Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts
Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts

Saturday, April 4, 2020

Tôi Bay Qua Cuộc Đời Như Chiếc Lá

Tôi Bay Qua Cuộc Đời Như Chiếc Lá 

Trần Trung Đạo

Nhà văn Lương Thư Trung, hiện đang cư ngụ tại Houston có lần thắc mắc tại sao tôi thường viết về những chiếc lá. Bởi vì, cuộc đời tôi như cuộc đời một chiếc lá.
Một ngày rảnh rỗi nhà văn Lương Thư Trung ngồi đọc tập thơ của tôi “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười”, sau đó viết một bài Người tiều phu và những chiếc lá vàng với những câu rất đẹp:
“Đất trời rồi sẽ chuyển sang mùa theo sự vận hành của vũ trụ.
Những chiếc lá vàng rồi sẽ rơi rụng, bay đi, bỏ lại bên trời những cành, những nhánh khẳng khiu, buồn thảm đến ngậm ngùi… Trong dòng đời, với biết bao lần ngụp lặn, chìm đắm trong bể khổ trầm luân, giông tố, bão bùng… Rồi bức tranh vân cẩu cũng phải tan đi, để trả lại trần gian này một chút nắng ấm mặt trời, để trả lại cho con người một cõi an nhiên, thanh tịnh. Cao đẹp biết bao khi có những con người hy sinh đời mình tự nguyện làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi khắp bốn phương tám hướng gom góp từ nhánh củi, cọng rơm, ngọn cỏ đến những chiếc lá vàng khô để đốt lửa soi đường, sưởi ấm nhân sinh! Hạnh phúc thay được làm một nhà thơ! Hạnh phúc thay được làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi góp nhặt những chiếc lá vàng!”
Anh gởi bài viết đó tặng tôi. Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên mình dùng chữ lá nhiều đến thế. Có lẽ vì lá gần gũi tôi trong một khoảng đời niên thiếu khá dài.
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Hay
Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Hay
Ai về qua phố Hội An
Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
Tôi đi quét lá trăm miền
Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm
Hay
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
Hay
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên
Hay
Em đừng hỏi ta mong về quê cũ
Chiếc lá khô còn nhớ cội thương cành
Ta chẳng lẽ bước chân đời lê mãi
Nơi quê người làm một kẻ lưu dân
Hay
Cho tôi nhặt chiếc lá vàng trước ngõ
Viết bài thơ tha thiết hiến dâng đời
Chút chân tình trang trải với muôn nơi
Rất nhỏ bé nhưng vô cùng sâu rộng
Hay
Mỗi chiếc lá như chừng nghe hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại môt lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc
Hay
Ai mang em trên đường đi vượt biển
Chẳng kịp về thăm góc phố năm xưa
Em bỏ đi như lá bỏ quên mùa
Như giọt nước quên tấm lòng biển cả.
Và nhiều nữa. Số phận của chiếc lá gắn liền với câu chuyện đời tôi.
Ngày xưa khi trọ học ở chùa Viên Giác, tôi nhỏ nhất trong chùa nên được giao công việc quét lá. Anh Hùng (nay là một Thượng tọa trong tông phái Khất Sĩ) gánh nước, anh Sáu tưới rau, còn tôi không làm được những chuyện đó nên chỉ lo làm sạch sân chùa.
Không ai có phòng ngủ riêng. Năm đầu tôi ở chung phòng với chú Điển, bây giờ là Hòa Thượng Thích Như Điển. Mấy năm sau tôi dọn sang ở với các chú điệu cùng lứa tuổi trong căn phòng sát dưới gốc đa. Các chú điệu rất vô tư. Nằm xuống là ngủ ngay. Đúng giờ thức dậy đi tụng kinh khuya. Tụng kinh xong lại đi ngủ tiếp. Các chú hoạt động tự nhiên như những chiếc máy. Ít cười và ít nói. Tôi cũng cùng tuổi nhưng không như các chú, đêm nào khi tới phiên mình đánh chuông xong, tôi thường nằm bên hiên chùa nghe tiếng lá reo. Nhất là mùa thu, tiếng lá rung như một điệu nhạc.
