Showing posts with label Phan Tấn Hải. Show all posts
Showing posts with label Phan Tấn Hải. Show all posts

Tuesday, May 21, 2019

Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông



Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông
Nguyên Giác
Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông.
Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.
Riêng về truyện thơ, cũng có ba dị bản khác nhau, tất cả đều bằng thể lục bát. Như thế, ông bà mình đã ưa thích truyện này một cách đặc biệt.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm qua bài viết có nhan đề “Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới” đã ghi nhận:
“Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:
 (1) chưa từng được giới thiệu,
 (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và
 (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.
Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b.  Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu...”
Trong khi đó, Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi qua bài viết nhan đề “Một cái nhìn khác về truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông do Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu” ghi nhận rằng truyện có chủ đề là:
…cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam. 
… o …
Nơi đây có thể tóm tắt rất sơ lược cốt truyện Thạch Sanh từ tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ấn bản 1957, như sau:
“Thời rất xưa, ở quận Cao Bình. Hai vợ chồng già, nghèo, lòng tốt, nhưng không con. Ngọc Hoàng (một vị vua cõi trời, không phải Thượng Đế, vì cổ tích Việt Nam không công nhận Đấng Sáng Tạo) sai thái tử đầu thai làm con nhà họ Thạch. Bà cụ có thai, lâu cả mấy năm mà không sinh. Ông cụ Thạch bệnh, chết. Vài năm sau, Thạch Bà sinh con trai. Cụ bà chết. Cậu bé dựng lều sống dưới gốc đa, được dân goi là Thạch Sanh. Cậu chỉ có một lưỡi búa. Ngọc Hoàng sai tướng trời xuống dạy cậu võ, và phép thần.
Có người bán rượu, tên Lý Thông, thấy Thạch Sanh có sức khỏe, nên kết thân, mời về nhà để dỡ công việc. Trong vùng có Chằn Tinh, thường an thịt người. Quan quân trừ không nổi, nên dựng miếu, mỗi năm cúng một mạng người cho Chằn. Năm ấy, tới phiên Lý Thông nạp mạng. Lý lừa gạt Thạch, nhờ thay Lý đi canh miếu thay một đêm rồi sáng hôm sau về. Nửa đêm, Chằn hiện ra, Thạch Sanh rút búa xả đôi Chằn, mới thấy là con trăn. Thạch Sanh cắt đầu trăn và cầm cung tên vàng của Chằn về.
Khi Thạch Sanh về, kể lại, Lý Thông nói, rằng trăn đó là của vua nuôi, rằng Thạch Sanh hãy trốn đi. Thạch lại về gốc đa ven rừng ở. Lý Thông đem đầu Chằn nạp cho vua. Vua khen, phong chức tước cho Lý Thông. Trong triều có công chúa, chưa ưng ai. Vua tổ chức hội tuyển phu, cho hoàng tử các nước và trai tráng trong dân tới chờ quả cầu do công chúa ném từ lầu cao xuống. Khi cô sắp ném cầu, Đại bàng bay ngang, sà xuống cắp công chúa bay về núi. Thạch Sanh đang ở gốc đa, ngó lên mây, thấy, mới rút cung tên, bắn trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh dò theo vết máu, biết cửa hang Đại bàng.
Vua sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa gả công chúa và truyền ngôi. Lý Thông nghĩ chỉ có Thạch Sanh mới cứu được công chúa. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nhờ dẫn đường tới cửa hang Đại bàng. Hang sâu. Không ai dám xuống. Thạch Sanh tự nguyện buộc dây ở lưng rồi xuống hang. Đại bàng đang dưỡng thương. Thạch Sanh đưa thuốc mê để công chúa   cho Đại bàng uống. Khi Đại bàng ngủ say, Thạch lấy dây buộc công chúa, hiệu cho quân Lý Thông kéo lên. Cứu công chúa xong, Lý Thông lấy đá lấp hang. Dưới hang, Thạch Sanh giết chết Đại bàng, cứu một thanh niên ra khõi cũi sắt, mới biết đó là thái tử con vua Thủy, bị Đại bàng bắt về hơn cả năm. Thái tử mời Thạch Sanh xuống Thủy phủ chơi. Vua Thủy phủ gặp con, vui mừng, xin đền ơn. Thạch Sanh từ chối, chỉ xin một cây đàn, rồi về lại gốc đa.
