Tuesday, May 21, 2019

Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông



Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông
Nguyên Giác
Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông.
Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.
Riêng về truyện thơ, cũng có ba dị bản khác nhau, tất cả đều bằng thể lục bát. Như thế, ông bà mình đã ưa thích truyện này một cách đặc biệt.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm qua bài viết có nhan đề “Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới” đã ghi nhận:
“Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:
 (1) chưa từng được giới thiệu,
 (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và
 (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.
Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b.  Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu...”
Trong khi đó, Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi qua bài viết nhan đề “Một cái nhìn khác về truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông do Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu” ghi nhận rằng truyện có chủ đề là:
…cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam. 
… o …
Nơi đây có thể tóm tắt rất sơ lược cốt truyện Thạch Sanh từ tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ấn bản 1957, như sau:
“Thời rất xưa, ở quận Cao Bình. Hai vợ chồng già, nghèo, lòng tốt, nhưng không con. Ngọc Hoàng (một vị vua cõi trời, không phải Thượng Đế, vì cổ tích Việt Nam không công nhận Đấng Sáng Tạo) sai thái tử đầu thai làm con nhà họ Thạch. Bà cụ có thai, lâu cả mấy năm mà không sinh. Ông cụ Thạch bệnh, chết. Vài năm sau, Thạch Bà sinh con trai. Cụ bà chết. Cậu bé dựng lều sống dưới gốc đa, được dân goi là Thạch Sanh. Cậu chỉ có một lưỡi búa. Ngọc Hoàng sai tướng trời xuống dạy cậu võ, và phép thần.
Có người bán rượu, tên Lý Thông, thấy Thạch Sanh có sức khỏe, nên kết thân, mời về nhà để dỡ công việc. Trong vùng có Chằn Tinh, thường an thịt người. Quan quân trừ không nổi, nên dựng miếu, mỗi năm cúng một mạng người cho Chằn. Năm ấy, tới phiên Lý Thông nạp mạng. Lý lừa gạt Thạch, nhờ thay Lý đi canh miếu thay một đêm rồi sáng hôm sau về. Nửa đêm, Chằn hiện ra, Thạch Sanh rút búa xả đôi Chằn, mới thấy là con trăn. Thạch Sanh cắt đầu trăn và cầm cung tên vàng của Chằn về.
Khi Thạch Sanh về, kể lại, Lý Thông nói, rằng trăn đó là của vua nuôi, rằng Thạch Sanh hãy trốn đi. Thạch lại về gốc đa ven rừng ở. Lý Thông đem đầu Chằn nạp cho vua. Vua khen, phong chức tước cho Lý Thông. Trong triều có công chúa, chưa ưng ai. Vua tổ chức hội tuyển phu, cho hoàng tử các nước và trai tráng trong dân tới chờ quả cầu do công chúa ném từ lầu cao xuống. Khi cô sắp ném cầu, Đại bàng bay ngang, sà xuống cắp công chúa bay về núi. Thạch Sanh đang ở gốc đa, ngó lên mây, thấy, mới rút cung tên, bắn trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh dò theo vết máu, biết cửa hang Đại bàng.
Vua sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa gả công chúa và truyền ngôi. Lý Thông nghĩ chỉ có Thạch Sanh mới cứu được công chúa. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nhờ dẫn đường tới cửa hang Đại bàng. Hang sâu. Không ai dám xuống. Thạch Sanh tự nguyện buộc dây ở lưng rồi xuống hang. Đại bàng đang dưỡng thương. Thạch Sanh đưa thuốc mê để công chúa   cho Đại bàng uống. Khi Đại bàng ngủ say, Thạch lấy dây buộc công chúa, hiệu cho quân Lý Thông kéo lên. Cứu công chúa xong, Lý Thông lấy đá lấp hang. Dưới hang, Thạch Sanh giết chết Đại bàng, cứu một thanh niên ra khõi cũi sắt, mới biết đó là thái tử con vua Thủy, bị Đại bàng bắt về hơn cả năm. Thái tử mời Thạch Sanh xuống Thủy phủ chơi. Vua Thủy phủ gặp con, vui mừng, xin đền ơn. Thạch Sanh từ chối, chỉ xin một cây đàn, rồi về lại gốc đa.
Hồn của Chằn tinh và Đại bàng sau khi chết, đói vì không được ai cúng tế, tình cờ gặp nhau, bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Lính theo dấu tìm, đến gốc đa thì gặp tang vật, bắt Thạch Sanh về giam.
Công chúa về triều, tự nhiên bị câm, buồn hoài, nên vua hoãn hôn lễ với Lý Thông. Thấy quân bắt Thạch Sanh về, Lý Thông mới tính xử tử Thạch Sanh. Trong tù, Thạch Sanh buồn, lấy đàn của vua Thủy ra chơi, không ngờ đàn thần vẳng tiếng như than, như oán, vạch tội Lý Thông. Công chúa nghe tiếng đàn, vui mừng, cười nói, xin vua mời người đàn vào cung.
