Gia đình là tác phẩm của ta
Sứ mạng của một người Huynh Trưởng rất cao cả. Người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử là một sứ giả của Đức Thế Tôn. Ngày xưa, Đức Thế Tôn có uy tín lớn nên các nhà trí thức và các nhà lãnh đạo tâm linh khác đã tới với Đức Thế Tôn và đã được ngài chỉ đạo, hướng dẫn và giáo dục. Đã có rất nhiều người quy phục Đức Thế Tôn nhưng ngài cũng vẫn để nhiều thì giờ lo cho gia đình của ngài. Gia đình của Đức Thế Tôn khá đông, có lúc có tới hàng ngàn đệ tử xuất gia. Ngay từ năm thứ hai sau khi thành đạo Đức Thế Tôn đã có 1250 vị đệ tử xuất gia.
Đức Thế Tôn đã để không biết bao nhiêu tâm trí và thì giờ để huấn luyện Tăng Đoàn nguyên thủy. Phần lớn các thầy của giáo đoàn trong năm thứ hai là các thầy đã từng theo đạo thờ Thần Lửa, là đệ tử của ba anh em ông Ca Diếp và gồm nhiều phần tử hỗn tạp trong đó. Ở làng Ưu Lâu Tần Loa cũng như trên núi Tượng Đầu, Đức Thế Tôn đã đem hết tất cả thời giờ và năng lượng của mình để huấn luyện cho các thầy, để tăng đoàn có thể trở thành một tăng đoàn uy nghiêm, thanh tịnh, có vững chãi và có hòa điệu. May mắn cho Đức Thế Tôn là trong số đó có một số các thầy lớn khá giỏi và các thầy này đã yểm trợ cho Đức Thế Tôn hết lòng để huấn luyện các thầy trẻ. Sau đó mấy năm thì Đức Thế Tôn có những người đệ tử tuyệt vời như thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên. Thầy Xá Lợi Phất là một vị huynh trưởng đã giúp Đức Thế Tôn giáo dục, đào luyện giáo đoàn và sau sáu, bảy tháng thực tập như vậy thì Đức Thế Tôn mới dẫn giáo đoàn trở về thành Vương Xá để ra mắt vua Tần Bà Xa La. Ngày xưa, khi chưa thành đạo, Đức Thế Tôn đã quen với vua trong một ngày đi khất thực trong thành Vương Xá. Lúc đó, vua Tần Bà Xa La thấy dáng đi uy nghiêm, vững chãi và thảnh thơi của Đức Thế Tôn thì rất cảm phục nên mời ngài về kinh đô để làm quốc sư. Nhưng Đức Thế Tôn chưa thành đạo nên ngài đã từ chối. Ngài nói: “Tôi là một người tu chưa tìm ra được đạo nên không thể nhận lời làm thầy của đại vương được. Xin để khi nào tôi đạt được giác ngộ hoàn toàn rồi tôi sẽ trở lại giúp đại vương.” Sau đó, sợ vua lại tới năn nỉ nữa nên Ngài đã bỏ khu vực đó mà đi đến một chỗ khác để tu. Khi đã thành đạo và đã có Tăng đoàn rồi thì Đức Thế Tôn nhớ tới lời cam kết của mình đối với người bạn cũ là vua Tần Bà Xa La nên đã dẫn tăng đoàn gồm 1250 vị trở về thành Vương Xá. Tôi chắc chắn rằng Đức Thế Tôn đã không làm như vậy nếu Tăng đoàn còn ô hợp và chưa có đủ vững chãi. Hồi đó các thầy đã tổ chức Tăng đoàn thành từng nhóm khoảng 15 hay 20 người ôm bình bát đi những bước rất trang nghiêm, vững chãi và thảnh thơi. Khi Tăng đoàn đi vào thành Vương Xá thì tất cả mọi người đều ngạc nhiên vô cùng và vua Tần Bà Xa La đã mời Tăng đoàn tới thọ trai trong cung điện. Đó là năm thứ hai trong 45 năm hoằng pháp của Đức Thế Tôn.
Đến năm thứ ba, theo lời mời của cư sĩ Cấp Cô Độc, Đức Thế Tôn qua nước Câu Tát La để truyền đạo. Tại đây ngài gặp vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc, vua của nước Câu Tát La, là một bậc hộ pháp. Vua đã quy y, trở thành học trò và cũng là một người bạn thân thiết của Đức Thế Tôn vì hai người cùng sinh một năm. Đức Thế Tôn đã chăm sóc cho vua Ba Tư Nặc rất nhiều, ngay cả chuyện nên ăn uống chừng mực như thế nào Đức Thế Tôn cũng có dạy bảo. Lần cuối cùng hai người gặp nhau là ở miền Bắc nước Kosala, vào năm chót trong 45 năm hoằng pháp của Đức Thế Tôn. Vua không biết rằng đây là lần cuối cùng mình được gặp Đức Thế Tôn. Lúc đó vua đang du hành thì nghe tin Đức Thế Tôn đang ở trong một công viên với các đệ tử. Vua cho ngừng xe lại, một mình đi bộ vào thăm Đức Thế Tôn. Bụt đang an nghỉ trong một căn lều nhỏ. Vua gõ cửa đi vào rồi lạy xuống trước Bụt. Bụt hỏi: “Tại sao hôm nay đại vương có vẻ lễ nghi khách sáo quá vậy? Chúng ta không phải là hai người bạn thân thiết sao?” Khi ấy có hai thầy A Nan và Xá Lợi Phất đang hầu Đức Thế Tôn, cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao hôm đó vua lạy xuống rất sát, rất kính cẩn, rồi ngồi xuống bên Bụt. Vua nói nhiều lắm và những câu vua nói đều được ghi vào trong một kinh gọi là kinh Pháp Trang Nghiêm. Trong kinh có một câu như sau: “Lạy Đức Thế Tôn, mỗi khi con nhìn vào Tăng đoàn của Đức Thế Tôn thì con lại có niềm tin nhiều hơn ở Đức Thế Tôn.” Tại sao nhìn Đức Thế Tôn thì chưa đủ đức tin, mà phải nhìn vào Tăng đoàn của Đức Thế Tôn mới có đủ đức tin? Tại vì Tăng đoàn là tác phẩm của Đức Thế Tôn.
