Showing posts with label Trần Kiêm Đoàn. Show all posts
Showing posts with label Trần Kiêm Đoàn. Show all posts

Friday, October 4, 2019

THUYẾT PHÁP TỪ BI

THUYẾT PHÁP TỪ BI

Trong lịch sử nhân văn khoảng 4.000 năm trở lại, con người đã bước qua những giai đoạn thông tin và truyền thông đại chúng từ thấp đến cao về số lượng; nhưng cũng trong nhiều trường hợp, từ cao đến thấp về chất lượng.
Khoảng bốn thế kỷ trước tây lịch, cao điểm nhất là thời cổ Hy Lạp, hiện tượng thuyết trình, tranh luận công cộng của các triết gia, đạo sĩ, chính khách... đã ngày càng phổ biến. Những đại môn phái du thuyết như Platon, Socrate, Aristote... thời Hy Lạp cổ đã đưa việc thuyết trình công cộng lên thành một nghệ thuật và kỹ thuật nhào nặn cũng như phát huy ngôn ngữ ở mọi cấp độ. 
Tại Ấn Độ, thời Đức Phật còn tại thế, những đạo sĩ Bà La Môn và các môn phái Du Già Nguyên Thủy cũng là những nhà thuyết pháp đại chúng, rộn rịp một thời trên những nẻo đường xứ Ấn.
Trong nội bộ sinh hoạt đạo Phật thì việc nói hay thuyết giảng chuyện đạo cho đại chúng nghe thường được gọi là thuyết pháp.
Đã hơn 70 năm qua, là một người theo đạo Phật theo mẹ từ nhỏ, tôi thấy chưa có thời kỳ nào mà Phật sự thuyết pháp lại diễn ra rộng khắp, quy mô và đông đảo như thời kỳ này. Trong quan hệ thông tin hai chiều phát và thu hoặc cho và nhận… thì hầu như chùa nào cũng cũng có đủ thời khoá: lễ nghi tụng kinh và thuyết pháp.  Dù được đào tạo hay trang bị phương pháp Giáo Thọ hay chưa thì quý Tu sĩ – Tăng Ni, Cư sĩ, nhất là các vị trụ trì chùa viện đều vô hình chung trở thành là những nhà thuyết pháp thường xuyên. Thông thường, một nhân vật thuyết pháp hay người thuyết pháp vừa đóng vai là một thầy dạy học, vừa là một “nghệ sĩ” trình diễn trên sân khấu. Nghĩa là dạy lý thuyết kinh điển Phật học đã đành, nhưng quan trọng hơn nữa là phương pháp sư phạm và nghệ thuật trình diễn thu hút được quần chúng tới nghe.
Với tầm phát triển tinh xảo của khoa học kỹ thuật ngày nay, phương tiện chuyển tải như hệ thống âm thanh, máy quay hình thu phát, các trang mạng xã hội, các điện thoại cầm tay... đang trở thành quá phổ biến, mọi người đều có khả năng và phương tiện thu và phát thường trực trong tầm tay, trong túi áo.
Bên cạnh phương tiện truyền thông quá dễ dàng và phong phú, phổ biến toàn cầu thì việc còn lại quan trọng nhất trong vấn đề thuyết pháp là NGƯỜI THUYẾT PHÁP.
Một vị Tăng Ni hay Cư Sĩ Phật giáo đóng vai trò liên hệ chuyện đời, thuyết giảng chuyện đạo, tìm phương hóa giải… nhằm mục đích tạo chuyển biến giải khổ, cầu vui và làm sao tạo được sự thuyết phục biện giải cụ thể nơi người nghe thật là cả một yêu cầu không dễ dàng hay đơn giản như một cuộc họp mặt bình thường, gặp nhau nói chuyện mưa nắng, vui buồn.
Thuyết pháp từ bi
Gần đây, một số quý anh chị em cựu huynh trưởng, huynh trưởng GĐPT và cư sĩ Phật tử ở San Jose giới thiệu cho nhau một video về cuộc thuyết pháp của một vị Thầy mà các bạn ấy cho là: thuyết pháp từ bi. Có thể nói hình dung “thuyết pháp từ bi” là một nhóm từ hay để làm biểu tượng cho cuộc pháp thoại hoàn mãn mang được nhiều lợi lạc cho cả diễn giả, hành giả và thính giả.
Theo dõi cuộc thuyết pháp của Thầy nói về “Đạo giữa Đời thường” người nghe bình tâm thấy được những gì là hương lành Từ Bi trong đó?
Nhìn về nội dung cũng như hình thức thì bài thuyết pháp nói về đề tài “Đi tìm hạnh phúc giữa cuộc đời” không có gì màu mè, cuốn hút hay những hiện tượng mới lạ, độc đáo hơn rất nhiều bài thuyết pháp khác đã được “post” lên các trang mạng xã hội. 
Đêm nay về nghe lại, tôi như khám phá ra một điều “đặc biệt” ở bài thuyết pháp là toàn khung cảnh cũng như ngôn từ, chất giọng và nội dung bài pháp thoại của Thầy tuy không có gì “thiện xảo” hơn các bài giảng của quý Thầy, Sư Cô khác. Nhưng có 3 điều khiến tôi tán thán và thanh thoát bị “chinh phục” từ bài thuyết pháp của Thầy là: 

1- Vắng bóng cái tôi đáng ghét.

