Saturday, June 3, 2017

Thiền Tập và Chiến Binh - Nguyên Giác

 Nhìn người - Photo: BXK

Thiền Tập và Chiến Binh
Nguyên Giác

Vua Trần Nhân Tông thời xưa đã từng dạy thiền cho quân binh hàng ngày? Không có tài liệu nào nói như thế, cho dù Ngài để lại một sự nghiệp lớn về Thiền Tông và dòng Thiền Trúc Lâm còn ảnh hưởng tới bây giờ. Tuy nhiên, từ bên kia bờ Thái Bình Dương, thiền tập đang được huấn luyện trong quân đội Hoa Kỳ. Thiền tập đã trở thành một vũ khí để tự vệ cho chiến binh Hoa Kỳ -- để tỉnh thức trong mọi tình huống, để giảm căng thẳng, để giảm đau đớn khi bệnh hoạn và thương tích, để không bị mất ngủ, và để an vui trong từng khoảnh khắc.
Tuần báo Fort Hood Sentinel của Lục quân Hoa Kỳ trên ấn bản ngày 2 tháng 3/2017 có bản tin nhan đề “Buddhist retreat provides relief” (Khóa tu Phật pháp giúp an vui). Bản tin kể về khóa tu ngày 23/2/2017, các chiến binh và thân nhân trong căn cứ Fort Hood hướng dẫn bởi hai vị tuyên úy – đại úy Somya Malasri và đại úy Dung Nguyen – thiền tập và nghe  pháp từ 2 vị sư Phrakrusiriatthavides và Phrakrusoponsasanavitede. 
Đây là khóa tu thứ nhì theo phương pháp MBSR (Mindfulness-based Stress-Reducing), hệ thống hóa bởi giáo sư Jon Kabat-Zinn, giữ tâm tỉnh thức mọi thời để giảm căng thẳng. Khóa tu đầu tiên là năm 2014.
Trong khi đó, một bản tin của ABCNews, hôm 15/3/2017, nhan đề “Military college professors teach cadets meditation to help them be effective warriors” (Các giáo sư đại học quân sự dạy các khóa sinh thiền tập để giúp trở thành các chiến binh hiệu quả) kể rằng trường võ bị Virginia Military Institute tại thành phố Lexington, tiểu bang Virginia, đã chính thức dạy thiền tập để các khóa sinh có tinh thần vững vàng.
Bản tin phỏng vấn hai giáo sư – Tiến sĩ Matt Jarman, và Tiến sĩ Holly Richardson – đang dạy các lớp thiền tập ở trường võ bị VMI.
Jarman nói, “Thiền tập không phải chuyện nhẹ nhàng để cho qua. Bạn đối diện với sợ hãi, bạn đối diện với căng thẳng trực diện hay đang rơi vào nó, và thiền tập cho bạn công cụ để không bị chúng cuốn trôi đi, và sẽ đối diện mọit hứ hiệu quả hơn.”
Jarman dạy thiền tỉnh thức (nơi đây, chúng ta tránh dịch chữ “mindfulness” là “chánh niệm” vì mục tiêu có thể dùng cho nghiệp sát) làm trọng tâm trong lớp ông gọi là “Modern Warriorship” (Kỹ Năng Chiến Binh Hiện Đại), với nhiều kỹ thuật thiền tập nhằm làm chậm các niệm trong tâm, tập trung vào hơi thở, và giữ không phân tâm.
Jarman nói, ông buộc các học trò của ông tập thiền 15 phút mỗi buổi sáng, và rồi 5 phút trước khi làm bài ở nhà, như một cách để thiền tập trở thành thói quen. 
Trong khi đó, bà giáo Richardson dạy lớp thiền tỉnh thức tập trung vào giảm căng thẳng. Bà dạy theo chương trình soạn ra bởi viện Center for Mindfulness của đại học University of Massachusetts. Bà muốn các khóa sinh sĩ quan phải đối phó căng thẳng tốt hơn, dù là khi học thi, khi sửa soạn tập trận lớn, hay khi phải gặp sĩ quan tư lệnh trường võ bị.
