Tuesday, September 24, 2013

HUỲNH THỤC VY EM HỠI



Photo - on Huynh Thuc Vy's facebook
HUỲNH THỤC VY EM HỠI

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận
Vì sao em không nói một lời
Có phải ai đã bắt Ba em
Hay hành hạ tuổi đời em đang đẹp

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận
như nỗi buồn của kẻ mất nước Việt Nam
Ai bảo: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương."
Sao không thấy bảo vệ sơn hà xã tắc.

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận
vì ngậm ngùi chấp nhận
nói lên sự thật phủ phàng
"Thà mất Hoàng Sa, Trường Sa về tay giặc còn hơn là mất đảng, mất quyền lợi đảng ta."

Em đã nói thì người ta bịt miệng,
hà hiếp em và gia quyến của em
Huỳnh Thục Vy, một trái tim bất khuất
của giống nòi Bà Triệu bà Trưng

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận
Như nét buồn của hàng triệu con tim
đang thổn thức nghĩ về quê hương dân tộc
Đất anh hùng Lý thường Kiệt năm xưa

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận
Nhưng hồn em là phượng vĩ ngát hương
Dù đất nước vẫn trong cơn lận đận
Gương sáng em đang lan toả khắp phương.

Đôi mắt em buồn thênh thang vô tận.

Ngày em bị bắt, 2011.

Friday, September 20, 2013

Cụm Nhà

The happiness of our parents
Daddy's joy whenever visiting the ocean. Photos BXK.
CỤM NHÀ

Anh chị đến
Trăng tròn!
Bỏ lại sau lưng những giọt nước mắt.
Nhớ thương
quê hương muôn thuở.
Đến và đi
Hư thực
lãng đãng những tràn cười.
Trong đó có hạt trân châu long lanh
Có màu xanh
hy vọng
dịu êm,

Quang Minh
Xoa!
Bù đắp,
Vỗ về.
Tuổi già--
tuổi hạc mẹ cha.
Cánh mỏng xót xa sương mờ vách đá
Cụm nhà.

Sacramento, September 19th, 2013.

Monday, September 16, 2013

THIỀN GIÁO VÀ PHÁP HỮU ĐỒNG HÀNH


The first day of the 3-days retreat at Kim Quang Temple. Photo: BXK

THIỀN GIÁO VÀ PHÁP HỮU ĐỒNG HÀNH
    Kính tặng Tăng Thân Tu Viện Đại Đăng và Chùa Kim Quang

Thiện Duyên, Tuệ Giáo, Tuệ An
Lành thay diệu pháp Lạc bang trụ thiền
Khi Tỉnh Niệm, lúc Thông Hiền
Tỉnh Tường, Nghiêm, Mảnh, Quang Thiền, Tánh, Chơn
Khi Tâm Chánh, Quang, Minh, Nhơn, Trí
Định Giác Chơn Khôi Nguyện Bồ Đề
Thuyền từ cõi Thiện thoát mê
Về bên Tuệ Giác đề huề Tánh Không.

Chùa Kim Quang, September 14th, 2013.


*Từ viết Hoa là danh từ riêng hoặc tên của những Thầy trong Tu Viện Đại Đăng và Chùa Kim Quang

Thursday, September 12, 2013

SAY NẮNG NEW ENGLAND


A few icons of New England - Photos BXK
SAY NẮNG NEW ENGLAND
   Kỷ niệm chuyến về 'cái nôi' văn hoá Hoa Kỳ

Nắng hun da, em hun nồng
Ẩm thấp cao như tình hồng
Trưa gió hắt, mây qua sông
Nơi đô thị nhớ mùa đông
...Mơn mởn lay hàng cây xanh
Và nắng gắt, say tình anh
Sao ôi bức, mộng long lanh
Thương mùa hạ, nàng thơ xanh
Ngập tràn.

7/19/2013 
Neward, NJ.

