Wednesday, March 25, 2020

CÔNG THỨC VIẾT DẤU HỎI DẤU NGÃ


Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam 

CÔNG THỨC VIẾT DẤU HỎI DẤU NGÃ

1. DÙNG TỪ LÁY THEO QUI ƯỚC:

– Dấu Hỏi đi với Sắc và Ngang.
– Dấu Ngã đi với Huyền và Nặng.

HỎI + SẮC:

– Gởi gắm, thổn thức, rải rác, khoảnh khắc, rẻ rúng, tử tế, cảnh cáo, sửng sốt, hảo hán, phản phúc, phản kháng, rửa ráy, quả quyết, khủng khiếp, khỏe khoắn, nhảm nhí, lở loét, lảnh lót, bảo bối, thưởng thức, thẳng thắn, thảng thốt, hiển hách, nhỏ nhắn, chải chuốt, rả rích, phảng phất, lả lướt, bổ báng, sản xuất.

– Mát mẻ , sắc sảo , mắng mỏ , vất vả , hối hả , hớn hở , xối xả , bóng bẩy , nóng nảy , sắp sửa , sắm sửa , hớt hải , lấp lửng , khúc khuỷu , tá lả , rác rưởi , trống trải , cứng cỏi , sáng sủa , sến sẩm , xấp xỉ , lém lỉnh , láu lỉnh , ngắn ngủi , chống chỏi , hốt hoảng , rắn rỏi , tức tưởi , chúi nhủi , nhắc nhở , nức nở , sấn sổ , ngất ngưởng , thắc thỏm , thấp thỏm , trắc trở , tráo trở , béo bở , ngái ngủ , gắt gỏng , kém cỏi , khấp khểnh , cáu kỉnh , kháu khỉnh , thất thểu , khốn khổ , tán tỉnh , ngúng nguẩy .

HỎI + NGANG :

– Nhỏ nhen , nhởn nhơ , ngẩn ngơ , vẩn vơ , lẳng lơ , lẻ loi , hỏi han , nở nang , nể nang , ngổn ngang , dở dang , giỏi giang , sửa sang , thở than , mỏng manh , chỉn chu , dửng dưng , trả treo , tả tơi , bỏ bê , mải mê , chở che , bảnh bao , hẩm hiu , phẳng phiu , khẳng khiu , rủi ro , mỉa mai , trẻ trung , nghỉ ngơi , ngủ nghê , tỉ tê , xỏ xiên , ngả nghiêng , đảo điên , hiển nhiên , lẻ loi , thảnh thơi , sản sinh .

– Dư dả , chăm chỉ , năn nỉ , thư thả , thon thả , thoang thoảng , trong trẻo , trăn trở , vui vẻ , thơ thẩn , thanh thản , mơn mởn , xăm xỉa , lêu lổng , hư hỏng , căng thẳng , dai dẳng , xây xẩm , san sẻ , xoay sở , hăm hở , xa xỉ , ngoe nguẩy , phe phẩy , đông đủ , tanh tưởi , chưng hửng , tiu nghỉu , sang sảng , nham nhở , chao đảo , gây gổ , sơ hở , cơ sở , tin tưởng , năng nổ , cưa cẩm , thăm thẳm , đưa đẩy , tưng tửng , say xỉn

NGÃ + HUYỀN :

– Bẽ bàng , vẫy vùng , nõn nà , vững vàng , đẫy đà , phũ phàng , bão bùng , sỗ sàng , vỗ về , rõ ràng , vẽ vời , sững sờ , ngỡ ngàng , hỗn hào , hãi hùng , sẵn sàng , kỹ càng , não nề , khẽ khàng , mỡ màng , lỡ làng .
Gần gũi , liều lĩnh , lầm lỗi , gìn giữ , buồn bã , tầm tã , suồng sã , rầu rĩ , thờ thẫn , hờ hững , sàm sỡ , xoàng xĩnh , phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi , nghề ngỗng , lừng lẫy , ruồng rẫy , lờ lững , đằng đẵng , mò mẫm , lầm lũi , nhàn nhã, bằng hữu.

NGÃ + NẶNG :

– Lãng mạn , lũ lụt , hãm hại , nhẫn nhịn , lễ lộc , lỗi lạc , rũ rượi , lưỡng lự , chễm chệ , nhã nhặn , mẫu mực , chững chạc , dõng dạc , dữ dội , cãi cọ , nhão nhoẹt , kẽo kẹt , kĩu kịt , nhễ nhại , rõ rệt , lẫn lộn

– Gọn ghẽ , ngạo nghễ , vạm vỡ , lặng lẽ , lạnh lẽo , bạc bẽo , sặc sỡ , rực rỡ , rộn rã , vội vã , nghiệt ngã , hậu hĩ , hậu hĩnh , ngộ nghĩnh , gạt gẫm , hụt hẫng , dựa dẫm , nhẹ nhõm , bập bõm , chập chững , mạnh mẽ , chặt chẽ , sạch sẽ , ngặt nghẽo , khập khiễng , đục đẽo , ruộng rẫy , giặc giã , giặt giũ , giận dỗi , bụ bẫm , dạy dỗ , gặp gỡ , dụ dỗ , lạ lẫm , rộng rãi , tục tĩu , nhục nhã , dạn dĩ , rạng rỡ , rệu rã .

