Friday, January 12, 2018

TÂM-Ý-THỨC


TÂM-Ý-THỨC

Như vậy, nói vijñaptimatratā, tất cả tồn tại duy chỉ là thức, hay chính xác hơn, duy chỉ là dữ liệu thông tin của thức. Sự thông tin được thực hiện bằng cấu trúc phân đôi: chủ thể nắm bắt (grāhaka: năng thủ) và khách thể được nắm bắt (grāhya: sở thủ). Cho nên, cái mà ta thấy biết không phải là tự thân của thực tại như thực, nó như thế là như thế (yathābhūta), mà chỉ là ảnh tượng được tái cấu trúc bởi thức.
Thức hoạt động như thế nào để tái cấu trúc ảnh tượng nhận thức của nó? Đây là vấn đề được nêu lên trong bài tụng đầu tiên của Tam thập luận. Theo đó, tất cả tồn tại chỉ được biết đến như là hình thái ẩn dụ (upācara), chúng được thực hiện y trên sự biến thái của thức (vijñāna-pariṇāme). Sự biến thái này có ba dạng, hay ba lớp: 1. vipāka (dị thục), kho chứa hạt giống (bīja: chủng tử) hay dữ liệu, ở đó chúng được tẩm ướt, hay được xử lý, để cho ra kết quả; 2. manas (ý), trung tâm kiểm soát các dữ liệu xuất-nhập, chủng tử và hiện hành; 3. vijñapti (liễu biệt thức), bộ phận thông tin, thâu nạp và truy xuất dữ liệu, gồm sáu thức. Ba lớp này là cách diễn đạt khác đi của tập hợp ba từ ngữ thường được đề cập trong kinh điển nguyên thủy, cũng như trong hầu hết kinh điển Đại thừa; đó là bộ ba “tâm-ý-thức”.
Trung A-hàm nói “Tâm-ý-thức của người ấy thường xuyên được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa văn, bố thí, trí tuệ; người ấy do bởi nhân duyên này mà đi lên, sinh vào thiện xứ.” Ở đây bộ ba tâm ý thức chỉ chung cho một thực thể nơi đó những gì đã được kinh nghiệm đều được lưu trữ để dẫn đến kết quả trong tương lai.
Nơi khác, kinh nói, “Như con vượn, buông cành cây này, vin nắm lấy cành cây khác. Tâm cũng vậy, cái này diệt thì cái khác sinh.” Tâm ở đây chỉ cho ý thức.
Đại Bát-nhã nói: “Pháp tính của Như Lai ở ngay trong uẩn, xứ, giới của các loại hữu tình, vận chuyển tiếp nối liên tục kể từ thời vô thủy; bản tính thanh tịnh không bị nhiễm ô bởi phiền não. Các tâm-ý-thức không thể vin vào đó làm đối tượng để sinh khởi.”
Trong các trích dẫn trên, các từ tâm, ý, thức, được hiểu là đồng nghĩa, như được khẳng định trong Câu-xá: “Thể của tâm, ý, thức là một. Tuy nhiên, trong đó cũng có sự phân biệt: Nó tích lũy, nên được gọi là tâm. Nó tư duy, nên gọi là ý. Nó nhận thức khu biệt, nên gọi là thức. Vì tâm là cái được tích lũy bởi các giới loại sai biệt tịnh và bất tịnh.” Ý nghĩa và sự phân biệt này được nói rõ trong Du-già: “Các thức đều có tên chung là tâm-ý-thức. Nhưng căn cứ theo tính ưu thắng, thức a-lại-da được gọi là tâm (citta), vì nó tích lũy (cinoti, ācinoti, upacinoti) chủng tử của tất cả pháp... Mạt-na được gọi là ý (manas), vì trong tất cả thời gian, nó chấp (manyate, abhimanyate) ngã, ngã sở… Các thức còn lại gọi chung là thức (vijñāna), vì đặc tính của chúng là thông tri (vijñapayanti) các đối tượng riêng biệt.”
“Vì nó tích lũy, nên gọi nó là tâm”, trong định nghĩa này, tâm, Skt. citta, được truy nguyên về động từ căn là ci: tích lũy, chứa nhóm. Định nghĩa này chung cho cả hai truyền thống A-tì-đàm, Nam phương và Bắc phương. Sớ giải Pāli của Pháp tụ luận nói, “Dị thục, cái được tích lũy bởi những nghiệp phiền não, gọi là tâm.”