Thạch Sanh kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua sai bắt 2 mẹ con Lý Thông, giao Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh tha, cho hai mẹ con Lý Thông về quê. Nửa đường, hai mẹ con bị sét đánh chết. Vua làm lễ cưới công chúa cho Thạch Sanh. Hoàng tử các nước bị từ hôn nổi giận, tụ họp lính 18 quốc gia tới hỏi tội vua. Thạch Sanh lấy đàn thần ra khảy, lính 18 nước buông vũ khí. Thạch Sanh sai dọn cơm cho lính các nước ăn no để về. Niêu cơm nhỏ, nhưng ăn hoài lại có cơm  ra hoài. Vua không con trai, nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.” (Hết tóm lược)
GS Nguyễn Đổng Chi trong phần Khảo  dị ghi rằng có các phiên bản truyện từ các nhóm đồng bào thiểu số, như người Tày, Khmer, Mèo…
Theo nghiên cứu của trang báo Trí Thức Trẻ/SOHA ngày 9/6/2015, dựa vào Khảo dị sách trên ghi về công trình tác giả Phan Nhật, và dựa vào  địa danh "Cao Bình" trên Wikipedia, ghi rằng quê quán Thạch Sanh như thế là ở Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng.
Wikipedia viết: "Trấn Cao Bình, nơi nhà Mạc đóng đô sau khi rút lên Cao Bằng. Nay là xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng…”
Và cũng theo Wikipedia: “Xã Hưng Đạo xưa chính là trấn lỵ Cao Bình. Thời nhà Mạc, khi rút về Cao Bằng, Cao Bình cùng với Nà Lự (Hoàng Tung) chính là nơi nhà Mạc đóng đô."
SOHA viết: “Thông tin này hoàn toàn khớp với thực tế hiện tại, ở xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng nay có ngôi trường cấp 3 mang tên Trường THPT Cao Bình và có 1 con phố mang tên Cao Bình. Chắc chắn đó là tên gọi lưu lại dấu tích của địa danh Cao Bình xưa.”
… o …
Theo truyện truyền khẩu như thế, chúng ta thấy một số chi tiết liên hệ tư tưởng Phật giáo.
Thạch Sanh là thái tử cõi trời đầu thai về cõi người. Đó là tư tưởng Bồ Tát. Những người như thế không dễ nhiễm ô như người đời thường. Thạch Sanh còn có nghĩa là sanh ra từ đá. Như thế, nghĩa là tâm hồn trong sạch bản nhiên. Bà cụ Thạch mang thai nhiều năm, tới khi ông cụ Thạch chết đi nhiều năm, mới sinh ra cậu Thạch. Nghĩa là, sanh ra đã kỳ bí.
Lịch sử Việt Nam cũng có truyện Phật Mẫu Man Nương sinh con theo cách kỳ bí, Wikipedia kể theo sách Lĩnh Nam Trích Quái:
“Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà [Man Nương] là một người con gái rất sùng đạo Phật, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.
Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.
Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư.”
Mang bầu tới hai mươi tháng… trong khi cụ Thạch Bà mang bầu Thạch Sanh nhiều năm.
Hình ảnh Thạch Sanh còn tượng trưng cho các thiện pháp. Lý Thông tượng trưng cho bất thiện pháp; riêng nghề bán rượu đã là một việc bị cấm trong nhà Phật, chưa kể tới họ Lý cứ ưa chuyện lừa gạt, nói dối, cướp công, gài mưu sát nhân… Gộp chung, Chằn tinh, Đại bàng và Lý Thông là một khối Tham, Sân, Si – nhà Phật gọi là Tam Độc, tức là ba thứ độc hại.
Sự kiện Thạch Sanh giết xong Chằn tinh, chặt đầu Chằn để không còn quậy phá nữa (đầu, tượng trưng ý thức tự chấp ngã là chủ thể -- thì không ngờ hồn ma Chằn vào cõi âm quậy tiếp, nghĩa là, vọng tâm có khi tưởng là bị cắt đầu rồi, không ngờ vẫn tàng ẩn sâu thẳm…), tịch thu chiến lợi phẩm là cung tên vàng. Đây là ý nghĩa: cung tên vàng trong tay Chằn là để hại người, nhưng vào tay Thạch Sanh là để cứu người; từ bất thiện pháp, hóa sang thiện pháp.
Chuyển công dụng cung tên vàng như thế, là nỗ lực chuyển ba độc Tham Sân Si thành Giới Định Huệ. Tuy nhiên, Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn trúng cánh Đại bàng, lại không giết nổi, chỉ vì lấy ý thức xóa sổ Tam Độc là không bứng gốc nổi, chỉ buộc Đại bàng lui về ẩn dưới hang sâu. Hình ảnh hang sâu là ẩn dụ thường dùng trong nhà Phật, tượng trưng gốc rễ khó thấy của Tham Sân Si Mạn Nghi. Bản Kinh Tập trong Tiểu Bộ, ký số Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta, còn được dịch là “Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động”… Do vậy, Thạch Sanh phải thân chinh, xuống tận hang sâu, bày mưu tính kế, mới giết xong Đại bàng. Đi xuống tận hang sâu là dò tận gốc rễ tâm mình. Lúc đó, cứu được thái tử con vua Thủy phủ. Thạch Sanh được mời thăm Thủy phủ, được vua Thủy phủ tặng đàn thần. Không ngờ hồn ma Chằn tinh và Đại bàng quậy hoài thôi, gài bẫy để quân lính bắt Thạch Sanh về nghi ngờ trộm kho báu nhà vua. Chuyện hai hồn ma cấu kết nơi đây cũng là niềm tin dân gian rằng có cõi bên kia, không ai cúng tế nên cứ kẹt làm ma đói hoài. Thạch Sanh bị lính bắt vào tù, mới khảy đàn thần cho đỡ buồn… Thế là công chúa trong cung vua nghe được.