Thật ra, cái “Tôi đáng ghét” là tên cánh cửa sừng sỏ nhất trong sự giao tiếp hai chiều. Một bài nói chuyện, nhất là nói pháp mà mở màn đã thấy cái tôi đứng từ cửa ngõ vô tới tiền đình là một phần ba cảm tình của người nghe đối với diễn giả bị ghét oan! Nào là: tôi tiến sĩ, tôi giảng sư, tôi viện chủ, tôi trưởng ban, tôi tuyên bố, tôi nhận thấy… là cả một đội canh tuần gác cổng chưa thấy chủ nhân mà chỉ thấy toàn gươm giáo.
Ở đây, trong suốt bài pháp, hầu như vắng bóng cái tôi của Thầy. Người nghe có cảm tưởng như cái ngã sở, ngã chấp, ngã mạn của Thầy đã được chế ngự và nhốt kín. Cái Tôi của Thầy đã thuần hóa (thánh hóa?) để tô điểm cho lời nói pháp của Thầy nhẹ nhàng bay cao. Bởi không có chủ thể khống chế làm cho khung cảnh bị dính mắc vào cái Tôi (ngã mạn) đáng ghét nên lời pháp của thầy thông thoáng đi vào từng ngõ ngách tâm hồn của người nghe.
Sự vắng bặt những xác định hay gợi ý, khoe mẽ cá nhân như say sưa nói về kinh nghiệm, học vị, chứng đắc... của mình đã làm cho lời của Thầy thoát vòng tục lụy phù phiếm mà không ít thì nhiều, quý vị lên diễn đàn thường mắc phải.