Định nghĩa chung của các hệ Phật giáo y trên động từ căn như vậy không phải là định nghĩa phổ thông trong ngôn ngữ Sanskrit. Phổ thông, từ citta được giải thích là phát sinh từ động từ cit: cetati, tri giác, chú ý, quan sát… Có thể do các nhà Phật học truy nguyên từ một từ gốc trong Phạn ngữ hỗn chủng, như từ citra chẳng hạn. Từ này trong Pāli được viết là citta, đồng âm với từ chỉ cho tâm. Citra chỉ cho sự sáng sủa rõ ràng, văn vẻ, tạp sắc, đa dạng; nó cũng chỉ chi họa phẩm; nó cũng được truy nguyên từ động từ căn ci như citta. Điều này có thể xác minh như được nói trong kinh Hoa nghiêm: “Tâm như họa sĩ khéo, vẽ đủ các hình ảnh ngũ uẩn…” Và đây cũng là cơ sở ngôn ngữ để phát biểu rằng “tam giới duy tâm”, như được phát biểu trong kinh Thập địa: “Họ (các Bồ-tát) vượt qua ba cõi vốn duy chỉ là tâm, và 12 hữu chi cũng chỉ là một tâm.”[36] Kinh Lăng-già: “Ta không nói thường hay vô thường… vì hữu thể ngoại tại không được thừa nhận, vì ba hữu được chỉ thị duy chỉ tâm.” Những đoạn kinh này là nguồn giáo chứng để các nhà Du-già hành tông hay Duy thức luận thiết lập giáo nghĩa Duy tâm.
Với định nghĩa kinh điển như vậy về tâm, hay citta, khi nói rằng “tam giới duy tâm”, không có nghĩa rằng chúng là kết quả được sáng tạo bởi tâm tư duy. Ý nghĩa không xuyên tạc nên hiểu rẳng, thế giới này là kết quả của hành vi thiện hay bất thiện của chúng sinh trong quá khứ. Hành vi ấy được tích lũy trong nhiều đời, từ vô thủy, tùy điều kiện thích hợp mà xuất hiện như là thế giới. Ý nghĩa như được phát biểu bởi Thế Thân trong Câu-xá, mở đầu chương nói về nghiệp: Các hình thái sai biệt đa dạng của thế gian chính là sản phẩm của nghiệp.
Hoặc nói theo truyền tụng kinh điển của Du-già hành tông: Đó là tất cả nguyên tố tồn tại từ vô thủy. Chúng là sở y của hết thảy mọi hình thái tồn tại. Trong khi cái này tồn tại thì cái kia tồn tại. Nguyên tố nói ở đây, nguyên Sanskrit là dhātu, Hán dịch là giới, chỉ cho những yếu tố cơ bản cấu trúc nên mọi hình thái tồn tại. Trong kinh điển nguyên thủy, giới này là sáu giới bao gồm bốn đại chủng. Trong giải thích của Du-già hành, nó chỉ cho chủng tử (bīja). Chủng tử được định nghĩa là công năng sai biệt (śakti-viśeṣa: Năng lượng đặc thù), tức là nguồn năng lượng cho các hoạt động do bởi đó mà các pháp sinh rồi diệt. Điển hình như các hoạt động cố ý của thân và ngữ, chúng được phát động bởi năng lực phát động từ ý chí hay tâm sở tư (cetanā). Khi hoạt động hoàn tất, mục đích đã đạt được, nguồn năng lượng ấy không biến mất theo các động thái của hành động, mà chúng được tích lũy thành một dạng năng lực tiềm tàng dưới hình thức được ví dụ như những hạt giống. Cũng như trong tự nhiên, từ hạt giống, tuy nhỏ bé nhưng có thể sản sinh thân cây to lớn, do quá trình thâu nạp các yếu tố bên ngoài để tăng trưởng. Cũng vậy, từ hạt giống (bīja, chủng tử), sau khi được tẩm ướt bởi các điều kiện thích hợp, và thâu nạp các yếu tố thích hợp (các duyên, pratyaya) chúng nảy mầm và phát triển thành các hình thái tồn tại.
