Showing posts with label Thích Minh Châu. Show all posts
Showing posts with label Thích Minh Châu. Show all posts

Wednesday, March 11, 2020

Tuyên Ngôn Thành Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam

Tư Tưởng #2, (22-01-1975): Tuyên Ngôn Thành Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam


Viện Đại học Đà Lạt (Công giáo) | Flickr
Trong những năm gần đây, nền Giáo dục Đại học tại miền Nam đã phát triển vượt bực. Sĩ số gia tăng quá nhanh khiến cho các cơ sở Đại học không đủ đáp ứng nhu cầu giáo dục của tầng lớp thanh niên học sinh.
Trước nhu cầu giáo dục ngày một gia tăng ấy, các Viện Đại học Tư lập có bổn phận tiếp tay với Chính phủ trong cố gắng không ngừng nhằm cải tiến nền giáo dục của nước nhà, hầu góp phần tích cực vào việc phát triển Quốc gia.
Trong chiều hướng đó, chúng tôi, Viện Trưởng năm Viện Đại học Tư lập hiện hữu là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài, nhận thấy đã đến lúc phải thắt chặt mối liên lạc hợp tác, để có thể hoàn thành trách nhiệm chung đối với nền Giáo dục Đại học quốc gia. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã đồng ý thành lập một Hội Đồng lấy tên là Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được đại diện bởi Hội đồng Viện Trưởng. Các Viện Đại Học hội viên đều bình đẳng trong mọi hoạt động của Hội Đồng và có trách nhiệm như nhau trong việc vận động thực hiện những quyết định chung của Hội Đồng. Một bản Nội qui của Hội Đồng cũng đã được chúng tôi soạn thảo và thông qua để ấn định mục đích và việc điều hành của Hội Đồng.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập nhằm ba mục tiêu:
1. Hợp tác để nâng cao phẩm chất Giáo dục Đại học.
2. Bảo vệ quyền lợi của Giáo sư, Nhân viên và Sinh viên các Viện Đại học Tư lập hội viên.
3. Nói lên tiếng nói chung của giới Đại học Tư lập.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam không hoạt động chính trị, không xâm phạm tính cách tự trị của mỗi Viện Đại học hội viên.
Chúng tôi tin rằng việc thành lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển giáo dục nước nhà, một giai đoạn trong đó các Viện Đại học, không kể công tư, đều hợp tác chặt chẽ với nhau, để thể hiện chủ trương giáo dục con người toàn diện, trong tinh thần phục hưng tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời thâu hóa tiến bộ của văn minh thế giới, có như thế Đại học mới phục vụ được đời sống tinh thần và vật chất của dân chúng một cách thiết thực.
Trong đường hướng và mục tiêu ấy, chúng tôi mong mỏi được đón nhận sự hợp tác thân hữu của Chính phủ, các Viện Đại học bạn, các Cơ quan đoàn thể và Đồng bào mọi giới.
Saigon, ngày 27 tháng 9 năm 1973
— Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt
— Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
— Viện Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo
— Viện Trưởng Viện Đại Học Minh Đức
— Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài

Diễn văn của Thượng tọa Thích Minh Châu, Chủ tịch Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam nhiệm kỳ 1974-1975, đọc trong buổi tiếp tân của Hội Đồng ngày 05-12-1974.

Kính thưa Quý vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo,
Kính thưa Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Xã hội,
Kính thưa ông Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên,
Kính thưa Quý vị Nghị sĩ và Dân biểu,
Kính thưa Quý vị Quan khách.
Nhân danh Chủ tịch Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam nhiệm kỳ 1974-1975, chúng tôi hân hoan chào mừng Quý vị, và xin chân thành cám ơn Quý vị đã nhận lời đến dự buổi Tiếp tân của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam hôm nay. Sự hiện diện đông đủ của Quý vị đã nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Quý vị đối với các hoạt động của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Kính thưa Quý Liệt vị,
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập từ đầu niên khóa 1973-1974 với 5 Viện Đại học Tư lập Hội viên là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài nhằm mục đích hợp tác để nâng cao phẩm chất giáo đục Đại học, gia tăng hiệu năng đóng góp của các Đại học Tư lập trong việc xây dựng nền giáo dục Đại học Việt nam, đồng thời tiếp tay với Chính phủ trong việc cải tiến nền giáo dục nước nhà, ngõ hầu góp phần tích cực trong việc phát triển quốc gia. Trong tinh thần và mục đích đó, Hội Đồng Đại học Tư lập Việt nam đã được Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên hợp thức hóa bởi Nghị định số 1551/VHGDTN/PCKH/HV/NĐ ngày 13-07-1974 và được sự cộng tác thân hữu của các cơ quan, đoàn thể.
