Sunday, February 12, 2017

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu


Pháp thoại: Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu
                                                           Thích Thái Hòa

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật;
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.
Thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày mồng hai Tết, năm Đinh Dậu. Đại chúng đã vân tập tại Tịnh nhân Thiền đường chùa Phước Duyên – Huế, dâng lời tác bạch cúng dường đầu năm lên Tam Bảo và chúc tết chư Tăng tại bản tự. Tôi xin thay mặt chư Tôn đức, ghi nhận lời tác bạch chúc tết đầu năm của quý vị và sau đây tôi xin chia sẻ pháp thoại Tân Xuân tỉnh thức đến quý vị, xin quý vị yên lặng lắng nghe.
Thưa quý vị,
Năm Bính Thân đi qua, năm Đinh Dậu lại về, xin Đại chúng ngồi thật yên lặng để quán chiếu những vấn đề mà tôi sắp chia sẻ đến với quý vị hôm nay.
Cũ và mới.
Quý vị hãy quán chiếu hai chất liệu cũ và mới ở trong đời sống của mỗi chúng ta.
Quý vị thấy rằng, năm Bính Thân đã đi qua là năm cũ, năm Đinh Dậu đang đến với chúng ta là năm mới. Năm cũ là cũ với năm mới và năm mới hôm nay sẽ là năm cũ của sang năm.
Năm này là năm mới của năm ngoái, nhưng nó sẽ là năm cũ của sang năm. Có đôi người không hiểu thế nào là cũ và mới, từ đó sinh ra hai khuynh hướng trong đời sống của chính họ, đó là khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng đổi mới. Hai khuynh hướng này luôn luôn xung đột nhau và tạo ra mâu thuẫn cho chính họ và cho những người xung quanh họ. Không biết được trong cái cũ, có cái mới và không biết được trong cái mới, có cái cũ là sự hiểu biết của chúng ta bị thiệt thòi rất là nhiều đối với đời sống. Người nào chỉ thấy cái cũ mà không thấy cái mới, thì đời sống của người đó bị rơi vào sự bảo thủ một cách phiến diện;  Người nào chỉ thấy cái mới mà không thấy cái cũ, thì người ấy suốt ngày chạy rong ngoài đường rượt bắt cái này, thả cái kia và tự cho mình là người đổi mới hay là người tiến bộ. Nhưng thật ra trong đời sống của họ, chẳng có gì là đổi mới và chẳng có gì tiến bộ cả.
Trong thiền quán giúp cho chúng ta thấy rằng, không có cái cũ nào là cái cũ đơn thuần và cũng không có cái mới nào là cái mới đơn thuần. Cái mới có mặt trong cái cũ là cái mới có cơ sở để tồn tại và phát triển. Cái mới như vậy sẽ không bị mất gốc. Cái cũ có mặt trong cái mới có tác dụng làm cho cái mới có giá trị bền vững, khiến cho cái mới không bị hỏng chân. Đồng thời cái cũ có mặt trong cái mới, cái cũ ấy không bị lên mốc và không bị bỏ quên. Chúng ta phần nhiều chỉ nhìn thấy cái mới đơn thuần, chứ ít ai nhìn thấy cái mới có mặt trong cái cũ và cái cũ cũng đang có mặt ở trong cái mới. Với cái thấy này, giúp cho chúng ta có khả năng tái tạo cái cũ thành cái mới một cách bền vững. Với cách thấy này, giúp cho chúng ta tái tạo một đời sống mới, trên một nền tảng tốt đẹp mà chúng ta vốn có từ bản thân với những sự hỗ trợ từ phước báo của gia đình và tổ tiên chúng ta. Khi chúng ta hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ không rơi vào hai thế lực cũ và mới đối đầu với nhau. Nếu cũ và mới đối đầu với nhau, thì cuối cùng cũ cũng không ra gì và mới cũng chẳng ra gì. Mùa xuân thật sự có mặt, khi nào người già biết chấp nhận cái mới của người trẻ và người trẻ biết chấp nhận cái cũ của người già. Mới và cũ, già và trẻ là hai mặt của một thực tại sống động. Những người trẻ do nhận ra được điều này, nên họ rất thương quý người già và không bao giờ có những lời khiếm nhã với người lớn tuổi. Và người già cũng nhận ra được điều này, nên họ cũng không bao giờ, khinh thường người trẻ. Ta chỉ có mùa xuân khi người lớn biết ôm ấp người trẻ, và người trẻ không quên ơn người lớn. Sở dĩ, trong đời sống, ta không có mùa xuân, vì người lớn không biết chấp nhận những tư duy mới mẻ của người trẻ và người trẻ không biết chấp nhận và kế thừa những tinh túy từ người lớn.