* TỪ KÉP LÀ TỪ THƯỜNG ĐI MỘT CẶP DẤU HỎI HOẶC NGÃ .

– Lã chã , bỗ bã , bẽn lẽn , bỡ ngỡ , mỹ mãn , dễ dãi , cũn cỡn , lững thững , ngẫm nghĩ , lỗ lã , lẽo đẽo , nhõng nhẽo , mũm mĩm , mẫu mã , vĩnh viễn , nhễu nhão .

– Thỏ thẻ , đỏng đảnh , lẻ tẻ , của cải , lẩm bẩm , lẩm cẩm , lảm nhảm , hể hả , kể lể , nhỏng nhảnh , lủng củng , thỉnh thoảng , lảo đảo , tỉ mỉ , thủ thỉ , lảng vảng , rủng rỉnh , loảng xoảng , hổn hển , lủng lẳng , lỏng lẻo , lải nhải , tủm tỉm , bủn rủn , xởi lởi , tẩn mẩn , lẩn quẩn , thỏn mỏn , chỏn lỏn , giả lả , bải hoải , bổi hổi , lẩn thẩn , lởm chởm , rỉ rả , thủng thẳng , bỏm bẻm , nhỏm nhẻm , xiểng niểng , lẩy bẩy

2 . TỪ NGUYÊN ÂM : DẤU HỎI

Ủa , ổi , ổng , ẩu , ủng , ỷ , ổn , ửng , ổ , ủy , ỏn ẻn , ong ỏng , im ỉm , âm ỉ , ấp ủ , ảo ảnh , ăn ở , êm ả , oi ả , yên ả , óng ả , ẩn ý , an ủi , ỉ ôi , ẩm ướt , ủ ê , uể oải , ít ỏi , ủn ỉn , oan uổng , ăng ẳng , ư ử , oẳn tù tì , ẻo lả , ủ rũ , yểu điệu , ỉu xìu , ảm đạm , uyển chuyển , quan ải , oản xôi , yểm trợ ( trừ : ễnh , ưỡn , ẵm , ỡm )

3 . TỪ HÁN VIỆT BẮT ĐẦU LÀ M , N , NH , L , V , D , NG THÌ DẤU NGÃ , CÁC CHỮ KHÁC DẤU HỎI .

Ghi nhớ 7 chữ này bằng câu “ Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã “
– M : Mỹ nhân , Mẫu giáo , Mã đáo , Mãn nguyện , Mãng xà , Mãnh lực , Mẫn cán , Miễn nhiệm , Mão mũ
– N : Não bộ , Nữ nhi , Noãn hoa , Nỗ lực , Nã ( truy nã )
– NH : Nhẫn tâm , Nhãn tiền , Nhiễu loạn , Nhũ mẫu , Nhã nhạc , Nhã nhặn , Nhuyễn thể , Nhĩ ( mộc nhĩ ) , Nhưỡng ( thổ nhưỡng)
– L : Lão gia , Lễ nghi , Lĩnh hội , Lỗi lạc , Lữ khách , Lãng tử , Lưỡng tính , Lãnh địa , Luỹ thành , Lãm nguyệt , Lẫm liệt
– V : Vãn hồi , Viễn xứ , Vĩ đại , Võ sư , Vũ trang , Vĩnh hằng , Vững chãi
– D : Diễm phúc , Dũng khí , Dưỡng dục , Dĩ nhiên , Dõng dạc , Diễu hành , Dã ngoại , Dã tâm , Diễn thuyết
– NG : Nghĩa hiệp , Ngũ cốc , Ngữ hệ , Ngẫu nhiên , Nghiễm nhiên , Ngưỡng mộ , Ngã ( bản ngã )

4 . HỌ VÀ TRẠNG TỪ : DẤU NGÃ

– Họ Nguyễn , Võ , Vũ , Đỗ , Doãn , Lữ , Lã , Mã , Liễu , Nhữ
– Cũng , vẫn , sẽ , mãi , đã , những , hỡi , hễ , lẽ ra , mỗi , nữa , dẫu …

5 . DÙNG DẤU BẰNG CÁCH SUY LUẬN THEO NGHĨA . Ví dụ :

NỔI – NỖI :

– Chỉ sự trổi lên hơn mức bình thường thì dấu hỏi ( nổi trội , nổi bật , nổi danh , nổi tiếng , nổi mụn , nổi gân , nổi điên , nổi giận , nổi xung , nổi hứng , nổi sóng , nổi bọt , nổi dậy , chợ nổi , nông nổi , làm nổi , trôi nổi , hết nói nổi , chịu hết nổi , gánh không nổi )