Để thực hiện các mục tiêu mà Hội Đồng đã đề ra, trong niên khóa đầu tiên 1973-1974, Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam đã chú trọng đến sự gặp gỡ thường xuyên giữa các Viện Đại học Tư lập Hội viên cũng như đối với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên để thắt chặt mối liên lạc hợp tác và thảo luận các vấn đề căn bản trong việc xây dựng và phát triển nền giáo dục Đại học Tư lập trong cộng đồng giáo dục quốc gia.
Trong niên khóa 1974-1975 này, Hội Đồng sẽ chú trọng đến các chương trình học vụ của các Viện Đại học Hội viên nhằm trao đổi, dung hợp và tăng tiến phẩm chất giáo dục Đại học, cùng gia tăng các hoạt động sinh viên vụ để tạo môi trường hoạt động thích hợp cho sinh viên các Viện Đại học Tư lập, tạo sự thông cảm và đoàn kết trong hàng ngũ sinh viên, đồng thời để bổ túc cho các kiến thức lý thuyết ở nhà trường. Hội Đồng cũng sẽ cố gắng liên lạc mật thiết và hợp tác chặt chẽ với các Đại học Công để cùng nhau hoàn thành trách nhiệm đối với nền giáo dục Đại học Việt nam và thể hiện chủ trương giáo dục con người toàn diện, đánh tan quan niệm phân biệt Công, Tư trong lãnh vực giáo dục Đại học. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào việc dự thảo quy chế Đại học Tư lập để các Đại học Tư có một căn bản pháp lý ngõ hầu giúp cho việc phát triển được dễ dàng để có thể đóng góp một cách hữu hiệu trong việc xây dựng xứ sở.
Hiện nay, trước sự gia tăng sĩ số sinh viên một cách nhanh chóng, nhất là trong niên khóa này sĩ số sinh viên của 5 Viện Đại học Tư đã lên đến gần 30.000 sinh viên. Hơn nữa các Đại học Tư cũng đã đi tiên phong trong việc mở các ngành học mới như: Quản trị, Thương mại, Báo chí v.v… đã đáp ứng nhu cầu cần thiết của việc phát triển xứ sở. Do đó, sự hiện điện của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam là một nhu cầu vô cùng cần thiết, đánh dấu một nỗ lực mới của tư nhân trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, trước tình trạng kinh tế mỗi ngày một gia tăng, ngân sách quốc gia lại vô cùng eo hẹp không thể nào tài trợ đầy đủ cho các Đại học Tư để đáp ứng nhu cầu phát triển. Do đó, các Đại học Tư lập đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng đầy đủ phương tiện học tập cho sinh viên cũng như giúp đỡ cho đời sống sinh viên được hữu hiệu hơn. Vì vậy chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các đoàn thể tôn giáo và sự giúp đỡ của Chính phủ, của các cơ quan, đoàn thể và nhất là của các hiệp hội tư nhân, các giới công thương kỹ nghệ gia để giúp cho chúng tôi đáp ứng được nhu cấu học hỏi của đa số sinh viên và nhu cầu cần thiết trong việc mở mang và xây dựng xứ sở. Ở đây chúng tôi xin chân thành cám ơn cơ quan Lập pháp đã thông cảm sự khó khăn của các Viện Đại học Tư lập nên đã tích cực giúp đỡ trong niên khóa vừa qua. Chúng tôi mong mỏi sẽ được Quý vị Nghị sĩ, Dân biểu tiếp tục hỗ trợ để giúp cho các Đại học Tư lập được chính thức công nhận là các cơ sở hoạt động có tích cách lợi ích công cộng và Khoa học, Văn hóa và Giáo dục để khuyến khích sự đóng góp tích cực của tư nhân vào việc phát triển giáo dục Đại học Tư lập, giúp cho chúng tôi hoàn thành trách nhiệm giáo dục một thế hệ thanh niên trí thức có khả năng và đạo đức xứng đáng góp phần vào việc xây dựng và kiến thiết quốc gia. Chúng tôi cũng xin cám ơn Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đã cố gắng giúp đỡ và cộng tác với Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam. Nhờ sự cộng tác và giúp đỡđó, chúng tôi đã vượt qua được nhiều sự khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình.
Riêng phần các Viện Đại học Tư lập Hội viên chúng tôi luôn luôn tự cố gắng tích cực trong phạm vi phương tiện có được để cải thiện không ngừng hầu đáp ứng nhu cầu phát triển chung của quốc gia và hoàn tất nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên. Qua hoạt động của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được môi trường thuận lợi cho việc cải tiến và gia tăng phẩm chất giáo dục của các Viện Đại học Hội viên. Chúng tôi cũng quan niệm rằng Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam là một cơ chế chung của các Viện Đại học Tư Lập. Năm Viện Đại học hiện nay chỉ là các sáng lập viên, Hội Đồng sẵn sàng tiếp đón các Viện Đại học tân lập gia nhập để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tăng tiến phẩm chất.
Trước khi dứt lời, một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả Quý vị và ước mong nhận được sự hỗ trợ quý báu của tất cả Quý vị dành cho Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Trân trọng kính chào Quý vị.