Ở chùa Viên Giác ngày đó có thầy Giải Nguyên. Thầy đi tu khi tuổi đã về già sau khi đã nếm đủ hương vị đắng cay, thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời. Thầy là một trong những người giàu có ở Duy Xuyên bỗng dưng phát nguyện xuất gia. Năm đó thầy đã ngoài sáu chục tuổi. Những người già thường ít ngủ. Thầy cũng thế. Khi thấy tôi nằm trên bệ xi-măng trước chùa, thầy cũng đến ngồi gần. Thầy kể tôi nghe nhiều chuyện vui buồn trong đời thầy. Nhưng dù chuyện gì cũng chỉ để dẫn đến một lời khuyên dành cho tôi, đời là bể khổ và chỉ có đi tu là con đường giải thoát.
Tôi không phản đối cách giải thích của thầy nhưng bạch với thầy tôi không muốn đi tu. Tôi chỉ là người trọ học và một ngày không xa tôi sẽ ra đi. Tương lai của tôi nằm phía bên kia cổng tam quan chứ không phải bên này. Dường như tôi sinh ra đời này chỉ để đi xa. Đi theo chọn lựa và nhiều khi không có quyền chọn lựa.
Nhìn lại chặng đường mình đã trải qua, tôi thường nghĩ đến những hạnh phúc nhiều hơn là gian khổ. Tôi nghĩ đến những người tôi đã mang ơn. Nhiều lắm. Từ những đứa bạn nhỏ chắt chiu những đồng tiền lẻ của cha mẹ cho để chia sẻ với tôi cho đến mẹ Hòa Hưng, người đã nuôi tôi chín năm thử thách nhất của đời mình.
Thời gian ở Viên Giác là thời gian cô đơn về tinh thần và khắc khổ về vật chất. Chùa rất nghèo. Không có ruộng đất như các chùa ở ngoại ô như Long Tuyền, Phước Lâm, Chúc Thánh. Nếu các bác có đi chợ cũng chỉ để mua sắm chút nấm, chút mì căn cho thầy, phần lớn chúng tôi ngày hai bữa sống nhờ vào thửa rau lang trồng trước sân chùa và những hủ chao do các bác bên Cẩm Nam mỗi tháng hai kỳ sang làm giúp.
Các thầy, các chú lớn tuổi đi đám ma chay còn được cúng dường tiền bạc để chi dùng riêng tư, không ai cúng dường cho đứa bé như tôi. Đời tư của tôi không ai biết. Thầy chỉ hỏi một câu khi tôi đến và sau đó không hỏi nữa. Họa hoằn lắm mới có một người bà con từ trên quê xuống đi chùa, tình cờ nhận ra, vuốt tóc tôi vài cái, nói đôi lời an ủi rồi ra đi.
Cô tôi, chị của ba tôi, là người quan tâm đến tôi nhiều nhất sau khi ba mẹ tôi qua đời nhưng chưa bao giờ có dịp để vào thăm tôi.
Tôi chỉ là khách trọ trong chùa, đến không ai hay và đi không ai tiễn. Ngoài trừ những chiếc lá rung như một điệu nhạc buồn trong một ngày đầu thu, gần năm năm sau, tôi “một mình làm cả cuộc phân ly” để từ giã chùa Viên Giác.
Dù sao, những cực khổ của thuở thiếu thời đã trở thành phân bón cho những bông hoa tình người trong khu vườn mùa xuân của đời tôi nở rộ, để hôm nay khi nghĩ đến Viên Giác tôi cảm thấy thật êm đềm. Tiếng chuông chùa, lời kinh khuya đã nhẹ nhàng đi vào tuổi thơ tôi, đã chuyển hóa tâm hồn chất đầy oan nghiệt của tôi mà nhiều khi tôi không biết.
Những người có cuộc đời nhiều chịu đựng thường phải biết vượt qua, đôi khi bằng cố gắng và đôi khi chỉ bằng cách ngẩng đầu lên mà đi, khinh thường những chướng ngại. Tôi có cả hai. Bây giờ khi nóng tính, khi quá hăng say về một chuyện gì dù đúng hay sai tôi cũng biết dừng lại và biết lắng nghe, không khinh thường sự việc như ngày còn trẻ. Không có những ngày ở Viên Giác, khu vườn đời tôi sẽ buồn bã, khô khan, điêu tàn và trống vắng biết bao nhiêu. Thật vậy, chỉ có tình thương mới thật sự là mùa xuân vĩnh cửu của con người.
Trần Trung Đạo
(trích trong Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác)

Sunday, February 23, 2020

CHIỀU ĐÔNG (Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)

Designed by Uyên Nguyên.



