Showing posts with label Tuệ Sỹ. Show all posts
Showing posts with label Tuệ Sỹ. Show all posts

Wednesday, May 13, 2020

KHỞI NGUYÊN THIỀN PHẬT GIÁO

 

KHỞI NGUYÊN THIỀN PHẬT GIÁO

1. Tư duy thiền Phật giáo
Hình ảnh khắc trên con dấu phát hiện tại Mohenjo-daro cho biết hình thái tư duy trong tư thế liên hoa tọa đã xuất hiện trước Phật rất lâu. Những hiện vật phát hiện tại Mohenjo-daro được đánh giá là chứng cứ cho giai đoạn chín muồi, trong khoảng 2600-2450 năm, của một nền văn minh phát triển liên tục ghi dấu từ 7000 năm trước công nguyên. Nhưng hình khắc họa vẫn chỉ là hình khắc họa, nhân vật được khắc suy nghĩ gì, tư duy như thế nào trong trạng thái nhập định như thế nào, lại là tự do luận giải theo sở kiến cá biệt của người nghiên cứu. Nói như Trang Tử, khi được Huệ Thi hỏi, “Ông không phải là cá, sao biết cá vui?”, và trả lời: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?” Hoặc nói như Alison Brooks, nhà khảo cổ học tại Viện Đại học George Washington: “Khó mà nói khả năng tư duy của ai đó đứng trước mặt ta là gì. Lại càng khó hơn để nói về một người đã chết cách đây nửa triệu năm…”
Kinh Phật cũng xác nhận hình thái tư duy trong trạng thái nhập định đã có trước khi Phật xuất hiện, thời gian bao lâu thì không được rõ. Như trong Kinh Pāthika , Phật nói về nguồn gốc thuyết Brahman sáng tạo rằng, “Trường hợp này xảy ra. Có một chúng sinh chết nơi kia sinh vào đây; sau một thời gian, người ấy lìa bỏ gia đình, xuất gia học đạo, do nhiệt hành, tinh tấn… tu tập đạt đến trạng thái tâm định; với tâm định như vậy, người ấy hồi tưởng quá khứ, nhận thấy đã tồn tại một chúng sanh tối sơ, bèn nói rằng: Tôn giả ấy là Brahman, Đại Brahman, Toàn trí, Toàn năng, là vị Chúa tể, đấng Sáng tạo, là Tổ phụ của mọi sinh loại…” Kinh Phạm võng cũng nói: “Một số sa-môn, bà-la-môn do nhiệt hành… tâm nhập định. Trong khi tâm nhập định như thế, họ nhớ lại quá khứ một đời… cho đến vô số trăm nghìn đời…” Trong trạng thái nhập định với ký ức lui về quá khứ cho đến giới hạn có thể nhớ, được cảm nhận như là biên giới tận cùng của thế gian, trong giới hạn ấy họ thấy thế giới đã tồn tại, và tồn tại như vậy cho đến hiện tại. Từ đó, họ lập thuyết “thế giới tồn tại vĩnh hằng.” Và rồi Kinh kết luận về cơ cấu tâm lý của các thuyết được tuyên bố này: “Như Lai biết rõ các y xứ của những quan điểm này; chúng được kinh nghiệm như vậy, được chấp thủ như vậy… Như Lai biết rõ thọ sinh, thọ diệt, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly của thọ.” Ý nghĩa muốn nói, trong khi nhập định, trạng thái hỷ lạc, mà ta có thể gọi là trạng thái xuất thần, khởi lên cùng với xúc cảm từ ảnh tượng nào đó. Không có hỷ lạc, ảnh tượng ấy không được lưu giữ để được phán đoán và lập thành lý thuyết. Trên cơ sở tâm lý học Phật giáo, do điều kiện là xúc mà có thọ. Xúc là một tổ hợp gồm ba yếu tố: đối tượng nhận thức (cảnh), quan năng nhận thức (căn) và công cụ nhận thức được hiểu như là chủ thể (thức). Nó là bộ ba trong 18 giới (6 căn, 6 cảnh và 6 thức), những yếu tố cấu thành phạm trù tồn tại và nhận thức. Chúng là kết quả (dị thục) của nghiệp cảm quá khứ được kết hợp với di truyền sinh học. Như vậy, tùy theo bản chất của các giới bởi dị thục và di truyền mà nhận thức hạn chế trong một phạm vi rộng hay hẹp nhất định: hữu thủy hay vô thủy trong thời gian, hoặc hữu hạn hay vô hạn trong không gian. Quá trình tu tập có thể làm biến chuyển và thăng hoa bản chất của dị thục và di truyền, do đó có khả năng khuếch trương giới hạn thời gian và không gian.
Trên cơ sở tâm lý luận như vậy, không thể nói tư duy nhập định chỉ có từ Phật, và chỉ được thực hành bởi những người theo Phật.
Các Veda được tôn sùng là Thánh kinh của Ấn-độ giáo. Những người Ấn giáo tin rằng các thi tụng Veda không do ai sáng tác, không do con người mà cũng không do Thần linh; đó là ngôn ngữ tự nhiên, tự hữu, ẩn tàng trong tự tính huyền vi của vạn vật, của thiên nhiên. Vì là không có tác giả, mà do tự nhiên tự hữu, ngôn ngữ của Veda được hiểu là thường trụ vĩnh hằng, vô thủy vô chung. Các thi tụng Veda được truyền tụng do bởi các Rishi, mà trong Kinh Phật Hán dịch được đồng hóa với Tiên nhân của Đạo giáo. Các Rishi cổ đại, trong trạng thái xuất thần, đã nghe được tiếng nói thần bí linh thiêng. Danh từ Rishi được ức đoán xuất hiện đầu tiên trong Bṛhad-āraṇyaka Upanishad, khoảng trên dưới 700 năm trước công nguyên. Các Rishi được nhắc nhở khá nhiều trong Kinh Phật (Pāli: Isi) với thái độ kính trọng. Chính Đức Thích Tôn cũng được tôn xưng là vị Rishi thứ bảy (Pāli: Isi-sattama) trong số 7 vị Phật đã xuất hiện. Tuy vậy, không phải vì thế mà các Veda được tin là ngôn ngữ thần linh được mặc khải cho các Rishi. Do đó cũng không dứt khoát nói rằng họ nghe được những phán truyền Veda trong trạng thái tư duy nhập định.
Nhìn từ phương diện thế tục phi thần thánh, tác giả của các Veda có thể là những thi sĩ trong cảm hứng xuất thần đã xướng tụng những vần thơ ca tụng vẻ đẹp của các hiện tượng thiên nhiên, cũng như những quyền năng siêu việt, được thần thánh hóa thành các thần linh có quyền năng ban phúc, giáng họa cho loài người. Thán phục, và kinh sợ: Tin và Sợ là hai yếu tố tâm lý khởi nguyên cho các loại tín ngưỡng tôn giáo. Đó là loại cảm hứng mang tính huyền vi, thần bí đặc trưng trong cảm hứng thi ca. Như nhà phê bình văn học cổ Trung Hoa, tác giả Văn tâm điêu long, nói về cảm hứng thi như sau: “Lắng đọng, ngưng tụ tư duy để cho tứ thi nối tiếp trên dưới nghìn năm; âm thầm rung động dung nhan mà con mắt có thể thấy suốt muôn dặm.” Đấy là ông nói về những cảm hứng tạo nên các vần thơ được Khổng Tử tập thành Thi kinh. Trong lịch sử văn học cổ đại Trung quốc, Kinh Thi và Kinh Thư được tôn sùng như người Ấn giáo đối với các Veda, hay người Do-thái đối với Tanakh (Hebrew Bible) của họ, nhưng thủy chung vẫn chỉ được tôn sùng như là sản phẩm của con người, phát xuất từ những sinh hoạt chính trị xã hội của con người. Thế thì, các thi sĩ hay các tác giả được tôn sùng như là Thánh nhân này không nhất thiết phải tư duy lắng đọng để có cảm hứng trong tư thế nhập định. Hoặc chúng ta có thể nói, tác giả soạn truyền kỳ “trăm trứng” để giải thích nguồn gốc các dân tộc anh em trong đất Việt không cần thiết phải tư duy trong tư thế nhập định.
Những điều vừa nói cũng chỉ là suy luận theo kinh nghiệm cá biệt. Các Rishi cổ đại, hay các tác giả Thi, Thư, đã cảm hứng xuất thần như thế nào; tâm tư của những người đã chết trên mấy nghìn năm không phải là điều dễ dàng cho người đời nay phán đoán; nói như Trang Tử hay như nhà khảo cổ Alison Brooks đã dẫn trên.
Niên đại xuất hiện sớm nhất của Veda, cho đến nay chưa có ý kiến thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Sử gia triết học Ấn-độ S. Dasgupta dẫn ba thuyết: Max Müller ước định khoảng 1200 năm, Haug 2400 năm và Bāl Gaṅgādhar Tilak 4000 năm trước công nguyên, nhưng không dứt khoát nói niên đại nào. Gần đây, một số nhà nghiên cứu như Anthony (2007) phỏng đoán 1500-1200 năm trước công nguyên, hoặc Johnston và Bauman (2014) phỏng định lùi hơn: 1700-1100 năm trước công nguyên. Các Veda được nói là Thánh điển của người Aryan, một nhánh trong chủng tộc ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European). Do sự tương đồng của tiếng Sanskrit với các thứ tiếng phổ biến ở châu Âu như Hy-lạp, La-tinh, Ba-tư, Celtic, Đức, người ta phỏng đoán tộc người Aryan nguyên thủy ở đâu đó từ Caucasus, chia làm hai nhánh nhập cư, một hướng về phía tây để thành người châu Âu, và nhánh khác đi về phía đông, nhập cư thành tổ tiên người Ấn ngày nay. Đây chỉ dẫn thuyết nhập cư của Max Müller mà không nói đến các thuyết khác vì không thuộc phạm vi nghiên cứu. Điều muốn nói ở đây là niên đại mà người Aryan nhập cư từ các thảo nguyên Trung Á đi vào định cư trong khu vực Ngũ hà (Punjab) phỏng định khoảng 1500 năm trước công nguyên. Đây là thời gian phát triển cực thịnh của văn minh Happara, cũng gọi là văn minh Thung lũng Tín-độ. Khoảng thời gian đó, như phổ thông được biết, cũng là niên đại các Veda bắt đầu lưu truyền. Các thần linh