Ta cũng vậy, là người Huynh Trưởng thì ta phải làm cho gia đình ta trở thành tác phẩm của ta. Ta làm sao cho gia đình ta có sự hòa điệu, có vững chãi, có hạnh phúc, và có sự truyền thông. Ta phải truyền thông được với các con ta, với các em ta, và với cha mẹ ta. Phải hành trì Năm Giới một cách vững chãi thì người Huynh Trưởng mới gây được niềm tin nơi các đoàn sinh của mình. Đó là điều dặn dò rất chí thiết của tôi, mong các Ban Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử ghi nhận.
Một ngọn hải đăng
Trong chúng ta, từ các em Oanh Vũ cho đến các Huynh Trưởng, bác Gia Trưởng, người nào cũng có hạt giống của Bồ Đề Tâm. Chính vì có hạt giống đó mà chúng ta đã phát nguyện đi theo con đường chánh pháp, trở thành một công cụ của Đức Như Lai và làm hạnh phúc cho rất nhiều gia đình của các em trong đoàn. Ta phải làm thế nào để cho hạt giống Bồ Đề đó được tưới tẩm mỗi ngày vì nếu hạt giống đó không được tưới tẩm thì sẽ không cho ta năng lượng. Một người Huynh Trưởng phải có cặp mắt rất sáng, có thế đi rất vững chãi vì trong lòng người đó có năng lượng của niềm tin. Có niềm tin trong tim rồi ta sẽ có năng lượng để đi tới. Và khi các em thấy sức sống đó ở trong ta thì các em sẽ được an ủi rất nhiều. Tôi biết rằng các Huynh Trưởng luôn luôn thương các em, luôn luôn có lòng muốn yểm trợ cho Giáo Hội, cho thầy Trụ Trì. Có nhiều vị Huynh Trưởng tinh thần rất cao, dầu đã lớn tuổi mà vẫn trở về với Gia Đình, vẫn tham gia vào các hoạt động của Gia Đình một cách nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Các vị ý thức được rằng các em ít có cơ hội để về tắm trong dòng sông của truyền thống văn hóa Việt Nam nên quý vị cố gắng làm thế nào để trao truyền lại cho các em những châu báu của nền văn hóa dân tộc, dạy cho các em biết nói và biết đọc tiếng Việt. Tinh thần của quý vị rất cao, dù đang sống rải rác khắp nơi nhưng nghe có Đại hội là quý vị cố gắng về dự với các em. Các vị Huynh Trưởng rất thương các em và trung kiên với lý tưởng của mình. Vì vậy quý vị luôn thao thức và muốn làm những gì để cho các em có hạnh phúc. Nhiều gia đình khi con lớn, phải gởi con vào trường học, rất lo sợ vì con đi học trong trường có thể nhiễm những thói hư tật xấu của con nít địa phương như ma túy, bạo động, ngôn từ thô tục v.v… Cha mẹ nào mà không sợ hãi khi đưa con vào những môi trường nguy hiểm như vậy. Cho nên sự có mặt của một đơn vị Gia Đình Phật Tử tại địa phương là một ngọn hải đăng, một cơ hội lớn, một chỗ trú ẩn và là nơi nương tựa cho những gia đình đó. Do đó sứ mạng của người Huynh Trưởng không nhẹ hơn sứ mạng của thầy Trụ Trì một ngôi chùa. Khi ta tiếp nhận một em đoàn sinh, một em Oanh Vũ vào đoàn ta biết rằng ta có trách nhiệm rất lớn. Ta phải chống cự lại với khuynh hướng tàn bạo, đổ vỡ, xấu xa của xã hội. Ta phải đưa hai cánh tay ra ôm lấy, che chở cho các em đoàn sinh bé bỏng của ta.
Một vị Bồ tát
Quý vị Huynh Trưởng, sứ mạng của quý vị rất lớn! Quý vị rất cần được quý thầy và Giáo Hội yểm trợ, nhưng đôi khi quý vị đã không có được sự liên hệ hay không có được tình thương đó. Quý vị đã từng bị rầy la nhưng quý vị vẫn giữ vững tinh thần, vẫn bám lấy Gia Đình. Đó là một điều rất đáng khen ngợi. “… Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp nhiều gian khó, lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ…” Quý vị muốn đi theo đường hướng đó. Tuy nhiên nếu quý vị không biết cách tưới tẩm hạt giống Bồ Đề trong tâm mình thì có thể một ngày kia quý vị sẽ lâm vào tình trạng buông xuôi. Ta phải sống như thế nào để cho hạt giống Bồ Đề mỗi ngày đều được tưới tẩm, để cho hạt giống đó càng ngày càng làm tăng thêm năng lượng cho ta. Năng lượng đó được biểu lộ bằng hành động của hai tay ta, bằng bước chân vững chãi của ta, bằng hai mắt sáng của ta và năng lượng đó gây niềm tin cho các em của ta. Các em rất cần ta nên ta phải cố gắng tu học. Gia Đình Phật Tử không phải là một phương tiện trang điểm cho chùa, không phải có mặt để làm văn nghệ cho chùa, hay để đứng sắp hàng chào đón một bậc tôn túc. Gia Đình Phật Tử có mặt để làm một nơi nương tựa cho biết bao nhiêu em cần được che chở, cần được huấn luyện để đi vào đời mà không bị tan nát vì những bạo động, căm thù, xấu xa của xã hội hiện tại. Nếu người Huynh Trưởng không thực tập Năm Giới vững chãi thì người Huynh Trưởng làm thế nào để tự bảo vệ mình? Nếu người Huynh Trưởng không tự bảo vệ mình được thì làm sao có thể bảo vệ được các em của mình? Vì vậy cho nên sống đúng theo tinh thần của Năm Giới là có được sự bảo trì của Bụt, của Pháp và của Tăng. Khi ta đã được bảo vệ như vậy rồi thì ta mới có thể có khả năng bảo vệ cho các em ta. Bây giờ cha mẹ các em còn trông vào ai nữa nếu không trông cậy vào các Huynh Trưởng? Thầy ở chùa thì có rất nhiều công việc, một mình thầy mà phải lo biết bao nhiêu chuyện thì làm sao thầy có thể chăm sóc được tất cả những cháu nhỏ tới chùa? Vì vậy cho nên sứ mạng của người Huynh Trưởng trong thời đại bây giờ rất quan trọng. Huynh Trưởng phải là một vị Bồ Tát thì mới có thể đóng được trọn vẹn vai trò của mình. Quý vị phải sống như thế nào để mỗi ngày đều được tiếp nhận những chất dinh dưỡng về tâm linh. Quý vị phải có liên hệ mật thiết với các thầy và các sư cô, nhất là các vị trẻ, có tiếp xúc trực tiếp và hiểu được những khổ đau của tình trạng hiện thời ở xã hội này. Quý vị phải làm việc chung rất mật thiết với các thầy và các sư cô. Đó là những người có cùng lý tưởng như quý vị nhưng họ may mắn hơn quý vị là được sống trong tu viện. Sống trong không khí của một tu viện thì sự thực tập được thường xuyên hơn, được sự nâng đỡ của Tăng thân và của các bậc sư trưởng hăm bốn giờ trong một ngày.
