Monday, July 27, 2015

5 CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ XOA DỊU NHỮNG CƠN GIẬN



NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - 
5 CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ XOA DỊU NHỮNG CƠN GIẬN

            Chúng ta đều biết giận là không lành mạnh, không nên và không đẹp thế mà chúng ta lại thường nổi giận. Ông Bà ta có dạy, "No mất ngon, giận mất khôn" là thế. Sau đây là 5 phương pháp thực tập để xoa dịu cơn giận và tận hưởng thời gian quý báu, quan trọng của mình với nhau.
            Trong cuộc sống có những điều rất nhỏ mà cũng có thể làm ta nổi giận và sự giận dữ
đó có thể đưa đến tan vỡ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình. Thật ngạc nhiên là thông thường những điều nhỏ bé ấy có thể khiến chúng ta mất bình tỉnh hay nổi giận thiên đình. Mỗi khi sự giận dữ của bạn nổ tung, thật khó để kiểm soát hay lấy lại những gì mình đã nói và làm. Tức giận, cũng như những cảm xúc khác—vui buồn, thương ghét v.v...—không phải là một điều xấu. Đó là một cảm xúc cần thiết, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát những cảm xúc, lời nói, hoặc hành động, nó sẽ đưa ta mất niềm vui, an lạc, hoặc tệ hơn là sự cải vả để rồi đưa đến bất hoà hay tan vỡ.

            Vì thế chúng tôi xin chia sẻ 5 phương thức hay chiến thuật xem như là biện pháp phòng ngừa để gìn giữ cơn tức giận đừng nổ tung trong cuộc sống của bạn giúp chúng ta có chánh niệm—nền tảng của sự an lành và hoà hợp.

1. Nhận chân cơn giận của mình.

             Cơn giận có hình tướng (anatomy) và mục đính chính của nó, cũng như cái ngã (ego), là làm cho nó càng ngày càng to và cuối cùng là làm nổ tung ra. (Anger happens spontaneously, build up and explode). Trong giai đoạn đầu, cơn giận thường có mồi để bộc phát. Ví dụ như sự căng thẳng, bực bội, không ưa thích gì đó, khó chịu trong cơ thể, mệt mỏi, ngã mạn, kêu ca, v.v... đây là bước đầu, là ngòi nổ. Rồi, cơn giận thường tự phát, dồn dập và bùng nổ. Sự nóng nảy của chúng ta thường có những dấu hiệu cảnh báo như bực mình, tức tối, một cảm giác thất vọng, gia tăng nhịp thở, đỏ mặt, run rẩy v.v... 

Khi mình có sự thực tập, thì mình nhận ra cơn giận của chính mình ở trong giai đoạn nào. Khi giận mình biết là mình đang giận. Chúng ta phải đủ bình tĩnh và can đảm để nhận ra cảm xúc của mình và của đối phương. Hãy thở sâu và chậm vài hơi. Chút thời gian ít ỏi đó có thể giúp ta khám phá cảm xúc và quan điểm của mình.
            Hãy thở sâu và chậm ba hơi; dài biết dài, ngắn biết ngắn. (Hơi thở ra thông thường dài hơn hơi thở vào). Thở chánh niệm như vậy một vài hơi, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi cảm giác cơ thể. Lắng nghe những suy nghĩ của mình mà không cần thêm bớt các cuộc đối thoại nội tâm hay ít nhất là để cho nó lắng đọng.

            Mình đang suy nghĩ gì? Hãy kiên nhẫn vì những cảm giác khó chịu có thể trỗi dậy, nhưng hãy quan sát, quán chiếu cơn giận dữ của mình với sự từ bi cho chính mình (self-compassion). Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khám phá rằng cơn tức giận của mình có để dạy cho mình những điều cần thiết.

2. Biết rằng chúng ta có nhiều lựa chọn.
            Trong tất cả những tình huống, nhận chân rằng chúng ta có lựa chọn để giải quyết. Thông thường thì chúng ta phản ứng tức khắc khi một việc gì xảy ra; với sự thực tập chánh niệm, chuyện gì xảy ra, hãy bình tĩnh và thực hành chánh niệm, rồi đáp ứng cho hợp lệ. Xin hãy xem hình vẽ minh hoạ sau đây:

Trong thời gian thử thách này, hãy nhắc nhở mình: "Ta đang có một sự lựa chọn" và xin đừng chọn lựa hay giải quyết trong sự thiếu bình tĩnh hoặc nóng giận, làm lãng phí thời gian và năng lượng của bạn trong những lúc có cảm xúc tiêu cực. Điều đó có thể hại mình hại người lúc bây giờ và cả tương lai. Những quyết định hay sự chọn lựa của ta đều phải đặc trên nền tảng lợi mình, lợi người, ngay bây giờ và cả tương lai.

3. Hành Thiền!
            Thực tập thiền hành. Thiền đã có từ ngàn xưa và có nhiều đạo thực tập Thiền, không riêng gì Phật giáo. Thiền giúp chúng ta thư giãn, nhẹ nhàng và lắng đọng. Theo những nhà nghiên cứu hàng đầu ở Hoa Kỳ trong lãnh vực Thiền Chánh Niệm như Jon-Kabat-Zin, Thiền làm nhịp tim chậm lại, giảm huyết áp, giảm sự lo lắng, và, kết quả là làm giảm stress. Trong một thử nghiệm tham gia vào một chương trình giảm stress thiền chánh niệm tám tuần có mức giảm đáng kể trong báo cáo kích thích hàng ngày (24%) và căng thẳng tâm lý (44%), và những lợi ích đã được duy trì ba tháng sau đó.