Chúng ta thấy rằng, khi hoàng tử các nước kéo binh tướng 18 quốc gia tới bao vây, hỏi tội vua cha vì sao từ chối họ để gả công chúa cho Thạch Sanh. Con số 18 quốc gia là tượng trưng cho toàn bộ thế giới cõi này (thân, tâm, cảnh). Phân tích chi tiết, lính 18 quốc gia tới xâm phạm, là hình ảnh chúng ta bị thế giới cõi này trói buộc: Nhóm 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhóm 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhóm 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Căn, trần, thức nào cũng đều là binh tướng hung hiểm, khi còn bị vây trong Tham Sân Si.
Thế rồi Thạch Sanh xua tan được binh tướng 18 quốc gia là nhờ dùng cây đàn thần và cái nồi cơm ăn hoài không hết. Tại sao đàn thần, tại sao nồi cơm? Hai hình ảnh này gợi nhớ tới một kinh trong Phật giáo Bắc tông.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, nơi Phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có lời Đức Phật giải thích về công đức của ngài Diệu Âm:
 Đức Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: "Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, cõi nước tên là Hiện-Nhứt-Thiết-Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Diệu-Âm Bồ-Tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân-Lôi Âm-Vương Phật cùng dâng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật, có sức thần như thế. Hoa-Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó,nơi chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Vương Phật, Diệu-Âm Bồ-Tát cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu-Âm đại Bồ-Tát đây…”
Nhạc công đức đó, vào truyện Thạch Sanh là cây đàn thần. Bát báu công đức đó, trở thành nồi cơm cho quân lính 18 nước ăn hoài không hết. Phải dùng tới Phật pháp của ngài Diệu Âm, mới dẹp được quân binh 18 nước vây thành, mới đem hòa bình thực sự… Không có thiện nghiệp từ “một vạn hai nghìn năm” hẳn là không dễ có sức thần đầy oai lực. Số lượng mười muôn, và số lượng tám muôn bốn ngàn có nghĩa là nhiều không kể đếm nổi, có nghĩa là toàn bộ “thân, khẩu và ý” của từng người chúng ta cúng dường lên Đức Phật, nghĩa là vâng phục hoàn toàn cho thiện pháp. Cũng nên nhắc rằng, Kinh Pháp Hoa trước giờ rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào.  Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện. Truyện này gắn bó với dân mình sâu đậm tới mức được ghi vào ca dao, tục ngữ: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
Do vậy, tác phẩm dịch và chú giải Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm không chỉ có giá trị về văn học nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc nhở và khuyến tấn: thiện pháp lúc nào cũng vắng, nhưng tận cùng rồi sẽ chiến thắng.
Nguyên GIác
GHI CHÚ:  
Buổi nói chuyện với Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm về “Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác” sẽ thực hiện vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00 giờ chiều -5:00 giờ chiều Tại Viện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Phone: (714) 775-2050 / E-mail: info@viethoc.com

Saturday, May 18, 2019

Thi Ca và Tư Tưởng

Tuệ Sỹ: Thi Ca và Tư Tưởng

Thầy Tuệ Sỹ (Ảnh: Tâm Nhãn)
Với cái tựa đó, tôi không cốt ý bàn riêng về một tập sách của ông Giáng, viết rải rác về các nhà thơ. Thi ca và Tư tưởng, cái đó muốn được đặt ra trong cách điệu Chung và Riêng, từ một cuộc Hội thoại trong cõi Hằng thể Tịch nhiên, vang dội những âm hưởng Nguyên sơ hiện hình ra giữa dòng Lịch sử, và vang dội với một câu hỏi ngân dài bất tận: “và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?” (M. Heidegger, Wozu Dichter; Sương bình nguyên của Bùi Giáng). Câu hỏi đột ngột đứng lên giữa lòng Tư tưởng, như để đánh dấu chỗ sơn cùng lộ tuyệt trong bước đường phiêu lưu khốc liệt của Lịch sử, và cũng như là nỗi Ưu tư (die Sorge) của Tại thể (Dasein) đang hoài vọng những phương trời Viễn mộng Ban sơ trên bước đường Lữ thứ của Thi ca:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Nơi đó, nơi “Ngõ ban sơ” đó, còn là nơi của một cõi miền Hội thoại trong cách điệu tài hoa, mà Thiên nhiên đã phơi mở tất cả xiêm y lồng lộng của Tuế nguyệt phiêu bồng, đã giũ áo mù sa, đã trút quần phong nhụy, và kỳ cùng, tà huy lãng đãng bay cao cùng với Lời Thơ vọng về Hằng thể:
Được lời như cởi tấm lòng