Đáp ứng nhu yếu của tuổi trẻ
Có một Huynh Trưởng có hai đứa con. Hai cháu đều đi Gia Đình Phật Tử. Vị Huynh Trưởng đó có nhiều niềm vui khi hướng dẫn con mình và các em khác trong Gia Đình Phật Tử. Các em mới qua xứ người, tiếng Anh chưa giỏi, chưa biết gì về đời sống xã hội, học đường, chưa hội nhập được vào đời sống mới. Vị Huynh Trưởng đó có niềm vui khi hướng dẫn các em, dạy các em hát những bài hát mới, sống một không khí rất Việt Nam tại vì không khí của Gia Đình Phật Tử rất khác với không khí bên ngoài. Thành ra Gia Đình Phật Tử tạo ra một môi trường để giúp các em mới qua cảm thấy thân thuộc trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng không hiểu tại sao hai, ba năm sau thì các cháu con của vị Huynh Trưởng đó không muốn tham gia vào Gia Đình Phật Tử nữa. Vị Huynh Trưởng đó chỉ dạy được các em mới từ Việt Nam qua thôi. Và thường thường, đa số các em khác cũng chỉ ở trong Gia Đình Phật Tử hai, ba năm rồi lại bỏ Gia Đình Phật Tử mà đi. Vị Huynh Trưởng đó đánh mất luôn sự truyền thông với hai đứa con của chính mình. Các cháu có đời sống riêng của chúng tuy rằng cùng sống chung trong một mái gia đình. Mỗi người đi một hướng khác nhau. Hai cháu đi một hướng và người Huynh Trưởng đó đi một hướng khác. Và cố nhiên khi bảo cháu đi Gia Đình Phật Tử thì cháu không đi nữa, cháu chỉ đi có mấy năm đầu và nhất là khi mà giữa cháu và bố cháu không có sự truyền thông thì cháu lại càng không muốn đi nữa.
Biết bao nhiêu em đã bỏ Gia Đình Phật Tử sau khi đã tham dự Gia Đình Phật Tử vài ba năm, nên rốt cuộc phần lớn những em còn ở trong Gia Đình Phật Tử là những em mới qua, nói tiếng Việt rất giỏi. Nhưng khi các em đó đã nói tiếng Mỹ giỏi, đã quen thuộc với môi trường xã hội mới thì rất nhiều em lại cũng bỏ Gia Đình Phật Tử mà đi. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao? Câu trả lời là tại vì Gia Đình Phật Tử không cung cấp được những thức ăn thật sự cần thiết cho các em nên một số rất đông các em đã bỏ Gia Đình. Các em bỏ đi vì đã không nhận được những thức ăn nuôi dưỡng cần thiết và có khả năng trị liệu những thương tích trong em. Một phần cũng tại vì vị Huynh Trưởng không có khả năng tự nuôi dưỡng và trị liệu những vết thương của mình. Chúng ta phải ngồi lại, chúng ta phải quán chiếu, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao? Trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử chúng ta có những trò chơi, chúng ta có những bài hát, chúng ta có sự họp mặt thường xuyên, chúng ta có làm lễ, có tụng kinh, có học giáo lý mà tại sao các em lại bỏ Gia Đình? Các em không cần tới những sinh hoạt đó hay sao? Nếu chúng ta ngồi chung với nhau để quán chiếu thì chúng ta sẽ tìm ra nhiều nguyên do. Ví dụ như chuyện tụng kinh: Nếu chúng ta tụng những kinh mà các em không hiểu, không áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày thì một hồi các em sẽ chán. Những ngày đầu đưa em tới chùa, mẹ em dạy cho em lạy Phật, chắp tay lại, cúi đầu xuống, năm vóc sát đất, nhưng mẹ em không dạy tại sao em phải làm như vậy. Và khi em thấy những đứa con nít Mỹ nhìn em cười thì em có cảm tưởng là mình đang làm một chuyện lố bịch, mê tín. Em không được giảng dạy, em không hiểu được ý nghĩa của sự lạy Bụt nên em có mặc cảm là em đang làm trò mê tín, lố bịch. Rồi khi tụng kinh thì em cũng chẳng hiểu gì hết. Làm sao em hiểu được chú Đại Bi? Làm sao em hiểu được Tâm Kinh Bát Nhã? Làm sao em hiểu được những câu thần chú như Tiêu Tai Cát Tường, như Vãng Sanh Quyết Định Chân Ngôn? Và những bài giáo lý giảng dạy cho các em chỉ là những bài giáo lý thuần túy lý thuyết, đầy danh từ mà không áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày, không có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Người quan sát có cảm tưởng là chúng ta duy trì Gia Đình Phật Tử như duy trì một hình ảnh đẹp của quá khứ vang bóng một thời. Trong nội dung sinh hoạt cũng không có sinh khí thật sự, không có chất lượng thật sự của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Vì vậy các em chỉ ở với Gia Đình Phật Tử một vài ba năm thôi, rồi các em bỏ đi và không muốn trở lại nữa. Vì vậy Gia Đình Phật Tử được duy trì với các Huynh Trưởng lão thành và phần lớn đoàn sinh là những người mới. Số lượng những đoàn sinh còn tiếp tục sinh hoạt cho đến khi thành được Huynh Trưởng là một tỷ lệ rất ít.