Richardson nói, “Chúng tôi nói về… khi họ phải trình diện tư lệnh trường để bị kỷ luật, một lần nữa họ phải thở, chú tâm vào hơi thở ba tới năm lần trước khi bước vào và [rồi] có một cuộc đối thoại tốt đẹp hơn.”
Richardson thêm rằng khoa học chứng minh rằng thiền tập có thể giúp các chiến binh chữa trị hội chứng tâm thần căng thẳng hậu chấn thương, vì sẽ giúp họ chú tâm vào hiện tại  và điều chỉnh các băng tần ám ảnh trong trí nhớ khi về lại quê nhà, thay vì cứ thấy và nghe mãi cuộn băng chiến trường.
Trong khi đó, bài viết tựa đề “Improving Military Resilience through Mindfulness Training” (Huấn Luyện Thiền Tỉnh Thức Để Tăng Sức Chiến Đấu) trên báo của Bộ Binh Hoa Kỳ ngày 1 tháng 6/2015 ghi nhận rằng thiền tỉnh thức (Mindfulness) là một trạng thái của tâm, khi người tập chú tâm vào giây phút hiện tại mà không phán đoán (to be attentive of the present moment without judgement) để giúp các chiến binh đối phó với các áp lực tâm lý khi rời nhà để theo đơn vị ra các chiến trường hải ngoại. Bài viết phân tích rằng huấn luyện thể lực cho chiến binh chưa thể gọi là đủ, vì cũng cần thiết phải có một lực vững vàng và sẵn sàng, trang bị một “áo giáp tinh thần” (mental armor).
Bài phân tích dẫn ra một cuộc nghiên cứu do đại học University of Miami thực hiện, được tài trợ bởi Bộ Binh Hoa Kỳ, cho thấy tập thiền tỉnh thức giúp hỗ trợt ích cực các chiến binh trong việc họ tự bảo vệ  và huấn luyện tinh thần, và do vậy chuẩn bị tốt hơn cho chiến binh trong các tình huống tác chiến căng thẳng cao, trong khi cũng tăng toàn bộ sức bền tâm ý và thành quả nhận thức.
Những cuộc thử nghiệm trên máy điện toán và đo não điện đồ qua dự án này, có tên là STRONG Project, cho thấy cải thiện được não bộ chú ý hơn, tỉnh thức trong các tình huống và có thể tốt hơn để ứng phó với và hồi phục từ căng thẳng.
Bản phúc trình đầy đủ về cuộc nghiên cứu này đăng trên tạp chí PLOS ONE ở: 
Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến cũng có cuộc nghiên cứu riêng, và có lớp huấn luyện thiền tỉnh thức cho chiến binh, theo báo The Washington Times ngày 5 tháng 12/2012.
Báo này cho biết Trung sĩ Nathan Hampton đã trải qua lớp huấn luyện ở trại Camp Pendleton, Calif., về thể lực, về sử dụng vũ khí, về chống du kích, về tác chiến trong một ngôi làng dựng theo mô hình một ngôi làng trên vùng đồi núi hẻo lánh ở Afghanistan.
Và các lớp thiền tập hàng tuần, trong đó có một buổi Trung sĩ Hampton và các bạn cùng đơn vị được yêu cầu ngồi bất động trong một chiếc ghế, và chú tâm vào điểm tiếp giáp giữa bàn chân của họ và sàn nhà.
Anh nói, “Nhiều người nghĩ là phí thì giờ. Tại sao chúng ta phải ngồi trong lớp học, làm kiểu thiền dị kỳ như thế. Nhưng với thời gian, tôi thấy thư giãn hơn. Tôi ngủ ngon hơn.  Tôi nhận ra cơ thể không căng thẳng mọi thời nữa. Nó giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn, quyết định hơn trong các tình huống căng thẳng. Có lợi như thế.”