2- Rỗng rang hỷ xả.
“Rỗng rang thanh tịnh ắt an định nội tâm!”
Cũng như nhiều cuộc pháp thoại khác, Thầy cũng phải vận dụng những sự kiện lịch sử và xã hội trong nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã. Đồng thời, nhận định và phủ nhận hay chấp nhận những con người và hành vi tương ứng thường được xem là ngọn lửa thử vàng cái bản lĩnh và đạo lực của nhà thuyết giảng. Thầy không đặt con người và hành tung của họ lên đấu trường tương tác tay đôi để khen chê, nhiệt tình ca ngợi hay chua chát mà có vẻ như luôn luôn dang tay mình nắm lấy tay người và đặt mình trong vị thế của các nhân vật thiện cũng như bất thiện. Không đánh đổ, tiêu diệt mà hóa giải, hồi phục mới là ánh sáng của Từ Bi. Lời nói như từ tâm phát ra, không qua những cong quẹo gập ghềnh của theo gót và thị phi mới đúng là chánh ngữ.
3- Uy nghi trong ngôn ngữ.
Uy nghi trong ngôn ngữ khác với cách kiểu nói lạnh lùng, đanh thép, xuống lệnh hay biểu tỏ quyền uy. Trong ngôn ngữ nhà Phật, lấy pháp uy nghi là trọng. Nhưng uy nghi là dùng lời nói như một phương tiện hợp với hoàn cảnh, vị trí phù hợp với tinh thần Bát Chánh Đạo, Lục Hòa và ái ngữ. Im lặng sấm sét như chánh pháp. Tiếng vọng uy vũ như hải triều âm, sư tử hống. Nụ cười trọn đầy ý nghĩa sâu xa như niêm hoa vi tiếu… Ngôn ngữ nói cho cùng là phương tiện chuyển tải những thông điệp giữa hai đối tượng nói và nghe.
  Thuyết pháp hay diễn thuyết tự bản chất là dùng lời nói để thuyết phục người nghe và xây dựng luận điểm mình muốn nói ra với một mục đích nào đó. Do vậy, nhiều vị diễn thuyết đã dùng những lý luận, phân tích để tấn công nhằm phủ định hay bẻ gãy luận điểm của người khác bằng lời nói gay gắt phê phán, cười cợt, chụp mũ, dán nhãn hiệu. Đấy là tiểu xảo ngôn ngữ của lối hùng biện duy lý phương Tây chứ không phải tinh thần uy nghi trong ngôn ngữ chân ngôn của nhà Phật.
Trong bài thuyết pháp của Thầy, có đủ những mẫu chuyện đạo, đời, xưa nay minh họa. Nhưng những cảm xúc vui buồn do chính ý nghĩa của câu chuyện nói lên chứ không phải Thầy “cười trước cái cười của thiên hạ hay trĩu giọng buồn trước cái buồn của nhân vật ví von”. Thầy tạo cảm xúc mà không dấy động cảm xúc bằng thân ngữ (body language).
Nghe hết bài Thầy giảng, quả nhiên tôi thất tâm đắc với nhận xét: “Thuyết pháp từ bi” bởi cái tâm Thầy an tịnh như một dòng sông trong vắt. Lời giảng pháp của Thầy phát ra như tiếng nói khi trầm khi lắng của Bà mẹ Thiên nhiên.
Khi nói đến khái niệm Thuyết pháp Từ bi, có bạn hỏi tôi thế thì trường hợp Robot (người máy) Phật giáo Android Kannon của Nhật sáng chế có thể thuyết pháp kinh tạng Phật pháp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì sao. Robot không có Ngã, luôn luôn rỗng rang hỷ xã, chính xác uy nghi trong ngôn ngữ thì có đạt được chất lượng “thuyết pháp từ bi” không?
Tôi đã xin thưa: Từ bi là cảm xúc từ trái tim, rỗng rang là trạng thái từ cân não, uy nghi ngôn ngữ là sự kết hợp của trí tuệ và sự thấu cảm nhân văn. Tất cả những tinh túy tạo ra lòng từ bi, niềm thấu cảm trí tuệ và sự uy nghi ngôn ngữ đều hoàn toàn không tìm thấy từ nơi con Người Máy Kannon. Thuyết pháp Robot là một hiện tượng thóc mách kỹ thuật, là sự ứng dụng thoái trào trong sinh hoạt hoằng dương Phật Pháp bởi ngôn ngữ là phương tiện tạm thời. Tạm dùng tiếng nói để hướng đến tầm cao diệu lý của đạo Phật là rỗng lặng vô ngôn. Robot sẽ không bao giờ tới được “Kim Cang vô tự thị chân kinh” (Kim Cang chân nghĩa là kinh không lời)!
Một hướng thuyết pháp Từ Bi
Là một thầy giáo dạy Ngữ Văn bậc trung học ở Việt Nam và đại học ở Mỹ, tôi hết lòng cảm thông cũng như chia sẻ sự khó khăn và nhạy cảm của người thuyết giảng trước quần chúng. Người có kiến thức rộng, sở học cao chưa hẳn là người nói hay, nói giỏi. Tuy nhiên, lịch sử ngữ học chứng minh rằng: Tài hùng biện là một thiên khiếu nhưng đồng thời nhà hùng biện cũng là kết quả của một quá trình cần mẫn học hỏi và khổ luyện lâu dài. Bởi vậy, tôi có cái biên kiến là rất ngưỡng mộ những người thuyết trình hay, các vị tu sĩ (của bất cứ tôn giáo nào) giảng đạo thu hút hay thuyết pháp tài năng.
Đã nhiều năm qua, trong 37 năm ở Mỹ, tôi thường ráng sắp xếp cho mình mỗi năm ít nhất cũng dự được một vài khóa tu học hay tham gia các cuộc thuyết trình về những đề tài thích hợp. Và tính đến nay cũng đã hơn mười lần, tham gia thường trú hay bán trú các khóa tu học ở Thiền viện Diệu Nhân trong các khóa tu theo mùa. Năm nay, tôi tham dự bán trú khóa Tu Học Mùa Thu năm 2019. Tôi vẫn “chuẩn bị ưu tiên” cho các buổi pháp thoại trong các khóa Tu Học. Được theo dõi các buổi thuyết pháp của các Ni Sư tu theo Thiền Tông Việt Nam, thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử là cả một nguồn vui tinh thần và hạnh phúc tín tâm.
Sáng nay, thứ Năm 3-10-2019, tôi dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, uống một bình nước trà xanh Bắc Thái thường lệ như mọi sớm mai cho tỉnh người và tới 4:30 am, lái xe một mình lên Thiền Viện Diệu Nhân ở thành phố Rescue, California. Nhà tôi ở cách chùa 55 miles (94 km), cũng ngót nghét xa gần bằng từ Huế vào Đà Nẵng và lái xe cũng mất gần 1 giờ trên xa lộ 99 N và 50 E South Lake Tahoe.
Đêm gần sáng mùa Thu lạnh (49 độ F = 9.5 độ C), xe chạy quá 80 miles một chút (non 130 Km/giờ). Tôi phải ghi xuống tỉ mỉ như thế vì càng lên hướng Bắc, bốn bề càng vắng lặng, nên tôi rất “hiện sinh” với chiếc xe, tay lái và con đường. Tôi nghĩ đến các Ni Sư thiền viện Diệu Nhân và quý Ni Sư từ Việt Nam mới sang hôm qua. Tôi đã được nghe quý Ni Sư thuyết pháp nhiều lần; nhưng lần này tôi mỉm cười tẩn mẩn với ý nghĩ “thuyết pháp từ bi”.
Quý Ni Sư viện chủ và phó viện chủ thiền viện Diệu Nhân: Ni sư Thuần Tuệ và Ni sư Thuần Bạch là hai vị thuyết pháp đã tạo được ảnh hưởng tích cực trong dòng hoằng pháp hải ngoại. Ni sư Thuần Bạch là một nhà nghiên cứu và dịch giả Phật học với trên 10 tác phẩm biên khảo và dịch thuật đã xuất bản. Đặc biệt, Ni sư Thuần Tuệ được cả hai giới Phật tử già và trẻ - nói tiếng Việt và tiếng Anh quý mến gọi là nhà “thuyết pháp từ bi” vì bên cạnh những phẩm chất nêu trên, Ni sư còn một ưu điểm mà các vị thuyết pháp khác thường không quan tâm là “giáo án”, là bài soạn cẩn trọng cho đề tài thuyết pháp