            Các nhà nghiên cứu như Kabat-Zinn (1990) và Thompson và Gauntlett-Gilbert (2008) cũng tiết lộ rằng hành thiền và thực tập chánh niệm tăng cường cải thiện sự tự nhận thức và tình trạng bệnh tật mãn tính cũng như làm tăng trưởng hạnh phúc nói chung. Ngoài ra, Martins (2012) phát hiện ra rằng những người lớn tuổi hành thiền, đạt được khả năng chánh niệm, tăng trưởng lòng từ bi, sự hiện diện, và sự chú tâm và ảnh hưởng về nhận thức của họ về cuộc sống, tuổi tác, sự sống chết, và mất mát của họ. Khi về già hành giả an nhiên và ít giận hờn, dễ dàng yêu thương và tha thứ hơn. Gần đây, Time Magazine cũng tường thuật là học sinh tiểu học tập thiền thi cao điểm hơn trong toán học so với những em khác. Vì thế, chúng ta có thể tập thiền cùng các em khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày nếu thời gian cho phép.



4. Hãy tập dừng lại và quán chiếu

            Nếu trong cơn giận bùng nổ, thì hãy nhận diện nó. Bảo rằng, tôi biết tôi đang giận. Hít thở thật sâu vài hơi. Nếu không có thời gian, thì chỉ một hơi thật dài. (Hơi thở ra dài hơn hơi thở vào). Hãy đi bộ (Take a walk) hay lấy mình ra khỏi không gian (timeout)
Chúng ta phải nhận thức và nhắc nhở rằng chúng ta không thể kiểm soát của bất cứ lối suy nghĩ, cảm xúc, hành động của ai cả, những gì chúng ta có thể điều khiển là của chúng ta.  Bác sỹ Amy Saltzman đã trình bày kỷ năng sống và cách thực tập qua phương pháp PEACE (Pause, Exhale, Acknowledge, Choice, Engage – Dừng lại, Thở ra, Nhận diện, Lựa cho, Hành động) cũng không ngoài mục đích này.

5. Ăn và ngủ đều độ!

Có 4 loại thức ăn mà những nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ gọi là 4 thức ăn thầm lặng giết người (four silent food killers), đó là chất muối, đường, mỡ/chất béo,
và bột/gạo). Những chất này đưa gần một nửa dân số Mỹ có một hoặc nhiều bệnh mãn tính, trong đó có bệnh hen suyễn, bệnh gan nhiễm mỡ, sâu răng (đặc biệt là ở trẻ em), bệnh tiểu đường loại 2, việc ung thư, mất trí nhớ, suy gan, và bệnh tim mạch dẫn đến các cơn đau tim đột quỵ. Ngoài ra, nếu uống bia rượu nhiều cũng không ổn vì bị say sỉn. Thậm chí càfe cũng vậy, lượng caffeine có thể thay thế một đêm ngon giấc. Có thể về lâu dài, tăng thiếu ngủ và có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Hãy tránh cà phê và rượu mạnh khoảng 2-3 giờ trước khi đi ngủ. Nói tóm lại, nếu ăn uống không đều độ, sẽ đưa chúng ta đến những bệnh tật và thảm cảnh này. Chúng ta phải ăn uống cẩn trọng, nhất là cần nạp năng lượng vào buổi sáng. Nếu cơ thể bất an hay khó chịu, thì tâm trí của mình cũng không được thoải mái và có thể đưa đến sự nóng giận. Vì thế ăn uống và ngủ nghỉ đều hoà sẽ giúp chúng ta sống vui và sống khoẻ, ít giận hờn vu vơ.

            Nói tóm lại, giận là một trong những cảm xúc tự nhiên mà chúng ta có thể nhận chân và chuyển hoá được.
Nếu chúng ta thực tập chuyên cần những phương thức trên, chúng ta có thể nhận chân được sự chuyển hoá của nội tâm. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải cởi mở, lạc quan, nhẹ nhàng và uyển chuyển để mình có cuộc sống an lạc và lành mạnh hơn hầu làm cho thế giới 
này ngày càng tốt đẹp.


Bạch X. Phẻ


Tài liệu tham khảo / Reference:



1. Bach, P. X. (2014). Mindful Leadership–A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society (Doctoral dissertation, Drexel University).
2. Gazella, K. A. (2005). Jon kabat-zinn, phd bringing mindfulness to medicine. Alternative Therapies in Health and Medicine, 11(3), 56-64.
3. Kabat-Zinn, J. (1990). Full catastrophe living: Using the wisdom of your body and mind to face stress, pain and illness. New York: Delacorte.
4. Martins, C. A. R. (2012). Silent healing: Mindfulness-based stress reduction program for older adults. Available from Proquest Dissertations and Theses database. (UMI No. 3522535)


5. Meiklejohn, J., Phillips, C., Freedman, M. L., Griffin, M. L., Biegel, G., Roach, A., ... & Saltzman, A. (2012). Integrating mindfulness training into K-12 education: Fostering the resilience of teachers and students. Mindfulness3(4), 291-307.
6. Saltzman, A. (2011). Mindfulness: A guide for teachers. The Center for Contemplative Mind in Society.
7. Thompson, M., & Gauntlett-Gilbert, J. (2008). Mindfulness with children and adolescents: Effective clinical application. Clinical Child Psychology and Psychiatry, 13, 395-407.

Thursday, July 23, 2015

Embracing Our Lasting Joy! - Mưa Tháng Sáu


Mom is meditating in the early dawn.

Mưa tháng Sáu
Nhẹ bay
Nhẹ bay
Ô hay
Mẹ về!

June shower
Sprinkling
Sprinkling
How beautiful
Mom is home!

Wednesday, July 15, 2015

GẶP NHAU TRONG YÊN LẶNG

Lặng Yên -Photo: Uyên Nguyên
GẶP NHAU TRONG YÊN LẶNG

Ngày Thinh Lặng gặp nhau
Nụ cười thay tiếng chào
Trên đồi vang tiếng sáo
Chiếc phong cầm nhẹ ngân

Ngày thinh lặng gặp nhau
Đoá hoa xuân tủm tỉm
Nắng vàng ấm trong tim
Tiếng ve từng hơi thở

Nhìn mây hồng lân lân
Nhìn hoa nở trong lòng
Nhìn người miền hạnh phúc
Nhìn Phật cõi vô song.

Saturday, July 11, 2015

Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa có ảnh hưởng gì...


