Monday, October 30, 2023

Sen Trắng: Cơ Đồ Phật Việt mai này, ai nâng?

 

“Khổ đau là khối tình chung,
Ai nâng cõi Thế qua bùn tử sinh?”

Bệnh thân đã kéo dài nhiều năm, những tháng qua khi tình hình sức khỏe của Hòa thượng trở nặng trong lúc đang cáng đáng nhiều trọng trách lịch sử. Lớp là việc kiện toàn Giáo Hội, lớp là tiếp tục công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Lịch Đại Tiền Bối Tăng Già Việt Nam còn dang dở hoặc chưa hoàn chỉnh, bao nhiêu việc lớn nhỏ còn ngổn ngang…, thì tất nơi hàng hậu học, nhất hạn những người học trò từng trực tiếp thọ ơn giáo giới của Hòa thượng đã khởi tâm âu lo, thương nghĩ mà mong tỏ chút lòng cảm kích thâm ân sâu nặng của Thầy.

Tu Viện Đại Bi, buổi chiều rợp bóng Đại Y. Chiên đàn khói tỏa như màu Áo Lam hiền dịu gần xa tựu về. Có những khuôn mặt xưa quen thuở Phật viện, Đại học; có những tấm lòng thương kính của lớp lớp đồng hương dù chỉ được nghe danh, hay biết đã từ lâu… Cuộc đời của Thầy ảnh chiếu qua những cung bậc thăng, trầm tựa những phím dương cầm, mà âm điệu như Hải Triều bật xô cường bạo, lại có khi rạt rào như mưa Pháp tưới tẩm lên mảnh đất tâm của chúng sinh còn khổ đau…

Chiều nay tiếng kinh hòa điệu tiếng lòng, tứ chúng nhất tâm dâng Thầy lời chúc an để sớm hoàn thành Đại Nguyện Chung cho Đạo Phật Việt và Dân Tộc Việt. Ngưỡng cầu Tam Bảo thùy từ chứng minh và hóa độ cho Hòa Thượng điều hòa tứ đại, trở lại với Chùa và với Chúng, với những ai còn mong nương tựa vào đức hạnh của một bậc Chân Tu hiếm hoi trong thời đại được mệnh danh “vàng giả thay cho vàng thật”, “chùa tháp làm nơi ẩn nấp cho ma vương”, không biết “đâu là giá trị được tán dương bởi Hiền thánh Giác ngộ và đâu là giá trị thế tục được thiết lập bởi tri thức cuồng vọng của thế gian, quyến rũ bằng hư danh và lợi dưỡng”

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát


Nguồn: Sen Trắng và mời xem theo hình ảnh ở đây.

 


Saturday, October 28, 2023

Tuệ Sỹ | Ba Thừa Bồ Đề | Translated and annotated by Đạo Sinh: The Three Discrete Kind Of Bodhi

 

