Showing posts with label Thích Tuệ Sỹ. Show all posts
Showing posts with label Thích Tuệ Sỹ. Show all posts

Sunday, April 5, 2020

Thơ Tuệ Sỹ Hay Là Tiếng Gọi Của Những Đêm Dài Heo Hút

Thơ Tuệ Sỹ 

Hay Là Tiếng Gọi 

Của Những Đêm Dài Heo Hút

Thích Phước An

Tuệ Sỹ là một trong vài nhân vật kiệt xuất của Phật Giáo Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Quê Quảng Bình nhưng ông sinh ra ở Lào. Lên 7 tuổi thì quy y Phật, học Phật Pháp tại Viện Hải Đức Nha Trang. Ông  thông thạo tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Nhiều chuyên khảo, tiểu luận, bản dịch của ông được giới học giả đánh giá cao.
Tuệ Sỹ còn là nhà thơ. Bùi Giáng có bài viết ngắn với câu kết: “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sĩ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu thực Tây Phương”. Đó là năm 1969 Tuệ Sĩ mới ở tuổi 26.
Số phận của Tuệ Sỹ  vô cùng kỳ lạ. Đang là giáo sư Viện đại học Sài Gòn, Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng, năm 1973, ông đột ngột rời Sài Gòn “về nằm hiu hắt trên đồi cao lộng gió của chùa Hải Đức ở Nha Trang”. Sau biến cố 1975 đến những năm đầu thế kỷ 21, Tuệ Sĩ trải qua hơn 17 năm sống trong lao tù Cộng sản. Sau một vài lần bắt rồi thả, tháng 9 năm 1998, ông bị bắt cùng Lê Mạnh Thát, bị tuyên án tử hình, tội hoạt động lật đổ chính quyền. Sau được giảm án xuống tù chung thân. Sau, do sức ép của “các thế lực thù địch”, chào mừng Quốc Khánh năm 1998, ông được thả tự do. Ra tù, thỉnh thoảng chính quyền lại nhớ ông, gọi ông lên xét hỏi, ngày 11 tháng 10 năm 2003, ông tuyệt thực ba ngày trong nhà tạm giam, chính quyền lại thả ông.
Bài viết của Thích Phước An, khó mà gọi thật chính xác thể loại của nó. Bắt đầu là hồi ức của tác giả từ một chuyến xe đò đưa “sư huynh” Tuệ Sỹ ra Vạn Giã, lên rừng làm rẫy vào cuối hè 1997. Đó là cú hích cho miên man những cảm nhận về thơ Tuệ Sỹ trong sự va đập với thơ ca và cuộc đời của Tô Đông Pha, với tư tưởng Trang Tử, trong suy tưởng về lời Đức Phật âm ba trong các bộ Kinh. Người đọc còn nhận được những gửi gắm trong chính tâm tư của tác giả Thích Phước An.
Mấy hôm trước, một người bạn đến thăm, tôi đang đọc bài của Thích Phước An, người bạn, một thạc sĩ ngơ ngác nói rằng chưa từng nghe đến tên Tuệ Sỹ. Một chính quyền độc tài thường có công lớn trong việc tôn vinh những kẻ tham tàn và làm vô danh những bậc trác tuyệt. Tuy vậy, trong dòng chảy miên viễn của lịch sử, mọi giá trị của cuộc sống luôn có vị trí trí xứng đáng trong lòng dân tộc mình, đó là một chân lý.
1. Khởi đầu của cuộc lữ: 
Lúc ấy là cuối hè 1976, tôi đưa anh Tuệ Sỹ đi Vạn Giã để anh khởi sự một cuộc đời mới. Anh đi tìm rừng để làm rẫy. Dù từ Nha Trang đi Vạn Giã đường quốc lộ rất bằng phẳng, lại chỉ khoảng chừng 60 cây số, nhưng tôi có linh cảm rõ rệt rằng, đây sẽ là chuyến đi gian nan và nguy hiểm nhất của đời anh.
Khi ngồi trên chiếc xe đò cũ kỹ chậm chạp, tôi cứ nhớ đến bốn câu thơ của Tô Đông Pha, một thi hào đời Tống bên Trung Quốc, mà Tuệ Sỹ đã trích dịch và bình giải trong tác phẩm Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng của anh:
Hai thứ tóc, người đi ngoài bảy ngàn dặm,
Một thân côi, thác đổ xuống mười tám thác ghềnh
Nhớ núi Hĩ Hoan đọa đày viễn mộng
Đất tên Hoàng Khủng lệ khấp cô thần
(Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân
Thập bát than đầu nhất diệp thân
Sơn ức Hĩ Hoan lao viễn mộng
Địa danh Hoàng Khủng lệ khấp cô thần.)
Theo Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha làm bài thơ trên năm ông 59 tuổi, trong lúc đang giữ chức Đoan Minh điện kiêm thị độc học sĩ, ngoại nhiệm ở Định Châu thì bị giáng chức, và đày đi đến tận đảo Hải Nam. Muốn đến Hải Nam thì phải đi qua đất Cống Châu, sông Cống chảy qua mười tám ghềnh thác đổ. Khi bắt đầu vào Cống Châu thì có một cái thác nước, được gọi là thác Hoàng Khủng. Tuệ Sỹ giải thích cái thác có tên kỳ lạ ấy: “Cái tên đó cũng đủ thấy cái thế tuôn trào xuống của nó. Trong cái kinh hoàng nơi khách địa đó, thơ ông vọng về cố quận khơi vơi.”
Trong cách giải thích đó của Tuệ Sỹ thì ta có thể thấy được rằng, sự hiểm nguy và gian khổ đã bắt đầu quyến rũ anh mất rồi. Nhưng đâu phải chỉ có riêng Tuệ Sỹ. Mà dường như hầu hết những con người nghệ sỹ tài hoa cũng đều bị quyến rũ như vậy. Tôi nhớ có một nhà văn Tây phương đã nói một câu bất hủ rằng: “Chỉ khi nào đời sống của chúng ta bắt đầu lâm nguy, thì lúc đó chúng ta mới thực sự biết sống.” Đúng vậy, vì phố Hĩ Hoan vẫn có từ bao đời rồi, vậy mà tại sao phải đợi đến lúc đối mặt với thác Hoàng Khủng, có nghĩa là đối mặt với giây phút hiểm nguy nhất thì phố Hĩ Hoan bỗng trở thành nỗi nhớ da diết trong lòng thi nhân? Vì sao ? Tuệ Sỹ giải thích: “Hĩ Hoan và Hoàng Khủng tình trong một mà cảnh tượng đôi bờ. Bên này là những nét kiêu hùng man dại của đất khách. Bên kia là tình nồng đượm của quê hương. Chỗ đó, ông gọi là “Lao viễn mộng.”
Tất nhiên hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Vì con đường từ Nha Trang đi Vạn Giã không hề có sông Cống chảy qua mười tám ghềnh thác đổ, và vì vậy nên cũng chẳng có thác Hoàng Khủng. Thế nhưng tôi nghĩ rằng, nếu có thì chỉ có cái thác Hoàng Khủng đang tuôn chảy bên trong của mỗi con người chúng ta mà thôi. Và xét cho cùng thì, cái thác đang tuôn chảy ào ạt bên trong mới đáng sợ hơn là cái thác Hoàng Khủng bên ngoài mà Tô Đông Pha đã từng đối diện.
Và những năm tháng như dài đằng đẳng ấy, tôi nghĩ rằng, bất cứ người Việt Nam nào, ít nhiều thì đã từng nghe cái thác ấy tuôn chảy trong chính mình.
Tuệ Sỹ cũng vậy, nhưng có thể cái thác của anh chảy khốc liệt hơn nhiều, và tôi đã biết chắc rằng, anh đã chuẩn bị tinh thần để đối diện với nó từ rất lâu rồi, dù anh biết là phải trải qua nhiều đọa đày: “Đọa đày viễn mộng, bốn chữ ấy vừa kiêu sa vừa cô quạnh, mùa thu và tóc trắng hiện ra những nét vừa khốc liệt vừa man mác.”
Có lẽ, cũng vì bốn chữ “đọa đày viễn mộng” ấy, mà Tuệ Sỹ đã từ bỏ chức giáo sư cũng như Tổng thư ký tạp chí Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của viện Đại học Vạn Hạnh mà ra đi. Tuệ Sỹ ra đi trong lúc đang được sinh viên Vạn Hạnh cùng báo chí đều coi Tuệ Sỹ và Phạm Công Thiện là hai cây bút trẻ lỗi lạc nhất (lúc đó cả hai đều dưới 30) của văn học Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Tuệ Sỹ được xem là quảng bác về Phật học và tư tưởng Đông Phương, còn Phạm Công Thiện thì lỗi lạc về triết lý Tây phương. Chính những bài viết của Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ (cả Ngô Trọng Anh nữa) trên tạp chí Tư Tưởng mới đủ sức thuyết phục một số nhà trí thức trẻ tuổi trở về Phật giáo qua Viện đại học Vạn Hạnh. Trong số đó, đáng kể nhất là trường hợp cố giáo sư linh mục Lê Tôn Nghiêm. Lê Tôn Nghiêm là giáo sư triết Tây của các đại học Việt Nam như: Văn Khoa Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, và được xem như là người giỏi triết Tây nhất trong các nhà khoa bảng Thiên Chúa giáo của Việt Nam. Cứ xem những bài viết trên tạp chí Tư Tưởng của Lê Tôn Nghiêm, ai cũng có thể đoán ngay được rằng, thế nào thì ông cũng sẽ từ bỏ Thiên Chúa giáo trong một ngày không xa. Và lời tiên đoán ấy rất đúng, vào những ngày cuối đời, sống tại Sài Gòn, Lê Tôn Nghiêm đã thờ Phật, ngồi Thiền và ăn chay như một phật tử thuần thành.
Cuối năm 1970, Phạm Công Thiện rời Việt Nam đi Pháp và không trở về nữa. Tuệ Sỹ thay Phạm Công Thiện coi sóc tạp chí Tư Tưởng, nhưng đến năm 1973 thì Tuệ Sỹ cũng ra đi. Từ đó, tờ Tư Tưởng không còn là tờ Tư Tưởng như lúc khởi đầu nữa, mà chỉ toàn là những bài viết có tính cách giáo khoa, mất hết không khí sáng tạo, giống hệt như các tập Cours dành cho sinh viên học thuộc lòng để cuối năm thi tốt nghiệp vậy.
Tuệ Sỹ viết Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng vào năm 1970. Nếu nhìn theo cách nhìn của đa số người đời, thì có thể nói đó là những năm anh đã có địa vị tri thức lớn trong xã hội, nhưng anh vẫn không hề thõa mãn với vị trí mà mình có được. Tuệ Sỹ vẫn ray rứt, vẫn đau khổ, vẫn đặt thân phận của mình trong nỗi đau khổ của quê hương đất nước. Trong lời tựa có đoạn Tuệ Sỹ viết: “Những thảm họa lịch sử, và những thảm họa cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên cuộc lữ. Thi đã đổi cách điệu, trở thành âm vang thống thiết của ly tao kinh, cuộc lữ đã trở thành cuộc đày ải.”
Và đúng như Tuệ Sỹ đã viết, thì anh đã bỏ hẳn Vạn Hạnh, rời Sài Gòn, về nằm hiu hắt trên đồi cao lộng gió của chùa Hải Đức ở Nha Trang, nhưng chưa đầy hai năm thì xảy ra biến cố lịch sử 1975. Sau đó bao nhiêu người trí thức đều lần lượt ra đi, vì họ quá thất vọng, thất vọng vì chẳng còn bất cứ một cơ hội nào để họ có thể phục vụ cho đồng bào và tổ quốc của họ.
Tuệ Sỹ cũng vậy, nghĩa là cũng ra đi, nhưng anh có cách đi riêng của anh, không phải đi đến chân trời góc bể xa xôi nào, mà chính là tại nơi đây, nơi mảnh đất đang quằn quại trong đau khổ này, anh đã lên đường tìm kiếm chân trời viễn mộng:
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn.
Triều Đông Hải vẫn thì thầm cùng cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường Sơn.
Tất nhiên có nhiều cách để mỗi người chúng ta bày tỏ và chia sẻ nỗi đau khổ của quê hương. Nhưng dù sao thì cách lựa chọn của Tuệ Sỹ vẫn là cách lựa chọn đầy can đảm.
Chiều hôm ấy, chuyến xe đò mệt nhọc đưa anh và tôi đến Vạn Giã. Nắng chiều ở những thị trấn nhỏ xa xôi vốn đã buồn và hiu hắt, nhưng buổi chiều hôm ấy tôi thấy nó lê thê và hiu hắt hơn. Cái nắng buồn chết người cũng nhiều lần đốt cháy tâm hồn Tuệ Sỹ: “trên bước đường ngược gió của lữ khách đó, nắng hiu hắt trỗi màu trầm tư tịch mặc giữa những tàn lụi, hoang phế và băng hoại; là sự chung cục của tất cả trong sự hủy diệt nồng nàn.
Đêm ấy, hai anh em nghỉ lại tại chùa Linh Sơn, một ngôi chùa xưa tịch mịch nằm sát thị trấn Vạn Giã. Nửa đêm nghe chuyến tàu lửa chạy băng qua sau chùa, lòng tôi vốn đã hoang mang lại càng hoang mang hơn khi nghĩ đến con đường dài mà ngày mai tôi và anh phải lê bước; đen tối và ảm đạm làm sao! Nhưng tôi vẫn phải luôn luôn tự tìm lý lẽ để trấn an lòng mình ngay rằng, gian nan và hiểm trở luôn luôn là điểm hẹn tuyệt vời của những kẻ tài hoa, vì nếu không có gian nan và hiểm trở thì tinh hoa của họ làm sao phát tiết được? Chẳng phải Tuệ Sỹ đã từng viết về một người tài hoa nhưng phải gánh chịu nhiều bất công, oan nghiệt như thế này hay sao?
Đó là đoạn đường gian nan hiểm trở. Trên đoạn đường đó, thơ ông vang lên những tiếng dội lạ lùng, khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời nhưng lại đượm những chân tình hoài vọng quê hương.”
Và phải chăng cái hào khí ngất trời đó lại được tiếp nối tại Việt Nam bởi một con người cũng nhiều đau khổ, nhiều bất hạnh như Tô Đông Pha chăng?
2. Rừng khuya bên bếp lạnh: 
Năm 1969 nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ lớn như Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Quang Dũng, v.v. Bùi Giáng đã bất ngờ dành những trang đầu sách để viết về một bài thơ của Tuệ Sỹ. Dù bài viết chưa đầy 6 trang, nhưng ảnh hưởng rất lớn. Tất nhiên một phần cũng nhờ vào tài bình thơ của Bùi Giáng, nên mới có ảnh hưởng lớn như vậy. Vào đề Bùi Giáng viết: “Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thực quảng bác vô cùng, thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.”
  