CHIỀU ĐÔNG

(Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)



Một ngày tháng 8 năm 1992, tôi nhận được một bài thơ của một người bạn tin cẩn gởi từ trong nước. Anh chép tám câu thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhưng không có tựa. 
Tôi đọc và rất cảm động. Qua từng câu thơ tôi hình dung cảnh cô đơn, trống vắng, quạnh hiu mà Thầy đang sống trong thời gian lưu đày ở Thái Bình trong một buổi chiều đông. 
Sau 1975, giữa lúc gần hết mọi người đều đi theo chiều gió, Thầy cố bước ngược chiều để mong cứu vớt những gì còn sót lại sau những điêu tàn, đổ nát. Tinh thần vô úy của đạo Phật đã giúp Thầy vượt qua bao thử thách, cực hình, đày đọa.
Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày từ Sài Gòn ra Vũ Đoài, Thái Bình, Thầy vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương và đạo pháp. 
Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Đăng Lưu như HT Quảng Độ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát. 
Ngày đó không có mạng xã hội Facebook như bây giờ. Chúng tôi là một nhóm vài trăm người sinh hoạt với nhau trong giai đoạn Internet còn rất phôi thai. 
Tôi gởi bài thơ cho cả nhóm đọc. Nhưng bài thơ thì phải có tựa. Tôi không nói với ai, chỉ im lặng và mạo muội đặt tựa là Chiều Đông, phía dưới viết tên tác giả HT Thích Quảng Độ. Luôn dịp tôi họa lại bài thơ của Thầy đặt tựa Tấc Lòng Son, và sau đó in trong tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười xuất bản lần đầu tại San Jose cuối năm 1992.
Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại. 
Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v.. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm. 
Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác.
Ba mươi tháng Tư, 1975, chúng tôi như bầy chim bay tán loạn bốn phương trời. Dù phải sải cánh bao xa, chúng tôi đều mang theo trong tâm hồn mình những bóng mát của một thời tuổi trẻ. Thời của tuổi mười tám với buồng phổi căng đầy sức sống. Bóng mát đó là các thầy. Bóng mát đó là thiền viện, thư viện, giảng đường, và bóng mát đó là lý tưởng Duy Tuệ Thị Nghiệp.
Hành trình đầy bi tráng của Thầy trong suốt 10 năm bị bắt giam, tra tấn và lưu đày cùng với bà mẹ già 90 tuổi ở Thái Bình đã để lại một niềm thương yêu và kính phục sâu xa, không những trong lòng nhiều triệu Phật Giáo đồ Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cả trong cộng đồng nhân loại. 
Bài thơ của Thầy:

CHIỀU ĐÔNG

Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng

Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ

Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông
(HT Thích Quảng Độ, Thơ Tù HT Thích Quảng Độ, trang 265)

TẤC LÒNG SON
Lời thầy vang vọng giữa chiều đông
Hương ngát vô ưu rót tận lòng

Mây nước muôn trùng tan với hợp
Quê hương ngàn dặm có mà không
Tóc xưa dẫu bạc lòng không đổi

Áo cũ dù phai giữ đạo đồng
Mười năm trải một lòng son sắt
Tiếng vọng ngàn thu với núi sông.
(Trần Trung Đạo, Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, trang 126)