– Cái nào mang tính biểu cảm thì dấu ngã ( khổ nỗi , đến nỗi nào , làm gì nên nỗi , nỗi lòng , nỗi niềm , nỗi ước ao , nỗi nhục , nỗi oan , nỗi hận , nỗi nhớ )

NGHỈ – NGHĨ :

– Liên quan đến sự dừng lại một hoạt động thì dấu hỏi ( nghỉ ngơi , nghỉ học , nghỉ việc , nghỉ hè , nghỉ lễ , nghỉ mệt , nghỉ dưỡng , nghỉ chơi , nghỉ mát , nghỉ thở , nghiêm nghỉ , nhà nghỉ , an nghỉ )

– Thể hiện cảm xúc suy nghĩ thì dấu ngã ( nghĩ ngợi , suy nghĩ , ngẫm nghĩ , nghĩ cách , thầm nghĩ , nghĩ quẫn , nghĩ bậy , cạn nghĩ )

MẢNH – MÃNH :

– Cái nào gợi hình dáng thì dấu hỏi ( mảnh trăng , mảnh ruộng , mảnh vườn , mảnh đất , mảnh xương , mảnh sành , mảnh vỡ , mảnh khảnh , mảnh mai , mảnh khăn , mảnh áo , mảnh vá , mảnh tình , mỏng mảnh )

Thể hiện tính chất thì dấu ngã ( dũng mãnh , mãnh liệt , ranh mãnh , ma mãnh , mãnh hổ , mãnh thú , mãnh lực ..)

KỶ – KỸ :

– Gắn với bản thân con người thì dấu hỏi ( kỷ vật , kỷ niệm , kỷ luật , kỷ lục , kỷ yếu , ích kỷ , tự kỷ , vị kỷ , tri kỷ , thế kỷ , thập kỷ )

– Gắn với kỹ thuật , trình độ thao tác thì dấu ngã ( Kỹ nghệ , kỹ năng , kỹ xảo , kỹ thuật , kỹ sư , kỹ nữ , kỹ lưỡng , kỹ càng , kỹ tính , nghĩ kỹ , giấu kỹ , tuyệt kỹ )

CHÚ Ý :

Qui ước cơ bản chứ không tuyệt đối , vẫn có một số từ ngoại lệ không theo qui ước trên như :

HỎI + NẶNG : – Hủ tục, hủ bại.

chữ “nữa” viết dấu ngã trong đa số trường hợp, chỉ khi nói về số lượng chia hai như ” phân nửa”, “một nửa”, thì viết dấu hỏi.
Bài viết có thể hữu ích (有益) cho những ai thường phạm lỗi chính tả “hỏi ngã”. Tuy nhiên, phải nên nói rõ hơn là luật “trắc, bằng” thường đi kèm theo với dấu “hỏi” và “nặng huyền” thì thường đi kèm với dấu “ngã” thì chỉ nên áp dụng với chữ kép “thuần” Việt mà thôi. Còn nếu là những từ kép Hán Việt thì “quy luật” đó không có được hiệu nghiệm cho lắm. Tôi xin cho thí dụ:
Ví dụ như chữ “sản xuất” (產出) ở trên là tiếng Hán Việt và “tình cờ” nó đi theo cái luật “bằng, trắc”. Tuy nhiên, nếu là “cộng sản” (共產) hay “tài sản” (財產) thì nó lại không có hợp với luật “huyền nặng”!

Lý do là vì chữ Hán Việt không hề thay đổi từ “hỏi” sang “ngã” hay ngược lại, khi cái chữ đó đi kẹp với những chữ có những dấu khác nhau.

Một khi chữ “sản” đã được viết với dấu “hỏi” rồi thì cho dù nó có đi kẹp với dấu gì đi nữa thì nó vẫn phải viết với dấu hỏi mà thôi.

Giống như chữ “phản ứng” (反應) thì là đúng với quy luật, dấu “hỏi” đi kèm với dấu “sắc”, nhưng “phản hồi” (反囘) thì không theo quy luật vì viết với dấu hỏi, nhưng lại đi kèm theo với dấu “huyền” !