Xã hội không êm ấm và rối loạn, vì chúng ta không biết chấp nhận nhau. Người trẻ phải nhớ rằng, mình mới hôm nay, nhưng  rồi mình sẽ cũ ngày mai. Mình mới nơi này, nhưng mình sẽ là cũ ở nơi kia và mình cũ ở nơi này, nhưng mình sẽ mới ở nơi khác. Nên, chúng ta không có mới hay cũ  luôn đâu, chúng ta mới hôm nay, nhưng rồi chúng ta sẽ cũ ngày mai. Chúng ta già và cũ hôm nay, nhưng sẽ trẻ và mới ngày mai. Khi nào chúng ta hiểu được thực tại vốn như vậy, thì chúng ta mới có đủ khả năng chế tác ra mùa xuân cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho xã hội của chúng ta. Mùa xuân và hạnh phúc là điều có thực cho những ai biết tiếp nhận cái mới từ cái cũ và từ nơi cái cũ mà đổi mới.
Thuận và nghịch.
Có cái nghịch nào mà không có cái thuận và có cái thuận nào mà không có cái nghịch. Về mặt thời gian, có ngày thì có đêm, ngày là nghịch của đêm và đêm là nghịch của ngày. Nhưng cả ngày và đêm đều mang đến sự sống cho mỗi chúng ta, cho mọi sinh vật và ôn hòa cho mọi môi sinh. Chỉ có những người tà kiến mới chấp nhận ngày mà không chấp nhận đêm, hoặc chấp nhận đêm mà không chấp nhận ngày, khiến cho họ khổ công đối phó và triệt tiêu nhau.
Ta không thấy được tác dụng của ban ngày như chính nó và không thấy được tác dụng của ban đêm như chính nó, thì chính chúng ta là người điên đảo, sống với sự đảo lộn khiến đêm trở thành ngày và ngày trở thành đêm; do đó trong đời sống của chính ta xuân không ra xuân, hạ không ra hạ, thu không ra thu, đông không ra đông. Và cũng vì sống với thời gian đảo lộn như vậy, nên khiến không gian cũng bị đảo lộn, làm cho biển không ra biển, sông không ra sông, núi không ra núi, ruộng không ra ruộng… Tất cả những đảo lộn ấy đều có gốc rễ từ tà kiến. Do tà kiến, nên không thấy được giá trị và tác dụng hỗ tương của thuận và nghịch, khiến nhiều người sống không có mùa xuân và không có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính mình và nhiều người.
Chúng ta hãy nhìn sâu vào tính chất thuận và nghịch trong từng hơi thở vào và ra của mỗi chúng ta, để chúng ta có thể tiếp nhận mùa xuân ngay nơi hơi thở vào và ra này. Hơi thở vào đối nghịch với hơi thở ra, hơi thở ra đối nghịch với hơi thở vào. Chúng ta chấp nhận hơi thở ra mà không chấp nhận hơi thở vào thì mùa xuân của chúng ta ở đâu? Chấp nhận hơi thở vào mà không chấp nhận hơi thở ra, thì sự sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta ai cũng thở vào và thở ra, nhưng chúng ta ít ai để ý đến hơi thở vào và ra của chính mình và trân trọng nó trong từng phút giây của sự sống. Thở vào và thở ra hay nhập và xuất thực phẩm mỗi ngày của thân thể chúng ta đều là những tố chất tạo nên mùa xuân cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ có thở vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không thở vào hay chúng ta chỉ có nhập thực phẩm vào miệng trên mà không xuất phế phẩm ra ở miệng dưới, thì mùa xuân sẽ không bao giờ có mặt với chúng ta. Mùa xuân không bao giờ có mặt cho những ai chỉ biết ăn mà không biết đi toilet. Thuận và  nghịch là hai yếu tố luôn luôn tương tác trong đời sống của mỗi chúng ta. Chúng ta phải biết như vậy, để khi thở vào, chúng ta thở cho hết lòng và khi thở ra chúng ta cũng phải thở bằng tất cả tấm lòng. Chúng ta phải biết thuận nghịch một cách rõ ràng như vậy, để khi ban ngày đến, chúng ta sống cho đẹp đối với ban ngày và khi đêm về, chúng ta cũng sống cho đẹp đối với ban đêm. Khi ăn chúng ta phải ăn cho đẹp, khi đi toilet chúng ta cũng phải đi toilet cho hết lòng. Khi ăn, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta ăn và trong khi đi toilet, ta cũng phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta đi toilet. Hay khi thở ra và thở vào, ta đều phải thở ở trong sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Tất cả những cái thuận nghịch đó đều tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta có tỉnh thức, từ bi và biết ơn đối với chúng. Khi thở ra giúp ta có 50% hạnh phúc, khi thở vào giúp ta có 50% hạnh phúc. Cũng vậy,  khi ăn giúp ta có 50% hạnh phúc và khi đi toilet giúp ta có 50% hạnh phúc. Như vậy, muốn hạnh phúc 100%, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta thở vào và ra hay trong khi ta ăn và trong khi ta đi toilet mỗi ngày.
