Thursday, December 10, 2020



KÍNH MỪNG KHÁNH TUẾ 

Đại lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan


1.

Chín bốn mùa Sen nở

Vẫn nụ cười Từ Bi


2.

Ngài vào nhà Như Lai

Mặc áo của Như Lai

Ngài ngồi tòa Như Lai

Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự


3.

Xiển dương chánh pháp Đông Tây

Liên Châu đoàn kết con thuyền tâm linh

Ban vui cứu khổ chung tình

Tăng Ni Thất Chúng công minh ơn Thầy


4.

Duy thức học chúng con vun xới 

Thầy truyền trao đạo pháp nhiệm mầu


5. 

Ung dung tự tại

Phủi sạch lợi danh

Lo cho Phật pháp 

Thịnh hưng giống nòi


6. 

Thuyền Bát Nhã mênh mông biển rộng

Hạnh Văn Thù trí tuệ vô song

Bồ Tát Nguyện mãi thong dong

Hoằng dương Giáo pháp với lòng Việt Nam.


Sacramento, tháng 12, 2020. 

Tâm Thường Định

Cẩn bút



HẠNH VIÊN: NỐI GÓT THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH



NỐI GÓT THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH

 HẠNH VIÊN

Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẩu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:
… Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau ~ Thị ngạn am vô trụ xứ.

Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc, một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.

Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Ta về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng

Thiên Lý Độc Hành, chuỗi thơ 13 bài, hình thành sau chuyến đi ấy. Nó mở đầu bằng sự trở về, và kết thúc bằng lời gởi gắm một bước chân khác lên đường. Đi cho hết con đường thăm thẳm nhân sinh trường mộng. Hai câu kết để ta đóng lại tập thơ mà không đóng lại được những tâm tình khắc khoải, tương điệu trước một vệt nắng chiều hay một ánh sao xa lay lắt cuối trời. Lời nhắn nhủ ân cần không phải là sự êm đềm khép lại cánh cổng vườn nhà sau khi người con đã trở về, nó mở ra lối sau chỉ về một phương trời miên man cô tịch…

Mưa lạnh
đèo cao
không cõi người.

Phương trời mờ ảo với ánh sao đêm làm đèn soi lối, lấy ánh trăng trên cỏ làm chiếu mà nằm, để sáng ra tiếp tục cuộc đi mà không biết đêm nay sẽ ở đâu, có “may mắn” tìm được một chỗ ngủ kín gió không. Có khi chỗ đó là cái miếu cô hồn bên đèo vắng, có khi là phía sau cái bệ con sư tử đá khổng lồ trước cổng tam quan một ngôi chùa, nơi có một hốc nhỏ đủ cho một người nằm khuất tầm nhìn khách qua đường. Nghỉ chân và chợp mắt, để ba giờ sáng thức dậy thu vén đi tiếp trước khi nhịp sống đô thị trở lại nơi này cho một ngày mới.

Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trong dư ảnh lá rừng bay…

Cái mùi hoang liêu dặm trường nó huyễn hoặc, hấp dẫn như mùi trái cây chín dại ven đường khi đói, như mấy gói lạc rang của một thanh niên tốt bụng đưa cho, để chiều lên đèo, “vì ở đó trong tầm bán kính mười cây số không có nhà ai”, anh ta nói. Mấy gói lạc rang, đủ cho một ngày đi qua cái đèo hoang vu này.

Sau này họa hoằn được nghe kể về chuyến đi, tôi thấy thật khó viết được gì chân xác về những bài thơ này; đó là những con đường nắng chát, bụi bặm, những bầu trời tối sầm trĩu nặng mây đen, những chiều bụng đói, những đêm hun hút ngó về một quê hương nào đã mất. Đó không phải là trang giấy trắng để ta cặm cụi ghi chú vài ý tưởng mộng mơ. Tập thơ này với tôi không phải để đọc, để hiểu hay để viết về; chỉ cần nhìn, cảm, và tưởng tượng. Tôi không lo khi đọc mà không hiểu thơ nói gì, nhưng đáng buồn nếu không tưởng tượng được khung trời nào trong những câu

Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không

Mưa, nắng, gió, bụi, những bước chân miệt mài đi qua rừng, qua phố, để làm gì, để tìm gì? Tìm gì trong màu hoàng hôn phơi trên hồn đá, cái bóng người xiêu đổ bên bờ lau sậy phất phơ nỗi buồn viễn xứ? Xứ sở nào của người, của đá, của những bông lau theo gió bay trắng bốn phương ngàn…

Nắng, bụi, gió, mưa. Thiên nhai hà xứ vô phương thảo(*). Cuối trời vạn nẻo nơi nào mà không có cỏ thơm. Một đứa bé chạy theo dúi vào tay ông một cái bánh ngọt, chỉ tay về ngôi nhà lụp xụp bên vệ đường: má con biểu đưa cho ông. Cái tình người nó tự nhiên như cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ xanh và hoa lau trắng, màu trắng hoang mang cả trời cô lữ. Giữa dòng ngựa xe phố thị hay trước thảo nguyên xanh ngút ngàn, ở đâu cũng có lúc bất chợt cảm thấy lạc loài, thấy tháng ngày hư ảo, ta muốn đi tìm một cái gì đó khác, đo đếm xem khoảng cách bao xa giữa hai bờ mộng thực; có người đi trong chiều nắng quái, kẻ khác đi trong những giấc mộng khẽ khàng. Nhìn đám bụi mờ dưới bước chân đi, ta không biết đó là tha hương hay là cố quận.