Tôi đã từng tổ chức những khóa tu cho trẻ em Châu Âu và trẻ em Hoa Kỳ. Các em tới với cha mẹ nhưng có chương trình riêng. Các em cũng được nghe pháp thoại và được thực tập theo lứa tuổi của mình. Có những khóa tu cho thiếu nhi Hoa Kỳ rất thành công. Bố mẹ các em cũng tới để yểm trợ và tu học với các em. Có hàng trăm em tới tu học và lúc đầu thì có em không thích gì mấy. Các em đó không hiểu tại sao mình lại phải tới và tới để làm gì nhưng vào cuối khóa tu thì các em rất thích. Lúc đó các em lại hỏi: “Why do we have to leave?” (Tại sao con lại phải rời đây?) Những khóa tu như vậy vui lắm vì thật sự đã làm thỏa mãn được những nhu yếu của các em, không những chỉ là nhu yếu chơi mà còn là những nhu yếu phát triển khả năng thương yêu và hiểu biết của các em. Đã có một số các em thiếu nhi tu ở khóa tu thiếu nhi cách đây mười năm và bây giờ có ý định xuất gia. Nếu những đứa trẻ Tây phương đó đã tiếp nhận được những hạt giống của chánh pháp và trong mười năm qua những hạt giống đó được tiếp tục lớn lên để rồi các em lại có khuynh hướng sống đời sống xuất gia tức là sự giáo hóa thành công. Thành công hay không là ở chỗ pháp môn có hữu hiệu và thực tiễn, đáp ứng được nhu yếu của tuổi trẻ hay không. Đó là nhu yếu được nuôi dưỡng: nuôi dưỡng niềm vui, nuôi dưỡng tình thương, nuôi dưỡng hạnh phúc. Và đó là nhu yếu được trị liệu: trị liệu những đau buồn, những khổ đau, những thương tích đã được gây ra trong đời sống gia đình, và trong đời sống xã hội.
Thiết lập lại hòa điệu và hạnh phúc trong gia đình
Vì vậy cho nên sự tĩnh tu của người Huynh Trưởng là điều rất căn bản. Quý vị phải được trao truyền những pháp môn rất cụ thể, rất thực tế để có thể nuôi dưỡng được hạnh phúc, lòng thương và sự hiểu biết của mình. Quý vị phải được học những biện pháp cụ thể có thể trị liệu được những khổ đau của mình, có thể thiết lập được sự truyền thông giữa mình và các em, giữa mình và cha mẹ mình, giữa mình và các con của mình. Vị Huynh Trưởng phải có khả năng chuyển hóa được gia đình mình, làm cho gia đình mình trở thành một gia đình có hạnh phúc, có truyền thông thì vị Huynh Trưởng đó mới có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, và trị liệu cho những đoàn sinh được gởi tới cho Gia Đình Phật Tử của mình. Chúng ta phải nương vào nhau. Chúng ta phải cùng nhau học hỏi thì mới có thể làm được việc đó, nhất là công việc tự mình trị liệu, tự mình nuôi dưỡng và nuôi dưỡng những người thương trong gia đình huyết thống, trong đoàn thể sinh hoạt của mình.
Tổ chức Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò nào để giúp xây dựng lại những gia đình đang trên đà đổ nát? Người Huynh Trưởng nên học hỏi và chú trọng về việc thiết lập lại sự hòa điệu và hạnh phúc ở trong gia đình. Đây là một đối tượng rất quan yếu của sự tu học. Chúng ta tu học như thế nào để có thể khôi phục lại được hạnh phúc gia đình, khôi phục lại được sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, chị em. Gia đình như một mảnh vườn mà từ đó chúng ta lớn lên như những cái cây. Nếu mảnh vườn khô cằn, thiếu nước, thiếu phân thì cây không lớn lên được, cây sẽ khô héo và gãy đổ. Chúng ta cũng vậy. Nếu trong gia đình mà không có sự hòa thuận, không có niềm tin lẫn nhau, không có niềm vui thì chúng ta sẽ không lớn lên được, chúng ta sẽ héo mòn và ngã đổ. Vì vậy mục đích đầu của chúng ta là trở về xây dựng lại gia đình của chính chúng ta. Gia Đình Phật Tử,như một tổ chức, có thể can thiệp được bằng cách nào để cứu những gia đình đang trong tình trạng nguy ngập có thể bị tan rã?
Mỗi khi ta thấy một vị Huynh Trưởng có hạnh phúc, có liên hệ tốt với bố mẹ, có liên hệ tốt với các em, với các con của họ thì ta có rất nhiều niềm tin nơi vị ấy. Đó là nhờ ở sự tu học của chính người Huynh Trưởng và đây sẽ là niềm tin cho tất cả. Nếu người Huynh Trưởng trong đơn vị Gia Đình Phật Tử mà có được những điều tích cực trên thì chắc chắn em bé mà phụ huynh gởi cho Gia Đình Phật Tử nuôi dưỡng cũng sẽ được trị liệu đàng hoàng và gia đình của em bé cũng được hưởng lợi ích. Cho nên chúng ta phải rời bỏ chủ nghĩa hình thức. Chúng ta phải thổi một luồng sinh khí mới vào trong sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Chúng ta phải có những pháp môn dạy dỗ và tu tập thực tế để mỗi giờ đồng hồ của sinh hoạt đều là thời gian có thể cung cấp được chất liệu của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta không thể bỏ phí thời giờ để chỉ nuôi dưỡng một cái hình thức mà thôi. Chúng ta phải có nội dung, và chúng ta có đủ thông minh, có đủ năng lực để có thể làm việc đó.
