để có được những gì tôi ham thích. Mà là để buông bỏ những bám chấp của cá nhân đối với tất cả những ham muốn về mặt thế gian.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải bởi vì tôi muốn theo đuổi một cuộc sống êm đềm, suôn sẻ. Mà là vì sự điềm tĩnh chấp nhận trước vô thường, và thật bình tĩnh và tự tin như một vị Quốc Vương trong bất kỳ những hoàn cảnh trái nghịch nào.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, tôi không có ý định thao túng người khác với động cơ vì lợi ích cho cá nhân. Nhưng bằng việc sử dụng tốt Trí Tuệ của mình, để tôi có thể làm lợi lạc cho bản thân và những người khác trong khi luôn đồng cảm với tất cả chúng sinh.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải bởi vì có một Thượng Đế ở bên ngoài tôi. Nhưng tôi tìm thấy được bản tánh chân thật của Phật nơi trái tim mình.
Phật tử có tin vào công năng của sự cầu đảo hay không?

Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải vì tôi muốn trốn tránh thế giới và theo đuổi hư vô. Nhưng để biết rằng sự sống đang diễn ra hàng ngày được nằm trọn trong Pháp, và sống với hiện tại chính là thực hành.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là cuộc đời của tôi sẽ không còn gặp phải những thất bại. Nhưng nhờ có Thiện Pháp, những thất bại được chuyển hóa thành nhân, tăng trưởng cho tôi trong thực hành.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, trái tim tôi chứa đầy lòng biết ơn vô tận. Chỉ cần nghĩ rằng tôi được sinh ra làm người và có khả năng thực hành Pháp ngay trong hiện tại cuộc đời, với cơ hội gặp gỡ các vị Minh Sư và nghe được lời dạy của Đức Phật, tôi vô cùng xúc động khi có được sự kết nối Pháp duyên thật khó tin này.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải bởi vì có một Thượng Đế ở bên ngoài tôi. Nhưng tôi tìm thấy được bản tánh chân thật của Phật nơi trái tim mình.
Phật tử bình dân và những quan niệm sai lầm
Giáo Sư Richard Gombrich – Đại học Oxford
Nguồn: Cư Trần Lạc Đạo's group