     Ở đây, có một người lạc lối trong rừng hoang đầy nguy hiểm, chợt cảm thấy an ổn. Do bởi đâu? Điều chắc chắn là khi nhận biết ra ta đang ở đâu, chung quanh này, gần đây hay xa hơn, có những gì. Vậy thì, sự thực quá hiển nhiên, cái làm cho người ấy cảm thấy an toàn, và tất nhiên cùng lúc với cảm giác sung sướng, đó chính là sự hiểu biết. Nhận rõ được sự thực, nhận biết thực tế ta đang ở đâu, ta đang làm gì, và nếu đó là nhận thức cứu cánh, nghĩa là biết rõ sự sống và sự chết, biết rõ sau đời này, sau khi thân thể này mục rã, ta sẽ là gì, ở đâu, biết một cách chắc chắn, tự mình biết, tự mình thấy, chứ không do ai khác; nhận thức ấy được gọi là giác ngộ, hay bồ-đề. Tuy vậy, nhận thức và giác ngộ là hai giai đoạn diễn ra trước sau như một quá trình nhân quả. Do nhận thức chính xác mà đạt được giác ngộ.
     Nếu nói theo ngôn ngữ kinh điển, giác ngộ hay bồ-đề xuất hiện do bởi sự phát sinh của hai loại trí, tận trí và vô sinh trí. Tận trí, là nhận thức khởi lên, biết rằng ta đã dứt sạch các phiền não ô nhiễm; và cũng biết rõ rằng chúng vĩnh viễn không bao giờ sinh khởi trở lại, đây là vô sinh trí của A-la-hán. Bằng tận trí và vô sinh trí, A-la-hán tự tuyên bố: “Sự sinh của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sau đời này không còn đời nào nữa.” Đó là cứu cánh của Thanh văn. Cứu cánh đó được gọi là bồ-đề của Thanh văn.
     Cứu cánh của Thanh văn, mục đích tối thượng của các Thánh đệ tử, là đạt đến mức trí tuệ trong sáng, không bị che mờ bởi các phiền não khuấy động, do đó nhìn rõ sự thực của sống và chết. Mục đích này được mô tả sinh động trong kinh Tiễn Dụ. Một người bị trúng tên độc, việc cấp bách là nhổ mũi tên ra, và chữa trị vết thương, chứ không phải tìm hiểu mũi tên từ đâu bắn tới, làm bằng loại cây cỏ gì. Trong tình trạng như vậy, rõ ràng những vấn đề thế giới này hữu hạn hay vô hạn, thường hằng hay không thường hằng, những vấn đề như vậy hãy gác qua một bên. Tất nhiên vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó. Đức Phật đã từng nói, những điều ta biết nhiều như lá trong rừng cây mà những điều ta giảng dạy cho các đệ tử chỉ như nắm lá trong lòng tay. Cho nên, nhu cầu giải thoát thực trạng khổ đau là một thực tế nhân sinh, nhưng nhu cầu hiểu biết tiền tế hậu tế, hiểu cái vô thủy và vô chung của vũ trụ, cũng là một thực tế không thể chối bỏ của nhân sinh. Có những chúng sinh chỉ mong nhanh chóng đạt được giải thoát, sạch hết phiền não, thân tâm trong sáng như hư không, để sau khi trút bỏ sắc thân bèo bọt này, không còn tiếp tục thọ thân nào khác nữa. Nhưng cũng có chúng sinh ước nguyện hơn thế dù phải kéo thêm nhiều đời nhiều kiếp nữa với những thọ thân đầy khổ lụy này, mà cứu cánh là thành Phật.
     Nếu khi ta nghe các luận sư Đại thừa nói rằng mỗi chúng sinh sinh ra đều được mã hóa với ba chủng tánh bồ-đề: chúng tánh bồ-đề Thanh văn, chủng tánh bồ-đề Độc giác, và chủng tánh bồ-đề Phật Chánh giác, mà điều này lại không tìm thấy trong các kinh điển được cho là nguyên thủy, đừng vội kết luận là những thêm thắt ngụy tạo. Lý luận của các luận sư này cũng chỉ đơn giản thôi: Tất nhiên phải có chúng sinh ước nguyện thành Phật; nếu không, thế gian này làm sao có Phật xuất hiện? Vả lại, thế giới không chỉ tồn tại với một quả đất này là duy nhất, mà trong vô tận không gian, hiện hữu vô số đại thiên thế giới; trong những thế giới đó há không có Phật? Thế giới vô tận, chư Phật Như Lai cũng vô lượng, và vì vậy chúng sinh phát nguyện thành Phật cũng vô số. Thêm nữa, trong các đệ tử của Phật, há không ai có ý tưởng mai sau sẽ đạt đến cứu cánh như vị Tôn Sư Chí Tôn của mình hiện tại, là Phật? Kinh điển nguyên thủy không bao giờ nói ngài Xá-lợi-phất muốn thành Phật, mà chỉ bằng lòng với sở đắc hiện tại, dù chính ngài cũng nhận thức rõ ràng rằng, như kinh điển cho thấy, trí tuệ của mình còn cách bậc Đại giác rất xa, quá xa vô lượng thế giới. Những vị Bồ-tát kết tập kinh Pháp Hoa cho rằng, há những bậc đệ tử thượng tôn như Xá-lợi-phất mà không ước nguyện thành, thì ai là người đủ tầm vóc để ước nguyện thừa kế di sản của Như Lai? Vì Phật cũng thường bảo các đệ tử: “Các ngươi hãy là người thừa kế trí tuệ của Ta, chứ đừng là những kẻ thừa kế tài vật của Ta.” Kế thừa trí tuệ của Như Lai, tất nhiên là thành Phật. Trong một hoàng triều mà các hoàng tử, những người có khả năng nhất, tài ba lỗi lạc nhất, lại không muốn thừa kế di sản, thì cơ nghiệp của hoàng đế sẽ ra sao? Vì vậy, các vị kết tập Pháp Hoa khẳng định, ngài Xá-lợi-phất nhất định có ước nguyện thành Phật để kế thừa sự nghiệp Như Lai, và nhất định sẽ thành Phật.