Sài Gòn, 11.2019
Bài sưu tầm

Vĩnh Hảo: Khép Lại Những Con Đường

Khép Lại Những Con Đường

Vĩnh Hảo


Người ta nói, đại dịch đã đến rồi. Các công sở sẽ đóng cửa. Các con đường sẽ đóng bớt lại. Nhà hàng, rạp hát, những nơi vui chơi giải trí… tất cả đều phải đóng. Mỗi người hãy tự cách ly, đừng lang thang bên ngoài nữa. Một sẽ hại tất cả, và tất cả chung quanh cũng sẽ hại cho một. Mỗi cá nhân đều có liên hệ hỗ tương với gia đình và xã hội; tuy ly cách nhưng thực ra không ai tách rời khỏi thế giới. Mỗi người hãy tự ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đời. Đừng ích kỷ, tham lam, chỉ biết có mình và người thân của mình. Tánh xấu của cá nhân luôn ảnh hưởng đến người khác, vật khác; trong trường hợp của đại dịch là vô tình/gián tiếp giết hại đồng loại, phá hoại môi trường. Hãy ngừng lại cái tâm bé xíu nhỏ mọn; và hãy mở lòng ra, biết yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương vật. Tự phòng vệ cũng chính là bảo vệ cho người khác. Ý tưởng này hẳn đã nghe quen trong Phật giáo: một là tất cả, tất cả là một[1]. Vậy thì, hãy dừng lại, dừng lại. Trở về với gia đình, trở về với tự thân. Đóng lại các căn trần. Khép lại những con đường…
Con đường đi quanh, hoa cỏ hồn nhiên mọc tràn lưng núi. Bướm cải du xuân vàng rợp đồng xanh. Chim trắng như bông, chao lượn góc trời. Dáng sắc lung linh trong nắng xế. Muôn màu vẽ nhòa trên tóc xưa. Dấu chân ai còn in lối về. Chiều tàn lưu luyến buổi bình minh. Buồn vui khép lại trong đôi mắt sâu. Ngày như đêm không còn thấy gì.
Con đường băng ngang bờ bãi quạnh. Nghe gió chuyển rung những tán lá. Sóng nước vỗ nhịp cho bản trường ca không biết bắt đầu tự khi nào. Tiếng ca cất lên nơi hoang dã, vượt khỏi những cung bậc, chạm đến tầng mây cho mưa rơi xuống. Tiếng mưa rào rào lúc ban đầu, rồi chầm chậm, tí tách… rồi lặng im. Cơn suy-thịnh buông theo lời ca, tiếng nói. Giọng ai bật cười lúc sáng tinh mơ. Từ nay khép lại đôi tai này. Không còn những thanh, âm. Không còn tiếng vô thanh.
Con đường phố thị ngào ngạt những hương thơm. Mùi thức ăn đánh thức cơn đói giữa chiều. Mùi xăng từ khói xe gợi nhớ những chuyến đi xa. Mùi vải mới gợi nhớ ngày xưa thơ ấu trong áo quần ngày đầu xuân. Mùi muôn hoa kết tụ trong tinh dầu, phảng phất trên những làn da. Mùi da thơm gợi nhớ những cuộc tình. Những cuộc tình đời này hay nhiều đời trước, vẫn còn vương hương. Ngồi lặng im, khép lại cánh mũi này, cho lắng hết dư hương. Dư hương lắng hết rồi mà bỗng liên tưởng một mùi hương chưa từng ngửi qua: hương thơm từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích[2].
Hương thơm cõi Chúng Hương thì không thể mường tượng ra nổi, nhưng từ bát cơm thơm mà vị “hóa bồ-tát” (3) đem về từ tay Phật Hương Tích, gợi lại một bát cơm trắng dẻo, thơm tho của cõi trần. Lưỡi này đã kinh qua bao vị mặn, ngọt, cay, chua, đắng, chát, mềm, giòn, khô, ướt… của hàng trăm món ăn phương đông, phương tây. Đạm bạc đơn giản cũng có, sơn hào hải vị cũng có. Ăn vì đói hay ăn cho ngon cũng đều đã nếm qua. Nhưng giá trị của mỹ vị thường khi chỉ được nhận chân với bụng rỗng. Miếng cơm trong tù. Miếng ăn của người đói. Nhu cầu lấp vào bao tử trống tạo nên ảo giác ngon cho vị giác. Vậy rồi, cũng chính từ nhu cầu và ảo giác ấy, người ta đã sáng tạo ra bao món ăn cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh tế, tuyệt hảo. Giờ này ngồi lại giữa phòng không, không nói không ăn, miệng hàm hoa, nhẹ thơm cam-lồ vị.
Thân đã rong chơi muôn dặm ngoài. Nóng, lạnh chiêu cảm hết những mùa qua. Ngõ hẹp gặp nhau ắt phải vầy oan trái. Từ thuở tóc xanh đã miên man dõi theo những bóng sắc. Ôm nhau cho trọn duyên tình gieo từ bao kiếp xa xôi không thể nhớ. Để rồi, giữa trời đất mênh mông, bỗng chốc muôn trùng xa hút bóng cố nhân. Tóc râm. Chùn gối. Thân hạc đứng lại bên sông xưa, ngắm tà huy rơi trên núi non điệp trùng.
Những con đường khép lại, nhưng tâm thức lại mở ra muôn hướng, với những chiều sâu thăm thẳm. Một đường mở ra muôn đường. Mỗi đường lại mở ra vô tận con đường… Hình sắc, âm thanh, hương vị và cảm giác xúc chạm trộn lẫn vào nhau, nhào nặn ra những ảnh tượng hữu lý và phi lý. Ngựa bay trên không. Chim bơi dưới nước. Không gì thật, mà cũng không gì không thật…
Ngồi im mà nhận ra ý thức đang chuyển động theo Tâm Kinh: không màu sắc, không âm thanh, không hương, không vị, không xúc… Không thấy cả người quan sát. Không nghe cả sự thinh lặng. Không ngửi cả cái không mùi. Không nếm cả cái không vị. Không xúc chạm cả cái không xúc chạm. Không khởi ý, cũng không khởi cái ý chấm dứt ý tưởng. Không gì ngăn ngại, không gì hãi sợ. Đoạn dứt các vọng duyên. Đoạn dứt người đoạn dứt. Tự tại vô ngại, đi đứng nằm ngồi mà bất động như như. Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
California, ngày 24 tháng 3 năm 2020
[1]  “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” bản dịch và chú giải của Tuệ Sỹ. Dịch phẩm này dựa trên bản Hán của Cưu Ma La Thập, đối chiếu bản Phạn và Tạng ngữ; cẩn thận đối chiếu luôn cả 2 bản Hán dịch khác của Chi Khiêm (Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh), và Huyền Trang (Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh). Bản của Cưu Ma La Thập dịch là “cõi Chúng Hương,” Huyền Trang dịch là “Phật-độ Nhất Thiết Diệu Hương;” Đức Phật Hương Tích thì Huyền Trang dịch là Đức Phật “Nhất Thiết Hương Đài.” Theo kinh văn, cách thế giới này vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa số cõi Phật, có một nước tên là Chúng hương, có Phật hiệu Hương Tích nay đang tại thế. Hương thơm của quốc độ này át hẳn mọi hương thơm của chư thiên trong các quốc độ khắp mười phương… Ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược và hoa viên khiến chúng tỏa mùi thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương.”
[2] “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” Phẩm 10, Phật Hương Tích, bản dịch của Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2008.