Monday, May 18, 2020

Thích Huyền Quang: Huấn Từ Của Đức Tăng Thống Nhân Mùa An Cư, PL. 2548

          GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

_________________
Phật lịch 2548
Số 03/VTT/TT 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính Thưa chư Đại Đức Tăng, cùng Bốn Chúng đệ tử.
2548 năm trôi qua kể từ khi hình ảnh của đấng Chí tôn khuất dấu vô thường giữa rừng Câu-thi-na u tịch. Từ đó cỗ xe chuyển dịch tuần hoàn vẫn tiếp tục lăn bánh, để lại sau nó những vết tích của phú cường và huỷ diệt, bạo lực và nhân ái; rải rác đó đây, trên những sa mạc khô cằn, trong những đô thị trù phú, loài người đã góp nhặt từng giọt máu đào, từng giọt nước mắt để tích luỹ thành kiến thức, tạo dựng thành văn minh; từ những giá trị cá biệt là căn nguyên xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, dần tiến tới những giá trị phổ quát phản ánh khát vọng và tâm nguyện muôn thuở của con người. Những giá trị phổ quát, những quyền cơ bản làm nên giá trị hiện hữu của con người càng lúc càng được thừa nhận trong các cộng đồng dị biệt của nhân loại, coi đó như là điều kiện thiết yếu tạo dựng một xã hội hoà bình, an lạc, hoá giải hận thù, xoá bỏ bất công, áp bức gây nên bởi tham vọng quyền lực, cuồng tín giáo điều. Thông điệp bao dung, hỷ xả mà đức Thích Tôn trao truyền cho các chúng Thanh văn và Bồ tát, tỏa sáng bằng các phẩm tính từ bi và trí tuệ của tuệ giác vô thượng, ngày nay dần dần được nhân loại đón nhận như là dấu hiệu chỉ đường cho một thế giới nội tâm an lạc trong một thế giới đầy sợ hãi vì bạo lực điên cuồng.
Thông điệp ấy được truyền vào đất nước Việt nam cũng đã 2000 năm. Đức tính bao dung và những giá trị phổ quát của phẩm giá con người được hàm chứa trong đó đã từng là nguồn lực sinh tồn tác động, hình thành ý thức dân tộc. Mỗi dân tộc, trong điều kiện địa lý và lịch sử cá biệt, bằng vô vàn đau thương và khổ luỵ của nhiều thế hệ tiếp nối, đã tạo dựng nên những giá trị truyền thống, có đủ sức mạnh ý chí để tự khẳng định sự tồn tại của mình bình đẳng với mọi dân tộc khác, dù lớn hay nhỏ. Đó là bài học lịch sử được viết bằng tâm nguyện hy sinh vô uý của lịch đại Tổ Sư, của nhiều thế hệ Phật tử anh hùng, mà ngày nay hết thảy chúng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, cần phải tư duy chiêm nghiệm, tự trang bị cho mình nhận thức chân chính, để nhờ đó mà tăng trưởng tâm nguyện bồ đề, sức mạnh dũng cảm vô uý. Nếu không được như thế, cộng đồng Phật tử Việt nam sẽ chỉ hiện diện như những hội đoàn ô hợp đấu tranh theo quyền lợi thế tục, mà công phu hành trì, công việc Phật sự lại chỉ tập trung vào những hình thức bên ngoài và nghi lễ cúng bái.
2548 năm, giáo pháp của đức Thích Tôn được truyền bá lan dần từ Đông sang Tây, từ cận vùng Nam cực cho tới vành đai Bắc cực, bằng phương tiện duy nhất là thuyết giáo mà không bạo lực hận thù, chỉ thấm nhuần hương vị duy nhất là giác ngộ và giải thoát. 2000 năm lịch sử truyền thừa trên đất Việt, cũng thuần một hương vị duy nhất được hòa quyện bất khả phân bởi tinh hoa dân tộc và đạo pháp. Đó là ý nghĩa tồn tại, mà cũng là sứ mạng, của các cộng đồng Phật tử Việt nam trong đại khối cộng đồng dân tộc.
Năm nay, cũng như hằng nghìn năm trước, Tăng già và Phật tử Việt nam cúng dường ngày đản sinh của đức Từ phụ, đấng Đạo sư của chư thiên và nhân loại, bằng tín tâm thanh tịnh, bằng công hạnh tu trì được tích lũy, đốt nén tâm hương giới định huệ, cầu nguyện an lạc cho mình và cho nhiều người, ích lợi trong đời này và đời sau.