THE THREE DISCRETE KINDS OF BODHI

By Tuệ Sỹ | An excerpt from Du-già Bồ-tát Giới, pp. 70-72translated and annotated by Đạo Sinh
Why would a man who has been lost in a dangerous jungle suddenly feel unworried? It is certain that he might find out where he is and what is around him, near and far. Thus, all that can make him feel safe and, at the same time, pleased is his own knowledge of the situation in which he is caught up. Similarly, if we can, on our own, know exactly where we are, and what we are doing, and where we are destined to go in the next life, and what we would become after our bodies are destroyed, we have attained a kind of knowledge called bodhi or enlightenment in Buddhism. Nevertheless, knowledge and enlightenment are considered to be two consecutive stages of a causal process; and the latter may be achieved thanks to the former alone.
     In Buddhist texts, bodhi is said to manifest itself on the basis of two types of knowledge: kṣayajñāna and anutpādajñāna(1). It is by means of them that an arhat(2) proclaims that his rebirth comes to an end, his holy life has been carried out, what needs to be done has been fulfilled, and there is no more life after this life. It is the aim of śrāvakas(3), or rather, śrāvaka-bodhi.
     The goal of śrāvakas or the ultimate aim of the noble immediate disciples of the Buddha is to achieve pure wisdom, which is not clouded by all kinds of afflictions, and thus to gain a deep insight into the reality of birth and death. The goal is picturesquely described in the Arrow Sūtra: For a person who is injured with a poisoned arrow, what should be done on the spot is not to investigate where the arrow is shot from or what it is made of, but to pull it out and treat the wound immediately. In such a situation, it is obvious that the questions as to whether the world is finite or infinite, permanent or impermanent, must be neglected.
     In reality, the matter should not be considered so simple. The Buddha ever said that what he knew was as much as the leaves in a forest, and what he taught was like a handful of them. Therefore, the need for liberation from suffering is a fact in human life; but the need for understanding the no-beginning and the no-ending of the universe, which has become an undeniable fact in human life, too, is not less indispensable. Some people want to eliminate all the afflictions and liberate themselves from suffering as soon as possible so that they would no longer get any more bodies after abandoning their current ones. Otherwise, some want to achieve Buddhahood even though they have to suffer innumerable lives in their unpleasant bodies. If the doctrine that every sentient being is endowed with three kinds of bodhi, viz., Śrāvakabodhi, Pratyekabodhi, and Samyaksaṃbodhi, is said not to be found in the so-called original texts, it should not be interpreted as being falsely invented by Mahāyāna exegetists. Their grounds are not too difficult to understand: there are really some sentient beings who have taken a vow to attain the consummate enlightenment of a buddha; for, without them, who is the buddha who would come into existence in the world?
     Cosmologically, the universe consists of not only our earth, but a countless number of worlds in which, who may say that there would not be any Buddha found. The universe is infinite, the buddhas are innumerable; and so are sentient beings who take a vow to achieve Buddhahood. In addition, is it true that not any immediate disciple among the Buddha’s did generate the aspiration to the supreme enlightenment that he achieved? In the early Buddhist texts, Śāriputra is said not to have made any decision of achieving Buddhahood. He was, instead, allegedly satisfied with his own achievements even though he realized that he had not yet been so perfectly enlightened as the Buddha. Those who compiled the Lotus Sūtra, however, set forth the question as to who would have enough qualifications to inherit the Tathāgata’s career apart from his most qualified disciples like Śāriputra. For the Buddha ever told his disciples that they should have inherited his wisdom, but not his material heritage. To inherit his wisdom has connotations of achieving supreme knowledge and becoming a buddha. Just as a king whose sons refuse to follow his career will eventually lose all of his achievements, how could the Buddha’s teaching as a whole be experienced and realized and spread at its utmost if his followers refuse to attain the perfect enlightenment he ever did? So, the compilers of the Lotus Sūtra come to the conclusion that Śāriputra did take a vow to achieve Buddhahood for preserving the Tathāgata’s spiritual career, and that he must have been successful.
______________
Notes:
(1) kṣayajñāna: knowledge of cessation; a practitioner’s understanding that the afflictions, viz., greed, hatred, and delusion, have been eradicated and that no more of religious training is needed.
anutpādajñāna: knowledge of non-production; the understanding that the afflictions, once eradicated, can never again recur.
(2) arhat : one who has destroyed all the afflictions and all causes for future rebirth.
(3) śrāvakas : lit. “listener”; one who seeks his own liberation from suffering as an arhat.