Tự độ trước khi làm công việc Bồ tát
Nghề của Huynh Trưởng là nghề bảo vệ, nuôi dưỡng và trị liệu. Hai cánh tay của anh đủ vững chãi để bảo vệ các em chưa? Hai cánh tay của chị đã đủ vững chãi để bảo vệ các em chưa? Anh chị có khả năng độ trì cho em bé khi em bé run rẩy tới anh chị với đầy dẫy những vết thương ở trong tâm hồn không? Các anh chị có những chất liệu bổ dưỡng để nuôi nấng các em không? Hay là các anh chị chỉ có những sầu đau, những khó khăn, những buồn rầu của chính các anh chị mà các anh chị chưa chuyển hóa được? Đó là câu hỏi rất thực tình. Nếu ta không biết tu tập, nếu ta không chuyển hóa thì ta không thể nào giúp các em bé và gia đình các em tu tập và chuyển hóa được. Trong lá thư tôi thảo giùm quý vị để gửi cho các vị phụ huynh có câu: “Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa hoàn hảo”. Câu này biểu lộ sự khiêm cung của ta. Khi gởi lá thư này cho gia đình các em thì ta nói với giọng điệu của người khiêm cung: “Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa hoàn hảo nhưng ai cũng được huấn luyện và tu học liên tục…” Điều đó có đúng không? Ta có đang được liên tục đào tạo và tu học bằng những kỳ trại, những khóa tu, những ngày chánh niệm, những cuộc họp bạn hay không? Những trại đó, những khóa tu, những ngày quán niệm đó quả thật có thực chất hay chỉ là cơ hội để chúng ta gặp nhau cho bớt cô đơn, để chúng ta lập lại một số danh từ mà tất cả chúng ta đều rất tôn thờ. Ta phải nhìn vào thực chất, xem thử những trại đó, những ngày huấn luyện, những cuộc chơi đó có mang chất liệu của sự đào tạo và nuôi dưỡng hay không? Vấn đề là vấn đề thực chất. “… nhưng ai cũng được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình…” Đúng, ta là Huynh Trưởng, bổn phận của ta là bảo vệ và nuôi dưỡng. Nếu không có khả năng bảo vệ đó thì ta không phải là một Huynh Trưởng đích thực. “… Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình…” Điều này là một sự nhắc nhở, nhắc nhở cho bản thân ta. Đây là điều ta đang nói với phụ huynh các em, “chúng tôi cũng đang cố gắng tu tập, chúng tôi tu tập cho bản thân chúng tôi và chúng tôi áp dụng những tu tập đó trong gia đình chúng tôi.”
Đôi khi ta thấy có một vị Huynh Trưởng không có hạnh phúc trong gia đình, từ con, làm khổ vợ mà vẫn làm Huynh Trưởng, dạy các em trong Gia Đình Phật Tử thì ta thấy điều đó là một bi kịch. Tại sao vị đó không thể nói chuyện được với con, giận con, từ con, làm khổ mẹ của các cháu mà vẫn có thể là một Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử được? Vị đó có thể làm gì để giúp ai trong khi vị đó chưa có thể giúp đỡ được cho bản thân và gia đình của chính mình? Cho nên chúng ta phải đặt ra những câu hỏi rất thực tế. Vị đó phải tự độ trước khi có thể làm được công việc Bồ Tát. Đây là một lời rất thành thật, rất chân thành.
Dạy bằng sự sống của chính mình
“Các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa được hoàn hảo nhưng ai cũng đang được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình, bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu, và hạnh phúc trong gia đình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán…”
Không hẳn ta phải thật hoàn hảo mới được dạy các em, chỉ cần một điều kiện là trong khi ta đang dạy các em, ta cũng phải thực tập những điều đó trong gia đình của chính mình. Đó là điều kiện duy nhất. Và nếu ta áp dụng được những điều ta đang dạy các em vào bản thân và vào gia đình của ta thì tự nhiên các em có đức tin. Anh mình dạy điều đó và anh mình đang thực tập, anh mình đang thực tập cho anh và cho gia đình anh. Còn khi chị mình đang dạy mình điều đó nhưng chính chị không thực tập những điều đó cho chị và cho gia đình chị thì điều này làm mất mát một niềm tin rất lớn ở nơi các em. Điều này rất quan trọng. Chúng ta dạy không phải bằng lời nói, bằng sách vở mà chúng ta dạy bằng sự sống của chính chúng ta, đó là thân giáo. Và các em cũng học được những phương thức ấy mà làm tăng tiến chất liệu tin yêu, hòa thuận và hạnh phúc trong gia đình các em.
Đúng vậy, ta không trực tiếp dạy gia đình các em, ta chỉ dạy các em thôi, nhưng nếu ta “làm ăn khấm khá” thì các em sẽ đem những pháp môn đó về áp dụng trong gia đình. Phụ huynh sẽ thấy cho con em vào Gia Đình Phật Tử là chuyện rất hay vì từ ngày em bé vào Gia Đình Phật Tử đến giờ, em bé có sự thay đổi theo chiều hướng tốt lành của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Đây là một vinh dự rất lớn của người Huynh Trưởng.
Chúng tôi là người xuất gia cũng vậy, đôi khi chúng tôi tổ chức một khóa tu, chúng tôi độ được người thì những người đó về hòa giải được với gia đình, tái lập được hạnh phúc trong gia đình và mỗi khi nhận được một lá thư báo cáo lại như vậy, chúng tôi rất hạnh phúc. Còn các vị là Huynh Trưởng cũng vậy, nếu mà em bé về nhà có nhiều thương yêu hơn, nhiều hiếu hạnh, nhiều vững chãi và có nhiều hạnh phúc hơn mà được phụ huynh công nhận những điều đó thì đó là phần thưởng lớn nhất của một người Huynh Trưởng. Phụ huynh đã gởi con em cho tổ chức Gia Đình Phật Tử thì xin yểm trợ cho đoàn và cho con em trong việc áp dụng những phương pháp thực tập ấy trong gia đình mình, đó là lời yêu cầu của ta.
Nhắc nhở phụ huynh cùng thực tập với các em
Ta đã trao truyền cho các em những phương pháp thực tập nhưng nếu đem những phương pháp đó về nhà mà không được chấp nhận thì thử hỏi trao truyền để làm gì? Tại vì trong bảy ngày mà chỉ được thực tập một, hai giờ ở đoàn quán thì đâu có đủ, đâu có thấm thía gì. Đây là một lời mời gọi xin phụ huynh khuyên các em, yểm trợ cho các em bằng cách cùng thực tập với các em ngay tại gia đình của mình. Nếu em thực tập được phương pháp nghe chuông chánh niệm để thở mà nếu cha mẹ không tôn trọng tiếng chuông của em, không tôn trọng phòng thở của em và tiếp tục la mắng em trong khi các em đi vào phòng thở để thực tập thì làm thế nào em có thể thực tập được. Cho nên chúng tôi khẩn thiết cầu xin quý vị phụ huynh hãy yểm trợ cho chúng tôi. Khi các em học được một pháp môn thực tập đem về nhà thì xin cùng thực tập với các em. Đây là một phương tiện và em bé, đứa em của mình trong đoàn trở thành một gạch nối giữa mình và gia đình em. Và trong khi ta dạy các em, ta giúp các em thì ta giúp luôn gia đình của các em nữa.