Kính thưa Chư liệt vị,
Ngay sau ngày Phật đản, là ngày Tăng già Việt nam, gồm cả hai bộ Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, kiết giới an cư theo truyền thống Bắc phương. Mặc dù do sự sai biệt phong thổ, lịch pháp và tập quán xã hội nên ngày tháng an cư của hai hệ truyền thừa Nam Bắc không đồng, nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng Tỳ-ni tạng, với những học xứ tương đồng của giới bổn Biệt giải thoát. Nhân dịp này, tôi kính gởi đến toàn thể Tăng già Viêt nam, chư Đại đức tỳ kheo và tỳ kheo ni; gởi đến toàn thể bốn chúng đệ tử Phật, lời thăm hỏi và chào mừng ngày mới của Mùa an cư 2548 như là lời chúc tụng đầu năm trong đời sống đạo hạnh.
Mùa an cư, các chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, trong từng trú xứ riêng biệt, cùng hòa hiệp và thanh tịnh trong đồng nhất trú xứ, và đồng nhất thuyết giới; là nền tảng phước điền cho các chúng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, lấy đó làm y chỉ để tăng trưởng đạo lực, vun bồi gốc rễ phước lạc nhân thiên và đạo quả Niết bàn.
Cũng nhân đây, tôi xin nhắc lại bảy pháp bất thối mà đức Phật đã chỉ dạy mà chúng Tỳ kheo và tỳ kheo ni cần phải học tập, chấp hành; y chỉ trên đó mà tu trì để tăng trưởng đạo lực cho mình và đồng thời củng cố bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng già, không bị lôi cuốn vào các sự nghiệp thế gian, không bị chi phối và sử dịch bởi các cộng đồng thế tục. Nguyên lai pháp bất thối được Phật công bố do bởi Đại thần Vũ Xá theo lệnh vua A-xà-thế thỉnh ý đức Phật về ý đồ xâm lược và trấn áp bộ tộc Bạt-kỳ, ỷ thị sức mạnh của Vương quốc Ma-kiệt-đà hùng cường. Nhân đó, Phật khiến A-nan tập họp tất cả chúng tỳ kheo trong phạm vi thành Vương xá để nghe đức Phật công bố bảy pháp bất thối. Cũng như một dân tộc không bị đánh bại và khuất phục, nếu dân tộc ấy có đầy đủ bảy pháp bất thối; cũng vậy, chúng Tỳ kheo sẽ không thể bị khống chế bởi bất cứ sức mạnh dẫu hung tàn như thế nào của thế lực cường quyền, nếu chúng Tỳ kheo sống hòa hiệp bằng bảy pháp bất thối. Bằng vào ý thức tự giác, chứ không bằng vào sự cưỡng chế pháp luật, đức Phật công bố bảy pháp bất thối, mà Tăng trong một trú xứ nếu không y giáo phụng hành, chúng tỳ kheo ở đó chỉ là một tập thể ô hợp, nghĩa là như bầy quạ khi có lợi thì cùng tụ nhau lại kêu la inh ỏi, khi hết lợi thì tan tác bay đi. Bảy pháp bất thối như sau:
  • Các tỳ kheo thường xuyên tập họp đúng theo các qui định bởi Luật tạng, để giảng luận Chánh pháp, chứ không phải tập họp để tuyên dương tán tụng sức mạnh quyền lực thế gian, khiến cho các tỳ kheo trong trú xứ cùng sinh hoạt hòa thuận.
  • Các tỳ kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp không tranh chấp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp không tị hiềm, nghi kỵ, và chấp hành các Tăng sự trong tình cảm nhiệt thành.
  • Chúng tỳ kheo không tùy tiện quy định và ban hành những luật lệ không đáng được ban hành, không thích hợp; cũng không được tự tiện sửa đổi, bải bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng theo giáo huấn của Phật, và tùy thuận những gì mà Tăng già đã quy định, được truyền thừa qua lịch đại Tổ Sư.
  • Các tỳ kheo phải luôn tôn trọng, kính lễ các tỳ kheo trưởng thượng, mà phẩm hạnh và trí tuệ do công phu tu tập và học hỏi, xứng đáng là hàng Trưởng lão trong Tăng; luôn luôn nhiệt thành nghe những lời khuyến giáo của các tỳ kheo trưởng thượng như thế.
