Cú điện thoại Viper reo! “Alo”.
- Alo! Bé Tư đó hả?
- Dạ, con đây. Chú Lưu có khoẻ không?
- Khoẻ chứ sao không. Chú khoẻ như con trâu vậy!
- Ủa sao không phải là “phẻ re như con bò kéo xe”
hả chú, hehe!
- Ở hải ngoại, ai cũng đi cày hết, nên thành trâu hết
rồi con ơi! Lưu đùa.
- Chú vui quá. Ủa sao chú không trả lời email
của con? Bé Tư trách móc.
- Ò, thì chú gọi về thăm con và để trả lời câu
hỏi hơi hắc búa của con đây vì chú không thể tài nào giải thích qua mail hoặc
facebook inbox được. Câu hỏi “Tại sao dân Việt Nam mình ngày càng muốn rời ra đất
nước nếu không nói là từ bỏ quê hương?” Đó là một câu hỏi rất hay và có chiều sâu.
Thực ra câu hỏi đó không phải chỉ một mình con hỏi, có lẽ là có nhiều thế hệ.
Mới đây, chú đọc một câu chuyện của tác giả Nguyệt Quỳnh, trong đó có đoạn:
Cứ mỗi năm cuộc tranh giành quyền lực ở cấp lãnh
đạo thượng tầng lại lập đi lập lại, và càng ngày mức độ càng gay gắt. Tôi tự
hỏi không biết các vị lãnh đạo có từng bao giờ quan tâm để nhận biết ra rằng từ
lâu nhiều người dân VN đã thầm lặng bỏ nước ra đi!
Điều đáng giật mình là - ngày nay người ta rời
bỏ quê hương mình không một chút vấn vương luyến tiếc. Quê hương là nơi chốn
thiêng liêng, nơi thân thuộc, nơi có cha mẹ, anh em, bằng hữu, có cả một trời
thơ ấu; nhưng vì sao người VN lại tìm mọi cách để rời bỏ đất nước mình?
Cháu là tầng lớp trẻ, trí thức của Việt Nam. Thế
hệ trẻ trưởng thành như các cháu cần phải tìm ra cho được câu trả lời, Lưu tâm sự:
Bé Tư tiếp lời,
- Chú ơi. Tụi cháu bận rộn với miếng cơm manh áo.
Tuổi trẻ chúng cháu cũng không cần tìm câu trả lời chi cho mệt. Cái xã hội này đào tạo chúng con như vậy, ăn chơi thoả mái; lo chi việc nước việc nhà.
- Cháu nên
xét lại. "Đừng bao giờ làm khách trên quê hương của mình cháu nhé.”
Chú Lưu nhấn mạnh từng chữ.
- Cháu đâu có làm khách, cháu chỉ muốn những gì
tốt nhất cho cháu và gia đình thôi vì thế cháu cũng đang tìm cách qua bên Âu Châu hay Mỹ quốc học đây. Chú có cách nào giúp cháu không, bảo lãnh kết hôn giả, du học hay tỵ
nạn gì đó cũng được?
- Ò, thì ra con cũng muốn “tỵ nạn giáo dục”. Chú
Lưu nửa đùa nửa thật
- “Tỵ nạn giáo dục” là gì vậy chú? Bé Tư hỏi.
- Năm vừa rồi, bạn của chú cũng tìm mọi cách để đưa
đứa con gái yêu duy nhất ra ngoại quốc chỉ vì muốn con mình ‘tỵ nạn giáo dục’.
- Tại sao là phải ‘tỵ nạn giáo dục’ hả chú? Con
chỉ biết là người Việt Nam, chúng ta đã cho nhiều cuộc tỵ nạn hay di tản, ví dụ như
những cuộc tản cư trong thời chiến, rồi đất nước chia đôi vào năm 1954 mà người
Nam ra Bắc gọi là tập kết, và người Bắc vào Nam gọi là Bắc 54, v.v… Con chỉ
biết sau biến cố 30 tháng 4, mà chúng con gọi là ngày giải phóng miền Nam; chú gọi là ngày mất nước. Sau đó thì nhiều người Việt Nam chế độ cũ đi ‘tỵ nạn chính trị’.
Thập niên sau đó, thì nhiều người Việt Nam đi ‘tỵ nạn kinh tế’, rồi bây giời thì có
chuyện, ‘tỵ nạn giáo dục?’ Sao người mình bỏ xứ đi vậy Chú?
- Bé Tư thương. Thực ra, người Việt đang rời xa
Quê hương thân yêu chứ không phải từ bỏ Quê hương đâu con. Có thể là số người
Việt không có thích chính sách lãnh đạo đương thời hoặc bất đồng với chính quyền
không đem lại những gì họ mong muốn, nên họ tìm cách ra đi, nhưng không có
nghĩa là từ bỏ Quê hương.
Như các cháu học sử đó, triều đại nào, chính quyền nào
rồi cũng mai một cũng bị thay thế, chỉ có Quê hương Tổ quốc là vẫn còn đó. Chú
chính là nhân chứng sống đây, bao nhiêu năm sống xa xứ mà vẫn theo dõi, vẫn hy
vọng vẫn sẻ chia, hoặc bức xúc nhiều điều trên quê hương mình. Cháu biết không?
Những năm 90 làm việc ở Á Châu, chú mơ ước đến 25 năm sau (2015), về hưu, sẽ về
lại quê nhà, sống những ngày còn lại của đời mình, nơi đã được sinh ra.
Bài viết của Nguyệt Quỳnh đã giúp an ủi tâm hồn
chú và trả lời câu hỏi : "Tại sao giấc mơ kia không thành hiện thực."
Lần về thăm nhà 1990, sau 15 năm tha hương,
trước những đổi thay qúa lớn, chú ngậm ngùi viết bài thơ dài, khóc cho thân
phận, trong đó có mấy câu:
..."Mắt thấy rộng một trời Âu, bể Á
Mờ bóng quê Cha thất thểu đường về
Ðứng giữa trời nhìn núi cao, biển rộng
Mới hay mình lạc mất một tình quê...
Xưa mơ bình nguyên bên kia dãy núi
Giờ nhìn thấy sông ngập mặt tuyết băng
Xưa gối quê hương trong từng giấc ngủ
Giờ nhìn quê hương ánh mắt xa xăm..."
Đã 25 năm rồi đó cháu mà đọc lại chú cứ tưởng như vừa mới viết ra để
chia sẻ với cháu và cả những người con Việt xa tổ quốc.
- Bài thơ hay quá chú ơi. Nhưng sao mà buồn tủi
và ngậm ngùi vậy chú. Bé Tư thở nhẹ.
Tự nhiên chú Lưu bỗng nghẹn lời vì cô bé đã gọi đúng
tên giấc mơ của mình nay xưa.
Lưu thầm nghĩ, nếu tuổi trẻ Việt Nam biết
nhạy cảm như thế này thì hay biết mấy!
Cát Sương