Cách đây vài năm, khi nhận được thi tuyển Thơ Tù của HT Thích Quảng Độ lần đầu, tôi hồi hộp đọc phần mục lục trước để xem Thầy đặt tựa bài thơ là gì. 
Tôi rất vui và cảm động khi biết Thầy cũng đặt tựa bài thơ là Chiều Đông. Tôi thầm cám ơn Thầy đã cho phép tôi được sống trong cùng một tâm cảm với Thầy. 
Thầy là rừng, tôi chỉ là chiếc lá nhưng nhờ có nhân duyên lá và rừng được sống với nhau trong một chiều đông.
Sáng hôm qua, trong lúc đang đi bộ trên đường nhỏ trong xóm tôi nhận một tin nhắn của một Phật tử tin cẩn từ trong nước “Hòa thượng Quảng Độ vừa viên tịch”. Tôi lặng người. Không phải vì Thầy ra đi sớm nhưng vì Thầy ra đi. 
Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch chấm dứt một chương dày 45 năm trong lịch sử đầy thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam. Những chương mới sẽ mở ra nhưng sẽ khác hơn nhiều. 
Trong tất cả tôn đức chịu đựng tù đày, Thầy là vị đã sống trong tù lâu nhất. Từ tháng 6, 1977 cho đến khi viên tịch, Thầy vẫn là một tù nhân của chế độ CS tại Việt Nam. 
Chín mươi năm từ khi tiếng gậy trúc của chư tổ vang lên ở các tổ đình khởi đầu cho công cuộc phục hưng Phật Giáo. Trong thời gian đó, bao nhiêu đổi thay đã xảy ra cho đất nước Việt Nam và cho Đạo Phật tại Việt Nam. Hôm nay, một trong những vị còn lại của thế hệ phục hưng Phật Giáo vừa viên tịch. Con thuyền đạo pháp như Thầy nhấn mạnh sau 1975 vẫn còn chênh vênh và niềm trăn trở cho quê hương của Thầy vẫn còn trăn trở. 
Nhưng áng mây bay đi sẽ mang về những giọt nước cho cánh đồng khô. Không có gì còn hay mất. Chỉ là những dạng khác nhau trong một cuộc vận hành. Cành mai Quảng Độ vừa rơi xuống nhưng như Thiền Sư Mãn Giác đời Lý viết, sáng mai đây, những cành mai khác lại sẽ nở ra.
Bước chân của Thầy không còn nghe nhưng tình yêu của Thầy dành cho quê hương vẫn sáng như ánh trăng rằm, đậm đà như mùi hương của đất và dạt dào như lời thơ Thầy viêt trong một Chiều Đông năm đó.
Từ nước Mỹ xa xôi, con cúi đầu đảnh lễ giác linh Thầy.
Trần Trung Đạo








Thursday, February 13, 2020

“Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Giới thiệu “Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