(3) “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” Phẩm 10, Phật Hương Tích, bản dịch của Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2008.

Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng"


Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng" 

Vĩnh Hảo, vốn dĩ là một nhà văn đa tài, từ cuối thập niên 1980's với những những tác phẩm mà chúng tôi ưa thích như: Thiên Thần Quét Lá (tập truyện), Núi Xanh Mây Hồng (truyện dài), Cởi Trói tập I & II (truyện dài), và Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt (tập truyện), v.v... Ngoài ra, ông là một nhà báo, nhà thơ và hơn hết là một hành giả Đạo Phật nghiêm túc, từ tốn và chuẩn mực. Chúng tôi may mắn được xem ông như là một pháp hữu thân tín. Những gì cần nói, ông nói; những gì cần làm ông làm; thậm chí những gì im lặng, ông lại im lặng cũng vì lợi ích chung và cho số đông. Ông vốn nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng nổi bật trong những gì ông để ý đến từ văn hoá, nghệ thuật, Phật giáo đến công cuộc hoằng pháp, và kể cả việc làm từ thiện ở miền sâu, miền xa tại Việt Nam.

Lần đầu khi tôi đọc tác phẩm Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt của ông, tôi đã quý mến ông. Và khi tôi bắt gặp những tuyển tập khác của Vĩnh Hảo, tôi càng thương cho người tu sỹ và Phật giáo Việt Nam nói riêng và cho Quê hương Việt Nam nói chung. Có người nói xã hội Việt Nam trước thời kỳ "Đổi mới, 1986" là thêm một vết đen trong lịch sử, nhưng âu đó cũng là hạt mầm cho những áng văn và thơ hay của Vĩnh Hảo. Trong nhà Phật, trong phiền não vốn đã có hạt giống Bồ Đề. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về dòng thơ của Vĩnh Hảo qua thời gian của một con người tầm thường, như bao người người Việt Nam khác để hiểu về lịch sử, con người và một kẻ “cùng tử lưu vong” xa quê hương, nhưng quan trọng hơn là một cái nhìn rất thoáng, một tư tưởng rất trong, và sự dấn thân vô giá của một hành giả Phật giáo trong suốt những thập niên qua.


 Vậy chúng ta hãy cùng tác giả thong dong trong bụi đường, quán trọ trần thế này nhé; hãy vừa đi, vừa thở, vừa cười và quán chiếu các bạn nhé.  Chúng tôi bắt đầu từ hai bài thơ không ghi thời gian, nhưng chúng tôi biết ở một giai đoạn tác giả còn trẻ, ở cái tuổi trưởng thành, 18. Một thời, ông cũng đã:

Bụi đường
(Một trong vài bài thơ của tuổi 18 còn nhớ được)

Mắt biếc như sao rung trời quạnh
Tóc huyền như suối động sông êm
Chuếnh choáng ta về cô phong đảnh
Bụi đường lãng đãng cuốn theo tim.