Gọi nó là hạt giống, không phải do bởi hạt theo hình dáng, mà chính do bởi nguồn năng lượng được tích lũy bên trong hạt ấy. Những hạt tương thích kết hợp với nhau thành chùm, được ví dụ như từng đống ác-xoa (akṣa). Đấy gọi là tập khí (vāsanā), là những ấn tượng được tích lũy, được tàng trữ. Các hạt giống được lưu trữ như là những ấn tượng tồn tại, những tập khí, đó là nội dung của tâm. Như vô số hạt nước hội tụ và tuôn chảy tạo thành hình ảnh một dòng nước hay con sông. Không tồn tại một cái gì như là tự thể độc lập ngoài các hạt nước gọi là sông. Khi không có nước mà vẫn gọi nơi đó là con sông, chỉ là cách nói bởi hoài niệm quá khứ.
Tâm nói ở đây là tầng đáy của các thức hoạt động. Khi các yếu tố cấu thành nó bị ô nhiễm, tức nó hàm chứa các chủng tử hữu lậu, ô nhiễm, nó được gọi là a-lại-da. Vô số tập khí chủng tử sai biệt đa dạng, thiên hình vạn trạng, chìm lắng, ngưng kết thành a-lại-da, như đại dương mênh mông tích tụ khối nước bao la vĩ đại. Trên mặt đại dương, do tác động bởi gió, nên dậy lên vô vàn con sóng. Kinh Lăng-già nói: “Mạt-na (manas: ý) y chỉ a-lại-da (ālaya) mà tiến hành hoạt động. Thức y chỉ tâm (citta: ālaya) và ý mà tiến hành hoạt động. Ví dụ này cho thấy tâm, ý và thức, hay a-lại-da, mạt-na và sáu chuyển thức kia, thảy đồng cùng một bản chất. Ý nghĩa này phù hợp với giải thích cụm từ tâm-ý-thức trong các truyền thống A-tì-đàm, như đã thấy.
Vậy, thực thể của toàn bộ cơ cấu tâm thức, nhìn từ một phương diện, tất cả đồng một thể tính. Nhưng nhìn từ phương diện hoạt động, chúng xuất hiện dưới tám hình thái, phân thành ba lớp, hoặc nói ba tầng, hay ba khu vực. Do quan niệm thể và dụng là đồng nhất hay dị biệt mà nói thức thể có tám hay chỉ là một.
Cũng như dòng sông, tùy theo địa phương mà con nước chảy qua, và cũng tùy theo những thứ mà con nước mang theo, nó được gọi tên như thế nào đó; cũng vậy, tùy theo kết quả hiện hành của nghiệp, hay dị thục (vipāka), mà a-lại-da cùng với hình thái hiện hành của các chủng tử mà nó xuất hiện trong các hình thái tồn tại khác nhau, hoặc là loài người, hoặc là loài vật. Mỗi cá thể trong mỗi sinh loại khác nhau mang hình thái tự ngã khác nhau.
Điều nên ghi nhận là các chủng tử không tồn tại như những cá thể đơn thuần hay đơn nhất. Trước hết, nên biết chủng tử được tích lũy như là tập khí do bởi hoạt động của các chuyển thức, mà chủ yếu là sáu thức thâu nhận các dữ kiện ngoại tại. Thức không hoạt động biệt lập. Nó xuất hiện đồng thời với sự tụ hội của căn và cảnh. Cho nên không một hạt giống nào chỉ thuần là tâm thức hay thuần vật chất. Nói thức là nói bao gồm cả các chức năng hoạt động của thức (caitta, tâm sở), như các cảm thọ khổ hay lạc, các tâm lý tác hại như tham lam, thù hận, đố kỵ, hay các tâm lý lành mạnh. Các hạt giống luôn luôn được đặc trưng bởi các đặc tính chua hay ngọt này để dẫn đến kết quả không mong muốn hay đáng yêu thích. Vì vậy, khối chủng tử được tàng trữ thành a-lại-da, và a-lại-da do đặc tính của chúng như vậy nên được biết đến như là thức, mà tục thức phổ thông nhận nó như là tâm đối lập với vật, với hai thực thể biệt lập.
Từ ý nghĩa trên, khi a-lại-da xuất hiện trong một hình thái tồn tại nào đó, nó xuất hiện như là tự ngã (ātman), chủ thể tồn tại theo hình thái của sinh loại ở đó. Tự ngã ấy hoạt động như là thức. Nghĩa là tồn tại một dạng ý thức thường xuyên nhận thức rằng ta đang tồn tại cũng như đã tồn tại và sẽ tồn tại. Gọi là ý thức hằng hành.