Cho nên, chúng ta phải tiếp nhận mùa xuân ngay nơi cảnh thuận nghịch của mỗi chúng ta. Người ghét ta có thể tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta biết ôm ấp, lắng nghe những lời chỉ trích từ phía đối lập. Cái bất hạnh lớn nhất của chúng ta là không có ai chỉ trích hay góp ý cho chúng ta. Cái bất hạnh nhất của chúng ta là chúng ta chỉ cử động được một phía hoặc một phần của thân thể mà không có khả năng cử động toàn thân thể. Chúng ta chỉ chuyển động được một phần thân thể bên trái, mà không có khả năng chuyển động được phần thân thể bên phải, thì xuân đến với chúng ta chỉ có nửa vời. Xuân đến với ta nửa vời là do chúng ta có sự hiểu biết nửa vời đối với xuân. Mùa xuân thực sự có mặt với chúng ta, khi chúng ta biết chấp nhận sự thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta với sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Chính sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn giữa thuận và nghịch, tạo thành cho chúng ta một mùa xuân toàn diện.
Mất và được.
Nhìn lại năm Bính Thân, chúng ta thấy chúng ta mất gì và được gì. Chúng ta cũng sẽ nhìn lại năm Đinh Dậu, chúng ta sẽ mất gì và chúng ta sẽ được gì. Chúng ta được một tuổi thì chúng ta cũng mất đi một tuổi. Sống giữa cõi đời không có ai được hoàn toàn và cũng không có ai mất hoàn toàn. Trong cái được đã có mầm mống của cái mất và trong cái mất cũng có mầm mống của cái được. Chân lý xưa nay vốn như vậy. Sở dĩ, chúng ta không có mùa xuân, vì chúng ta không có khả năng chấp nhận cái mất có mặt ở trong cái được và cái được có mặt ở trong cái mất. Phần nhiều chúng ta chỉ chạy theo cái được và từ chối cái mất, nên chúng ta không có khả năng chế tác mùa xuân cho chính chúng ta và chúng ta cũng không có khả năng hiến tặng mùa xuân cho nhiều người. Nên nhớ, sống giữa đời không có ai là người hoàn toàn mất hay hoàn toàn được. Mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày ta đều có được và mất. Nếu không có được và mất mỗi ngày, thì làm gì trong đời sống của mỗi chúng ta có mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông.
Cho nên, chúng ta phải nhìn kỹ năm Bính Thân ta được gì, ta mất gì? Năm Đinh Dậu ta được gì, ta mất gì.  Và những năm tiếp theo ta sẽ được gì, ta sẽ mất gì. Nếu chúng ta là những người có trí ở trong cuộc đời, thì chúng ta nên để cho lòng tham, sự sân hận, sự trách móc, sự si mê, mù quáng, cố chấp mất đi ngay nơi những hành động của chúng ta, mất đi ngay nơi những suy nghĩ của chúng ta và nếu chúng ta là những người có trí thì hãy để những nguyên nhân sinh khởi khổ đau mất đi, ngay trong mọi hành hoạt của chúng ta, khiến chúng ta đạt được những tâm ý vô tham, đạt được những tâm ý trong sáng không giận dữ, không vì mình quên người. Những bậc có trí trong đời, sống với tâm ý được và mất như vậy, nên họ lúc nào, ở đâu, sống với ai cũng có an lạc, cũng có mùa xuân cho chính họ và cho người khác. Chúng ta nên nhớ rằng, điểm hẹn cuối cùng của được là mất. Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu điều này, để chúng ta thực sự có tự do trong khi ta được và thực sự có tự do trong lúc ta mất. Nhờ quán chiếu thường xuyên như vậy mà tâm ta có sự tỉnh thức và tự do giữa được và mất, khiến xuân đối với ta không bị giới hạn bởi một mùa mà bốn mùa đều là xuân. Trí hay ngu, phàm hay thánh, mê hay ngộ, Phật hay chúng sanh, nếu có khác nhau, thì khác nhau ở điểm này mà không phải điểm nào khác.