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

Ánh trăng sau cơn mưa hiện ra lấp lánh trên cỏ, như trải ra tấm chiếu hoa gấm ngọc ngà.

Nghìn năm sau… kể chuyện Thiên Lý Độc Hành, có người ngay thẳng và thực tế sẽ hỏi: Đi như vậy, tự đọa đày như vậy để làm gì? Những bước chân vô định kia có để lại chút dấu vết nào nơi đá cuội ven đường? Có lẽ không, hoặc có để lại một giấc mơ bên hiên nhà tạm trú đêm qua, không biết mưa lũ cao nguyên rồi sẽ cuốn phăng nó về đâu. Mà Thiên Lý Độc Hành là gì? Đâu phải chỉ là một chuyến đi. Cuộc đi không có lúc khởi hành, không có nơi đến thì làm sao có sự kết thúc trở về.

Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người…

Hạnh Viên
Mùa Hạ Canh Tý, P.L. 2564
––––––––––
(*) 天涯何處無芳草 Thơ Tô Đông Pha.
__________________________
THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH
13 bài thơ với thủ bút chữ Thảo của Thầy Tuệ Sỹ
Được dịch sang bốn ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật, và Hán-Nôm.
Dịch giả:
Nguyễn Phước Nguyên (Anh ngữ)
Dominique de Miscault (Pháp ngữ)
Bùi Chí Trung (Nhật ngữ và Hán Nôm)
Biên tập, thiết kế sách & bìa: Đào Nguyên Dạ Thảo
Văn Học Press liên kết với
Culture Art Education Exchange Resource
xuất bản tháng 12 năm 2020
150 trang, 7.5” x 9.25”, sách in màu
Có phát hành trên BARNES & NOBLE.

Sách mua ở đây: Tìm mua trên BARNES & NOBLE.

Xin bấm vào đường dẫn sau (key word: TUE SY):

 

THIEN LY DOC HANH (Viet, Anh, Phap, Nhat, Han-Nom)

Link for hardcover / premium color - price 35 usd (free shipping)

Link for paperback / standard color - price 18 usd

Friday, December 4, 2020

PHÁP DUYÊN BẤT NHỊ


 

PHÁP DUYÊN BẤT NHỊ

Kính tiễn Giác linh Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Lượng


1.

Hôm nay nắng toả trên mây

Hồi chuông tĩnh lặng tiễn Thầy nhẹ đi

Suối nguồn Giác Lượng từ bi


2.

Thầy bút hiệu Tuệ Đàm Tử 

Sanh 11 tháng 10, 

Năm  Ất Hợi (1935) 

tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định

Tịch ngày 30 tháng 11, 2020

tại Fresno, CA. USA


Sinh ra và lớn lớn từ đất võ

Trí văn song toàn

Đông Tây thấm nhuần kinh điển

Nam Bắc một lòng

Đem ánh Đạo vào đời

Cùng cội nguồn nhân bản, quốc gia và trách nhiệm.


3.

Bao nhiêu năm làm giáo dục,

viết thơ làm văn, xuất bản tạp chí Pháp Duyên, Nguồn Sống

nhằm phát huy Đạo pháp

văn hoá và truyền thống Việt Nam

đến giảng dạy Tăng Ni và xiển dương chánh pháp.


Những năm tranh đấu cho sự phục hồi GHPGVNTN

Thầy giảng dạy qua ngôn ngữ thi ca: 

“Chiến tranh xuất phát từ tham, sân, si... 

thì hòa bình phải khởi đi từ lòng nhân ái, Từ bi và Trí tuệ”


4.

Thầy bậc tòng lâm thạch trụ

của Tông môn Khất sỹ Việt Nam

những việc cần / nên làm

Thầy đã làm--

tế độ quần sanh

Năm mươi bốn năm hoằng pháp lợi sanh

Thầy vẫn an nhiên như thị.


5.

Thầy đã vào nhà Như Lai

Mặc áo Như Lai

Ngồi tòa Như Lai

Đến đi tự tại


6. 

Thầy đi nhẹ bước về quê Nội

Bóng nhạn qua đồi dấu chân mây


7.

Quang minh tánh giác chơn như thị

Liễu ngộ Pháp duyên Giác Lượng đầy!


Nam Mô Phật Giáo Khất Sĩ Trưởng Lão Hòa Thượng Pháp Chủ tân viên tịch thuỳ từ chứng giám.