  • Các tỳ kheo sống không bị lôi cuốn vào những tham ái, những bận rộn thế tục.
  • Trú xứ của chúng tỳ kheo là những nơi nhàn tĩnh, không phải là trú xứ tập họp để phục vụ các quyền lợi thế tục.
  • Các tỳ kheo sống an trú chánh niệm, tỉnh thức, tạo thành một cộng đồng thanh tịnh hòa hiệp, để cho các đồng phạm hạnh từ những nơi khác chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn an trú lâu dài để tu tập, cùng sống hòa thuận và an lạc.
Tư duy chiêm nghiệm bảy pháp bất thối mà đức Thích Tôn đã trao truyền cho chúng đệ tử, những người Phật tử Việt nam không khỏi ngậm ngùi vì những mâu thuẫn bất hoà, tranh chấp, chia rẽ trong hàng đệ tử Phật. Sinh vào thời Pháp nhược Ma cường, hàng Thánh Tăng vắng bóng, Phật tử Việt nam cùng chung kết quả cộng nghiệp của dân tộc Việt nam, mà những dòng thác hung bạo của tranh chấp quyền lực quốc tế, của hận thù giai cấp, của đấu tranh ý thức hệ, đã ghi lại vô vàn vết tích đau thương trên đại khối dân tộc. Đức Phật đã dạy, chúng sinh là kẻ thừa tự của những nghiệp mà nó đã làm. Vậy, mỗi người trong chúng ta, Tăng cũng như tục, cần có thời gian lắng đọng tâm tư để thấy rõ trách nhiệm của từng cá nhân mình, vì đã không có đủ năng lực trí tuệ, không có đủ ý chí dũng mãnh, để cho ngọn đèn Chánh pháp được lịch đại Tổ Sư truyền trao qua 2000 nghìn năm lịch sử bỗng chốc bị lu mờ, khiến cho hầu hết những người con Phật không thấy rõ đường nào phải đi, không thể phân biệt đâu chánh đâu tà, đâu là sứ mạng của người tu học Phật và đâu là sử dịch nô lệ của thế gian.
Kính thưa Chư liệt vị,
Ngày Phật đản, Phật tử chúng ta dâng nén tâm hương cúng dường mười phương chư Phật. Hương thơm giới định huệ dâng lên, nhưng khói bụi trần lao ô trược cũng đồng thời rơi vãi xuống. Vì vậy, chúng ta không nên chỉ nhìn lên làn khói cuộn như mây lành năm sắc trong hư không mà quên không nhìn thấy bụi bẩn rơi vãi trên bàn thờ. Mỗi khi dâng hương cúng Phật, hãy nhớ đừng quên quét dọn bàn thờ Phật cho thanh tịnh trang nghiêm; cũng đừng tự trói tay mình lại, hay để cho người khác trói tay mình lại, mà nhìn bụi bám đài sen càng lúc càng dày.
Vật có tụ thì phải có tán. Tâm người có khi hiệp thì cũng có khi lìa. Tăng chúng nay hiệp mai lìa, một phần cũng là quy luật của tồn tại. Nhưng bản thể thanh tịnh và hòa hiệp tạo thành tồn tại của Tăng mà đức Phật thiết lập thì không hề dao động, không hề biến đổi. Khi duyên hội, các pháp tự thành. Nhưng duyên hội không hoàn toàn ngẫu nhiên mà không có cộng đồng giao hưởng bởi tâm tư hay ước vọng của chúng sinh. Cho nên, trong mùa an cư năm nay, tôi thành tâm cầu nguyện uy lực Tam bảo gia trì hộ niệm cho bốn chúng đệ tử hội đủ thiện duyên, bỏ bớt dần những vọng tưởng trần lao, xa dần những bôn ba thế tục, chuyên tu giới định huệ, hướng tâm nguyện đến sự tồn tại chói sáng của Tăng già từ bản thể thanh tịnh và hòa hiệp. Có như thế, Phật pháp mới là nguồn suối an lạc, Tăng-già là tiêu chí cho một xã hội đạo đức và trật tự. Bốn chúng đệ tử Phật như thế cùng góp công đức kiến tạo thế giới hòa bình, cho dân tộc an lạc và tăng tiến.
Cầu nguyện cho tất cả chúng đệ tử Phật cùng học cùng tu, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng sống hòa hiệp như nước với sữa, như thế mới tìm thấy sự an lạc trong Chánh pháp.
Nam Mô Trung Thiên Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tu Viện Nguyên Thiều. Phật Đản Năm Giáp Thân
Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
Tỳ Kheo Thích Huyền Quang

