Nhà thơ Phật tử W. S.
Merwin (1927-2019)
Nguyên Giác
Nhà thơ W. S. Merwin vừa từ trần trong một giấc ngủ hôm
15/3/2019. Trong gần nửa thế kỷ, ông cũng nổi tiếng là một Phật tử, thực tập theo Thiền
Tông Nhật Bản. Cuộc đời ông là một điển hình của giới trí thức Hoa Kỳ thập niên
1960-1970s, nhiều người nghiêng về Phật giáo khi nhìn thấy xã hội Hoa Kỳ tranh
cãi về Chiến Tranh Việt Nam và khắp thế giới chiến tranh như dường bất tận.
Nhà phê bình thi ca Reginald Shepherd viết trên Poetry
Foundation về các thi phẩm thời kỳ đầu của
Merwin, được viết trong thời Chiến Tranh Việt Nam: “Đó là những bài thơ không được
viết cho một nghị trình [chính trị], nhưng đã thiết lập ra một nghị trình. Trân
trọng giữ gìn và tái sáng tạo thế giới trong những chữ từ ái. Merwin luôn luôn
quan tâm với quan hệ giữa đạo đức và mỹ học, cân nhắc cả hai phía đồng đều
nhau. Thơ của ông là một đáp trả đối với một thế giới đã tan rã, không phải như
những vùng địa lý nhưng là như các sự kiện thẩm mỹ.”
W. S. Merwin sinh ngày 30/9/1927, từ trần ngày 15/3/2019, đã
viết khoảng hơn năm mươi sách
về thơ và văn xuôi, cũng như nhiều dịch phẩm. Khi mới 5 tuổi, ông đã bắt đầu viết các lời ca trong nhà thờ cho thân phụ,
một mục sư Tin Lành Presbyterian.
Trong phong trào phản chiến 1960s, thơ của Merwin viết như
chuyện kể gián tiếp, không dấu ngắt câu, mang nhiều hình ảnh đau đớn, thường ẩn dụ phức tạp.
Như trong bài thơ
“The Asians Dying” (Những người
Châu Á Đang Chết) dài 4 đoạn, nơi đây chúng ta trích dịch hai đoạn giữa:
Mưa rơi vào những con mắt mở lớn của những người
chết
Một lần nữa một lần nữa với âm thanh vô nghĩa
Khi mặt trăng tới chúng là những sắc màu của mọi thứ
Những đêm biến mất đi như các vết bầm nhưng không
có gì được chữa lành
Những người chết biến đi như các vết bầm
Máu hòa vào đất ruộng đã nhiễm độc
Vẽ lên đường chân trời
Còn lại
Phía trên những mùa màng đá tảng
Chúng là những cái chuông giấy
Âm vang gọi tới bên kia sự sống
Trong các thập niên
1980s và 1990s, thơ của ông mang đậm màu sắc Phật giáo và gần thiên nhiên. Năm
1976, ông dọn tới Hawaii để học
Thiền với Robert Aitken Roshi. Cư trú ở một miền xa thành thị trên đảo
Maui, tiểu bang Hawaii, ông viết nhiều về việc hồi phục rừng.
Merwin được nhiều
giải thưởng văn học, hai lần được giải Pulitzer về thơ trong năm 1971 và 2009; được giải thi phẩm National Book Award for Poetry năm 2005, và nhiều giải thơ khác. Đặc biệt, năm 2010, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ phong ông là Thi Hào Hoa
Kỳ thứ 17 (the 17th United States Poet Laureate) một cương vị chính thức của chính phủ liên bang
trong nỗ lực gây ý thức người dân về thơ, đọc thơ và sáng tác thơ.
Phim tài liệu Even Though the Whole World Is Burning (Mặc Dù Cả Thế Giới Đang Bốc Cháy) lưu
hành năm 2014 chọn ông là chủ đề chính.
Merwin cũng xuất
hiện trong phim tài liệu The
Buddha (Đức Phật) của PBS,
lưu hành năm 2010. Phim này dài gần
3 giờ đồng hồ, đang phổ biến ở YouTube.
Thơ mang tính Phật
giáo của ông thường có chủ đề vô thường và thiên nhiên.
Như trong bài thơ
“Anniversary on the Island” (Chu niên trên đảo) ông trở thành người
quan sát những hình ảnh trên đảo Maui, trích:
ngày lại ngày chúng tôi tỉnh thức với đảo
ánh sáng mọc lên xuyên qua nhưng giọt nước trên lá
và chúng tôi nhớ như những con chim nơi chúng tôi ở
đêm lại đêm chúng tôi chạm hải đảo đen tối
mà một lần chúng tôi từng ra đi để tới
Trong bài viết “The
Garden & The Sword” (Ngôi Vườn
& Thanh Kiếm), phóng viên Joel Whitney ghi lại trên tạp chí Tricycle, số mùa đông 2010, cuộc
nói chuyện với nhà thơ W. S. Merwin.
