Showing posts with label Nguyễn Hoàng Lãng Du. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Hoàng Lãng Du. Show all posts

Tuesday, January 12, 2016

Những Người Cha Trong Lòng Dân-Tộc - Fathers in Our People’s Mind

Lạc Long Quân và Âu Cơ - From Saigoneer

Những Người Cha Trong Lòng Dân-Tộc
                
                         1
Con thấy Cha trong hương trầm với Mẹ
Thuở hoang-vu chào đón bước Tiên Rồng.
Núi là tâm mà tình là biển cả,
Một cõi bờ, Cha dựng nước Văn-Lang.
                                   (Lạc Long Quân)

                          2
Con thấy Cha ngày bình Chiêm, dẹp Tống.
Coi “Sơn-Hà định phận tại thiên-thư”.
Gió trời Nam muôn đời còn lồng-lộng.
Lòng dân Nam nhớ mãi đến bây giờ.
                                           (Lý Thường Kiệt)   
              3 
Con thấy Cha trên ngả đường Sông Núi.
Chống gậy về quyết chiến với thù chung.
Điện Diên-Hồng lời thiêng còn vang dội.
Quân lên đường, người tiễn mắt rưng rưng.
                                         (Hội-Nghị Diên-Hồng)

             4
Con thấy Cha trên đầu thuyền dậy sóng;
Thề ra quân, thất-bại quyết không về;
Tiếng reo hò giữa trời cao, sông rộng.
Lũ giặc thù kinh-sợ đến hôn mê.
                                        (Trần Hưng Đạo)

            5
Con thấy Cha bước ra trong sử sách.
Câu thơ hùng vạn kỷ vẫn bay xa.
“Thù một thuở chưa xong đầu đã bạc.
Gươm mài trăng mơ lấy lại Sơn Hà” 
                 (Đặng Dung)

             6 
Con thấy Cha đêm dựng cờ khởi-nghĩa
“Đem chí nhân ra dẹp lũ hung-tàn”.
Ôi khí thiêng bay ngợp vòng Thiên Địa,
Lũ ngồng-cuồng phương Bắc chạy tan-hoang.
                (Lê Lợi)
               
                       7
Con thấy Cha trên đầu voi anh-võ.
Bốn phương vang pháo lệnh lúc công thành.
“Quyền để tóc, răng đen, quyền tự-chủ”,
Nên sông Hồng địch đỏ xác hôi-tanh.
                                           (Nguyễn Huệ)

                          8
Con thấy Cha khi tuổi đời thơ ấu
Đã ngậm-ngùi nước mắt nhỏ thương dân.
Ba trăm đồng không đủ thành cơm gạo
Nhưng tình người chan-chứa cõi lầm than.
                               (Nguyễn Phúc Vĩnh San)
                                                        (Duy Tân)

                         9  
Con thấy Cha hiên-ngang lên máy chém
Vẫn oai-hùng hô lớn tiếng “Việt-Nam”.
Rồi Sông Núi vang vang lời ai dặn:
“Công không thành nhưng cũng đã thành nhân”.
                                 (Nguyễn Thái Học)

                         10
Con thấy Cha giừa trăm, ngàn bụi phấn
Trên bảng đời Cha vẽ những yêu-thương.
Trong vườn ương tay gầy cha uốn nắn,
Mơ mai sau muôn cố-thụ huy-hoàng.
                                (Cha nhà giáo)

                       11
Con thấy Cha ra khơi từ trong mộng
Biển Đông hòa nước mặn với tình Cha.
Thuyền phăng-phăng khi buồm no gió lộng,
Tôm cá về mang nặng cõi trời xa.
                                 (Cha chài lưới)

                        12
Con thấy Cha trên đồng xanh, bãi rộng.
Ngày lại ngày mong hạt lúa về sân.
Tâm-hồn Cha như khung trời lồng-lộng.
Dù mưa sa, gió lớn vẫn không sờn.
                                 (Cha đồng ruộng)