Ban đầu thì giống như ta chỉ có bổn phận chăm sóc em bé đó và em bé đó là phạm vi hoạt động của ta nhưng ta biết em bé là tất cả. Trong đạo Bụt chúng ta được học là cái một chứa đựng cái tất cả. Không có cái gì là không được nối tiếp và liên hệ với tất cả những cái khác. Như là bông hoa, bông hoa có liên hệ với đám mây, có liên hệ đến mặt trời. Nếu không có đám mây thì không có mưa và hoa không nở được. Nếu không có mặt trời thì hoa cũng không nở được. Em bé cũng vậy, em bé phải có gia đình, phải có học đường, phải có xã hội thì em bé mới có mặt được. Cho nên khi chăm sóc em bé, chúng ta có cơ hội chăm sóc gia đình của em, chăm sóc học đường của em và chăm sóc xã hội của em. Và khi chúng ta nói lên câu nói này, chúng ta có sự khiêm cung.
Ta phải thấy được sự thật lớn nhất là Khổ đế, thì ta mới tìm ra được sự thật thứ hai là Tập đế. Và khi đã tìm ra được sự thật thứ hai là Tập đế, nguyên do làm cho các em thương tích, khổ đau như vậy rồi thì lúc đó con đường chữa trị mới hiện ra, đó là Đạo đế, sự thật thứ ba, là khả năng có thể chữa trị được cho các em. Ta thấy rằng trong xã hội ngày nay có sự đổ nát, có sự tuyệt vọng. Cha mẹ không có hạnh phúc với nhau. Cha mẹ làm khổ nhau để rồi làm khổ cả con của mình. Có một em thanh niên tới nói với tôi rằng: ‘‘Sư Ông ơi, con không hiểu được. Ba con là một người tốt, mẹ con cũng là một người tốt, có tài năng. Mà không biết tại sao hai người không đi đôi được với nhau. Hai người mỗi ngày đều làm cho nhau khổ và mỗi ngày trái tim của con cứ nhói lại. Con không muốn sống nữa.’’ Ta thấy nếu mà cha mẹ không có hạnh phúc với nhau thì đứa con có rất nhiều vết thương trong tim. Có những gia đình tan nát vì chuyện cờ bạc, tan nát vì chuyện rượu chè, tan nát vì chuyện tà dâm. Số lượng những gia đình như vậy trong xã hội của chúng ta hôm nay rất lớn, và khi đứa trẻ lớn lên sẽ không có niềm tin vào gia đình. ‘‘Sau này con sẽ không lấy chồng, lấy chồng khổ quá đi.” “Sau này con sẽ không cưới vợ, cưới vợ khổ quá đi.” “Sau này con không muốn có con. Có con khổ quá đi!’’ Có những đứa trẻ nói như vậy. Em không có niềm tin ở gia đình.
Cải thiện môi trường
Rồi khi tới trường học thì em thấy rằng giữa em với thầy giáo của em không có một liên hệ gì thân ái hết. Em thấy giữa em với bạn học em cũng không có liên hệ thân hữu.
Ngày xưa trường học là một gia đình mà trong đó học trò coi thầy như cha, coi cô giáo như mẹ và coi những người bạn học khác như anh, chị, em của mình. Không khí của trường học rất thân ái. Trường học là gia đình thứ hai của chúng ta. Các vị lớn tuổi ở đây, những Huynh Trưởng lớn tuổi ở đây chắc đã thấy được điều đó. Ngày xưa trường học của ta êm đềm như trong bài hát ‘Trường Làng Tôi’. Ở trong trường ta có hạnh phúc, khi xa trường thì ta thương nhớ. Nhưng mà trường học bây giờ không như vậy. Trường học bây giờ cũng theo đường lối của chủ nghĩa cá nhân. Ở trường học bây giờ có tình trạng thầy giáo không được thương, không được kính; có khi học trò đánh luôn thầy giáo, có khi giết luôn thầy giáo. Ở trường học bây giờ có khi học trò giết nhau; chúng dìu nhau vào con đường ma túy, con đường bạo động v.v… Và trường học là một chỗ không cho ta niềm tin nữa.
Nếu gia đình như vậy, trường học như vậy thì xã hội sẽ như thế nào? Đối với một xã hội đầy bạo động, người Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử phải có một sứ mạng. Đó là sứ mạng làm thế nào để cải thiện đời sống của gia đình và cải thiện được đời sống của học đường. Chúng ta phải có những pháp môn rất cụ thể, những phương pháp thực tập rất cụ thể thì chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng lại gia đình và xây dựng lại trường học. Chỉ khi nào gia đình được xây dựng lại thì xã hội mới bắt đầu có phẩm chất trở lại. Và những người thanh thiếu niên, những người Phật tử trẻ, những người Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử phải thấy được sứ mạng đó, phải thấy được con đường tu học của mình. Trước nhất ta phải đem lại hạnh phúc ngay trong chính gia đình ta, tức là gia đình của người Huynh Trưởng.
Vì vậy trong khóa tu này ta sẽ cùng nhau đàm luận những pháp môn nào cần phải được thực tập ở trong gia đình của người Huynh Trưởng để cho gia đình của anh ấy, của chị ấy trở nên một môi trường có thể nuôi dưỡng người Huynh Trưởng đó lớn lên. Tại vì nếu người Huynh Trưởng thất bại ở trong gia đình của mình thì làm sao có thể dạy các em của mình ở trong đoàn được? Vì vậy cho nên tu ở nhà là một trong những đề tài lớn mà chúng ta sẽ đàm luận và cùng nhau quán chiếu trong khóa tu này. Ở trong gia đình chúng ta phải thực tập những gì để đem lại hòa khí, tin yêu và hạnh phúc trong gia đình. Chúng ta tu tập thế nào để giữa cha và mẹ có hòa khí, giữa cha mẹ và con cái có sự truyền thông với nhau. Khi đó hòa thuận, tin yêu, vui vẻ trở thành những thực tại có thật chứ không phải chỉ là những châm ngôn mà thôi. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những phương pháp đó. Rồi người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử khi gặp các em, ngồi với các em, sinh hoạt với các em thì hỏi thăm về tình trạng gia đình, hạnh phúc gia đình của các em như thế nào. Thấy được những khó khăn, những vấn đề trong gia đình các em rồi thì mới khuyên nhủ, chỉ dẫn các em cách thực tập nào đem về nhà áp dụng để nâng cao phẩm chất hạnh phúc, hòa thuận và tin yêu trong gia đình các em. Tức là chúng ta phải trực tiếp đối diện với những vấn đề có thật của chúng ta chứ không chỉ mơ tưởng lý thuyết.
