Showing posts with label Bùi Chí Trung. Show all posts
Showing posts with label Bùi Chí Trung. Show all posts

Monday, December 16, 2024

Lê Nguyễn: Tín ngưỡng Quan Âm, một đề tài độc đáo trong nghiên cứu Phật giáo

 

Tiến sĩ Bùi Chí Trung năm nay chưa đến 80 tuổi, song anh đã có một khoảng thời gian 55 năm sống ở nước Nhật! Xuất dương du học năm 1969, anh lấy bằng Tiến sĩ Nông học tại trường Đại học Nagoya, giảng dạy tại Đại học Aichi Shukutoku và tham gia vào nhiều tổ chức, dự án văn hóa và phát triển trên đất nước Phù Tang này.

Tuy xa quê nhà khá lâu, Bùi Chí Trung vẫn không để thời gian làm phai nhạt ký ức về nguồn cội của mình. Anh đã nhiều lần về Việt Nam, tham gia vào những công trình văn hóa, nghiên cứu và phục hồi di sản của cha ông. Anh từng góp mặt trong chương trình trùng tu lăng Minh Mạng với sự tài trợ của tổ chức Toyota Foundation vào cuối thập niên 1990.

Năm 2021, sau một thời gian dài nghiên cứu phế tích Mỹ Sơn, nơi từng được tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1995), anh hợp tác cùng nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nguyên Quản thủ Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng, biên soạn tác phẩm “Phế tích Mỹ Sơn, cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ Champa” (NXB Đà Nẵng – 2021).

Đầu năm 2020, tại thành phố Nagoya của Nhật Bản, một cuộc kỳ ngộ đã diễn ra giữa TS Bùi Chí Trung và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc chân tu mà tài năng và nhân cách đã làm rung động hàng triệu trái tim Việt Nam và thế giới. Mối duyên này đã tạo điều kiện cho anh đóng góp tích cực vào việc giới thiệu với người đọc trong và ngoài nước hai tập thơ của thầy Tuệ Sỹ: Thiên lý độc hành (NXB Đà Nẵng 2021, 2023) và Ngục trung mị ngữ (NXB Đà Nẵng 3/2024). Trong cả hai tập thơ ấy, Bùi Chí Trung nhận lãnh phần dịch thơ Tuệ Sỹ sang tiếng Hán Nôm và tiếng Nhật.

Trang bìa tác phẩm “Bồ Tát Quan Âm – Tín ngưỡng và 50 tượng tuyển ở Nhật Bản” của Tiến sĩ Bùi Chí Trung

Trong một dịp hội ngộ và thảo luận nhiều vấn đề, căn cứ vào những hiểu biết của anh về Phật học, nhất là về hình tượng Bồ tát Quan Âm, thầy Tuệ Sỹ gợi ý và động viên anh viết về vị Bồ tát được nhiều người biết đến nhưng sự hiểu biết về các vấn đề liên quan thì chưa bao nhiêu. Từ sự khuyến khích của bậc chân tu và những nỗ lực của bản thân, TS Bùi Chí Trung miệt mài đọc và miệt mài viết, cuối cùng, anh cũng đã giới thiệu được với người đọc tác phẩm “Bố tát Quan Âm – Tín ngưỡng và 50 tượng tuyển ở Nhật Bản” (NXB Đà Nẵng – quý 4/2024).

Như ta đã biết, với đa số người Việt Nam, Bồ tát Quan Âm là một phụ nữ dịu dàng luôn ra tay tế độ người ngay và biến thân cứu giúp người gặp nạn. Cũng từ ý tưởng đó mà vị Bồ tát này còn được gọi là “Phật Bà Quan Âm”. Song theo lịch sử của Phật giáo từ lúc khởi thủy, Bồ tát Quan Âm không hẳn là người nữ.

* Trong chương I của tác phẩm, tác giả đề cập đến tín ngưỡng Quan Âm xuất phát từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất thuộc Công nguyên và phải đến thế kỷ thứ 5, tín ngưỡng này mới thịnh hành ở Trung Hoa kèm với câu tục ngữ “Gia gia Quán Thế Âm, Xứ xứ A Di Đà Phật”.

Tại vùng bán đảo Indochina (bán đảo Ấn-Trung), tín ngưỡng Quan Âm được truyền bá dọc theo con đường tơ lụa trên biển và sự phù hộ của Bồ tát Quan Âm cho người đi biển là dấu ấn rõ nét nhất của tín ngưỡng này. Cũng từ đó hình tượng Quan Âm Nam Hải được thờ phụng tại các chùa nằm dọc theo con đường tơ lụa trên biển.

Một trong những điểm đặc biệt mà TS Bùi Chí Trung đề cập đến trong phần đầu tác phẩm là sự phân biệt hai khái niệm “hóa thân” và “ứng thân” ở Bồ tát Quan Âm mà không mấy người nhận thức được một cách rõ ràng. Tác giả phân tích rõ Hóa thân là hình tượng Quan Âm biến tướng ra thành nhiều Quan Âm khác nhau, với những tên gọi khác nhau; còn Ứng thân là những dạng tướng xuất phát từ hóa thân Quan Âm, ứng hiện để cứu độ chúng sinh, dưới các hình tướng khác nhau và gần gũi với đời thường như Tỳ khưu, cư sĩ, trưởng giả, phụ nữ, …

Như vậy, ở khái niệm Hóa thân, hình tượng Quan Âm vẫn là Quan Âm, chỉ khác nhau ở tên gọi và các chi tiết phụ trên trang phục; còn Ứng thân là hình tượng được ứng biến khác hẳn với Quan Âm và gần gũi với cõi nhân gian. Từ khái niệm này, có 33 Hóa thân Quan Âm ở Nhật Bản được đặt tên theo các vị thần ở Ấn Độ và Trung Quốc như: Dương Liễu, Bạch Y, Thanh Đầu, Ngư Lam, Thủy Nguyệt … Bạch Y Quan Âm (Quan Âm mặc áo trắng) và Dương Liễu Quan Âm (Quan Âm tay cầm nhành dương liễu) là những hóa thân mà chúng ta thường thấy được thể hiện ở các chùa chiền và nhiều nơi thờ phụng khác.