Kỹ thuật thiền này có tên là Mindfulness-based Mind Fitness Training (viết tắt: M-Fit), có thể dịch là Tỉnh Thức Luyện Tâm. Chương trình soạn ra bởi cựu đại úy bộ binh và hiện nay là giáo sư đại học Elizabeth Stanley của Georgetown University, tổng hợp nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy thiền tập thường xuyên chống được trầm cảm, tăng lực trí nhớ và hệ thống miễn nhiễm, làm co lại phần của não bộ về sợ hãi, và làm rộng phần não bộ về trí nhớ và điều hợp cảm xúc. 
Tương tự, nhiều nghiên cứu và nhiều khóa thiền tập đang biến đổi quân đội Hoa Kỳ. Các thử nghiệm không chỉ là vài tuần lễ trong quân trường hay trại lính, có khi kéo dài huấn luyện nhiều tháng, như cuộc nghiên cứu có tên là Trojan Warrior Project, trong đó 25 chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt có bí danh là “Jedi Knights” (Các Hiệp Sĩ Jedi) – Jedi là các hiệp sĩ trong phim Star Wars được huấn luyện để bảo vệ vũ trụ -- trải qua 6 tháng tập thiền và tập võ thuật.
Một điểm để suy nghĩ: phương pháp dùng trong quân đội cốt tủy là “giữ tâm tỉnh thức không phán đoán.” 
Như thế chỉ là một phần trong các thiền tập về chánh niệm của Phật giáo, vì đúng rằng Đức Phật có dạy khi đi thì biêt là đi, khi ngồi thì biết là ngồi, khi niệm khởi thì biết là niệm khởi, khi niệm diệt thì biết là niệm diệt… chỉ quan sát chuyển biến ở thân thọ tâm pháp, mà không cần phán đoán đúng hay sai. Duy Thức Học gọi đó là “cáí biết hiện lượng.”
Nhưng Đức Phật nơi khác cũng dạy cần phán đoán, rằng chánh niệm là nhận ra tâm tham khi tâm tham khởi, nhận ra tâm sân khi tâm sân khởi… Duy Thức Học gọi đây là “cái biết tỷ lượng.” Từ đó phải biết cách xa lìa tâm bất thiện, biết cách trưởng dưỡng tâm thiện… Thí dụ, “biết cách xa lìa tâm sân” là cả một chương trình mênh mông. Khi nhận thức sai trận sau khi qua một lăng kinh, Duy Thức Học gọi là “cái biết phi lượng.”
Thiền tập, dù là đốn hay tiệm, có vô lượïng pháp môn, tất cả đều dựa trên cái biết. Nhưng tận cùng là giải thoát, là qua bờ kia, như Kinh Tập Snp 3.6 gọi là cái biết xa lìa cả Có và Không, xa lìa cả Thiện và Ác (Existence and non-existence have been abandoned/ Complete, having ended rebirth: they are a “bhikkhu”... Settled, with good and bad abandoned/Dustless, knowing this world and the next -- https://suttacentral.net/en/snp3.6). Thiền Việt Nam gọi đó là “hữu, vô câu bất lập.”
Lời của Huệ Năng   diễn lại ý Phật trong Tạng Pali, ở Jak. 134 ghi là hãy xa lìa Niệm/Vô Niệm, hãy xa lìa Thức/Vô Thức, hãy xa lìa Tưởng/Vô Tưởng (With conscious, with unconscious, too, Dwells sorrow. Either ill eschew -- http://www.sacred-texts.com/bud/j1/j1137.htm). Các chỗ cao tột của Huệ Năng, không mấy ai dò tới nổi.
Nói như thế để biết rằng thiền tỉnh thức dùng trong quân đội Hoa Kỳ chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng thiền tập của nhà Phật. Chỉ mới một phần nhỏ đã có lợi ích lớn như thế -- khi giúp các chiến binh tỉnh thức ngay cả khi tác chiến trong rừng ban đêm -- huống gì là trọn một lòng tu học Phật pháp không ngơi nghỉ.