T.T. THÍCH MINH CHÂU
Chủ tịch
Hội Đồng Đại Học Tư Lập
Việt Nam nhiệm kỳ 1974-75
Trích Tạp chí Tư Tưởng số 2, (22-01-1975). Chuyên đề về: ĐẠI HỌC TƯ TẠI VIỆT NAM. (Chủ nhiệm: Thích Minh Châu, Tổng thư ký: Đoàn Viết Hoạt)

Wednesday, December 4, 2019

Sứ Mệnh Của Con Người Trí Thức Trong Hoàn Cảnh Việt Nam và Thế Giới Ngày Nay*

Thích Minh Châu (1959): Sứ Mệnh Của Con Người Trí Thức Trong Hoàn Cảnh Việt Nam và Thế Giới Ngày Nay*

Tác giả, Thượng tọa Thích Minh Châu, nhận bằng tiến sĩ từ Tổng thống Ấn Độ

* Chú Thích: Diễn văn của Thượng tọa Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
trong dịp phát Văn bằng Cử Nhân Phật Khoa và Văn Khoa ngày 26-5-1969.
Hôm nay, ngày 26 tháng 5 năm 1959, là một ngày trọng, đại của Viện Đại Học Vạn Hạnh, ngày cấp phát Văn bằng cử Nhân đầu tiên cho lớp Sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của hai Phân Khoa, Phật Khoa và Văn Khoa, của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Nhân ngày long trọng hôm nay, chúng tôi muốn xác định lại vài ý nghĩa chính yếu về con đường văn hóa của Đại Học Vạn Hạnh, về ý nghĩa của ngày quan trọng hôm nay, về tinh thần của con người Đại học hay sứ mệnh của con người trí thức trong hoàn cảnh Việt Nam và Thế Giới hiện nay.
Hơn ai hết, một người sinh viên tốt nghiệp phải cần ý thức về con đường văn hóa của một trường sở mà đời sống tinh thần và trí thức của mình đã được nuôi dưỡng trong bao nhiêu năm trời; con đường văn hóa ấy không phải chấm dứt ngày sinh viên tốt nghiệp, trái lại, ngày sinh viên tốt nghiệp chính là ngày đầu tiên mà người sinh viên khởi sự bắt đầu bước lên trên con đường văn hóa ấy một cách ý thức nhất và một cách triệt để nhất. Con đường văn hóa ấy là con đường gì? Phát xuất từ đâu và sẽ đi về đâu?
Hôm nay, chúng tôi xin lựa chọn ngày long trọng nầy để tuyên bố ý nghĩa và sứ mệnh của Viện Đại Học Vạn Hạnh trên con đường văn hóa nhân loại ở thế kỷ XX, vạch lại một hướng đi, chẳng những cho nền Đại Học Việt Nam và Á Đông mà còn có tham vọng thử tìm ra con đường nào đó thoát ra ngoài sự bế tắc của nền văn hóa hiện đại. Có thể có người sẽ cho rằng chúng tôi quá tham vọng khi chúng tôi đã vội táo bạo tuyên bố «Thử tìm ra con đường nào đó thoát ra ngoài sự bế tắc của nền văn hóa hiện đại»sở dĩ chúng tôi vội vàng tuyên bố như vậy là vì chúng tôi đã từng suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của Giáo dục đối với sự đảo lộn những giá trị hiện nay ở thế giới. Chúng tôi đã từng thắc mắc nhiều về vai trò của Đại học trong việc lãnh đạo ý thức văn hóa của con người hiện đại; tất cả những suy nghĩ và những thắc mắc của chúng tôi đã làm thành con đường văn hóa của chúng tôi, tạo thành một chủ hướng ý thức cho việc xây dựng Viện Đại Học Vạn Hạnh và việc hun đúc những thế hệ xuất thân từ Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Ngày long trọng hôm nay cũng là ngày mà Giáo sư và Sinh viên của Viện Đại Học nầy cần phải ý thức rõ ràng ý nghĩa và sứ mệnh của Viện Đại Học mình trong tình cảnh phân tán của đất nước và thế giới hiện nay. Những sắc thái nào là những đặc tính của Viện Đại Học Vạn Hạnh và phân biệt sự khác nhau căn bản giữa Viện Đại Học Vạn Hạnh và những Viện Đại Học khác? Viện Đại Học Vạn Hạnh có thể cống hiến những gì đặc biệt của Vạn Hạnh? Viện Đại Học Vạn Hạnh có thể đưa ra những gì là độc đáo khả dĩ góp phần vào việc minh định lại hướng đi của Văn hóa nhân loại hiện nay? Đó là những sự thắc mắc nền tảng đã đeo đuổi những suy nghĩ của chúng tôi từ bao nhiêu năm nay. Sau đây, chúng tôi xin đúc kết lại những quan điểm căn bản của chúng tôi. Những quan điểm căn bản này được xây dựng từ những nghi vấn thắc mắc sau đây:
1. Hiện trạng của nền Đại Học ở Thế giới như thế nào?
2. Nền Đại Học hiện nay ở Việt Nam có nên đi lại con đường của nền Đại Học Thế giới hay cần phải tự tạo ra con đường độc đáo của mình?