Hồn của Chằn tinh và Đại bàng sau khi chết, đói vì không được ai cúng tế, tình cờ gặp nhau, bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Lính theo dấu tìm, đến gốc đa thì gặp tang vật, bắt Thạch Sanh về giam.
Công chúa về triều, tự nhiên bị câm, buồn hoài, nên vua hoãn hôn lễ với Lý Thông. Thấy quân bắt Thạch Sanh về, Lý Thông mới tính xử tử Thạch Sanh. Trong tù, Thạch Sanh buồn, lấy đàn của vua Thủy ra chơi, không ngờ đàn thần vẳng tiếng như than, như oán, vạch tội Lý Thông. Công chúa nghe tiếng đàn, vui mừng, cười nói, xin vua mời người đàn vào cung.
Thạch Sanh kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua sai bắt 2 mẹ con Lý Thông, giao Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh tha, cho hai mẹ con Lý Thông về quê. Nửa đường, hai mẹ con bị sét đánh chết. Vua làm lễ cưới công chúa cho Thạch Sanh. Hoàng tử các nước bị từ hôn nổi giận, tụ họp lính 18 quốc gia tới hỏi tội vua. Thạch Sanh lấy đàn thần ra khảy, lính 18 nước buông vũ khí. Thạch Sanh sai dọn cơm cho lính các nước ăn no để về. Niêu cơm nhỏ, nhưng ăn hoài lại có cơm  ra hoài. Vua không con trai, nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.” (Hết tóm lược)
GS Nguyễn Đổng Chi trong phần Khảo  dị ghi rằng có các phiên bản truyện từ các nhóm đồng bào thiểu số, như người Tày, Khmer, Mèo…
Theo nghiên cứu của trang báo Trí Thức Trẻ/SOHA ngày 9/6/2015, dựa vào Khảo dị sách trên ghi về công trình tác giả Phan Nhật, và dựa vào  địa danh "Cao Bình" trên Wikipedia, ghi rằng quê quán Thạch Sanh như thế là ở Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng.
Wikipedia viết: "Trấn Cao Bình, nơi nhà Mạc đóng đô sau khi rút lên Cao Bằng. Nay là xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng…”
Và cũng theo Wikipedia: “Xã Hưng Đạo xưa chính là trấn lỵ Cao Bình. Thời nhà Mạc, khi rút về Cao Bằng, Cao Bình cùng với Nà Lự (Hoàng Tung) chính là nơi nhà Mạc đóng đô."
SOHA viết: “Thông tin này hoàn toàn khớp với thực tế hiện tại, ở xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng nay có ngôi trường cấp 3 mang tên Trường THPT Cao Bình và có 1 con phố mang tên Cao Bình. Chắc chắn đó là tên gọi lưu lại dấu tích của địa danh Cao Bình xưa.”
… o …
Theo truyện truyền khẩu như thế, chúng ta thấy một số chi tiết liên hệ tư tưởng Phật giáo.
Thạch Sanh là thái tử cõi trời đầu thai về cõi người. Đó là tư tưởng Bồ Tát. Những người như thế không dễ nhiễm ô như người đời thường. Thạch Sanh còn có nghĩa là sanh ra từ đá. Như thế, nghĩa là tâm hồn trong sạch bản nhiên. Bà cụ Thạch mang thai nhiều năm, tới khi ông cụ Thạch chết đi nhiều năm, mới sinh ra cậu Thạch. Nghĩa là, sanh ra đã kỳ bí.
Lịch sử Việt Nam cũng có truyện Phật Mẫu Man Nương sinh con theo cách kỳ bí, Wikipedia kể theo sách Lĩnh Nam Trích Quái:
“Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà [Man Nương] là một người con gái rất sùng đạo Phật, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.
Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.
Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư.”
Mang bầu tới hai mươi tháng… trong khi cụ Thạch Bà mang bầu Thạch Sanh nhiều năm.
Hình ảnh Thạch Sanh còn tượng trưng cho các thiện pháp. Lý Thông tượng trưng cho bất thiện pháp; riêng nghề bán rượu đã là một việc bị cấm trong nhà Phật, chưa kể tới họ Lý cứ ưa chuyện lừa gạt, nói dối, cướp công, gài mưu sát nhân… Gộp chung, Chằn tinh, Đại bàng và Lý Thông là một khối Tham, Sân, Si – nhà Phật gọi là Tam Độc, tức là ba thứ độc hại.