Tâm Thường Định

cẩn bút


Tuesday, December 1, 2020

Nhà thơ Giác Lượng Tuệ Đàm Tử

Vài hàng về tác giả:  

Nhà thơ Giác Lượng Tuệ Đàm Tử

Lời dẫn nhập: Tưởng nhớ Thầy. Nhà Thơ Tuệ Đàm Tử là bút hiệu của Hoà Thường Thích Giác Lượng, người vừa viên tịch hôm qua. Chúng tôi được biết Thầy đã làm Chủ Bút cho Tạp Chí Nguồn Sống - Duy Tuệ Thị Nhiệp ở miền Bắc California từ đầu thập niên 1980. Chủ Nhiệm là Cố Hoà Thượng Thích Thiện Trì. Chủ Bút chính là Hoà thượng Thích Giác Lượng tân viên tịch. Tổng Thư Ký là Hòa Thượng Thích Minh Đạt. Điều Hành là Hoà Thượng Thích Tịnh Từ. Kỹ thuật là Pt. Nguyễn Kim Bảng. Phát hành: Nguyên Thọ & Minh Bảo. Tạp chí Nguồn Sống Magazine là một Tạp chí Phát Huy Đạo Pháp, Văn Hoá, Truyền Thống Việt Nam. Nay, chúng tôi xin phép cho đăng lại một số bài thơ của Thầy như là một sự tưởng niệm công hạnh của Người.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

- Hoà Thượng Thích Giác Lượng

 - Tên thật: Đinh Ngọc Thanh

 - Sinh năm: 1935

 - Bút hiệu: Tuệ Đàm Tử

 - Pháp danh: Thích Giác Lượng

 - Sinh quán: Đập Đá, An Nhơn, Bình Định

 - Trưởng ban Hoằng Pháp Giáo Hội Đoàn Trung Phần 1970

 - Vượt biên sang Hoa Kỳ 1980

 - Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Vận Nhân Quyền và Tự Do Tôn giáo cho VN

 - Viện trưởng Viện Hành Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới

 - Thành lập Trung tâm sinh hoạt Phật giáo - Pháp Duyên Tịnh Xá tại San Jose từ năm 1982 đến nay.


Trích từ Đường Thi Bình Định, tuyển tập thơ do Bút Duyên Hội Tụ xuất bản năm 2009 tại Hoa Kỳ.

Đường Thi - Giác Lượng Tuệ Đàm Tử




HÀNH LỤC ĐỘ


1. BỐ THÍ


"Bố thí" tùy theo nguyện lực mình

Trong ba phương pháp giúp nhân sinh

Một là "Tài thí" như tiền của

"Pháp thí" thứ hai mở đạo tình

Ba là thực hiện tâm "Vô Úy"

Trải lòng thực hiện lẽ tồn sinh

Vì chưng "Bố thí" trừ tham lẫn

Gieo giống Bồ đề độ chúng sinh.


2. TRÌ GIỚI


Quy luật Phật truyền tự bấy lâu

Là môn diệu dược khắp năm châu

Giúp đời "giới luật" phương châm báu

Độ thế "tam quy" pháp nhiệm mầu

Ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng đã thọ

Giới điều Phật dạy học thâm sâu

Phát tâm tu niệm chuyên trì giữ

Mới dứt tử sanh, thoát nghiệp sầu.



3. NHẪN NHỤC


"Nhẫn nhục" là giới đứng đầu tiên

Nhẫn được tiêu oan dứt não phiền

Người đã nương về ngôi chánh giác

Thực hành pháp nhẫn đúng chân truyền

Hơn thua phải quấy, thêm oan trái

Khôn dại đua tranh, tạo nghiệp duyên

Lửa giận đốt thiêu rừng công đức

Theo lời Phật dạy: "Nhẫn" cần chuyên.


4. TINH TẤN


"Tinh tấn" là môn thuốc diệu huyền

Chữa lành bệnh nhác tập hành siêng

Muốn cho có quả cần vun tưới

Đạo cũng do ta gắng tập rèn

Nước chảy lâu ngày dần lở núi

Cọ cây lấy lửa phải cho chuyên

Tâm thành chí nguyện vun nền đạo

"Tinh tấn" đưa mình đến Phật Tiên.


5. THIỀN ĐỊNH


Các pháp gồm thâu chước "định thiền"

Trong ngoài vắng lặng thoát trần duyên

Nước yên chiếu sáng vầng trăng tỏ

Sóng động che mờ lẽ tự nhiên

Xách gậy kim cang kềm ý mã

Đem hèo giới luật đuổi tâm viên

Rừng thiền sư tử đang xua tặc

Chúa "Định" gom thần mật mật miên.