                        13
Con thấy Cha từ sáng, chiều, sớm, tối
Cặm-cụi làm không biết đến ngày qua.
Cha buôn hàng, không buôn lời gian-dối.
Nơi xóm làng, uy-tín tiếng gần xa.
                               (Cha buôn bán)

                       14
Con thấy Cha nơi bến tầu khuân-vác.
Nhừng bao hàng to lớn nặng trên vai.
Một đời cha như không còn lốt thoát.
Vì yêu con quên hết tháng năm dài.
(Cha khuân vác)

                                  15
Con thấy Cha trong hàng người bán máu.
Thất-nghiệp rồi nên đủ nỗi tang-thương.
Cha quên mình, cho gia-đình chút cháo.
Trong xót-xa, con khóc một thiên-đường.
                                                (Cha bán máu)

                       16
Con thấy Cha: Ôi, Anh-Linh nước Việt!
Cha là hồn, là máu huyết nơi con.
Cha là Biển Đông, tình yêu thắm-thiết.
Cha là Trường Sơn, oai-dùng vô ngần.

Nguyễn Hoàng  Lãng Du
nguyenhoanglangdu@msn.com
Chú-thích:
 Đoạn (2):
        “Nam quốc sơn-hà Nam Đế cư,
        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
        Như hà nghịch lỗ lai xâm-phạm
        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
                              Lý Thường Kiệt
Đoạn (4):
       “Trận này không phá xong giặc Nguyên thì không về đến bến sông này nữa.”.
                             Trần Hưng Đạo

Đoạn (5):
   “-- Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
       Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”.
                             Đặng Dung

Đoạn (6)
  “--- Đem đại-nghĩa đế thắng hung-tàn,
       Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
                             Bình Ngô Đại Cáo

Đoạn (7):
 “… Đánh cho để dài tóc
       Đánh cho để đen răng,
       Đánh cho nó chích luân bất phản,
       Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
       Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
                             Hịch của Nguyễn Huệ 

Đoạn (8)
      “Nếu trong nước có loạn vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp đỡ kẻ nghèo khó”.
                               Duy-Tân (năm 8 tuổi DL)

Đoạn (9)
      “ Cờ độc-lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự-do phải tưới bằng mau.”,   “…không thành công cũng thành nhân”
                                Nguyễn Thái Học

Tham-khảo
- Giai-phẩm Giúp-Ích, 1985 
- Hồ sơ vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược, nhà xuất-bản Mõ Làng, in lần thứ 2, 1993
- Làm gì của Trần Lê, nhà xuất-bản Việt-Nam Hải-Ngoại, 1979
- Việt-Nam Sử-Lược của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Sống Mới, 1978
English translation by J. B. Ho (6-5-2014)

Fathers in Our People’s Mind

1

I see you, Father, with Mother in the incense smoke,
When primordial times welcome the Dragon and the Fairy’s arrival.
Your mind is like the mountain,  your love  like the sea,
In a land of your own, you found Van Lang, our new country.
(Lac Long Quan)

2
I see you, Father, the day you pacify Champa, quell the Sungs.
You say “Only Heaven decides our nation’s boundaries”
As our vast  Southern skies are still only  for Southern winds,
In the Southern People’s mind, your memories  forever imprinted.
(Ly Thuong Kiet)

3
I see you, Father, on our country’s many roads,
Leaning on your stick, coming back, resolute for another  fight.
Dien Hong Palace still resonates with your sacred words,
As soldiers leave for the front, tears well up  in those left behind.
(Dien Hong Palace)

4
I see you, Father, standing at your ship’s bow in a tempest;
You have sworn to fight, and  should you lose, to never return,
Your hurrahs between  the wide river and the sky,
Stun your  enemies and leave them petrified.
(Tran Hung Dao)

5
I see you. Father, walking out of my history book,
Your heroic verses still fly far and high,
“My revenge still unfulfilled, and my hair is  graying,
How many nights did I grind my sword in the moonlight?”
(Dang Dung)

6.
I see you, Father, the night you rise up in arms,
“To use humane strength against brute cruelty”.
Oh, this sacred energy fills up Heaven and Earth,
And disperses the foolish invading  Northern enemies.
(Le Loi)

7.
I see you, Father, majestically riding your elephant,
Cannons blast in four directions, ordering assault on the citadel,
You fight for independence, to keep your hair long, your  teeth stained,
The Red River water turned red, tainted with enemies’ corpses.
(Nguyen Hue)

8
I see you, Father, when still a child, but already a King,
You weep at your downtrodden people’s sight.
Little food for the starved  three hundreds piasters can bring,
But your love imbibes  their world of suffering.