PHỔ HƯƠNG TÌNH THẦY
Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản, 2020
ISBN: 978-1-67813-835-6
Trong tham luận nhân dịp hội thảo “GĐPT Giữa Giáo Hội” do Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức tổ chức cuối năm 2019, Huynh trưởng Huỳnh Ái Tông có nhắc đến một số cao tăng xuất thân là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) như Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Cố Thượng Tọa Thích Phổ Hòa, Thượng Tọa Thích Từ Lực v.v..
Nếu kể hết, danh sách chắc còn rất dài. Không chỉ bên chư tăng như cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu mà cả bên chư ni  như Ni Sư Thích Nữ Huệ Tâm tức chị trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi, sư cô Tịnh Ngọc tức trưởng Phạm Thị Hoài Chân và nhiều bậc tăng ni khác đã từng là huynh trưởng. Ngay cả Cố Đại Lão HT Thích Thiện Minh đã từng là cố vấn giáo hạnh sinh hoạt gần gũi với GĐPT từ khi ngài còn là một Đại Đức trẻ vào những năm 1950.
Dù đã xuất gia, chư tôn đức xuất thân từ GĐPT vẫn luôn gắn bó với GĐPT trong nhiều cách. Màu áo lam, chiếc mũ, cái còi, bài hát sinh hoạt v.v.. vẫn sống trong suy tư, thao thức của các ngài.
Nhưng trường hợp của Thượng Tọa Thích Từ Lực đặc biệt hơn cả.
Như Thầy kể lại: “Tôi gia nhập GĐPT lúc 14 tuổi với một Đơn Vị ở cách xa thành phố Huế 20 cây số. Không học hỏi được gì nhiều, chỉ biết khi đến Chùa là các Bác cho ăn xôi, chuối, và nhất là có Bạn để vui chơi. Vậy mà, những kỷ niệm thắm thiết, thân thương thời đó, vẫn còn trong lòng mình sau hơn 50 năm lặng lẽ trôi qua. Mới biết, chính nhờ tình Lam, sự đối xử với thương mến của quý Anh Chị Huynh Trưởng mà những chất liệu Yêu Thương, Tôn Trọng, Vui Vẻ đã nuôi dưỡng đời sống của mình, dù khi xa nhà, trưởng thành và sinh sống ở Hoa Kỳ.”
Thầy không chỉ suy tư thao thức với kỷ niệm trước ngày xuất gia mà còn mang một tâm nguyện được góp phần vào nỗ lực hiện đại hóa GĐPT trong thời đại tin học toàn cầu hóa ngày nay. Thầy sống với anh chị em. Thầy vui với anh chị em. Thầy buồn với anh chị em.
Hầu hết trong 28 bài viết của tuyển tập Phổ Hương Tình Thầy là những bài viết về tuổi trẻ Phật Giáo, GĐPT. Những bài viết hết sức chân thành, không sáo ngữ, không dạy bảo và ngay cả không khuyên răn ai. Đó chỉ là những lời tâm sự. Thầy viết như đang tâm sự với các đoàn sinh đang ngồi trước mặt và thầy viết như đang tâm sự với chính mình.
Thầy nhắc lại những Phật chất mà mỗi chúng ta được trao từ khi phát nguyện vào đoàn và thầy mong chúng ta cố gắng vượt qua mọi dị biệt bất đồng để  chuyển hóa các nội dung Phật chất sẵn có trong con người chúng ta mỗi ngày thêm tinh tấn ngang với tầm thời đại.
Thành thật mà nói. Chúng ta đứng sau quá xa với những gì đang diễn ra trên thế giới. Không ít sinh hoạt của GĐPT trong thiên niên kỷ thứ ba này mà vẫn không thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn khổ của gần một trăm năm trước. Vì thế chưa bao giờ hiện đại hóa GĐPT trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay.
Chúng ta đối diện với nhiều thách thức. Vâng. Đó là một điều không thể phủ nhận. GĐPT đang đứng trước ít nhất hai thử thách, một bên trong nội bộ thiếu vắng tinh thần lục hòa và một bên ngoài vẫn còn đầy chướng ngại cản đường thăng tiến của chúng ta.
Hiện đại hóa là một tiến trình đưa các giá trị truyền thống của GĐPT hội nhập vào dòng sống của nhân loại một cách thích nghi. Hiện đại hóa GĐPT là phương pháp hữu hiệu nhất để cùng lúc vượt qua được cả hai thách thức.
Nhưng giá trị truyền thống của GĐPT là gì?