6. TRÍ TUỆ


"Trí tuệ" ví như lưỡi kiếm thần

Đoạn trừ tai chướng, dứt tham sân

Vô minh tận diệt ly sinh tử

Phiền não tiêu trừ thoát khổ luân

Biển nghiệp ba đào vùi Phật tánh

Trần lao sóng gợn lấp tâm chân

Hươi gươm trí tuệ trừ ma chướng

Tánh giác chơn như chiếu sáng ngần.



CẢM ĐỀ CHỬ ĐỒNG TỬ*


Chử giòng "Quê Chử Xá"** "Cù Vân"***

Đồng khố che thân giữa thế trần.

Tử hiếu thức tâm tìm học đạo.

Thần trung Quốc Tổ, trợ phù dân

Bất ngờ tiền định "Tiên Dung" kết****

Tử hóa duyên trần biến báo thân *****

Việt sử ngàn năm lưu Thánh Hiển.

Nam Bang đệ nhất, "Tứ Linh Thần".


* Đệ nhất Tứ Thánh, hồn bất tử.

** Làng Chử Xá.

*** Thân phụ là Chử Cù Vân.

**** Công Chú Tiên Dung kết nghĩa vợ chồng.

***** Xong phận thế trần hai Ngài đều bay về trời.



CẢM ĐỀ PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG *


Phù trợ Vua Hùng, Thiên Sứ lâm

Đổng làng Gióng, thuộc huyện Gia Lâm

Thiên sai cậu bé nhà Trời xuống

Vương Thánh đại hùng cứu nước Nam

Thượng đức phi thường, vang ngựa sắt

Đẳng công khí phách giặc Ân khâm

Tôn thờ nghĩa khí phù dân tộc

Thần hiển linh mầu, hộ Việt Nam.


* Đệ Nhị Tứ Thánh, hồn bất tử.



CẢM ĐỀ ĐỨC THÁNH TẢN VIÊN*


Đức tỏa ngàn đời, Đức hiếu sinh

Thánh Vương Sơn Địa, hiển u linh

Tản bang hồng phúc dân Nam Việt

Viên phép thần thông độ nước mình

Thượng giới cỡi rồng thân biến hóa

Đẳng trần gian phụng cứu nhân sinh

Tôn thờ Thánh Đức lừng danh hiển

Thần thứ đệ tam, vị Tứ Linh.


* Đệ Tam Tứ Thánh, hồn bất tử



CẢM ĐỀ VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU *


Vân Hồng Thiên giáng thế nhân y

Hương tỏa ngạt ngào nhạc pháp thi

Thánh thoát đào hoa so "Tố Nữ"

Mẫu Vương Tiên Đức sánh sao bì

Tiên Nương hiếu đạo tròn cơ cách

Chúa tiếp hóa dân sứ mạng trì

Hiển hách hồi Thiên không mộ chí

Linh Tôn Thần Thượng sắc phong Y.


* Đệ Tứ Thánh Linh, hồn bất tử.



NGƯỜI HÙNG BẤT KHUẤT


Thiếu thời cho đến hết đời binh

Tướng sĩ chí nhân trọn nghĩa tình

Nguyễn tộc hùng anh nêu khí phách

Khoa dòng bất khuất rạng uy danh

Nam dân khâm phục người "tuẩn tiết"

Quân sử khắc ghi bậc hiến mình

Đoàn ngũ thề không đầu hàng giặc

Bốn vùng chiến thuật trọng chân linh.



CHÍ KIÊU HÙNG


Trần tộc kiêu hùng nối gót xưa

Văn ghi tướng sĩ chí dư thừa

Hai thời gánh vác nguyền không nhỏ

Tư thế đảm đang phận chẳng vừa

Lệnh chỉ ba quân lòng kính phục

Sư huy phong vũ dạ đều ưa

Đoàn người sát đát trừ ma cộng

Bảy Bộ Binh, quân lực có thừa.



TRỌN LÒNG YÊU NƯỚC


Tưởng niệm muôn đời bậc chí nhân

Tướng hùng dân tộc đấng danh thần

Lê Nguyên Vỹ trọn lòng yêu nước

Tư lệnh sư đoàn quyết xả thân

Tử tiết gương treo người sĩ khí

Hy sinh danh rạng kẻ vì dân

Tinh thần bất khuất lưu trang sử

Giặc bắt không hàng, "tự xử" phân.



KẺ HÙNG ANH


Truy nguyên chí khí kẻ hùng anh

Niệm tưởng chân linh bậc sĩ hành

Thiếu tướng quân khu II đất Việt

Phạm Văn Phú trọn ý trung thành

Tư trào suy thoái thời cơ mạt

Lệnh bất phục tùng "tự vẫn" vinh

Quân ngũ bảo toàn không khuất phục

Đoàn Hai uy vũ mãi lưu danh.



TỬ TRÒN SỨ MẠNG


Truy niệm người hùng Việt tộc ta

Lê văn, sĩ khí tráng sơn hà

Hưng danh "tử tiết" thơm nòi giống

Thiếu tướng sinh thời bảo quốc gia

Tư lệnh quân đoàn, quân khu bốn

Quyết không hàng giặc lúc cơ sa

Tử tròn sứ mạng chân linh tướng

Gương rạng muôn đời, tiếng ngợi ca.