Phật nói: Đối với hạng chúng sinh ái a-lại-da, lạc a-lại-da, hân a-lại-da, hỷ a-lại-da, chúng sinh ấy không thể hiểu pháp thậm thâm mà Phật đã chứng ngộ. Nói ái a-lại-da, vì ý thức về tự ngã luôn luôn là ý thức tham ái. Nghĩ rằng ta đã tồn tại, nên nó phát sinh lạc. Nghĩ rằng ta đang tồn tại, nên nó hân. Nghĩ rằng ta sẽ tồn tại, nên nó hỷ.
Ý thức hằng hành (mạt-na), như vậy, lấy thân và tâm này, vốn là kết quả của nghiệp quá khứ (vipāka, dị thục), làm đối tượng để có ái, lạc, hân, hỷ. Để duy trì sự tồn tại của tự ngã ấy, và cũng để thỏa mãn những xung động tâm lý bởi ái, lạc các thứ ấy, theo yêu cầu bản năng của ý thức hằng hành chấp ngã, sáu chuyển thức hoạt động để thâu nạp các yếu tố ngoại giới với mong cầu sự tăng ích, tăng trưởng, cho sắc thân, cảm thọ, các ấn tượng tư duy, thỏa mãn bản năng sinh tồn và dự phóng tương lai. Nói cách khác, vì ý thức “ta tồn tại và sẽ tồn tại” mà sáu thức hoạt động với các hành vi “ta thấy, ta nghe, v.v...”, cho đến “ta suy nghĩ”.
Trên cơ sở nhận thức về cơ cấu tồn tại và hoạt động của tâm-ý-thức như vậy, mỗi người có thể tự cho một kết luận về ý nghĩa “duy tâm” (cittamatratā) và “duy thức” (vijñānamatratā) được nói trong các Kinh và Luận, và quan niệm theo tục thức. Cũng trên cơ sở đó để ta có nhận thức về ý nghĩa “thức biến”.
THỨC BIẾN: Đọc tiếp trang 37–763😊
(Tuệ Sỹ, “Dẫn Vào Duy Thức Học”, Thành Duy Thức (Vijñaptimātratāsiddhi), tr. 27–37)

Thursday, January 11, 2018

Hiện Tượng Trầm Cảm - Nguyên Giác

Photo and article from https://www.digitaltrends.com/social-media/study-why-facebook-is-making-people-sad/
Hiện Tượng Trầm Cảm
Nguyên Giác

Trầm cảm là hiện tượng đang thấy rõ trong giới trẻ tại Việt Nam, và cả ở khắp thế giới.
Các bản tin trong mấy ngày qua cho thấy một nỗi nguy: Ngành y tế Việt Nam báo động vì hiện tượng trầm cảm lan rộng trong giới trẻ... Trong các nguyên nhân chính được nhận ra là do nghiện Facebook và nghiện điện thoại.
Bản tin VTV ghi nhận rằng Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vừa tiếp nhận trường hợp một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội điều trị tại khoa Cấp tính nữ. Đây được xác định là ca trầm cảm điển hình do nghiện mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, bố mẹ bệnh nhân phải cưỡng chế để đưa con nhập viện.
Bệnh nhân là chị Bùi Thị Thúy (Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, thời gian chị ở nhà chăm con, tần suất sử dụng điện thoại cũng tương đối nhiều. Theo bác sĩ, cũng không loại trừ nguyên nhân trầm cảm xuất phát do nghiện điện thoại.
VTV viết: “Theo khuyến cáo của bác sĩ, các bậc cha mẹ, khi thấy con cái có những biểu hiện bất thường về tâm lý, suốt ngày ôm điện thoại, không ăn, ngủ, ít giao tiếp với mọi người thì nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra, không nên giấu giếm dễ làm tình trạng bệnh nặng nề thêm.”
Trong khi đó, bản tin CafeF/Pháp Luật TP cho biết rằng các bệnh viện tâm thần trên cả nước đang tiếp nhận ngày càng nhiều những trường hợp nghiện mạng xã hội nặng đến mức bị trầm cảm, co giật và ngất xỉu khi... không có Internet.
Theo một bản khảo sát của Bộ Giáo Dục & Đầu Tư, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh 15-18 tuổi đang sử dụng Facebook. Và gần đây đã liên tiếp xuất hiện nhiều vụ học sinh nghiện Facebook quá nặng phải cưỡng chế nhập viện, thậm chí có trường hợp phát điên vì bị cấm dùng Facebook.