Sự kiện Thạch Sanh giết xong Chằn tinh, chặt đầu Chằn để không còn quậy phá nữa (đầu, tượng trưng ý thức tự chấp ngã là chủ thể -- thì không ngờ hồn ma Chằn vào cõi âm quậy tiếp, nghĩa là, vọng tâm có khi tưởng là bị cắt đầu rồi, không ngờ vẫn tàng ẩn sâu thẳm…), tịch thu chiến lợi phẩm là cung tên vàng. Đây là ý nghĩa: cung tên vàng trong tay Chằn là để hại người, nhưng vào tay Thạch Sanh là để cứu người; từ bất thiện pháp, hóa sang thiện pháp.
Chuyển công dụng cung tên vàng như thế, là nỗ lực chuyển ba độc Tham Sân Si thành Giới Định Huệ. Tuy nhiên, Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn trúng cánh Đại bàng, lại không giết nổi, chỉ vì lấy ý thức xóa sổ Tam Độc là không bứng gốc nổi, chỉ buộc Đại bàng lui về ẩn dưới hang sâu. Hình ảnh hang sâu là ẩn dụ thường dùng trong nhà Phật, tượng trưng gốc rễ khó thấy của Tham Sân Si Mạn Nghi. Bản Kinh Tập trong Tiểu Bộ, ký số Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta, còn được dịch là “Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động”… Do vậy, Thạch Sanh phải thân chinh, xuống tận hang sâu, bày mưu tính kế, mới giết xong Đại bàng. Đi xuống tận hang sâu là dò tận gốc rễ tâm mình. Lúc đó, cứu được thái tử con vua Thủy phủ. Thạch Sanh được mời thăm Thủy phủ, được vua Thủy phủ tặng đàn thần. Không ngờ hồn ma Chằn tinh và Đại bàng quậy hoài thôi, gài bẫy để quân lính bắt Thạch Sanh về nghi ngờ trộm kho báu nhà vua. Chuyện hai hồn ma cấu kết nơi đây cũng là niềm tin dân gian rằng có cõi bên kia, không ai cúng tế nên cứ kẹt làm ma đói hoài. Thạch Sanh bị lính bắt vào tù, mới khảy đàn thần cho đỡ buồn… Thế là công chúa trong cung vua nghe được.
Chúng ta thấy rằng, khi hoàng tử các nước kéo binh tướng 18 quốc gia tới bao vây, hỏi tội vua cha vì sao từ chối họ để gả công chúa cho Thạch Sanh. Con số 18 quốc gia là tượng trưng cho toàn bộ thế giới cõi này (thân, tâm, cảnh). Phân tích chi tiết, lính 18 quốc gia tới xâm phạm, là hình ảnh chúng ta bị thế giới cõi này trói buộc: Nhóm 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhóm 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhóm 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Căn, trần, thức nào cũng đều là binh tướng hung hiểm, khi còn bị vây trong Tham Sân Si.
Thế rồi Thạch Sanh xua tan được binh tướng 18 quốc gia là nhờ dùng cây đàn thần và cái nồi cơm ăn hoài không hết. Tại sao đàn thần, tại sao nồi cơm? Hai hình ảnh này gợi nhớ tới một kinh trong Phật giáo Bắc tông.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, nơi Phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có lời Đức Phật giải thích về công đức của ngài Diệu Âm:
 Đức Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: "Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, cõi nước tên là Hiện-Nhứt-Thiết-Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Diệu-Âm Bồ-Tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân-Lôi Âm-Vương Phật cùng dâng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật, có sức thần như thế. Hoa-Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó,nơi chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Vương Phật, Diệu-Âm Bồ-Tát cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu-Âm đại Bồ-Tát đây…”
Nhạc công đức đó, vào truyện Thạch Sanh là cây đàn thần. Bát báu công đức đó, trở thành nồi cơm cho quân lính 18 nước ăn hoài không hết. Phải dùng tới Phật pháp của ngài Diệu Âm, mới dẹp được quân binh 18 nước vây thành, mới đem hòa bình thực sự… Không có thiện nghiệp từ “một vạn hai nghìn năm” hẳn là không dễ có sức thần đầy oai lực. Số lượng mười muôn, và số lượng tám muôn bốn ngàn có nghĩa là nhiều không kể đếm nổi, có nghĩa là toàn bộ “thân, khẩu và ý” của từng người chúng ta cúng dường lên Đức Phật, nghĩa là vâng phục hoàn toàn cho thiện pháp. Cũng nên nhắc rằng, Kinh Pháp Hoa trước giờ rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào.  Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện. Truyện này gắn bó với dân mình sâu đậm tới mức được ghi vào ca dao, tục ngữ: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
Do vậy, tác phẩm dịch và chú giải Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm không chỉ có giá trị về văn học nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc nhở và khuyến tấn: thiện pháp lúc nào cũng vắng, nhưng tận cùng rồi sẽ chiến thắng.