Thông báo: Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ

 

THÔNG BÁO

Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni,
Kính thưa chư vị thức giả, văn thi hữu, cùng Phật tử trong nước và hải ngoại,

Như quý vị đã biết, trước bệnh tình nguy ngập của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi, những pháp lữ và những người học trò trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giáo huấn của Người, đã cố gắng trong một thời gian rất ngắn để thực hiện tập Kỷ Yếu này. Do hạn chế về thời gian, Kỷ Yếu chỉ là một tuyển tập đơn sơ gồm những sáng tác văn thơ, nhạc, họa, của chư Tôn Đức và văn thi hữu nhằm biểu lộ niềm tri ân đối với bậc Thầy lãnh đạo nòng cốt còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một học giả Phật học uyên thâm hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Và cũng chính từ giới hạn đó, chúng tôi đã không kịp nhận được đầy đủ bài vở của chư Tôn Đức, văn thi hữu cùng quý Phật tử có lòng quý kính gửi dâng Hòa thượng Tuệ Sỹ.

Nhân đây, chúng tôi xin cáo lỗi cùng một số tác giả đã gửi bài đóng góp nhưng vì trễ hạn hoặc nội dung không phù hợp nên không được đăng tải vào Kỷ Yếu.

Chúng tôi ước mong những bài vở được tuyển đăng nơi Kỷ Yếu này có thể thay mặt quý vị, nói lên cảm xúc và niềm tri ân vô hạn đối với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Tập Kỷ Yếu đang được tiến hành in ấn một số ít tại Việt Nam và phần lớn được in tại California, Hoa Kỳ. Số lượng in giới hạn, một phần vì thời gian cấp bách, phần khác vì ấn phí và cước phí không nhỏ (với tập sách khổ lớn, in offset 4 màu, dày hơn 500 trang), chúng tôi chủ yếu hoàn thành tập Kỷ Yếu với tất cả tấm lòng để cúng dường dâng lên Hòa thượng Tuệ Sỹ tường lãm, chứ không có nhu cầu thương mại, và cũng không có khả năng tặng sách miễn phí cho đại chúng khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, quý vị nào có nhu cầu muốn có một tập Kỷ Yếu để tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và hành trạng của HT Tuệ Sỹ, để chia sẻ xúc cảm và ân tình của mình đối với bậc Ân sư, xin vui lòng đặt sách trên hệ thống Amazon Books (chỉ trả ấn phí và cước phí):

https://www.amazon.com/K%E1%BB%B7-y%E1%BA%BFu-tri-Th%C3%ADch-Tu%E1%BB%87/dp/B0CLZ5BLGG/ref=sr_1_1