Viết về Trường Ca Đối Thoại Hoà Bình
(tức Thông Điệp Hòa Bình)
Của Nhà Thơ Tuệ Đàm Tử

                                                                          LÊ ĐÌNH CAI


       Âm vang của tiếng vọng “Hòa Bình” là niềm khao khát của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Thế kỷ 20 với hai cuộc thế chiến hãi hùng đã đẩy đưa nhân loại xuống vực thẳm của điêu linh và chết chóc. Chiến tranh đồng nghĩa với tàn phá và hủy diệt, và cũng chính trong đêm đen tột cùng của chiến tranh, tiếng vọng “Hoà Bình” đã vang lên để thức tỉnh lòng người. Hòa bình đồng nghĩa với cọng tồn và an lạc, là niềm ước ao của mọi tâm hồn hướng thiện. Chiến tranh xuất phát từ tham, sân, si, thì hòa bình phải khởi đi từ lòng nhân ái và lửa Từ Bi. Đó là ý niệm bàng bạc trong toàn bản trường ca thi phẩm của Tuệ Đàm Tử, tức Hòa Thượng Thích Giác Lượng .


      Trong tập biên khảo của tôi về “30 năm cầm quyền của Chúa Nguyễn Phúc Chu 1691 – 1725” do đại học Văn Khoa Huế xuất bản vào năm 1971, tôi có một chương nói về nhà Sư Thích Đại Sán, sư Hải Hương Thiền Sư và Liễu Quán Hòa Thượng…. Tôi chú trọng đến các nhà sư đó vì lẽ khi đất nước qua phân, nhân tâm ly tán thì họ đã quyết định nhập cuộc với chúng sinh để cùng tìm về bến giác, đẩy đưa xã hội đến bờ an lạc. Cách xử thế của các nhà sư đó đã được sử sách ghi nhớ. Hình ảnh nhập cuộc của Hòa Thượng Thích Giác Lượng trong các phong trào đòi nhân quyền và tự do tín ngưỡng ở hải ngoại có cái gì đó gần gũi với các hình ảnh của các vị sư thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Điều nầy đã tác động trong cách nghĩ của tôi về sự dấn thân của một vị tu hành đáng kính phục. Tôi đã nghe nhiều bài giảng của Hòa Thượng, tôi đã đọc nhiều bài báo của Hòa Thượng viết trên các báo chí hải ngoại và giờ đây với tập trường ca “Đối thoại Hòa bình” dù được hình thành cuối thập niên 1960, nhưng xét theo hoàn cảnh của đất nước hiện nay, dưới sự cai trị của một chế độ phi nhân bản, khát vọng về một quê hương thanh bình và an lạc vẫn còn nóng bỏng trong trái tim của mọi người dân Việt chúng ta dù trên quê hương khốn khổ hay lạc loài nơi hải ngoại.



       Tôi không chú trọng nhiều đến kỷ thuật, âm điệu trong bản trường ca của nhà thơ Tuệ Đàm Tử, phần đó dành cho các nhà phê bình văn học, nếu tác phẩm trụ vững được với thời gian. Tôi chú trọng nhiều đến phần tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Về góc cạnh nầy, trường ca “Đối Thoại Hòa Bình” là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử với hậu quả thật khốc liệt.

        Hơn hai triệu người phải rời bỏ Tổ quốc ra đi, hơn một triệu người phải bước vào ngục tù tăm tối của chế độ cộng sản.

       Tìm cho ra nguyên ủy của thực trạng đau thương đó, nhà thơ Tuệ Đàm Tử đã xót xa lên tiếng:


                              Lửa súng đạn đã diệt tiêu nhân loại.

                             Do lửa tham trong tâm vọng con người

                             Sự điêu tàn khốc liệt khắp cùng nơi

                             Do gốc bởi sân si, mê muội trí !

                                              (Đối thoại Hòa bình)



        Tiếng gọi đoàn kết mà nhà thơ đã muốn được vang vọng vào thời đất nước còn chiến tranh Quốc Cộng, bây giờ vẫn còn nguyên tác dụng của nó:

 

                            Dân nước Việt Nam ta cần kết khối.

                            Thuận hòa nhau tranh đấu chống bạo tàn.

                           Gương anh hùng đất Việt đã danh vang

                            Lịch sử ấy muôn ngàn đời bất diệt.

 

        Ngay vào những thập niên 1960 nhà thơ đã thấy rõ được vai trò của mình là cần thiết phải nhập cuộc để cứu độ nhân sinh. Tuệ Đàm Tử bấy giờ chỉ là một Đại Đức, vẫn một lòng tâm nguyện:


                           Người hành đạo đương thời không ủy mị

                            Không bi quan, không yếm thế với đời

                            Không yếu hèn lúc nhân loại chơi vơi

                            Không lấp mắt khi nước nhà nguy biến

 

                            Chính người tu đã thực hành chí nguyện

                            Đem tinh thần đạo đức giúp nhân sinh

                            Là phương châm mang lại sự hòa bình

                            Là sứ mạng muôn đời non nước Việt….