Nguyên GIác
GHI CHÚ:  
Buổi nói chuyện với Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm về “Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác” sẽ thực hiện vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00 giờ chiều -5:00 giờ chiều Tại Viện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Phone: (714) 775-2050 / E-mail: info@viethoc.com

Wednesday, March 27, 2019

Nguyên Giác: Kinh Phật Nói Gì Về Vong Linh?

Một ngôi Chùa miền Bắc, Việt Nam.  Photo: Internet

Kinh Phật Nói Gì Về Vong Linh?
Nguyên Giác
Trong nước đang sôi nổi về chuyện thỉnh vong, giải trừ oan gia trái chủ tại ngôi Chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh. Bài này không có ý trực tiếp góp tiếng thảo luận về những sự kiện người viết không theo dõi đầy đủ. Chủ đề bài này nêu ra là: Kinh Phật trong Tạng Pali nói gì về chuyện vong linh? Đây là một đề tài gây sôi nổi, được nhiều học giả tôn túc tìm hiểu, thảo luận. Bài này cũng tránh nói về các cuộc tranh luận về vong trong học giới Tây phương, nơi đây chủ yếu sẽ dẫn ra hai kinh trong Kinh Tiểu Bộ đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt, và tiếp theo sau đó sẽ là các bản Việt dịch khác của Hòa Thượng Indacanda.
Kinh thứ 6 trong nhóm Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapàtha) là Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) – kinh này cũng có trong Kinh Tập (ký số Sn 2.1) hiện có nhiều bản Anh dịch.
Bhikkhu Thanissaro giới thiệu Kinh Châu Báu, xin dịch như sau:
      “Sự kiện cho kinh này, nói ngắn gọn, theo luận thư, là vì: thành phố Vesali bị nạn dịch, gây chết chóc, đặc biệt với người nghèo. Vì xác chết nằm la liệt, các vong hung dữ bắt đầu quậy phá thành phố; kế tiếp là bệnh truyền nhiễm chết người. Vì gặp cả ba nỗi lo về đói, về vong dữ, và về dịch bệnh, cư dân tìm tới, xin Đức Phật, lúc đó ngài đang ở Rajagaha, cứu giúp.
Đi cùng nhiều vị tăng, trong đó có thị giả Ananda, Đức Phật vào thành Vesali. Khi Thế Tôn bước vào, mưa rào đổ xuống, quét sạch các xác chết đang phân hủy. Khi không khí trong sạch, thành phố thanh tịnh hơn.
Nơi đây, Đức Phật  đọc bài Kinh Châu Báu cho ngài Ananda, dạy ngài về cách nên hướng dẫn và cùng với cư dân Vesali đi quanh thành phố, tụng kinh này để dùng như oai lực bảo vệ cư dân Vesali. Ngài Ananda làm theo lời dạy, rải nước tịnh thủy từ bình bát riêng của Đức Phật. Do vậy, các ác vong được nhẹ nghiệp, nạn dịch bệnh giảm. Sau đó, ngài Ananda cùng dân Vesali trở về hội trường, nơi Đức Phật và chư tăng đang chờ. Kế tiếp, Đức Phật một lần nữa, đọc Kinh Châu Báu.” (hết trích dịch)
Nối kết bản Anh và Việt của Kinh Châu BáuKinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta) sẽ nằm ở (1). Cũng cần ghi rằng có bản Việt dịch khác của Kinh Ngoài Bức Tường do Đại sư Indacanda thực hiện, và kinh này nằm trong Tiểu Bộ Kinh, phần Petavatthu (Chuyện Ngạ Quỹ).