Hai tượng Bồ tát Quan Âm trong nền văn hóa Champa, một vào thế kỷ X, tìm thấy ở Quảng Bình (trái); một vào thế kỷ thứ VIII-IX, tìm thấy ở Bình Định

Xuất phát từ 33 Hóa thân, tín ngưỡng Quan Âm cũng có 33 ứng thân tương ứng như: Phật thân, Bích chi Phật, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Trưởng giả phụ nữ, Cư sỹ phụ nữ, Tể quan phụ nữ, Dạ Xoa, A Tu La…. Đó là những khái niệm cơ bản trong tín ngưỡng Quan Âm.

* Chương II của tác phẩm dành cho những kiến thức cơ bản về tượng Phật ở Nhật Bản, các phương pháp tạc tượng và phục chế tượng qua các thời kỳ lịch sử. Tác giả cho biết sau khi Phật Thích Ca nhập diệt và trà tỳ, đối tượng của tín ngưỡng Phật giáo chỉ là Xá lợi hay Tháp Xá lợi. Phải chờ đến cuối thế kỷ thứ nhất thuộc Công nguyên, dưới ảnh hưởng của mỹ thuật La Mã và Hy Lạp, những tượng Phật đầu tiên mới được chế tác tại Gandhara thuộc vùng Tây Bắc Pakistan ngày nay.

Ở Nhật Bản, mãi đến thế kỷ thứ VI, những tượng Phật đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện dưới dạng cống tặng từ nơi khác và việc xây chùa, tạc tượng mới trở nên rầm rộ vào thế kỷ thứ VII.

* Cuối cùng, TS Bùi Chí Trung đã dành gần trọn chương III dài trên 120 trang khổ lớn để giới thiệu 50 tượng Bồ tát Quan Âm được tuyển chọn từ các cơ sở tôn giáo trên toàn nước Nhật. Đó là những tác phẩm được chế tác trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau, bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Mỗi pho tượng được tác giả giới thiệu các chi tiết liên quan như: danh xưng, loại tượng, niên đại chế tác, chất liệu và phương pháp tạo tượng, chiều cao, tác giả, loại di sản văn hóa…

Ngoài các tượng Thiên thủ Quan Âm Bồ tát (Bồ tát Quan Âm có một ngàn tay), người xem ghi nhận sự hiện diện của khá nhiều tượng Thập Nhất Diện Quan Âm (Quan Âm có 11 gương mặt), với một gương mặt chính và 10 gương mặt nhỏ được tạc quanh đầu pho tượng. Liệu có thể xem đây là cách chế tác tượng độc đáo riêng của nước Nhật, vì hầu như chúng ta không thấy, hay rất ít thấy, hình thức “Thập Nhất Diện Quan Âm” tại các cơ sở thờ tự ở Việt Nam?

Chỉ riêng chương III đã cho độc giả một khối lượng hình ảnh tư liệu đồ sộ được chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, được chụp bằng những kỹ thuật tinh tế, làm nổi bật từng góc cạnh của các pho tượng.

Với nỗ lực của tác giả, của Thư quán Hương Tích mà người sáng lập là Hòa thượng Tuệ Sỹ và hiện người kế tục là thầy Hạnh Viên, của nhà xuất bản Đà Nẵng, cùng nhiều thân hữu khác, tác phẩm dày trên 260 trang khổ lớn (21,6 x 27,9 cm), ảnh màu in trên giấy trắng, láng và dày, được phát hành tại Thư quán Hương Tích ở số 2/5 Đoàn Thị Điểm – Phường I – Quận Phú Nhuận – TPHCM.

Trân trọng

Lê Nguyễn
1.12.2024

TS Bùi Chí Trung và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (trái) tại Nara (Nhật Bản) năm 2020
TS Bùi Chí Trung và Giáo sư Lê Mạnh Thát (trái), người viết lời giới thiệu tác phẩm Bồ tát Quan Âm …
Một số trong 33 hình tướng hóa thân Bồ tát Quan Âm, trích từ sách “Phật tượng đồ vị” của họa sư Nhật Tosa Hidenobu vẽ năm 1783
Tranh vẽ “Quan Âm tam thập tam ứng thân đồ” (33 ứng thân của Bồ tát Quan Âm) vào thế kỷ XV
Tượng Thiên thủ Quan Âm chùa Doojooji (Đạo Thành Tự) tại Wakayama
Tượng Thập nhất diện (Thiên thủ thiên nhãn) Quan Âm (11 gương mặt, 1000 tay, 1000 mắt) chùa Juhooji (Thọ Bảo Tự) tại Kyoto
10 gương mặt nhỏ tạc quanh đầu pho tượng Thập nhất diện Quan Âm chùa Hokkeji (Pháp Hoa Tự) tại Nara