Sunday, May 17, 2020

Đại Học Vạn Hạnh (1970): Tiếng Nói Của Viện Đại Học Vạn Hạnh Đối Với Thảm Kịch Tan Nát Của Quê Hương Hiện Nay

L.T.S.: Dưới đây TƯ TƯỞNG xin đưa ra tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh đối kháng lại cơn tàn phá đang đẩy toàn thể quê hương đến chỗ diệt vong. Tiếng nói ở đây là một lời tố cáo lay động cơn hôn trầm sa đọa hiện nay. Thượng tọa. THÍCH MINH CHÂU, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và Thượng tọa THÍCH TRÍ TỊNH, Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học Viện Đại Học Vạn Hạnh, cùng với Thượng tọa THÍCH QUẢNG ĐỘ, Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học Viện Đại Học Vạn Hạnh, cả ba vị lãnh đạo tinh thần của Viện Đại Học Vạn Hạnh đã đồng thanh nói lên tiếng nói quyết liệt trong sự quyết định trầm trọng đối với sự sống còn của dân tộc. (Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 1, 1970)

T.T. THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)

Mỗi người đều chịu trách nhiệm cuộc phân hóa của quê hương hiện nay, mỗi người đều có tội, mỗi người đều đồng lõa với sự tương tàn huynh đệ, máu đổ, nhà tan. Tất cả chúng ta đều đồng lõa với cuộc chiến tranh này, dù tham chiến hay không tham chiến. Chúng ta đồng lõa bằng cuộc sống nông cạn, bằng tình cảm yếu đuối, bằng thành kiến cố định, bằng sự bảo vệ bản ngã, bằng lý tưởng giả đạo đức, nhất là bằng tất cả sự sợ hãi, dưới đủ mọi hình thức.
Sợ hãi là cơn bịnh nặng nề nhất trong mỗi người, sợ hãi là mầm móng của tất cả mọi cuộc chiến tranh, vì sợ hãi nên phải lên tiếng, vì sợ hãi nên phải im lặng, vì sợ hãi nên phải thụ động, trốn trong tháp ngà.
Vô Úy là một trong những đức tính quan trọng mà đấng Thế Tôn đã dạy cho chúng ta. Đó là con đường của tất cả Bồ Tát. Hóa thân của Đức Di Lặc sẽ mang đủ đức tính của Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó chính là tư thái thản nhiên của Ngài được thể hiện trong VÔ ÚY ẤN (abhaya mudrà).
Tất cả những gì xảy đến trong ta đều xuất phát trong ta, từ trong bản thể sâu kín của ta. Không có gì làm hại ta được chỉ trừ ta đã chứa sẵn mầm móng phá hại ấy trong ta, vậy thì không thể nào sợ hãi bất cứ cái gì xảy ra trong đời này, bạo quyền, bất công, độc tài, chiến tranh, tai họa chỉ xuất hiện khi chúng ta đã chứa sẵn những mầm móng trong tự thân và tự thể. Chiến tranh và bạo quyền là thể hiện bên ngoài của những gì ta chứa đựng, tiềm tàng trong sâu kín tâm hồn. VÔ ÚY ẤN là tư thái của một người thản nhiên mỉm cười nhìn thẳng vào tất cả sự khủng khiếp rùng rợn trong đời mà không sợ hãi, vì ý thức rằng không có gì xảy đến cho mình được, chỉ trừ khi mình đã đồng lõa với nó, nuôi dưỡng nó thầm kín trong tâm tư mình. ~ T.T. THÍCH MINH CHÂU
T.T. THÍCH TRÍ TỊNH (1917-2014)

Tất cả sự đã toàn đồng một thể tánh, mà thể tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức là tất cả sự, một sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự sự vô ngại tự tại, nên gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”. Tất cả sự không ngoài thời gian và không gian. Thời gian dung thông thời gian, không gian dung thông không gian, thời gian dung thông không gian, không gian dung thông thời gian. Một không gian dung thông tất cả không gian, một thời gian dung thông tất cả thời gian, tất cả dung thông với một, thời gian với không gian, một cùng tất cả cũng đều dung thông như vậy. Đây chính là sự sự vô ngại pháp giới, mà cũng chính là cảnh giới giải thoát bất tư nghì. ~ T.T. THÍCH TRÍ TỊNH
T.T. THÍCH QUẢNG ĐỘ (1928 – 2020)

… Từ xưa, chiến tranh đã được ngụy trang bằng những danh từ rất đẹp, như thánh chiến, chiến tranh khai hóa, chiến tranh tự vệ, chiến tranh giải phóng, chiến tranh phòng thủ an ninh chung v.v…, song không một ai có lương tri mà không thừa nhận rằng, bất cứ núp dưới chiêu bài nào, chiến tranh cũng vẫn là hiện thân của tàn bạo, của man rợ, ngay cái tên của nó cũng đã nói lên tất cả ý nghĩa kinh tởm, khủng khiếp, và hậu quả của nó tất nhiên là chết chóc, đói khổ và tiêu hủy. Vậy thì, dù ngụy trang dưới danh nghĩa nào đi nữa, mục đích và thực chất của chiến tranh cũng chỉ là chiếm hữu, xâm lược, đoạt thị trường và cướp giật. Ấy thế mà những tay đại tướng cướp trong lịch sử như Alexandre, Napoléon v.v… đã được tôn lên hàng đại đế và được ca tụng là anh hùng!
Chừng nào mà bạo lực chiến tranh còn được ứng dụng để giải quyết những bất đồng về chính kiến, về quyền lợi kinh tế và về chủ nghĩa giữa các quốc gia, và chừng nào mà những cuộc tàn sát đại quy mô trên chiến trường còn được tung hô là chiến công oanh liệt và những kẻ giết người còn được phong tặng những “anh dũng bội tinh” thì thế giới này chỉ là một cái chuồng thú rộng mênh mông, trong đó, các nhà quân sự là sư tử, các nhà chính trị là hùm beo, các nhà khoa học kỹ thuật là lang sói, còn các nhà triết học, văn học cũng như các tầng lớp dân chúng khác chỉ là những đàn cừu!
Và sống trong một thế giới như thế mà thảng hoặc có người nào còn mơ ước một nền hòa bình chân thật và vĩnh cửu ngự trị trên trái đất, hay mong muốn một nền văn minh tiến bộ đúng với ý nghĩa đích thực của nó, thì người ấy nếu không là đại bất hạnh, đại vô phúc thì cũng là người mới từ hành tinh xa lạ nào rớt xuống và sống lạc loài giữa cái chuồng thú mông mênh này vậy! ~ T.T. THÍCH QUẢNG ĐỘ