Nơi đây, hai kinh do HT Thích Minh Châu dịch sẽ viết theo thể văn xuôi cho dễ nhìn, trích:
VI. Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  1. Phàm ở tại đời này, Có sanh linh tụ hội, Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Mong rằng mọi sanh linh, Được đẹp ý vui lòng, Vậy, hãy nên cẩn thận, Lắng nghe lời dạy này.
2. Do vậy các sanh linh, Tất cả hãy chú tâm, Khởi lên lòng từ mẫn, Đối với thảy mọi loài, Ban ngày và ban đêm, Họ đem vật cúng dường, Do vậy không phóng dật, Hãy giúp hộ trì họ.
3. Phàm có tài sản gì, Đời này hay đời sau, Hay ở tại thiên giới, Có châu báu thù thắng, Không gì sánh bằng được, Với Như Lai Thiện Thệ, Như vậy, nơi Đức Phật, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
4. Đoạn diệt và ly tham, Bất tử và thù diệu. Phật Thích-ca Mâu-ni, Chứng Pháp ấy trong thiền, Không gì sánh bằng được, Với Pháp thù diệu ấy. Như vậy, nơi Chánh Pháp, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
5. Phật, Thế Tôn thù thắng, Nói lên lời tán thán, Pháp thù diệu trong sạch, Liên tục không gián đoạn, Không gì sánh bằng được, Pháp thiền vi diệu ấy. Như vậy, nơi Chánh Pháp, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
6. Tám vị bốn đôi này, Được bậc thiện tán thán. Chúng đệ tử Thiện Thệ, Xứng đáng được cúng dường. Bố thí các vị ấy, Được kết quả to lớn. Như vậy, nơi tăng chúng, Là châu báu thù diệu  Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
7. Các vị lòng ít dục, Với ý thật kiên trì, Khéo liên hệ mật thiết, Lời dạy Gô-ta-ma! Họ đạt được quả vị, Họ thể nhập bất tử, Họ chứng đắc dễ dàng, Hưởng thọ sự tịch tịnh, Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
8. Như cây trụ cột đá, Khéo y tựa lòng đất. Dầu có gió bốn phương, Cũng không thể dao động. Ta nói bậc Chơn nhân, Giống như thí dụ này, Vị thể nhập với tuệ, Thấy được những Thánh đế, Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
9. Những vị khéo giải thích, Những sự thật Thánh đế, Những vị khéo thuyết giảng, Với trí tuệ thâm sâu. Dầu họ có hết sức, Phóng dật không chế ngự, Họ cũng không đến nỗi, Sanh hữu lần thứ tám, Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
10. Vị ấy nhờ đầy đủ, Với chánh kiến sáng suốt, Do vậy có ba pháp, Được hoàn toàn từ bỏ, Thân kiến và nghi hoặc, Giới cấm thủ cũng không, Đối với bốn đọa xứ, Hoàn toàn được giải thoát. Vị ấy không thể làm, Sáu điều ác căn bản, Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu. Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
11. Dầu vị ấy có làm, Điều gì ác đi nữa, Với thân hay với lời, Kể cả với tâm ý, Vị ấy không có thể, Che đậy việc làm ấy, Việc ấy được nói rằng, Không thể thấy ác đạo. Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu. Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
12. Đẹp là những cây rừng, Có bông hoa đầu ngọn, Trong tháng hạ nóng bức, Những ngày hạ đầu tiên, Pháp thù thắng thuyết giảng, Được ví dụ như vậy. Pháp đưa đến Niết Bàn, Pháp hạnh phúc tối thượng, Như vậy, nơi Đức Phật, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
13. Cao thượng biết cao thượng, Cho đem lại cao thượng, Bậc Vô thượng thuyết giảng, Pháp cao thượng thù thắng, Như vậy nơi đức Phật, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
14. Nghiệp cũ đã đoạn tận, Nghiệp mới không tạo nên, Với tâm tư từ bỏ, Trong sanh hữu tương lai, Các hột giống đoạn tận, Ước muốn không tăng trưởng Bậc trí chứng Niết Bàn, Ví như ngọn đèn này, Như vậy, nơi Tăng chúng, Là châu báu thù diệu. Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
15. Phàm ở tại đời này, Có sanh linh tụ hội, Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Hãy đảnh lễ Đức Phật, Đã như thực đến đây, Được loài Trời, loài Người, Đảnh lễ và cúng dường, Mong rằng, với hạnh này, Mọi loài được hạnh phúc.