Tuệ Sỹ & Bùi Giáng
Đúng như Bùi Giáng đã viết: “Không ai ngờ rằng” vì trước đó chỉ biết Tuệ Sỹ là một cây bút lý luận về Phật học, đọc rất khó hiểu, có thể nói là rất khô khan nữa. Nếu ai đã từng đọc bài: “Luận Lý Học Trên Chiều Tuyệt Đối” Tuệ Sỹ viết về Long Thọ và lập trường Tánh Không Luận đăng trên tạp chí Tư Tưởng, mà sau đó nhà xuất bản An Tiêm in thành sách vào năm 1970 đổi lại đề là Triết học Tánh Không thì sẽ thấy nhận định của Bùi Giáng là hoàn toàn chính xác. Có một lần tôi than với Tuệ Sỹ là: “Đọc triết học Tánh Không chẳng hiểu gì cả” thì anh cười và nói đùa lại với tôi rằng: “tôi là tác giả của nó mà đọc lại còn chưa hiểu huống gì là ông.”
Xin được nhắc lại một chút kỷ niệm riêng tư như vậy, để thấy rằng con người mà bên ngoài có vẻ như “khắc khổ” và “khô khan” ấy, thì có ai ngờ rằng “linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.”
Nguồn thơ của Tuệ Sỹ “thâm viễn u u” chỗ nào?
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan.
Bùi Giáng chỉ cho ta thấy chỗ ấy: “tưởng chừng nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thống nhất trong cung bậc Nietzsche.”  (Đi Vào Cõi Thơ) Nhưng với tôi, hai câu ở cuối bài mới thực sự gây nhiều xúc động về con người và tâm hồn u uẩn của Tuệ Sỹ:
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn. 
Đọc hai câu hai ấy, rồi nghĩ đến con người đầy khí phách của anh, tôi thấy mình như có thêm sức mạnh tinh thần để vươn lên khỏi những lô nhô lố nhố của cuộc sống đời thường. Thì ra, những thứ lợi danh bọt bèo mà con người đang tranh giành nơi những thành phố chật chội và bụi bặm kia, cũng chỉ quyến rũ được một số người thôi. Nhưng loại người này là ai? Và họ làm gì? Tôi cứ nghĩ đến con ve và con chim cưu trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Khi hai con vật nhỏ bé này thấy con chim Bằng cất cánh bay đến chín muôn dặm cao, cỡi lên cả lớp gió ở dưới nó. Chừng ấy, lưng chịu trời xanh, rộng đường xoay trở, nó bay thẳng qua Nam.
Một con ve nhỏ và một con chim cưu thấy vậy, cười và nói với nhau: “Ta, thì quyết bay vụt lên cây du, cây phượng. Nếu như bay không tới mà lỡ có té xuống đất thì cũng không hề gì! Bay cao chín muôn dặm, sang Nam mà làm chi! Ta thích đến mấy cánh đồng gần gũi đây, ăn ba miếng no bụng rồi về. Nếu ta đến chỗ xa hơn trăm dặm thì ta có lương thực ba tháng.
Và rồi Trang Tử kết luận: “Hai con vật đó mà biết gì? Kẻ tiểu trí làm sao theo kịp người đại trí?”
Ta có thể khẳng định được rằng, câu nói như đinh đóng cột ấy của Trang Tử đã nuôi dưỡng sức mạnh vĩ đại cho biết bao nhiêu thế hệ kẻ sĩ của Đông phương từ hơn hai ngàn năm nay.
Nhưng ta cũng phải thừa nhận một sự thật phũ phàng rằng, loại ve và chim cưu này thì thời nào cũng sanh sản quá nhiều, nên cuộc đời vẫn cứ bị vẩn đục, và kẻ trí lúc nào cũng chịu nhiều gian truân. Nhưng đã là kẻ trí đúng nghĩa thì bao giờ cũng lấy niềm vui của thiên hạ làm niềm vui của chính mình; khi con người vẫn còn đau khổ thì làm sao kẻ trí lại có thể an nhiên ngồi hưởng hạnh phúc cho riêng mình được. Nhưng sự đau khổ cũng là một nhu cầu cần thiết cho kẻ trí, vì chính sự đau khổ mới tôi luyện cho tâm hồn họ trở thành cao rộng ra. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ta vẫn thường thấy là kẻ trí xưa nay vẫn say mê sông dài biển rộng, nhất là núi non hiểm trở, bởi vì tất cả những thứ ấy đều là biểu tượng cho cái gì cao thượng mà tâm hồn họ luôn luôn mơ ước vươn tới.
Bởi vậy, mặc dù chỉ mới biết núi Lô Sơn qua thơ văn, sách vở, nhưng Tuệ Sỹ đã dành một chương để viết về ngọn núi hùng vĩ này với tất cả sự đam mê: “Lô Sơn hùng vĩ, phiêu bồng, nhưng u uẩn. Lòng núi giấu kín những tâm sự ngàn năm không nói; lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc, những thân thể gầy khô như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm, cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ, và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống” (9). Mặc dù núi này chỉ là một khối đất đá vô tri vô giác, nhưng trong cách nhìn của những nghệ sĩ tài hoa thì núi non dường như mang cả cái hồn thênh thang của vũ trụ, núi âm thầm đứng đó như để làm chứng nhân cho những tang thương và dâu bể của cuộc đời: “Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, trên dòng lịch sử trường mộng của nhân sinh đổ ầm xuống; có những cuộc thi gan tuế nguyệt diễn ra trong lạnh lùng, cô tịch. Ngày và đêm, đày đọa hình hài và tâm não, đứng trơ vơ, kinh đảm hãi hùng, trên chiếc cầu độc mộc bắc ngang qua ghềnh sanh tử.”
Vì quá say mê núi non rừng thẳm như vậy, nên khi vừa đặt chân đến núi rừng Vạn Giã, khi đứng nhìn những đám mây trắng bay là đà trên các tảng đá, trên đỉnh núi cao, Tuệ Sỹ như muốn trút hết tâm sự của chính mình cho núi rừng nghe:
Núi rừng những giấc mộng đen
Tóc em xõa thanh xuân còn bé bỏng
Trên đỉnh đá mây trời tơ lụa mỏng
Ta làm thân nô lệ nhọc nhằn.
(Núi rừng Vạn Giã) 
Thỉnh thoảng một hoặc hai tuần tôi lại từ Nha Trang ra Vạn Giã để thăm anh. Con đường đi đến nơi anh làm rẫy quanh co khúc khuỷu nên rất khó đi, mùa mưa lại càng khó đi hơn nữa vì đường bị trơn trượt. Đôi khi tôi ở lại đêm với anh trong túp lều tranh do tự tay anh cất lấy. Những lúc ở lại đêm như vậy, tôi lại càng cảm phục sức chịu đựng của anh. Đêm nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong túp lều tranh và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.
Tô Đông Pha khi bị đày ở Hoàng Châu cũng phải đi làm ruộng để kiếm sống qua ngày. Nhưng hoàn cảnh Tô Đông Pha có khá hơn chút đỉnh, vì đọc 8 bài thơ ông tả cảnh làm ruộng của nông dân ta còn thấy ít ra Tô Đông Pha còn có các bạn nông dân thân thiết để tâm sự hàng ngày như “bác Phan, bác Quách, bác Cổ.” Nên Tô Đông Pha mới bảo rằng: “Thú đồng quê dù cực nhọc mà tựa như nhàn.” Nhưng về tâm sự thì chắc là rất giống nhau, vì cả hai ta đều nghe ra trong thơ họ tiếng thở dài ngậm ngùi cho giấc mộng còn dang dở.
Vị nhân thích lỗi thán
Ngã lẫm hà thời cao!
mà Tuệ Sỹ đã dịch và diễn lại theo ý mình là: “Buông cày đứng than thở, đứng bùi ngùi thở dài.thở dài cho kho lúa đầy cao, và cũng thở dài cho trời xa và cõi mộng xa.”
Cách dịch và diễn ý lại như vậy chắc chắn là để gửi gắm tâm sự của người dịch. Tâm sự đó càng rõ hơn nữa khi Tuệ Sỹ cũng giống như Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, nghĩa là phải đi làm rẫy, làm ruộng vì không có con đường nào khác:
Ta muốn đi làm thuê
đời không thuê sức yếu.
Ta mộng phương trời xa
trời buồn mây nặng trĩu. 
Bởi vậy, nếu không đi làm rẫy thì cũng chẳng biết đi về đâu ? Vì mọi con đường đã bị rào kín hết rồi?
Bước đường vẫn tủi nhục
Biết mình đi về đâu? 
Đọc bài “Rừng Khuya Bên Bếp Lạnh” của Tuệ Sỹ, tôi có cảm giác như nỗi sầu của anh còn mênh mông hơn cả những đêm dài ngất lạnh mù khơi của núi rừng Vạn Giã:
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn.
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh.