3. Phận sự của Viện Đại Học Vạn Hạnh phải như thế nào trong tình cảnh Việt Nam và Thế giới hiện nay?
Trả lời ba câu hỏi trên chính là trả lời ý nghĩa của con đường văn hóa dân tộc, con đường văn hóa mà Viện Đại Học Vạn Hạnh đang đi và đang tiếp tục theo đuổi thể hiện ý chí và bản nguyện của ý thức con người trước trách nhiệm với đất nước và lịch sử nhân loại.
I. Hiện trạng của nền Đại Học ở Thế giới như thề náo?
Nói đến nền Đại học hiện nay ở Thế giới là nói đến nền Đại bọc hiện tại của Thế giới Tây Phương, vì tất cả những Viện Đại học hiện ở Á Châu cũng đều là sản phẩm của nền Đại học Tây phương, ở toàn cõi Á Châu hiện nay, không có một Viện Đại Học nào mà không rập theo khuôn mẫu của nền Đại Học Tây Phương từ tổ chức hành chánh cho đến tổ chức giảng huấn, từ đường hướng lý tưởng cho đến mục tiêu hoạch định, tất cả những nền Đại Học ở những xứ Đông Phương hiện nay đều là những Viện Đại Học Tây Phương, từ hình thức cho đến nội dung bản chất; gọi là «Viện Đại học Á Đông» thực ra chỉ là gọi một cách hoa mỹ mà thôi. Chúng ta phải cần nhận thức đầu tiên rằng hiện nay chỉ có một nền Đại học ở Thế Giới, đó là nền Đại học xuất phát từ truyền thống Tây Phương. Nguồn gốc của nền Đại học Tây Phương là những tu viện Thiên Chúa Giáo ở thời Trung cổ, chúng ta thấy rằng những Viện Đại học đầu tiên ở Tây Phương đã được thiết lập từ Thế kỷ XII và XIII, như Viện Đại học Salerno, Bologna và Reggio ở Ý Đại Lợi vào khoảng năm 1158 và 1188, Viện Đại học Paris và Montpelier ở Pháp vào khoảng năm 1181, Viện Đại học Oxford và Cambridge ở Anh vào khoảng năm 1167-1168 và năm 1209. Những Viện Đại học trên đều là sản phẩm của những trung tâm Thần học Thiên Chúa Giáo thời Trung cổ, và Viện Trưởng Viện Đại học Âu Châu lúc bấy giờ thường là kẻ đại diện cho Đức Giáo Hoàng. Chúng ta cần phải ý thức rằng Thiên Chúa Giáo đã giữ vai trò quyết định cho nền Giáo dục Tây phương và ngay cả những nền Đại học ở Tân Lục Địa Mỹ Châu, Tất cả những Viện Đại học nổi đanh nhất ở Mỹ Châu như Harvard, Yale, Columbia vân vân, đều được thành lập cai quản bởi những giáo sĩ Tin Lành; trong các Viện Đại học Âu Châu, cho mãi đến năm 1700, phân khoa quan trọng nhất và giữ vai trò thống trị chính là phân khoa Thần học Thiên Chúa Giáo, chỉ trừ cuối Thế kỷ XVII trở đi thì một tinh thần mới được thổi vào những Viện Đại Học Tây Phương, đó là tinh thần Khoa Học; tác phẩm Novum Organum của Bacon được dạy tại Oxford và Cambridge vào năm 1875, tại Oxford, Vật lý học của Newton được bắt đầu dạy năm 1700 để thay thế Aristote, những Đại học đi tiên phong trên con đường Khoa học tân tiến là những Viện Đại học Đức như Viện Đại học Halle vào năm 1694, Viện Đại học Goettigan vào năm 1737, hai Viện Đại học này đã chống lại tinh thần hạn hẹp của truyền thống Đại học cũ, dạy Descartes và Bacon để thay thế Aristote, dạy bằng chữ Đức thay vì chữ La Tinh, thay thế sự phục tùng quyền uy tín điều bằng óc tự do khảo cứu, phát huy tinh thần tự do Đại học, tự trị Đại học: cho đến năm 1810 khi Viện Đại học Berlin được thành lập thì tinh thần Đại học trên (do Halle Gottigen khơi mào) đã được thể hiện hoàn toàn và được coi như là lý tưởng của một Viện Đại học Tân tiến gương mẫu. Nhìn qua truyền thống Đại học Tây phương, chúng ta thấy ba khuynh hướng tinh thần:
1. Khuynh hướng tinh thần Thiên Chúa giáo ở thời Trung cổ và ở thời Tôn giáo cải cách (la Réforme)
2. Khuynh hướng tinh thần nhân bản ở thời văn nghệ phục hưng (la Renaissance)
3. Khuynh hướng tinh thần khoa học từ cuối thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX
Thượng đế, con người và Khoa học, ba danh từ này có thể tóm tắt lại ba khuynh hướng tinh thần của truyền thống Đại học Tây phương và ngày nay, không có một Viện Đại học Tây phương nào mà lại không nằm trên ba tinh thần trên. Chính những quan niệm căn bản của nhà giáo dục Tây phương về ba ý niệm Thượng đế, con người và Khoa học đã giữ vai trò quyết định triệt để cho truyền thống đại học Tây phương; chúng ta cũng cần nên ý thức rằng chính những quan niệm về ba ý niệm căn bản này đã được quy định triệt để trong tinh thần văn hóa Do Thái, La mã, Hy lạp; ba nền văn hóa này phối kết nhau mà tạo ra văn minh Tây phương: Thượng đế của Do thái, con người của La mã và Khoa học của tinh thần duy lý Hy lạp, đó là ba ý thức dẫn đạo truyền thống Đại học Tây phương.