Photo: from the Telegraph -  http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/11630185/US-China-war-inevitable-unless-Washington-drops-demands-over-South-China-Sea.html
Lời dẫn: Có người hỏi, Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa có ảnh hưởng gì đến rạn san hô?
Dĩ nhiên, nó nhẹt thở, chết yểu và có ảnh hưởng xấu đến môi sinh, du lịch, kinh tế và chính trị ở Á Châu. Bài viết sau đây của Eric Niiler, một nhà văn tự do có trụ sở tại Maryland, sẽ giúp bạn hiểu thêm việc này. 
Điều gì sẽ xảy ra khi đảo nhân tạo 
được mọc lên từ rạn san hô?


Nhà sinh vật biển John McManus, người đã nghiên cứu các rạn san hô Thái Bình Dương trong 30 năm qua, nhớ lại một cuộc hành trình bằng tàu hai ngày vào một vài năm trước đây, di chuyển tới quần đảo Trường Sa, một chuỗi các rạn san hô vùng trũng và đá ở Biển Đông.


"Bạn đang di chuyển trong vùng đại dương mênh mông, sau đó bạn đến một nơi mà những con sóng vỗ, mọi thứ phía xa rặng san hô trở nên bằng phẳng, giống như một hồ nước khổng lồ," McManus, giám đốc của Trung tâm Quốc gia  về nghiên cứu sang hô của Đại học Miami.


Hôm nay, bảy rạn san hô như vậy đang biến thành các hòn đảo, với các bến cảng và dải hạ cánh, bởi quân đội Trung Quốc. Không chỉ là công việc này đe dọa đến mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Thái Bình Dương khác, mà nó cũng phá hủy một mạng lưới sinh thái phong phú, theo McManus.


"Đây là tàn phá," ông nói. "Đó là điều tồi tệ nhất đã xảy ra với các rạn san hô trong suốt cuộc đời của chúng tôi." Các quan chức ước tính rằng quân đội Trung Quốc đã xây dựng lên đáy biển nhiệt đới nông với cát khai hoang, thép, gỗ và hàng rào bê tông để tạo ra 2.000 mẫu đất của lãnh thổ mới.


Các quan chức Trung Quốc đã nói rằng trước khi khởi công bất kỳ công trình nào, việc thử nghiệm "khắt khe" được thực hiện để  bảo vệ môi trường rạn san hô và tùy vào mục đích quân sự các đảo được tạo ra sẽ cải thiện năng lực của Trung Quốc cho "tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an ninh cá, phòng chống thiên tai và cứu trợ, và quan trắc khí tượng . "


Trong khi việc xây dựng của Trung Quốc đã gây tình trạng căng thẳng trong khu vực, nó cũng  nêu lên những quan ngại về các căn cứ đó sẽ có thể chịu được các cơn bão nghiêm trọng diễn ra thường xuyên như là một một phần của Thái Bình Dương.


"Bạn có thể xây dựng một hòn đảo nếu bạn làm đúng cách," Robert Dalrymple, một giáo sư kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins cho biết. "Nhưng nó chưa rõ rằng những hòn đảo này sẽ là vĩnh viễn, trừ khi nó có thể đối phó với sự xói mòn. Nó sẽ bị quét sạch, giống như việc bỏ cát trên bãi biển Đông. "


Các hòn đảo nhân tạo được xây dựng cho các khu nghỉ mát ven biển, hoặc các sân bay ở vùng biển nông ngoài khơi Florida, vùng Caribbean, Biển Ả Rập và nhiều lĩnh vực khác. Trong hai thập kỷ qua, Philippines và Việt Nam đã dựng lên các tiền đồn thẳng đứng, nhiều cái nằm trên sàn gỗ  tại Biển Đông nhằm nỗ lực hỗ trợ tuyên bố chủ quyền. Nhưng thế lực Trung Quốc đã đè bẹp các dự án này. Tại một số hòn đảo mới, người Trung Quốc đang xây dựng đê chắn sóng bằng bê tông dài hàng trăm dặm để giữ cát.



Dalrymple đã thăm các dự án xây dựng ở Trung Quốc và nói rằng quốc gia này rõ ràng có chuyên môn kỹ thuật để xử lý một khối lượng lớn các vật liệu nạo vét. Các chuyên gia khác nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một cách nhanh chóng, hơn là một cách cẩn thận, để tạo ra các hòn đảo nhân tạo.


"Những kỹ thuật phức tạp được hoàn thành với tốc độ kinh ngạc," Patrick Cronin, một nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Tân An ninh Hoa Kỳ, một Bể Tư Duy (Think-tank) Washington cho biết. Cronin đã từng chỉ dẫn về những đảo đang được xây dựng này bởi các quan chức cấp cao của Mỹ. "Họ đã không chỉ tăng khối lượng đất gấp đôi. . . mà xây ra phía trước các căn cứ cho cả hai mục đích sử dụng quân sự và dân sự. Máy nạo vét không chỉ xây dựng các hòn đảo, mà còn đào sâu thêm cho các kênh hàng hải. "


Các kết quả có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh thô từ vệ tinh đăng bởi Sáng kiến ​​minh bạch hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, của một Viện chính sách khác. Những tấm ảnh chụp theo kỹ thuật tua nhanh (time-lapse) cho thấy một vòng san hô trong một vùng biển xanh được đổ cát trắng nạo vét từ đáy biển gần đó, tiếp theo là sự xuất hiện của cần cẩu xây dựng, công nhân và các tòa nhà cao tầng.


Trong số các dự án được mô tả trên trang web của CSIS là:


● Một đường băng dài gần hai dặm trên Fiery Cross Reef.


● Thiết bị Radar và một sân bay trực thăng trên Cuarteron Reef.


● Một cảng mới và các ụ súng trên Gaven Reef.


Bành trướng trên Hughes Reef từ một đồn điền ít hơn một phần mười mẫu Anh đến một trụ sở phức hợp 380 mẫu và bến cảng cho cả tàu dân sự và quân sự.