Giở bom đạn với phi thuyền trao tay
Lời thơ như đôi cánh chuồn chuồn, mà tất cả tinh thể của Tài hoa đã phơi bày trong cơn mưa lũ. Đôi cánh chuồn chuồn bay thấp thoáng, và Hằng thể luôn luôn trì ngự nơi Thiên nhiên Phơi mở. Mưa nguồn và nước lũ, cuộc Hội thoại trào ra những trùng trùng ẩn ngữ. Để làm gì, với ẩn ngữ, với bom đạn, với phi thuyền, với ngõ hạnh…? Để làm gì, với những cuộc Chung và Riêng? Cho đến tận cùng biên tế, và để làm gì, thi nhân…? Tới chỗ đó, cuộc Lữ bỗng mở ra hai ngã đường xuôi và ngược. Cuộc Lữ là để ra đi. Ra đi trước sự sụp đổ của một cuộc Hội thoại, vì thảm họa lịch sử trong viễn tượng đã trở thành những biến tượng và những hiện tượng. Là đi trong thời buổi điêu linh thống khổ. Đó là từ lúc các thiên thần đã biến mất khỏi trần gian. Thế giới trầm mình trong bóng tối, và triết học đã tôn vinh Đồng nhất tính lên ngự trị. Dưới bóng mù tỏa rộng của Đồng nhất tính, triết học nỗ lực tạo dựng một thế giới quân phân trật tự. Trật tự cho lý tưởng Bình đẳng, trật tự cho lý tưởng Cộng hòa Thống nhất Âu châu: chỉ trong một sớm một chiều, Nã phá luân nghiễm nhiên được triết học tấn phong làm Anh hùng của Lịch sử mang bom đạn dội lên tất cả Lịch sử của Anh hùng. Cuồng phong trỗi dậy, cuộn Lịch sử đổ xô vào sa mạc, và, sa mạc lớn dần… Lịch sử Nguyên sơ biến thành một con sông nhỏ, chảy xa mù và sa mù. Sông chảy khơi vơi như một dòng nước thiên thu bất động, càng xa càng bất động, như một dòng sông chết (chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn). Cuộc Lữ của Thi ca cũng trôi theo dòng sông, đi về nơi Hằng thể Tịch nhiên bất động. Trên những bước Lữ hành, Lời thơ trầm tư trong nỗi ưu tư về Hằng thể vang vọng như thế này:
Sông ơi em bỏ sa mù
Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau
Thế là ra đi trong lối về; trở về trong bước ra đi. Đó là cuộc Hội thoại của Thi ca trong Hằng thể; rồi giữa lòng của Hằng thể Tịch nhiên, phơi mở một cuộc Hội thoại của Thiên nhiên và Lịch sử trong Thi ca. Cho đến lúc, Lịch sử trở thành thời buổi điêu linh thống khổ, thì bấy giờ lại là một cuộc Hội thoại của Thi ca và Tư tưởng. Nhưng kỳ cùng, phải thấy rằng, chúng ta đang từ một cõi Thơ này mà xắn tay bước tới một cõi Thơ khác, trong cách điệu tương ứng song trùng. Trước hết, đây là cách điệu:
Was bleibel aber,
Stiften die Dichter.
“Tuy nhiên cái lưu tồn thường tại,
người thi sĩ dẫn khởi nó về trong lập định.”
Như thế là cách điệu Thi ca, Hoelderlin và Tính thể Thi ca. Đặt lời đó vào trong cách điệu Thi ca, vì đã bao lâu rồi, cái đó, cái gì đó (Was) cái bản lai thường tại, cái lưu tồn thường tại (bleibel), được triết học khoác cho một vòng hoa lộng lẫy đặt tên Đồng nhất tính, rồi bị đuổi đi, đuổi ra khỏi Quê hương trì ngự của Hằng thể; đi để làm kẻ thù, cho Lý tính mở những trận chiến Lịch sử bắt trở về làm nô lệ, và phải trả lời cho câu hỏi: Cái đó là gì? Was ist Das? Cái đó là tất cả cái có đó: Ce n’est pas identique, c’est la même chose. Đồng nhất vì là đồng loại và đồng loạt. Cho nên, bom đạn không trút xuống đầu một ai hay một cái gì, mà trút xuống mục tiêu. Mục tiêu là mục tiêu, không là Một hay là Hai. Sau trận bom từ trên vòm trời Lý tính dội xuống, sau sự sụp đổ của Một, Hai, Ba… Cái Gì Đó, sau cơn mưa lũ đó, cánh bướm lững thững bay lên, trong tiếng thì thầm Nhưng mà… Nhưng mà… aber… aber…
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Mộng ban đầu còn đó hay không còn đó; mộng ban đầu giữa vùng Sương bình nguyên Sơ nguyên; mộng ban đầu dưới vầng Trăng Châu thổ Nguyên màu: Ni cô Phùng Khánh Nguyên màu Sơ nguyên Đất trích đi vào Nguyên sơ: Cái thường tại tuy nhiên, người thi sĩ thiết lập: Was bleitet aber, stiften die Dichter. Tuy nhiên và thiết lập; thường tại và các Thi sĩ; Cái Đó vẫn là cách điệu nguyên sơ đó. Từ đó dấy lên những tương ứng, tương ngộ.
Lời Cố Quận, bản Việt của Bùi Giáng về tập giảng giải thơ Hoelderlin của Heidegger, được mở đầu bằng “Xuân Việt Nam đọc sách”, với những lời này:
“Bài giảng về thi phẩm Quy hồi Cố quận (Heimkunft) là vào năm 1943. Trước đó một năm, hay là chính vào năm đó, ở Việt nam có thằng thiếu niên Việt gặp được một vần lục bát in rơi rớt trên một tờ báo bạn đường: ‘Tâm tình một nẻo Quê Chung. Người về Cố quận muôn trùng ta đi’. Hình như man mác trong không gian, thường có những niềm tương ngộ.”