Ngồi đợi gió sang canh? Hay là ngồi nhìn sững vào bóng đêm mịt mù để cố quên đi nỗi đau mà dân tộc đang gánh chịu:
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương. 
Vào những lúc đất nước loạn ly, nhân dân lầm than đau khổ, thì những người con yêu quý nhất của dân tộc vẫn thường hay ôn lại những chặng đường vinh nhục của lịch sử dân tộc mình. Để từ đó, họ có thể rút ra được một bài học lịch sử cho ngày mai, một ngày mai mà họ tin chắc rằng, dân tộc họ phải sáng lạn hơn hôm nay.
Năm 1974, tôi đưa anh Lê Mạnh Thát (một trong những nhà sử học lỗi lạc và có nhiều khám phá mới mẽ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay) về Bình Định và Phú Yên, để anh tìm tư liệu nhằm hoàn thành bộ sử vĩ đại cho Phật giáo Việt Nam, mà những người đã đi trước anh như Trần Văn Giáp, Mật Thể và gần đây nhất là Giáo Sư Nguyễn Lang vẫn chưa có đủ điều kiện để làm được.
Trong chuyến đi ấy, tôi được anh kể cho tôi nghe lý do vì sao đã khiến anh đam mê lịch sử Việt Nam và nhất là lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lê Mạnh Thát kể rằng, khi đang theo học tiến sĩ triết lý tại đại học Wisconsin ở Hoa Kỳ vào những năm 1966 đến 1972, tức là những năm mà Mỹ đã ném bom dữ dội nhất xuống miền Bắc và các chiến khu ở miền Nam Việt Nam, thì cứ đêm đến là các sinh viên thuộc các nước Đông Dương lại tụ tập trước truyền hình nhìn sững vào những cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra với hai tay chắp trước ngực và nước mắt chảy ràn rụa.
Từ đó, Lê Mạnh Thát cứ băn khoăn tại sao dân tộc mình lại cứ đau khổ triền miên như vậy ? Và sức mạnh nào đã khiến cho dân tộc Việt Nam đủ sức đứng vững trước những tàn phá khủng khiếp như vậy? Chính những băn khoăn thắc mắc ấy đã khiến anh đam mê bộ môn lịch sử và Lê Mạnh Thát tin chắc rằng, sức mạnh kỳ lạ ấy của dân tộc có thể tìm lại được nơi các ngôi chùa xưa nằm rải rác ở các miệt miền quê nghèo khổ ở quê nhà. Thế là khi từ Mỹ trở về Việt Nam vào cuối năm 1973, anh đã lao ngay vào công việc với tất cả hăng say, chỉ trong khoảng có 10 năm thôi, mặc dù hoàn cảnh đất nước còn quá nhiều khó khăn, vậy mà những khám phá mới mẻ của anh đã làm các nhà sử học Việt Nam phải kính nể.
Và tôi cũng nghĩ rằng, chính vì quá đam mê lịch sử Việt Nam, và Phật giáo Việt Nam mà Lê Mạnh Thát đã phải cam chịu số phận với vận nước nổi trôi từ hơn hai thập niên qua.
Vào những đêm khuya khoắt nơi núi rừng Vạn Giã cheo leo, Tuệ Sỹ cũng từng ngồi nhớ lại cuộc hành trình dựng nước đầy gian lao khổ nhọc của tiền nhân bằng những câu thơ heo hút:
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa.
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
dài con sông máu lệ quê cha. 
Chính sự gian khổ của tiền nhân sẽ hun đúc ý chí cho những thế hệ đi sau. Họ tin tưởng một cách mãnh liệt vào sức mạnh truyền thống đã có tự bao đời của dân tộc. Chính từ sức mạnh quá khứ đó, họ có quyền mơ ước về một ngày mai tươi sáng cho dân tộc:
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
trên vai gầy từ thuở dựng quê hương.
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
bản tình ca vô tận của Đông phương. 
Nhưng không phải lúc nào tâm hồn của Tuệ Sỹ cũng nặng trĩu ưu phiền, mà vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời khi thi nhân đứng nhìn những giọt nắng mai đọng lại trên những bông cà màu tím. Cứ như lời trong bài thơ, thì ta có thể đoán được rằng giây phút đó, thi nhân dường như tạm quên hết nỗi phiền muộn nhọc nhằn hằng ngày, lòng bỗng rộn lên niềm yêu đời khi thi nhân biết rằng, nơi những chân trời xa xôi kia, sự sống vẫn tiếp tục và nắng mai vẫn đẹp như tự bao giờ:
Lận đận năm chầy nữa
Sanh nhai ngọn gió nồm.
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương 
Mặc dù vậy, hai tiếng “ngần ngại” vẫn gợi cho ta xót xa biết chừng nào !
Nhưng không hề gì, vì Tuệ Sỹ đã từng viết như thế này: “Đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng; quê hương ân tình thắm thiết kia mới thực là đọa đày viễn mộng.”
Câu trên Tuệ Sỹ đã viết cho Tô Đông Pha, nhưng thực ra cũng là viết cho chính mình nữa.
3. Nhà Phật học của hai truyền thống: 
Chúng ta phải học Phật như thế nào? nghĩa là học cách nào để không bị nô lệ vào chữ nghĩa mà vì vô tình hoặc cố ý phủ nhận cái thực tại sinh động mà tinh thần Phật giáo Bắc Tông đã tác động một cách triệt để trên mọi lãnh vực tư tưởng, thi ca, hội họa và đặc biệt là đời sống tâm linh của các nước thuộc khu vực viễn Đông trong đó có cả truyền thống của Phật giáo Việt Nam chúng ta nữa?
Chẳng hạn, tại Việt Nam hiện nay có một số người đọc được vài câu kinh pháp cú, vài quyển thuộc kinh tạng Pali bằng tiếng Việt đã vội vã phủ nhận cái quá khứ của chính họ, họ cho rằng những kinh như Di Đà, Lăng Nghiêm, Đại bi Thập Chú, Mông Sơn Thí Thực không phải là “nguyên thủy”, không phải là “nguyên thủy” theo họ có nghĩa là của ngoại đạo. Nhưng họ đã quên mất rằng, ngày xưa các bậc Tổ Sư của họ đâu có viết kinh pháp cú treo trên vách tường nhiều như bây giờ, mà nếu có treo thì cũng chỉ treo các bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Kệ của Lục Tổ, Thần Tú, hoặc các thi kệ của Thiền Sư dặn dò đệ tử trước giờ thị tịch. Vậy mà tổ tiên của ta vẫn dư sức mạnh để dựng nước và giữ nước, và chính cái tinh thần của Bắc Tông ấy đã tạo ra được hai triều Lý Trần, hai triều đại được các sử gia ở mọi phía đều phải công nhận là văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử của dân tộc ta, và cho đến ngày hôm nay vẫn còn hãnh diện, và vẫn xem đó là hành trang tinh thần đưa dân tộc cùng với nhân loại tiến vào thế kỷ 21.
Việc Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị chào đón một ngàn năm Thăng Long (trong đó có công trình xây dựng tượng đài Lý Công Uẩn, học trò của Thiền Sư Vạn Hạnh) chứng tỏ họ đã ý thức rất rõ tầm mức quan trọng của Phật giáo Lý Trần trong việc xây dựng và phát triển đất nước trong thế kỷ tới.
Đạo Phật có lẽ là Tôn giáo duy nhất chủ trương tự do tư tưởng. Bởi vậy Phật giáo cũng triệt để tôn trọng tự do tư tưởng của kẻ khác. Nhưng tự do ở đây có nghĩa là tự do lựa chọn bất cứ pháp môn nào, lý tưởng nào mà mình ưa thích, chứ không phải tự do xúc phạm đến lý tưởng mà người khác đang theo đuổi, nhất là lý tưởng đó đã tồn tại và nuôi dưỡng tâm thức dân tộc Việt từ gần hai ngàn năm nay.
Nhưng tôi nhận thấy rằng, những nhà Phật học nguyên thủy của Phật giáo Việt Nam hiện nay chỉ thích kinh tạng nguyên thủy trên lý thuyết thôi chứ họ không thực hành những gì mà Đức Phật đã thuyết giảng trong tạng nguyên thủy. Ví dụ đọc kinh Phạm Võng trong Trường Bộ Kinh, ta thấy Đức Phật đã khuyên dạy các đệ tử của Ngài : “không nên giao du và thân cận với giới quyền thế”, vậy mà hiện thời chẳng những họ giao du và thân cận không thôi, mà còn chính thức đứng hẳn về một phía với giới quyền thế nữa. Thế nhưng mỗi khi bị chất vấn thì họ lại tự bào chữa rằng, Đạo Phật “tùy duyên” nhưng “bất biến”.
Nhưng những thói hư tật xấu này dường như thời nào cũng có, chứ không phải chỉ có thời nay. Tô Đông Pha cũng đã từng lên tiếng chỉ trích phong trào học Thiền của Phật giáo Trung Quốc. Lời chỉ trích ấy được khắc và in trong trong Kinh Lăng Già (như là lời bạt), được Tuệ Sỹ dịch như sau: “chỉ lấy theo chỗ giản tiện, được một câu kinh, một bài kệ, tự cho là liễu chứng. Cho nên cả bọn đàn bà, con nít, dang tay cười giỡn, đua nhau bàn bạc hương vị Thiền. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vì lợi. Cái dư ba mạt lưu đó không đâu không chảy tới. Mà cái vi diệu của Phật pháp đã mất rồi. Chẳng khác nào thầy Lang quê mùa. (may mà chữa lành bệnh nhẹ)
Là một nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng là uyên bác và nghiêm túc, tất nhiên Tuệ Sỹ cũng đã từng băn khoăn về vấn đề này, nghĩa là chúng ta phải học Phật như thế nào để đừng rơi vào hoặc là học để khoe khoang kiến thức của mình, hoặc là học để kiếm danh kiếm lợi. Trong lời giới thiệu cho bản dịch Vô Môn Quan, mặc dù bài viết chỉ giới hạn trong việc học Thiền, nhưng qua bài viết ta vẫn thấy được nỗi băn khoăn ấy của Tuệ Sỹ đối với việc học Thiền nói riêng và học Phật nói chung.
Một thời xa xưa tại pháp đường của các Thiền viện, người ta nghe sang sảng những tiếng cười và tiếng thét. Bao nhiêu lời lẽ luận bàn khúc chiết được gởi trả về cho dải sa mạc trên miền Cao Á, nơi đã từng ghi dấu cuộc hành trình khổ nhọc của những tâm hồn khát khao tuyệt đối. Nơi đây sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sông và lẽ chết vẫn mãi mãi bồng bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt. Rồi một mai kia, khi thời cơ đến, tiếng cười và thét trỗi lên làm đảo lộn cả nếp sống bình sinh.”
Những con người của thời xưa ấy, dám vứt bỏ tất cả để thực hiện cho kỳ được nỗi khát khao tuyệt đối cho đời mình. Nhưng ngày nay, nền văn minh hiện đại đã cung cấp cho chúng ta nhiều thú vui thấp hèn quá, nên dường như tâm hồn của chúng ta đã nguội lạnh, chẳng bao giờ, dù chỉ trong một khoảnh khắc, ta có thể nghe lại được tiếng réo gọi tuyệt đối ấy từ trong nội tâm sâu thẳm của mình:
Cuộc sống bình thường của chúng ta chẳng mấy khi nghe được những tiếng ấy trong cơn sửng sốt bàng hoàng; để cho trong thiên tải nhất thì, một lần chết đi và một lần sống lại trước sự thực ngàn đời, những khát khao nồng nhiệt cứ vĩnh viễn mỏi mòn, tâm trí càng lúc càng bất động như sỏi đá. Biết bao thành kiến dần dần đọng lại thành lớp vỏ cứng của bản ngã, không cách gì phá nổi.”
Và Tuệ Sỹ cho rằng những câu hỏi như thế này chẳng có nghĩa gì trong việc học Thiền cũng như học Phật. “Phải đến với Thiền như thế nào ? Chúng ta quen hỏi như vậy. Bởi vì đời sống đang chìm đắm trong bùn lầy hôi thối của những cảm thức phù phiếm; chúng ta như những con sâu, triền miên ngủ suốt một mùa đông băng giá. Ngôn ngữ Thiền, dù là sấm chớp hãi hùng trong tai ta, chẳng qua chỉ là “ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè nóng bức.”
Vậy cho nên vấn đề không phải là cứ thắc mắc phải đến với Thiền như thế nào hoặc phải học Thiền theo phương pháp nào mà điều quan trọng là chúng ta có đến với Thiền, với giáo pháp của Đức Phật bằng tất cả sự khát khao của một kẻ đang thèm khát tuyệt đối hay không ? Những lời sau đây có thể được xem như là lời cầu mong của Tuệ Sỹ muốn gửi đến cho những người học Thiền và học Phật hôm nay:
Làm sao chúng ta có thể góp tất cả gió bốn phương trời mà dộng vào đôi cánh cửa của quan ải Thiền ? Có lẽ, cũng nên một lần, với đói khát với nóng lạnh, nghênh ngang bước vào giữa những tiếng cười rổn rảng, băng qua biên giới không ngằn của sa mạc. Rồi sẽ thấy như người xưa từng nói, Thiền là một quan ải hiểm nghèo, thách thức bước tiến của tâm linh. Vậy đã nhất quyết bước tới, thì phải tìm cho đến tận nguồn của đời sống.