Nạo vét tại Mischief Reef, nằm trong phạm vi mà Philippines coi đặc khu kinh tế với cảng nổi hải quân.


Cầu tàu mới, luồng và đường băng tại Subi Reef.


Máy bơm lọc nước muối và một nhà máy bê tông trên Johnson South Reef.


Trong khi các đảo nhân tạo có vẻ vững chắc trong các hình ảnh vệ tinh, Thái Bình Dương không phải là luôn luôn ôn hòa, Steve Elgar nói, một nhà khoa học cấp cao về vật lý đại dương và kỹ sư tại Viện Hải dương học Woods Whole, ở Woods Hole, Mass.


Ông tự hỏi bao lâu các đảo này liệu sẽ sống sót sau các đợt sóng cao đầu bởi gió, một số cao 30 feet, lớn dần từ ngoài khơi và sau đó cuộn tròn mà không có đất rộng để ngăn chặn chúng. Đảo đá như Hawaii, Guam và Philippines được bao quanh bởi các rạn san hô giúp phá vỡ các lực của sóng đi ngang đại dương. Nhưng các căn cứ mới ở Trường Sa không có sự bảo vệ đó.


Các hòn đảo trong vùng Trường Sa nằm ở giữa đại dương, 1.000 dặm từ Bắc vào Nam," Elgar cho biết. "Với những lần nạp lớn (khoảng cách mà gió thổi không bị cản trở qua nước), chúng biến thành những đợt sóng lớn, chỉ từ gió thổi. Chúng vỡ ra giữ đại dương.


Các nhà khoa học đại dương khác lo ngại về tầm ảnh hưởng của việc nạo vét và tạo ra hòn đảo lên cuộc sống đại dương xung quanh. Quần đảo Trường Sa có ngư trường lớn cho nhiều quốc gia châu Á, và đa dạng sinh học biển tại địa phương đã suy giảm trong hai thập kỷ vừa qua, theo một nghiên cứu năm 2013 bởi các nhà khoa học Úc và Trung Quốc.


Các báo cáo, xuất hiện trong Conservation Biology, cho thấy san hô đã giảm xuống còn khoảng 20 phần trăm (từ khoảng 60 phần trăm) trong quần đảo Trường Sa qua trước 10-15 năm. "Biến đổi khí hậu ít ảnh hưởng đến những rạn san hô ít hơn so với phát triển ven biển, ô nhiễm, đánh bắt quá mức, và phương pháp đánh bắt hủy diệt", theo báo cáo, trong đó cảnh báo rằng việc giảm các rạn san hô đã được "hé mở nhưng4 nghiên cứu và  năng lực quản lý của Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng . "


Greg Mitchell, một giáo sư về sinh thái biển tại Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California., Nghiên cứu hệ sinh thái rạn san hô Thái Bình Dương. Ông nói rằng việc nạo vét mới của Trung Quốc và lắp đặt các trụ bê tông có thể phá hủy những gì còn lại của hệ sinh thái địa phương.


"Nếu các đảo được để yên, chúng có lẽ sẽ rất đa dạng," Mitchell nói. "Nhưng tất cả các đội tàu đánh cá từ châu Á đã có săn bắn tất cả mọi thứ từ hải sâm và trai khổng lồ và cá mập để lấy vi. Tôi đoán là đa dạng sinh học đã bị thay đổi rồi. Nhưng bây giờ, họ đang chôn vùi hệ sinh thái và phá hủy nó. "
Lược dịch – Hồng Hà




Saturday, July 4, 2015

KIẾP PHONG TRẦN - Poem and Music


                                              Thơ Bạch Xuân Phẻ - Nhạc Nguyên Quang



KIẾP PHONG TRẦN

Đi hoang nửa kiếp phong trần
Sông dài biển rộng trăm lần ngược xuôi
Bao cay đắng bao ngậm ngùi
Thấy trong tuyệt vọng niềm vui trọn đầy

Bao hạnh phúc ai dựng xây
Có mầm đau khổ khói mây bập bềnh
Sợi mưa vạt nắng không tên
Mà sao thanh thản... bồng bềnh... thong dong

Đi hoang mới biết long đong
Rọi soi cõi vắng mênh mông bạt ngàn
Vô chung vô thuỷ hợp tan
Nghiêng vai trút hết ... trăng vàng vừa lên.




Sunday, June 28, 2015

TRANH THƠ-NHẠC Thanh An thực-hiện

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc TRANH THƠ-NHẠC, 
 do Thanh An phối-hợp trên Trang nhà Làng Huệ

 "Tranh mang mầu sắc Quê-Hương. Nhạc Dân-Tộc đặc-sắc do các nhạc sĩ trình-tấu tuyệt-vời . Thơ rất ngắn nhưng tình lại rất  dài". NHLD
Lời dẫn:  
        Ðúng là những bài thơ ngắn  nhưng chở nặng tình người, tình đời và tình yêu. Trong suốt những vần thơ của nhiều tác gỉa ta đều thấy chung một điều là họ làm thơ không phải để phô diễn hay chuyên chở điều gì cao siêu, xa lạ. Họ chỉ muốn ta dừng chân, thở nhẹ, lắng nghe và nhìn lại cuộc đời quanh ta. Ở đây ta không chỉ đọc thơ, nghe thơ và còn được nhìn thơ nữa. Ta có cảm giác như nắm được hơi thở, chụp được ánh mắt, ru theo lời nhạc và nhiều hơn cả là tâm hồn rung lên như cành hoa lắc lay trước gió rộn ràng.
        Ðâu đây ta vẳng nghe tiếng sáo, tiếng đàn tranh quyện vào nhau những âm thanh quen thuộc từ thuở nằm nôi, nhưng cứ tưởng như đang vọng về từ cõi nào xa lơ xa lắc. Thơ, nhạc và tranh họa quê hương đã lồng vào nhau. Không cần phải khi đọc một bài thơ rồi ngồi tưởng tượng tiếng sáo diều hay nhớ đến khói lam chiều trên mái nhà tranh quê cũ. Cũng không phải giải nghĩa ra nhà thơ muốn nói về điều gì. Không khúc mắc nhưng cũng không qúa dễ dãi trong thi từ, những bài thơ ngắn, nối với nhau, như những tảng mây quyện quần, bay bay theo tiếng gió.
        Tiếng gió, tiếng lòng, hay tiếng nhạc...như tiếng ai đang gọi ta từ bên kia bờ vô thức.
         Kỷ niệm cùng với tâm tình sống mãi với thời gian trong những bài thơ có tranh và nhạc hoạ.
Ðẹp, hay và lạ lắm!
Nguyên Lương