hoặc đặt từ hiệu sách Barnes & Noble:

https://www.barnesandnoble.com/w/book/1144290440?ean=9798886660654

hoặc tùy hỷ ủng hộ và liên lạc với các tự viện sau đây khi có thông báo chính thức sách in đã hoàn tất:

a) Chùa Phật Đà, 4333 30th Street, San Diego, CA 92104 – U.S.A. Tel. (619) 283-7655

b) Chùa Phổ Từ, 17327 Meekland Ave, Hayward, CA 94541 – U.S.A. Tel.: (510) 481-1577

c) Trung Tâm Văn Hóa Pháp Vân, 420 Traders Blvd E, Mississauga, Ontario, L4Z 1W7, Canada. Tel.: (905) 712-8809

d) Chùa Viên Giác, Karlsruher Str. 6, 30519 Hannover, Germany. Tel.: +49 511 879 630

e) Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia | Tel.: +61 481 169 631

Nguyện cầu hồng ân chư Phật từ bi gia hộ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được tiêu tai diên thọ để tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và dẫn đạo công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Ban Phát Hành Kỷ Yếu kính ghi.

Nguồn: https://hoangphap.org/thong-bao-ve-viec-phat-hanh-ky-yeu-tri-an-ht-thich-tue-sy/

Thursday, October 26, 2023

Đỗ Hồng Ngọc: Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn

 

Thị giả của Thầy Tuệ Sỹ nhắn tin tôi: Thầy Tuệ Sỹ đang ở Sài Gòn. Mời Bác đến Hương Tích chơi. Tôi đến. Tuệ Sỹ gầy ốm, xanh xao lắm. Nhưng vui vẻ, hoạt bát, thông tuệ như bao giờ! Thầy viết tặng tôi tập Thơ song ngữ: Dreaming the Mountain do Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch (2023), cùng với cuốn Phạm Công Thiện của Nohira Munehiro (Võ Thị Vân Anh dịch) và Phật Học Luận Tập, số mới nhất.

Phần tôi, gởi tặng Thầy bản thảo “Một ngày kia… đến bờ” vừa mới viết xong. Trong đó tôi viết: Phật cũng già, cũng bệnh và… cũng chết; viết về Phật là Như Lai nhưng… Như Lai không phải Phật; về Thiền và những hormones hạnh phúc; về “Chất lượng cuộc chết” v.v…

Thầy đưa tôi coi mấy phiếu xét nghiệm và cười, nói’ “Chỉ còn một nửa”. Đúng. Chỉ còn một nửa. Hematocrite chỉ còn 17%, Hemoglobine còn 7g/dL…

Mấy ngày sau tôi nghe sức khoẻ thầy đang rất yếu. Đã phải vào bệnh viện và được truyền 3 đơn vị hồng cầu lắng.

Trong bản thảo “Một ngày kia… đến bờ”, tôi có nhắc Je pense donc je suis của Descartes: Tôi tư duy, vậy có tôi. Vậy không tư duy là không… có tôi! Ta cũng có thể nói như một thầy thuốc: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn ở trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Vậy phải chăng cái thời tôi… hết thở, tôi ngừng thở, thì tôi không còn nữa? Còn chứ! Tôi lúc đó lại trở về bào thai Mẹ, bào thai Như Lai (Tathata-garbha) đó chứ!

Tuệ Sỹ viết trong Tổng quan về Nghiệp (2021), Thời kinh nói: “Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối thúc. Thời gian thức tỉnh chúng sinh…” Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Thời gian được biết đến từ tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người.

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

Thì ra là lời của kinh Kim Cang đó:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện.
Ưng tác như thị quán!

Thành ngữ kālaṃ karoti, “nó tạo tác thời gian”, nghĩa là nó chết. Đây không phải là tri giác mà là ám ảnh về thời gian như một thứ định mệnh không thể tránh, rồi ai cũng phải chết. Cho nên, về mặt ngữ nguyên, kāla, nghĩa là thời gian mà cũng có nghĩa là màu đen tối, màu của đêm tối, của sự chết. Kāla cũng được hiểu là do gốc động từ kal (kalayati) thúc giục, hối thúc, sự chết đang hối thúc ta (Tuệ Sỹ).