Saturday, September 7, 2013

CÓ NHAU - WE HAVE EACH OTHER

Những ca nhạc sỹ trong đêm CHBN2 - Photo: BXK
Khán thính giả đang thưởng thức nhạc - Photo: Nguyễn Sanh Tỵ
CÓ NHAU
  Tặng khán giả và những diễn giả trong đêm Ca Hát Bên Nhau 2

Đêm ca hát bên nhau
dưới ánh đèn mầu
diệu vợi
lơ lửng những vì sao long lanh
chơi vơi những tâm hồn nghệ sĩ tuổi còn xanh
hát cho nhau nghe những lời ca giá trị
như: “Nếu như ngày ấy, một trong hai ta biết nghĩ...” *
phải chăng đây là những tâm lý trị liệu
cho những tâm hồn liêu xiêu
cô đơn quạnh quẽ, buồn bả bơ vơ
hay những rạng nức/tan vỡ
của những cuộc tình/đời
hay là những vỗ về để có được một cuộc sống thảnh thơi
sau những ngày tháng làm lụng mệt nhọc
dường như có tiếng ai đang khóc
ngậm ngùi trong lòng
ôi những dĩ vãng long đong
hay những lời nhắc nhở chân tình
về kiếp phù sinh
vốn mong manh như những cơn gió heo may
như sương đọng, mây bay
như bọt sóng, sấm chiều
trước những đìu hiu
xin hãy "Nghìn thu ta bù đắp không ngừng
Tình âm dương chan chứa xoay trong vùng tử sinh" **
về đêm, lời nhạc càng lung linh
vì tất cả thể hiện bằng trái tim rất xinh
nhiệt huyết, rung cảm và chân tình
của người cho và nhận
đêm ca hát bên nhau
dưới ánh đèn mầu
diệu vợi
ngây ngất
có nhau.


* Thì bây giờ, ta dễ mất nhau chưa? "Hiu Hắt Đời Nhau" - Nhạc: Lê Vũ
** "Nghìn Thu" của Nhạc sỹ Phạm Duy



WE HAVE EACH OTHER
   For the Ca Hát Bên Nhau 2’s performers and audiences

In that wonderful night, we’re singing for each other
Under colored lights in a relaxed environment
exquisite
with the floating stars glittering
The artists’ soul are displacing
many songs’ lyrics are worth listening
such as: "If either, one of us, is thoughtful at first; then we ..."
perhaps, music is such an affordable psychotherapy
to the lost souls and tumble-downed minds
lonely, loneliness, helplessness and saddenness
In life, there are shortcomings, broken situations and/or love
music can be comforting and healing
it seems someone was crying
pity in her heart
Oh the bittersweet past
or is it a heartfelt reminder
about this fragile and impermanent life
like the dews just form and the autumn winds blowing by
as ocean bubbles just pop, the clouds disperse or the evening thunder discharge
before the gloomy situation/love/life
please help, transform and love each other constant
in this endless cycle of life
as the night unfolds, the music is more sparkling and deepening
all the artists sing with all their pretty hearts
with enthusiastic, sincere, vibe and for the love of art
of all the audience, performers and the people involved
In this wonderful night, we’re singing together
under colored lights in a relaxed environment
exquisite
ecstatic
we have each other.

Kim Quang Temple, August 31, 2013.




Wednesday, September 4, 2013

THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU



Oanh Vu Day for GDPT Kim Quang, Photos: BXK
THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU
Viết tặng Lu và các em ngành thanh thiếu GĐPT

            Khi còn ở Việt Nam, ai trong chúng ta cũng biết về cái Lu đựng nước. Cái Lu có những tác dụng rất hay của nó.  Trong bài viết ngắn này, chúng ta hãy thử bàn về ý nghĩa cái Lu. Đối với tôi, cái Lu rất thân thiện và đầy kỷ niệm một thời thơ ấu.  Khi qua Mỹ, hình ảnh này không còn thấy nữa. Tuy nhiên tôi có quen biết và kết thân với  gia đình anh chị Thu Tỵ, và họ đặt tên cho con trai út của mình là Nguyễn Sanh Duy, đặc biệt tên ở nhà của em là Lu. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy Lu là tôi như có được cơ hội để suy ngẫm về hình ảnh cái Lu thân thuộc ở quê nhà.