Thầy Từ Lực nhấn mạnh trong bài “Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong những Tấm Lòng Xây Dựng nhân dịp Trại Vạn Hạnh”, đó là “Bi Trí Dũng, vốn là nền tảng tinh thần vững chắc trong hành hoạt của chúng ta.”
Bi Trí Dũng là uyên nguyên, là đôi cánh để sống và bay lên cao chứ không phải là khẩu hiệu khô khan, rỗng tuếch để hô to và rơi vào quên lãng sau mỗi lần họp mặt.
Bi Trí Dũng cũng không phải là ba chất tố tồn tại độc lập, riêng rẽ mà là một hợp chất của tình thương, trí tuệ và vô úy của Đạo Phật. Chúng ta may mắn biết bao nhiêu so với nhiều triệu người khác không được trang bị tinh thần Bi Trí Dũng đó.
Thầy viết trong “Ai Là Tâm Minh của Thế Kỷ 21”: “Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại.”
Thầy nhấn mạnh: “Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. “
“Uyển chuyển” trong ý nghĩa thầy muốn nói là “tinh thần dung hóa” của Đạo Phật. Tinh thần đó chứa đựng trong kinh điển của đức Bổn Sư. Chính nhờ tinh thần dung hóa đó mà Đạo Phật đã vượt qua khỏi vùng Bắc Ấn Độ nghèo nàn, bị bức hại và đầy phân biệt để trở thành biểu tượng của tình thương và hy vọng cho toàn nhân loại ngày nay. Hạt giống Bồ Đề mọc lên ở Siberia băng giá hay Kenya khô cằn đều giữ được những phật chất giống nhau nhờ tinh thần dung hóa của Đạo Phật.
Thầy Từ Lực nói về “dung hóa”: “lấy tinh thần ‘dung hóa tất cả để làm lợi ích tất cả’ nghĩa là chấp nhận dị biệt để phục vụ cho sự tồn tại chung. Dung hóa, như thế không phải là sự nhượng bộ trá hình hay mưu tính dàn xếp mà là con đường đúng đắn để cộng tác trong bình đẳng và thành thực. Ta không thể tồn tại trong an lành nếu không nhìn nhận sự có mặt của kẻ khác. Do vậy, chúng ta không tin sự thống nhất về mọi mặt là mục tiêu tối thượng của tổ chức trong khi, trên thực tế và về bản chất, những cái dị biệt chỉ khiến cho một thực thể thêm phong phú và đa dạng.”
Suốt dòng lịch sử Việt Nam, như Thầy Từ Lực chứng minh, chư liệt tổ đã dùng tinh thần dung hóa để hóa giải mọi bất đồng, dung hợp một cách hài hòa mọi nguồn văn hóa đến Việt Nam. Đạo Phật không tồn tại bằng sự hủy diệt hay thống trị các tôn giáo khác, các tín ngưỡng khác mà bằng dung hợp. Trong khu vườn văn hóa Việt, các tôn giáo đã tồn tại với nhau, nương tựa vào nhau để làm đẹp khu vườn văn hóa Việt đầy sắc màu rực rỡ.
Trong lúc nhiều thế lực nhân danh tôn giáo đi qua để lại những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu, Phật Giáo đi qua để lại những cây xanh và trái ngọt nhờ tinh thần dung hóa.
Nhưng trước hết, dung hóa phải được thực hiện không phải đối với tha nhân mà đối với chính mình và anh chị em mình.
Thầy Từ Lực viết: “Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?”
Chúng ta ra đi mang theo lời phát nguyện khi được khoác chiếc áo đoàn và được gắn huy hiệu Hoa Sen Trắng trên ngực áo. Nhưng chúng ta không đuổi kịp với những đổi thay của thế giới và do đó không tìm ra một hướng đi thích hợp. Lý tưởng với khá đông anh chị không còn là con đường đích thực mà đã trở thành những ước mơ phai dần theo màu tóc, theo làn da, theo tiếng nói lạc dần trong giấc ngủ đêm khuya.
Không. Hãy cố gắng hết sức dù chút hơi tàn vì tương lai của GĐPT. Đừng để cành sen trắng héo úa đi. Đừng để các giá trị cao đẹp quý giá của GĐPT trở thành những cố tật. Dòng sông không chảy không còn là dòng sông nữa mà chỉ còn là những ao tù nước đọng. Chảy đi và cùng chảy với nhau như nhân duyên hiếm quý trong cuộc đời này.
Cám ơn Thượng Tọa Thích Từ Lực và xin trang trọng giới thiệu tác phẩm Phổ Hương Tình Thầy.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Thị trấn Kanab, Utah, chiều 11 tháng 2, 2020