Sống ở trên đời có ai mà không được, có ai mà không mất. Nhưng được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức là cái được và cái mất của bậc Thánh trí mà những kẻ phàm phu cần phải noi theo để học tập. Được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức, nên cả được và mất đều tạo thành mùa xuân cho chúng ta.
Kiêu hãnh và thất bại
Năm này là năm của chú gà trống Đinh Dậu. Tiếng gà gáy oang oang trong đêm trường cô tịch, để báo điểm giờ giấc cho con người thức dậy, đó là niềm kiêu hãnh của chú gà trống. Nhưng cũng có khi do sự kiêu hãnh này mà chú gà bị thất bại về sự hiểu biết và giao tiếp đối với những gì chung quanh chú và láng giềng của chú. Do bệnh kiêu hãnh này, nên trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có một câu nhận định rất hay về chó và gà: “Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn”.  Chó ỷ nhà, nên chú chó chỉ quanh quẩn trong nhà của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú chó nào từ phía láng giềng đến nhà của chú. Gà ỷ vườn, nên chú gà chỉ quanh quẩn trong khu vườn của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú gà nào từ hàng xóm đến sinh hoạt trong vườn của chú. Chú gà chỉ kiêu hãnh ở trong bốn bức tường vườn của chú mà thôi. Kiêu hãnh ở trong bốn bức tường là kiêu hãnh sinh ra từ sự cục bộ và ngu dốt. Do ngu dốt mà kiêu hãnh. Do ngu dốt mà cục bộ. Càng kiêu hãnh từ sự ngu dốt lại càng bần tiện. Đem sự bần tiện mà giữ vườn, thì mọi sự hiện hữu ở trong khu vườn ấy đều là phản ảnh đúng cái bần tiện của kẻ giữ vườn cục bộ vậy. Cho nên, kiêu hãnh từ sự ngu dốt là trá hình của mọi sự thất bại.
Cũng vậy, ở trong đời, những ai tự cho mình là thế này, là thế kia với tâm đầy kiêu hãnh, thì mùa xuân sẽ không bao giờ xảy ra cho chính họ. Kiêu hãnh có mặt ở đâu, thì ở đó có sự dừng lại và thoái hóa. Kiêu hãnh là nguyên nhân của mọi sự thoái hóa và thất bại.
Khiêm nhẫn và thành Công
Khiêm là khiêm cung, nhẫn là kham nhẫn. Không có sự thành công nào mà không đi từ nơi khiêm cung, không có sự thành công nào mà không đi từ sự kham nhẫn. Không có khiêm cung, không có kham nhẫn chúng ta sẽ không có thành công. Thành công rồi mà chúng ta không có khiêm cung thì thành công đó là trá hình của sự thất bại. Có nhiều người thành công, nhưng không duy trì được sự thành công của mình lâu dài, vì thiếu tính khiêm cung. Cho nên, mùa xuân không bao giờ hiện hữu một mình, mùa xuân hiện hữu với mùa đông, mùa xuân hiện hữu với mùa hạ, mùa xuân hiện hữu với mùa thu. Mùa xuân rất khiêm cung và kham nhẫn đối với các mùa, nên mùa xuân luôn luôn có mặt ở trong các mùa và là niềm hy vọng, cũng như là sức sống của các mùa. Nên, mùa xuân là điểm đến và thành công của tất cả các mùa.
Cũng vậy, trong đời sống sự khiêm nhẫn tạo nên thành công cho chúng ta. Sự khiêm nhẫn tạo thành mùa xuân cho tất cả chúng ta.
Chấp nhận và chuyển hóa
Trong cuộc đời này không có ai hiểu hết được ai. Vì sao? Vì con người là một sự hiện hữu trong dòng sinh diệt tương tác và tương tục giữa nhân duyên và nhân quả của tâm thức nhiều đời. Không hiểu được nhân duyên, nhân quả, chúng ta không bao giờ hiểu được con người. Nhân duyên, nhân quả của con người được tạo nên từ chính tâm thức của chính họ và được xông ướp bởi hoàn cảnh của họ. Do tâm thức sai biệt, khiến tác nghiệp sai biệt và do tác nghiệp sai biệt, nên chúng ta tuy là người, nhưng không có người nào giống người nào. Chúng ta là con người, chúng ta có thể biết nhau, quen nhau, nhưng chúng ta không bao giờ hiểu biết hết nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của nhau và không bao giờ hiểu biết hết những diễn biến trong tâm thức của nhau.