Các Ni sư - Những vị “thuyết pháp Từ bi” trong khóa Tu Học Mùa Thu 2019 tại Thiền viện Diệu Nhân, Rescue – California – Hình ảnh khai mạc khóa tu.
Khoá Tu Học Mùa Thu Diệu Nhân hôm nay có duyên lành được quý Ni sư Như Đức, Hạnh Huệ, Hạnh Như, Giải Thiện... là những giáo thọ, giảng sư thời danh khả kính trong sinh hoạt hoằng pháp của Thiền tông Việt Nam tham dự và thuyết pháp.

Đến thiền viện Diệu Nhân lúc 5:20 sáng, đúng lúc buổi tọa thiền buổi sáng bắt đầu, tôi tìm được một chỗ để đặt bồ đoàn tọa cụ cho cá nhân mình. Thiền đình đã chật ních thiền sinh. Sáu mươi phút tĩnh tâm thiền tọa, chỉ cần vài phút giữ cho ý nghĩ và xúc cảm như như rỗng lặng thì cũng đã đạt lắm rồi. Tôi có cảm tưởng như mình cảm ứng được với nguồn năng lượng của đại chúng. Xả thiền, 06:30 sáng trời còn sương mù. Buổi tọa thiền kết thúc. Khoá Tu học Mùa Thu khai mạc. Thiền cũng là một sự khai mở… luôn luôn khởi sự mà không bao giờ chấm dứt. Thuyết pháp từ bi cũng thế: Mở ra cánh cửa Thiền không khép lại cho tới khi qua được Bờ Bên Kia. 

TV Diệu Nhân, Rescue California, Thu 2019
Trần Kiêm Đoàn









Monday, March 4, 2019

THIỀN CHÁNH NIỆM ĐẠO PHẬT VIỆT NAM Ở PHƯƠNG TÂY


THIỀN CHÁNH NIỆM ĐẠO PHẬT
 VIỆT NAM Ở PHƯƠNG TÂY

Phật giáo phương Đông, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, trong gần nửa thế kỷ qua đã mang lại cho con người và xã hội phương Tây một món quà tinh thần đáng quý: Thiền Chánh Niệm (mindfulness meditation).

Chùa Tam Bảo

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Chiến tranh Việt Nam, con người đã thấm thía với hoàn cảnh loạn động vể cả thể chất lẫn tinh thần. Chiến tranh liên miên đã đưa nhân loại vào núi xương, biển máu. Với bản tâm náo động, con người hoảng hốt chối bỏ cả chính mình để tự nguyện hay bắt buộc lăn mình vào cuộc chiến. Khi tiếng súng đã im bặt, người ta vẫn còn bị quán tính chi phối, điên đảo nhìn nhau. Nhu cầu “tịnh hoá” trở thành một khát vọng tinh thần để giữ sự cân bằng cho trí óc và lương tri.

Với “bóng đè” chiến tranh còn nặng nề trong ký ức và tâm hồn, con người cần nhu cầu an lạc mà bản chất tĩnh lặng của đạo Phật hiện ra như một đáp án, một con đường hoá giải lý tưởng cho vấn đề.

Hiện nay, sau gần năm mươi năm sống xa quê, những chùa viện Phật giáo của  người Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới đạt đến con số nghìn; trong đó, tập trung đông nhất là tại Hoa Kỳ mà đặc biệt là những vùng đông dân cư người Việt.

Tuy nhiên, đã nhiều thập niên đi qua mà số chùa có các Phật tử, thành viên và tham dự viên người bản xứ và nước ngoài đến sinh hoạt thường xuyên chiếm tỷ số còn quá ít. Các chùa Việt Nam thường có số người ngoại quốc đến sinh hoạt lẻ tẻ chừng năm bảy người. Nhưng chùa Việt có số lượng người Mỹ đến sinh hoạt hằng trăm thì tôi mới chỉ thấy được duy nhất lần đầu ở chùa Tam Bảo.

Trong chuyến đi dài ngày “Viếng chùa mùa Xuân”, tôi có dịp đến viếng và tham gia sinh hoạt tại chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Tối nay, thứ Sáu (1-3-2019) có lớp Thiền Chánh Niệm của chùa dành riêng cho người Mỹ. Được biết là lớp thiền tập nầy được mở ra và sinh hoạt liên tục đã hơn mười năm nay.
 