                                                (Đối Thoại Hòa Bình)


        Quan niệm dấn thân đó, gần bốn mươi lăm năm sau vẫn là kim chỉ nam soi tỏ đường đi của Hòa Thượng Thích Giác Lượng trên miền đất thuộc hải ngoại nầy. Tiếng nói của Thầy vang lên trong các phong trào đòi quyền sống cho con người, đòi quyền tự do tín ngưỡng cho hơn 80 triệu người dân Việt đang sống trong bạo lực và tù đày.

        Một nhà tu hành, một con  người dấn thân không ràng buộc bởi tham vọng chính trị nào. Với trường ca “Đối Thoại Hòa Bình” nay là Thông Điệp Hòa Bình, thật xứng đáng được đón nhận một cách trân trọng.

                                Lê Đình Cai

                           (nguyên Giáo sư Đại học Huế và Đại học Đà Lạt)


ĐOÀN DU TĂNG THẾ GIỚI
Chúc Xuân Bính Thân 2016

 



Đoàn Thể Tăng Già Các Quốc Gia

Du Phương Hành Đạo Khắp Ta Bà

Tăng Hoằng Chánh Giáo Ba Đời Phật

Thế Đạo Chơn Minh Sáu Phép Hoà

Giới Luật Phật Xưa Truyền Tứ Chúng

Chúc Mừng Hương Đạo Toả Ngàn Xa

Xuân Cầu Thế Giới Hoà Bình Hưởng

Năm Mới Thịnh An Khắp Mọi Nhà.


Giác Lượng Tuệ Đàm Tử




CHÚC MỪNG NĂM MỚI TU VIỆN QUẢNG ĐỨC

Chúc Mừng Năm Mới,
Tu Viện Quảng Đức 
Phát Triển Tinh Thần,
Phụng Sự Phật Pháp,
Hoá Độ Chúng Sanh.


Chúc Xuân Năm Mới Bính Thân,(2016)
Mừng Tết Năm Mới: “Chúc Cần Tấn Tu.”
Năm Qua Đã Quyết Công Phu,
Mới Này Vừa Đến  “Cần Tu Thêm Nhiều.”
Tu Nhiều Phước Được Bấy Nhiêu,
Viện Ban  Phước Quả Là Điều Thượng Tôn.
Quảng truyền Cực Đại Phước Dồn,
Đức Công Tích Luỹ Thường Tồn Thế Gian.
Phát Huy Phật Sự Đạo Tràng,
Triển Khai Pháp Sự Ngày Càng Vinh Thăng.
Tinh Minh Toả Rạng Nguồn Trăng,
Thần Quang Uy Đức Chư Tăng Hộ Trì.
Phụng Hành Giáo Lý Từ Bi,
Sự Duyên Trao gởi Luật Quy Giới Điều.
Phật Truyền Chánh Pháp Cao Siêu,
Pháp Đăng Chơn Lý Sáng Soi Hồng Trần.
Hóa Cảm Phương Dược Góp Phần,
Độ Đời Thức Tỉnh, Muôn Dân Hướng Lành.
Chúng Cùng Thế Giới Tri Hành
Sanh Trong Hiện Kiếp “Đạt Thành Quả Tu.”

 
Giác Lượng Tuệ Đàm Tử

ht thich giac luong-1935-2020

Lược Sử
Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Lượng
Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già
Khất Sĩ Thế Giới
Phó Tổng Thư ký Viện Hành Đạo Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Trị Sự Trưởng Giáo đoàn III Khất Sĩ
Thế danh: Đinh Ngọc Thanh – Đinh Giác Lượng (Tên thế danh chính thức khi Trưởng Lão Nhập Quốc Tịch ở Mỹ).

Bút hiệu: Tuệ Đàm Tử.
Sinh ngày: 11 tháng 10 năm Ất Hợi (1935) tại xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 1959: Quy y Tam bảo, theo học pháp với Đức Thầy Giác An và được ban pháp danh là Thiện Nhẫn. Người khuyên thân phụ cúng dường lô đất tại làng Bằng Châu và được Đức Thầy Giác An tiếp nhận thành lập nên Tịnh xá Ngọc Duyên.

Năm 1961: Tập sống hạnh xuất gia, ăn chay trường và thành lập Ban Xây dựng Đạo tràng Tịnh xá Ngọc Duyên (thôn Bằng Châu, xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định); được chư Tăng và các Phật tử tín nhiệm bầu làm Trưởng ban.

Ngày 12 tháng 4 năm Tân Sửu (1961): Xuất gia tu học.