Chúng tôi biết Lu và yêu quý em từ thuở nhỏ. Ở Lu, tôi cũng học hỏi được nhiều điều.  Khi em còn là một Oanh Vũ nam cỏn con, có lần tôi hỏi em, tại sao em đi Chùa và tham dự Gia Đình Phật Tử.  Em trả lời rằng: "Em đi Chùa là để học làm người lãnh đạo".  Câu trả lời thoạt đầu ngỡ là ngây thơ, dễ thương nhưng nó có một chiều sâu vô hạn mà chúng tôi vẫn thầm học hỏi ở em từ đó đến giờ.  Khi em lên trung học, em chuyển lên học ở trường Mira Loma High, nơi tôi đang dạy hoá học, và tôi tình nguyện đưa đón em đi học trong suốt 2 năm đầu. Có thể nói rằng thời gian đó em đang lớn dần trong xe của tôi, chân cẳng của em ngày mỗi dài thêm, và em cao hẳn ra. Nay, nhân dịp em ra trường Trung Học và sắp lên Đại học, tôi mong được lần nữa gọi tên Lu và viết về cái Lu để tặng em cũng như các em ngành Thanh, Thiếu trong GĐPT như là món quà khuyến tấn các em trên con đường học vấn và sự nghiệp tương lai.

            Lu là một cái hủ lớn đựng nước - Ví như cái bụng của đức Phật Di Lặc. Nó bự và 'trống rỗng'. Hồi xưa, lúc điều kiện sinh hoạt còn thô sơ, nhà nào cũng phải gánh nước từ giếng làng về nhà. Ở quê tôi, có khi phải đi rất xa nếu giếng nước gần nhà bị cạn. Nhiều khi phải đi vào sâu trong những khe đá hoặc xuống biển, khoét sâu xuống lòng đất, để lấy nước ngọt về dùng. Tất cả những nguồn nước quý có được đều đỗ vào một cái Lu thật to trước nhà để chứa trữ. Chuyện xưa, có một người Thầy dẫn đệ tử của mình vào trong một Đền thờ và chỉ cho thấy một cái Lu đang có nước trong đó. Người dạy học trò, khi cái Lu quá đầy nước bị tròng trành, nghiêng ngã về một bên thì nước dể bị đổ. Khi ít nước quá, thì nó cũng Lu dể bị ngã nghiêng. Rồi người dạy các học trò rằng, hễ mà mạnh quá thì cũng không ổn mà yếu quá thì cũng không xong.  Cho nên phải biết cái 'vừa phải' mà làm chuẩn; tựa như Con đường Trung Đạo của nhà Phật.

            Để có một cái Lu tốt, nó phải trải qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất là những người thợ nắn ra nó. Họ phải biết cách làm khuôn, xây thành, vun đúc, hoàn chỉnh để có một cái Lu đẹp và tròn trịa. Lu của em thật quý vì có đến hai người thợ nặng ra Lu, chăm sóc, kiên nhẫn, trí tuệ, nghệ thuật, và đặc biệt là đầy tình thương yêu đối với chiếc Lu. Kế đến, phải trải qua một giai đoạn nung nấu. Nhiệt độ càng cao, càng nóng thì sự bền chắc của cái lu càng tăng. Thật vậy, những trải nghiệm trong cuộc sống của một con người với đời càng nhiều thì sự chín chắn và đức tính đáng quý trong con người đó càng cao. Sau khi thành hình rồi, thì việc sử dụng nó lại càng không kém phần quan trọng.