Hiện trạng của nền Đại học ở thế giới như thế nào? Đó là hiện trạng khng hoảng trầm trọng. Sự khủng hoảng trầm trọng của nền Đại học Tây phương hiện nay xuất phảt từ sự khủng boảng trầm trọng của chính nền văn minh Tây phương, vì Đại học chính là ý thức dẫn đạo cho cả nền văn minh; sự khủng hoảng của nền văn minh Tây phương là sự khủng hoảng của ý nghĩa, khủng hoảng giữa những quan niệm khác nhau về Thượng đế, về con người và về Khoa học, nói tóm lai là sự khủng hoảng giữa tôn giáo và của chính tri thức. Thế kỷ XX chỉ là sự tập đại thành của những sự khủng hoảng manh nha phát khởi từ lâu trong lòng văn minh Tây phương.
Khủng hoảng về ý nghĩa của Thuợng đế: không phải chỉ có một ý nghĩa độc nhất về Thượng đế mà còn những ý nghĩa khác hẳn, Luther mở đầu một sự giải thích khác, và đại học đường Wittenberg là nơi cư ngụ của Luther và viện đại học Marburg được thành lập năm 1527 là viện đại học Tin lành đầu tiên, đi ngược lại tinh thần của những viện đại học Công giáo. Và từ những năm 1870-1879, tại viện đại học Basel, Nietzsche đã chuẩn bị nói lên sự khủng hoảng về ý nghĩa của một Thượng đế, và đến thế kỷ XX. tại những viện đại học Harvard và Yale, nhà thần học Tin lành Paul Tillich bắt đầu lập lại kinh nghiệm của Nietzsche trong việc tuyên bố rằng Thượng đế của Thần học đã chết; và con người Tây phương, theo Paul Tillich, phải cần đi tìm một Thượng đế vượt qua Thượng đế của Thuần học.
Khủng hoảng về ý nghĩa của con người: viện đại học Wittenberg được thành lập vào năm 1502 và được coi là một viện đại học nhân bản đầu tiên, con người theo quan niệm La mã đã được thay thế lại bằng con người theo quan niệm Hy lạp; phong trào này phát khởi từ những đại học Pavia Florence, Padua và Rome, rồi lan rộng đến Paris, Heidelberg, Erfurt, Leipzig, Oxford và Cambridge vào năm 1520. Nhưng quan niệm về con người lần lần được thay đổi bởi quan niệm khoa học về con người, con người hiểu theo thực nghiệm, đối tượng của phương pháp khoa học hơn là của siêu hình học hoặc nhân bản học thời văn nghệ phục hưng, đại diện cho khuynh hướng mới là Francis Bacon mà tác phẩm của ông đã được giảng dạy khắp những đại học nổi danh tại Âu châu lừ 1675 trở đi. Ngày nay, ý nghĩa về con người đã được xác định bởi một khoa học mới tức là khoa nhân chủng học, nhưng nền tảng nhân chủng học hãy còn chưa vững, bị lung lay đồng nhịp với sự khủng hoảng về nền tảng của những nền khoa học Tây phương: câu nói của André Malraux vẫn mang một ý nghĩa đáng suy nghĩ: «Phải cần thiết lập lại một nền tảng mới cho con rgười» (l’homme doit être fondé à nouveau).
Khủng hoảng về ý nghĩa của khoa học: nhà toán học và triết gia nổi danh Husserl đã tố cáo sự khủng hoảng này trong những bài giảng về sự khủng hoảng của nền khoa học Tây phương vào năm 1934-1935 trước giới đại học ở Vienne và Prague. «thoạt đầu tiềm tàng, cuộc khủng hoảng của nhân bản Âu châu càng lúc càng bùng nổ rõ ràng lộ liễu chói lòa, sự khủng hoảng này xâm chiếm tất cả những khu vực có ý nghĩa của sinh hoạt văn hóa Âu châu, nói gọn lại, xâm nhập toàn điện sự hiện hữu Âu châu (Husserl, Phi osophia, t. I. tr.89). Đến khi thuyết vật lý học của Heisenberg và toán học của Gobel xuất hiện thì chúng ta thấy rằng khoa học Tây phương bắt đầu bước sang giai đoạn khủng hoảng về nền tảng.