Click here:

Saturday, June 27, 2015

Today's Discussion for EDHE 606 - Week 1 and 2

Today's Discussion!
EDHE 606: Higher Education Career Development
Dr. José Chávez and Dr. Phe Bach
Drexel University Sacramento

1a. Carl Sagan's Famous 'Pale Blue Dot'

1b. Carl Sagan's Famous 'Pale Blue Dot' Quote in "Cosmos: A Spacetime Odyssey" (HD with subtitles) 

2. Donald E. Super's Career Development Theory

3a. TED: Simon Sinek - "The Golden Circle" Clip

3b. Start with why -- how great leaders inspire action | Simon Sinek | TEDx (completed version)

4. 5 Questions to Discover Who You Are and What Will Make You Happy 

Week 2: Discussion Board Post

1. Please comment on our discussion or any insight on today's lecture on career personality type.

2. What was the most meaningful and influential from this discussion over the executive weekend and/or week 2 course literature?
5 Questions to Discover Who You Are and What Will Make You Happy - See more at: http://tinybuddha.com/blog/5-questions-discover-who-you-are-and-what-will-make-you-happy/#sthash.2BOGWzqp.dpuf

Wednesday, June 24, 2015

ẢNH HƯỞNG NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN CỦA TRUNG QUỐC VÀ SỰ AN NGUY CỦA TỔ QUỐC


ẢNH HƯỞNG NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN CỦA

TRUNG QUỐC VÀ SỰ AN NGUY CỦA TỔ QUỐC



            Nhân duyên chúng tôi, một người học môi sinh và một người học hoá, gặp nhau trên đất Thái trong dịp thuyết trình hai đề tài liên quan đến Môi sinh và cách thức lãnh đạo bằng chánh niệm tại Đại Lễ Phật Đản Vesak 2015 - Tam Hiệp của Liên Hợp Quốc. Sau những ngày tâm sự và làm việc chung, cũng như trước những băn khoăn và ưu tư hướng về tổ quốc. Chúng tôi quyết định viết bài ngắn này để cho người dân nhận thức được những diễn biến có thể xảy ra liên quan đến sự an nguy của đất nước.  Trong năm 2015 này, có hai nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đưa vào hoạt động mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. 

            Trường hợp 1 -  Cảnh Báo Về Nhà Máy Điện Hạt Nhân ở Quảng Tây

            Một nhà máy điện hạt nhân đang được hoàn thành ở gần thành phố Qinzhou thuộc Quảng Tây. Nhà máy mang tên là Fangchenggang, được khởi công xây dựng năm 2010 và sẽ bắt đầu hoạt động vào năm nay 2015. Trong giai đoạn 1, nhà máy có hai lò với công xuất 2000 MW và vốn đầu tư là $3.7 tỉ USD.  Còn có thêm 4 lò với công xuất 4000 MW và tổng số đầu tư là $10.4 tỉ USD.  Với công xuất rất cao này sự thiệt hại, nếu bị rủ ro tại nạn rảy ra thì de doạ đến tính mạng và đời sống của nhiều người dân.

            Nhà máy Fangchenggang chỉ cách biên giới Việt Nam có 45 km (30miles). Một điều đáng lo ngại nữa là nhà máy dùng công nghệ nội hóa của Trung quốc (domestically-developed 1000 MWe CPR-1000 pressurized water reactors, theo bản tin của World Nuclear News ngày 3 tháng 8 năm 2010). Vì nhà máy xử dụng công nghệ của Trung quốc nên sác xuất nhà máy gặp sự cố là rất cao. Vì nhà máy ở gần Việt Nam nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng mỗi khi có sự cố.  Ví dụ như sự tai hại của nuclear disaster ở Fukushima Daiichi tháng 3, 2011 và tại nạn  Chernobyl disaster, 26 April 1986.

Chúng tôi đã dùng mô hình READY/HYSPLIT của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học (NOAA) của Hoa kỳ để khảo sát lộ trình của phóng xạ trong trường hợp nhà máy Fengchenggang gặp sự cố. Theo bản đồ dưới đây, mô hình READY cho biết phóng xạ dưới ảnh hưởng của gió mùa đông bắc sẽ quay về hướng tây-nam, dọc theo bờ biển Bắc bộ, vào đất liền theo hướng tây-bắc trước khi quay ngược về Trung quốc. Lộ trình này cho thấy các thành phố lớn như Hà nội và Hải phòng sẽ bị ảnh hưởng. Đây là một thảm họa to lớn mà chúng ta nên biết để đề phòng.     






 

Trường hợp 2 - Cảnh Báo Về Nhà Máy Điện Hạt Nhân ở Hải Nam    

            Một nhà máy điện hạt nhân khác đang được hoàn thành ở phía Tây đảo Hải Nam. Nhà máy mang tên là Changjiang, được khởi công xây dựng năm 2010 và sẽ bắt đầu hoạt động vào năm nay 2015. Trong giai đoạn 1, nhà máy có hai lò với công xuất 1300 MW và vốn đầu tư là $3 tỉ USD.  Nhà máy này dự định còn có thêm 2 lò với công xuất 1300 MW.