Những niềm tương ngộ, những cuộc trùng phùng, rằng từ ngẫu nhĩ…; nói khác đi, đó là những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội thoại. Tất cả những gì được bộc bạch trong cuộc Hội thoại, phải là những cái tâm phúc tương cờ, tương nhượng… Vì chính ở chỗ đó, Tính thể của ngôn ngữ tự hiển hiện: “Als Gespraech nur ist Sprache wesentlich: chỉ duy bằng hội ngữ hiệp ngôn, mà ngôn ngữ lịch hiện là ngôn ngữ tính thể” (Lời Cố Quận). Ngôn ngữ của Thi ca đi về trong Hội thoại; và trên đường về của nó, chúng ta có thể ghi lại mấy cách điệu sau đây. Trước hết là cách điệu của Thiên nhiên Phơi mở:
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
Cũng có thể nói đó là cách điệu của chàng Kim khi ‘được lời như cởi tấm lòng’. Cởi tấm lòng Riêng của mình lúc mà tấm lòng Chung đã mở. Chung và Riêng cùng gắn bó giao thoa trong tương ứng để cùng đi về trong cách điệu của Lịch sử:
Tay cầm cung bực xô ngang
Nửa chừng dâu biển lấp ngàn ước mong
Đó há không phải là cách điệu của chàng Kim khi ‘xắn tay bẻ khóa động đào’? Bấy giờ mới đến lúc khai diễn một trường Hội thoại. Hội ngộ đưa đường dẫn lối tới Hội thoại. Đường tới và đường lui, đi và về trên một nẻo Quê Chung, Hội thoại suốt canh dài trên bóng đèn mờ tỏ của Hằng thể, trong cơn gió rì rào từ ngoài kia và qua đó, dồn tụ về đó:
Gió lay lất bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
Tại sao lại phủi với hai tay, và nhất là phủi với hai tay?
Chúng ta thử tự tiện đổi đi một lời, sẽ tưởng tượng ra được một cuộc Hội thoại khác, trong cách điệu khác:
Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ (TS.)
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay (BG.)
Gió cuốn bụi thu mờ bay tới, và hai tay phủi bụi thu mờ; chính là niềm tương ứng, tương ngộ song trùng. Chính là lúc chàng Kim với:
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Không thấy gì hết vì thấy cỏ xanh rì và nước trong vắt. Nhưng, cỏ xanh rì và nước trong vắt vì là không thấy gì hết. Thế là thấy cái gì? Và không thấy cái gì? Hằng thể Tịch nhiên đang trì ngự ở đó. Từ chỗ đó, Thơ từ nơi tương ứng mà bước tới song trùng. Vậy, tương ứng như thế nào? Thì chúng ta cũng cứ tạm thời ghi lại đây một vài cuộc tương ứng.
Thứ nhất, tương ứng trong Lịch sử. Cuộc tương ứng này chuẩn bị cho chúng ta một bước nhảy để đi vào Hội thoại trong cõi Thơ.
Đoạn chót trong Lời dẫn cho Con đường điền dã, bản dịch Việt về Der Feldweg của Heidegger, in trong Sương Tỳ hải, ông Giáng viết như thế này: “Lẽ thanh khí, lẽ thần giao cách cảm, lẽ tương ứng Synousia, người xưa đã từng đạt tới sâu thẳm vô cùng. Vậy ta xin làm bài thơ chút ít đem gắn vào chỗ đó.” Và bài thơ, được trích hết từ đầu đến cuối ở đây:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Ta về ngóng lại mưa sa
Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào
Chiên đàn đốt tặng chiêm bao
Diệu hoa lầu các đêm nào hóa sinh
Đài xiêu nhụy rớt bên mình
Sầu Thoan Nghê dậy bên mành đăm chiêu
Tỉnh oa khúc sĩ xế chiều
Bình minh phát tiết sương kiều lê pha
Rừng Ong gấu quẩn quanh nhà
Càng nghe thấy cỗng giang hà cửa truông
Sương tỳ hải dội lên nguồn
Ngàn xưa ôi lệ ngóng Nuồng Mô Din.
Những lời thơ như thế cũng có thể được coi là những lời từ giã, khi các thiên thần sắp biến mất khỏi Lịch sử, Con người Tại thể bỗng thấy mình lạc lối đi tìm lại nguồn suối Mnémosyne, vì đã lạc lối trong nỗi niềm Lãng quên Hằng thể. Nhưng trong giông tố kỳ cùng của Lịch sử, khi mà ‘Đường đi xuống khung trời sương lỗ đổ’, có con Thoan Nghê nằm tư lự bên mành viễn mộng. Những triết gia của lịch sử hóa thân làm con ếch ngồi đáy giếng để ngân lên ngôn ngữ của Lý tính trong buổi hoàng hôn của triết lý, để cho lịch sử trở thành thảm họa vây quanh.