Từ sự khủng hoảng chính yếu về ý nghĩa của Thượng đế, của con người và của khoa học, ngày nay, chúng ta thường nghe nói đến khủng hoảng của xã hội và giáo dục. Hồi năm vừa qua tại Hội nghị Quốc gia và Giáo dục Đại học của Hiệp Hội Mỹ Quốc về Giáo dục Cao đẳng (National Conference on Higher Education of the American Association for Higher Education), nhà Bác học Barry Commoner, chủ tịch phân bộ thực vật học và Giám Đốc Trung tâm Sinh vật học của Đại học đường Was­hington, St Louis đã trình bày về «Sự khủng hoảng song hành của Khoa bọc và Xã Hội » (The Dual crisis in Science and Society), bài thuyết trình này đã đăng lại trong tạp chí Today’s Education (Oct. 1968) của Hiệp Hội Giáo dục Quốc gia Huê Kỳ (NEA), Giáo sư Barry Commoner đã nói lên tiếng kêu báo nguy tiêu biểu cho những con người văn hóa ý thức nhất hiện nay: «Chúng ta đang cố gắng để sống trên mặt trăng, thế mà chúng ta lại không sống với nhau một cách hòa bình ở ngay nơi địa cầu của chúng ta» (We are attempting to live on the moon but we cannot yet live peacefully on our own planet), «chúng ta có thể nuôi dưỡng một người cô lập triệt để ởngoại tầng không gian nhưng chúng ta lại không thể nuôi ăn đầy đủ được những trẻ con ở Calcutta hoặc ở Harmel» (We can nourish a man in the supreme isolation of outer space — but we cannot adequately feed the chidren of Calcutta or Harlem).
Sự tiến bộ thành công hiện nay của Khoa học và cơ khí lại đi đôi cùng sự hậu tiến thất bại của nhân tính, đó là «tính cách phi nhân đạo toàn triệt của nền văn minh hiện nay mà chúng ta đang chia sẻ» (… the total inhumanity of the civilisation that we share). Sau khi làm một sự phân tích thấu đáo sâu sắc về sự khủng hoảng song hành của khoa học và xã hội, Giáo sư Barry Commoner đã kết luận bằng cách kêu gọi ý thức trách nhiệm của giới trí thức cao cấp Đại học trong việc phục hồi phẩm chất cho đời sống con người (… a mutual concern with the quality of life). Mấy năm gần đây chúng ta lại chứng kiến bao nhiêu hiện tượng khủng hoảng ở khắp các trường Đại học Âu Mỹ; trong bài khai giảng kỷ niệm 214 năm của trường Đại bọc Columbia giáo sư Richard Hofstadter có nói một câu đáng trích ra đây: «Chúng ta hiện đang ở vào giai đoạn khủng hoảng trong lịch sử của nền giáo dục Huê kỳ và có lẽ trong cả lịch sử nền giáo dục của thế giới Tây phương. Chẳng những ở New York và Berkeley mà cả ở Madrid và Baris, ở Belgrade và Oxford, ở Rome, Berlin và London (We re at a crisis point in the history of American education and probably in the Western world. Not only in New York and Berkeley, but in Madrid and Paris in Belgrade and Oxford in Rome, Berlin and London…) (of. The American Scholar, Autumn 1968, trang 583-589), Giáo sư Jacques Barzun bắt đầu đặt nghi vấn với nền giáo dục Đại học Mỹ (The American Uni-pcrsily: How is Runs, where it is going) và các nhà văn hóa Pháp bắt đầu xôn xao đặt lại nghi vấn với nền giáo dục Đại học Pháp, chẳng hạn Jacques J. Natansoa, trong bài «Les Edu­cateurs à lépreuve» đăng trong tạp chí Esprit số 374 mở đầu bằng tiêu đề «la mort du maitre» và chấm dứt bằng khẩu hiệu «nhà giáo dục phải trước hết tự giáo dục lấy mình» (l’éduca­teur doit d’abord être lui même édaqué). Còn những nền đại học Cộng sản thì lại sa lầy trong những khẩu hiệu và chỉ tạo ra những con người máy móc, hy sinh hiện tại cho ngày mai ảo tưởng.
Hiện trạng của nền Đại học ở thế giới, tức là nền Đại học Tây phương cả tư bản lẫn Cộng sản đã rơi vào sự khủng hoảng như chúng ta đã thấy, sự khủng hoảng hiện nay là phát xuất từ sự khủng hoảng chung của một nền văn minh được xây dựng từ ý thức Do Thái, La Mã và Hy Lạp.