Lớp Thiền chiều thứ Sáu chùa Tam Bảo

Lớp Thiền Chánh Niệm được tổ chức hằng tuần vào tối thứ sáu lúc 7:30pm và chấm dứt lúc 9:00pm. Tối nay, tôi đã trực tiếp tham dự với gần 80 người khác. Các tham dự viên trong độ tuổi từ 20 đến 60, hầu hết là người Mỹ da trắng. Các học viên được sắp xếp ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn ở tư thế bán già. Sau lễ Phật nhẹ nhàng niệm danh hiệp Phật Bổn sư Thích Ca và Bồ tát Quán Thế Âm, thầy trụ trì Thích Đạo Quảng hướng dẫn pháp thoại về đề tài: “Làm thế nào để biến kẻ thù thành bạn” (How to Turn Enemies into Friends) hay làm thế nào để sống có ít kẻ thù và có nhiều bạn hữu.

Thật ra, với những đề tài như thế này thì không có gì mới mẻ
trong xã hội phương Đông cũng như phương Tây. Cái mới ở đây là nhìn qua nhãn quan Phật giáo. Thầy Đạo Quảng có sự khéo léo của một hành giả hơn là diễn giả khi thầy không bị dính mắc vào ngôn ngữ đầy thuật ngữ chuyên khoa của một giáo sư đang giảng dạy môn Tâm Lý Trị Liệu Nhân Văn Hiện Sinh (Existential Humanistic Psychotherapy).

Hôm nay thầy là một “thôn tăng” nói chuyện bình dân bằng ngôn từ trong sáng, dễ hiểu với một tập thể đủ mọi trình độ trong hiện thực đời thường. Sự lãnh hội nội dung đề tài tu học của người tham dự được thể hiện rõ nét qua những lời phát biểu của họ ngay sau bài giảng của Thầy.

Sau buổi sinh hoạt Thiền Chánh Niệm, tôi có dịp hỏi chuyện và trao đổi ý kiến với một số người Mỹ ở nhiều độ tuổi khác nhau từ trong khoá học. Tuy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những điểm chung khiến họ gặp nhau ở nơi này vì họ đều có nhu cầu của một đời sống tâm linh và sự khao khát học những cái mới. Phần đông đều có những vấn đề về đời sống như gia đình xung đột, vợ chồng bất hòa, con cái ra ngoài lề xã hội... nên khi họ được biết đến đạo Phật như là một đạo của Từ bi, Trí tuệ và An lạc thì họ tìm đến để mong có một sự học hỏi, chia sẻ và hoá giải với người thân, với hoàn cảnh và trong tâm hồn của họ.

Không khí nghiêm túc mà cởi mở và vui tươi, phong cách ứng xử nhẹ nhàng mà đầy hỗ trợ, tương kính... trong suốt buổi sinh hoạt hôm nay là những dấu hiệu cụ thể của một buổi tu học thành công.

Sáng nay, tôi có dịp phỏng vấn thầy Đạo Quảng về những yếu tố nào đã khiến cho người ngoại quốc tin tưởng vào các lớp học tọa thiền của chùa viện Phật giáo Việt Nam như trường hợp chùa Tam Bảo, thầy đã có ý kiến rằng:

- Khung cảnh trang nghiêm và thanh tịnh của chùa thường gây sự chú ý và quan tâm đầu tiên của khách thập phương đặc biệt là người ngoại quốc. Chùa Tam Bảo nằm trong khung cảnh thiên nhiên xanh mát của rừng sồi Live Oak Tree trên một diện tích trước sau gần tám mẫu là một lợi điểm về quang cảnh.

- Hình thức thờ phụng trang nghiêm mà đơn giản sẽ không gây cảm giác “phản cảm” cho những người thuộc về các tôn giáo khác mà đặc biệt là người Mỹ phần lớn đều theo đạo Tin Lành, đạo Công Giáo. Thật vậy, trên bàn thờ cũng như ngoài khuôn viên chùa Tam Bảo chỉ có một tượng Đức bổn sư Thích ca và tượng Quán Thế âm bằng thạch cao trắng. Ngoài ra không có những tượng đài khác màu mè như thường thấy ở chùa viện nhiều nơi khác.

- Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy hướng dẫn. Thầy Đạo Quảng là một tiến sĩ ngành Tâm Lý học hiện đang giảng dạy ở đại học Xavier University of Louisiana. Ngoài ra, Thầy cũng là một chuyên viên tham vấn của các trung tâm cai nghiện ở địa phương và dành nhiều thì giờ tham gia các công tác từ thiện xã hội với nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau nên có sự quen biết tương đối khá rộng rãi.

Thật ra, khuynh hướng của đạo Phật khẳng định rằng không có một sự thành hình hay thành tựu nào là do một hay vài nguyên nhân đơn lẻ tạo nên cả mà luôn luôn có một sự tổng hợp nhiều điều kiện thường được gọi là “duyên” để tác tạo nên.

Nhân chuyến viếng thăm chùa Tam Bảo người viết xin được ghi lại một vài nét mà mình trực tiếp chứng kiến - mắt thấy tai nghe - với ước mong rằng những chùa viện Phật giáo Việt Nam sẽ là những trung tâm thu hút người ngoại quốc càng đông càng tốt.  Đó là hiện tượng sinh động và điều kiện “ắt có” trên đường giới thiệu văn hoá Phật giáo và hoằng dương chánh pháp.

Chùa Tam Bảo 3-3-2019
Trần Kiêm Đoàn

Friday, July 27, 2018

QUÝ HỮU SẼ NGHĨ GÌ, LÀM GÌ NẾU KHI CHỈ CÒN TRĂM NGÀY ĐỂ SỐNG ?!

QUÝ HỮU SẼ NGHĨ GÌ, LÀM GÌ


NẾU KHI CHỈ CÒN TRĂM NGÀY ĐỂ SỐNG ?!
Photo: Anh Bán
Hôm nay, chúng tôi hẹn nhau đi ăn cơm chay vì đang là ngày 14 Âm lịch. Nhưng cuối cùng, chúng tôi không vào các nhà hàng bán đồ chay trong vùng hay đi đâu xa mà cùng mang đồ ăn, trái cây đến thăm một người anh em huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ đang lâm trọng bệnh: Huynh trưởng Quảng Quý Huỳnh Kim Lân (HKL). Tôi và anh Bạch Xuân Khỏe đến thăm anh Quảng Quý Huỳnh Kim Lân khi nghe tin bệnh tình anh đã đến giai đoạn cuối, khó lòng qua khỏi.
Trời Sacramento đang nóng 110°F (43°C) và chúng tôi đến đây lúc 2:00 giờ chiều là giờ nóng cao điểm nhất trong ngày.
Không sao! Ngoài trời có thể mát mẻ nhưng nếu có những ưu tư, buồn phiền, phẫn nộ bên trong thì sẽ làm cho người ta nóng lên. Ngược lại, nếu có những niềm vui tươi mát phát khởi tự trong lòng thì nội nhiệt sẽ đi từ trong ra ngoài mà làm cho con người nhẹ nhàng, mát mẻ. Tôi mỉm cười với chính mình khi liên tưởng đến “nội nhiệt” của các nhà sư Tây Tạng thiền định suốt cả mùa đông trong núi tuyết với tấm cà sa mỏng manh.
Anh Huỳnh Kim Lân đón chúng tôi bằng nụ cười thoải mái, thân thương và tự nhiên. Khi bắt tay và nhìn thẳng khuôn mặt anh, tôi hơi chững lại vì trước khi vào đây, tôi cứ hình dung là sẽ gặp một người bệnh ốm yếu, xanh xao. Nhưng thực tế thì ngược lại, anh Lân vẫn hồng hào với khuôn mặt khá đầy đặn và những nét ưu tư không in dấu ở đâu cả; nhất là với phong thái tự nhiên và thoải mái của anh.
Anh Lân cho biết rằng, cách đây hai tháng, bác sĩ đã xét nghiệm và kết luận là anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối với thời gian trước mắt chỉ còn sống được sáu tháng. Nghĩa là tính từ hôm nay. anh chỉ còn lại bốn tháng trên cõi đời này nếu căn cứ vào những xét nghiệm và kết luận của y khoa hiện đại.
Chỉ còn hơn một trăm ngày để sống, bạn sẽ làm gì và ưu tư như thế nào? Đó có lẽ là câu hỏi thông thường nhất trong những trường hợp giới hạn cuộc sống chỉ còn tính theo ngày, theo tháng tương tự.
Thay cho những lời an ủi và thăm hỏi thường tình đối với một người mắc bệnh nan y, chúng tôi đã biến cuộc gặp gỡ thành một cuộc chuyện trò đầy thú vị. Anh Lân đã gợi ý rằng, trường hợp và tình trạng sức khỏe, bệnh tật tuy là riêng tư của anh, nhưng cũng có thể thông tin ra ngoài rộng rãi hơn như một “trường hợp tham khảo” (Case Study) trong các chuyên ngành xã hội, tâm lý, triết học và giáo dục; đặc biệt là cũng nên chia sẻ với anh chị em thuộc hệ thống Gia đình Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Chúng tôi cũng rất đồng ý với anh HKL rằng, trường hợp cá nhân của anh, nếu không câu chấp thường tình thì cũng có thể thông tin tương đối rộng rãi, thẳng thắn và trình bày công khai như một lời nhắn gởi lại cho đàn em. Hơn thế nữa, vì anh là một huynh trưởng Gia đình Phật tử kỳ cựu tại Việt Nam và Hoa Kỳ nên hiện đang có nhiều anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT trong cũng như ngoài nước đang chờ đợi tin anh.
Mở đầu câu chuyện, chúng tôi đã nêu ra một câu hỏi rất thông thường đối với người gặp cảnh ngộ như anh, rằng là: Anh có cảm thấy sợ hãi không khi khám nghiệm y khoa cho biết là anh chỉ còn một thời gian ngắn nữa để sống. Anh trả lời thản nhiên là anh không có một cảm giác sợ hãi nào cả. Đồng thời, anh cũng bày tỏ niềm tin xuất phát từ nguồn Tâm thâm sâu của anh rằng, anh có thể còn hay mất với sắc thân tứ đại này; nhưng anh chỉ coi việc ra đời và qua đời đơn giản và nhẹ nhàng như việc thay áo mới theo nẻo đi về của lý Duyên Khởi: Duyên hợp, duyên tan, duyên tàn, duyên tận... như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; như mọi sự trên đời đều đang đi trên đường Thành, Trụ, Hoại, Diệt; như mọi sinh vật đều theo một dòng trôi Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
Hiện tại, anh vẫn dốc tâm cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo và lắng lòng thu nhiễm năng lượng lành của phép Phật nhiệm mầu và chư tôn, tứ chúng. Anh tập trung vào trì tụng Đức Phật A Di Đà và tựa hết nguồn tâm vào thế giới Cực Lạc trong những ngày còn lại của đời mình.
Là một huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam kỳ cựu 70 tuổi, anh HKL đã dấn thân vào sinh hoạt với tuổi trẻ và Đạo Phật Việt Nam từ ngày còn bé. Anh cũng là người thọ bồ tát giới đã trên 30 năm. Nhưng anh đã tâm sự một điều làm chúng tôi lắng lòng theo dõi và suy gẫm khi anh cho rằng, suốt bao nhiêu năm làm người Phật tử, anh chỉ là người học Phật, tụng niệm kinh kệ, sinh hoạt lễ nghi và hoạt động thanh niên chứ chưa bao giờ là người biết TU theo con đường Phật giáo cả. Anh cho rằng, TU phải đồng nghĩa với HÀNH. Nghĩa là những gì thuộc về lý thuyết cần phải được thể hiện cụ thể trong hành động và cuộc sống. Tu đạo là sống đạo và hành đạo chứ không phải chỉ chấp tay, cúi đầu theo đạo và thờ đạo một cách thụ động. Tinh túy của đạo Phật là cứu khổ mang vui cho chúng sinh. Theo đạo Phật không phải là để làm học giả hay diễn giả mà phải làm một hành giả. Hành giả là người hiểu đạo, sống đạo để đem đạo vào đời. Hành giả không thể là người học thuộc lòng những tạng kinh điển, nói toàn những chuyện xa xôi lý thuyết trên mây mà quên đi sự đau khổ của trần gian đang có mặt thường xuyên trong ta và quanh ta. Bởi vì nếu không có đau khổ thì Phật giáo không có lý do ra đời để làm một tôn giáo cứu khổ.
Nói tóm lại, khi con người đã sống qua 70 năm cuộc đời thì nếu còn lại chừng một trăm ngày để sống, người ta sẽ nghĩ đến một cái gì diệu dụng nhất có thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn nhất và quý báu nhất.
Anh Huỳnh Kim Lân cứ nhắc đi, nhắc lại một điều mà anh lấy làm tiếc là suốt trong 70 năm qua chưa làm được là thực hành đạo Phật. Đạo Phật là đạo để thực hành và tu học giúp chuyển biến con người từ thấp đến cao, từ xấu đến tốt, từ bất thiện đến hoàn hiện chứ đạo Phật không phải là một phương tiện để bị rơi vào lý thuyết rườm rà, cao xa hay những lễ nghi phiền toái mà thật sự không giúp cho con người thoát khỏi những hệ lụy đầy đau khổ giữa đời thường.
Chúng tôi hỏi anh HKL về cách tu học cụ thể hơn trong thời gian quá ngắn còn lại anh có thể xếp ưu tiên những việc gì cần phải làm trước nhất và lần lượt sau đó. Theo anh thì việc đầu tiên là phải sám hối. Sám hối để tự soi sáng chính mình với một tâm hồn trong ngần tươi mát dâng lên đức Phật. Sau đó mới nói đến sự Chí Thành cầu nguyện để cầu xin năng lượng lành của chư Phật, tôn nghinh hùng lực của Tây phương giáo chủ A Di Đà để trong phút lâm chung còn giữ được nhất tâm bất loạn mà kinh văn đã diễn tả: “Trong khoảng một niệm, sinh về Cực Lạc, sen nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa, chóng mở Phật tuệ...”
Thời gian tương đối của đời thường không phải là thước đo mức độ ngắn dài của quá trình tu học và giác ngộ trong đạo Phật. Tuy chỉ có 6 năm khổ hạnh công phu như một sự nếm trải đâu là phương tiện thiện xảo để tu hành và 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề trong rừng già cô tịch, nhưng Đức Phật đã để lại dấu ấn “sát na nghìn trùng” của dòng sống 80 năm giữa cõi Ta Bà và đã huân tập công phu qua hằng hà vô số kiếp.