(Duy Tan)

9
I see you, Father. walking to the guillotine,
Valiantly shouting  loud and clear: “Vietnam”,
And mountains and rivers resonate with your urging:
“Even in failure, be a decent human being”.
(Nguyen Thai Hoc)

10
I see you, Father, in a cloud of chalk dust;
On the blackboard of life, you draw pictures of love;
In the nursery your bony  hands shape young plants,
Hoping  secular trees for the future will grow in thousands.
(Teachers)

11
I see you, Father, in my dreams, sailing out to high seas.
The East Sea water adds  its salt to your paternal love,
Your boat speeds away, winds swelling your sails with might,
Fish and shrimps are laden with  savors from remote skies.
(Fishermen)

12.
I see you, Father, on  green fields, on vast plains,
Day after day, working to  bring your rice harvest home,
Your soul is like the immense vault of heaven,
That neither heavy rains, nor strong winds will overcome.
(Farmers)

13
I see you, Father, from morning, till afternoon, evening,
Absorbed in your work, losing track of time,
You sell goods, but never deal in lies, not in your village,
Nor far away; you never put your reputation on the line.
(Merchants)

14
I see you, Father, a porter on the wharf.
On your shoulders, heavy burdens weigh,
Your hard life does not show any escape;
Only your children’s love  makes you forget your long days.
(Laborers)

15
I see you, Father, standing  in line to sell your blood,
You lost your job, now you fall into misery,
You sacrifice your  health to bring home  meager food.
Heartbroken,  your children cry for a paradise lost.
(Blood Selling Fathers)

16.
I see you, O Father, Hallowed Spirit of Vietnam,
You are the Soul, the  Blood in me,
You are my warmest love,  the East Sea,
You are The Truong Son Range, infinite strength and majesty.
Nguyễn Hoàng  Lãng Du

English translation by J. B. Ho (6-5-2014)

Sunday, June 28, 2015

TRANH THƠ-NHẠC Thanh An thực-hiện

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc TRANH THƠ-NHẠC, 
 do Thanh An phối-hợp trên Trang nhà Làng Huệ

 "Tranh mang mầu sắc Quê-Hương. Nhạc Dân-Tộc đặc-sắc do các nhạc sĩ trình-tấu tuyệt-vời . Thơ rất ngắn nhưng tình lại rất  dài". NHLD
Lời dẫn:  
        Ðúng là những bài thơ ngắn  nhưng chở nặng tình người, tình đời và tình yêu. Trong suốt những vần thơ của nhiều tác gỉa ta đều thấy chung một điều là họ làm thơ không phải để phô diễn hay chuyên chở điều gì cao siêu, xa lạ. Họ chỉ muốn ta dừng chân, thở nhẹ, lắng nghe và nhìn lại cuộc đời quanh ta. Ở đây ta không chỉ đọc thơ, nghe thơ và còn được nhìn thơ nữa. Ta có cảm giác như nắm được hơi thở, chụp được ánh mắt, ru theo lời nhạc và nhiều hơn cả là tâm hồn rung lên như cành hoa lắc lay trước gió rộn ràng.
        Ðâu đây ta vẳng nghe tiếng sáo, tiếng đàn tranh quyện vào nhau những âm thanh quen thuộc từ thuở nằm nôi, nhưng cứ tưởng như đang vọng về từ cõi nào xa lơ xa lắc. Thơ, nhạc và tranh họa quê hương đã lồng vào nhau. Không cần phải khi đọc một bài thơ rồi ngồi tưởng tượng tiếng sáo diều hay nhớ đến khói lam chiều trên mái nhà tranh quê cũ. Cũng không phải giải nghĩa ra nhà thơ muốn nói về điều gì. Không khúc mắc nhưng cũng không qúa dễ dãi trong thi từ, những bài thơ ngắn, nối với nhau, như những tảng mây quyện quần, bay bay theo tiếng gió.
        Tiếng gió, tiếng lòng, hay tiếng nhạc...như tiếng ai đang gọi ta từ bên kia bờ vô thức.
         Kỷ niệm cùng với tâm tình sống mãi với thời gian trong những bài thơ có tranh và nhạc hoạ.
Ðẹp, hay và lạ lắm!
Nguyên Lương