Wednesday, March 27, 2019

Những Cánh Chim Oanh Vũ Trong Sân Chùa Ấn Quang

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo: Những Cánh Chim Oanh Vũ Trong Sân Chùa Ấn Quang


Ký ức của tôi về Gia Đình Phật Tử từ khi bảy tuổi cho đến ngày nay thì rất nhiều. Chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện để mỉm cười và những chuyện đã làm tôi rơi nước mắt trong mỗi lần nhớ lại.
Tuy nhiên, hình ảnh làm tôi nhớ và cảm động nhất vẫn là buổi chiều Chủ Nhật  năm 1977 khi tôi đến chùa Ấn Quang để thăm bổn sư tôi khi nghe tin thầy từ Hội An vào dự đại hội lần thứ bảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tôi vừa không có tư cách đại biểu và vừa ngại công an dòm ngó nên chỉ biết ngồi trong quán Café bên kia đường Sư Vạn Hạnh để chờ thầy họp xong. Thầy tôi không vào tham dự đại hội nhưng tôi không biết nên vẫn cứ chờ mãi từ buổi trưa cho đến lúc trời chiều.
Chùa Ấn Quang, cách đó hai năm là trung tâm điều hành Phật sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hằng ngày tấp nập kẻ đến người đi, giờ đây là một ngôi chùa vắng vẻ. Trong những đại hội trước, chùa Ấn Quang với những ống kính truyền hình, tiếng phóng viên trực tiếp truyền thanh của các hãng tin quốc tế, nhộn nhịp bao nhiêu, đại hội lần này diễn ra trong im lặng bấy nhiêu.
Các “cư sĩ Phật Tử”, các “đệ tử trung thành”, các “chính trị gia Phật Giáo”, các “người hùng cách mạng”, v.v.. đã không còn trở lại. Ngọn gió công danh đã thổi họ về hướng khác. Nhiều trong số họ đã sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh. Một số khác còn ở lại và đang tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ, nhưng thay lời rao “dân tộc và đạo pháp”, bằng lời ca tụng “dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để thích hợp hơn với xu hướng chính trị của thời đại mới.
Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ về thế thái nhân tình trong quán Café bên đường Sư Vạn Hạnh, thì một Gia Đình Phật Tử khoảng 20 em, vài em ngành thanh, một số ngành thiếu và khá đông ngành oanh vũ bước vào chùa.
Họ chở nhau bằng xe đạp. Các em lớn, chắc để tránh dòm ngó, đã mặc thêm bộ đồ thường, khi bước vào chùa mới cởi áo ngoài ra. Tôi không biết họ thuộc đơn vị nào vì tôi không nhớ chùa Ấn Quang có Gia Đình Phật Tử.
Không giống như ngoài Trung, mỗi chùa thường có một Gia Đình Phật Tử, và ngoại trừ những ngày lễ lớn, các gia đình sinh hoạt cố định trong sân chùa hay trong đoàn quán mình, các Gia Đình Phật Tử Sài Gòn Gia Định, có khi sinh hoạt luân lưu ở các chùa trong thành phố.
Các em Oanh Vũ GÐPT Pháp Vân, chùa Pháp Vân, Pomona, California (Ảnh: Uyên Nguyên)
Tiếng còi quen thuộc lại được thổi lên. Cả đoàn nghiêm chỉnh bắt ấn Tam Muội, hát bài Sen Trắng để chào đoàn kỳ, trước khi lắng nghe anh huynh trưởng dặn dò đôi điều cần thiết. Tôi ngồi khá xa nên không nghe anh nói gì nhưng qua khuôn mặt nghiêm trang đượm một màu buồn, tôi thầm nghĩ, chắc anh không có gì vui để gởi gắm cho các em ngoài tình thương và niềm hy vọng.
Gần một giờ sau, cả đoàn sắp thành một vòng tròn nhỏ, cầm chéo tay nhau và hát bài Dây Thân Ái trước khi tan hàng. Tôi nghe lòng mình cũng hát: “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ca hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la. Tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn.”
Nhìn các em đi ra khỏi chùa, lòng tôi chợt dâng lên một niềm đau xót như chính mình đang trong cuộc chia ly.
Tôi nhìn theo bóng các em khuất dần phía cuối con đường. Những con nai tơ tội nghiệp kia vẫn vô tình reo vui bên bờ suối mà không biết phía sau lưng bầy sói dữ đang chờ.
Tôi tự hỏi, họ cầm tay nhau hôm nay, liệu tuần sau có còn được cầm tay nhau nữa hay không. Họ gặp nhau hôm nay, liệu tuần sau có còn gặp lại nhau đông đủ như thế nữa hay không. Không ai có thể trả lời khi cả nước đang bị quay cuồng trong cơn lốc.
Các công trình thủy lợi, chính sách kinh tế mới, các buổi mít-tinh thức chờ trắng mắt, các chiến dịch lượm lon, lượm giấy, các kế hoạch nhỏ, các buổi học tập “năm điều bác Hồ dạy” sẽ một ngày không xa, cuốn hút tâm hồn chân thiện mỹ của các em vào quỹ đạo của lọc lừa và dối trá.
Tôi lo cho các em, lo cho số phận của tổ chức đã hun đúc tôi nên người, lo cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam, và lo cho tương lai của quê hương Việt Nam mà tôi yêu tha thiết.
Tương lai đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi một đứa bé mới lớn lên mỗi ngày phải học thuộc lòng những câu đầy sắc máu: “Hạnh phúc tính theo đầu người, là anh giết được bao nhiêu giặc Mỹ. Như cây yêu đời sinh được mấy muôn hoa. Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi: giết chúng. Ôi hôm nay lòng ta như họng súng.” (Suy Nghĩ 1966, thơ Chế Lan Viên).
 “Ôi hôm nay lòng ta như họng súng”! Nếu trước 1975, có ai bảo tôi đó là thơ Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn với những câu thơ rất dễ thương “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn. Có đứa trẻ thơ không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày biết đọc văn thơ, tôi chắc chắn không tin.
Tôi cũng vô cùng kính phục tinh thần can đảm của anh huynh trưởng mà tôi chưa có dịp biết tên anh.
Thật ra, lúc đó tôi cũng không có ý định tìm hiểu tên anh, bởi vì, ngay giữa tâm hồn tôi, anh đã có một cái tên rất đẹp: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Anh như con chim đầu đàn đang bay ngược chiều cơn bão lớn, cố giương đôi cánh tả tơi để che chở cho đám chim non.
Năm 2003, đọc câu kết luận trong lá thư gởi tăng sinh Huế của HT Thích Tuệ Sỹ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình”, tôi chợt nhớ đến các em ngành thiếu, ngành oanh vũ trong sân chùa Ấn Quang buổi chiều năm 1977.
Các em oanh vũ ngày xưa đã lớn. Tôi đau xót nghĩ đến bao nhiêu sự bức chế mà các cấp huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã phải chịu đựng từ sau 1975. Những trấn áp, đe dọa đó đã làm các huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Hứa Văn Xuân không còn chọn lựa nào khác hơn là thắp lên ngọn đuốc để đánh thức lương tri nhân loại bằng chính nhục thể của mình.
Thầy Từ Lực và các em học sinh tại trường Bodhi Academy, California (Ảnh: Uyên Nguyên)
Các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử, nếu sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại trong cùng thời điểm thì nay cũng đã trưởng thành. Các em may mắn hơn. Thế hệ của các em không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài.
Nhưng trong tâm hồn các em, dòng suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng.
Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống. Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn.
Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải biết tự làm vỡ chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức, trong tổ chức của các em để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới.
Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu.
Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên Gia Đình Phật Tử ở khắp nơi trên thế giới mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam.
Đêm tối sẽ qua đi. Bình minh sẽ đến. Trong sân chùa Trấn Quốc, Từ Đàm, Viên Giác, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … những con chim oanh vũ lại cất cao tiếng hát. Sau lưng các em sẽ không còn đàn sói già rình rập nhưng là tiếng Suối Từ róc rách, tiếng chuông chùa nhè nhẹ êm đưa. Chào Tinh tấn.
Trần Trung Đạo
(Trích trong Tiếng Vọng Của Suối Từ)