Rằm tháng 7 năm Nhâm Dần (1962): Đức Thầy chứng minh truyền giới Sa-di tại Tịnh xá Ngọc Cát (TX. Châu thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và đặt pháp danh là Giác Lượng.
Từ 1963 – 1965: Được bổ nhiệm trụ xứ nhiều tịnh xá khắp miền Trung.

Rằm tháng 7 năm Bính Ngọ (1966): Thọ giới Cụ túc tại Tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku, Gia Lai).

Từ 1967 - 1969: Nhận trọng trách làm Trưởng Ban Hoằng pháp của Giáo đoàn III và thuyên chuyển qua nhiều trụ xứ: Tịnh xá Ngọc Đà (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng); Tịnh xá Ngọc Cát (TP. Phan Thiết, Bình Thuận); Tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận); Tịnh xá Ngọc Pháp (TP. Nha Trang, Khánh Hòa); Tịnh xá Ngọc Phú (TP. Tuy Hòa, Phú Yên); Tịnh xá Ngọc Duyên (H. An Nhơn, Bình Định); Tịnh xá Ngọc Hạnh (Kon Tum); Tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku, Gia Lai); Tịnh xá Ngọc Quang (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk).

Năm 1968: Giáo đoàn bổ nhiệm làm Trụ trì Tịnh xá Ngọc Duyên (huyện An Nhơn, Bình Định).

Năm 1970: Được Giáo đoàn suy cử làm Trị sự Trưởng Giáo đoàn III Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (Trung phần).

Năm 1971: Làm Trưởng phái đoàn đại diện Giáo đoàn III tham dự Đại hội Khoáng đại toàn quốc; Thành viên Uỷ ban Soạn thảo Hiến chương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam; Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Xã hội của Giáo đoàn III.

Năm 1972: Thành lập Uỷ ban Từ thiện Xã hội tại tỉnh Khánh Hoà cứu trợ đồng bào từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Pleiku, Kon Tum, tỵ nạn từ Nha Trang đến Phan Thiết, nhất là giúp đỡ các trại tạm cư tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Năm 1974 – 1978 (Nhiệm kỳ II): Phó Tổng Thư ký Viện Hành đạo Trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam; Trị sự Trưởng kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III.

Năm 1981: Định cư ở Mỹ.

Năm 1982: Thành lập Pháp Duyên Tịnh xá ở thành phố San Jose, California, Mỹ quốc.

Năm 1983: Trong Đại hội của Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới, tổ chức tại Tổ đình Minh Đăng Quang, quận Cam (Orange County), Giáo hội đã công cử Hòa thượng giữ trọng trách Viện trưởng Viện Hành đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

Năm 1984: Xuất bản tờ đặc san Pháp Duyên mỗi quý.

Năm 1985: Làm Vụ trưởng Vụ Xã hội, chăm lo vấn đề uỷ lạo, cứu trợ đồng bào các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Năm 1986: Được tấn phong vào hàng Thượng toạ; Chủ bút tạp chí Nguồn Sống và có Cố HT. Thích Thiện Trì làm Chủ nhiệm, và Chủ nhiệm tạp chí Pháp Duyên; Thành lập chương trình Phát thanh Phật giáo hằng tuần, trên đài tiếng nói “Mẹ Việt Nam” thời gian gần 4 năm, và phát trên đài “Quê hương” hơn 12 năm.

Cũng năm 1986: Cứu trợ đồng bào tỵ nạn tại hai trại Palawan và Bataan của Philipine, nhận trách nhiệm làm Phó Chủ tịch Điều hành Hội An Việt tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1986-1990.

Năm 1987: Tổ chức phái đoàn đi uỷ lạo đồng bào tỵ nạn tại các trại ở Thái Lan như Panat Nikhom, trại Klong Yai, trại Site II Banthad, trại Krang Yai, trại Tha Luan, v.v...

Năm 1988: Nhận lời mời của Hòa thượng Tuyên Hóa, nhiều lần đến thuyết giảng kinh pháp tại chùa Vạn Phật Thánh Thành và chùa Phật Quang Sơn.

Ngày 30 tháng 3 năm 1990: Thuyết trình viên Hội thảo tại Đại lễ Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương, tổ chức tại thành phố San Jose.
Năm 1990: Giám đốc Nhà xuất bản Nguồn Sống.
Ngày 13, 14 tháng 7 năm 1991: Tham dự và làm Chủ toạ Đại hội An Việt Toàn cầu (An Viet International) tại Trung tâm Văn hoá Marcel Hicter - Bộ Văn hoá Pháp ngữ Vương quốc Bỉ, BRUXELLES.

Tháng 10 năm 1992: Làm Trưởng phái đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ tham dự Đại lễ Cầu nguyện Hoà bình Thế giới và Việt Nam tại Toà Thánh Vatican, Roma.

Ngày 29 tháng 10 năm 1992: Đại diện Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới hướng dẫn phái đoàn tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 18 tại Đài Loan.
Ngày 18, 19 tháng 10 năm 1994: Tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 19 tại Bangkok, Thailand.