Quán trọ
Chiều ngang quán trọ mưa tầm tã
Bụi đường theo nước cuốn lao xao
Người xuôi kẻ ngược rộn trăm ngả...
Không xóa nổi bóng dáng kiều nga
Chiều bên nay mưa rơi lã chã
Mắt kiếng mờ nhớ một người xa
Tình yêu sao chia sầu đôi ngả
Ðể mưa về lạnh ướt hồn ta...

Chỉ 3 bài thơ đầu, chúng ta có thể hiểu rằng những cảm xúc, cảm thọ… cái nghèo khó, gian truân, hay thậm chí là sự tù đày, và nói rộng hơn là cuộc đời này, rồi cũng sẽ trôi qua… Ở Vĩnh Hảo, cũng vậy, nhưng tư tưởng và  hành động ở ông đều mang tinh thần nhập thể. Mọi sự rồi cũng trôi qua như nước qua cầu, nhưng ông nhẹ bước an lạc vào đời, ung dung thõng tay vào chợ, những con đường cát bụi, đầy chông gai, trắc trở, nhưng ông không từ nan mà bước vào để làm đời thêm đẹp, đạo thêm thơm.   

Vào đời và tu tập, ông lại nhận chân tất cả đều là phù du huyễn hóa, cái mong manh của sự đời, của thay đổi của nhân tình thế thái, của chế độ. Rồi sau đó, ông cũng đã khước từ đành chia biệt người mình thương yêu; trong đó, có lẽ là người tình của mình nữa, để tìm đường vượt biển và đến bến bờ tự do. Chúng tôi chép lại đây những bài thơ tiêu biểu theo dòng thời gian để quý vị độc giả và có cảm nhận riêng mình theo chuỗi thời gian của nhà văn Vĩnh Hảo. Qua đó, hầu hiểu được giai thoại của một con người mà tôi quý kính. 

Hãy trôi qua

Mây phiêu bồng hãy trôi qua
Ðàn dây sáu sợi phím nhòa thời gian
Tóc tiên gửi lại thiên đàng
Con đường bụi đỏ trần gian tôi vào.
(1979)

Vầy cuộc phù du

- Về rừng có nhớ gì không?
Chiều đi để lại một khung trời hồng.

- Em đi qua phố người đông
Tâm tư khép lại còn trông một người.

- Thôi em đời tợ sương rơi
Hôn nhau rồi tiễn ngàn khơi đôi bờ.

- Dù mong manh giọt sương mơ
Cũng trên huyễn mộng cũng trơ trầm phù.

- ... Ừ, ta vầy cuộc phù du
Tử sinh âu cũng sương mù mà thôi...
(1982)

Đường ta và đường em (I)

Đèn chong, giấy trắng, mực đầy
Mà không ghi nổi một ngày xa nhau
Rừng im lẻ bóng đêm sâu
Cố quên em để tình sầu phôi pha
Anh theo tiếng gọi sơn hà
Thôi em ở lại quê nhà đừng trông.
(1982)

Ngộ

Nắng lên ngọn lá tàn sương
Thiền sư chống gậy lên đường tìm hoa
Nụ hoa đã héo chiều qua
Thiền sư bẻ gậy ngồi ca trên rừng.
(1982)

Tịnh khẩu

Cười hay khóc thì đời cũng nhạt tẻ
Kiếp cuồng điên tôi đi tìm chính tôi
Quanh quẩn mãi rồi về đây nín lặng
Nói hay không thì ngày cũng qua rồi.
(1983)

Trà khuya

Phật điện không cài cửa
Tha hồ ánh trăng len
Sư vào xin tí lửa
Nhúm một bình trà sen
(1984)

Buông

Mưa về trên thiền thất
Buông giọt xuống mái tranh
Con cú trên cây tràm
Buông tiếng xuống ruộng xanh

Sư ngồi lật trang kinh
Chẳng buông một âm thanh
Lặng nghe
rồi chợt nghe
Buông hết ngàn Phật danh.
Long Thành 1984

Mong

Em bé cười
Cười ngây thơ
Mơ khoảnh trời
Trời xanh lơ...

Ngoài thép rào
Người tỉnh bơ
Trong thép rào
Bé mong chờ

Mây qua đầu
Bay, bay, bay
Bé cúi đầu
Mắt cay, cay...
1987 (trại tị nạn Songkhla, Thái Lan)

Trong sương khuya

Chìm trong phố thị mù sương
Mắt cay vận nước
sầu vương một hồn
Đâu người còn nhớ non sông
Cùng ta uống cạn một dòng tâm can.
(Virginia 1988)

Ðêm ở lại Kim Sơn

Sao xuống nửa trời
Người nửa mộng
Ðầu tùng lặng lẽ bóng đêm loang
Sớm mai thức dậy
Nghe
Chim động
Nửa thềm sương trắng
Mộng đời tan.
(1993)