            Nhà máy Changjiang cách thành phố Hải Phòng khoảng 300 km. Giống như nhà máy Fangchenggang ở Quảng Tây, nhà máy Changjiang dùng công nghệ nội hóa của Trung quốc (domestically-developed  650 MWe CNP-600 pressurized water reactors, theo bản tin của World Nuclear News ngày 22 tháng 11 năm 2010). Theo khảo sát mới nhất của World Nuclear Association (tháng 2 năm 2015), công nghệ CNP ở hai nhà máy Changjiang và Fangchenggang được xem là công nghệ cũ thuộc thế hệ thứ hai (second generation technology). Các nhà máy hiện đại dùng công nghệ thuộc thế hệ thứ ba AP-1000 được đánh giá là an toàn hơn.  Vì nhà máy xử dụng công nghệ lỗi thời của Trung quốc nên xác xuất nhà máy Changjiang gặp sự cố là rất cao.  Ngoài ra nhà máy ở gần bờ biển nước ta nên ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng mỗi khi có sự cố.

            Chúng tôi đã dùng mô hình READY/HYSPLIT của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học (NOAA) của Hoa kỳ để khảo sát lộ trình của phóng xạ trong trường hợp nhà máy Changjiang gặp sự cố. Theo bản đồ dưới đây, mô hình READY cho biết phóng xạ sẽ tiến thẳng vào bờ biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ trước khi quay ngược về Trung quốc. Lộ trình này cho thấy các thành phố lớn như Hà nội, Hải phòng, Thanh hoá và Vinh sẽ bị ảnh hưởng. Giống như nhà máy Fangchenggang, nhà máy Changjiang có thể gây thảm họa to lớn mà chúng ta nên biết để đề phòng.      
Địa điểm của hai nhà máy Changjiang và Fangchenggang


Hình xây dựng hai lò hạt nhân của Changjiang 


           Quan ngại hơn là trong tương lai các công nghệ nội hóa của Trung quốc cũng có thể sẽ dùng ở Việt Nam, theo chiều hướng phát triển hiện tại của đất nước. Có nhiều nhà khoa học đã cực lực phản đối về ý định xây nhà máy nguyên tử hạt nhân tại Việt Nam vì sự rủi ro quá cao như động đất và lỗi kỷ thuật mà đất nước mình chưa đủ kinh nghiệm và trình độ để bảo toàn kỹ thuật.

            Hơn nữa, liệu chính phủ có thể bảo vệ thiên tai hay phòng chống khủng bố và trộm cắp chất liệu nguyên tử, cũng như chưa bảo đảm giữ vững tài liệu bảo đảm an toàn về các mặt: phòng vệ, nhân sự, hệ thống, công tác, điện toán (physical security, personnel security, vulnerability security, operations security, cyber security). Thêm vào đó vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khoẻ hay hâm nóng khí quyển, hay sự lệ thuộc vào người anh tham lam không đẹp ở Phương Bắc. Cuối cùng đất nước nhỏ bé của chúng ta, không có đất để chứa đựng phế thải hạt nhân (chemical waste). Nhìn chung, chúng ta không có thể đoán biết trước được những thảm hoạ tai nạn hạt nhân có thể xảy ra, mà hậu quả thì khó lường. Vì thế giải pháp về nguồn điện lực của Việt Nam có thể là những nguồn năng lượng khác rẻ và xanh như ánh nắng mặt trời, dầu khí, bio-mass, sóng biển, thuỷ điện, và gió.
            Nói tóm lại vì lợi ích chung của nhiều người và của nhiều thế hệ, chúng ta cần nhận thức rõ ràng về sự nguy hiểm của nguồn điện nguyên tử hạt nhân. Và phải học hỏi những cách thức chuẩn bị, đề phòng và đáp ứng cho gia đình mình, cộng đồng và đất nước mình nếu không may sự cố tại nạn có thể xảy ra. Riêng về hai nhà máy hạn nhân ở Trung Quốc nói trên, chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên để chuẩn bị đối phó và giảm thiểu những thiệt hại về sinh mạng cũng như kinh tế cho người dân nước ta.

Tài liệu tham khảo
TS Trần Tiễn Khanh
TS Bạch X. Phẻ


Monday, June 22, 2015

Hãy Sống - Nhạc và lời Nguyên Quang

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài hát tuyệt vời của người bạn thân. Nếu quý vị nghe kỷ thì đây có lẽ là một bài pháp thoại hy hữu của một vị Thiền sư đắc đạo hay một Pháp hữu vừa 'giác ngộ' sau tột cùng của đau khổ.



Hãy Sống 
 Nhạc và lời: Nguyên Quang

Hãy sống bằng tình yêu của Phật Pháp
Bằng tình thương của sức mạnh từ bi
Bằng những gì chúng ta đang nắm giữ
Bằng lửa thiêng rực cháy ở trong tim
Đốt hết sạch tham sân si chấp ngã
Bằng tình yêu của sức mạnh bao dung
Bằng trí tuệ thanh cao và tin tấn
Mang tình người xích lại gần nhau hơn

Này bạn ơi ta cùng nhau xây đắp cuộc đời này
Bằng hạt mầm yêu thương và tin tưởng
Rồi một ngày sẽ có những chồi xanh
Hãy đốt hết đi những sân si hiện hữu trong lòng ta
Những đam mê của một thời dại khờ
Cho hạt mầm tươi tốt đâm chồi lên

Hãy khát vọng hy sinh và dâng hiến
Trong cuộc đời vạn khó đang chờ ta
Luôn tỉnh ngộ từ bi và tha thứ
Tương lai rạng luôn trong trái tim ta.




Thursday, June 18, 2015

Duyên Nợ Ba Sinh


Duyên Nợ Ba Sinh
       Happy Birthday my dear!