Và đây cũng là một đồng thanh tương ứng: “Mình phải đọc tụng kinh Phật với tất cả tinh thần khẩn trương của một kẻ bị xử tử hình đang quỳ lạy trong xà lim tối đen, đang lắng nghe sự im lặng trườn mình qua sự chết sắp đến.
Mình cũng có thể học Phật như người đã bị tước đoạt mất hết tất cả trong đời sống, và bỗng nhiên bất thần lại được tìm thấy một kho tàng trân bảo vô lượng trước mặt mình, niềm vui sướng vô tận, cơn khoái lạc tràn trề ngập cả thể xác lẫn tinh thần mà trọn đời người chưa bao giờ có được. Cảm thức phi thường như vậy.”
Nếu chúng ta không chịu học Phật trong một tinh thần khẩn trương như vậy, mà cứ đem cái đầu óc nô lệ từ chương sách vở ra để tự khẳng định một cách võ đoán rằng, kinh này mới là “nguyên thủy” còn kinh kia là “không phải.” thì không những ta đã đánh mất tinh thần sáng tạo của Đạo Phật, mà còn vô tình trở thành “đàn bà ngồi lê đôi mách” trong thế giới những người học Phật nữa.
Và phải chăng việc người Tây phương đang hướng về những giáo lý của Đức Phật đã được bảo trì từ rất lâu trên những đỉnh núi tuyết cô tịch của Tây Tạng, thì việc tranh luận về “nguyên thủy” hay “không nguyên thủy” đã thực sự không còn cần thiết nữa? Và đã đến lúc các nhà Phật học theo truyền thống nguyên thủy tại Việt Nam nên ý thức rằng, hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông đều cần thiết và phải được bổ túc lẫn nhau trong đời sống tu học của Phật tử Việt Nam vậy.
Nếu ai đã từng theo dõi tất cả những bài viết của Tuệ Sỹ về Phật học từ gần ba thập niên qua, thì phải công nhận rằng Tuệ Sỹ là một trong những nhà Phật Học đã thể hiện tinh thần ấy một cách nghiêm túc nhất.
4. Thiền Sư và thi nhân hay là sự giằng co giữa hai con đường:
Phạm Thiên Thư có lẽ là nhà thơ có nhiều thơ nhất đề cập đến các Thiền Sư. Những câu thơ trong sáng và giản dị như những câu ca dao mà ta vẫn thường ngâm nga trên những con đường quê từ thuở còn ấu thơ. Những câu thơ đẹp lạ lùng như:
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam Hoa có Thiền Sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn.
(Động Hoa Vàng) 
hay là:
Sư lên chót đỉnh rừng thiền
trong tim chợt thắp một rừng tà dương
(Động Hoa Vàng) 
Sở dĩ được như vậy là vì Phạm Thiên Thư đã từng một thời khoác áo Thiền gia. Nhưng chính nhờ mang trong mình hai dòng máu cao quý này, nên Phạm Thiên Thư đã hiểu rất rõ sự mâu thuẫn hay nói đúng hơn là sự giằng co trong nội tâm giữa con đường đi lên và đi xuống của Thiền Sư và thi nhân. Hoặc là ở lại với cái đẹp phù du nơi cuộc đời hữu hạn hay là phải vứt bỏ tất cả để lên đường tìm kiếm cái đẹp vô hạn kia. Nhưng dường như cái đẹp nào cũng cần thiết cả, vì nếu chúng ta không thấy được cái đẹp trong cõi thế hữu hạn này, thì sẽ chẳng bao giờ ta thấy được giá trị của cái đẹp thiên thu vĩnh cửu cả.
Phạm Thiên Thư đã nói lên sự giằng co này trong bốn câu thơ:
Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa
(Động Hoa Vàng) 
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng những câu thơ của Phạm Thiên Thư cũng chỉ mới cho ta thấy vẻ đẹp của một Thiền Sư đang hồn nhiên chơi đùa với đất trời mênh mông, chứ chưa dẫn ta vào được bên trong. Cái đẹp bên trong đó chỉ có Tuệ Sỹ mới dẫn ta vào được bằng những trang văn súc tích. Ví dụ đoạn sau đây anh viết về tình bạn thắm giữa Thiền Sư và thi hào Tô Đông Pha:
“Bế môn tọa huyệt nhất Thiền Sáp
đầu thương tuế nguyệt không tranh vanh”
(Khép cửa hang sâu một giường Thiền
trên đầu năm tháng trôi chênh vênh)
Năm tháng là tuổi già, là mùa thu và tóc trắng, là những hoài vọng xa xôi của nhà thơ. Hoài vọng đó là hình ảnh hiu hắt khép kín cửa trong hang sâu giữa núi rừng xa vắng, và thầm lặng trôi qua trên đầu nhà thơ cô quạnh. Cho nên, tấm lòng của sư như mặt nước trong ngần, bao nhiêu chìm nổi thiên hình vạn trạng của cõi đời đều hiện rõ trong đó.”
Tại sao trong truyền thống thi ca Viễn Đông, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, v.v. Thiền Sư và thi nhân đi đôi với nhau như hình với bóng ? Không thể biết được ta chỉ có thể cả hai đều như đứng đó để trông ngóng một mùa thu cô tịch đang đến chậm ở cuối chân trời xa kia chăng?
Rồi khi Sư thả bộ rong chơi, màu áo còn pha màu sương khói của núi rừng. Sư mang cái tình đạo đó kết duyên cái tình thơ của khách thơ, như ngọn gió mùa thu thổi những phương trời viễn mộng đến làng thơ, thì tình thơ bỗng ngọt ngào như cam quít đang mùa chín đỏ; một thứ ngọt ngào trầm lặng: 
Gió thu đưa mộng qua Hoài Thủy
Này cam nọ quít rũ sân buồn 
(Thu phong xuy mộng quá Hoài Thủy
Tưởng kiến quật sữu Thùy không đình)”
Khách làng thơ lại muốn bỏ qua những ngày bươn bả, để cùng Sư, trong những đêm dài xa xôi, đốt củi nấu trà, ngoài bóng trăng nghiêng xuống đáy cốc. Tình thơ sống động, nhưng xa xôi và đơn bạc:
Tấm lòng nhà đạo như nước phẳng
Rọi bóng chìm nổi của cõi đời
Chùa xưa lẻ bóng trồng thu cúc
Bạn với làng thơ thưởng chút tài
Cõi nhân gian có chia đường Nam nẻo Bắc
Mà cánh hồng cánh nhạn vẫn đơn độc lẻ loi.
(Đạo nhân hung tung thủy kính thanh
vạn tượng khởi diệt vô đào hình
độc y cổ tự chủng thu cúc
Yến bạn tao nhân xan lạc anh
Nhân gian đề xứ hữu Nam Bắc
Phân phân hồng nhạn hà tằng minh). 
Đó là chỗ giống nhau. Còn khác nhau ? Chắc chắn phải có khác, nhưng chỗ khác nhau đó nó mỏng manh quá, mỏng manh hơn cả tơ trời nữa, người ngoài như chúng ta khó thấy được, chỉ có những người trong cuộc may ra có thể chỉ cho ta thấy được chăng ? Tuệ Sỹ cũng đã dựa vào một bài thơ của Tô Đông Pha, bài thơ này ông làm đề tặng cho Thiền Sư Đào Tiềm, một người bạn chí thiết của ông, để giải thích chỗ giống và khác nhau giữa Thiền và thi ca:
Thượng nhân học về cái lẽ khổ không; một trăm thứ niệm tưởng đã là tro lạnh hết. Cũng tợ thể vung lưỡi kiếm một cái là y như gió thổi chẻ hạt thóc lép không còn chút bụi cám. Tại sao ngài lại phải chọn theo bọn tôi, tranh đua vẻ đẹp rực rỡ của văn tự ? Bài thơ bọn tôi vừa làm, nó đẹp như tán vụn viên ngọc lấp lánh.
Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì không phải thế, cái ảo diệu không phải là cái ảo ảnh. Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải là đừng gò ép, vừa không vừa tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động, không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà như thấy mình nằm trên chóp đỉnh non cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời.
Thơ và pháp (Đạo) không chống trái nhau, không hại nhau. Cái đó nhờ Thượng nhân hạ quyết ?
Nhờ hạ quyết ? Không nhờ, cũng đã hạ quyết. Người học thiền, học từ cái khổ đau, hư ảo, học cho thâm tâm thành ra thứ tro tàn nguội lạnh. Học như thế là học để đọa đày. Đạt được sở học đó là buông thả, hóa thành cái không và trở thành cái tĩnh. Buông thả thì không câu chấp, không còn bị ràng buộc cũng tiêu dao như hồn thơ tiêu sái và lãng mạn. Tâm tĩnh, thì trầm lặng như mặt nước không gợn sóng, phản chiếu trọn vẹn ngoại cảnh. Tâm không, thì tâm rộng như mặt biển bao la, dung nạp hết tất cả ngân hà tinh đẩu. Người học Thiền chịu đọa đày cho thân mình gầy, cho tâm mình nguội, trong đó có cái diệu dụng phi thường của nó. Người làm thơ cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn, suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đọa thâm tâm; đày đọa trong cái không và cái tĩnh. Đày đọa đó mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ, thì suốt đời khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi ?
Đạt tới cõi thượng thừa của thơ, như người học Thiền chứng chỗ không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thâm tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra chỗ ảo diệu đó, không giảng cho thông cho nên không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đấy là chân diện mục của nó.
Đại khái nơi cõi Thiền cũng có cái phân biệt chân và ngụy. Cõi thơ há lại không ? Nhưng chỉ thẳng vào đó, không thể được. Nó không phải là chỗ dị đồng giữa con chó và con cọp, hay giữa cọp thực và cọp giấy.
Quả nhiên, điều thấy rõ là ông (chỉ Tô Đông Pha) đã giảng giải thế nào là thơ và thế nào là Thiền. Và cũng thấy rõ là trong đó có chỗ giống và chỗ dị. Nhưng chỉ thẳng vào chỗ đó, thiên nan vạn nan”.
Nếu chưa từng lăn lóc với cát bụi của trần gian, chưa từng trải qua những giờ phút lê thê heo hút của chính mình, chưa từng bị đày đọa bởi tình yêu con người, thì làm sao (tác giả bài thơ và người bình thơ) có thể thốt ra những lời nóng bỏng như vậy?
5. Kẻ sĩ trong truyền thống Đông Phương:
 Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Tuệ Sỹ làm hai câu thơ trên khi đang làm rẫy tại núi rừng Vạn Giã, nghĩa là vào khoảng cuối năm 1977, những năm tháng mà cả đất nước đang chịu đựng nhiều đau khổ nhất. Là một người trí thức (tất nhiên phải là trí thức có liêm sĩ) Tuệ Sỹ đã ý thức được rằng, mình không thể nào đứng ngoài để nhìn sự đau khổ chung này được. Hai câu thơ trên chứng tỏ anh đã đoán được những gì sẽ xảy ra cho bản thân mình , và điều tiên đoán đó đã đúng.
Có một số người (không nhiều lắm) cho rằng, đáng lý ra Tuệ Sỹ nên để thời gian mà làm chuyện chuyên môn của anh, như sáng tác văn học, thi ca hay dịch thuật thay vì bỏ phí hơn 20 năm để làm những chuyện không có lợi gì cho bản thân. Tôi cho rằng, lập luận trên hoàn toàn không đúng, mà thực ra những kẻ lập luận như vậy chỉ để bảo vệ cái hèn yếu của chính họ mà thôi.
Ta nên xếp Tuệ Sỹ đứng ở nơi nào trong những năm đất nước có nhiều biến động ở cuối thể kỷ 20 này ?
Không hiểu sao, cứ mỗi lần đọc lời kết luận sau đây của Nguyễn Hiến Lê cho tác phẩm Sử Trung Quốc, tác phẩm cuối cùng của ông, tôi lại thấy có hình bóng của Tuệ Sỹ trong đó.
“Đọc sử thời quân chủ của Trung Hoa, tôi buồn cho dân tộc đó thông minh, giỏi tổ chức mà không diệt được cái họa ngoại thích và hoạn quan gây biết bao thống khổ cho dân chúng đời này qua đời khác. Nhưng tôi cũng trọng họ, mến họ vì triều đại nào cũng có hàng ngàn hàng vạn người coi cái chết nhẹ như lông hồng, tuẫn tiết vì nước chứ không chịu nhục, vì những triều đại “vô đạo” thì vô số kẻ sĩ coi công danh phú quý như dép cỏ, kiếm nơi non xanh nước biếc dắt vợ con theo, cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống, sống một đời thanh khiết, làm thơ, vẽ, hoặc trước tác về triết, sử, tuồng, tiểu thuyết để lưu lại hậu thế. Đọc đời các vị đó tôi luôn luôn thấy tâm hồn nhẹ nhàng. Chưa có bộ sử nào của Tây phương cho tôi được cảm tưởng đó.”
Tuệ Sỹ chính là kẻ sĩ trong truyền thống của Đông phương, hơn hai mươi năm qua, Tuệ Sỹ đã thể hiện tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của kẻ sĩ không phải bằng những tác phẩm qua văn tự, mà anh đã viết tác phẩm đó bằng sự hy sinh quên mình, để chia sẻ sự đau khổ với quê hương đất nước vậy.
Thích Phước An