Ông kể rằng Thiền
sư Nhật Bản thế kỷ 13 và là một nhà thơ, tên là Muso Soseki, với nhiều bài ông đã dịch sang tiếng
Anh, luôn luôn gợi cảm hứng cho ông. Merwin cũng kể rằng cảm xúc trong lần đầu
tiên đọc Diamond Sutra (Kinh Kim Cương) đã lay động ông mạnh mẽ.
Merwin kể về người
cha mục sư, kỷ niệm đi nhà thờ, học lớp giáo lý Ki tô những ngày Chủ nhật, lắng
nghe ngôn ngữ những bài thánh ca.
Merwin kể duyên
khởi dịch về Muso Soseki là sau
khi tới Hawaii, dịch chung với một người Nhật tên là Soiku Shigematsu, ông quen qua Robert Aitken, vì Merwin không biết
tiếng Nhật. Muso là một Thiền sư dị thường,
là bậc thầy môn Kiếm đạo, huấn luyện một người nổi tiếng là đệ nhất kiếm thủ ở
Nhật thời đó.
Tuyển tập thơ của
Muso bản tiếng Anh được Merwin đặt
nhan đề là “Sun at Midnight” (Mặt Trời Lúc Nửa Đêm)
Chỗ này cũng cần
ghi chú, bởi vì trong tiểu sử chính thức trên Wikipedia của Thiền sư Muso Soseki
(1275-1351) chỉ nói rằng ông nổi tiếng là
nhà thơ, nhà thư pháp, người thiết kế vườn, và là người dạy Thiền Lâm Tế (Rinzai)
– từng có hơn mười ngàn Thiền sinh theo học. Soseki được Hoàng Đế Go-Daigo phong làm Quốc sư, danh hiệu Musō
Kokushi. Có thể chuyện thầy dạy môn Kiếm đạo cho đệ nhất kiếm thủ là do đời sau ghi lại, như
là ngoại sử?
Bên cạnh tác phẩm
của Muso Soseki, nhà thơ Merwin
ưa thích đặc biệt Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên); Merwin từng viết Lời Giới Thiệu
cho một tuyển tập bản Anh dịch các bài thơ của Dogen.
Ông cũng nói rằng
yếu tố thần bí huyền học lôi cuốn ông, vì bản thân ông không tự gọi mình là Ky
tô hữu và không còn dính gì với Đạo Ky tô, nhưng ông đã từng ưa thích các nhà
huyền bí, như Eckhardt, Plotinus và
Spinoza, mà ông nói, “những tác giả
này vẫn còn cực kỳ quan trọng đối với tôi.”
Nhưng trong lứa
tuổi ba mươi, ông sửng sờ khi đọc tới Kinh Kim Cương.
Merwin nói với phóng
viên Whitney:
“Có cái gì đó vượt xa tất cả đó, nằm dưới tất
cả đó, đều cùng chia sẻ, rằng tất cả đều tới từ đó. Tất cả là nhánh cành, mọc từ
một rể đơn độc. Và đó là cái người ta phải chú ý tới. Và dĩ nhiên, những chữ thực
sự trong Kinh Kim Cương nắm lấy tôi là, khi Như Lai nói, “Bồ Đề, Như Lai có pháp
nào để dạy không?” Và Bồ Đề nói, “Bạch Thế Tôn, không. Như Lai không có pháp nào
để dạy.” Đọc tới chỗ đó, tôi thấy hơi lạnh chạy dọc xương sống. Và Như Lai nói,
“Bởi vì không có pháp nào để dạy, đó mới là pháp dạy.” Tôi đã nghĩ đúng như thế
đó, bạn biết đấy...” (1)
Nơi này cần phải
ghi chú, trong bài nêu trên, ghi tên vị đương cơ trong Kinh Kim Cương là “Bodhi”
(Bồ Đề) – nhưng đúng ra, các bản dịch kinh này đều ghi là ngài “Subhuti” (Tu Bồ
Đề).
Để kết bài này, nơi
đây xin dịch bài thơ ngắn, nhan đề “Do Not Die” (Đừng Chết) của W.S. Merwin. Bài thơ có ngôn
phong thần bí, hình như (dịch giả xin phép suy đoán) là có tư tưởng “tương tức”
(interbeing) thường được Thầy Nhất Hạnh nói tới. Nghĩa là, “anh là tôi, và tôi
là anh” và như thế, không có gì thực sự sinh và thực sự chết.
Bài thơ “Do
Not Die” rất ngắn, dịch như sau:
Trong mỗi thế giới họ có thể đẩy chúng ta
ra xa nhau hơn
Đừng chết
trong khi thế giới này hình thành tôi có thể
sống mãi mãi.
Rất mực trân trọng,
xin gửi lời từ biệt nhà thơ Thiền sư W. S. Merwin.
GHI CHÚ:
(1)
The
Garden & The Sword: “Tathagata [the Buddha] says, “Bodhi, does the Tathagata have a
teaching to teach?” And Bodhi says,
“No, Lord, Tathagata has no teaching to teach.” At that point I got chills
right down my spine.” https://tricycle.org/magazine/garden-sword/