Năm ngón tay ở nơi bàn tay của mỗi chúng ta, không có ngón nào giống ngón nào. Không có ngón nào giống ngón nào hết, đó là sự thật. Chúng ta phải thấy sự thật này để chấp nhận sự khác biệt của nhau và giúp nhau tạo nên hạnh phúc. Mùa xuân chỉ thật sự có mặt, khi chúng ta biết chấp nhận nhau và cùng nhau chuyển hóa những yếu tố thấp kém từ nơi nhận thức, từ nơi tâm hồn, để cùng nhau thăng hoa cuộc sống. Biết chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng nhau chung sống, đó là một trong những sự thông minh của con người. Biết chấp nhận cái hay của nhau để học hỏi và chấp nhận cái dở của nhau để giúp nhau chuyển hóa là con người có khả năng bước thêm một bước nữa để tiến bộ và cùng nhau đi tới với một mùa xuân đích thực của cộng đồng. Biết chấp nhận cái xấu của nhau để giúp nhau chuyển hóa; biết chấp nhận cái tốt của nhau để giúp nhau thăng hoa, đó là một ý thức tiến bộ. Ý thức ấy đẩy chúng ta đi tới với mùa xuân. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta không bao giờ có tiến bộ và chúng ta không bao giờ có sức mạnh của sự sống. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải thường xuyên quán chiếu, để mùa xuân không còn là một sự mơ ước mà là một hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta.  
Chấp nhận một sự thật cao quý, thì ai cũng có thể, nhưng chấp nhận một sự thật phũ phàng thì rất ít người có thể. Người có sức sống và có niềm tin, họ có khả năng chấp nhận cả hai sự thật ấy để tái tạo hạnh phúc cho chính họ. Chúng ta biết chấp nhận sự thật, dù là một sự thật phũ phàng, thì mọi tiến bộ mới có thể bắt đầu sinh ra trong đời sống của mỗi chúng ta và khi ấy, chúng ta mới có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta.
Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, khi tôi đang còn dạy ở Tổ đình Từ Hiếu- Huế, các nhà nghiên cứu về giáo dục của Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ, họ đến nghiên cứu hệ thống giáo dục của Việt Nam. Khi họ đến Huế để nghiên cứu, họ có đến chùa Từ Hiếu – Huế gặp tôi và xin trao đổi một số vấn đề giáo dục có liên quan đến Phật giáo Bộ phái và Đại thừa. Sau khi trao đổi xong, họ than phiền với tôi rằng: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay không có gì phát triển so với các quốc gia trong vùng”.  Họ nói: “Họ thấy ở Việt Nam trong thời điểm này nhà hàng, nhà ăn phát triển nhiều hơn nhà trường. Nhà hàng, nhà ăn phát triển rất sang trọng so với các nước trong vùng, nhưng các trường học rất ít phát triển và rất cũ kĩ, kể cả những phương pháp giáo dục”.
Khi nghe như vậy, tôi rất khó chịu, cảm thấy xấu hổ, lòng tự ái dân tộc trong tôi phát sinh, mặc dù tôi đang là một tu sĩ Phật giáo. Vì tự ái, tôi đã cố gắng biện minh cho những yếu kém ấy. Tôi đã nói với các nhà nghiên cứu ấy rằng: “Ở Việt Nam chúng tôi, mỗi gia đình là mỗi trường học. Mỗi người làm cha mẹ là mỗi thầy giáo, cô giáo của gia đình. Giáo dục của Việt Nam rất chú trọng đến gia giáo hơn là học đường”. Nghe tôi biện minh như vậy, những nhà nghiên cứu ấy đều gật đầu. Họ cảm ơn tôi và ra về. Nhưng khi họ ra về, tôi cảm thấy xấu hổ, vì mình chỉ có khả năng che giấu và biện minh cho sự yếu kém mà không có khả năng chấp nhận sự thật của yếu kém. Bấy giờ, tôi tự trách mình là tu tập còn quá yếu không dám chấp nhận sự thật đang diễn ra trước mặt mình và chung quanh mình. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi nghĩ đến điều mà mình đã từng biện minh ấy, tôi cảm thấy tự xấu hổ và liền khởi tâm sám hối.
Kể câu chuyện này, tôi mong rằng, trong mỗi chúng ta phải dẹp đi mọi tự ái, mọi kiêu hãnh phù phiếm, để cho mùa xuân chân lý được hiển lộ ra trong đời sống của mỗi chúng ta. Bệnh nhân che giấu bệnh với bác sĩ, thì chỉ có chết thôi, chứ không có một bác sĩ tài năng và lương tâm nào có thể cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh.
Chúng ta chỉ có mùa xuân, khi nào chúng ta thấy và biết chấp nhận sự thật của các mùa hạ, mùa thu và mùa đông ở trong đời sống và ở trong mọi hành hoạt tỉnh thức và từ bi của chúng ta.
Kính chúc Đại chúng một mùa xuân mới đầy hạnh phúc, an lạc ở trong sự tỉnh thức và từ bi.
                (Thầy Thích Thái Hòa giảng – Đệ tử: Nhuận Phật Hạnh – Nhuận Hạnh Châu kính phiên tả)