Thursday, April 2, 2020

Tuệ Sỹ: Thắng Man Giảng Luận ~ Cứu Cánh Của Bồ Tát Đạo

III. THỰC CHẤT CỦA HẠNH PHÚC
Chúng ta đã nói đến khát vọng muôn thuở của con người, nói đến nguồn xúc động của nó cũng chính là nguồn xúc động của Nhất thừa. Nhìn thẳng vào bản chất của nó, thì đấy là khát vọng hạnh phúc như là mục tiêu cứu cánh của đời người, của lẽ sống. Nhìn trên mặt biểu lộ của nó, thì đấy là khát vọng tình yêu và tri thức.
(1) Tình yêu và tri thức nào nhận chìm con người xuống vũng sình của ngu muội và ngông cuồng, chúng được đặt cho cái tên là ái và kiến.
(2) Tình yêu và tri thức nào chắp cánh cho con người bay vào hư không vô tận, chúng được gọi là đại bi và đại trí.
Mỗi loại biểu hiện như vậy mang đến cho con người một loại hạnh phúc. Như vậy thì thực chất của hạnh phúc là gì? Thắng Man phu nhân sau khi xác định Nhất thừa như là mục tiêu cứu cánh của tất cả khát vọng sinh tồn, tiếp đến nói về nguồn xúc động của khát vọng ấy và đồng thời nhận định về thực chất của hạnh phúc là gì.
Theo sự trình bày của kinh văn, ở đây, trước hết Thắng Man phu nhân nêu lên hai vấn đề cơ bản:
(1) Nỗi sợ hãi về sinh tử như là nguồn xúc động sâu xa nhất khiến chúng sinh nỗ lực đuổi bắt hạnh phúc theo cái nhìn cá biệt của từng xu hướng về bản chất của sanh tử.
(2) Thứ đến, xác định đâu là bến bờ chân thật của hạnh phúc mà chúng sanh cần phải đạt đến. Dưới đây, chúng ta cũng sẽ trình bày theo thứ tự này.
1. NGUỒN XÚC ĐỘNG CỦA KHÁT VỌNG SINH TỒN
Trong tiết mục này, chúng ta lại có thể chia nhỏ thành ba chi tiết: thực trạng sanh tử, động lực sinh tồn và quá trình săn đuổi hạnh phúc.
A. Thực trạng sinh tử
Kinh điển nguyên thủy thường nói đến ba nỗi sợ hãi lớn lao của con người. Đó là tuổi già, tật bệnh và sự chết. Và cũng nói rằng, vì sợ hãi mà con người đã tìm đến nương tựa, cầu nguyện nơi các thần cây, thần núi, thần sông, thần vườn. Nỗi sợ hãi ấy như ngọn gươm thường xuyên được mài bén bằng những ma sát của các hiện tượng vô thường, của tất cả những gì mà con người có thể bắt nắm được trong tay nhưng với bản chất mong manh dễ tan vỡ của chúng. Ngọn gươm ấy khoét trên đời sống con người những dấu vết nhức nhối của những nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết, yêu thương, thù hận, chán nản, thất vọng và tuyệt vọng.
Trong các thời kỳ lịch sử khi mà con người còn phải tự mình lẻ loi đơn độc chống lại sức mạnh đàn áp tàn bạo của thiên nhiên, thì sự chết cũng đơn giản chỉ là sự hủy diệt của một xác thân cá biệt ấy mà thôi. Nhưng một sinh vật bé bỏng thường xuyên bị đè bẹp dưới sức mạnh tưởng chừng như không hạn chế ấy thật sự đã không có khả năng nào để phòng ngự ngoài khả năng tránh né và cầu nguyện để có thể tránh né. Bởi vì, cái gì hữu hình thì phải chịu sự ma sát của những cái hữu hình khác, và ma sát sẽ đưa đến hủy diệt. Hữu hình thì vốn hữu hoại, cho nên chỉ những gì là vô hình mới có thể vượt ra ngoài những ma sát và hủy diệt ấy. Những gì vô hình đã tồn tại trong một thế giới tịch nhiên bất động, vô vi vô tác. Chỉ nơi đó mới thực sự là thế giới của hạnh phúc. Cho nên, khát vọng của con người từ đó là hướng về một thiên đường vĩnh viễn, là hướng về một thế giới vượt ngoài sự sống và sự chết, trong đó đời sống không phải là sự tụ tập của bốn đại giả hợp, tụ tập của tất cả mọi thống khổ thể chất và tinh thần. Và cho nên, khát vọng hạnh phúc cũng có nghĩa là khát vọng giải thoát. Giải thoát ở đây là vượt ngoài vòng sống chết, không còn tái sinh trong cõi đời này không còn chịu đè bẹp bởi định luật vô thường.
Thực trạng sinh tử đó, Thắng Man gọi là phần đoạn sinh tử. Sống với chết thực trạng là sự tụ tập và tan rã của các thủ uẩn, của những vật chất ô nhiễm và dòng sinh mạng tiếp nối nương vào đó mà hoạt động. A-la-hán, Duyên giác và Đại lực Bồ tát là những vị đã giải thoát khỏi các khổ của phần đoạn sinh tử này. Nhưng còn một nỗi khổ vi tế vô cùng khác là bất tư nghị biến dịch sinh tử mà vị ấy chưa thể giải thoát được.
Sự phân biệt hai loại sinh tử này là cái nhìn cơ bản của Thắng Man về vũ trụ và nhân sinh, ở đấy chúng ta nên hiểu như thế nào? Chúng ta đã từng nói ở trên kia rằng tất cả cái nhìn của Thắng Man đều phát xuất từ thực tế của thời đại lịch sử, do đó, sự phân tích về hai thực trạng của sinh tử ở đây hoàn toàn không phải là từ một quan điểm thần bí siêu nhiên. Nó là quan điểm thực tiễn phát xuất căn cứ trên thực tiễn sinh hoạt của con người và xã hội của con người.
Nếu con người cảm thấy mình như một sinh vật bé bỏng và cá biệt trong vũ trụ bao la này, một hạt cát rời trong bãi cát mênh mông của sa mạc, thì sinh tử và giải thoát sinh tử là những vấn đề chỉ quan hệ đến một bản thân cá biệt của nó mà thôi. Một vị A-la-hán đã giải thoát khỏi sinh tử ngay trong hiện tại, ngay với bản thân còn tồn tại giữa cái sống và cái chết này. Nhưng vị ấy đã làm chủ được nó. Đau khổ không còn kích động bởi bản chất mong manh dễ vỡ của nó.
Nhưng khi con người bước vào đời sống xã hội, là một thành phần trong một cộng đồng xã hội, thì bấy giờ đau khổ không chỉ giới hạn trong một bản thân cá biệt của nó. Cái nhìn của nó về mối quan hệ giữa nó và xã hội loài người càng lớn, nỗi đau khổ mà nó phải tiếp nhận càng lớn. Chỉ khi nào nó không nhận thấy mình có bất cứ quan hệ nào với bất cứ cộng đồng nào thì vấn đề đau khổ và giải thoát của nó mới không dính dấp với kẻ khác.
Một người chỉ nhận thấy mối liên hệ giữa bản thân và gia đình, thì đau khổ và hạnh phúc của nó cũng chỉ giới hạn trong phạm vi một gia đình ấy. Nếu mối quan hệ này được nới rộng đến một dòng họ, thì vấn đề cũng chỉ liên hệ đến một dòng họ. Khi nó nhận định về sự tồn tại của bản thân trong quan hệ với một cộng đồng dân tộc, hay lớn hơn nữa, với cả thế giới, thì tất cả mọi vấn đề tồn tại của nó cũng theo đó mà được mở rộng phạm vi. Tính chất thời gian cũng được kéo dài theo phạm vi mở rộng của không gian tồn tại ấy. Trong phạm vi một gia đình hay một dòng họ, tính chất thời gian của những mối quan hệ chỉ giới hạn trong một vài thế hệ. Nhưng trong phạm vi của một dân tộc hay của thế giới, thì giới hạn của thời gian sẽ là giới hạn của tận cùng của thế giới này.
Cho nên, trong lịch sử của các dân tộc, người ta thấy không ít người đã sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình vì danh dự hay vì sự tồn tại của dân tộc mình. Trong những trường hợp như thế, sự tồn tại hay hủy diệt của bản thân không trở thành vấn đề nữa. Những cái chết ấy được gọi là chết để mà sống còn mãi với lịch sử. Những con người như thế khi nghĩ về sự sống và sự chết của mình không đơn giản như là nghĩ về sự còn và mất của cái thân thể của riêng ta giới hạn trong khoảng trăm năm này, mà luôn luôn nghĩ đến sự sống và sự chết trong chu kỳ trường cửu của thời gian.
Ở vào thời đại của chúng ta hiện nay, khi mà một con sâu bị giết chết vẫn được gắn liền với sự ích lợi hay thiệt hại của đời sống nhiều người, thì sự sống và sự chết của những người mang tầm vóc thế giới tất nhiên không thể tách ngoài vấn đề tồn tại của thế giới loài người, từ vấn đề đói no cho đến chiến tranh và hòa bình. Trong một thời đại như vậy, vấn đề đau khổ và giải thoát không còn đơn giản là vấn đề một cá nhân nữa.
Hai thực trạng của sinh tử, phần đoạn và biến dịch, cũng có thể được nhìn từ trên cơ sở của thời đại lịch sử như vậy. Cho nên, một vị A-la-hán hay Duyên giác, khi đã làm chủ được bản thân hoàn toàn, đã vượt ngoài thực trạng sinh tử phần đoạn của bản thân, nhưng vị ấy sẽ không hoàn toàn đi vào thế giới của hư vô tịch diệt. Nếu chúng ta có thể quan niệm được một cách cụ thể rằng một con người nào đó dù đã chết, với sự hủy diệt của bản thân, vẫn mãi mãi còn tồn tại trong lịch sử loài người, thì sự tồn tại của một vị A-la-hán đã nhập vô dư Niết-bàn cũng có thể được quan niệm một cách không khó khăn. Vị ấy chỉ đi vào vô dư Niết-bàn theo ý nghĩa ước lệ. Bởi vì, thế giới vẫn tồn tại đó, chúng sanh vẫn còn triền miên đau khổ đó, thì làm sao có thể tưỏng tượng ra nỗi một Niết-bàn vô dư tuyệt đối dành riêng cho một Thánh nhân? Bởi vì A-la-hán chỉ diệt tận bản ngã cá biệt của mình, nhưng không diệt trừ bản ngã xã hội và lịch sử của mình, thì khi mà xã hội con người vẫn còn tồn tại với vô biên thống khổ, A-la-hán vẫn chưa thể vượt ngoài nỗi khổ biến dịch sinh tử. Chỉ những bậc Giác ngộ tuyệt đối, thấy rõ bản chất tồn tại không phải chỉ của bản ngã cá biệt của mình mà của một đại ngã vũ trụ, mới có thể nói là hoàn toàn diệt tận tất cả đau khổ của phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử.
Thắng Man phu nhân nói: “Sinh tử phần đoạn là thực chứng của chúng sinh hư ngụy. Sinh tử biến dịch bất tử là trạng thái của ý sinh thân của A-la-hán, Bích-chi-Phật và Đại lực Bồ-tát.” Cũng như sinh mạng của một con người hữu danh thì được tạo thành bởi cái danh, dù là danh hư hay danh thực, cũng vậy, sinh mạng của ba hạng Thánh giả ấy được tạo thành bởi ý chứ không phải chỉ là sự tụ tập của bốn đại vật chất.
Bồ-tát đại lực, với sức mạnh vĩ đại của từ bi, không còn thấy có sự tồn tại của một bản ngã cá biệt của mình nữa và do đó không còn tiếp thu những nỗi thống khổ ảnh hưởng trên bản thân cá biệt của mình nữa. Cũng như Trúc Mộc thiền sư đã khuyên bảo vua Trần Thái Tôn rằng: “Bệ hạ đã ở địa vị nhân chủ thì phải lấy cái tâm của chúng sanh làm cái tâm của mình”, ở đây cũng vậy, Bồ-tát không thấy có nỗi khổ riêng biệt của mình ngoài thống khổ đại đồng của tất cả chúng sanh. Cho nên, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi biết rằng Bồ-tát Thường Đề mặc dù tu tập Bát-nhã ba-la-mật nhưng đôi mắt lúc nào cũng vẫn đẫm lệ. Và cư sĩ Duy-ma-cật nói với Bồ tát Văn-thù: “Vì chúng sanh bệnh cho nên Bồ-tát bệnh.”
Đây là ý nghĩa mà Thắng Man phu nhân đã nói: “A-la-hán và Bích-chi-Phật còn có nỗi sợ hãi, còn cần có chỗ nương tựa, còn cách Niết-bàn giới rất xa, còn vô biên Khổ đế cần phải biết, còn vô biên Tập đế cần phải đoạn, còn vô biên Diệt đế cần phải chứng và còn vô biên Đạo đế cần phải tu. Nói rằng A-la-hán và Bích-chi- Phật chứng đắc Niết-bàn là nói trong ý nghĩa ước lệ, đó là phương tiện của Phật mà thôi.”
(Trích Thắng Man Giảng Luận, Tuệ Sỹ dịch và giải)