Click here:

Tuesday, June 3, 2014

Bạch Xuân Phẻ, Người Thơ Dưới Bóng Thiền


Tranh Phan Tấn Hải

Bạch Xuân Phẻ là nhà thơ không xa lạ gì với nhiều người. Anh còn có biệt-hiệu là Tâm Thường Định. Thơ anh đã xuất-hiện trên nhiều trang mạng, trên báo-chí trong và ngoài nước. Anh đã cho ấn-hành bốn tập thơ “Hương Lòng”, “Mẹ, Cảm-Xúc Và Em”, “AWAKEN: Buddhism, Nature, and Life”, và “Tưởng Niệm và Tri Ân”.
Anh làm thơ theo các thể-loại khác nhau viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh. Thi hứng anh dồi-dào: gặp người quen: anh làm thơ; nhìn khung-cảnh đẹp: anh làm thơ; thấy hoa nở: anh làm thơ…. Con người anh dễ rung-động với những gì xẩy ra trước mắt.
Thơ anh có lúc đơn giản như ca-dao, có lúc mượt-mà như đồng mạ non buổi sớm; có lúc thô-sơ như những con đường đất quê-hương.
Anh không chú-tâm vào cái bóng-bẩy, kiểu-cách mà chân-thật đơn-giản.
Viết về người Mẹ với tấm lòng bao-la trong tình suối nước non ngàn, Nhơn Lý biển cát,… anh ghi lại bằng những đề-tài mà chưa một ai chọn-lựa như “Cắt Móng Tay Cho Mẹ”, “Mẹ Đang Bệnh”, “Cái Nốt Ruồi Của Mẹ”. Nói như thế không có nghĩa là không có những câu thơ trác-tuyệt:
                                        Đến đi trong cõi sắc hương
                               Thong dong, tự tại con đường mẹ đi

                                       Mẹ mênh mông cõi từ-bi

                              Mây qua đỉnh núi thoát ly vô thường.

                                      (Thương Mẹ, Thương Cả Nhân Sinh)

Viết về người Cha với hình ảnh của bầu trời rộng lớn trăng sao, của rừng già xanh mướt, của điệu hò còn vang-động cuối trời, anh đã để tình-cảm tình-cảm tràn-ngập yêu-thương thành-kính.
Anh viết về vợ, về con với những đề-tài tưởng như rất thường, rất nhỏ nhưng thơ anh biến các điều đó thành những gì trân-quý, đáng giữ-gìn.
Anh cũng viết về hình ảnh người đẹp mà ai cũng muốn có làm bạn đường:
                             Ta chết ngất, một thời em gái Huế
                             Thân mảnh mai, gò má đỏ hây hây
                             Nụ cười đó, mái tóc huyền rất mượt
                             Nay xa rồi, hình bóng vẫn đâu đây
                                                     (Dĩ Vãng Một Cuộc Tình)

Thơ Bạch Xuân Phẻ không than-van, rên-rỉ; không chán-chường, yếm-thế.
Anh dùng cả những dịp không may để giáo-dục con cái. Có lần, mắt anh bị đau phải băng một bên. Hai con trẻ tinh nghịch cùng băng mắt, thế là anh có cơ hội dạy con được cái kinh-nghiệm “Mắt Một Con Nhìn Đời”.
Bạch Xuân Phẻ có cái nhìn lạc-quan với cuộc đời. Hai câu thơ sau đây có thể được coi là đạt đạo:
                                    Trăm cay đắng, trăm ngậm ngùi
                            Thấy trong tuyệt vọng, niềm vui trọn đầy
                                                (Kiếp Phong Trần)