trong các thi tụng Veda có thể được biết đến sớm hơn trước khi người Aryan nhập cư, vì nhiều danh hiệu các Thần được phát âm gần tương tự với ngôn ngữ Avesta trong Ba-tư giáo. Nếu theo giả thuyết này thì các Rishi tác giả của Veda ít có, hoặc hoàn toàn không có, liên hệ gì đến hình khắc trên con dấu tại Mohenjo-daro. Theo thuyết khác, nêu bởi Hall , người Sumerian với những văn bản và di tích được phát hiện trong vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), phía nam Iraq ngày nay, vốn là người Dravidian đã dựng nên văn minh của họ trong khu vực Thung lũng Tín-độ, rồi sau đó truyền nhập văn minh này đến các tộc người Semitic/Semite, trong đó kể cả người Do-thái. Người Aryan, cùng chủng tộc với người Hy-lạp, sau khi xâm nhập, đã chịu ảnh hưởng, được cải hóa thành văn minh của người Dravidian. Theo thuyết này, ta có thể phỏng đoán các Rishi, Tiên nhân, Đạo sỹ hay Thi sỹ, những tác giả của các thi tụng Veda, hẳn đã có học tập tư duy trong tư thế liên hoa tọa để có những cảm hứng huyền vi, thần bí. Tuy thuyết này không hoàn toàn được tán đồng, nhưng một phần của nó cũng khiến liên tưởng đến tư thế tĩnh tọa được thực hành trong Thiền định Phật giáo, cùng với việc thừa nhận sự tồn tại của lớp Đạo sĩ Rishi và các sa-môn, bà-la-môn tu định và chứng định trong trình độ nhất định. Nói thế có nghĩa rằng, Thiền định thực hành trong Phật giáo với tư thế liên hoa tọa nếu có chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, thì ảnh hưởng này cũng không tìm thấy trong các Veda.
Tổng kết mà nói, những điều liên hệ đến Thiền định Phật giáo có thể tìm thấy ảnh hưởng của nó thuộc tiền Phật giáo được biết với chứng cứ hiện vật khảo cổ như tư thế tĩnh tọa khắc trên con dấu phát hiện ở Mohenjo-daro; và những chứng cứ văn bản là nhiều đoạn trong Kinh Phật thừa nhận trước Phật có thể đã có một số sa-môn, bà-la-môn, đạt đến mức nhập định rất cao như Vô tưởng định hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ định để chủ trương các thuyết liên hệ. Vấn đề sẽ được nói rõ thêm một chút trong đoạn sau.
2. Bồ-tát học Thiền
Như được thấy trong một số Kinh dẫn trên, trước thời Phật đã có những thực hành tư duy nhập định mà trình độ đạt được có thể so với các trình độ thiền (dhyāna) và định (samādhi) trong Phật giáo. Tuy vậy, sự phân chia các cấp bậc thiền – định không tìm thấy ở đâu ngoài Phật giáo. Mặc dù Mahābhārata có đề cập đến 4 thiền (caturvidhaṃ dhyānam) nhưng nó không chứng tỏ các loại hành thiền này đã được tu tập trong các truyền thống Veda. Bởi vì tuy nói đến 4 thiền như con số được giảng giải trong các Kinh Phật, Mahābhārata cũng chỉ thuyết minh cấp thiền tương đương với Sơ thiền Phật giáo. Trong cấp này, các thiền chi được kể trong Mahābhārata: vitarka (tầm), vicāra (tứ), viveka (viễn ly/ huệ phân biệt) , tương đương với Yogasūtra I.17: vitarka (tầm), vicāra (tứ), ānanda (khánh hỷ), asmitā (ngã hữu tính). Các thiền chi được kể trong Phật giáo: tầm (vitarka), tứ (vicāra), hỷ (prīti), lạc (sukha), và cuối cùng tâm nhất cảnh tánh (cittasya ekāgratā) là thiền chi có mặt trong tất cả các cấp nên không cần được nêu. Mục đích hành thiền của Yogasūtra là nhắm đạt đến bản tính tự ngã -ātman, đồng tính với Brahman. Trong thiền Phật giáo, đạt đến tự tính của Brahman, hành giả chỉ cần đạt đến Sơ thiền; hành giả nào đạt đến trình độ cao nhất của Sơ thiền sẽ được đồng nhất tự tính với Brahman. Ý niệm về Brahman ở đây không phải là đấng Thượng đế Sáng tạo, mà là nhân cách hóa, hay thần hóa, của bốn đức tính gọi là “bốn Phạm trụ” (brahmavihārā), cũng gọi là “bốn vô lượng” (Pāli: catasso appamaññā): từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā).
Đoạn trên có nhắc đến hai loại tu định: Vô tưởng (asaṃjñi-samāpatti) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (naiva-saṃjñānāsaṃjñāyatana) mà Kinh thường nói một số sa-môn, bà-la-môn thực hành nhắm đến cảnh giới Vô tưởng hữu tình (asaṃjñika) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xem đó là cảnh giới của giải thoát để được an lạc cứu cánh. Tưởng (saṃjñā) là tri giác về tồn tại của đối tượng. Trong Vô tưởng định, loại tri giác này hoàn toàn bị chận đứng không hoạt động, và như thế không thể quán sát đối tượng để đạt được nhận thức về chân lý cứu cánh (satya-jñāna: đế trí), do đó tuyệt đối không hề được thực hành trong Phật giáo. Phi tưởng phi phi tưởng xứ là cảnh giới cuối cùng, cao nhất của mọi tồn tại (bhavāgra: Hữu đảnh), trong đó tri giác về đối tượng cực kì vi tế, tuồng như có mà như không có. Đây cũng không phải là cảnh giới tu định trong đó có thể quán sát để có nhận thức về chân lý cứu cánh. Vì tri giác về đối tượng cực kỳ vi tế, nên hữu ái (bhava-tṛṣṇā), tức khát vọng tồn tại, cũng rất vi tế, do đó được nhận định là cảnh giới an lạc cao nhất trong các trạng thái hữu, và cũng vì vậy rất khó vượt qua nó để đạt đến giải thoát cứu cánh.
Ý nghĩa vừa nói giúp chúng ta hiểu được truyền thuyết nói đức Bồ-tát sau khi rời khỏi vương cung đã đến học đạo với hai bậc thầy là Ārāḍa Kālāma và Udraka Rāmaputra. Với vị trước, Bồ-tát học và đã đạt Vô sở hữu xứ (ākiṃcanyāyatana/ ākiñcaññāyatana); với vị sau, Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Pāli: nevasaññānāsaññāyatana).
Nói là truyền thuyết, vì một số học giả nghi ngờ tính tồn tại thực tế của hai vị này. Người đầu tiên nghi ngờ phải kể là André Bareau trong công trình nghiên cứu về lịch sử đức Phật qua Kinh tạng và Luật tạng. Chứng cứ của ông là Ngũ phần luật trong khi nhắc đến Ārāḍa Kālāma và Udraka Rāmaputra là hai nhân vật được Phật nghĩ đến đầu tiên khi quan sát những ai có thể nghe và hiểu Pháp mà Phật vừa chứng ngộ; nhưng luật này lại không đề cập gì đến việc Bồ-tát học môn Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Alexander Wynne, trong tập sách về “Nguồn gốc Thiền định Phật giáo” bác bỏ quan điểm hoài nghi ấy, chứng minh rằng sự kiện này được tường thuật trong nhiều Kinh và Luật. Rāmaputta cũng được nhắc đến vài nơi khác trong Kinh với quan điểm và trình độ nhập định của ông cho thấy có thể là nhân vật lịch sử có thật.
Trạng thái nhập định Vô tưởng hay Phi phi tưởng thật ra không phải chỉ tìm thấy trong Kinh Phật, hoặc chỉ trong truyền thống tư duy tôn giáo và triết học Ấn-độ. Từ một phương diện khác, trong một bối cảnh văn minh khác, như Trung quốc vốn là nền văn minh không bắt nguồn và xây dựng trên các tư duy siêu hình, tôn giáo, người ta vẫn có thể tìm thấy ý tưởng tương tự. Như trong Nam hoa kinh, thiên Tề Vật luận chép: “Nam Quách Tử Kỳ dựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà thở, y như chôn mất bạn lứa. Nhan Thành Tử Du đứng hầu phía trước, nói: Như vậy mà còn ở đó được sao? Hình hài há có thể khiến cho như cây khô, mà tâm thì có thể khiến cho như tro tàn nguội lạnh sao? Tử Kỳ nói: …”
Trang Tử sinh sau Phật và Lão gần 300 năm; ông chịu ảnh hưởng từ Đạo đức kinh của Lão, chứ không hề chứng tỏ có biết gì về một nền văn minh nặng màu sắc tôn giáo Veda của Ấn-độ. Nhưng ý tưởng của ông có thể so sánh với ý tưởng về Vô tưởng xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hai nguồn tư tưởng hoàn toàn dị biệt, một hướng lên trời, một hướng xuống đất, nhưng cùng chung một ý tưởng về một cảnh giới an lạc trong đó con người thoát khỏi mọi ràng buộc của ngoại giới mà thường là chống lại ta, nghịch lại ý muốn của ta. Nó cho thấy tự trong tâm tư sâu thẳm của con người một khát vọng tồn tại không bị ràng buộc bởi bất cứ cái gì, từ trong tâm cho đến ngoài thân.
Nam Quách Tử Kỳ “dựa ghế mà ngồi, ngửa mặt lên trời mà thở”, ngồi yên trong tư thế thích hợp, và thở theo phương pháp nào đó, đây là những điều cần thực hiện để có thể đạt đến mức tư duy lắng đọng, sâu thẳm, ta thấy Ấn-độ hay Trung quốc đều có điểm chung, và điều đó là điểm chung của loài người, có thể nói như vậy.
Thêm nữa, chúng ta có thể đọc thêm đoạn văn sau đây từ Đạo đức kinh: “Đạo khả đạo phi thường đạo…” Đây là những lời đọc thấy đầu tiên, được bình giải khá nhiều với nhiều ý kiến khác nhau.