Thursday, March 19, 2020

Tuệ Sỹ: Sự Hủy Diệt Của Một Trào Lưu Tư Tưởng

Sự Hủy Diệt Của Một Trào Lưu Tư Tưởng

Tuệ Sỹ


Xin chào giữa bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn
(Bùi Giáng)
Từ trong lòng Tánh Không luận đi ra, người ta thử thay đổi các bình diện biểu lộ của nó, rồi qua những gì sẽ đạt được, trong lãnh vực suy lý cũng như trong lãnh vực sinh hoạt thực tế, luôn luôn có những tiếng nói nghe ra như những cơn gió rì rào giữa các sa mạc của hư vô: ý nghĩa của một cứu cánh nào đó – cũng suy lý hay của đời sống – như một ngôi sao trên bầu trời của sa mạc. Danh tướng, phân biệt, nghĩa và vô nghĩa, nguyên tắc và các nguyên tắc: những dấu hiệu còn sót lại, và còn mãi, sau những cơn gió nóng bức và lạnh buốt của hư vô đã từng đi qua và đã từng hủy diệt tất cả. Đó là sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng, từ trong lòng Tánh Không luận đi ra.
I.
Từ khi người Âu châu khởi sự nghiên cứu Phật học, với những phương pháp có tính cách khoa học và xác thực, cho đến đầu thế kỷ XX này, qua một trăm năm, họ tỏ vẻ ngẩn ngơ và thất vọng trước một đối tượng khảo cứu mà triết lý chẳng ra triết lý, tôn giáo cũng chẳng phải tôn giáo. Dù họ có bộc lộ tất cả cảm tình của mình, như Stcherbatsky, hay cố giữ cái phong thái khách quan nghiêm chỉnh của một học giả, kết luận của họ thật là thống thiết. Louis de la Vallée-Poussin, người Pháp, với cái phong thái học giả nghiêm chỉnh, trước những lý luận kỳ quặc của Mādhyamika, bất chấp vi phạm luật Mâu thuẫn hay luật Triệt tam, năm 1917, trong tác phẩm The Way to Nirvana, ông nói: “Chúng ta thất vọng[1]. Đến năm 1927, Stcherbatsky, người Nga, khi trả lời cho Poussin về ý nghĩa Nirvana của Phật giáo, với quan điểm của phái Mādhyamika, ông cũng đã mở đầu cho tác phẩm của mình bằng những lời[2]: “Dù một trăm năm đã trôi qua, và từ khi sự khảo cứu có tính cách khoa học về Phật học đã được khởi sự ở Âu châu, chúng ta vẫn còn mù mịt về những giáo thuyết căn bản của tôn giáo này và nền triết lý của nó.
Cho đến năm 1955, T. R. Murti xuất hiện với tác phẩm có kích thước: The Central Philosophy of Buddhism, một tác phẩm khảo cứu về hệ thống Mādhyamika, thế giới hình như đã sáng tỏ hơn. Tình trạng sáng tỏ này đã được D. Friedman bộc lộ trong bài tựa cho Early Buddhist Theory Knowledge của Jayatilleke, năm 1963.
Dù vậy, mãi đến năm 1967, Richard Robinson, với tác phẩm Early Mādhyamika in India and China, còn phải mở đầu bằng những lời mà ông gọi là thông lệ, một thông lệ không thể bỏ đối với những khảo cứu về Mādhyamika: “Dù với những nỗ lực quan trọng của các người trước, chúng ta vẫn thực sự chưa thấu hiểu nổi trường phái này[3].
Lược qua những thái độ của các học giả Phật giáo Âu châu đối với Mādhyamika như thế, trước những tiền đề luận lý rất kỳ quặc của trường phái này, một cách trực tiếp hay gián tiếp, tất cả những người khảo cứu về Mādhyamika đều có một tiền đề luận lý, cũng kỳ quặc, do chính mình bị bắt buộc phải dựng lên: “Nāgārjuna đã nỗ lực binh vực cho một thứ chân lý nào bằng Tánh không luận (Śūnyavāda) của ông”? Thực sự, một câu hỏi như vậy rất hợp lý về mọi mặt, hợp lý từ động lực thúc đẩy công trình khảo cứu, cho đến vận dụng các trích dẫn vào các nguyên tắc lập luận để đi đến một kết luận, một giải pháp thỏa mãn. Nhưng cái câu hỏi ấy lại trở thành kỳ quặc ở chỗ, khi người ta hội đủ mọi phương tiện để tiến gần tới một giải đáp thỏa đáng, thì cũng chính tất cả những phương tiện vận dụng ấy xoay ngược câu hỏi sang một chiều hướng khác; bấy giờ người ta thấy là chưa xác định nổi vị trí của câu hỏi được nêu lên từ lúc đầu làm chỉ đạo cho công trình khảo cứu của mình. Đã không xác định được nổi vị trí và chiều hướng của câu hỏi thì khó mà xác định được cái giải đáp sắp có của mình nên đặt trong vị trí và chiều hướng nào, để có thể gọi là thích đáng và thỏa mãn. Một tác phẩm như vậy, khi vừa khởi sự, nó khởi sự trên một con đường rất thong dong, nhưng cuối cùng phải khép kín lại trên chính nó, trong cái bóng tối mù mịt của một thứ Tánh Không luận nào đó. Thí dụ, người ta muốn giải quyết những mâu thuẫn và bất lực được chứa đựng trong các tiền đề triết học bằng cách dựa vào đặc tính phản kích của xác thịt.[4] Với một ý định như vậy, người ta thấy là có thể khởi sự bằng một viễn tượng của đồng nhất tính, mà vẫn có thể chấm dứt bằng cứu cánh của một mâu thuẫn, trên một con đường rất thong dong. Tuy nhiên, một công trình như vậy cũng chỉ có nghĩa là mở ra và khép lại trên chính nó. Nếu nói đến khả tính bao dung, thì sự bao dung ấy chỉ là sở đắc riêng của nó đối với chính nó. Hoặc nói cho kỳ cùng, khi người ta thấy cần phải hủy diệt một trào lưu tư tưởng nào đó, người ta bắt đầu bằng một căn tính hủy diệt của sự hủy diệt, thì sự thể vẫn không ngoài ý nghĩa rằng mở ra và khép lại trên chính nó. Như một ngọn lửa hủy diệt tất cả, và khi những cái cần hủy diệt đã bị hủy diệt, chính ngọn lửa ấy cũng tự hủy diệt, không còn lại dấu vết.
Thí dụ vừa kể thường được dùng để ám chỉ Nirvana. Nếu vậy, câu nói sau đây của Nāgārjuna phải được lãnh hội như thế nào? Ông nói: “… Pháp như Niết bàn”. Cái khởi lên tự chính nó và biến mất do chính nó, cái ấy được gọi là tự hữu (svabhāva). Một cái như vậy, không có lý do tồn tại, và những luận thuyết bảo vệ cho nó cũng không có lý do thành lập. Murti phát biểu ý kiến: “Người ta thường đòi hỏi một hệ thống triết học mang lại cho chúng ta những quan điểm của nó về những hiện hữu cứu cánh… Triết lý Mādhyamika không phải là một hệ thống trong ý nghĩa này”.[5] Ý kiến ấy là một trong những yếu tố muốn biện minh cho Mādhyamika trước một số chủ nghĩa, như hư vô chủ nghĩa chẳng hạn. Đó có thể không phải là một lối biện minh mới mẻ; ít nhất nó đã xảy ra từ Ārya-Deva, vị tổ thứ hai của Mādhyamika ở Ấn độ; tức là khoảng sau thế kỷ thứ II Tây lịch nó đã khởi sự. Tuy vậy, những ai có thiện cảm với Mādhyamika đều nói đến luôn, trừ những người cố tình giữ một thái độ gọi là khách quan nghiêm chỉnh.
Bởi nhiều lý do, thái độ biện minh vừa nhắc ở trên càng ngày hình như càng trở thành thể tài then chốt trong các công cuộc khảo cứu về Mādhyamika. Chúng ta cũng có thể coi thái độ của Raymond Panikkar, bày tỏ trong tạp chí Philosophy East and West, vol. XVI, số 3-4, 1966, như là một thái độ phổ cập hiện nay đối với học thuyết Mādhyamika. Người ta không còn coi học thuyết này có một chủ đích nào đó phải hướng đến, vì Nāgārjuna thường nói sinh tử và Niết bàn là một, hay Pháp như Niết bàn, cái khởi lên như biến mất, cái đến như vậy và đi như vậy – Tathāgata; cái sự thực như vậy là như vậy – Yathābhūtam, v.v…; nghĩa là, chỉ nên coi Mādhyamika như là một học thuyết phê bình, cứu cánh được tìm thấy ngay trong các phương tiện vận dụng của ngôn ngữ và tư tưởng. Có thể nói cách khác, qua các phương tiện mà Mādhyamika vận dụng, người ta thấy ngay sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng không ở ngoài hay ở sau sự phát khởi của nó. Đây không phải là định luật sinh thành và hủy diệt của mọi sự thể, nhưng giới hạn của các phương tiện mà người ta vận dụng là như vậy.
Bấy giờ, nếu muốn cân nhắc hiệu lực mà Mādhyamika có thể có, người ta phải thay đổi bình diện vận dụng ngôn ngữ và sinh hoạt thực tế. Bài tựa của Paul Demiéville viết cho bản dịch Pháp văn của J. May về tác phẩm Prasannapadā Mādhyamikavṛtti của Candrakīrti[6], nói: “Phải ở Trung hoa người ta mới thấy một thành tựu sôi nổi của triết học về Tánh Không này. Sự thành tựu đó là Tánh Không được vận dụng ngay trong sinh hoạt của Thiền, trong các việc “gánh nước, đốn củi”. Đó là cái mà Demiéville gọi rằng sự giải thoát được vận dụng bằng Tánh Không là sự trở về với các sinh hoạt thực tế thường nhật. Richard H. Robinson với tác phẩm Early Mādhyamika in India and China cũng nỗ lực trong chiều hướng này, như những lời ông bộc lộ trong chương I của tác phẩm.
Như vậy, mặc dù chúng ta lúc nào cũng có thể nói, cứu cánh của học thuyết Mādhyamika phải cố tìm thấy trong các phương tiện vận dụng của nó, nhưng hình như người ta phải thay đổi tất cả bình diện mới thấy được cái chất sống động của nó, hơn là dừng lại ở chính quê hương – nghĩa đen là nghĩa bóng – của nó. Bởi vậy, người ta thấy Murti phải bám sát Kant và Hegel[7] mới có thể viết về Mādhyamika một cách thong dong; nhà học giả này đã vận dụng tất cả các nguyên tắc luận lý, các phương thức phê bình triết học…, những cái, ta có thể nói, rất xa lạ đối với những điều được nói trong các tác phẩm của Nāgārjuna. Robinson cũng vậy. Dù ông không đồng ý với phương pháp của Murti, nhưng trong tác phẩm của ông, ngoài công việc phiên dịch và bình chú các tài liệu của người Trung hoa có liên hệ đến Mādhyamika, hình như ông không có cách nào hơn nữa.
Chúng ta vừa nói đến sự thay đổi bình diện để thấu hiểu tất cả ý nghĩa và hiệu lực của Tánh Không, luận trong học thuyết Mādhyamika. Ở đây, chúng ta cần nêu lên, ít nhất là một, trường hợp điển hình. Trước hết, các bình diện được thay đổi có thể từ lý thuyết sang thực hành; sự vận chuyển của tư tưởng từ một nền văn hóa này sang một nền văn hóa khác với các khía cạnh xã hội, ngôn ngữ và truyền thống… Trên tất cả, bình diện lịch sử thường được sử dụng nhiều nhất; nó thường đến độ người ta có cảm tưởng là đang ở ngay trong lòng phát triển của một học thuyết; không một chút thắc mắc nào về bản tính không lịch sử của tư tưởng, và cố nhiên là không bao giờ thắc mắc rằng làm như vậy có phải là đã đẩy tư tưởng ấy sang một bình diện khác hay không. Các nhà Phật học Trung hoa cổ đại đã thực hiện sự việc này rất thông thường. Họ làm thế để tìm một giải thích hợp lý cho lý do xuất hiện của Tánh Không luận trong Phật học. Tuy nhiên, họ không đặt bình diện lịch sử này theo các thời đại phát triển của tư tưởng Phật học. Lịch sử thì có diễn tiến, nhưng không đi thẳng hay quanh co; mà diễn tiến theo luật phản phục của kinh Dịch: như một ngọn núi lửa, cháy rồi lại cháy, cháy mãi không thôi; ngọn lửa này đuổi theo ngọn lửa khác; có diễn tiến, nhưng bất động; biến dịch và biến động trong bất dịch và bất động. Dĩ nhiên họ phải trích dẫn những điều có nói đến trong các kinh Phật đã được lưu truyền tại Ấn độ. Tài liệu như vậy rất phong phú. Toàn thể lịch sử Phật giáo chính là những ngày tháng lang thang của Phật trên đất Ấn, khéo léo vận dụng vô số phương tiện để đáp ứng cho tất cả mọi căn cơ trước một khát vọng tuyệt đối là giải thoát và giác ngộ. Đó là lịch sử diễn tiến trong một không gian và thời gian thu hẹp, qui tụ trên nhân cách của một vị Phật, đức Thích Ca. Trong thế giới vô tận, lịch sử là một cuộc hành trình với nghĩa “đi như vậy và đến như vậy”, từ vị Phật này tiếp nối đến vị Phật khác. Bởi vì, “đi như vậy và đến như vậy”, do đó, lịch sử có diễn tiến, có lặp lại, nhưng bất động như hư không. Với một quan niệm về lịch sử như vậy, mọi xung đột của các ngành học thuyết Phật giáo tại Ấn độ được hóa giải hết tại Trung hoa. Những xung đột tại Trung hoa không phải là không có, nhưng hình như không đáng kể. Trước một thứ lịch sử tư tưởng thế này, ở đây, chúng ta chỉ có thể nói một cách vắn tắt: làm thế nào để vận dụng tất cả khả năng của ngôn ngữ và tư tưỏng trên một diễn tiến hợp lý, bất chấp các nguyên tắc luận lý – thí dụ, vi phạm luật Triệt Tam hay cấm Mâu thuẫn…- Bởi vì, ở trí tuệ thông tục, chỉ có tiệm chứ không có đốn? Người ta có một nguồn giáo chứng có thẩm quyền tuyệt đối, Saddharma-pundarika-sutra: “durvijñeyam śariputra samdhohāsyam tathāgatānām…”; “không thể hiểu được sự biểu thị của các đức Như Lai”. Tại sao vậy? “… māhopayakausalya jñānanadarśanaparama pāramitā prāptāh…” Bởi vì, “Sở đắc về đại phương tiện tri kiến ba-la-mật” của các ngài vậy. Đây không phải là cố tình viện dẫn một chứng lý. Bất khả thuyết trước một tình trạng nan giải, nhưng vì biết rằng trong dòng vận chuyển của ngôn ngữ và tư tưởng, tất cả mọi sự khởi lên, tồn tại rồi biến mất giống như quáng nắng, như một giấc mộng[8]
Trên đây là sơ lược một ít kiến giải và phương thức áp dụng đối với Mādhyamika, từ trước đến nay.
Bây giờ chúng ta trở lại cái ý tưởng ban đầu, với hai câu hỏi then chốt:
1) Tánh Không luận là gì?
2) Nāgārjuna đã nỗ lực bảo vệ một chân lý nào bằng Tánh Không luận?
Bởi vì câu hỏi thứ nhất thường bắt buộc người ta phải trả lời bằng các công thức của định nghĩa – làm như vậy là tự giới hạn tri kiến vào một khuôn khổ cố định hẹp hòi – và bởi vì người ta cảm thấy rằng chỉ có thể đạt đến một cứu cánh nào đó của Mādhyamika bằng chính các phương tiện vận dụng của nó, cho nên mọi nỗ lực đều được qui tụ vào câu hỏi thứ hai. Trong sự nỗ lực này, tính cách phản danh và mâu thuẫn nội tại của ngôn ngữ và tư tưởng thường được vận dụng tích cực nhất. Sau đó, hình như người ta sẽ tiến đến nơi mà Nāgārjuna gọi là nơi chấm dứt tất cả diễn tiến của ngôn ngữ và tư tưởng: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt[9]…: Pháp như Niết bàn” (Luận Đại trí độ). Đây là lý tưởng chung của tất cả các nhà Đại thừa, không riêng gì Nāgārjuna. Nhưng, từ Nāgārjuna về sau, người ta có cảm tưởng là tất cả các nhà Đại thừa Duy thức cố tình thiết lập một nền tảng luận lý thật vững chãi; luận lý hiểu theo nghĩa nào cũng được, vì nó không phải là trọng tâm ở đây. Nói cách khác, những gì được đưa đến tay họ, chúng liền được phối trí thành một trật tự vô cùng mạch lạc. Nếu chúng ta không ngại là phát biểu ý kiến một cách bừa bãi, thì ở đây chúng ta có thể nói như vầy: Sinh tử hay Niết bàn, luân hồi hay nghiệp báo, đối với các nhà Đại thừa Duy thức đều là những hệ luận hợp lý của luận lý. Ý kiến này được coi như là phát biểu bừa bãi; bởi vì lấy trường hợp của Huyền Trang mà nói, mặc dù ông chịu ảnh hưởng của Duy thức rất đậm đà nhưng, theo như khám phá của Nakamura[10], khả năng và luận lý học của ông không được vững chắc. Tuy nhiên, chúng ta có những lý do riêng. Thứ nhất, cái mà Asanga gọi là “sở tri tướng” tức Tàng thức (ālaya-vijñāna), là cái kho của những hạt giống (bīja, chủng tử) sinh thành và hủy diệt của thế giới, thì trong cái kho đó, những hạt giống này được gieo mầm và nảy nở theo luật tắc nhân quả rất chặt chẽ. Đó là căn nguyên nhân quả của tất cả nhân quả, nghĩa là căn nguyên của mọi thứ luận lý học. Vả lại, ở Ấn độ, thay vì gọi là Luận lý học, người ta gọi là “Nhân minh học” (hetu-vidya), và điều này lại càng chứng tỏ tầm quan trọng của căn nguyên nhân quả, như là căn nguyên của mọi suy luận hợp lý. Thứ hai, phải đợi đến khi đọc được quả quyết của Dharmakīrti mới thấy rõ: Mọi hành vi có hiệu quả của con người được hướng dẫn bởi sự hiểu biết chân chính[11]“. Hiểu biết chân chính ấy là gì? Ông nói: “Có hai, trực tiếp và gián tiếp[12]“, tức là sự hiểu biết đạt được bằng tri giác và bằng suy luận. Nói theo thuật ngữ Hán là hiện lượng (pratyakṣa) và tỉ lượng (anumāna). Từ khi Digna rút ra được từ trong kho tàng Duy thức học cái căn nguyên vững chãi cho mọi suy luận hợp lý thì các nhà Đại thừa Ấn độ kể từ đó – kể từ thế kỷ VI tây lịch trở đi, hình như chỉ còn một đường hướng khảo cứu duy nhất là dồn tất cả nỗ lực vào luận lý học.