                                                                                                                           

Friday, February 10, 2017

OUR DAD AND NATURE



OUR DAD AND NATURE

There are empty spaces
Just close our eyes tight
Seeing the life's limitations.

Ba và Thiên Nhiên


Có những khoảng không
Hãy nhắm mắt lại
Thấy giới hạn của cuộc đời.



PÈRE ET NATURE
père et nature
aux creux des espaces vides
fermons nos yeux
sur les limites de notre vie

(dédié à mon Maître Nguyễn Khắc Hoạch)
GS. TS. Lưu Nguyễn Đạt dịch

Wednesday, February 8, 2017

After Luna New Year (Tết), Breathe and Smile with Mother - SOURIRE À MA MÈRE APRÈS TẾT


Sau Tết, Thở Cười Cùng Mẹ

Nắng vàng bao khắc khoải
Hồng đỏ nhuỵ phấn rơi
Tóc xanh giờ bạc trắng 
Cam chuối vàng lẻ loi.

After Luna New Year (Tết), Breathe and Smile with Mother 

Sunshine yellows with anxiety
From red roses' petals, stigma, pollens—falling.
Mother's once vibrant black hair
now turns silver white,
Orange and banana are goldening in isolation


SOURIRE À MA MÈRE APRÈS TẾT

le soleil jaunit d'anxiété
à l'envol du pollen des pétales roses
les cheveux noirs laqués de ma mère
aujourd'hui blanchissent argentés
les oranges et  les bananes dorent d'isolement

Translated by GS. LS. Lưu Nguyễn Đạt

Wednesday, February 1, 2017

ĐỪNG ĐỂ KỲ CO HAY NHƠN LÝ ĐIÊU TÀN

Kỳ Co xưa - Photo - http://quynhontourist.vn/kham-pha-ky-co-thien-duong-bien-dao-quy-nhon/

Kỳ Co ngày nay - Photos: https://www.facebook.com/groups/1458681091102632/permalink/1634795000157906/?pnref=story


Bãi Nốm - Photo: Nhơn Ly's friends
Bãi Bấc- Photo: Nhơn Ly's friends

ĐỪNG ĐỂ KỲ CO 
HAY NHƠN LÝ ĐIÊU TÀN

Giữa ba ngày Tết,
Biển động thiếu vắng cá tôm
Đêm hôm
Dân làng bắt gặp
Hoạt động khai thác Titan 
Đã/đang/sẽ làm môi trường ô nhiễm
Thương quê máu chảy về tim
Nỗi lòng người dân bứt rứt
Ai cũng biết những điều chuẩn mực
Titan gây ô nhiễm từ nguồn nước đến không khí
Rồi thì
Làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên
Thắng cảnh sẽ hoang tàn
Quạnh hiu
Bãi biển Kỳ Co trong vắt sẽ tiêu điều
Khi đất đen được khai thác
Du lịch đại tràng đâu khác
Tác động xấu đến thiên nhiên

Có những cái lợi thấy liền
Nhưng đó là tai họa cho nhiều kiếp
Ai nỡ ra tay hà hiếp?
Người dân lành chất phác quê cha

Tương lai Nhơn Lý trong ta
Xin hãy cùng nhau xây dựng
Hãy hiểu và thương
Để có một xã đảo du lịch sinh thái
Du lịch biển, cát, tâm linh.

Gần xa xin hãy chung tình
Quê hương ta đó gọi mình dấn thân
Làm cho Nhơn Lý canh tân
Tổ tông hãnh diện trong ngần Phật tâm!