Bây giờ chúng tôi xin tiến đến câu hỏi thứ hai:
II- Nền Đại học hiện nay ở Việt Nam có nên đi lại con đường của nền Đại học Thế giới hay cần phải tự tạo ra con đường độc đáo của mình?
Tất nhiên chúng ta phải chọn lựa một con đường đặc biệt của mình, nếu không muốn rơi vào sự khủng hoảng không thể tránh được mà chúng ta đã thấy trong truyền thống giáo dục Tây phương. Trên con đường văn hóa của nhân loại, không phải độc nhất chỉ có con đường văn hóa của Do Thái, La Mã và Hy Lạp, mà chúng ta phải có ý thức rằng còn nhiều con đường văn hóa khác, nhiều ý thức khác. Nhưng một điều đáng lưu ý hiện nay là những nền Đại học Việt Nam đều đang đi theo truyền thống Đại học Pháp và Mỹ. Trong khi nền Đại học Tây phương đang bị khủng hoảng và họ tự đặt nghi vấn với giá trị của nền văn minh và nền giáo dục của họ thì không lẽ chúng ta lại đi theo họ mà không thử tìm ra những con đường khác, những con đường riêng biệt của mình? Chính vấn đề này đã được nêu lên tại Hội nghị Viện Trưởng các Đại học Quốc tế tại kinh đô Triều tiên năm 1967.
III – Phận sự của Viện Đại  Học Vạn hạnh phải như thế nào trong tình cảnh Việt Nam và Thế giới hiện nay?
Chúng tôi quan niệm rằng không phải chỉ có một truyền thống Đại học duy nhất là Đại học Tây phương mà còn có một truyền thống khác nguyên thủy hơn, đó là truyền thống Đại học Đông phương mà đại biểu chói lọi nhất là những Viện Đại học Ấn độ như Nalanđà, Vikramsità, Odantapura và Jagaddala, những viện Đại học nổi danh thịnh phát từ thế kỷ thứ sáu, thứ bảy, thứ tám trước khi những Đại học Tây phương được thành lập. Ngũ Minh (Panẽavidyà) đã được dạy tại những Viện Đại học trên như (I) Sabdauidyà (tương đương với văn phạm và ngôn ngữ học ngày nay) (II) Cikitsàvidyà (tương đương với học ngày nay), (III) Heluvidyà (tương đương với Luận lý học và Khoa học ngày nay) (IV) Silpasthànasidyà (tương đương vi Văn khoa và M thuật ngày nay); (V) Adhyàimavidyà (tươngđương với triết học và siêu hình học ngày nay). Những Viện Đại học trên là những Viện Đại học Phật giáo Ấn độ cách đây trên mười thế kỷ, đã là Trung tâm văn hóa cho toàn cõi Á châu, những đại học đầu tiên của nhân loại có tính cách phổ biến đại đồng chẳng những dạy Phật giáo mà còn dạy đủ kiến thức quan trọng đương thời, quy tụ những học giả từ Trung Hoa, Tây Tạng và các nước Á Đông.
Viện Đại Học Vạn Hạnh là một Viện Đại học nằm trong truyền thống đại học Đông phương của Nàlandà mang tên của thiền sư Vạn Hạnh, một thiền sư đã giữ vai trò chủ động trong việc gây dựng tinh thần đời Lý; nơi đây, chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng nền giáo dục Việt Nam chỉ bắt đầu từ đời Lý, với cuộc thi Tam trường, cuộc thi đầu tiên của Việt Nam vào năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông và cơ sở học vấn cao đẳng đầu tiên của Việt Nam là Quốc tử giám được lập vào năm 1076 cũng dưới thời Lý Nhân Tông, (và cả Hàn Lâm viện cũng được lập đầu tiên dưới thời Lý năm 1086). Phận sự của Viện Đại Học Vạn Hạnh là:
1. đứng về mặt Đông phương: nối tiếp truyền thống của Nàlandà, Vikramsilà, Odantãpura và Jagaddala;
2. đứng về mặt quốc hồn: nối tiếp truyền thống tinh thần Quc tử giám và Hàn Lâm viện của Việt Nam dưới thời Lý.
Để gây dựng lại cơ sở tinh thần cho ý thức Việt Nam trong bối cảnh của văn hóa Đông phương đối mặt với sự khủng hoảug của truyền thống văn hóa Tây phương.
Con đường văn hóa của Viện Đại Học Vạn Hạnh là con đường khởi đầu từ sự khủng hoảng của văn hóa Tây phương để đi đến sự phục hồi của những giá trị căn bản của Đông phương, tìm lại những nền tảng xây dựng tinh thần Đông phương. Trước tình cảnh Việt Nam và thế giới hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng chỉ còn con đường trở lại mình, v với bản chất của mình mới là con đường khá dĩ giúp đỡ người Việt Nam ý thức triệt để vị trí của mình trong sự quvết định tập thể cho vận mệnh Việt Nam và cho hướng đi của văn hóa nhân loại.