Saturday, September 1, 2018

HOA HỒNG, HOA TRẮNG HAY NÊN CHỈ MỘT MÀU HOA?


Có những Hoa hồng không màu sắc! Photos - Xuân Trang

HOA HỒNG, HOA TRẮNG 
HAY NÊN CHỈ MỘT MÀU HOA?


Tuần rồi tôi đi chùa hai lần. Một lần đúng vào ngày rằm Vu Lan và một lần nữa vào hôm sau khi chùa tổ chức đại lễ.

Đúng ngày rằm chùa vắng, tôi đến cúi đầu trong im lặng vài phút để tôn kính Phật và tưởng nhớ hai người mẹ thân yêu. Ngày tổ chức Vu Lan, Chủ nhật 16 tháng Bảy Âm Lịch, chùa rất đông. Chiếc sân rộng nhưng đông kín đồng bào Phật tử.

Tôi đến trễ và sắp hàng chờ gắn hoa. Cô gái nghe sao đó và gắn cho tôi một hoa hồng. Tôi vội lo đi quay một đoạn phim nên không để ý. Đi được vài bước cúi xuống nhìn mới biết lẽ ra mình nên gắn một cành hoa trắng. Tôi trở lại xin cô gắn cho tôi cành hoa màu khác. Cô gắn hoa nhìn tôi không nói gì nhưng chắc tự nói thầm “mẹ còn hay mất cũng không nhớ.”

Nhìn cành hoa hồng vừa được gỡ xuống tôi bỗng dưng nuối tiếc và nghe tim mình chợt nhói. Một bông hoa giấy nhỏ nhưng chứa đựng cả một bầu trời và bầu trời của tôi vừa khép lại. Già rồi nhưng vẫn cảm thấy tủi thân. Và tôi chợt nghĩ có lẽ chỉ nên cài hoa hồng cho nhau trong ngày Vu Lan thay vì hai màu hồng và trắng.

Quan điểm này không phải phát xuất từ việc gắn hoa sai mà khi trả lời phỏng vấn của đài SBS Úc tuần trước đó, tôi cũng có nói dù Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo mẹ vẫn là biểu hiện của tình thương. Do đó, dù còn mẹ hay mất mẹ con người vẫn cần có tình thương và tình thương vẫn luôn là mạch sống của con người. Tôi sống một thời gian khá dài thiếu vắng tình thương nên hơn nhiều người khác, tôi trân quý tình thương khi có được đến dường nào.

Ngày Vu Lan, trong tinh thần Phật Giáo, cũng không phải là ngày để nhắc nhở mình còn hay mất mẹ mà là ngày để vinh danh tình thương thiêng liêng của mẹ.

Và vì vậy, sẽ ý nghĩa hơn nếu chỉ gắn cho nhau một cánh hoa hồng như để trao cho nhau, chuyền cho nhau sự mầu nhiệm của tình thương thay vì hai màu để thấy sự phân chia, ngăn cách, tủi buồn.
Trần Trung Đạo