Chúng ta thử so sánh đoạn văn Đạo đức kinh với một thi tụng trong Rig Veda X.129: “Bấy giờ không có hữu, không có phi hữu, không có thiên không, không có quãng không ngoài đó. Cái gì bao trùm? Ở đâu cái gì có chỗ trú ẩn? Khối nước sâu thẳm này là gì? Bấy giờ không có cái chết, và ở đây không có cái không chết; không có ngày và đêm hiển hiện...” Hai đoạn văn nhìn từ hai hướng hình nhi hạ và hình nhi thượng khác nhau. Cảnh giới được nói đến có thể là Vô tưởng thiên, cũng có thể là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Bồ-tát đã học và đã đạt đến, bằng khái niệm, cảnh giới cao nhất mà ý thức con người có thể tưởng tượng. Nhưng đó vẫn chưa phải cảnh giới cứu cánh giải thoát. Những nhà tu thần bí trong các tôn giáo, như Meister Eckhart trong Thiên chúa giáo, các Sufi trong Hồi giáo, đều ý thức về một thế giới hữu hạn và tự thể bất toàn, muốn cho tất cả đều tan biến để tự thân chứng nghiệm bản thể huyền vi của Thượng đế Sáng tạo, vô hình vô tướng, siêu việt danh ngôn, khái niệm, tâm tưởng. Cảnh giới của cứu cánh hy cầu ấy ẩn sâu kín trong tâm thức của con người, hiếm hoi xuất hiện nơi một số nhân vật đặc biệt trong những không gian và thời gian khác nhau.
Cảnh giới ấy, tâm định ấy, có thể so sánh tương đồng với định Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà Phật chỉ dạy cho các đệ tử; do đó truyền thuyết về sau cho rằng Bồ-tát đã học được hai loại Vô sắc định cao nhất từ Kālāma và Rāmaputta. Sự gán ghép này không vững.
Trong kinh Tát-già Ni-kiền Tử, đức Phật tự thuật, sau khi từ giã Āḷāra Kālāma và Udaka Rāmaputta, Bồ-tát một mình tu khổ hành, luyện tập nín thở, tuyệt thực, cho đến khi kiệt sức. Sau đó chợt nhớ một thời lúc còn niên thiếu theo phụ vương dự lễ tịch điền, Ngài ngồi dưới bóng cây diêm-phù trầm tư và chứng đắc sơ thiền, và liên tục lần lượt cho đến chứng đắc thiền thứ tư. Y chỉ thiền thứ tư, với tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, Bồ-tát lần lượt chứng đắc Ba Minh và cuối cùng chứng đắc Đại Bồ-đề. Các tự thuật này cho thấy trước đó chưa có đạo sỹ nào biết đến bốn cấp thiền như vậy. Trong các tự thuật này không thấy nói đến bốn vô sắc định.
Trong nhiều Kinh Luận, bốn vô sắc định được nói là y chỉ thiền thứ tư với hai thiền chi xả và niệm thanh tịnh. Trong đệ tứ thiền, dù là trạng thái bất động, không hơi thở, nhưng ý thức vẫn hướng đến đối tượng là sắc pháp, với đặc tính cực kỳ vi tế, cực lân cận hư không; do đó muốn làm cho ý thức trống rỗng, vị ấy loại trừ tất cả ý tưởng và khái niệm về tất cả mọi hình thái của sắc cho đến đối tượng của ý thức thuần là hư không vô biên. Khi đối tượng thành trống không, ý thức tương ưng cũng trở thành trống không. Như vậy, lần lượt cho đến lúc ý thức tồn tại trong trạng thái cực kỳ vi tế: trạng thái không có tưởng mà như có tưởng. Cho đến khi chứng nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong đây vẫn tồn tại thức như là tự ngã an trú trên một thọ là xả, và trên một tưởng là niệm, hai yếu tố tâm lý cực kỳ vi tế. Bốn trạng thái này là định (samādhi) chứ không phải thiền (dhyāna). Trong thiền, chỉ (śamatha) và quán (vipaśyanā) quân bình; trong định, thiên trọng chỉ mà ít quán.
3. Cứu cánh thần bí
Bốn vô sắc định như thế là cứu cánh mà các nhà thần bí trong nhiều tôn giáo mong muốn đạt đến, xem đó là cảnh giới của giải thoát. Kinh Phật không xem đó là những cứu cánh an lạc, một thứ an lạc “siêu nghiệm” nhưng hữu hạn. Điểm khác biệt là trong các tôn giáo, cứu cánh giải thoát hay an lạc là sự chứng nhập hay chứng nghiệm bản thể huyền vi của Thượng đế hay Brahman, nhưng Phật giáo vì không thừa nhận Thượng đế tồn tại; thêm nữa, bốn vô sắc định được phân cấp thành một hệ thống hoàn chỉnh cùng với phương pháp tu tập để đạt đến, điều này không có trong các tôn giáo khác, mà ở đó chỉ có khái niệm chung về kinh nghiệm thần bí, và phương pháp tu tập thuộc loại kỹ thuật không được nghĩ đến. Nói một cách tổng quát, bốn thiền và bốn vô sắc định là hệ thống thiền–định đặc hữu trong Kinh Phật. Nói vậy không có nghĩa rằng trong các tôn giáo khác không có các trình độ nhập định hay xuất thần tương tự. Các vị A-tì-đạt-ma thừa nhận các hành giả ngoài Phật giáo vẫn có kinh nghiệm nhập định tương xứng, và phân biệt có ba loại định: (a) vị định (āsvādanā-samprayukta-samādhi), định tương ưng vị ngọt của ái (tṛṣṇā) với mong cầu hữu tương lai; đại phần mong cầu sinh vào thiên đường Phạm thế (Brahmaloka) trong trình độ Sơ thiền. Do vị ngọt của hữu ái (bhava-tṛṣṇā) mà hành giả không tiến lên các cấp thiền cao hơn. (b) Tịnh định (śuddhaka), không nhiễm ô bởi cảm thọ hỷ lạc của định được chứng, do đó có khả năng tiến lên cấp cao hơn. Đây thuộc định thế gian, vì không dẫn đến xuất ly tam giới. (c) Vô lậu định (anāsrava-samāpatti), trạng thái định với tâm quán chiếu và chứng nghiệm các Thánh đế. Trong ba loại, hai loại đầu nội đạo hay ngoại đạo đều có thể chứng đắc, duy chỉ khác nhau là ngoại đạo không phân cấp như Kinh Phật. Loại cuối, chỉ có trong nội đạo. Trong Kinh tạng không có sự phân loại như vậy, nhưng trong nhiều Kinh cũng thừa nhận ngoại đạo tu tập vẫn có thể đạt được các trạng thái định tương đương. Abhidhamma–Pāḷi do phát triển tại Tích-lan, nơi không có sự phát triển đáng kể của Ni-kiền tử, các sa-môn, bà-la-môn, cho nên không có phân loại như Abhidharma trong văn hệ Sanskrit. Như vậy, các vị A-tì-đạt-ma đã phân biệt khá rõ về những điểm đồng và dị giữa các thiền định trong và ngoài Phật giáo, do đó không sẵn sàng gợi lên ý tưởng đức Bồ-tát trước khi thành Phật đã học hay chịu ảnh hưởng các phương pháp tu định đương thời như thế nào. Tuy vậy, giữa các nhà nghiên cứu hiện đại có khá nhiều ý kiến khác nhau, phân vân không dứt khoát đức Bồ-tát đã học định với ai, ở đâu? Các vị này do tin tưởng phương pháp khảo cứu của mình được xem là khoa học chính xác; không tin tưởng các luận chứng A-tì-đạt-ma, tất nhiên vì không thể hiểu rõ các vị ấy đã đạt đến trình độ thiền định nào để có thể hiểu bằng trực giác những điều được truyền tụng trong Kinh.
Nói tóm lại, thiền và định như là hình thái đặc biệt của tư duy. Tư duy trong trạng thái tập trung, và trong những tư thế ngồi thích hợp, là một trong những hoạt động tâm lý của con người, kể từ khi con ngưới có ý thức về cộng đồng cho đến khi có ý thức về trật tự trong cộng đồng với những quy ước điều hòa các mâu thuẫn cạnh tranh giữa các thành viên trong cộng đồng, cùng lúc phát sinh ý thức về trật tự thiên nhiên, với tâm thức kinh sợ và sùng kính. Đấy có thể là hình thái tư duy chất phác, đơn giản, tối sơ của loài người. Rồi khi ý thức tôn giáo phát sinh, với những hoài nghi về các thế lực huyền vi ẩn áo đằng sau các hiện tượng thiên nhiên, cùng với ý thức về sự tồn tại của một đấng Sáng tạo Chí tôn Toàn tri Toàn năng với quyền năng vô hạn để thưởng phạt; đây là giai đoạn phát triển nhất định của các tư duy tôn giáo.
Tùy theo quan hệ giữa con người và bối cảnh sinh hoạt của nó, trong những điều kiện thiên nhiên đặc biệt, mà phát sinh các hình thái tư duy mang tính xã hội hiện thực hay tôn giáo thần bí. Trung Hoa và Ấn-độ là hai điển hình đặc biệt.
Thiền định Phật giáo là một giai đoạn phát triển nhất định trong các hình thái tư duy ấy, trong đó có những tương đồng căn bản mà cũng có khá nhiều sai biệt đặc thù. Thật khó phân biệt ranh giới giữa thiền định Phật giáo và các hình thái tư duy tôn giáo triết học. Tuy vậy, do ý thức sai biệt về bản thể tồn tại của ta và thế giới mà phát sinh ý thức về an lạc hay giải thoát cứu cánh, từ đó dẫn đến những phương pháp thực hành sai biệt để đạt đến cứu cánh ấy; chính đây là điểm mà thiền định Phật giáo không mang dấu vết ảnh hưởng của ngoại giáo. Điều này đã được xác định trong Kinh: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc đạo dẫn đến thanh tịnh hóa của chúng sinh, siêu việt sầu bi, dứt trừ ưu khổ, đạt đến chính lý, chứng đắc Niết-bàn...”
Có nhiều con đường có thể dẫn đến tồn tại an lạc trên các thiên giới, có Thiên đạo (devayāna), có Phạm đạo (brahmayāna), nhưng chỉ có một con đường duy nhất, con đường độc đạo với một lối đi duy nhất (ekāyano maggo).