Wednesday, May 31, 2017

Lưu Nguyễn Đạt - HƯƠNG CỦA CÁT


Lời dẫn: Đây là bài nhận định về Thơ của Lưu Nguyễn Đạt trong buổi Ra Mắt Sách Văn Luận Thời Luận và tập thơ Lưu Nguyễn Đạt - Dòng Thơ 50 Năm tổ chức tại Thủ phủ Sacramento, CA. 
Chụp hình lưu niệm của những người còn lại phút chót - Photo: Thanh Đặng.

Lưu Nguyễn Đạt - HƯƠNG CỦA CÁT

Lưu Nguyễn Đạt - HƯƠNG CỦA CÁT


Trong đời tôi, có được hữu duyên gặp những pháp hữu, những người anh cùng chí nguyện và những anh chị trong văn học nghệ thuật xa gần, trong đó có anh Lưu Nguyễn Đạt. Ông là một hoạ sỹ, luật sư, nhà thơ và có nhiều học vị từ giáo sư đến tiến sỹ v.v… nhưng chúng tôi quen biết nhau và đến với nhau chỉ vì một tấm lòng trong sáng và hướng thiện, cũng không ngoài mục đích trở về với mái nhà dân tộc, mái nhà tâm linh và mái nhà nhân loại.

Anh Lưu Nguyễn Đạt đã mời tôi nói về thơ của anh, nhưng làm sao chúng tôi nói hết được sức viết và cái tâm của ông trong hơn 50 năm qua. Cũng làm thơ như anh, chúng tôi hiểu được mỗi bài thơ là một câu chuyện, một kỷ niệm, một ấn tượng, một trăn trở, một hoài niệm, một thao thức băn khoăn, một hy vọng hay một dấu ngoặc trong đời, v.v… Những bài thơ hay đều hội đủ ít nhất là ba yếu tố quan trọng: Thi ảnh, âm điệu và tư tưởng. Chúng tôi nhận thấy những điều đó trong thơ của Lưu Nguyễn Đạt trong đó có tập thơ Vẽ Tình- Painting Love. Giọng thơ của anh rất lạ và rất Tây. Chúng tôi biết anh Đạt viết thơ bằng Tiếng Pháp trước khi viết tiếng Việt. Tuyển tập đồ sộ, gồm 670 bài trong tập Lưu Nguyễn Đạt, Dòng Thơ 50 Năm, là một bằng chứng hùng hồn. Hãy nghe Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, người Thầy của anh, nói về anh, “Lưu Nguyễn Đạt — Lưu Nguyễn, từ Thiên thai trở về, mang theo lòng đam mê Tư tưởng, đạo, cốt lõi, chân chất, và Ngôn từ, cỗ xe chở đạo.  Yêu đắm đuối ở một đỉnh Hoa sơn luyện kiếm, vạn sự khởi ư…Văn khoa…, tác giả đã cho thấy hơn một niềm băn khoăn: vừa khổ hạnh tu luyện, vừa thả lỏng trôi theo những lá liễu và nét mi trần gian.


Trong Văn Luận cũng vậy.  Vừa trí thức, trừu tượng, cố đi đến cùng của nguyên lý, tổng hợp, đại thể; vừa phân tích tác văn, tỉ mỉ, cụ thể từng chi tiết hiện thực… Anh cởi mở, khai phóng, niềm cảm thông lớn sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp đến từ mọi hướng trời.  Đó là một thái độ tích cực đáng được khuyên một điểm son.”


         Cũng như GS. Nguyễn Khắc Hoạch, tôi yêu cái bản lĩnh, tấm lòng và thái độ tích cực của anh. Giống như anh, chúng tôi cũng luôn ưu tư, khắc khoải và hy vọng về Quê hương, Đạo pháp, Dân tộc và Kiếp nhân sinh. Nói về cõi người trong cuộc đời, Anh có viết:


CÕI NGƯỜI

       đào mạch ghé hồn ta hạ thổ

         trăm năm mở hũ rượu đầy thơ

nếu cõi người

là nỗi ấm bên lối về

lấy thân phận mình

làm gạch nối hay khởi điểm

lấy sức sống

làm niềm tin và sáng tạo


thì người làm văn nghệ

đang có mặt

nơi mong manh đó


những ngẫu nhiên

của cuộc đời

sẽ chuyển màu

thành kỷ niệm


tình người sẽ tiếp nối

với biển cả với vũ trụ

để ủ ấp và linh biến

sự hiện diện của ta

thành những cầu vồng

muôn sắc


từ dòng thơ tranh

những khung cửa sổ

đang hé nhìn vào lòng trời


lòng trời là gì? ngoài Bụi Hồng bảng lảng trong kiếp ba sinh này; hãy nghe anh tâm sự:


BỤI HỒNG


tranh thủy mặc

ẩn mình non cách nước

mực đen nguồn

khép tối khắp biển đông


mây héo lạnh

hồ gươm tê bội ước

em ở đâu

thất thểu giữa bụi hồng

          

cây cổ thụ

đốn dần tới tận gốc

cành đã khô

lá cũng tàn tạ qua


từng thước đất

cố nhân hoà máu ngọc

nay còn chăng

hương khói buốt hoang xa.