16. Phàm ở tại nơi này, Có sanh linh tụ hội, Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Hãy đảnh lễ Chánh pháp, Đã như thực đến đây, Được loài Trời, loài Người; Đảnh lễ và cúng dường, Mong rằng với hạnh này, Mọi loài được hạnh phúc.
17. Phàm ở tại đời này, Có sanh linh tụ hội Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Hãy đảnh lễ chúng Tăng, Đảnh lễ và cúng dường, Mong rằng với hạnh này, Mọi loài được hạnh phúc.
__()__
VII. Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta)
                             1. Ở bên ngoài bức tường, Bọn họ đứng chờ đợi, Giao lộ, ngã ba đường, Trở về mái nhà xưa, Đợi chờ bên cạnh cổng.
2. Nhưng khi tiệc thịnh soạn, Được bày biện sẵn sàng, Đủ mọi thức uống ăn, Không một ai nhớ họ. Sự kiện này phát sinh Từ nghiệp xưa của họ.
3. Vậy ai có từ tâm, Nhớ cho các thân nhân, Thức uống ăn thanh tịnh, Tốt đẹp và đúng thời.
4. Món này cho bà con, Mong bà con an lạc, Đám ngạ quỷ thân bằng, Đã tề tựu chỗ đó.
5. Sẽ mong muốn chúc lành, Vì thực phẩm đầy đủ, Mong quyến thuộc sống lâu, Nhờ người, ta hưởng lợi.
6. Vì đã kính lễ ta, Thí chủ không thiếu quả Tại đó không cấy cày, Cũng không nuôi súc vật.
7. Cũng không có buôn bán, Không trao đổi tiền vàng, Các ngạ quỷ họ hàng, Chỉ sống nhờ bố thí.
8. Như nước đổ xuống đồi, Chảy xuống tận vực sâu, Bố thí tại chỗ này, Cung cấp loài ngạ quỷ.
9. Như lòng sông tràn đầy, Đưa nước đổ xuống biển, Bố thí tại chỗ này, Cung cấp loài ngạ quỷ.
10. Người ấy đã cho ta, Đã làm việc vì ta, Người ấy là quyến thuộc, Người ấy chính thân bằng. Hãy bố thí ngạ quỷ, Nhớ việc xưa chúng làm.
11. Không khóc than, sầu muộn, Không thương tiếc cách gì, Giúp ích loài ngạ quỷ, Quyến thuộc làm như vầy, Không lợi cho ngạ quỷ.
12. Nhưng khi vật cúng dường, Khéo đặt vào chư Tăng Ích lợi chúng lâu dài, Bây giờ, về sau nữa.
13 Chánh pháp được giảng bày, Như vậy cho quyến thuộc, Kính trọng biết chừng nào, Đối với người đã khuất, Chư Tăng được cúng dường, Cũng tăng thêm dõng mãnh, Người tích tụ công đức, Thật to lớn biết bao.
(GHI NHẬN: Kinh Ngoài Bức Tường, trong bản Anh dịch của ngài Ven. Kiribathgoda Gnanananda Thera có thêm câu đầu là, “Đức Phật đọc bài kinh này cho Vua Bimbisara sau khi vua thiết lễ trai tăng cúng dường cho tang đoàn.)
__()__

Nhóm chuyện Petavatthu bao gồm 51 bài, kể về các trường hợp khác nhau, cho thấy ác nghiệp sẽ dẫn tới tái sanh vào cõi “quỷ đói” (ngạ quỷ - peta).
Nơi đây, xin dẫn ra bản kinh ngài Xá Lợi Phất (Sariputta – có thế danh là Upatissa) thấy một quỷ đó hiện ra, và đó là người mẹ từ kiếp trước. Ngài đã hướng dẫn giải nghiệp cho mẹ. Kinh này ký số 2.2 trong Petavatthu.