T.S.
(tiếp theo: Thiền PG và Yoga.

Trích "Khái thuyết về Thiền - Định Phật giáo", A-tì-đạt-ma câu-xá tập 5, phát hành tháng 7/2018)

Saturday, May 9, 2020

Uyên Nguyên: “Văn Hóa Thuần Túy”

17265218_750448571776617_372981547634108512_n
Thầy Tuệ Sỹ (ảnh: Facebook)


Một ngày, bỗng, sợ chữ nghĩa!
Khi chữ nghĩa trở thành một thứ của cải riêng, cho một triều đại, hay một đế vương.
Và một ngày bỗng nhiên ngẫm ra, rằng, chữ sắt như dao, kẻ chơi dao có ngày đứt tay là nhẹ, nặng thì vong mạng!
Một ngày, nghe người ta kháo nhau con chữ này, câu văn kia hiển nhiên trở thành một thứ nô lệ của những ông chủ đầy quyền thế, mà lúc nói ra, khi viết thành là tức khắc được đặt tên, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào chỉ là những tên gọi phù phiếm. Nói khác đi, trong trường hợp này, con chữ là những tử tội!
Một ngày, thoắt thất kinh tự hỏi: nguồn gốc của chữ sinh ra từ đâu, từ vương triều cao nghều nghệu, hay từ thấp bé cổ miệng dân dã!?Không có câu trả lời, bao lâu khi nó vẫn luôn là một thứ vũ khí của những kẻ đầu cơ chữ nghĩa, cốt cho những thủ thuật chính trị sáo rỗng.
Lấy lời Phạm Quỳnh, nêu chuyện xưa mà ngẫm nhân tình thế thái bây giờ: “Ngày nay những người phản đối chữ Nho thường lấy hai cớ sau này:
Một cớ là chữ Nho là chữ của người Tàu, người Tàu trong bao lâu đã áp-chế dân mình, hiện nay vẫn còn tranh hết lợi-quyền của người mình về đường buôn bán. Người Việt-Nam cớ chi lại học chữ Tàu, dùng chữ Tàu, để chịu lấy cái áp-chế vô-hình của người Tàu nữa? – Người nào nói như vậy là lẫn việc văn-tự với việc chính-trị, việc kinh-tế. Người Tàu xưa kia về đường chính-trị đã áp-chế ta nhiều, ta nên ghét là phải, nhưng sự ghét đó là thuộc về lịch sử…”
“… Còn như chữ Nho là văn-tự của Tàu thì hiện không có quan hệ gì đến chính-trị kinh-tế cả. Trên kia đã nói chữ Nho là một thứ “tử-văn” chung cho cả nước Á-đông đã chịu văn-hóa của Nho học. Ta học chữ Nho không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Tàu, tức cũng như người Âu-châu học chữ Latin không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Ý-đại-lợi ngày nay. Ta học chữ Nho mà thử mở quốc-sử coi, biết bao nhiêu phen ta đánh Tàu siểng-liểng, đuổi người Tàu ra ngoài bờ-cõi nước nhà? Xét về vấn-đề này phải phân-biệt rõ-ràng không nên lẫn việc nọ với việc kia, mà làm cho rối trí…” (trích tr.113-114, Thượng Chi Văn Tập. Bộ Quốc Gia Giáo Dục tái bản lần thứ I 1962)
Lại liên tưởng qua một câu chuyện khác, là lần về thăm Thầy, trút hết câu chuyện mình cho là cả kinh “mất đất, mất biển” để phàn nàn Ông sao chẳng hề lên tiếng, Ông rót trà bình thản, mà ánh mắt trừng sáng: “tin vào lịch sử, bao phen mất đất mất biển mình có thể lấy lại được, còn như mất văn hóa là mất hết tất cả con à!”

Câu nói này, ai dám bảo người làm văn hóa đích thực không hàm chứa ý thức chính trị, nhưng ngược lại người làm chính trị, thiếu ý thức văn hóa, ắt tai họa đã sẵn.
Người ta nói với tôi, chê Ông chỉ là người làm “văn hóa thuần túy!”
Mà làm văn hóa thuần túy bây giờ, như Ông, chắc gì đã dễ!
Mặc cốc 3/2010
Uyên Nguyên

Tuesday, May 5, 2020

CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG


CHÚC NGUYỆN THƯ
PHẬT ĐẢN 2564


NAM-MÔ LÂM-TÌ-NI VIÊN VÔ ƯU THỌ HẠ THỊ HIỆN ĐẢN SINH THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Ngưỡng bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già,

       Trận đại dịch đang gieo rắc hoang mang và kinh sợ cho toàn thể nhân loại, đang làm đảo lộn trật tự thế giới, thách thức trí năng và quyền lực của con người trong một vũ trụ bao la và trong những thế giới cực kỳ vi tế; trong cơn khủng hoàng toàn cầu này, Phật tử Việt Nam, mùa Phật đản năm nay, cúng dường ngày Đức Thích Tôn giáng đản bằng những công đức gom góp hằng ngày trong ánh sáng soi đường hành đạo bằng từ bi và trí tuệ của Đấng Đại Giác, để cùng chia sẻ đau khổ chung của dân tộc và nhân loại, cầu nguyện kẻ trí cũng như người ngu, từ những kẻ quyền lực tột đỉnh cho đến những hạng cùng đinh khốn khổ, thức tỉnh trước thảm họa nhân sinh này mà nhận thấy rõ nguyên nhân chân thật của khổ và con đường diệt khổ. Chính trong hiện thực thống khổ này, người Phật tử dâng hoa cúng Phật, tư duy chiêm nghiệm chân lý hiện thực trong lời dạy của Đức Thế Tôn, chân lý ấy hiện thực suốt mọi thời gian và không gian, cảnh báo sự diệt vong của loài người báo hiệu bằng tai họa ôn dịch, nạn đói, và đao binh trong chu kỳ thành-trụ-hoại-không của vũ trụ: "Những kẻ kia không biết rằng nơi đây ta sẽ bị hủy diệt nên phí công tranh chấp hơn thua."

        Đấu tranh sinh tồn bằng bạo lực là quy luật của một bộ phận chúng sinh trong Dục giới. Mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng đệ tử Phật sẽ dẫn đến sự tan vỡ của khối hòa hiệp Tăng-già, là nguyên nhân khiến Chánh pháp bị lu mờ và cuối cùng biến mất trong bóng tối của điên đảo vọng tưởng.

        Trước mùa xuân Canh Tý, Phật giáo Việt Nam bị mất đi bóng cây cổ thụ đã từng làm nên lịch sử của Đạo Pháp trong lòng Dân tộc. Sau mùa xuân Canh Tý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lại mất đi thạch trụ kiên cường tiêu biêu phẩm đức vô úy của bậc xuất trần thượng sỹ, nêu cao ngọn đèn Chánh pháp không dao động trước sóng gió của hư danh và lợi dưỡng, không khuất phục trước bạo lực cường quyền. Đức Đệ Ngũ Tăng Thống khuất bóng, Phật giáo Việt Nam không còn đồng vọng dư âm những lời cảnh sách chúng đệ tử trước cám dỗ của thế lợi phù hoa, nhắc nhở kẻ sĩ không vì lợi lộc hư vinh mà bẻ cong ngòi bút.

        Sự viên tịch của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN đã để lại khoảng trống lớn lao trong Giáo Hội. Những năm cuối cùng tại thế, Ngài đã đơn thân, bằng những phương tiện khả thi, hóa giải những mâu thuẫn tế toái trong các chúng đệ tử. Nhưng trong một đất nước hòa bình đã trên nữa thế kỷ, mà ngọn lửa hận thù dân tộc chưa được dập tắt, pháp hữu lậu thế tục đã khơi dậy hoài nghi và đố kỵ, những phiền não vụn vặt có nguy cơ làm rạn nứt khối hòa hiệp Tăng. Trong những năm tháng cuối đời, Đức Tăng Thống đã ban hành quyết định ngưng mọi hoạt động của Viện Hóa Đạo, chỉ còn một mình Ngài đứng đầu Viện Tăng Thống, và đã viết nhiều Tâm thư kêu gọi cộng đồng đệ tử hòa hiệp. Trong khi Tăng-già chưa hòa hiệp trọn vẹn, dù trong ngôi vị Tăng Thống, đứng đầu Giáo Hội, Ngài cũng không thể đề nghị một vị nào kham năng kế thừa vai trò lãnh đạo tối cao, thay vào đó, Ngài quyết định ủy thác người tin tưởng trao nhiệm vụ bảo trì ấn tín của Giáo Hội, làm tín hiệu châu tri sinh mệnh Giáo Hội vẫn tồn tại, mạng mạch Chánh pháp vẫn được duy trì, cho đến khi hội đủ thuận duyên, thỉnh cầu Chư tôn Trưởng Lão hòa hiệp suy cử chư tôn đức tái lập và kiện toàn Hội đồng Lưỡng Viện, kế thừa sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, vì lợi ích và an lạc của các cộng đồng đệ tử trong cộng đồng dân tộc.

         Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,

       Khâm thừa ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi tự xét bản thân, lão lai tài tận, đức mỏng chướng dày, khó có thể đơn độc chu toàn sứ mệnh cao cả ấy trong muôn một. Vậy nên, cúi đầu kính lễ Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại đức thanh tịnh Tăng-già, vì sự nghiệp tu trì Chánh Đạo, vì an lạc của muôn dân đang chìm đắm trong dòng khổ lụy nhân sinh, thỉnh cầu Chư Tôn vận tâm bình đẳng, y Luật hành trì, thể hiện bản thệ thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già, nêu cao ngọn đèn Chánh Pháp trong một thế giới tối tăm nguy hiểm vì những tham sân điên đảo. Bằng tâm nguyện chí thành khẩn thiết này, cầu nguyện chúng đệ tử Phật, trong mùa Phật đản 2564 này, nhiếp tâm thanh tịnh lắng nghe đồng vọng trong hư không Pháp âm vi diệu hân hoan đón mừng Đức Thích Tôn thị hiện đản sinh:
  Hạnh phúc thay Chư Phật xuất thế.
Hạnh phúc thay Chánh pháp tuyên dương.
Hạnh phúc thay Tăng-già hòa hiệp.
Hạnh phúc thay bốn chúng đồng tu.

       Ngưỡng nguyện Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại Đức thanh tịnh Tăng-già, đồng chứng tri.
Phật lịch 2564.
Mùa Phật đản tháng Tư, năm Canh Tý
Khâm thừa ủy thác,


Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
__________________
Nguồn văn bản: HT Thích Nguyên Lý.

Monday, April 27, 2020

Viên Linh: Tuệ Sỹ, Tù Đày và Quê Nhà

Nhà thơ Viên Linh (Ảnh: Uyên Nguyên)

Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời. Những phụ nữ tác xác được gọi là Kim Bà Bà, Ghen tuông lườm nguýt thành Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Đào hoa vợ nọ con kia thành Đoàn Chính Thuần. Ngốc Tử gặp may thành Đoàn Dự. Hèn hạ nịnh nọt len vào chốn cao sang thành Vi Tiểu Bảo. Năm vị anh hùnh trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây độc Phạm Công Thiện, và Đông tà Tuệ Sỹ.
Những lần lui tới Vạn Hạnh, tôi tiếp xúc với hầu hết chư vị tăng ni ở đây, người nào trong mắt nhìn của một ký giả, tôi cũng có thể đùa rỡn, ngoại trừ Đông tà. Trong ngũ bá Vạn Hạnh, tôi kính trọng Thầy Minh Châu, anh Ngô Trọng Anh, giao du với Tây độc Phạm Công Thiện, nhưng với Đông tà Tuệ Sỹ, lòng tôi cứ trùng xuống, nói năng nhẹ đi, và cái nhìn của tôi không còn sắc cạnh nữa. Đi tu như Sân Đại đức, tôi dư sức thành chánh quả. Hành thiền như Si phương trượng, tôi không có hạnh Bồ tát, song cũng không hèn mà không trụ trì nổi một cảnh chùa nhỏ ven sông. Tuệ Sỹ vượt lên trên những tăng chúng thường gặp. Con người ấy là con người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người. Con người ấy, tuy vậy, một lần giận tôi, ngồi mãi ở Tòa soạn Thời Tập mà nói, chỉ vì tôi đã đăng một bài thơ anh dịch chưa xong, mà coi như xong rồi.
Lúc ấy, cùng với các anh Đỗ Khánh Hoan, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Huy Khanh, Lê Tài Điển, và Trùng Dương, Tuệ Sỹ đứng trong bộ Biên Tập của Thời Tập, hậu thân của Khởi Hành các năm trước.
Khoảng 1984, lúc ở Hoa Kỳ, nghe tin Hà Nội vây hãm chùa Già Lam, nghìn trùng xa cách, tôi biết ngay Tuệ Sỹ lâm nạn. Ngày 30 tháng 9, 1988, vị chân tu ấy bị họ lên án tử hình, cùng học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Trí, Tôn Thất Kỳ, và 17 vị khác thuộc Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam và Lực Lượng Việt Nam Tự Do. Tôi nhờ giáo sư Đỗ Đình Tuân dịch cho một bài thơ của bạn tôi qua tiếng Anh, Mười Năm Cuộc Lữ, thực hiện ngay một bản tin bằng tiếng Anh, và mang lên đọc trong một Đại hội của Văn Bút Hoa Kỳ ở Los Angeles. Tôi đọc nguyên văn bản của Tuệ Sỹ, và anh Trịnh Y Thư sau đó đọc bản dịch Anh ngữ. Văn Bút Quốc tế qua tài liệu do bà Jeanne-Leedom Arckeman, lúc ấy là Chủ tịch Văn Bút Hoa Kỳ ở Miền Tây chuyển lên giùm, đã can thiệp tích cực vào vụ Chùa Già Lam. Cũng vụ này, Tạp Chí Văn Học làm một số đặc biệt vào ba tháng sau, và tôi đã dành lấy việc trình bày cái bìa, và làm ba đoạn thơ cảm khái, với nhan đề Trí, Tuệ.
Nhà Lý Văn Lang Công Uẩn ôi!
Bao nhiêu thế kỷ đã qua rồi?
Thăng Long rồng hiện xem bờ cõi
Cửa mở Già Lam thả phượng chơi.
Mỏng mảnh như mây gió thổi về
Vén tầm vô hạn xuống bờ mê
Gác chuông Trí, Tuệ kinh vừa giảng
Dưới đáy trần gian quỉ kéo đi.
Vẫn tiếng sông sầu róc rách trôi
Bến Vàng lớp lớp mộng lôi thôi
Vung tay Sỹ hận hề, tung sách
Chữ nghĩa nghìn trang, Trí vá trời.
(Viên Linh, Văn Học, số 35.12.1988 – tr18)
Trong cuộc sống xô bồ với giấy mực của tôi, Tuệ Sỹ như một băng hồ. Băng hồ ấy có thể đóng đá, song lại bốc hơi. Hơi ấm của băng hồ. Nói nhỏ nhẹ, nói như viết, anh không nói thừa. Anh cũng không cao giọng, dù trong lòng không vui.
– Anh đọc lại đi. Tôi đã dịch xong đâu.
Tuệ Sỹ ngồi im, hai tay đặt lên hai thành ghế, cả người lọt thỏm trong chiếc ghế gỗ màu gụ của Tòa soạn Thời Tập, cũng là văn phòng nhà in Phúc Hưng của anh em chúng tôi ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn.
– Tôi nghĩ xong rồi. Xong rồi anh mới đưa tôi đăng chứ?
– Tôi đưa anh đọc.
– Tôi thấy hay thì đăng.
Câu này hình như làm cho tác giả TRIẾT HỌC VỀ TÁNH KHÔNG giận. Một lần nữa anh bảo tôi đọc lại đi, xem có phải là thơ không, mà tôi đem đăng lên Thời Tập.
Trong quan điểm một Chủ bút, tôi vẫn chủ trương thơ của các tác giả vô danh, thì phải hay mới đăng được, còn bài của những người có tên tuổi, thì có làm sao, tôi vẫn đăng, trừ phi nguệch ngoạc quá tay (vì các tác giả có tên tuổi sẽ chịu trách nhiệm về bài biết của họ, còn với tác giả vô danh, người chịu trách nhiệm chính là người chọn bài đăng.) Cho nên nếu lấy thơ loại B mà ký Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, tôi vẫn đăng. Và Bài Vua Tần Uống Rượu Tuệ Sỹ dịch thơ Lý Hạ, không lý gì tôi không đăng. Khoảng 1973, 74, Tuệ Sỹ đã rất có uy tín.
Đọc lại, quả có thấy thiếu vần. Đoạn một, tôi nói có thể coi là có vần trắc, do hai chữ cực và chữ biếc, nghe tương tự đồng âm. Đoạn hai chắc chắn có vần, do hai chữ tình ở câu trên, và sênh ở câu dưới. Đoạn ba tôi đồng ý không có vần, nhưng nối với đoạn hai, thì chữ canh đi với chữ sênh, coi là đồng âm. Đoạn bốn tôi đồng ý không có vần, nhưng không sao. Còn hai câu kết…
Tuệ Sỹ giận lắm. Tôi thấy hai bàn tay anh nổi xanh trên tay ghế. Anh nói gì đó không còn nhớ nguyên văn, song đại ý là như thế mà coi là có vần được à. Tôi nói như không có vần thì có điệu, coi như thơ tự do. Toàn bài, đối với anh chưa hoàn tất, nhưng đối với tôi, tôi thấy hay. Tôi thấy anh tức giận thực sự, ngồi im bặt thật lâu.
Nguyễn Đức Sơn từng nổi giận tại Tòa soạn Thời Tập, la hét như người kinh phong, đi qua đi lại, hai đầu gối nhấc cao, làm cho tà áo lam gẫy khúc, khi tôi đăng thơ anh dọc theo chiều gáy tờ báo, nghĩa là phải quay 90 độ mới đọc được, song Tuệ Sỹ giận thì như mặt hồ đóng băng. Im lặng. Tĩnh chết. Một lúc sau anh đứng dậy ra về, không nói gì hết. Giận vậy thôi, trước là Khởi Hành (1969-1972) và sau là Thời Tập (1973-1975) vẫn là hai tờ tạp chí đăng tải nhiều sáng tác nhất của Tuệ Sỹ, trong có ít nhất là hai bài thơ hay: Sơ Huyền (Tang thương một giải tóc thề), Mơ Tuổi Vàng (Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ / bài thơ làm Bùi Giáng choáng váng) và ba truyện ngắn, tùy bút xuất sắc: Truyện Chuyến Xe Đò Cao Nguyên về một “cuộc lữ nhỏ” trên đường Pleiku; truyện Sư Thiện Chiếu về “cuộc lữ lớn” của một nhà sư dựng nước; hay Quỉ Thi của Lý Hạ…