Người trí thức Việt Nam và tinh thần của con người Đại học Việt Nam không thể là tinh thần nô lệ Tây phương, nô lệ truyền thống Tây phương; chúng ta không chống đối ý thức Tây phương, trái lại chúng ta phải cần hiểu Tây phương một cách triệt để; nghĩa là phải hiểu giới hạn của họ, giới hạn ấy đã được biểu hiệu qua những cuộc khủng hoảng trong tất cả mọi lãnh vực và đặc biệt nhất là lãnh vực giáo dục. Họ đã thắng Đông phương qua tinh thần khoa học, nhưng chính tinh thần khoa học ấy hiện nay đang đưa họ đến sự khủng hoảng trầm trọng trong mọi lãnh vực.
Một Viện Đại Học Việt Nam hiện nay nếu muốn thể hiện sứ mệnh lãnh đạo trí thức cho dân tộc, thì không phải chỉ phát huy tinh thần khoa học thôi là đủ mà lại cần phải phát huy cả tinh thần căn nguyên; tinh thần căn nguyên chính là tinh thần của Đông phương, tinh thần lãnh hội thực tại một cách triệt để và toàn diện, nơi căn nguyên của toàn thể ý thức con người.
Tinh thần khoa học có giá trị trong lãnh vực của nó, nhưng bước sang lãnh vực của thực tại toàn diện thì chúng ta phải cần có một tinh thần khác mà chúng tôi gọi là tinh thn căn nguyên, tinh thần ấy là tinh thần của một người ý thức triệt để về sự đảo ngược của những giá trị hiện hành và muốn lên đường tìm lại suối nguồn của Đông phương, tạo lại những giá trị mới và tìm đến ý nghĩa thực sự của đời sống con người hiện nay.
Chúng tôi không quan niệm Viện Đại Học Vạn Hạnh như một cá thể đơn độc, tự mình nhận lãnh một sứ mạng độc đáo nào. Trái lại, chúng tôi luôn luôn đặt Viện Đại Học Vạn Hạnh trong cộng đồng Đại học Việt Nam và cùng với các Đại Học bạn làm được những gì có thể làm để xây dựng một nền Đại học Việt Nam thực sự đúng nghĩa. Ở đây, chúng tôi rất trông mong sự tiếp tay và ủng hộ của các vị Viện Trưởng và giáo sư các Đại học bạn, mà sự hiện diện hôm nay là cả một cử chỉ đầy khích lệ và ý nghĩa.
Hơn ai hết, những sinh viên tốt nghiệp của hai phân khoa Phật khoa và Văn khoa, lại chính là những người cần phải ý thức nhiều nhất về sứ mệnh của mình trong việc khôi phục ý nghĩa cao cả của Đông phương học và của Quốc học, nhưng chúng ta chỉ có thể tự ý thức một cách sâu sắc là khi nào chúng ta ý thức được kẻ khác, chúng ta có thể hiểu Đông phương một cách sâu sắc là khi nào chúng ta hiểu được Tây phương, chúng ta chỉ có thể đạt được tinh thần căn nguyên là khi nào chúng ta đã sở đắc tinh thần khoa học. Con đường văn hóa của chúng ta phải là đi từ tinh thần khoa học, rồi vượt qua tinh thần khoa học để hướng tới tinh thn căn nguyên, chính tinh thần căn nguyên này mới là lộ trình tối hậu của chúng ta; lộ trình của con người ý thức về sự khủng hoảng của thời đại mình, sống với sự khủng hoảng ấy và ợt qua sự khng hoảng ấy để trở về căn nguyên của thực tại và tâm thức và sống một đời sống siêu việt ở ngay nơi thế gian hữu hạn này.
«Ngũ minh» (Pãncavidvà) trong truyền thống đại học Á Đông có mục đích tối thượng là đưa sinh viên đến «Minh » (vidyà) nghĩa là « sự sáng suốt toàn triệt» căn nguyên của tất cả mọi «sự sáng suốt», và «vidyà» chính là để tiêu trừ «vôminh» (Avidyà) tiêu trừ tất cả mọi sự nô lệ và đưa con người đến sự tự do toàn triệt.
«Vidyà» (minh) chính là «tuệ» (Prajnà): Duy tuệ thị nghiệp chính là ý nghĩa tối thượng của sự tốt nghiệp hôm nay. Và chỉ có sự tốt nghiệp theo nghĩa đó mới là sự tốt nghiệp thực sự của người sinh viên Đại học Vạn Hạnh.
Chúng tôi xin cầu nguyện cho ánh sáng được xuất hiện trên đất nước đen tối hiện nay và cầu mong cho tất cả chúng ta được gặp nhau lại trong buổi bình minh của quê hương.
T.T THÍCH MINH CHÂU
_____________________________
Trích Tạp chí Tư Tưởng Số 2 -01-07-1969. Kỷ niệm Phật Đản 2513
Chuyên đề về: PHẬT GIÁO VÀ HÒA BÌNH (Ngô Trọng Anh phụ trách)