Bản Việt dịch kinh này do ngài Indacanda thực hiện như sau:
                 “Này cô nàng lòi cả xương sườn, gầy guộc, nàng là ai mà đứng ở nơi đây, lõa lồ, có vóc dáng xấu xí, ốm o, nổi đầy gân?”
“Tôi là mẹ của ngài trong những kiếp sống khác trước đây, đã bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, bị gánh chịu sự đói khát.
Bị tác động bởi cơn đói, tôi ăn vật thuộc về người nữ và người nam: vật bị ói ra, vật bị khạc nhổ, nước miếng, nước mũi, đờm dãi, mỡ béo của những thi thể đang bị đốt cháy, và máu của những phụ nữ đang sanh, máu của những vết thương và của những vết cắt ở lỗ mũi và ở đầu.
Tôi có thức ăn là mủ máu của những loài thú nuôi và của những con người, không chốn nương tựa, và không nơi cư trú, có chỗ nghỉ ngơi là chiếc giường xám xanh (dùng khiêng tử thi).
Này con trai, hãy cho tôi vật thí, sau khi bố thí xin ngài hãy chỉ định (việc ấy là) dành cho tôi; được như thế thì tôi có thể thoát khỏi việc thọ thực mủ và máu.”
Sau khi lắng nghe lời nói của người mẹ, vị Upatissa, bậc có lòng thương tưởng, đã thỉnh ý các vị Moggallāna, Anuruddha, và Kappina.
Sau khi thực hiện bốn liêu cốc, vị ấy đã dâng các liêu cốc và cơm ăn nước uống đến Hội Chúng bốn phương; vị ấy đã chỉ định sự cúng dường là dành cho người mẹ.
Khi được chỉ định thì quả thành tựu đã được sanh lên ngay lập tức: vật thực, nước uống, vải vóc; quả báo này là do sự cúng dường.
Do đó, nàng ấy (nữ ngạ quỷ) trở nên sạch sẽ, có y phục tinh khiết, có sự trang phục bằng vải hạng nhất của xứ Kāsī, có các đồ trang sức và các tấm vải nhiều màu sắc, đã đi đến gặp vị Kolita.
“Hỡi nàng tiên, nàng đứng, với màu da nổi bật, khiến cho khắp các phương sáng rực lên, ví như ngôi sao osadhī.
Do điều gì nàng có được màu da như thế ấy? Do điều gì mà (sự việc) được thành tựu cho nàng ở nơi đây? Và (do điều gì mà) các sự hưởng thụ thích ý sanh lên cho nàng?
Hỡi nàng tiên có đại oai lực, ta hỏi nàng: ‘Khi là con người, nàng đã làm việc phước thiện gì? Do điều gì mà nàng có oai lực được rực sáng như vầy, và màu da của nàng chiếu sáng khắp các phương?’”
“Tôi là mẹ của Sāriputta trong những kiếp sống khác trước đây, đã bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, bị gánh chịu sự đói khát.
Bị tác động bởi cơn đói, tôi ăn vật thuộc về người nữ và người nam: vật bị ói ra, vật bị khạc nhổ, nước miếng, nước mũi, đờm dãi, mỡ béo của những thi thể đang bị đốt cháy, và máu của những phụ nữ đang sanh, máu của những vết thương và của những vết cắt ở lỗ mũi và ở đầu.
Tôi có thức ăn là mủ máu của những loài thú nuôi và của những con người, không chốn nương tựa, và không nơi cư trú, có chỗ nghỉ ngơi là chiếc giường xám xanh (dùng khiêng tử thi).
Nhờ vào sự bố thí của Sāriputta, tôi vui sướng, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu. Thưa ngài, tôi đi đến để đảnh lễ bậc hiền trí, đấng bi mẫn ở thế gian.”
Chuyện Ngạ Quỷ—Mẹ của Trưởng Lão Sāriputta là thứ nhì.”(hết trích) (2)
__()__
Tiếp theo nơi đây, xin trích ra truyện một quỷ đói hiện ra trước ngài Nandasena xin cứu, nói rằng cô khi sinh tiền là vợ của ngài trong cõi người, vì làm ác nghiệp nên rơi vào cõi ngạ quỷ. Truyện này, ký số 2.4 trong nhóm Petavatthu, cũng do Hòa Thượng Indacanda dịch ra tiếng Việt, như sau.