Dòng đời trôi chảy
Tình yêu thiên thu 
Bao mùa trăng tròn khuyết
Miền hạnh phúc vô biên
Bờ vai nghiêng nghiêng
Mắt lệ hay nụ cười
Thác gào và sóng vỗ
Bàn tay ôm trọn nỗi lo
Cơn say huyền thoại
Tỉnh giấc mộng
Dòng đời trôi chảy
Con trẻ và nụ cười
Phiền toái hay ước mơ
Trẻ thơ vụng về
Anh lại đề huề
Phiêu bồng như thác đổ
Chảy mạnh từ đầu nguồn
Nhẹ nhàng khi gần biển khơi
Ở khúc trung thì lờ lững
Em cưng
Và ta cũng thế
Ai đang mong chờ
Dòng đời trôi chảy
Ngất ngây
Này em yêu dấu
Trong ta có nhau
Hạnh phúc hay niềm đau
Ta thong dong tự tại
Mọi sự là không hai
Dòng đời trôi chảy...

Monday, June 15, 2015

Nhật ký Sapa, Lao Cai by Hồng Hà

Xin được trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, bài viết rất thực từ con tim của đứa cháu gái dễ thương, Hồng Hà.

                     Nhật ký Sapa, Lao Cai
                                                      Ngày 08 tháng 06 năm 2015

            Khi nghĩ về Sapa thì mơ mộng về một vùng đất sương mù, các dãy núi cao và ruộng bật thang, những người phụ nữ H' Mông trong trang phục bắt mắt và cuộc sống giản dị của họ. Vậy là sau bao năm lăn lộn, "cày bừa" mệt mỏi, cuối cùng quyết định đến được " vùng đất hứa", để xem sapa có như trong tưởng tượng.
Đặt vé tàu Oriental từ Hà nội lên Lao Cai, mất 8 tiếng ngủ mê mệt. Mặc dù là dân làm du lịch lâu năm, nhưng vẫn chưa quen với style kinh doanh của ngoài Bắc. Cứ dáo dác tìm con tàu màu đỏ, in chữ Oriental express như hình trong tấm vé, hóa ra nó chỉ là 1 toa của tàu thống nhất !!!. Uh thì cũng được, giường nằm êm ái, ngủ ngon, gặp thêm 2 người bạn đồng toa từ Colombia và Úc. Sau một hồi chát chít với hai người mới thì nằm ngủ ngay vì thấm mệt.
5h sáng, nghe tiếng gõ cửa, tưởng là đã đến nơi hóa ra chị nhân viên trên tàu mời cafe hoặc trà. Trong trạng thái ngái ngủ " dạ, chị cho em ly cafe nhé". Sau khi phuc vụ hết mọi nguoi trong toa, chị ấy thỏ thẻ: " cho xin 20 ngàn một ly". Oop, cứ nghĩ là dịch vụ bao gồm trong "tàu hạng tốt" này chứ, những người bạn mới cũng ngơ ngác, vậy nên mình mời luôn để "vớt vát" lại đôi chút cảm xúc khó tả này.
             Từ Tp. Lào Cai đến Sapa cũng tầm 30' bằng xe đò ( sau khi mặc cả với nhà xe 150k/ khách, có thể rẻ hơn nữa), nếu đi taxi thì khoảng 500k. Đường đi vòng vèo trên sườn núi, cảnh đẹp mê hồn, một màu xanh phủ khắp mọi nơi, mây đáp trên các đỉnh núi, và rồi...ruộng bậc thang hiện ra, như hình ảnh trong các tạp chí mình hay thấy. Tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Đến thị trấn sapa, một thị trấn nhỏ, ooh… có phần lộn xộn, đường xá nhiều đoạn đang xây hay xuống cấp, các loại xe chen chút nhau trên một con đường nhỏ hẹp, tài xế chạy " điêu luyện" đến hết hồn...có chút gì đó bát nháo trong cái thanh bình chung của đất trời Tây Bắc. Phụ nữ và trẻ em H'mông có mặt ở khắp mọi nơi, trên đường phố, trước nhà hàng, trước của khách sạn. Lúc đầu mình phân vân không biết họ đang làm gì, chắc là bán hàng, họ chủ động bắt chuyện với du khách, cười nói vui vẻ và tiếng Anh thì tốt đến ngạc nhiên. Một khung cảnh mới mẻ hiện ra trước mắt, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa lẫn lộn…