Nhà Đại Đức về rồi, tôi ngồi đọc lại bài Vua Tần Uống Rượu, quả có thấy là chưa hoàn tất, nhưng nhất định hay thì vẫn hay. Tháng 4.1998, tôi lên Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ sao lại bài này, lúc về lại California thì bị mất cắp ở phi trường Fort Worth, Texas. Tháng 12.1998, tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn sao chép một lần thứ hai, và bản sao thu nhỏ như phía trên. Với tôi giờ này đọc lại, vẫn thấy hay như thường.
Dịch thơ, là dịch cho nổi ý tác giả; dịch đúng vần mà không đạt ý thì đâu phải là dịch hay? Đó là thơ mình mượn ý của người. Tần Vương kỵ hổ du bát cực mà dịch là Vua Tần cưỡi cọp chơi tám cực thì hay quá rồi còn gì nữa. Vừa đối chữ, vừa chỉnh thanh. Kiếm quang chiếu không không tự bích. Ánh kiếm chỉ trời trời tự biếc thì hết ý, ai có thể dịch hay hơn? Hai chữ không không dịch thành hai chữ trời trời, đâu phải ai cũng dịch được? Hy Hòa xao nhật pha lê thanh dịch là Hy Hòa rung mặt nhật rộng tiếng pha lê thì đúng nghĩa, tuy rằng phải them chữ mặt và chữ rộn.
Câu dưới, Kiếp hôi phi tận mà dịch là Kiếp tro bay hết thì còn gì hay hơn? Cổ kim bình thì ta không cần dịch cũng được, cứ để cổ kim bình, ai mà không biết? Nhà tu này thật khó tính.
Để xem trong những bài khác, Tuệ Sỹ dịch như thế nào.
Bài Thu Lai của Lý Hạ:
Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố
Thùy khan thanh giản nhất thiên thơ
Bất khiển hoa trùng phấn không đố
Tư khiên kim dạ trường ưng trực
Vũ lãnh hương hồn điếu khách thơ
Thu phần quỉ xướng bảo gia thi
Hận huyết thiên niên thổ trung bích
Tuệ Sỹ dịch nghĩa:
Gió heo may rợn hồn tráng sĩ
Lạnh se da, dế rỉ đèn lu.
Dở trang bóng chữ lờ mờ
Mấy rây mọt phấn ơ hờ điểm hoa.
Buồn ray rứt kéo ra ruột thẳng
Khóc người thơ, mưa lạnh hồn ma
Tanh hôi giọng quỉ trên gò
Máu hờn thiên cổ xanh mồ cỏ thu.
(Tuệ Sỹ, Thời Tập, 1973)
Như dịch giả ghi chú, đây chỉ là dịch nghĩa. Dịch giả dùng thể song thất lục bát, hai câu bảy, rồi một câu lục một câu bát. Câu thứ ba có hai chữ tuyệt vời: Bóng Chữ. Phải chăng nhà thơ Lê Đạt ở Hà Nội đã đọc bài này trước khi in tập thơ Bóng Chữ cách đây vài năm?
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu…
(Tuệ Sỹ, Mười Nam Trong Cuộc Lữ)
Cho tới nay, kể cả những bài thơ đầu tiên đăng trên Tạp chí Tư Tưởng, năm 1970, Tuệ Sỹ chỉ mới cho phổ biến được khoảng dưới 10 bài thơ. Thời gian ở tù, ông có chuyển ra ngoài một số bài, song ít người được đọc.
Dâng nhúm cơm tù phạm
Cúng dường Đấng Tối Cao
Cõi Đời đằmmáu hận
Nâng chén nước mắt trào.
(Tuệ Sỹ, Cúng Dường)
Thơ Tuệ Sỹ giai đoạn đầu cho người đọc thấy một pha trộn kỹ thuật của người đã đọc nhuần nhuyễn VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH của Nguyễn Du và CUNG OÁN NGÂM KHÚC của Nguyễn Gia Thiều. Cũng có cả CHINH PHỤ NHÂM của Đặng Trần Côn. Đó là những Truyện Thơ. Thơ có chuyện để kể.
Các nhà thơ Miền Nam thập niên ’70 ít người dùng đến thể thơ truyện, như tám chữ hay song thất lục bát; Tuệ Sỹ dùng một đôi lần thể song thất, phần lớn dùng thể tám chữ. Trong 10 bài đã phổ biến của ông, ta hãy đọc:
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không Đề – Tạp chí Tư Tưởng bộ mới, số 8, 12.1970)
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu.
(Mười Năm Trong Cuộc Lữ, Tư Tưởng)
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
(Tôi Vẫn Đợi)
Chuyện đã kể rồi hồng hoang lững thững
Vẫy tay chào nối gót chẳng buồn trông
(…)
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi (trên) đồi hoang.
(Mơ Tuổi Vàng, Khởi Hành)
Thơ tám chữ, bản chất là thơ kể. Bài thơ tám chữ được nhắc nhở nhiều nhất thời Tiền chiến là bài Nhớ Rừng của Thế Lữ:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh Hoài Chân, Hoa Tiên, 1968)
Sau 1954, Đinh Hùng là vua thơ tám chữ ở Miền Nam:
Lòng đã khác, ta trở về Đô Thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa.
(Bài Ca Man Rợ)
Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em-Ôi biển sắc rừng hương!
(Kỳ Nữ)
Nhà thơ Viên Linh và Thầy Hạnh Viên đang trò chuyện,
nhắc lại những kỷ niệm về Thầy Tuệ Sỹ
 
(Ảnh: Uyên Nguyên)
Trong lớp các thi sĩ lúc ấy, Tuệ Sỹ nổi lên với những bài thơ tám chữ mênh mang, kể những chuyện từ tâm thức hồng hoang xáo trộn với thời thế nhiễu nhương, trong đó những hình ảnh bát ngát nhất là núi rừng, dòng sông cạn, triều dâng, nước chảy, nước lũ, bờ bến lạ, ghềnh đá dựng, suối trăng, tóc xa xưa, tóc huyền, tóc vào thu, tóc cũ, tóc trắng, nói mộng, viễn mộng, cuộc lữ… Nếu thơ Phạm Thiên Thư đầy màu xanh hoa vàng của một thiên nhiên êm đềm thì thơ Tuệ Sỹ phiêu hốt hùng vĩ với màu đá, màu rừng già khô lạnh, thác ghềnh, và một mái tóc sơ huyền. Đó là những thiên nhiên khác.
Thơ tám chữ không ẻo lả như lục bát. Tuệ Sỹ nhỏ người, mà rất cứng cỏi. Lời thơ ông không là lời nói xuông xẻ, êm tai, mà là khối tâm sự ngổn ngang. Trước hết, nghĩ về mình, có thể ông nghĩ như sau:
Như cánh hải âu cuối trời biển lộng
Bồng bềnh bay theo cánh mỏng ngàn đời…
Cánh hải âu ấy hay bay lượn trên một bờ biển hoang vu, tìm nét hồng trong đá xám, kiếm huyền nhiệm trong biểu dâu hưng phế:
Chiều lắng đọng thênh thang ghềnh đá dựng
Những nỗi buồn nhân tế cũng phôi pha.
Màu nhiệm nào đằng sau bao hủy diệt
Mà nụ hồn vừa nở thắm ven khe.