Sống đơn giản và lành mạnh là hướng đi
Chúng ta là những người trẻ thực tập theo con đường của Bụt. Chúng ta phải biết rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc như những người trẻ mà chúng ta không cần phải chạy đuổi theo đối tượng của những sự thèm khát là danh vọng, sắc dục, sự giàu sang,… (tài, sắc, danh, thực, thụy). Vì vậy Gia Đình Phật Tử gồm những người trẻ phải có sứ mạng chứng tỏ cho quần chúng biết, cho xã hội biết rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc với một đời sống rất lành mạnh. Tây phương bây giờ cũng đã giác ngộ. Họ thấy rằng một đời sống đơn giản, lành mạnh là con đường họ muốn đi. Có nhiều người đã rách nát, đã tan tành trong khi chạy theo đối tượng của năm dục và vì vậy họ muốn đi tìm một đời sống khác, một đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát, thoải mái. Phương hướng đó là phương hướng mà Đức Thế Tôn muốn dạy.
Người Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử là một người có sứ mạng, sứ mạng chỉ cho cuộc đời, cho xã hội thấy rằng có một phương pháp sống an lạc và hạnh phúc mà không cần phải theo đuổi đối tượng của năm sự thèm khát. Người Huynh Trưởng sống theo phương châm đó, sống hạnh phúc theo phương châm đó và dạy các em mình, con mình, cháu mình sống theo phương châm hạnh phúc đó. Vì vậy chúng ta phải đào tạo, phải tu tập, phải huấn luyện bản thân ta để ta có thể sống được theo đường hướng đó, để ta có thể hướng dẫn được các con, em của ta cùng sống được theo đường hướng đó.
Lưu tâm đến các em
Tại đoàn quán, các anh chị Huynh Trưởng phải lưu tâm tới hạnh phúc và tình trạng gia đình của các em đoàn sinh. Pháp môn này có thể gọi là pháp môn ‘theo dõi’, pháp môn ‘lưu ý’ hay ‘liên đới’. Em Oanh Vũ là đoàn sinh của ta, ta có trách vụ nuôi em trong đời sống tinh thần. Vì vậy người Huynh Trưởng có bổn phận phải biết những khó khăn, khổ đau của các em. Người Huynh Trưởng phải hỏi thăm đoàn sinh về tình trạng gia đình. Ba mẹ của em sống với nhau có hạnh phúc không? Ba mẹ em có làm khổ nhau, và làm khổ em hay không? Em có những khó khăn nào? Gia đình em đã có phòng thở chưa? Em biết cách làm mới chưa? Tất cả những cái đó, người anh Trưởng, chị Trưởng phải biết. Ta theo dõi và làm hạnh phúc cho gia đình của em đoàn sinh.
Phận sự của người Huynh Trưởng không phải là chỉ ở trong đoàn quán, mà là phải theo em về tới gia đình, giúp em chuyển hóa không khí của gia đình. Do đó ta mới đem đạo Bụt vào đời. Một người Huynh Trưởng có thể làm hạnh phúc ba bốn chục gia đình trong xã hội này. Đó là công tác, là sứ mạng rất lớn. Cố nhiên nếu gia đình ta không có hạnh phúc, hòa điệu thì ta chưa thể làm được việc đó. Ta phải dùng gia đình ta làm mẫu để giúp gia đình các em. Nếu ta là một Huynh Trưởng và có vấn đề với con, nói chuyện với con không được, ta từ con thì ta không phải là người Huynh Trưởng đích thực. Vì ta không có khả năng đối với con thì làm sao có khả năng dạy các em ở trong đoàn. Cho nên trước hết, sự thực tập của người Huynh Trưởng nằm trong gia đình của chính mình. Phải đem lại chất liệu của sự vững chãi, thảnh thơi, an lạc, hạnh phúc trong gia đình ta để làm bàn đạp cho sự thực hiện lý tưởng Huynh Trưởng của ta. Sau đó ta lưu tâm, ta liên đới tới tất cả những gia đình của các em.
Vai trò bác sĩ, vai trò cố vấn
Giống như một bác sĩ, ta phải có hồ sơ của từng em, biết rõ gia cảnh, tình trạng hạnh phúc, khó khăn của từng em. Một Huynh Trưởng giỏi có thể tạo rất nhiều hạnh phúc cho rất nhiều gia đình. Ta có hai mươi đoàn sinh là ta có bổn phận phải xây dựng hai mươi gia đình. Công việc của một người Huynh Trưởng rất lớn, và sự tu tập của người Huynh Trưởng rất khó. Khi ta đi xuất gia thì dễ hơn. Đi xuất gia thành một thầy hay một sư cô, tu dễ hơn một Huynh Trưởng vì họ luôn luôn được bao bọc bởi những vị xuất gia khác, có thầy, có bạn, được thực tập 24 giờ một ngày. Còn khi là một người Huynh Trưởng, ta phải lo đủ thứ hết. Ta phải đi làm, đi học, chăm sóc gia đình của mình, đồng thời phải chăm sóc một gia đình rất lớn. Nếu ta không có tình thương và sự kiên nhẫn lớn thì không thể nào làm trọn được phận sự của một người Huynh Trưởng. Chuyện thực tập liên đới với các gia đình để giúp các em, cải thiện tình trạng trong gia đình, chúng ta phải học hỏi nhiều lắm mới có thể làm được. Chúng ta phải giỏi về tâm lý học. Nhiều khi ta phải đóng vai trò của một người cố vấn cho gia đình em. Có thương em thì ta phải thương cho trọn. Ta thương em thì ta phải thương luôn gia đình của em, giúp cho gia đình của em vượt khỏi những khó khăn. Thương một em đoàn sinh là một công trình rất lớn.
Đừng để mất thì giờ vào chuyện hình thức
Trong khóa tu, chúng ta có thể ngồi lại để quán chiếu và nhìn sâu. Ta thấy được tình trạng của chúng ta và tìm ra những biện pháp, những pháp môn có thể làm dậy lên sức sống đó, tức là bất cứ cái gì chúng ta làm trong sinh hoạt của khóa tu đều phải có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu. Ăn cơm cũng vậy, ăn cơm như thế nào mà trong khi ăn ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Giờ sinh hoạt tập thể ta hát “quay một vòng hát mà chơi” cũng vậy, sinh hoạt như thế nào mà trong thời gian đó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Nghe Phật pháp cũng vậy, nghe giảng Phật pháp như thế nào mà trong thời gian nghe những hạt giống nuôi dưỡng và trị liệu được tưới tẩm. Càng nghe ta càng thấy sáng trong tâm tư, càng nghe ta càng thấy rõ con người của ta. Khi ta dạy giáo lý cho các em thì thời gian dạy giáo lý đó không phải để cho các em thâu thập một mớ ý niệm, một mớ lý thuyết, mà giáo lý đó phải là cái mà các em có thể đem ra áp dụng trong sinh hoạt của đoàn, trong khi ăn, trong khi ngồi, trong khi chơi, trong khi rửa bát để có nhiều lợi lạc. Chúng ta ai mà không phải rửa bát? Nhưng rửa bát như thế nào để có hạnh phúc? Chúng ta ai mà không đi rửa tay? Nhưng rửa tay như thế nào mà trong giây phút đó có sự sống, có sự thức tỉnh. Đó là bổn phận của chúng ta. Chúng ta phải học, phải áp dụng điều học được vào đời sống của chúng ta. Và khi ta đã có được yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu rồi thì chắc chắn ta sẽ thành công với tư cách của một người Huynh Trưởng. Ta biết rằng nếu ta có thể điều phục được những giận hờn, bực bội, lo âu, thất vọng của ta thì ta mới có kinh nghiệm và khả năng để giúp cho các em trong đoàn làm được chuyện đó. Nếu ta học được phương pháp để có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và cha mẹ ta, nếu ta có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và các con ta, thì chắc chắn ta có thể giúp được cho đoàn sinh của ta và cho gia đình của em đó.
Vì vậy ta không nên để mất thì giờ vào chuyện hình thức nữa. Ta phải thông minh, biết sử dụng thời giờ của mình một cách khôn khéo để cho tất cả mọi giây phút, mọi giờ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử đều đem lại cho ta yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu.
Nguyện vọng chính đáng
Tối hôm kia tôi có gặp một số các vị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương và tôi đã ngồi rất yên để lắng nghe quý vị nói. Quý vị đã nói về ước muốn sâu sắc nhất của quý vị. Tôi ngồi lắng nghe để hiểu và tôi rất thương. Quý vị có những ước ao rất chính đáng, những ước vọng rất chính đáng như không muốn bị chia rẽ, muốn đoàn kết lại với nhau, không muốn một đơn vị nào bị tách rời ra cả. Ta không muốn đi theo con đường của kỳ thị, của hận thù, hay của chia rẽ. Ta chỉ muốn đi theo con đường của hỷ xả và của đoàn kết. Đó là những ước muốn rất là chính đáng. Vì vậy nên sáng nay, khi thức dậy, tôi đã viết cho thầy Viên Lý một lá thơ. Tôi đọc cho quý vị nghe:
Chùa Vạn Hạnh, San Diego ngày 12 tháng 10 năm 1997
Kính gửi thầy Viên Lý,
Tôi rất mừng là bài giảng hôm mồng 5 tháng 10 năm 1997 tại Rosemead đã giúp được nhiều cá nhân và gia đình chuyển hóa được những khó khăn và đau khổ của họ. Nhiều người ghi nhận công đức của thầy, thầy Ân Huệ và các vị trong ban tổ chức. Khóa tu cho Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tại San Diego cũng đẹp lắm và đem lại cho mọi người nhiều hạnh phúc. Tôi đã ngồi lắng nghe Ban Hướng Dẫn trên một giờ đồng hồ. Họ có đề đạt lên những nguyện vọng mà tôi đúc kết ra như sau, xin chép lại để chuyển đến quý thầy trong Giáo Hội.
- Điểm thứ nhất: Chúng con muốn giữ thân thể chúng con cho toàn vẹn. Chúng con nguyện nắm tay nhau, không để cho bất cứ ai hoặc bất cứ một biến cố nào chặt đứt hay chia rẽ chúng con.
- Điểm thứ hai: Chúng con muốn sống và hành động theo chánh pháp. Chúng con muốn yểm trợ tất cả những cá nhân và đoàn thể nào đang đi trên con đường chánh và giúp tất cả mọi người có thể có cơ hội trở lại con đường chánh. Chúng con muốn đưa mọi người trở lại với nhau và hàn gắn lại những vết thương gây ra do sự chia rẽ. (Mình không muốn bỏ ai hết. Họ đi con đường chính thì mình yểm trợ. Nếu họ chưa đi trên con đường chánh mình cũng phải ôm lấy họ, cho họ một cơ hội để họ có thể trở về con đường chánh. Đó là con đường của mình. Đó là từ thâm tâm của quý vị).
- Điểm thứ ba: Chúng con muốn thực tập hạnh từ bi. Chúng con nguyện sống theo tinh thần hỷ và xả, nhất quyết không đi về hướng hận thù, bạo động và kỳ thị.
Tôi nghĩ những nguyện vọng ấy rất chính đáng và tôi đã nói lên lời khích lệ họ. Tôi nghĩ nếu quý thầy trong Giáo Hội thương yêu họ, yểm trợ cho họ và nói lời từ ái, phủ dụ họ thì không có lý do gì mà Ban Hướng Dẫn Trung Ương và tất cả các đơn vị Gia Đình Phật Tử lại không một lòng trung kiên đối với Giáo Hội. Tôi viết lá thư này vì thực sự thương các bạn trẻ, và tôi nghĩ rằng thầy cũng rất thương các bạn trẻ và sẽ tìm cách để giúp họ. Mong thầy có dịp qua Làng Mai chơi vài ba tháng trong khóa tu mùa Đông để có dịp tâm tình nhiều hơn.
Thương và tin cậy,
Nhất Hạnh
Thưa quý vị, lá thơ mà tôi vừa đọc cho quý vị nghe là một món quà tôi tặng cho quý vị. Mặc dù không biết có đem tới kết quả nào không nhưng ít nhất, lá thơ đó chứng tỏ rằng tôi có thực tập lắng nghe, và tôi có thực tập sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Tôi muốn rằng học trò của tôi cũng sẽ làm như vậy, nghĩa là phải thực tập lắng nghe và phải thực tập sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Dầu trong hoàn cảnh bất như ý nào đi nữa, khó khăn cách mấy đi nữa, thì chúng ta cũng đừng đánh mất hai dụng cụ đó, tức là sự thực tập lắng nghe và sự thực tập duy trì ngôn ngữ từ ái. Nếu quý vị làm được như vậy thì quý vị xứng đáng là học trò của Đức Thế Tôn.
Nguồn: Làng Mai