Nhớ Thầy

Ngày Xuân, lang thang trên phố
Tìm cái chi?
Mắt đỏ - bụi mờ
Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Rồi đi, đi theo chiều cuốn của dòng người
Chen chúc nam thanh nữ tú
Lao xao tiếng nói giọng cười
Đôi mắt vẫn đau rát
Dừng lại, dừng lại ở một góc vắng
Lau mắt kiếng
Lau mãi vẫn còn đau

Người ta kêu gọi những gì?
Thương yêu - khoan thứ - tỉnh thức...
Nhưng chỉ thương yêu những người ấm no
Khoan thứ cho những kẻ tội ác tiếp tục tội ác
Tỉnh thức để mở mắt nhìn nhau
trong trái tim đồng nhịp hưởng thụ…

Thương yêu - Khoan thứ - Tỉnh thức!
Ôi chỉ là những ngụy ngôn, xảo ngữ
Con người thời nay chỉ giỏi trò hóa trang
Tiếp xử với nhau qua những mặt nạ
Ông thành bà, bà thành ôn
Tên cướp được khen: nhà đạo đức
Ma vương tự xưng: đã thành Phật
Thi sĩ cuối mùa tủm tỉm làm thiền sư...

Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Nhớ dáng Thầy gầy guộc
ẩn nhẫn thiền tọa trong ngục tù quê hương.
(1997)

Hóa sinh

Người từ phương trời mây trắng bay
Dừng bước cô phong nở hoa đầy
Nửa đời cùng tử về ca hát
Tấu khúc tri âm rung chốn này.

Cỏ thơm tuệ giác, mây vô tướng
Cao vút non ngàn đá trổ hoa
Suối reo chim hót hằng tự tại
Bên trời cười vỡ tiếng hoan ca.
(Rằm tháng Tư, năm 2010)

Tri ân

Giọt sương rơi trên lá đêm
Giọt buồn buông xuống hồn im cuối mùa
Lặng nhìn thế sự hơn-thua
Đau cơn bão lốc thổi qua phận người...
Thương em vai nhỏ chơi vơi
Ân tình nặng gánh một đời gian nan
Theo anh một chuyến đi hoang
Hai mươi năm biệt vẫn tròn thủy chung...
Thương em nói sao cho cùng,
Lẳng lặng ghi xuống mấy dòng tri ân.
(05.05.2010)

Tìm Phật, Tìm Em

Tìm Phật, chỉ thấy em
Hương sắc tỏa, bên thềm
Bâng khuâng đường hai nẻo
Tựa cửa
Lòng buồn thêm.

Tìm em, chỉ thấy Phật
Môi cười nụ an nhiên
Buông một đời tất bật
Mở cửa
Đâu cũng thiền.
(15/5/2014)

Trước thềm xuân mới

Mưa rơi, mưa rơi, ngập nước những con đường
Lá vàng trải thảm trên sân, ướt đẫm ngày cuối đông
Nắng trưa xiên qua những nhánh cây trơ xương khi mưa tạnh
Nơi góc cửa sổ, con nhện nằm ủ một cuộn tơ
Con tàu ký ức thuở thiếu thời xồng xộc lăn bánh quay về, kéo còi, nhả khói
Những chuyến phiêu du không bao giờ có thực
Cánh buồm lộng gió xa khuất sóng trùng khơi.
Hồn vô tư gửi cửa thiền thanh vắng
Sáng quét lá, chiều nghe kinh, cất cao mật ngôn Phạn ngữ
Đáy tâm sâu hun hút, chơi vơi những bóng hình, bồng bềnh những ẩn điệu
Mộng ban sơ, lặng lẽ, trôi đi những tháng ngày…
Bình minh xe hoa đi qua, sắc hương diễm lệ reo vui theo nắng
Hoàng hôn xe tang trở về, mắt buồn đượm một trời không
Hí trường lao xao giọng cười tiếng hát
Những tên hề đeo mặt nạ trắng, với những vòng mắt đen thui, nhào lộn nhảy nhót
Khóe miệng luôn kéo lên những nụ cười tươi mãi không phai
Lãnh tụ, lãnh đạo, chưa bao giờ lãnh hội được cùng đích của số đông
Rêu rao những chương trình, những chính sách ưu việt không bao giờ thực hiện nổi
Bán đất, bán biển, bán cả linh hồn cho tham vọng ngôi cao
Bầy tiểu yêu xúm xít nịnh nọt những kẻ mị dân, giả dối
Đẩy dân lành vào thảm cảnh đau thương
Thoáng chốc bể dâu, nhà đẹp vườn xinh trở thành bình địa
Xuân Tết về biết chào đón nơi đâu!
Chiều tha hương, bỗng nhớ con tàu năm ấy
Đưa viễn mộng hun hút chân mây
Xuân đến, xuân đi, bao lần trùng lặp
Mộng ban đầu u uẩn mắt xanh xưa
Mục đồng cưỡi trâu vi vu cánh diều vương khói nhạt
Bướm vàng chui ngược vào kén, rụng đôi cánh mỏng phiêu du,
mơ làm con sâu trong giấc ngủ yên lành
Vườn xanh hoa nở trắng như mây
Gió lay chiếc phong linh hiên ngoài
Chim non giật mình quay cổ ngóng
Tiếng hót đầu mùa vọng mãi những xuân sau
Lật trang kinh, lòng an hòa
Thương nhân sinh thống khổ bao đời kiếp
Điểm nhẹ tiếng chuông khi mặt trời rực rỡ trên đại dương xanh
Xuân sang, mùa đã sang
Nghe sâu sóng vỗ chơn thường.
(18/01/2019)