Mnémosyne, Nữ thần của Hoài vọng, hay Thánh mẫu của Nàng thơ, đã mất hút cho Tại thể Con người đăm chiêu trong nỗi niềm Lãng quên Hằng thể: ‘O weh Mnémosyne! Wie soll ich sagen? Der Wind springt herum!’ (ibid.). Đó là tiếng vọng bên dòng lịch sử, khi Nữ thần của Tư tưởng và Thánh mẫu của Thi ca đã cất cánh tung bay theo ngọn gió. Lịch sử đẩy thế giới đi như cánh bèo trôi nổi: ‘Thiên địa phiêu chu phù tợ diệp, văn chương tàn tức nhược như ty’: Thiên tài Tố Như đã mở ra một cuộc Hội thoại cho những Homère, Empédocle, Hoelderlin, Nerval, Vương Bột, về thiên thu trong cuộc Hội ngộ, cuộc tao phùng, cuộc tương ứng, bên hồng quần quốc sắc Việt Nam: “Suốt trăm năm trong cõi người ta, Thanh Hiên Hiệp Lộ chỉ suy gẫm một điều: làm sao biến lịch sử làm Sử Lịch, dìu dắt Sử Lịch vào Sử Xanh bằng con đường của lục bát ca dao bảy chữ là ba của Logos uyên nguyên còn truyền là tiếng gọi trên con đường Cõi Đạo sơ khai trên ngã ba tam giáo.” (ibid.)
Vậy, đường đi vào Thơ, đi từ tương ứng Synousia, đi thẳng vào Ngôi nhà Hằng thể và ở đó đang có thịnh triệu của Nguyên ngôn Logos. Đó là đi ngược, đi trong cách điệu trang trọng của Tư tưởng. Nhưng cũng có thể đi xuôi, theo cách điệu phiêu bồng của Thi ca: “Tiếng gọi vèo bay trên dâu biển, nắm biên cương làm nên biên thùy kết tụ, thiết lập ngôi nhà tồn lưu bên nhịp cầu sa mạc đang ngồi nhậu la de.” (ibid.)
Từ tương ứng trong Lịch sử khai diễn một cuộc tương ứng khác, và khá hào hứng. Tố Như Tử như là mái nhà của Hội thoại Đông Tây, Thi ca và Tư tưởng cùng gặp gỡ dưới mái nhà của Hằng thể. Cho nên, người ta không lấy làm lạ khi Parménide nơi cõi trời Tây của Hy Lạp, đã chống gậy, đi về Hồng sơn Liệp hộ. Ông nương theo cánh bằng tiện gió của Tố Như Tử mà đi.
Trong lịch sử Tư tưởng triết học Tây phương, Parménide đầu tiên đã chỉ ra con đường tư duy về Hằng thể: Ce qui à dire et à penser se donne est nécessairement: son être est d’être. Đó là một mệnh đề, mệnh đề nằm trong nếp gấp ẩn ngữ. Nhưng kể từ khi Platon đặt ra cuộc Đối thoại giữa Parménide và Socrates, Hằng thể trở thành một khối Vô hạn và Vô tận lầm lỳ bất động, và bị đặt dưới sự giám thị khắc khe của Lý tính, Nguyên lý Lý tính (Principe de la Raison). Thay vì Hằng thể trì ngự phơi mở, Lý tính đã đẩy Nó đi vào phiêu lưu lịch sử bằng Biện chứng pháp (Dialectique). Hegel khép chặt Hằng thể trong vận hành của Biện chứng để phục vụ cho lý tưởng thống nhất cộng hòa Âu châu. Thế thì, một cách nào đó, triết học Tây phương đã nhân danh Parménide để đày đọa Hoelderlin, cũng như Gia Long đã nhân danh Khổng Tử, dưới bóng cờ của Hình nhi hạ Khổng, để đày đọa Tố Như Tử. Trong không gian, chừng như man mác có sự tương ứng của những thảm kịch khốn cùng của lịch sử. Parménide ngõ lời với Tố Như: “Làn ánh sáng Như Lai đã ngậm ngùi về trên Việt Nam vô song từ đó… Vì Việt Nam là cái chốn, cái nơi của mọi cuộc tương xứng lịch sử cõi trần trên mép bờ của Hình nhi hạ Khổng.” (Trăng châu thổ). Cuộc Hội thoại đó là những lời ngậm ngùi như thế, của những Cô thần nơi đất trích của Lịch sử. Đây là lời của Tố Như nói với Parménide: “… do đó, bên xứ láng giềng, Hoelderlin vẫn luống công kêu gọi, và Hegel vẫn mặc nhiên lầm lỳ lung trạo sử lịch Tây phương một thời gian dài dậm duộc, cho tới ngày nay thì con cháu Hegel nảy nở tùm lum thiên hình vạn trạng ở tại sơn hà Việt Nam.” (ibid.)
Sau cùng của cuộc Hội thoại lịch sử hy hữu này, Parménide đọc bài thơ của Nerval để tặng Tố Như:
Và ta đã hai lần hai lượt thắng
Vượt giòng trôi tại địa phủ hoàng tuyền
Vì hai bận trên thất huyền Orphée
Gieo trùng điệu Thánh nữ với Nàng tiên
Vì nhị bội chuyển cung cầm thúy lệ
Giọng Tiên nương thét Nữ thánh than phiền
Et j’ai deux fois vainqueur traversé l’Archéron
Modulant tour à tour sur la lyre d’Orphée
Les soupirs de la Sainte et les cris de la Fée
Tiên nương thét và Nữ thánh than phiền, đó là tiếng thét và lời than của Thi ca và Tư tưởng, giữa một sa mạc đang lớn dần suốt cõi Đông Tây.