         Chúng ta có thể hiểu anh chỉ vỏn vẹn trong hai bài thơ trên và qua lời tâm tình vì sao anh làm thơ ở đây: “Sứ mạng của thơ là tẩy xoá, tháo gỡ mọi mục nát, tăm tối, mù loà trong cuộc sống hằng ngày để khoác lên ngôn từ những tấm áo tao nhã, đa dạng, và từ đó khơi mào thứ ánh sáng tái tạo muôn sắc, đôi khi màu nhiệm ngay trong tâm tưởng con người khao khát hy vọng và lẽ sống chân thực.

Cát là đơn vị nhỏ bé nhất khi nó vỡ mảnh từ triền cao núi biếc.  Nhưng cát cũng có thể kết sinh thành bờ cõi, thành chất liệu lát đường; chuyển hóa thành thủy tinh khởi sắc; thành tấm gương trong sáng; thành lăng kính viễn xuyên.  Vậy, (Thơ Lưu Nguyễn Đạt hay) LỜI CỦA CÁT chính là âm hưởng vang vọng cuộc hành trình thiên-nhân-địa, mà con người là trục nối giữa đất và trời; giữa hà tì và tuyệt đối; giữa đổ vỡ và nguyên vẹn; giữa bất toại và lý tưởng tuyệt mỹ”.

         Tư tưởng của anh là ở đó - sự hài hoà giữa Thiên nhiên và Con người, giữa Có và Không, giữa Đến và Đi, giữa Còn và Mất. Tự nhiên chúng tôi nhớ đến lời giới thiệu của Nhà Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết cho Nhà thơ Toại Khanh trong tập sách Khi Nhà Sư Qua Sông rằng: “Khi tư tưởng, triết lý phóng vọt tới đằng trước như một con ngựa bất kham… thì thơ ca là sự dừng lại, neo đậu bến sông để nhìn ngắm cái bóng của chính mình trong dòng nước lung linh, mờ ảo…

         Khi tư tưởng và triết lý bế tắc, cùng đường, thất bại trong cuộc tìm kiếm thượng đế vô ngã, lý tính tuyệt đối… thì thơ ca mới xuất hiện để chở mang nỗi niềm thân phận của một hạt bụi viễn khách ly hương còn dính đâu đó ở cầu sương, điểm cỏ…


À thì ra tất cả chúng ta ở đây, trong quán trọ của cuộc đời này, cũng chỉ là một “hạt bụi viễn khách ly hương”. Cuộc sống quá mong manh như sương tan, bọt biển, mây chiều. Nhà thơ Fuso của Nhật Bản, hưởng dương chỉ có 47 tuổi, cũng đã thấy điều đó; ông viết:


“Upon the lotus flower

Morning dew is

Thinning out.

Nhà thơ Toại Khanh dịch:


Trên cành sen

Buổi sớm mai

Màn sương đầu ngày

Từng phút

Dần tan...


          Hay nói như nhà Thơ Toại Khanh vậy khi ta “Quan sát được từng bước chân của thần chết một cách lãng mạn đến vậy không phải ai cũng làm nổi.

Rise, let us go

Along the path lies

The clear dew. (Fujo, mất ngày 27 tháng 8 năm 1974, thọ 52 tuổi)


Nào, ta làm cuộc lên đường

Hành trình

Là một ngõ sương

Cuối trời.


         Phải nhẹ như gió mới có thể dẫm lên sương mà đi. Người khuân vác đủ thứ trên vai và trong lòng thì làm sao đạt tời được cái công phu thượng thừa đó chứ!”

...

Rồi nhà thơ Toại Khanh lại nhắc đến Ensei, một nhà thơ Haiku khác của Nhật Bản.


“A parting gift to my body:

Just when it wishes

I'll breathe my last.


Chút quà

Tôi tặng chính tôi,

Không chi

Chỉ một làn hơn cuối cùng (Toại Khanh dịch).


Đó, cái chết của chúng ta, của mọi loại rồi cũng sẽ đến. Những cánh cửa sanh lão bệnh tử sẽ mở và đóng lại cho ta và cho mọi loài, vì thế chúng ta nên lạc quan để sống. Việc còn lại là chúng ta hãy sống sao cho trọn vẹn, giàu tình thương yêu, bao dung và tha thứ. Lòng từ bi, hiểu biết và tỉnh thức sẽ làm cuộc đời này phong phú hơn.