Bạch Xuân Phẻ viết nhiều về Đạo. Những bài thơ dù dưới đề-tài nào cũng chan-hòa ánh đạo vàng:
                             Ai nhỏ bé trước thiên-nhiên hùng vĩ?
                             Nhịp tim nào thổn thức trước ngàn sao
                             Và tiểu ngã chan hòa cùng đại ngã
                             Ôi hư không! em có nếm vô thường?
                                                    (Núi Rừng Bảo Pháp)

Người làm thơ thường hay viết về “em”. Bạch Xuân Phẻ cũng không tránh được điều này… Em với mái tóc của thơ và mộng trên những con đường  mùa xuân hoa nở đẹp  trong mơ. Nhưng dù đường Bắc, đường Nam, đường Đông, đường Tây em vẫn sẽ hạnh-phúc vì em có được cái tâm Bồ-Đề:
                            Con đường lớn em thong dong nhẹ bước
                            Mái tóc huyền lặng lẽ bỏ lại sau
                            Bồ Đề Tâm vun trồng vớt niềm đau
                            Đường hỷ lạc ai ung dung đang đến
                                    (Nụ Cười An Lạc)         

Anh không chỉ nhìn Đạo qua hình ảnh bề ngoài của một ngôi chùa, Bạch Xuân Phẻ ngộ được Đạo trong triết-lý thâm sâu mà không phải ai cũng được cái Duyên này.
Từ trong chùa nhìn ra, những bức tường vây quanh không che được cái chân trời rộng lớn trước mắt anh … Anh thấy vẻ đẹp của thiên-nhiên, thấy vẻ đẹp của Con Người, thấy vẻ đẹp của các tôn-giáo khác vì thế anh viết “Phật Chúa Trong Ta”,  anh viết lời ca-ngợi ca-tụng vị lãnh-đạo tinh-thần của Công Giáo: “Giáo Hoàng Mới, Hy Vọng Mới” (New Hope, New Pope)
Thơ anh còn là tiếng chuông đánh thức lương-tâm của nhân-loại:
                            In Phnom Penh, Cambodia
                            The early teenager girls
                            Trading their virginity for food
                            For their love ones to survive.
                                    (Phnom Penh)
hoặc:
                                    ……………………………….
                            The temperature reaches 110 degree Fahrenheit
                            A homeless woman
                            And her belongings
                            Try to take refuge
                            In an air-conditioned shopping mall
                            She was asked to leave.

                                    (The First World)

Điều lạ-lùng nơi Bạch Xuân Phẻ là không ai dạy anh làm thơ khi còn ở Việt Nam và sau khi sang Mỹ năm 15 tuổi. Anh tự học.

Ông nội anh có lần hô-hào người trong Làng cứu một chiếc thuyền bị nạn ngoài khơi. Khi thoát nạn,  người trên thuyền làm một  bài thơ tặng. Mẹ anh ru các con lớn lên bằng bài thơ ân-nghĩa đó… Có lẽ tình yêu người, sự tận-tụy và hy-sinh của gia-đình đã làm thơ anh phảng-phất cái Tình Đạo của Dân-Tộc
            Muốn thơ có thể vượt biên-giới tới những người khác chủng-tộc thì thơ ít nhất phải có tư-tưởng, hình ảnh, mầu sắc trong đó. Số người làm được thơ như thế không nhiều nhưng Bạch Xuân Phẻ có thể là một trong những người hiếm-hoi đó.

                         Viết tại trang Đào Trúc
                           mùa đông lạnh, đầu năm Giáp Ngọ

                          Nguyễn Hoàng Lãng Du.


Xin bấm vào đây để đọc thêm
Bài viết/giới thiệu về thơ Bạch Xuân Phẻ

How to order books / Cách mua sách.