II.
Tiến đến một cứu cánh mệnh danh là “Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt, Pháp như Niết bàn”, có hai sự thật của tâm thức. Chúng ta đối trị tất cả sự thật thông tục bằng phương pháp phân tích. Hiệu lực của phương pháp này rất yếu; bởi vì trong sự phân tích, chúng ta chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận: hoặc quyết định hữu (Sadbhūta), hoặc quyết định vô (Asadbhūta). Đối với tác giả (Kāra), tác nghiệp (Karoti) và hiệu lực của tác nghiệp (Karma), cả hai quyết định đều không quyết định được mối quan hệ của chúng. Mādhyamaka-kārakā VIII, 4, viết: “Sad-bhūtah kārah karma sadbhūtam na karoti ayam, kārako nāpyasadbhūtah karmādbhūtam ihate[13]“. Quyết định tác giả không tạo ra quyết định nghiệp. Không quyết định tác giả cũng không tạo ra quyết định nghiệp.
Khi phân tích, để giữ được tính cách nhất trí của những cái được phân tích, không khiến cho chúng trở thành tạp loạn và rời rạc, ta phải giữ vững mối quan hệ của chúng. Nghĩa là ta phải căn cứ trên bản tính hiện hữu và tồn tại của chúng, như Vasubandhu xác định rõ trong luận Abhidharma-Kosa[14]. Với một phương pháp phân tích như vậy, mối quan hệ mà chúng ta tìm thấy chỉ xảy ra trong phạm vi thế tục trí (laukika- jñāna), nếu chúng ta chọn một viễn tượng cứu cánh như vậy không, thì ngoài phương pháp phân tích vừa kể, chúng ta khó mà cân nhắc được phản ứng của các phương tiện vận dụng. Trong trường hợp vận dụng Tánh Không luận như một phương tiện, chúng ta có thể nhắc lại khuyến cáo của Nāgārjuna: “Như bắt rắn không đúng cách như dùng chú thuật sai lạc, Tánh Không bị hiểu lầm cũng tai hại như vậy đối với kẻ trí năng thấp kém[15]“.
Những điều vừa nói báo hiệu một đường lối vận dụng Tánh Không luận ở đây.
Trước hết, chúng ta hãy trích dẫn bài tụng thứ nhất của Trung luận (Mādhyamaka-kārika):
Na svato nāpi parato
Na dvābhyàm nāpy ahetu;
Utpannà jātu vidyante
Bhàvàh kvacana ke cana. M K I. 1
Các bản dịch chữ Hán:
Chư pháp bất tự sinhDiệc bất tùng tha sinhBất cộng bất vô nhânThị cố tri vô pháp[16].Vô thời diệc vô xứTùy hữu nhất vật thểTùng tự tha cập cọngVô nhân nhi khởi giả[17].
“Bất cứ nơi nào hay bất cứ ở đâu, tuyệt đối không có sự thể nào khởi lên từ chính nó (svatah), từ cái khác (paratah), từ cả hai cộng lại (dvābhyam) hay vô nhân (ahetuh)”. Đây là lối lập luận phủ định tứ cú (catukoti), theo Jayatilleke[18]:
  1. S is P, e.g. atthi paro loko (there is a next world).
  2. S is not P, e.g. natthiparo loko (there is no next world).
  3. S is and is not P, e.g. atthi ca natthi ca paro loko (there is and no next world).
  4. S neither is nor is not P, e.g. n’ev’atthi na atthi para loko (there neither is nor is there no next world).
Jayatilleke giải thích: Nếu coi bốn trường hợp trên như là các định luật tư tưởng: luật Đồng nhất (the law of Identity), luật Mâu thuẫn (the law of Contradiction), luật Triệt Tam (the law of Ecluded Middle) và luật Nhị bội (the law of Double Negation) thì ba vi phạm luật Mâu thuẫn và bốn vi phạm luật Triệt Tam, do đó, theo luận lý Aristotle, chúng tất yếu là những mệnh đề sai.
Một trong những trường hợp giải quyết sự hợp lý của tứ cú, Jayatilleke nhắc lại bài báo của Archie J. Bahm đăng trên tạp chí Philosophy East and West, theo đó, nên coi Phi-P là một phản đối (the contrary) chứ không phải là một mâu thuẫn (the contradictory) của P;[19] Jayatilleka thí dụ:
  1. So sukhī, he is happy.
Bởi vì “na sukhī” là một mâu thuẫn và “dukkhi” (unhappy) là một phản đối của sukhī, nên
  1. So dukkhī.
III. So sukhī ca dukkhī ca.
  1. So n’eva sukhī na dukkhī.
Như vậy, III và IV ở đây không mâu thuẫn nội tại.[20]
Cũng trong đường lối này, một thí dụ được trích dẫn đáng chú ý:[21]
  1. atthi paro loko na (atthi paro lako), (contradictory).
  2. natthi paro loko (contrary).
III. atthi ca natthi ca paro loko.
  1. n’evatthi na natthi paro loko.
Trong thí dụ này, trên hình thức ngôn ngữ, người ta phân biệt: na (atthi…) như là mâu thuẫn của atthi, và natthi là một phản đối của atthi. Bởi vì, ở đây không bàn đến pháp thức luận lý, do đó chúng tôi không tiến xa thêm nữa. Điều cần ghi nhận, khi một danh từ được thay đổi hay một hình thức phát biểu của ngôn ngữ được thay đổi, thì sự thay đổi này đưa đến một hiệu lực nào. Tất nhiên là không phải hiệu lực thực tế. Nhưng, chỉ cần đó là một hiệu lực để ta có thể hiểu được điều này: trong khi thay đổi bình diện ngôn ngữ của Tánh Không luận thì chúng ta cũng thay đổi luôn cả cứu cánh của sự diễn đạt, dù vậy, có hay không có một ý nghĩa tối thượng bên trên tất cả sự thay đổi này? Có lẽ chúng ta phải giữ một thái độ rất độc đoán, bởi không độc đoán thì vấn đề vừa nêu ra ở trên chẳng có ý nghĩa gì hết. Thái độ độc đoán đó, tạm thời được phát biểu như sau, mượn một câu kinh Pháp cú: “Như một hồ nước, càng sâu thì càng trong suốt và yên lặng; cũng vậy, những kẻ có Trí sau khi nghe được chánh pháp, tâm hồn của họ trở nên thâm trầm, trong suốt và yên lặng như thế”. Với thái độ độc đoán ấy, Tánh Không luận như một phương tiện, nhưng là một thứ phương tiện không hiện hình. Cũng như ở trong bóng tối dày đặc, nếu không ngủ yên được một giấc dài thì phải tạo ra nhiều cử động: “Cầu chi bất đắc ngộ mị tư bặc, du tai! Triển chuyển phản trắc”. Mong ước mà không được, thức cũng nhớ mà ngủ cũng nhớ; xa vời thay! Xa vời thay! Lăn qua trở lại (Kinh Thi). Cũng vậy, khi phải đối đầu với một thứ phương tiện vận dụng được mệnh danh là Không, Vô tướng và Vô tác, người ta không ngớt phải xoay trở các bình diện lập ngôn.
Bấy giờ, chúng ta lấy lại lối lập luận phủ định tứ cú. Vấn đề thứ nhất, là hiệu lực của tứ cú[22]. Kế đến, căn nguyên. Và sau hết, tác dụng của phủ định.
1) Hiệu lực mà chúng ta cân nhắc được giá trị và giới hạn của nó phải là một thứ hiệu lực thực tế, tức là mối quan hệ nhân quả của tâm thức trong dòng vận chuyển tương tục. Căn cứ theo đây thì có thể thực hiện được phương pháp phân tích. Sơ khởi, phải thực hiện ngay trong dòng vận chuyển của tâm thức mới hy vọng, về sau, dù có tiến xa đến đâu vẫn không rơi vào tình trạng tạp loạn và rời rạc. Ở sơ khởi này, người ta giữ chặt lấy hai nguyên tắc: tương tục và tương tợ. Do tương tục, mọi sự thể có khởi lên, biến mất. Đó là sự thể được coi như hiện hữu dị biệt. Sự khởi không dị biệt thì không có khởi lên, tồn tại và biến mất. Nhưng cũng do tương tợ mà sự thể khởi lên, tồn tại và biến mất trong trật tự của đồng nhất. Phân tích như vậy, trong một giới hạn rất nhỏ hẹp, người ta có thể đánh giá được sự hợp lý và hiệu lực của tứ cú. Tuy nhiên, lối phân tích ấy chỉ mới trình bày trong một giới hạn thô thiển; kết quả thu lượm thật quá mỏng manh. Sự hợp lý và hiệu lực của tứ cú được đánh giá bằng cách qui chiếu vào tính cách vận chuyển của tâm thức, điều này chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta nói được rằng ngôn ngữ và tư tưởng là một. Nếu nói thế thì ngôn ngữ không còn là một phương tiện vận dụng của tư tưởng nữa, do đó ngôn ngữ trở thành tiếng nói của hư vô, và tư tưởng cũng là dòng vận chuyển của hư vô. Bởi vì, phải căn cứ vào sự mạch lạc của ngôn ngữ ta mới có thể phối trí được trật tự của tư tưởng; và ngược lại, ngôn ngữ phải khởi lên từ một căn nguyên là tư tưởng nó mới có một nội dung cụ thể và như vậy ta mới quả quyết được hiệu lực của nó. Thay vì để đạt được một hiệu lực gọi là thực tế, luôn luôn, trong các luận thuyết của phân tích, ta lại đạt được một thứ hiệu lực của hư vô. Nhưng cố nhiên hiệu lực của hư vô chỉ là một giả tưởng, hiệu lực và hư vô là những khái niệm tương phản, nếu cố kết hợp thành một, ta có một khái niệm tương phản, nếu cố kết hợp thành một, ta có một khái niệm tự mâu thuẫn. Ở đây, chúng ta vẫn chưa đạt được những điều mong muốn. Nếu thực hiện được sự phân tích đến kỳ cùng, chúng ta cũng chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận: hoặc quyết định hữu (Sadbhūta) hoặc quyết định vô (Asadbhūta) như đã thấy[23]. Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu của nền luận thuyết Phật học, phương pháp phân tích được coi như là phương pháp duy nhất đào luyện khả năng quán chiếu của trí tuệ. Cho đến thế kỷ V TL. Phương pháp này vẫn còn được coi trọng, như lời quả quyết của Vasubandhu trong Kosa. Vì phương pháp phân tích, một khi đối đầu với Tánh Không luận, thường bị đẩy vào tình trạng tiêu cực, hay nói khác đi, tình trạng tự hủy, các nhà Đại thừa Duy thức mới thiết lập mối quan hệ nhân quả trên bình diện giả hữu để sử dụng phương pháp phân tích có hiệu lực hơn. Như vậy, trên quan điểm tuyệt đối (paramārtha), bản tính của hiện hữu là Không; và trên bình diện thế tục (samurti), bản tính ấy là Hữu. Có hiện hữu, vì có tác dụng của tâm thức: đó là lập trường Duy thức (vijñānamatrā). Từ đó, người ta có thể tạm thời thỏa mãn với những gì đạt được bằng phân tích. Căn cứ theo đó để huân tập khả năng của trí tuệ; khi sự huân tập này đã thành tựu, người ta có thể vượt tất cả các phân biệt danh tướng (nāma-lakṣana) để diện kiến trực tiếp với một thế giới siêu tứ cú, mà kinh Lăng già gọi là cảnh giới Thánh trí tự chứng. Bỏ qua các tranh chấp dị biệt giữa các nhà Đại thừa Duy thức và Trung quán, chúng ta có thể nhắc đến lý tưởng cứu cánh chung của các nhà Đại thừa qua kinh Lăng già như sau, đại ý: “Sự xuất hiện và biến mất của thế giới này giống như một cảnh tượng mộng ảo, như hoa đốm giữa trời. Những vị đã quyết định chỉ có một con đường độc nhất là giác ngộ, trí tuệ của họ không lạc vào Hữu và Vô, căn cứ theo đó mà vận dụng tâm nguyện đại bi của mình”. Nói cách khác, trong cái thấy, bằng trí tuệ, của các vị này, thế giới chỉ là một giấc mộng, nhưng họ làm tất cả lợi ích cho giấc mộng ấy, không vì một cứu cánh nào hết, mà vì như vậy.
2) Chúng ta sẽ có rất nhiều thủ thuật tinh tế của các phương tiện suy lý. Trong số đó, cái có thẩm quyền gần như tuyệt đối là “thực tế đã nói như vậy”. Bằng mọi cách, người ta cố làm thế nào để sự thật tự nói lên sự thật của chính nó. Phương pháp phân tích cũng có thể dẫn đến đó. Thí dụ, vì “thực tế đã nói như vậy”, do đó, người ta đã phối trí trật tự của phân tích cũng như vậy. Trên hình thức, đây là lối lý luận căn bản của các luận thuyết Abhidharmika. Theo lối suy luận này, mỗi sự thể xuất hiện trong trật tự của phân tích, luôn luôn chúng xuất hiện với một vị trí cố định. Vì có vị trí cố định nên không trở thành tạp loạn và rời rạc. Rồi bằng tương quan tác dụng trong trật tự đã được phối trí, người định danh cho mỗi sự thể. Chúng ta lấy thí dụ cổ điển của các luận thuyết Abhidharmika: một thanh gỗ, vì tương quan tác dụng trong một vị trí cố định, nó được gọi là củi (indhana). Một vị trí cố định có nghĩa là tương quan đồng thời và đồng xứ. Bởi vì tương quan tác dụng này, thí dụ: lửa và củi, người ta đạt được một sự thật duy nhất: sự thật của sự đốt cháy. Nếu đặt phân tích trên các tác dụng của tâm thức, sự thực đó tức là bản ngã. Trên sự thật của bản ngã, người ta lại cảm thấy giải quyết được những khái niệm chống đối nhau: vô thường và vĩnh cửu. Theo đó, một đằng, bản ngã hoạt động trong các tác dụng dị biệt của tâm thức và một đằng, duy trì tất cả tác dụng dị biệt trong một thể tính đồng nhất. Nơi đây, có thể trích dẫn một kết luận của Nāgārjuna:[24] “Những ai thấy có một bản ngã (ātman) bằng phân tích dị biệt và dị biệt (pṛthak pṛthak), kẻ ấy không thấy ý nghĩa của đạo lý”. Căn cứ theo kết luận ấy mà nói, sự tất yếu của một bản ngã, để điều động tất cả các tác dụng dị biệt, không phải là cái mà người ta đạt được qua “chính sự thật tự nói lên sự thật như vậy” nhưng qua căn nguyên của tất cả phương pháp phân tích: đồng nhất và dị biệt.
Bây giờ, chúng ta tạm thời theo dõi diễn tiến của các vận dụng đồng nhất và dị biệt[25] để đi tới một kết luận như vừa dẫn. Sự vận dụng này bắt đầu từ tương quan nhân quả của lửa và củi để tiến đến sự hợp tác của chúng là sự đốt cháy. Để thực hiện, người ta giả thiết rằng chúng là những tự thể dị biệt; đây chỉ là giả thiết, không cần xét đến bản tính của chúng. Bằng tự thể dị biệt ấy, người ta có thể định danh cho mỗi sự thể, và như vậy là chỉ định chúng phải đi đến một hợp tác nào đó, để nói lên một sự thật. Cũng vậy, ở hình thức phát biểu của một mệnh đề, chủ từ và thuật từ, vì tiên quyết là những tự thể dị biệt, sẽ được định danh để nói lên một ý nghĩa nào đó của sự thật. Như thế tức là qui chiếu vào đồng nhất tính: những tự thể dị biệt hợp tác theo tính cách đồng thời và nhất loạt[26]. Từ căn bản này mà đi, tương quan nhân quả là tương thành: những tự thể dị biệt thành tựu ý nghĩa cho nhau; đó là danh phận của mỗi tự thể trong một cộng đồng hợp tác. Nhưng tương thành lại là trùng thành (siddasya sādhanam) (MK. X, 9). Căn cứ trên hình thức suy luận mà nói, vì muốn cho tất cả giả thiết có hiệu lực trong khả năng diễn đạt, do đó, khi định danh và định phận của mỗi tự thể, phải đặt chúng trên một diễn tiến mạch lạc của trật tự nhân quả. Làm như vậy tức là giả thiết được rằng, mỗi tự thể dù xuất hiện trong tính thể dị biệt của nó nhưng lại tác dụng trong một thế giới cộng đồng, vì diễn tiến mạch lạc của trật tự nhân quả là vậy. Tuy nhiên khi từ một giả thiết như thế rồi tiến đến chỗ thiết lập mối quan hệ trong tính cách hỗ tương thành tựu của các tự thể dị biệt, người ta bỗng khám phá ra rằng, từ giả thiết đến thiết lập, phải thay đổi rất nhiều môi trường, người ta chỉ bắt gặp những giả danh và cuối cùng, cái danh phận đạt được – và cho rằng như vậy là thiết lập được thế giới cộng đồng của các tác dụng dị biệt – không vượt qua khỏi giới hạn khép kín của giả danh. Giả thiết, đến đây trở thành vô hiệu, vì đã phạm phải lỗi trùng thành trong hình thức suy luận.
Về lỗi này, Trung luận (MK. X.9) diễn tả như sau: “ yadhīndhanam apekṣyāgnir agneh siddhaya sādhanam ”. Nếu cần phải giả thuyết lửa và nhiên liệu của lửa – như là những tự thể dị biệt, thì lửa là sự thành tựu của sự thành tựu.