         Và có lần chúng tôi viết, Nếu cuộc sống dài như hơi thở, ta làm gì giữa hơi thở trong ta.  Cuộc đời ta đó, ngắn hay dài chỉ vỏn vẹn một hơi thở mà thôi. Vậy một lần nữa, chúng ta hãy đặt câu hỏi, mình đang làm gì đây trong cuộc đời còn lại này? Với anh Lưu Nguyễn Đạt thì anh luôn lạc quan và yêu đời, anh bảo:


HÃY MỞ RỘNG TÌNH YÊU

hãy đứng xa giáo điều để tìm về tôn giáo 

hãy ra khỏi vòng ôm để nối lại tầm tay

hãy mở rộng tình yêu để thu vén tình người

hãy quên đi từng phút để nhớ lại từng giây


hãy thức tỉnh lần đầu khi còn say lần cuối

hãy tận hưởng đầy vơi ngay trong hồn vắng vợi

hãy đi suốt cuộc đời dù không sao đi nổi

hãy hẹn lại mùa yêu dù mưa buồn trăm nỗi…


           Còn chúng ta thì sao? Xin mọi người hãy tìm câu trả lời cho chính mình. Riêng cá nhân chúng tôi chỉ xin muốn tâm sự. Sự hiện hữu của chúng ta trong cuộc đời này sẽ làm cho đời ngày càng thăng hoa, đẹp đẽ và rộng lượng hơn. Chúng tôi tin chắc rằng, cũng như Chori, nhà thơ Nhật, mất năm 39 tuổi nói.


“Leaves never fall

In vain - from all around

Bells trolling.”


Mà nhà thơ Toại Khanh dịch:


“Lá vàng

Nào ngẫu nhiên rơi

Quanh ta

Giờ đã mấy thời chuông ngân.”


            Hay nói một cách khác, theo tinh thần Phật giáo, tất cả hương hoa đều bay theo chiều gió, chỉ có hương người mới bay ngược khắp không gian. Trong những hương hoa đó, có hương của bùn, có hương của đất, có hương của cát, có hương của Lưu Nguyễn Đạt.


             Thì thôi, chuông ngân vang, hương thoang thoảng. Trong tiếng chuông ngân đó, chúng tôi lại nhớ lời dạy của cố Hòa thượng Thích Tâm Châu rằng:

Rồi cũng thế thôi, một cuộc đời!

Hơn thua, danh lợi, áng mây trôi,

Hoa tàn, trăng khuyết, song bồi, lở

Bừng nở hoa tam, ánh rạng ngời.”


         Vậy xin tất cả chúng ta hãy rạng ngời cõi tâm của chính mình, hãy là hương hoa cho cuộc đời, dù đó chỉ là hương của bùn hay hương của cát.


Kính chúc anh và tất cả quý vị sức khoẻ dồi dào, thân tâm an lạc, luôn an lành, thảnh thơi, và hạnh phúc trong cuộc sống.


Kính thưa quý vị,

         Trước khi chúng tôi chấm dứt, xin mời quý vị cùng chúng tôi hít thở ba hơi thật sâu và chậm để nghe tiếng chuông trong lòng của chính mình, cũng như để biết chúng ta đang còn sống hầu làm cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn quý vị và kính chúc an lành trong sáu thời.


Thank you.


Bạch X. Phẻ







Tuesday, May 30, 2017

CHỈ CÒN THẦY THÔI - MASTER, THERE IS ONLY YOU LEFT


CHỈ CÒN THẦY THÔI
    Kính đảnh lễ Thầy Phước An

Đường về núi cũ chùa xưa*
Tao nhân mặc khách lưa thưa bóng người.
Bao cây khế nhỏ trên đồi
Biến thành mây trắng qua đồi tử sinh.

*Tựa sách của Hòa thượng Thích Phước An


MASTER, THERE IS ONLY YOU LEFT
            For the most venerable Thích Phước An

The road to the ancestral pagoda on the ancient mountain
There were a few shadows and 
Where were all the familiar and famous faces?
There were so many starfruit trees covering the aged hill
Ah, they turned into white clouds –
Passing the realms of life and death

Friday, May 26, 2017

Feedback on Mindfulness In the Classroom of Educators in SJUSD