Lu là để chứa nước. Chứa quá nhiều nước hay quá ít nước đều không tốt, như câu chuyện kể trên. Điển hình là khi đựng nước ít quá, thì sẽ rất vất vả cho người dùng vì phải vói xuống sâu trong Lu để múc nước được; cũng như khi nước đầy quá thì áp lực nước trong Lu lớn, lâu ngày dễ gây bể Lu. Nên muốn để Lu được sử dụng và bảo tồn lâu đời, thì chỉ nên đựng nước vừa phải. Trong cuộc sống, con người ta thường sống theo bản năng của mình, luôn có những nhu cầu và đam mê về tài sắc, danh vọng, cũng như ăn ngon, mặc đẹp.  Nói chung họ luôn mưu cầu để có được hạnh phúc thế gian, mong cái Lu của mình luôn được đầy vơi. Kinh tế khá giả, mọi thứ dư giả và thoải mái, thì có lẽ sẽ làm cho họ toại nguyện.  Tuy nhiên, như cái Lu chúng ta đang đề cập, đầy quá cũng dễ tràn và có nguy cơ bị vở. Chính vì thế trong lý tưởng sống, mình cần có chánh kiến, chánh tư duy. Phải xây dựng nó bằng nền tảng của sự hiểu biết và thương yêu. Được sống một kiếp người đã khó, nhưng một kiếp người sống bao dung và vị tha lại càng khó hơn. Để giữ được cái Lu bền vững và có ý nghĩa, nước trong Lu phải luôn được luân chuyển, và nó phải không được đầy quá mà cũng không lưng quá. Cái không lưng quá đó là cả một nghệ thuật. Mà nói về nghệ thuật, thì như Thầy Viên Minh và Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh có lần chia sẻ với chúng tôi tại Tu Viện Diệu Nhân rằng: "Nghệ thuật là biết bỏ bớt những gì không cần thiết."

            Cuộc sống vốn dĩ phù du và dâu bể, nên ta phải biết định hướng cái gì là không cần thiết hay là cần thiết. Muốn tránh cái phiền toái của sự vở Lu (cũng như của kiếp nhân sinh) thì cần buông bỏ, hỷ xả và mong tìm cho mình con đường giải thoát.  Hãy bỏ bớt bám víu, thanh tịnh tâm, vững chải thân, mà có mong cầu thì chỉ tìm sự "vừa đủ" và an lạc trong chính tâm hồn.

            Con đường giải thoát đó, trong Đạo Phật gọi là Trung Đạo.  Đạo nghĩa là đường; Trung có nghĩa là chính giữa. Là con đường phá bỏ đi thế giới nhị nguyên, hai đối lực là chánh tà, trắng đen, thiện ác và tốt xấu, hay dở, đúng sai v.v... trên con đường đi tìm về với Bản lai diện mục hay Phật tánh vi diệu của mỗi chúng ta. (Giác ngộ là sự vắng bóng của khổ đau.)

            Vì thế cái Lu cũng có thể là phương tiện để chúng ta nhìn thấy và gợi lại những gì mình đã học và hiểu. Cái thực dụng ở đây là đem ra mà hành thôi. Nói tóm lại, tất cả chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nhưng nhờ phương tiện đó để đạt đến cứu cánh.

            Lời cuối, chúc Lu và các em ngành Thanh, Thiếu thành công, an nhàn và hạnh phúc trên con đường học hành, sự nghiệp, và tu tập của mình. Hãy đi bằng chính đôi chân vững chắc của các em. Hãy vào đời bằng "đôi mắt thương nhìn cuộc đời", hay "sáng cho người thêm niềm vui" và "chiều giúp người bớt khổ". Hãy mạnh dạn lên nhé các em. Hãy dùng con tim, khối óc và đôi bàn tay lành mạnh của mình mà cống hiến cho Đạo và Đời, em nhé!

Sacramento, Cuối mùa Hè, 2013.