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
(Ngồi giữa bãi tha ma)

Trong bài “Phương nào cõi tịnh” Tuệ Sỹ viết từ cảm hứng khi đọc cuốn “Cõi Phật Đâu Xa” của tôi về Kinh Duy Ma Cật (2017), ông dẫn 4 câu thơ, trích từ Giấc Mơ Trường Sơn:

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,
Ngoài hư không có dấu chim bay?
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.
(Giấc Mơ Trường Sơn)

Phải, chỉ có Trí Tuệ (thắp tâm tư thay ánh mặt trời) mới có thể Từ Bi giúp ta vượt thoát màu đen đất khổ đó vậy!

Tác giả và HT Thích Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ cho rằng “vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn” (Phương nào cõi tịnh), ông chủ trương thơ, nhạc, kịch, vũ… có thể là “ngõ đạo”.

Ông thường nói về vở nhạc vũ kịch Duy Ma Cật ở đó có hình tượng một Thiên nữ rải hoa trời tán thưởng một lời không nói (của Duy Ma…) và cõi của một lời không nói đó chính là cõi thơ.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị. 

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tự duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Da mồi tóc trắng, chính là cảnh giới của Duy Ma. Cảnh giới đó là cõi đối biện thượng thừa; cõi im lặng vô ngôn bát ngát của cư sĩ Duy Ma Cật. Và cũng là cõi tịch mặc nhưng tráng lệ của thi ca.

Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Tâm Thiền thì không có ngôn ngữ gì khác biệt với ngôn ngữ thường tình. Nhưng còn ngại rằng khi đã cạo tóc mà tình thơ vẫn còn. Thôi thì, thiền đạo và thi ca là đồng hay là khác, cũng chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi. Có lẽ “Những phím dương cầm” là bài thơ rất tình của ông tay em run trên những phím lụa ngà, anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt, nhưng ông đã dặn “chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi” rồi đó!

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em run trên những phím lụa ngà
Lời em ca phong kín nhuỵ hoa hờn
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt
Mờ phố thị những chiều hôn mái tóc
Sóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa
(Những phím dương cầm)

Bởi theo ông, đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông! Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải là đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời. Thơ và Pháp (Đạo) không chống trái nhau, không hại nhau. (Tô Đông Pha, những khung trời viễn mộng, Tuệ Sỹ)

Đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi thường ngẫm ngợi tại sao thơ ông thường nhắc đến ngày hội lớn, cung trời hội cũ?

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
(Khung trời cũ).

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
(Một thoáng chiêm bao)

Ngày hội lớn đó ở đâu? Cung trời hội cũ ở chỗ nào đó vậy? Sao nghe thấy quen quen!

A, có phải buổi hôm đó, dưới cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo, Ngài nói đó là “quả an vui”, ở Hội thứ nhất của Avatamsaka, một thế giới hoa tạng mở ra bát ngát, Như Lai đã hiện tướng thành một vị Phật mắc biếc, ngây thơ, tủm tỉm cười… như hồi còn là chú bé 7,8 tuổi ngồi xem Lễ Hạ Điền mà nhập định không hay? Còn cung trời hội cũ kia phải chăng là Hội thứ chín, nơi rừng Thệ Đa, khi người ta nhập pháp giới, đi vào cuộc Lữ, để thấy được pháp giới thể tính mà thõng tay vào chợ?

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Trên đỉnh Hy mã lạp sơn kia là những vỏ sò và dưới đáy biển sâu thẳm nọ là những hạt muối lâu đài thành quách…

Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm.

Tôi vẫn nghĩ, chính cõi thơ “không hề có dấu vết” kia đã “cứu rỗi” Tuệ Sỹ, một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm, để ông được trở về với mái nhà tranh quen thuộc của mình mà “nâng chén trà lão Triệu”. (Phương nào cõi tịnh, Tuệ Sỹ).

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, tháng 9.2023)

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023