02.01.2017

Tuesday, January 31, 2017

TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO





Trại Huấn luyện Anoma - Ni Liên Tuyết Sơn - GĐPT MLQ. Photos: BXK

Nhật Ký Giáo Dưỡng: TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO

Trước tiên, sứ mệnh và mục đích của giáo dục luôn thay đổi theo không gian, thời gian, quốc độ và niềm tin của mỗi người. Nhưng quan trọng hơn, “Học để làm gì?” Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization - UNESCO), có Bốn trụ cột trong việc học (The Four Pillars of Learning)[1]. Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định chính mình/học để làm người; và Học để cùng chung sống.

Riêng ở quốc độ này, “Mục đích chính trong trường học tại Hoa Kỳ là để cung cấp cho sự phát triển tiềm năng trọn vẹn của từng học sinh để sống đạo đức, sáng tạo, và có hiệu quả trong một xã hội dân chủ." (“The main purpose of the American school is to provide for the fullest possible development of each learner for living morally, creatively, and productively in a democratic society”)[2]. Còn thời Việt Nam Cộng Hoà thì triết lý giáo dục được đặc trên nền tảng: nhân bản, dân tộc, và khai phóng[3]. Ngày nay, không biết nền tảng Giáo dục Việt Nam của chúng ta đang đặc ở đâu?

Riêng trong Phật Giáo, thiển ý của chúng tôi là sứ mệnh và mục đích tối hậu vẫn là “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.” Nói cách khác là Tự mình tìm ra chân lý, giúp người thấy ra chân lý, và tất cả đều giác ngộ ra sự thật/chân lý. Còn tổ chức Gia Đình Phật Tử thì lấy Bi-Trí-Dũng làm nên tảng. Ngoài Đức dục, trí dục, và thể dục, chủng tử và huân tập là những phương tiện thiện xảo để giáo dục tuổi trẻ ngày nay. Tuy nhiên chúng tôi muốn đề cập đến Tứ Tất Đàn trong việc sự Giáo dục trong Phật Giáo. 

Theo Hoà thượng Thích Thái Hòa, trong bài Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Thầy giải thích như sau:
Tứ Tất Đàn, tiếng Phạn là catvari siddhanta; catvari có nghĩa là tứ và siddhanta phiên âm là tất đàn, có khi còn được phiên âm là “Tất Đàm”, và dịch là “Tác Thành Tựu”, có nghĩa là làm cho công việc thuyết pháp của Đức Phật được thành tựu. Chữ siddhanta, Hán dịch là "thành tựu", nghĩa là nhờ dựa vào bốn phương pháp này, mà Đức Phật thuyết pháp và thành tựu được sự nghiệp hoằng hóa, giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh từ mê lầm đến giác ngộ, từ sinh tử đến Niết Bàn, từ phàm lên Thánh, từ mê lầm đến sự hiểu biết cao thượng.

Nội dung Tứ tất đàn gồm có: 1. Thế giới tất đàn; 2. Vị nhân tất đàn; 3. Đối trị tất đàn; và 4. Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đây là bốn phương pháp mà Đức Phật đã tùy duyên và bất biến, giảng dạy và thành tựu viên mãn mà chúng ta có thể áp dụng ngày nay. Vì tính chất tùy duyên ở trong đạo Phật, chúng ta cũng tùy duyên sinh hoạt, giảng dạy, và hoằng Pháp cho thế hệ kế thừa những phép kỉnh sau:
1) Thế giới tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc của chúng sanh, đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sinh mà thuyết pháp và giảng dạy.