Nếu cho mình là cánh chim, thì cánh chim Tuệ Sỹ thấy thiên nhiên đất trời vô cùng khắc nghiệt:
Hàng thạch thảo dọc thiên đường tàn úa
Tháng ngày qua thoáng hắt bóng trên đồi
Con chim sớm bay tìm từng hạt lúa…

Một buổi sáng nghe chim buồn đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bong thiên thần.
Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Trung phần, Việt Nam, qui y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sàigòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965, phân khoa Phật học. Được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận Triết học có giá trị hết sức cao, như ĐẠI CƯƠNG VỀ THIỀN QUÁN, TRIẾT HỌC VỀ TÁNH KHÔNG (Sunyavada), (An Tiêm Saigon, 1970). Rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc được chữ Pali và chữ Phạn. Ông cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ Heideger và Hoelderlin. Cuốn THIỀN LUẬN nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do ông dịch.
Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo nguyên thủy và Đại thừa, đọc và nghiên cứu Tô Đông Phap từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hòa tính thơ: TÔ ĐÔNG PHA, NHỮNG PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG (Ca Dao Saigon, 1973). Những lúc rảnh, ông chơi dương cầm. Ông làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên Tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975), khi đứng tê trong Bộ Biên Tập tạp chí này. Ông cũng là Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Vào ngày 1 tháng 4, 1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 Tăng ni, sĩ quan cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị kết án mưu võ trang lật đổ chính quyền và trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày cuối tháng 9,1988, ngày 30 ông bị lên án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát. Cộng sản nói có tìm thấy võ khí trong Chùa Già Lam.
Do sự tranh đấu tích cực của các Cơ quan Nhân quyền Quốc tế, trong có Hội Ân Xá Quốc Tế và Văn Bút Thế Giới, cũng như Ủy ban Tranh đấu cho Quyền Làm Người Việt Nam v.v.., Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam Tuệ Sỹ tại trại A.20 tại Phú Yên. Tháng 10, 1994, cùng 200 tù nhân, ông tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và thực hiện các quyền khác, nên bị Hà Nội đày ra Bắc.
Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ, tại Tòa Án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là gương sang chói lọi, và niềm tự hào của Phật giáo: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc”. (trích theo Hòa Thượng Thích Mãn Giác). Năm 1998, Hà Nội thả Thượng tọa, cùng với một số người khác. Trước đó, ông tuyệt thực trong tù. Trước khi thả, họ muốn Tuệ Sỹ ký vào lá đơn Xin Khoan Hồng để gởi lên ông Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Họ nói không viết đơn thì không thả. Tuệ Sỹ không viết, và tuyệt thực. Họ phải thả ông, sau 10 ngày tuyệt thực. Hôm đó là ngày 1.9,1998.
Sáng hôm sau, lúc 10 giờ 45, Thượng tọa Tuệ Sỹ được đưa lên tàu hỏa về Nam. Thượng Tọa ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên tàu thì không thể chịu đựng thêm, vì rất yếu sau 10 ngày không ăn ở trong tù. Ông xuống Nha trang, vào Phật học viện Hải Đức.
Thượng Tọa Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, báo chí không biết. Ông tuyệt thực “để khẳng định mình”. Như ông nói. Ít lâu sau, Hà Nội lại ra lệnh ông phải về chốn cũ, là Chùa Già Lam ở Gia Định, chứ không được ở lại Hải Đức. Ông từ chối, viết một lá thư gửi nhà cầm quyền Hà Nội, nói một là ở Hải Đức, hai là vào tù trở lại. Tin này có loan trên báo chí hải ngoại.
Trước sau, tác giả Những Phương Trời Viễn Mộng đã bị giữ trong nhà tù Cộng sản 14 năm. Giữa tháng 4.1999, Hòa thượng Quảng Độ đề cử Thượng Tọa Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo.
Hình bóng thiên nhiên khắc nghiệt, mà hình bóng con người cũng không hơn. Chia xa, mất hút. Kể cả con người ấy là mẹ:
Mẹ già thôi khóc cho thân phụ
Lại khóc cho đời ta phiêu linh
Con người trong thơ Tuệ Sỹ không được thể hiện bằng vóc dáng, dung nhan, cặp môi, khoé mắt, tiếng cười, giọng nói. Con người trong thơ Tuệ Sỹ chỉ là mái tóc. Có cả năm bảy mái tóc trong tâm thức Ðông tà:
Tang thương một giải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu.
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu
(Sơ Huyền, Khởi Hành)
Xưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ.
(Mùa Mưa Cao Nguyên, Khởi Hành)
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm
Nào đâu nữa tóc em như gió cuốn
Người ra đi tâm sự với hoàng hôn
Tượng đồng tạc bóng cô liêu
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không Ðề, Tư Tưởng)
Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ môi nhục cảm trong thơ Xuân Diệu, vì Xuân Diệu không sợ tiếp xúc; phải chăng là con mắt đắm đuối của Hàn Mặc Tử, vì Hàn Mặc Tử không thể đụng chạm; hay đó là bàn tay trong thơ Lưu Trọng Lư, vì Lưu Trọng Lư ngại chia phôi?
Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ vai của Huy Cận, vì Huy Cận muốn tựa đầu; là xiêm áo của Bích Khê, vì Bích Khê suốt đời mong một dáng tầm xuân, một tấm thân kiều diễm? Mái tóc của Tuệ Sỹ phải chăng là bàn chân của Ðinh Hùng, vì Ðinh Hùng luôn luôn quì dâng, sùng bái? Là lưng mềm của Vũ Hoàng Chương, bởi Vũ Hoàng Chương thích riết đôi tay, tiến đôi chân? Mái tóc ấy là gì? Một thục nữ? Một giai nhân? Những câu hỏi ấy đêm nay tôi chẳng thể trả lời, chỉ biết mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ chưa chắc là có thật, mà có thật; chưa hẳn là không, mà vẫn không. Mái tóc ấy, biết đâu chẳng phải là một phương trời viễn mộng, cái viễn mộng thanh cao của một thị giả thích ngắm nhìn đất đỏ, áo xanh, cỏ vàng, đêm đen, nụ hồng, và tóc? Mái tóc ấy nhất định là người, song là ai? Hay chẳng là ai cả, mà chỉ là những đổi thay trong Cuộc Lữ, từ lúc mưa xanh tới nắng hạ, từ hồng hoang tới tàn úa thiên đường?
Và, tâm thức ấy, vì sao lại nhìn thấy tù ngục, như trong bài Tôi Vẫn Ðợi:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm Lịch Sử
Dài con sông tràn máu lệ Quê Cha…
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.
Bài thơ trên quả là Một lần định như sao ngàn đã định. Ðịnh từ một Cái định của ngàn sao, của không hư. Của 14 năm tù đày. Cho Quê Hương và Ðạo Pháp.
5.1999
VIÊN LINH
Khởi Hành