Nói tóm lại, căn cứ trên đồng nhất và dị biệt, ta có thể giả thiết được bốn trường hợp của những tương quan giữa chủ từ và thuật từ, tức là giữa những tự thể dị biệt và các tác động của chúng. Tương quan ở đơn cú: I. Atthi paro loko; II. natthi paro loko; tương quan của phức cú: III. Atthi ca paro loko; IV. N’evatthi na natthi paro loko. Nhưng cuối cùng giả thiết trở thành vô hiệu, và như vậy sự phân tích sẽ dẫn đến một căn nguyên hư vô. Thực tế tức là hư vô, vì là giả tưởng của danh ngôn. Tánh Không luận được sử dụng như một thứ tuyệt đối duy danh luận.
3) Nơi đây, khi nói về hiệu lực của phủ định, chúng ta sẽ lập lại thí dụ về tứ cú của Jayatilleke, phân biệt sự phản đối và mâu thuẫn. Trên hình thức của tứ cú, II phản đối I và IV phản đối III. Phản đối không phải là phủ định. Cả bốn trường hợp, căn cứ trên tự thể dị biệt của các chủ từ và thuật từ để xác định các trường hợp tương quan của chúng trong đồng nhất của hợp tác. Trước khi nói đến hiệu lực của phủ định đối với tứ cú, chúng ta thử thiết lập bốn nguyên tắc phê bình. Những nguyên tắc này thường thấy trong Trung luận (Mādhyamaka-kārikā), và một phần trong Hồi tránh luận (Vigrahavyavarttani).
a)- Nghịch suy vô cùng: đây là một hình thức nhập môn của Tánh Không luận, sơ đẳng nhất nhưng lại quyết định tất cả sự thấu triệt về Tánh Không. Lối phê bình này là nền tảng của tập Hồi tránh luận. Nói một cách giản dị, cách sử dụng được thiết lập như sau: thí dụ, nói rằng bất cứ một mệnh đề có giá trị nào đều phải được chứng thực bằng hiện lượng (pratyakṣa), tức là thẩm quyền của tri giác. Nhưng, giá trị của hiện lượng chứng thực bằng cái gì? Ta sẽ có hiện lượng của hiện lượng. Lý luận bằng cách bước thụt lùi như vậy, ta sẽ đi đến một tình trạng vô cùng. Tức là, không bao giờ đạt đến một cứu cánh hay một căn nguyên nào hết. Những lối nói khác, như căn nguyên của căn nguyên, cứu cánh của cứu cánh, hủy diệt của hủy diệt, Tánh Không của Tánh Không… là những hình thức vừa sơ đẳng vừa quyết định của Tánh Không luận. Bằng lối suy luận như vậy, người ta thấy không thể, hay không cách nào binh vực và thiết lập giá trị cũng như căn nguyên của Tánh Không luận. Nếu thế, chỉ có Tánh Không luận mới binh vực được cho chính nó; mọi luận thuyết về Tánh Không đều thở thành vô nghĩa.
b)- Tương đãi: Từ nghịch suy vô cùng, người ta khám phá ra tính cách mâu thuẫn nội tại của lý tính. Do đó, khi Tánh Không luận được đặt vào các lãnh vực tư biện của triết lý Tây phương, nó được mệnh danh là biện chứng pháp. Bởi vì, bằng cách triển khai sự mâu thuẫn nội tại của lý tính, người ta sẽ có thể đạt đến cứu cánh tâm linh. Chúng ta có thể trích dẫn luận Đại Trí độ 1 để xác nhận ý kiến ấy: ngôn ngữ đã chấm dứt, tâm hành cũng đã xong, không sinh không diệt, Pháp như Niết bàn.
Trong trích dẫn trên, nếu chúng ta giải thích theo đường lối cổ điển của Tam luận tông Trung hoa, thì ở đây có ba lãnh vực của Trí tuệ. Lãnh vực biểu hiện, biểu hiện bằng ngôn ngữ và tâm hành. Lãnh vực tác dụng; Trí tuệ vận chuyển trên con đường giữa: Bất sinh bất diệt. Sau hết, tự thân của Trí tuệ: Pháp như Niết bàn. Với đường hướng ấy, ta sẽ nêu ra ở đây hai giải thích điển hình về cái ý nghĩa gọi là mâu thuẫn nội tại. Tất nhiên, trong này, khái niệm về mâu thuẫn nội tại không chính xác bằng tương đãi.
Giải thích 1: “vì không cho nên có”. Giải thích này được dẫn khởi từ một tụng ngôn của Nāgārjuna, MK. XXIV, mà vì các chữ dịch của Kumārajīva trong bản Hán rất quyết định, do đó giải thích 1 đã quả quyết như vậy. Chúng ta hãy trích dẫn Phạn văn, và đối chiếu các bản dịch điển hình:
Sarvam ca yujyate tasya, śūnyatà yujyate; Sarvam na yujyate tasya śūnyam yasya na yujyate.
(I) Murti (337):
– All is concord indeed for him who to Sūnyatā conforms;All is not concord for him who conforms not to Sūnyatā
(II) J. May (234):
– Si la vacuité est logique, tout est logique; si elle est absurde, tout est absurde.
(III) Kumārajīva:
– Dĩ hữu không nghĩa cố,
nhất thiết pháp đắc thành
Nhược vô không nghĩa giả,
nhất thiết tắc bất thành.
Hiểu theo (I), Tánh Không luận của Mādhyamika như là nền tảng cho một tổng hợp của các hệ thống triết học, và Murti gọi đó là một điều lạ (I): Tất cả đều thích ứng, vì thích ứng với Tánh Không.
Hiểu theo (II), Tánh Không như là căn nguyên hợp lý của tất cả sự hợp lý.
Nếu theo (III) ta phải hiểu “Vì không cho nên có” và lối hiểu này khác hẳn trên. Ở đây, người ta coi thành (yujyate) như là sự thành tựu của các sự thể đã xuất hiện. Nói cách khác, đó là sự thành tựu của Hữu thể – của cái Có. Để đi tới một quyết định như thế, người ta phải nói Hữu không phải là tự hữu. Tuy nhiên, nếu đồng nhất với tất cả cái khác, thì Hữu cũng không thể có sự thành tựu; chỉ trong tác dụng dị biệt mới bộc lộ sự thành tựu của Hữu.
Như vậy, vì tương quan, vì không tự hữu, do đó, Hữu được thành tựu từ Không. Sự đối đãi giữa Không và Hữu ấy sẽ cho thấy một căn nguyên của cả Không và Hữu, vì cả hai là Một, và căn nguyên của cái Một đó cũng là cái Không, tức là cái Không của Không Hữu. Bằng sự triển khai này, người ta thấy ngay có một sự thành tựu trên tất cả mọi sự thành tựu: đó là sự thành tựu của vô ngôn, và cũng là “Pháp như Niết bàn”.
Nói tóm lại, Tánh Không là gì? Là căn nguyên của tất cả sự thành tựu. Cái đã thành tựu là Hữu. Từ đó, người ta tiến tới kết luận rằng Tánh Không luận là Chân Không Diệu Hữu: cái Không thì vắng lặng, vô thanh vô tức, mà cái Có-Hữu thì lạ lùng, thấy như không thấy.
Giải thích 2: “Hữu là Một vì là Tất cả”. Giải thích này được dẫn khởi từ MK. XXIV18: “yah pratītyasamutpādah śūnyatam tam pracakṣamahe; yà prajñaptir upādāya pratipat saiva madhyamà[27]
Kumārajīva: Chúng duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không; diệc vi thị giả danh, diệc vi Trung đạo nghĩa. Tất cả những gì khởi lên do các duyên (pratītyasamutpūda), tôi nói đó là Không (śūnya), cũng gọi là giả danh (prajñapti) và cũng là Trung đạo (madhyama pratipat). Trên một trình tự mạch lạc, đó quả là sự vận chuyển của Biện chứng pháp. Hữu, là sự thành tựu của Một, nhưng không tự hữu, vì là Tất cả. Vậy, khi cái Một khởi lên, thì Tất cả cùng khởi lên; khi cái Một biến mất, Tất cả cùng biến mất. Từ đó, Tánh Không là căn nguyên cho một thế giới cộng đồng của các tác dụng dị biệt.
Cả hai giải thích đều nói đến sự thành tựu. Chúng ta có: sự thành tựu của ngôn ngữ, của tác dụng, của im lặng hay Tịch diệt (tức Niết bàn).
Tuy nhiên, vì tất cả sự thành tựu vừa kể đạt được do triển khai tính cách tương đãi, cho nên đấy chưa phải là cứu cánh của Tánh Không luận.
c)- Trùng thành: Chúng ta xác định lại giá trị cứu cánh của tương đãi bằng hình thức của suy luận. Trước kia, bằng vào tương đãi, hình như tất cả sự thành tựu đều được thành tựu như đã từng mong mỏi. Nhưng các giải thích điển hình chỉ cho thấy là người ta cố gắng để đi đến một kết luận hợp lý cho những gì đã được nêu lên từ trước. Trong các cách thức vận dụng ngôn ngữ, luôn luôn phải vận dụng đồng nhất và dị biệt. Một khi vận dụng đồng nhất, thì phải đi từ cái dị biệt, và ngược lại. Cho đến lúc thiết lập xong đồng nhất và dị biệt thì mới có thể triển khai tương đãi đến chỗ rốt ráo của nó. Bấy giờ, lúc đồng nhất và dị biệt đã được thiết lập, người ta thấy ra rằng đồng nhất trong đồng nhất tức là dị biệt, dị biệt trong dị biệt tức là đồng nhất. Theo đó, chỉ có hai con đường để đi: từ đồng nhất đến đồng nhất và từ dị biệt đến dị biệt. Chúng khác nhau ở hình thức mà không khác ở nội dung. Căn cứ theo đây mà nói, mọi giải thích bằng cách triển khai tương đãi, đối lập và mâu thuẫn, đều vô nghĩa; vì là trùng thành.
d)- Tự chứng: Cuối cùng, có lẽ chỉ còn một cách nói, rất vô lý nhưng cũng rất hợp lý: cái đó như vậy là như vậy. Đối với sự hợp lý hay vô lý của một lập trường chẳng hạn, giải thích là điều vô nghĩa; do đó, người ta phải cố gắng làm thế nào để nó tự trình diện. Như một ngọn đèn tự soi sáng chính nó trong khi vừa có thể soi sáng những cái khác. Điều này gợi lên cái cảm tưởng rằng, với nguyên tắc tự chứng, ta có thể chứng tỏ sự bất lực của tất cả mọi lập trường tư biện. Tuy nhiên, nếu trở lại từ đầu, từ (a) nghịch suy, (b) tương đãi… tự chứng cũng trở thành vô hiệu. Thí dụ, chúng ta thử lặp lại tương đãi. Tác dụng soi sáng của ngọn đèn là hủy diệt bóng tối: “Nếu ngọn đèn soi sáng chính nó, và cũng soi sáng những cái khác; thì bóng tối, cũng vậy, che tối chính nó và che tối những cái khác”. (MK. VII. 12)
Qua bốn nguyên tắc vừa thiết lập, chúng ta muốn thấy, và hình như đã thấy, khả năng phê bình của Tánh Không có hiệu lực rất lớn trong công dụng đối trị sự thật của ngôn ngữ và sự thật của tâm thức; đến cuối cùng, chúng lại tự chứng tỏ khả năng vô hiệu của mình. Thực sự, chúng ta không mong mỏi những gì khác hơn. Bởi vì trong giới hạn thông tục, điều ấy đã cho ta thấy hiệu lực phủ định của Tánh không luận. Nó như một ngọn lửa, sau khi đốt cháy tất cả thì tự tắt mất, không còn lại dấu vết nào: “Chư pháp bất khả đắc, diệt nhất thiết hý luận; vô nhân diệc vô xứ, Phật diệc vô sở thuyết[28]“.
Nói tóm lại, chúng ta đặt giới hạn cuối cùng của các phương tiện vận dụng là nguyên tắc tự chứng. Ở đây, mọi nỗ lực đều qui chiếu vào sự kiện: làm thế nào để cho các phương tiện tự biểu lộ sự thật ngay nơi chúng: hay nói theo một sáo ngữ: đạt được cứu cánh ngay trong các phương tiện vận dụng. Đó là cái khả năng mà Tánh Không luận – như một phủ định luận – có thể thực hiện được.
III.
Bởi vì bản tính của hiện hữu là như vậy: không có tác giả, cũng không có thành giả. Như lai cũng như vậy.[29]
Một hiện hữu chỉ hiện hữu trong thực tế của chính nó. Trong thực tế – hay trong giới hạn của “sự thực như vậy” – hiện hữu không tự tác cũng không được tạo tác: Tánh Không, vô tác cố[30]. Luôn luôn, chúng ta muốn cho tất cả những cái Như vậy được là Như vậy. Nhưng ý muốn đó thường được diễn dịch ngược lại, nhất là trong giới hạn cố định của đời sống cá biệt, biến dịch trong thường hằng, dị biệt trong đồng nhất: bởi vì chúng ta muốn tiến tới bằng cách đi thụt lùi. Cá biệt chống lại cá biệt: bởi vì chúng ta muốn thành tựu một cứu cánh bằng tương đãi. Dù vậy, chúng ta lại biết rằng các phương tiện mà chúng ta vận dụng để thiết lập ấy xuất hiện từ Tánh Không và qui chiếu vào Tánh Không. Nghĩa là chúng ta lấy sự hủy diệt để phát khởi và cũng lấy sự hủy diệt để thành tựu cứu cánh. Diễn tiến trong cái không diễn tiến, để đạt được trật tự trên một căn cơ không trật tự; như thế là cố gắng tìm thấy mọi hợp lý trong sự hủy diệt.
Trong truyền thống cố hữu của Đại thừa – nhất là Trung hoa, sự hủy diệt và thành tựu ấy được biểu tượng bằng nhân cách của Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Nhân cách của Bồ tát Văn Thù, biểu tượng cho Đại Trí; vì tác dụng của trí tuệ là hủy diệt, như tác dụng đập phá của viên ngọc kim cương. Nhân cách của Phổ Hiền biểu tượng cho Đại Hạnh hay Đại Bi, mà tác dụng là thành tựu tất cả từ hư vô. Tiếng nói của trí tuệ là tiếng rống của sư tử. Hành động của Đại bi là bước trầm ẩn của con voi chúa. Phật Quốc thiền sư ca ngợi:
Sư tử hống thời phương thảo lục
Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.
Khi sư tử cất lên tiếng rống của Đại Trí, thì bao nhiêu cộng non chồi non của cỏ đều bị chấn động để nảy mầm; đó là hạt giống xanh tươi của sự giác ngộ đã vươn mình ra khỏi lòng đất.
Trên những đoạn đường trở về của voi chúa, tất cả những cánh hoa đã héo và đã rụng đều khởi sắc trở lại cái màu hồng nguyên thủy.
Thêm một thay đổi cách nói nữa, bỗng nhiên ta được gợi hứng là Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
Cũng như chúng ta biết rất rõ là bằng phương tiện nào thì có thể đạt đến sự hủy diệt ngay trong lòng sự sống, nhưng chúng ta không thực hiện để biết rõ sự hủy diệt là gì. Cũng vậy, chúng ta biết rất nhiều về các phương tiện hủy diệt của Tánh Không luận nhưng không bao giờ vận dụng chúng. Chúng ta không hỏi “Tánh Không luận là gì?” không phải vì đó là một cứu cánh bất khả thuyết hay bất khả tư nghị. Nhưng, bởi vì chúng ta cần phân tích và trật tự của Phân tích.
[Bài đăng Tạp chí Tư Tưởng Viện ĐH Vạn Hạnh, số 1/ 1971]
 _______________________________________
[1] The way to Nirvana, trích dẫn của K. N. Jayatilleke, Early Buddhist Theory of Knowledge, George Allen, London, 1963, tr. 333.
[2] The Conception of Buddhist Nirvana, Mouton (tái bản lần 2), 1965; tr. 1.
[3] Early Mādhyamika in India and China, Madison, 1967, tr. 3.
[4] Bởi vì các «Tiền đề triết học» thường bị ám ảnh bởi những khái niệm thuần lý, gọi là những «cái mất máu».
[5] The Central Philosophy of Buddhism, George Allen, 1960, tr. 209.
[6] Prasannapadā, Adrien – Maisonneuve, Paris, 1959, Préface, tr. ii–iii.
[7] Robinson: (…) Murtti’s work shares with Stcherbatsky a Fascination with analoiges between Kant and mādhyamika. Op cit; tr. 4.
[8] Yathā māyā yāthā svapno gandnarva nagaram yathā; tathotpādas tathā sthānam tathā bhanga udāhṛtah. MK. VII, 34 cf. Murti, op. cit.
[9] Yathā māyā yāthāsvapno gandharva nagaram yathā; tathotpādas tathā sthānam tathā bhanga udāhṛtah. MK. VII, 34. Cf. Murti, op. cit., tr. 177.
[10] Ways of Thinking of Eastern Peoples; East- West Center Press, 1964 tr. 192.
[11] Cf. Stcherbatsky, Buddhist Logic, Dover, (tái bản), New York, 1962 vol. I, trang 59. Và vol. II (bản dịch Anh ngữ của Nyàyabindu), tr.1.
[12] op. cit. tr. 12.
[13] Cf. Taisho, No 1564 và 1566. J. May, Prasannapadā, tr. 144.
[14] Cf. L. de la Vallée-Poussin, Kosa II.
[15] Cf. J. May, op. Cit., tr. 229. Murti, 235. SKT. «vinàsa- yatidurdrstā sunyatā mandamedhasam; sarpoyathā durgrhito vidyā và dursprasā phitā.» MK. XXIV, 11.
[16] Taisho, 1564 (Vol. Xxx), tr. 2b và chú 2.
[17] Taisho, 1566. Tr. 52b.
[18] Early Buddhist theory of knowledge, tr. 335.
[19] op. cit., tr. 336-7.
[20] op. Cit., tr. 341.
[21] op. Cit., tr, 343.
[22] Cf. K. N. Jayatilleke, «The Logic of Four Alternatives», Philosophy East and West, vol. XVII, 1-4; 1967.
[23] V. Supra, tr. 63.
[24] M. K. X. 17: Atmanas’ca sattvam ye bhāvānām ca pṛthak pṛthak nirdisaniti na tàm man ye sāsnas yā ‘ arthakovidān.
[25] Tóm tắt chương X của MK. “Agnidhanaparīksà”. Bản Hán văn của Kumārajīva: “Nhiên khả nhiên”.
[26] Do phân tích từ ngữ “đồng nhất” của chữ Hán.
[27] Cf. Murti, 8. J. May, 237.
[28] Trung luận, XXV. 24; Cf. Stcherbatsky. Op. Cit. tr. 78.
[29] Kinh Hoa nghiêm, XXX II, «Như lai Tánh khởi»; Taisho IX, 612c.
[30] Op. Cit., 614c.