Ngày 28 tháng 3 năm 1998: Trong Đại lễ Kỷ niệm lần thứ 53 năm, ngày đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai đạo, tại thành phố Westminster, California, Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới chính thức tấn phong Ngài lên hàng Giáo phẩm Hoà thượng.
Năm 2002, 2003: Vận động Phật tử và cộng đồng Việt Nam cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Năm 2004, 2005, 2006: Liên tục tổ chức các Đại lễ Phật giáo – Lễ Vu lan, Lễ Phật đản, Lễ Tưởng niệm đức Tôn sư Minh Đăng Quang vắng bóng, xiển dương tinh thần lục hoà trong Phật giáo.
Năm 2007: Tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thế kỷ 21 Phật giáo cho Hoà bình” tại Pháp Duyên Tịnh xá vào mùa Vu lan, Tự tứ Tăng. Có chư Tôn đức, thiện tri thức từ nhiều quốc gia về tham dự: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh, Việt Nam, v.v…, và nhân dịp này chính thức tuyên bố thành lập “Đoàn Du Tăng Thế giới”.

Ngày 29 tháng 9 năm 2009: Chứng minh Đại lễ Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Ambedkar tại tỉnh Nagpur, Ấn Độ. Đại lễ có trên năm triệu (5,000.000) người tham dự.

Ngày 01 tháng 10 năm 2009: Tại Đại Giới đàn Ambedkar, Hòa thượng cùng với Đại sư Nhật Bản chứng minh truyền giới xuất gia gieo duyên cho hơn sáu ngàn (6000) Phật tử.

Ngày 29 tháng 4 năm 2009: Hoà thượng tuyên bố khởi sự lên đường hành đạo. Chiếc xe RV của Đoàn Du Tăng là chiếc thuyền Bát-nhã bắt đầu vượt sóng, trong cuộc hành trình từ San Jose đến miền Nam California, El Paso, Arizona, Texas, Houston, Dallas, Austin, San Francisco, Sacramento, Oakland, Stockton, v.v…

Ngày 31 tháng 10 năm 2009: Nhận Bằng Tiến sĩ Danh dự TRIPITAKA MAHAPANDIT (Doctor of Tripitaka) tại Hội nghị Thanh niên Phật giáo Thế giới (WORLD BUDDDHIST YOUTH CONFERENCE), tại Thánh tích Bồ-đề đạo tràng, Ấn Độ (Bodhgaya, India).

Năm 2010: Sau gần 30 năm sinh hoạt tại thành phố San Jose, Trung tâm Sinh hoạt Phật giáo Pháp Duyên Tịnh xá được dời về thành phố Fresno, bang California.

Ngày 14 tháng 11 năm 2015: Nhân Đại lễ Bách nhật cố Đại lão Hoà thượng Pháp chủ Thích Giác Nhiên, tại Tổ Đình Minh Đăng Quang, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương suy tôn Hoà thượng lên ngôi vị Pháp chủ, lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

Năm 2016: Tổ chức trọng thể Lễ Vu lan tại Pháp Duyên Tịnh xá ở Fresno, bang California. Hơn 400 Tăng Ni, Phật tử về tham dự.
Ngoài thời gian lãnh đạo, hoạt động Phật sự, Hòa thượng còn dành thời gian viết sách, sáng tác thơ văn hoằng pháp để lại bút tích cho hậu nhân.

Hiện nay, có hơn 20 tác phẩm gồm thơ, kệ, văn xuôi dưới bút danh Giác Lượng đã được ấn bản. Còn có 10 tác phẩm gồm các thể loại, truyện thơ, tham luận, văn kiện chưa xuất bản.

Dưới bút hiệu Tuệ Đàm Tử, gần 20 thi phẩm được xuất bản ở Sài Gòn và hải ngoại.

Viết lời tựa, lời giới thiệu, lời cảm nhận cho hơn 30 tác phẩm của nhiều tác giả là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ.

Hơn 80 năm hạ tiễn thu sang, cỗ xe tứ đại cũng đã mỏi mòn, thuận theo quy luật của vũ trụ tạo hóa, Trưởng lão Hòa thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 21 giờ ngày 30/11/2020 (giờ California, Mỹ Quốc), tương ứng lúc 12g30 ngày 17 tháng 10 năm Canh Tý ở Việt Nam, trụ thế 86 năm, hạ lạp 54 năm.

Nói tóm lại, trong suốt 20 năm tu học tại quê nhà, Ngài đã đóng góp tích cực nhiều mặt cho sự phát triển của Giáo đoàn III và Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (tiền thân của Hệ phái Khất sĩ).

Gần 40 năm hành đạo tại Hoa Kỳ, Ngài đã dấn thân hoằng dương giáo pháp, tổ chức ủy lạo, sáng tác thi ca, góp phần rất lớn cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam tại Mỹ Quốc.

ht giac luong 3