Người ta thường nghĩ cuộc sống là tình cờ hay có một sự xếp đặt vô hình nào đó. Người xưa tin tưởng rằng: “Nhất ấm nhất trác, giai do tiền định”, nghĩa là một miếng ăn, một cái uống thảy đều do sự sắp xếp trước cả.
Người theo đạo Thiên Chúa thì tin rằng, “Một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng do thánh ý của Đức Chúa Cha.” Nhưng với quan điểm Phật giáo thì mọi sự diễn ra đều do duyên nghiệp trùng trùng biến hiện, tương tác lên nhau mà sinh diệt không ngừng; tuyệt nhiên không có một nguyên nhân khởi đầu nào đơn lẻ, duy nhất mà sinh ra cả.
Dẫu niềm tin có đơn giản hay phức tạp đến mức độ nào, kể cả vô thần… thì cũng gặp nhau ở một điểm chung là hình ảnh khởi đầu khi sinh ra và sự kết thúc khi chết. Dẫu cho sau cái chết còn có sự sống đời đời; hay kiếp sống luân hồi xoay vần không bao giờ ngưng nghỉ thì tất cả cũng đều nhận ra một sự hiện hữu trước mắt, trực tiếp, nắm bắt được mà không cần thông qua tưởng tượng hay lý luận của đời người: Đó là cái chết.
Bởi vậy, khi đối diện với cái chết trong tầm tay thì phản ứng tâm lý, tình cảm, lý trí của mỗi người một khác nhau. Chúng tôi ngồi bên cạnh anh HKL - Người mà theo lời bác sĩ thì chỉ còn hơn 100 ngày nữa để sống - với niềm cảm xúc miên man và những câu hỏi thầm lặng... Nhưng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nên thật khó mà có thể hiểu được hay đồng cảm được để phân tích chia sẻ với anh và với chính mình lúc này. Khái niệm vô thường trong Phật giáo là một nguyên tắc khách quan tuyệt đối. Nghĩa là không có gì thường hằng, tồn tại vĩnh cửu cả. Bởi vậy, bí quyết “an tâm” là biết lấy cái vô thường làm cái thường trong cuộc sống. Người trẻ tuổi nhất trong nhóm bốn người anh em chúng tôi hôm nay là anh Bạch Xuân Khỏe. Anh nhắc cái Vô Thường mới chính là cái Thường khi nói rằng: “Con là người nhỏ tuổi nhất nhưng biết đâu con lại là người ra đi trước nhất. Nếu việc đó xảy ra ngay bây giờ, trong vòng ít phút nữa, hay một thời gian sau... thì chúng ta vẫn phải xem chuyện đó là Thường và đó là biết đem cái Vô Thường để làm cái Thường vậy”.
Anh Huỳnh Kim Lân mỉm cười nhẹ nhàng khi nghe người trẻ tuổi nhất đám nói như vậy. Chắc bao lâu nay anh cũng nhìn mọi sự như Khỏe nên cho đến phút này anh vẫn an nhiên tự tại đến như vậy phải không anh Lân?
Chúng tôi còn đi xa hơn về những vấn đề nóng bỏng và cập nhật của đạo pháp, dân tộc và tuổi trẻ mà trọng tâm là GĐPT. Và ước vọng tha thiết của người có khả năng ra đi sớm nhất là sự hợp nhất của GĐPT và sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Chúng tôi nói nhiều đến một khái niệm cũ trong một hoàn cảnh mới, đó là truyền thống “bất khả phân” trong một xã hội đa nguyên tự do phương Tây với biểu tượng Salad Bowl (Dĩa Xà Lách). Trong đó sự kết hợp và hóa giải đặt trên căn bản “đa nguyên, đa lưu chi” – nhiều nguồn, nhiều nhánh, nhiều cành – nhưng tất cả đều có vai trò quan trọng độc lập và nếu thiếu đi một thì sẽ làm cho giá trị của tổng thể bị mất đi: Một nhúm gia vị, một trái ớt, hạt tiêu, củ hành, rau cải… đều quan trọng và cần thiết trong sự phối hợp nhịp nhàng và khéo léo để tạo nên một dĩa xà lách ngon mà mọi người đều ưa chuộng…
Cuộc “tâm đạo đàm” kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ nhưng với anh Huỳnh Kim Lân cũng như các anh em có mặt đều tươi vui và phấn chấn. Hình ảnh “tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, tuổi trẻ vươn lên” đã biến sự ám ảnh mù mịt của cái chết thành niềm cảm khái tươi vui của sự sống hiện tiền. Phép lạ của hướng thiện và hành thiện. Có dịp sẽ xin trở lại đi vào chi tiết những lời chí thành của tiếng chim đang đi vào vĩnh cửu.

Sacramento, giữa Mùa An Cư 2018
           Trần Kiêm Đoàn