Đọc những vần thơ trên, chúng tôi tin chắc rằng quý bạn đọc có thể hiểu được một phần nào về Vĩnh Hảo. Một con người sống trọn vẹn với đạo, với đời, với quốc gia và dân tộc. Cũng xin được nói thêm, Vĩnh Hảo vốn là dòng hoàng tộc, nguyên quán của ông là thôn Vĩ Dạ, nội thành Huế, trong gia tộc Nguyễn-Phước. Ông sinh ở thành phố Nha Trang và đã xuất gia năm 1970 tại Chùa Hải Đức tại thành phố biển thơ mộng này. Năm 1987, ông vượt biển đến Songkhla, Thái Lan;  sau đó, chuyển qua trại chuyển tiếp tại Bataan, Philippines vào tháng 12, 1987 và định cư vào Mỹ vào tháng 8, 1988. Ông chính thức rời bỏ chiếc áo tăng sĩ, làm cư sĩ tại gia năm 1990. Ông cũng từng là Tổng Thư Ký, kiêm Phụ tá Chủ Bút tạp chí Chân Nguyên (1992 - 2002); Tổng Thư Ký tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại, Hoa Kỳ (1994); Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Phương Trời Cao Rộng (2006 - 2008); Chủ bút nguyệt san Chánh Pháp (từ 2009 đến nay).

Ngoài ra, ông còn cộng tác với các báo chí văn học hải ngoại như Văn Học, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Người Việt, Việt Báo, Hợp Lưu, Đi Tới, v.v…; có nhiều bài đăng trên các báo và các trang lưới Phật giáo trong nước và ngoài nước. Xin trân trọng giới thiệu thêm những tác phẩm của Ông trong những năm qua.

Tác phẩm đã xuất bản:
-  Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt – truyện ngắn, 1989
-  Núi Xanh Mây Hồng – truyện vừa, 1991
-  Biển Đời Muôn Thuở – truyện ngắn, 1992
-  Thiên Thần Quét Lá – truyện ngắn, 1993
-  Phương Trời Cao Rộng – truyện dài, 1993
-  Sân Trước Cành Mai – tùy bút, 1994
-  Bụi Đường – truyện dài, 1995
-  Chạnh Lòng Tiếng Thơ Rơi – thơ, 1996
-  Ngõ Thoát – truyện dài, 1996
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 1, 1997
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 2, 1997
-  Con Đường Ngược Dòng – tùy bút, 1998
-  Giấc Mơ và Huyền Thoại – truyện ngắn, 2001.
 Trong Những Thoáng Chốc – tùy bút và tạp ghi, 2014.
- Lời Ca Của Gã Cùng Tử – Tuyển tập 100 Lá Thư Tòa Soạn Nguyệt San Chánh Pháp, 2020.

Thôi thì trước nhưng trầm luân của thế tục và cõi Ta Bà này, chúng ta hãy phiêu bồng lãng du theo sự tuần hoàn của xuân-hạ-thu-đông trong quán trọ cuộc đời vậy… Và có chút thời gian và năng lượng, xin hãy yêu thương cuộc đời này hơn nữa và tô thắm cuộc sống này ngày càng tươi đẹp để cho chúng ta và những thế hệ mai sau càng đến gần bến bờ Chân-Thiện-Mỹ.

Trầm tư trước bình minh
(tặng cây phong trước cửa sổ bàn viết)

Sáng mùa Xuân
Em đứng giữa trời mờ
Ươm những nụ lơ thơ
Yêu em qua mộng ảo
Ngày xuân vui không ngờ

Sáng mùa Hạ
Tóc đã dài hơn xưa
Em phơi ngực ơ hờ
Ngất ngây hồn đi lạc
Ta vấp giữa vú thơ

Sáng mùa Thu
Một tách trà thơm hương
Ngắm em nhớ vô thường
Tóc xanh nay vàng úa
Ngực đầy giờ trơ xương

Sáng mùa Ðông
Ngoài cửa một trời sương
Chân ai vội bên đường
Lá khô khua niềm nhớ
Nhớ một trời đông phương.

Xin trân trọng giới thiệu những tác phẩm và tác giả, Vĩnh Hảo, với lòng trân trọng nhất. Cầu chúc bình an và thanh thản.

Tâm Thường Định,
Sacramento, CA.
Đầu Xuân Canh Tý, 2020.