                         “Nàng đen đủi, có vóc dáng xấu xí, thô kệch, có dáng vẻ ghê rợn, có mắt đỏ ngầu, có răng hô, tôi nghĩ rằng nàng không phải loài người?”
“Này Nandasena, tôi là Nandā, trước đây tôi đã là vợ của ông. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
“Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà từ nơi đây nàng đã đi đến thế giới ngạ quỷ?”
Tôi đã là người nhẫn tâm, có lời nói thô lỗ, không tôn trọng ông. Sau khi nói lời tồi tệ với ông, tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
“Này, tôi cho nàng tấm choàng. Nàng hãy quấn mảnh vải này vào. Sau khi quấn vào mảnh vải này, hãy đi đến, ta sẽ đưa nàng về nhà.
Khi nàng đã đi đến nhà, nàng sẽ nhận được y phục, cơm ăn và nước uống. Nàng sẽ trông thấy những đứa con trai của nàng, và nhìn xem những cô con dâu.”
“Vật thí của ông dầu tay trao tay vẫn không lợi ích cho tôi. Ông hãy làm toại ý các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã lìa luyến ái, có sự nghe nhiều (học rộng), với cơm ăn và nước uống, rồi chỉ định sự cúng dường là dành cho tôi. Khi ấy, tôi sẽ được hạnh phúc, có sự thành tựu tất cả các dục lạc.”
“Tốt lắm!” Sau khi thỏa thuận, vị ấy đã thực hiện dồi dào vật thí: cơm ăn, nước uống, vật thực cứng, vải vóc, chỗ trú ngụ, lọng che, vật thơm, tràng hoa, và nhiều loại giày dép. Sau khi làm toại ý các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã lìa luyến ái, có sự nghe nhiều (học rộng), với cơm ăn và nước uống, rồi đã chỉ định sự cúng dường là dành cho nữ ngạ quỷ ấy.
Khi được chỉ định thì quả thành tựu đã được sanh lên ngay lập tức: vật thực, y phục, nước uống; quả báo này là do sự cúng dường.
Do đó, nàng ấy (nữ ngạ quỷ) trở nên sạch sẽ, có y phục tinh khiết, có sự trang phục bằng vải hạng nhất của xứ Kāsī, có các đồ trang sức và các tấm vải nhiều màu sắc, đã đi đến gặp người chồng.
“Hỡi nàng tiên, nàng đứng, với màu da nổi bật, khiến cho khắp các phương sáng rực lên, ví như ngôi sao osadhī.
Do điều gì nàng có được màu da như thế ấy? Do điều gì mà (sự việc) được thành tựu cho nàng ở nơi đây? Và (do điều gì mà) các sự hưởng thụ thích ý sanh lên cho nàng?
Hỡi nàng tiên có đại oai lực, tôi hỏi nàng: ‘Khi là con người, nàng đã làm việc phước thiện gì? Do điều gì mà nàng có oai lực được rực sáng như vầy, và màu da của nàng chiếu sáng khắp các phương?’”
“Này Nandasena, tôi là Nandā, trước đây tôi đã là vợ của chàng. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.
Nhờ vào vật thí đã được chàng dâng cúng, tôi vui sướng, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu. Này gia chủ, mong rằng chàng sống thọ cùng với tất cả thân quyến.
Nơi chốn không sầu muộn, xa lìa luyến ái, là chỗ trú ngụ của các vị có quyền lực. Này gia chủ, ở đây sau khi thực hành Giáo Pháp, sau khi dâng cúng vật thí, sau khi loại trừ ô nhiễm của sự bỏn xẻn luôn cả gốc rễ, không bị chê trách, mong rằng chàng đi đến nơi chốn cõi Trời.”
Chuyện Ngạ Quỷ Nandā là thứ tư.” (hết trích) (3)

GHI CHÚ:
Kinh Tiểu Tụng bản Việt dịch: https://thuvienhoasen.org/p15a1271/kinh-tieu-tung-viet-anh
Chuyện Ngạ Quỹ, bản Việt dịch: https://suttacentral.net/pv5/vi/indacanda
(2) Chuyện Ngạ Quỷ—Mẹ của Trưởng Lão Sāriputta: https://suttacentral.net/pv14/vi/indacanda
(3) Chuyện Ngạ Quỷ Nandā: https://suttacentral.net/pv16/vi/indacanda