2) Vị nhân tất đàn: Ngài vì tùy vào căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này, phương tiện khác để họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa hầu sống hài hoà an lạc.
3) Đối trị tất đàn: Ngài vì tùy thuận chỗ mê lầm và tâm bệnh của chúng sinh mà nói Pháp đối trị, như một vị Bác sỹ giỏi tùy bệnh cho thuốc để hồi phục.
4) Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khác với 3 tất đàn trước, chỉ là phương tiện, thì Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh và là mục đích giáo dục của đạo Phật. Khi đức Phật thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối mà khai thị con đường Trung đạo và Nhị đế (hai sự thật), thật tướng của các Pháp,  để thuyết cái thật tướng của vạn pháp để cho chúng sanh sớm giác ngộ. 
Như huynh trưởng Tâm Minh Vương Thuý Nga chia sẻ, “Đây là nét đặc sắc của Giáo dục Phật Giáo nói chung hay giáo dục của đức Thế Tôn nói riêng. Trong một thời Pháp của đức Thế tôn lúc Ngài còn tại thế, Ngài thường vận dụng 4 tiêu chuẩn hay 4 nguyên tắc để trình bày một vấn đề (một sự thật, một chân lý…)” Hoà thượng Thích Thái Hoà còn căn dặn:
Quý vị phải biết rằng, trong Thế gian tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn,  nên nói theo thế gian mà không sai với chính nghĩa; nói thuận theo với thế gian mà không sai với Niết bàn; ở trong sinh tử mà không sai với Niết bàn giải thoát.
Cũng vậy, trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Chúng ta phải tùy căn cơ, tùy từng hoàn cảnh của con người, từng hoàn cảnh xã hội mà giáo hóa, chúng ta tùy thuận mà không tùy thuộc. Vì sao? Vì trong Đối trị tất đàn, trong Vị nhân tất đàn, trong Thế gian tất đàn, mỗi cái đều có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Cho nên, trong cái tùy duyên có tính chất bất biến bên trong.
Đây là điều mà các anh/chị/em cần phải học tập, chiêm nghiệm để có thể hành đạo được ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Nói tóm lại, Tứ tất-đàn là bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục mà Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã thực hành và giảng dạy. Theo gót chân Ngài, chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ cho rằng sự ra đời của Đức từ phụ vẫn là mang lại sự giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sanh. Mà muốn thành tựu được sự giác ngộ giải thoát này, chúng sanh, mà nhất là chúng ta, cần phải huân tập, tu dưỡng và chuyển hoá thân lẫn tâm từ khổ đau thành cuộc sống an vui, hạnh phúc và thanh thản cho mình và cho người, ngay bây giờ và cho cả tương lai.

Tâm Thường Định

Reference:

1. Tâm Minh Vương Thuý Nga, Phương Pháp Truyền Đạt Trong Giáo Dục Phật Giáo Và Trong Môi Trường GĐPT, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen.

2. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa Và Nay, Trang nhà Quảng Đức.

3. Thích Thái Hoà, Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/a13153/tu-tat-dan-va-su-ung-dung-trong-cuoc-song




[1] The four pillars of learning,
http://www.unesco.org/new/en/education/networks/global-networks/aspnet/about-us/strategy/the-four-pillars-of-learning/
The four pillars of learning are fundamental principles for reshaping education:
Learning to know: to provide the cognitive tools required to better comprehend the world and its complexities, and to provide an appropriate and adequate foundation for future learning.
Learning to do: to provide the skills that would enable individuals to effectively participate in the global economy and society.
Learning to be: to provide self analytical and social skills to enable individuals to develop to their fullest potential psycho-socially, affectively as well as physically, for a all-round ‘complete person.
Learning to live together: to expose individuals to the values implicit within human rights, democratic principles, intercultural understanding and respect and peace at all levels of society and human relationships to enable individuals and societies to live in peace and harmony.
[3] Nguồn – Wikipedia.org.  Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Chính sách văn hóa giáo dục, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)

Friday, January 27, 2017

XUÂN TRONG TA - Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa

XUÂN TRONG TA

Ngày xuân Đinh dậu lại về
Ta nghe gió hát giữa quê hương này;
Đất trời mở một đường mây
Non sông tương ngộ tháng ngày cười khan;

Ngày đông mơ ước nắng vàng
Đàn chim nho nhỏ mở toang mắt nhìn;
Quan san bụi lấm đường vinh
Sông in bóng nguyệt lời kinh ai cầu;

Đất trời một thoáng qua mau
Kể chi được mất con tàu thế gian;
Nắng reo đùa với mưa ngàn
Gà reo đùa với khỉ đàn hôm nao;

Xuân về đừng hỏi tại sao?
Cứ vui cho thỏa những ngày lạnh đông;
Mặt gà ta, mặt gà ông
Hơn thua đã có trong lòng của nhau;

Can chi sông chảy qua cầu
Hồn non vẫn ngự trên đầu thế gian;
Dẫu đông mưa nát cỏ ngàn
Hồn xuân non nước cỡi hoàng hạc bay.

Bụi hồng theo gió lắt lay
Bụi hoa theo gió đùa bay phương nào;
Xuân là điểm hẹn trăng sao
Nên trăm hoa nở reo chào cuộc chơi.

Niềm vui xin để cho đời
Can chi ong bướm lắm lời thị phi;
Đất trời nuôi dưỡng hồn thi
Trà thơm một chén, tường vi một vườn;

Dẫu cho đời có vô thường
Dẫu cho cát bụi giữa đường tung bay;
Cho đời dù có ngủ say
Trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi.

          Xuân Đinh Dậu - 2017
Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa