Truyện ngắn CÁT SƯƠNG


Xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả Truyện của Cát Sương, một người bạn tri kỷ ở tuổi "ngủ thập nhi, tri thiên mệnh".

Truyện ngắn: CÁI CHẾT CỦA TÈO



Cuối cùng Lan cũng gọi Mẹ mình. Bên kia đường dây nghe tiếng quen thuộc, Lan nói nhỏ, “Mẹ ơi, thằng Tèo nó, nó bị…”


“Chuyện gì đó con? Sao con không nói tiếp”, Mẹ Lan tiếp.


Lan chậm rãi nói, “Dạ, nó…”


Lan nghĩ thầm trong bụng, “Làm sao giải thích cho Mẹ đây”. Thằng Tèo, có tội tình gì, cũng như bao thanh niên khác trong thành phố này, nó học đại học ra mà chưa có việc làm. Ở cái tỉnh lẻ có bé tí vậy đó, mà nó đến chỗ nào cũng đòi con số khủng, từ 70 “chai” (70 triệu) trở lên. Tèo là con trai Út trong gia đình, sau giải phóng gia đình Lan quyết định về quê sinh sống. Không may sau đó, Bố Lan phải đi cải tạo. Mẹ ở nhà tảo tần một nắng hai sương nuôi con ăn học, cuộc sống ở quê bám vào ruộng đồng đầu tắt mặt tối gần hết cuộc đời mà không ngóc đầu lên được. Gia đình nghèo, cố gắng chạy vạy lắm đủ nuôi cho Tèo đi học nhưng học xong gia đình không còn tiền để đút lót kiếm việc nữa. Không kiếm được việc, cô người yêu cũng bỏ Tèo đi theo một anh chàng con nhà giàu ở xã khác. Ngay cái hôm cô gái nói lời chia tay thì Tèo chắc buồn đời, ăn mặc không được tươm tất vào quán lạ, ở đó có vài thanh niên khác, đang trong cơn men rượu, cho biết là thằng Tèo có cái mặt “đểu giả”, nên đánh cho một trận cho vui. Không biết đánh kiểu gì mà bị chấn thương sọ não, và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Buồn lòng, rồi Lan nghĩ, “Cái xã hội Việt Nam có khốn nạn không nhỉ? Bao nhiêu người vào bệnh viện mà vẫn nằm rên la lây lất, ai mà thiếu thủ tục ‘đầu tiên’ thì cũng khó bề trị liệu. Nhưng may cho thằng Tèo là nó đang nằm ngay trên băng-ca chờ đợi bác sĩ khám và chữa bệnh, mà cũng bị mấy thằng côn đồ quái đản đó chạy đến bệnh viện dùng dao chém chết.” Làm sao giải thích cho Mẹ đây chứ, Lan tự hỏi lòng mình. Cái chết của thằng Tèo “lãng xẹt” cũng như những cái chết của một một số người trẻ gần đây mà làm nàng ám ảnh. Những điều thật vu vơ, nhỏ nhặt mà dẫn đến những vụ chém giết, sát nhân đến dã man trên một đất nước thanh bình mà nàng không thể nào hiểu nổi.

Nàng nhớ có lần, vì bức rức quá nên có đặt câu hỏi đến với người chú họ tên Lưu mà nàng tình cờ gặp lại hơn 3 năm nay qua facebook. Nàng hỏi Chú mình rằng, “Có phải đất nước Việt Nam lại vô cảm, thiếu tử tế đến thế?” Chú Lưu từ tốn trả lời qua tin nhắn facebook, “Có lẽ, những đứa trẻ đó sinh ra, lớn lên và được giáo dục trong môi trường không có nhân ái, lễ nghĩa, đạo đức... mà chỉ dạy toàn thù hận, máu xương, chém giết thì lớn lên làm sao trở thành những con người tử tế được.” Nàng nửa tin, nửa nghi, nhưng vẫn chưa thuyết phục lắm. Nàng lại hỏi, “Vậy chú có trải nghiệm qua xã hội của cháu đang ở chưa mà Chú biết?” Chú có kỷ niệm gì với quê hương không, chú kể cho cháu nghe với?

Chú Lưu lại tâm sự, “Có chứ, Chú là nhân chứng sống mà.  Những năm xưa, mới 10 tuổi, đang học lớp 3, quê mình bị Cách mạng chiếm, gia đình phải ở với Cách mạng hơn 2 năm. Dưới sự giáo dục đầy căm thù, nhiều đứa sau này lớn lên đi theo Cách mạng và làm đúng như những gì đã dạy. Hàng đêm bọn chú được cho theo đám du kích học cách gài mìn đường bộ, đường xe lửa. Lâu lâu chứng kiến cảnh chúng nó xử tử một người mà chúng bắt được, cho là ác ôn, bằng mã tấu. Chúng đào một cái hố, cột nạn nhân vào cây cột, chém lìa đầu rồi đạp thây xuống hố, bọn chú lấy đất lấp lại. Có những đêm mùa đông mưa lạnh, đứng giữa trời rét run, nghe chúng dạy hận thù, mà lòng mình trơ như gỗ. Bọn trẻ đứng nhìn, vô cảm, có muốn khóc cũng không dám thút thít vì sợ cho là có tình cảm với kẻ thù. Hai năm trời sống trong vùng bị chiếm, ngày trốn dưới hầm vì sợ máy bay, đêm vào lớp chong đèn dầu, không học được một chữ gì ngoài những khẩu hiệu tuyên truyền trống rỗng. Khi quân đồng minh (Ðại Hàn) qua giúp, quê miền núi của em được giải phóng, xuống Quy Nhơn thi đậu vào lớp 6 Cường Ðể dù trong hơn 2 năm chỉ tự học ở dưới hầm…

“Thiệt vậy sao Chú Lưu?” Lan hỏi.

“Đúng vậy đó con, bây giờ chú nghĩ lại những năm tháng tuổi thơ đó mà rùng mình. Vì quá quen với những cảnh xử tử khi còn nhỏ, chú không sợ nhìn người chết, chỉ sợ người sống có dã tâm. Phải chăng xã hội Việt Nam bây giờ có nhiều loại người như thế?”


Câu hỏi cuối trong lời tâm sự của Chú Lưu làm Lan như chợt tỉnh. Tự nhiên nàng cảm thông với người chú họ của mình. Những ưu tư, khắc khoải và u uất từ những năm tháng cũ mà chú phải chôn lấp nó. Chú cũng không muốn nói ra vì như có lần chú tâm sự, “Sợ chính quyền hành hạ người thân mình bên nhà không cần thiết. Chú lại cần phải về đó để thăm mồ mả tổ tiên, chứ đâu có dứt bỏ đi được. Nay hồi tưởng, nhìn lại sao thấy tuổi thơ mình kinh hoàng quá. Bây giờ sống trên xứ bình yên, hàng ngày đọc báo trong nước thấy tội cho người thân của mình. Bây giờ chú sống hết mình với tình yêu dành trọn cho đồng bào đói nghèo, bất hạnh. Lâu lâu, nhớ lại những ngày xưa, tưởng mình đã chai đá, nhưng ngược lại rất dễ mủi lòng. Có đôi lúc ngồi khóc một mình khi nhớ về chốn cũ. Kinh hoàng, đau khổ, hận thù...là thế nhưng dù gì đó cũng là quê nhà mình. Bám vào quá khứ để sống, để biết mình còn có gốc. Bạn bè, người thân họ vẫn đang sống ở đấy. Quên làm sao được hả con?”

Đọc tới đây, Lan có chút nghèn nghẹn trong tâm hồn. Nhưng rồi, dòng chữ kết tiếp của chú Lưu,  “Mong được một ngày quay về đó nhìn thấy những điều tốt đẹp hơn. Hay đây mãi mãi chỉ là giấc mơ?” Lòng Lan như nức nở, lau vài giọt nước mắt xót thương. Nàng cố gắng giữ bình tĩnh. Nàng xin phép chú rời facebook vì đêm đã khuya. Nói chuyện xong, nàng lại tự thắc mắc với chính mình,

“Sao Chú mình lạ nhỉ, lúc nào kết thúc cũng bằng một dấu chấm hỏi.”

“Quên làm sao được hả con?” Ôi một câu hỏi mà chính nàng cũng đang tìm kiếm khi chính mình là nhân chứng cho cái chết dã man của Tèo.

“Biết nói gì đây với Mẹ?”, “Biết làm sao đây?”, “Biết làm sao đây?” Lan thiếp dần trong giấc ngủ.

Bên đầu dây kia, Mẹ Lan không còn nghe được tiếp câu chuyện, nhưng nghe nhắc đến tên thằng Tèo, Bà không khỏi bàng hoàng, vui buồn chồng chất. “Tèo ơi!” Bà gọi tên con. Tự nhiên bà muốn được hôn thật sâu trên gò má của thằng Tèo.


Đầm Sen, Một ngày tháng 8.




 

Truyện Ngắn: Tâm Sự Của Người Tóc Trắng


Nhìn tia chớp bay

vô thường không nghĩ đến

mới là người tuyệt haY

                                   Basho




         Mới đây mà đã ngoài 60, tóc đã bạc trắng. Nay thấy cảnh người tị nạn Syria chính trị vì bạo lực và ác độc của phiến quân Nhà nước Hồi giáo, ISIS, ở Trung Đông tràn qua Âu Châu theo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.  Đa số họ là cộng đồng người Hồi Giáo đã sống rất hoà bình và là những công dân tốt từ lâu. Như bao người khác, họ có đạo của họ phải theo, nhưng không quá khích và bạo tàn như những gì ta đang thấy ở Trung Ðông.


         Tự nhiên tôi đồng cảm với thân phận tỵ nạn của chính mình. Còn nhớ năm nào khi đến Mỹ với hai bàn tay trắng sau hơn nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, sống và chết mong manh như sợi tơ trời bảng lảng. Được tàu ngoại quốc cứu vớt và được vào đảo Guam.  Hình ảnh chúng tôi, đơn thân độc mã, vẫn còn như in vào tháng 6, năm 1975, chiếc máy bay đầu tiên chở hàng trăm người tị nạn như chúng tôi từ Guam đáp xuống phi trường Middle Town, để đưa về trại Indian Town Gap ở tạm chờ người bảo trợ. Hôm đó có 2 sự kiện xảy ra.


1. Vợ Chồng ngài Thống Ðốc tiểu bang và toàn bộ ban tham mưu của ông ra tận phi trường đón người tị nạn dù lúc đó mới 6 giờ sáng với những vòng hoa và lời chào mừng đầy thiện cảm.


2. Một nhóm người dân Mỹ chống đối đứng gần phi trường giơ cao biểu ngữ như : "Cút về nước đi, ở đây không có chỗ cho bọn Việt Cộng", hay là "Sự tử tế đang bắt đầu ở quê nhà của bạn, không phải ở đây", "Người Mỹ đã quá mệt mỏi với người Việt Nam rồi"....


         Nhìn hai hình ảnh tương phản đấy, chúng tôi ngồi trên xe bus đã rơi nước mắt: Nước mắt mừng vui vì được chính người cầm đầu tiểu bang chào đón như những người khách quý. Nước mắt buồn tủi vì thân phận mất quê hương mà còn bị hất hủi, xua đuổi, coi thường của người dân bản xứ. Nhớ lại những cảm giác hôm đó, tôi xin gởi đến các bạn những lời chia sẻ sau đây:


         Chúng ta là những người tị nạn, bỏ quê hương xứ sở ra đi vì bọn độc tài, tàn ác. Nếu năm 1975 và những năm sau đó người Mỹ và những người Phương Tây không mở rộng vòng tay để bảo bọc chúng ta, thì 40 năm sau làm gì có được một cộng đồng người Việt ở Mỹ vững mạnh và thành công như hôm nay. Chúng ta đến trước, người Syria đến sau, đi tìm tự do và thanh bình trên đất nước này, tất cả đều là những người di dân chính trị bất đắc dĩ. Cái mà người Syria tị nạn cần lúc này là sự rộng lượng, xẻ chia và thông cảm của chúng ta chứ không phải  những lời cáo buộc không bằng chứng. Việc an ninh và điều tra kỹ ai là người lành, người khủng bố sẽ có cơ quan an ninh lo. Chúng ta không thể dựa vào những gì đã biết về đạo Hồi Giáo mà buộc tội những người Syria tị nạn một cách vô tội vạ. Thử nghĩ lại xem, nếu như năm 1975, những người Mỹ đều nói tất cả những người Việt bỏ nước ra đi đều là Việt Cộng hết thì sao. Chúng ta nên bình tĩnh, để cho người địa phương, những người tị nạn, di dân khác biết chúng ta không ích kỷ, nhỏ nhoi. Chúng ta không phải là những người qua cầu rút ván.


         Hãy làm việc từ thiện như người khác đã làm cho mình. Xin đừng tiếp tục phổ biến những điều mà chúng ta chưa biết là sự thật, vô tình chung làm hại nhiều người Syria đáng thương đang rất cần vòng tay rộng lượng của chúng ta lúc này. Hãy để chính quyền lo liệu, giúp nhiều hay giúp ít là tùy họ. Chờ đến khi có người tị nạn nào được đưa đến vùng mình đang ở, thì chúng ta nên tìm đến để uỷ lạo tinh thần và giúp họ những gì họ cần để bắt đầu một cuộc sống mới trên đất tự do, nhưng là một hình thức và khái niệm sống của người Mỹ - Pay It Forward. Phải chăng nghệ thuật sống là biết sống cho người khác?