Nguyệt tuyệt đao của Nietzche đã được vung lên để chận lại sa mạc đang lớn dần. Ẩn ngữ của Parménide cũng đã được tái lập cho Mái nhà của Hằng thể. Và như thế: “Heidegger giúp chúng ta đọc lại Khổng Tử trong vùng lập ngôn sương bóng lãng đãng rất mực vô ngần…” (Sương bình nguyên). Mái nhà Hằng thể được dựng lên nơi Hồng sơn Liệp hộ; chỗ đó, là nơi hội tụ của Như Lai Tu-bồ-đề, của Long Thọ và Nam Hải Điếu Đồ, của Hoelderlin, Nerval, Shakespear, Huệ Thi, Công Tôn Long… vậy thì, đây há không phải là cuộc tương ứng trên Đất Trích, nơi tụ hội của thảm kịch lịch sử?
Tiếng đàn lịch sử vấn vương
Mười cung bạc mệnh lên đường lưu ly
“Tuy nhiên, trong tĩnh dạ thâm canh còn cái gì đương kết tụ. Niềm hoài vọng theo dõi mãi trên ‘dặm khuya ngất tạnh mù khơi’.” (Sương tỳ hải)
Tương ứng của Lịch sử đã giẫm chân chúng ta đi về nơi tương ứng của Đất Trích. Thi ca từ đó có thể đôi lần thay đổi cách điệu lập ngôn:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Xin chào giữa bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn
Thử xem cách điệu lập ngôn có thay đổi như thế nào:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Ta về ngóng lại mưa sa
Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào
Những thay đổi khác cũng có thể được khơi diễn, cho các mệnh đề chính và mệnh đề phụ gắn bó nhau dẫn tới chỗ lập ngôn của song trùng nhị bội, như là những nếp gấp trong ẩn ngữ của Lịch sử hay Sử lịch.
Lỡ từ lạc bước bước ra
Mấy lòng hạ tứ màu hoa trên ngàn
Đó là Parménide làm thơ lục bát để tặng cho Tố Như Tử; lập ngôn trên bước ra đi của Nàng Kiều, và có thể dẫn tới đoạn đường khép kín trong thời đại của Brigitte Bardo, Marilyn Monroe… vì là Lịch sử tụ hội giữa Hồng quân với khách Hồng quần…
Qua những lời chào giã biệt để lưu ly, lời thơ là Lời Cố Quận gieo về trong rừng núi A ly by tê, đồng vọng những âm vang kỳ dị của Hằng thể:
Thiên thần hằng vi tiếu
Tạo hóa có buồn không
Vân lý tự nhiên thanh cách thiểu
Đản bằng trì ngự sứ quân thông
A mẫu diên đầu tranh nhứt trích
Túy trung thâu khước tiểu bồng sơn
Tham tha nhứt khấu long đàm mạt
Uổng khuếch phiêu bồng bát nhã môn
Kim cương từ điệu lưu tồn
Dzuồng ơn ghếch tỏng đót sồn phai eo…
(Jung an Gestalt, doch stark, feiert es
Hebenden Streit unter den Felsen…)
Điệu lập ngôn trên diễn ra trên gặp gỡ ly kỳ của tất cả mọi cõi miền của ngôn ngữ. Chúng tụ hội, và kết dệt thành một Hình bóng thanh xuân, hùng dũng. Jung an Gestalt, doch stark…? Và Bóng dáng thanh kỳ tú lệ nhưng kiêu hùng ấy là một cuộc gắn bó, gùn ghè, nó đón mừng cuộc tranh hùng thân thiết… feiert es Hebenden Streit…? Như thế há không là một cuộc tao ngộ tình cờ, rằng từ ngẫu nhĩ, giữa những nham thạch cù cưa, unter den Felsen?