Bản tin ghi nhận một ca nguy hiểm vì nghiện “suốt ngày ôm điện thoại, lướt Facebook hàng giờ đồng hồ.” Do vậy, nghe theo lời bác sĩ, vợ chồng ông đành phải dùng thuốc mê cho con rồi đưa con đi viện điều trị.
Bản tin CafeF/Pháp Luật TP viết:
Trường hợp dở khóc dở cười xảy ra tại BV Tâm thần Trung ương 1 vào ngày 7-1. Bác sĩ tại đây tiếp nhận điều trị cho một nữ sinh 18 tuổi, ngụ Hà Nội, được cha mẹ đưa đến viện trong tình trạng hôn mê do tiêm thuốc mê.
Theo cha mẹ bệnh nhân kể lại, con gái của họ bị nghiện mạng xã hội rất nặng dẫn đến trầm cảm. Trước khi vào lớp 12, cô gái là học sinh giỏi, rất ngoan. Tuy nhiên, bốn tháng gần đây, cha mẹ em nhận ra tình hình học tập của con mình bị giảm sút trầm trọng...”
Trong khi đó, một bản tin tin BNews/TTXVN hôm 10/1/2018 ghi nhận:
Theo bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội), gần đây ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại, trò chơi game đến mức phải nhập viện.
Người bệnh chỉ thích tập trung vào điện thoại, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài; nếu để lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm…
Chính vì thế, các gia đình cần quan tâm, chú ý đến con em hơn nữa để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trầm cảm không phải bệnh nan y; có thể điều trị khỏi và giảm nguy cơ tái phát.
Điều trị bệnh chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Bệnh có thể được điều trị tại cộng đồng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây mãn tính, bệnh nặng hơn dẫn đến suy kiệt, bệnh nhân có ý định tự sát.”
Một bản tin CBS News hôm 17/4/2017 ghi nhận thống kê từ U.S. Centers for Disease Control and Prevention (Viện Hoa Kỳ Phòng Chống Bệnh, thường viết tắt là CDC), cho thấy khoảng 8.3 triệu người thành niên Hoa Kỳ, tức là 3.4% dân số Mỹ, mang bệnh tâm thần trầm trọng -- chính xác bản nghiên cứu nói là căng thẳng tâm thần trầm trọng (serious psychological distress), và hiện tượng tâm thần này đa dạng, nếu không chăm sóc dễ đi tới tự sát, theo lời Judith Weissman, trưởng nhóm nghiên cứu y khoa ở bệnh viện NYU Langone Medical Center tại New York City. Nghiên cứu này in trên tạp chí Psychiatric Services chỉ nói về người thành niên.
Thực ra, trầm cảm không phải là hiện tượng độc đáo riêng cho giới trẻ Việt Nam. Nhưng lý do hẳn là có dị biệt, vì mỗi quốc gia có những nan đề riêng.
Thống kê của WHO phổ biến hồi tháng 2/2017 cho biết trên toàn thế giới đang có hơn 300 triệu người ở mọi lứa tuổi bị trầm cảm.
WHO nói rằng trầm cảm là lý do hàng đầu gây nên mất năng lực. Chẩn đoán ở nhiều mức độ: từ chỗ tính khí dao động bất thường, cho tới ám ảnh dài hạn và nặng nề, sẽ làm bệnh nhân không làm việc bình thường được, và có khi đẩy tới mức tự sát.
Thống kê này nói có gần 800,000 người chết vì tự tử mỗi năm, và tự tử là lý do tử vong nhiều thứ nhì  đối với nhóm người tuổi từ 15 tới 29.
Bi thảm là, WHO cho biết tại nhiều quốc gia chưa tới 10% được chữa trị hiệu quả.
Báo New York Times  trong ấn bản ngày 11 tháng 10/2017, bài viết “Why Are More American Teenagers Than Ever Suffering From Severe Anxiety?” (Tại Sao Vị Thành Niên Hoa Kỳ Ngày Càng Bị Lo Âu Trầm Trọng?) của phóng viên Benoit Denizet-Lewis, có ghi một thống kê cho thấy, trích dịch:
Trong bản khảo sát thường niên về sinh viên, viện American College Health Association thấy có mức tăng vọt -- tới 62% trong năm 2016 từ mức 50% trong năm 2011 -- các sinh viên bậc cử nhân nói là có lo lắng tột độ trong năm trước đó...