             Đến Victoria, khách sạn theo phong cách cổ điển, mái ngói, gỗ, không gian ấm cúng, nằm trên đỉnh đồi và có phần tách biệt với trung tâm thị trấn. Dịch vụ rất tốt, nhân viên thân thiện và nhiệt tình. Sau khi ổn định, vác chiếc xe máy tham quan thị trấn, nhà hàng, khách sạn mọc khắp nơi, khách Tây, khách Ta khá nhộn nhịp. Chạy xe đến Thác Bạc, lên cao gió càng lạnh và cảnh vật càng tuyệt đẹp. Từ trên cao, con đường đèo ngoằn ngèo hiện ra trước mắt ngày một rõ hơn, mây bao phủ khắp nơi. Tới thác, sự háo hức có phần tụt xuống, con thác nhỏ đổ từ trên núi, nằm kẹp giữ hai cầu thang bê tông, và rác có mặt ờ khắp mọi nơi. Người ta xây bậc thang để khách dễ leo lên cao, nhưng nhìn chung lại chẳng ăn nhập gì cảnh vật nơi đây, bê tông và sắt thép vẫn luôn là " những cái mụn" của nàng tự nhiên. Sau tầm 20 phút leo lên, leo xuống các bậc thang, chúng tôi chạy tiếp đến đèo Trạm Tôn. Từ đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng, một màu xanh mướt! trên đỉnh có vài người bán khoai nướng, trứng luột mời mọc nhưng mình chỉ mỉm cười và lắc đầu. Đang chìm đắm trong vẻ đẹp của tự nhiên thì bị "đánh thức" bởi một câu chửi từ người bán hàng " cái con khách người Việt Nam, tao mời mày ăn mà miệng câm như hến thế kia, mày cười cái gì?" Ngộ ra rằng ông ta đang chửi mình, sau đó là một tràng xyz... Cảm hứng cứ thế mà bay đi vèo vèo, thôi rút về cho nhanh để tìm chốn bình yên với một ly cafe nóng vậy ...
          Thật tình thì đến Sapa thì đừng mong sẽ có một tách cafe ngon, hay đồ ăn hợp khẩu vị. Có rất nhiều nhà hàng Tây - Ta mọc khắp thị trấn, nhưng chất lượng cũng chỉ tương đối. Trong số ít những nơi mình ăn được ở đây là NH Dao Đỏ và Le petite Gecko.
Ngày hôm sau, mình trek 13km qua 3 làng đồng bào, nhóm 5 người do cty Tom travel tổ chức. Trời mưa nhẹ, nên đường đi khá trơn trượt; mới sáng đã có nhóm phụ nữ H'mông đợi sẵn trước khách sạn, và đi theo cùng đoàn; có cảm giác như mỗi người "kèm" một khách...lúc đầu thấy không thoải mái vì biết họ muốn gì, nhưng về sau thấy dễ chịu hơn vì sự thân thiện và cởi mở của họ; trên suốt chặng đường họ giúp du khách tận tình qua những đoạn trợn trượt. Sau 4 tiếng trekking qua 2 làng, cảm nhận một cuộc sống thanh bình, giản dị với con trâu và ruộng bậc thang xây dựng qua hàng trăm năm trước.
            Dừng lại nhà hàng trong bảng để ăn trưa, và đây cũng là lúc chia tay với nhóm phụ nữ H' Mông. Chị Nhị đi cùng mình, lấy từ trong gùi ra vài món đồ thổ cẩm mời mọc; uh, thì sau một đoạn đường dài cũng phải mua cái gì đó để cảm tạ sự giúp đỡ từ họ, cuối cùng mình mua một túi xách nhỏ, giá khá đắt nhưng để giúp bữa cơm cho cả gia đình họ một ngày thì cũng đáng.
           Có thể thấy du lịch dần thay đổi cuộc sống của người đồng bào ở đây như thế nào. Phụ nữ và trẻ em H' Mông sáng sớm lên thị trấn bán thổ cẩm, hoặc đi theo khách về bản; sau khi bán được món đồ, họ về phụ chồng, cha làm ruộng…. Đàn ông sau khi chở vợ con lên thị trấn thì trở về nhà cày xới, chờ vợ con về.
Trong nhà hàng, có một nhóm 3 cô cậu nhỏ đến mời mọc mua vòng tay, thấm mệt mình chỉ biết lắc đầu. Có cô nhóc rất kiên trì, chỉ một câu “ cô mua cho cháu đi” mà lăp lại đến cả trăm lần, cuối cùng mình quay lại nghiêm mặt bảo” cô không thích, nên cô không mua đâu. Mà việc của cháu là đi chơi, đi học, còn kiếm tiền là của người lớn” …và rồi, cô bé trả lời “ nhưng mẹ cháu bảo cháu làm thế” và tiếp tục lặp lại câu nói ấy, dí vòng tay vào người mình. Đến đây thì chỉ biết thở dài và nhắm mắt lại. Cũng phải, cuộc sống người Việt mình nhìn chung đã khổ rồi, huống chi người vùng cao. Trên suốt chặng đường, ấn tượng mãi cảnh em bé còn đỏ hỏn, chắc chỉ 1-2 tháng tuổi, trên lưng mẹ khóc théc vì khát sữa, vì cái lạnh. Người mẹ dù đang đi theo khách, cuối cùng dừng lại và cho bé bú, một người phụ nữ khác cầm dù che mưa, cảnh tượng diễn ra ngay triền núi, trời mưa rả rich, cả đoàn thấy vậy dừng lại chờ hai mẹ con, nhưng người mẹ lại quyết định đi tiếp, vừa cho con bú, vừa đi xuống dốc núi, trong đôi dép lào cũ sờn…

           Ngày hôm sau, trời mưa lớn hơn, sương mù dày hơn. Cũng chẳng muốn làm gì ngoài việc ngủ trễ hơn một chút sau một hành trình dài. Định leo thêm ngọn Fanxipan, nhưng thời gian không cho phép, 40km hiking đi về trong ngày thì hơi bị quá sức. Thời tiết này thật chẳng phù hợp cho việc leo núi, và người ta lại đang xây cáp treo tới đỉnh, đường đi có phần nhớt nhát. Ngẫm lại, có nên hay không xây cáp treo tới “ Nóc nhà Đông Dương “? Với mình, sau mấy năm làm trong nghề, thấy rằng đây là điều không cần thiết và lãng phí. Nếu Sapa hướng đến đối tượng khách Tây, thì người Tây lại rất thích hiking, camping, hoạt động thể thao ngoài trời, nên nếu chú trọng phát triển tour hiking đến Fanxipan, tập trung cung ứng dịch vụ tốt từ đưa đón, ăn nghỉ, HDV, thiết bị an toàn…. thì chắc chắn sẽ có nhiều người đến Sapa hơn nữa. Nếu Sapa chú trọng đến khách Việt, khách châu Á, thì có thể cần thiết có cáp treo, nhưng một khi không quản lý tốt hơn hiện tại thì Fanxipan có thể là điểm rác tiếp theo cần phải xử lý. Ngoài ra, việc xây dựng cáp treo sẽ góp phần làm giảm nhu cầu hiking, trekking đến Fanxipan - một loại hình thể thao nên được phát triển hơn nữa, đặc biệt cho giới trẻ Việt.
             Sapa đẹp lung linh như là món quà tạo hóa, và rồi Sapa đang mất dần vẻ đẹp của nó bởi việc xây dựng lộn xộn các khách sạn, nhà hàng, bởi rác ở khắp mọi nơi, giao thông thiếu quy hoạch; Sapa đang mất đi nét dân tộc bởi thực trạng chèo kéo mua hàng từ người đồng bào, và thiếu tính hấp dẫn bởi ít ỏi về hoạt động du lịch. Hy vọng rằng các anh chị lãnh đạo tại Sapa có cách nhìn thẳng thắng về các vấn đề hiện tại và hành động để khắc phục, để Sapa không dần lu mờ đi trên danh sách top 20 điểm đến của Việt Nam, mà ngược lại ngày càng tiến xa hơn.
HH