Trong khóe mắt em ngậm ngùi ngày đó
Lúc dung nhan về đối diện trăng tà
Màu nước chảy vô ngần khôn giải tỏ
Gió biên thùy về bích ngạn chiêu hoa
Bởi vì cách điệu của thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du. Có thể nói đó là ẩn ngữ song trùng của Thi ca. Với cách điệu song trùng đó, cho nên khi Thi ca trở gót về trong ngày tháng ngao du, trời đất bỗng dậy lên những niềm tư lự, ưu tư. Nhưng khi Thi ca đi vòng trong không gian quỹ đạo của tuế nguyệt xoay vần, vòng quỹ đạo chật hẹp vỡ tung ra cho một cõi trời lồng lộng. Đi và về, lênh đênh trong thảm họa mà vẫn như là tới và lui trong phong vận hài hòa:
Trên vòm thời đại đi quanh
Rách quần quỹ đạo tan vành nguyệt hoa
Em về bủa rộng bao la
Buồn sông bóng mạ đan sa đến điều
Phong vận đó, một lúc nào đó, trở nên dồn dập, vì Lời với Lời quấn quít nhau, Tình tự nằm ngay trong Tình tự, cái Phơi mở hiện hình trong sự Phơi mở…; hoàn toàn là cách điệu song trùng của Thi ca:
Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ từ châu quận tân toan
Từ xứ sở đắng cay thu dầu chết
Bước dã man sầu xé lá gieo vàng
Lá sẽ đỏ từ da vàng mũi tẹt
Môi là mềm từ mọng miệng cong côi
Từ bờ cõi chia xương chua là ngọt
Trút lang thang từ nát mộng lên trời
Cách điệu tương ứng song trùng, như là ba cõi miền riêng biệt của ngôn ngữ trong trình tự lập ngôn cho Thi ca. Nhưng cả ba cùng đi và về trong và trên cái Một; là cái Một của Hội thoại. Trong Một Hội thoại, Thi ca sẽ dư sức đánh gục ngã mọi công trình to lớn của triết học, dựng trên cái Một Lý tính, cái Một của Đồng nhất tính. Một Lý tính đẩy Lịch sử xuống giếng khơi; tỉnh oa khúc sĩ; chúng ta sẽ như con ếch ngồi đáy giếng trông lên vòm trời, nhưng không đủ sức làm rách quần của quỹ đạo vòm trời đó. Rách quần quỹ đạo, cho nên Một đích thị là cái Như. Thi ca tái dựng lập ngôn trong Như Lai Tu Bồ Đề, cho nên mới có Duy Ma Cật nương uy lực của Thần thông du hí tam muội, rong chơi trong cõi bờ Vô tận của Hoa Nghiêm. Thi ca đã đi bằng những ‘bước dã man sầu xé lá gieo vàng’. Bước đi tái dựng của Thi ca được thực hiện trong cách điệu song trùng như thế này:
Was bleitet aber, stiften die Dichter: Tuy nhiên cái lưu tồn thường tại, người thi sĩ dẫn khởi nó về trong lập định. Diễn dịch ra theo thể lệ lục bát của Hồng sơn Liệp hộ: Ngõ ban sơ hạnh ngân dài, Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua. Với lời nói ấy, luồng ánh sáng đi về trong câu hỏi của chúng ta về Tinh thể Thi ca. Thi ca là lập định. Dựng thơ là Thiết lập qua Lời và trong Lời (Dichtung ist Stiftung durch das Wort und im Wort). Dựng thơ từ cỗi nguồn, là ngân dài từ ban sơ ngõ hạnh (theo thể lệ Cửa Trời mở rộng đường mây, hoa chào Ngõ Hạnh…). Dựng qua lời là điệu tài tử qua và trong lời còn vọng. Và cổng xô là cuộc tiến nhập (einruecken, Einrueckung) dị thường của một lần Tại Thể bước vào Vạn Hữu trong Tâm nguyện chon von.” (Lời cố quận)
Gọi đó là cách điệu song trùng, vì Thi ca đã tự giải thích lấy nó, tự thực hiện sự phơi mở cho nó. Thì chính Thi ca từ cái Một và cái Như mà tái dựng cái Một và cái Như cho một cuộc Hội thoại của Tại thể chúng ta xuất hiện trong Tồn sinh và Lịch sử. Trong sự hiện thể của Tại thể chúng ta giữa Tồn sinh và Lịch sử, cách điệu tương ứng song trùng nào đã làm ngân vang bất tận câu hỏi này: Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?
Cuối bài báo này, tôi xin được phép có thêm vài lời phụ chú sau đây.
Có thể độc giả thấy rõ tôi viết về thơ của Bùi Giáng trong cách điệu Riêng nào đó; hoặc tôi chỉ viết về Thi ca theo cách điệu Chung. Nhưng cả hai, đến đây không thành vấn đề nữa. Thi ca và Tư tưởng, luôn luôn là những tương ứng của Chung và Riêng.
Hoặc giả, có thể tôi đang dọn con đường nào đó cho các câu hỏi: Làm sao chúng ta bước tới gần một nhà thơ? Hay, Thi ca là tiếng nói gì, nói lên từ tâm nguyện gì, của Tại thể chúng ta trong cuộc Tồn sinh đầy hiểm họa?
Có thể không có vấn đề nào như thế hết. Nhưng chắc chắn, điều khó mà chối cãi cho trôi, là độc giả hẳn đã thấy bài báo đi vòng quanh những nỗ lực cho một cuộc Hội thoại. Thời đại chúng ta đang khao khát một cuộc Hội thoại như thế, trước những thảm họa lịch sử đang dày xéo khôn cùng ở đây. Nhưng cõi Tư tưởng đã bị khống chế bởi những tri thức cuồng dại; thảm họa đen tối của nó không còn là một viễn tượng xa xôi, mà đã trở thành những hiện tượng, những quái tượng. Trong khi đó, Thi ca cũng đang bị dồn vào những cuộc đầu cơ lịch sử. Cảnh tượng như thế, chúng ta chịu khó mở mắt mà nhìn là thấy. Cho nên, thay vì nói đủ thứ chuyện, ở đây chúng ta có thể mượn một kết luận như thế này (M. Heidegger, Wozu Dichter): “Trong thời đại của đêm tối cõi đời, cái vực sâu không đáy kia của cõi đời phải được thể nghiệm và được kiệt tận miên bạc bình sinh. Mà muốn vậy, thì điều cần thiết là phải có vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của cái đáy vực sâu không đáy.”
[Bài đăng Giai phẩm Văn, số 5/ 1973. Trích Tuệ Sỹ, Văn Tuyển, Hạnh Viên sưu tuyển. Hương Tích Phật Việt xuất bản, 2015]