Trong năm 1985, viện Higher Education Research Institute ở đaị học U.C.L.A. khởi sự hỏi sinh viên năm đầu là họ có thấy bị tràn ngập về việc phải làm trong năm trước đó. Năm 1985 chỉ 18% nói có như thế. Năm 2010 con số đó tăng tới 29%. Năm 2016, tăng tới 41%...”
Giới trẻ Mỹ có nhiều lý do để ưu tư và trầm cảm.
Trang TeenHelp ghi nhận về một bản nghiên cứu ở thành phố Baltimore, cho thấy 5 nguyên nhân thường gây căng thẳng là từ:
-- bài học trên trường (78%);
-- ba mẹ (68%);
-- tình cảm lãng mạn (64%);
-- trở ngại với bạn (64%);
-- các em trong nhà (64%).
Như thế, trẻ em Mỹ và Việt Nam có nhiều lý do dị biệt nhau để căng thẳng, lo âu, và nặng hơn là sẽ tới mức trầm cảm.
Các chính phủ đối trị hiện tượng trẻ em căng thẳng ra sao?
Trong bài báo ngày 14/3/2017 trên QUARTZ nhan đề “The UK government will teach eight-year-olds mindfulness to tackle spike in kids’ mental health problems” (Chính phủ Anh quốc sẽ dạy trẻ em 8 tuổi Thiền tỉnh thức để đối trị hiện tượng trẻ em bệnh tâm thần tăng vọt) cho biết rằng chính phủ Anh sẽ tài trợ thử nghiệm ở hơn 200 trường học khắp nước để xem Thiền tỉnh thức (mindfulness) hiệu quả thế nào để giảm căng thẳng  và đối trị trầm cảm đối với trẻ em từ 8 tới 12 tuổi.
Chương trình phòng ngừa trong đó sẽ dạy ở 100 trường bậc tiểu học, và 50 trường bậc trung học cơ sở trong mùa hè 2017, trong đó dạy kỹ năng nhận biết về các cảm thọ bất an và về cách đối trị -- và các kỹ thuật thư giãn, và kỹ thuật thở.
Không tự nhiên mà dạy như thế. Thống kê của viện Institute for Public Policy Research tại Anh nói cứ mỗi lớp học là có 3 em mang dấu hiệu bệnh tâm thần, và 90% Hiệu trưởng ở Anh quốc báo cáo có hiện tượng tăng bệnh tâm thần trong 5 năm qua.
Bản khảo sát 300 bác sĩ do viện y tế National Health Service thực hiện cho thấy trẻ em Anh quốc tuổi 11-18  tăng 61% trường hợp tự gây tổn thương trong 5 năm qua, theo báo The Guardian.
Richard Layard (Giáo sư ở đại học London School of Economics and Political Science), cũng là một cố vấn chính phủ Anh hiện đang hướng dẫn thử nghiệm Thiền tỉnh thức ở 26 trường học nói với báo này rằng phát triển cá tính trẻ em là vấn đề cực kỳ quan trọng và phải có cách đo lường sự lành mạnh của các em.
Julie Lynn-Evans, một bác sĩ tâm lý trị liệu ở Anh, nói quyết định của chính phủ Anh là “tuyệt vời” nhưng bà lo ngại là chưa đi xa tới mức nhận ra nguy hại của mạng Internet trên trẻ em, và cũng phải bảo đảm rằng các em hiểu tại sao các em nên tập Thiền tỉnh thức.
Bà nói: “Trẻ em cần phải biết vì sao điều quan trọng là các em phải tập [Thiền tỉnh thức], chứ không phải là một thứ khác để các em làm và cũng không phải mục tiêu khác để thầy cô đạt tới.”
Nghĩa là, phải Thiền thực sự, chứ không phải là một môn học trên giấy.
Thực tế, một số trường trung học Hoa Kỳ cũng đã dạy Thiền tỉnh thức rồi.
Bản tin CNN này 9 tháng 2/2016 cũng đã kể về chương trình dạy Thiền tỉnh thức ở trung học Marblehead High School tại Massachusetts, và trường này có một phòng gọi là Zen Room, mở cửa để hướng dẫn Thiền tập hàng ngày từ 9 giờ sáng tới 2:30 giờ chiều.
Chính phủ Việt Nam cũng nên nghĩ tới giải pháp Thiền tỉnh thức: tại sao không níu áo các Thiền sư VN?