Tuesday, February 12, 2019

NÉT VÀ NẾT TRONG NGÀY TẾT



NÉT VÀ NẾT TRONG NGÀY TẾT

Áo dài muôn sắc nhẹ bay
Tết vui lễ hội đẹp thay phút này
Rượu đâu đã uống mà say
Sống đời phạm hạnh o hay kiếp người!

Tâm Thường Định

Sunday, February 10, 2019

CHÙM THƠ ĐẦU XUÂN - TÂM THƯỜNG ĐỊNH

CHÙM THƠ ĐẦU XUÂN
Cảnh Tu Viện Diệu Nhân - DieuNhan.net


QUA CỬA THIỀN
Qua cửa thiền môn
Thị phi đã dứt
Tiếng chuông không lời

QUÉT DỌN
Quét dọn ngổn ngang
Nhẹ buông bao mối tơ lòng
Lối về thênh thang

CÓ KHÔNG
Trúc lay trong nắng sớm
Bóng in soi lối mòn
Có không bao hoa chớm


TÌM VỀ
Cửa chùa vẫn rộng mở 
Trời lạnh trong ngoài cõi tịch liêu
Phật cười như hơi thở!


NÉT VÀ NẾT TRONG NGÀY TẾT
Áo dài muôn sắc nhẹ bay
Tết vui lễ hội đẹp thay phút này
Rượu đâu đã uống mà say
Sống đời phạm hạnh ô hay kiếp người!


Vô Môn - ảnh DieuNhan.net

AI ĐỘNG?
Tiếng trúc hò cùng gió
Tiếng phong cầm càng to
Tiếng không lời lớn nhất
Phật cười không so đo!



TUỆ MẠNG
Mọi vật chất vô thường 
Tâm linh, duyên nhân quả
Tuệ mạng cõi thênh thang



TRÀ ĐẠO
Hoa tàn  
cánh mỏng nhẹ rơi
Trà thơm 
cũng đã cạn lời tiễn nhau.

Mùa xuân Ất Hợi,
Tu Viện Diệu Nhân, 2019.

Saturday, February 9, 2019

Đọc Sách “Essence of the Heart Sutra” Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14 - Nguyên Giác


Đọc Sách “Essence of the Heart Sutra”Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14
Nguyên Giác


Một số bạn đã nhiều năm gõ cửa nhiều chùa, đọc nhiều kinh điển, tu nhiều tông phái, và rồi thấy rằng Phật pháp quá mênh mông, như dường học hoài không hết. Và rồi bạn chỉ muốn tìm một cuốn sách tiếng Anh duy nhất để đọc, để nghiền ngẫm ngày này qua ngày kia, nhằm nắm vững tinh yếu Phật pháp để vào cửa giải thoát. Nếu thế, xin đề nghị bạn hãy tìm đọc tác phẩm “Essence of the Heart Sutra” (viết tắt: EHS) của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14. Dĩ nhiên cũng có nhiều sách thích nghi tương tự, nhưng đặc biệt sách này thích hợp cho đa số, bất kể bạn xuất thân từ tông phái nào, Nam hay Bắc tông, Thiền hay Tịnh, Mật. Bởi vì, sách này chú giải Bát Nhã Tâm Kinh, một bản văn nhật tụng của Bắc Tông và đặc biệt là Thiền Tông, nhưng cũng từ cội gốc trong nhóm kinh nhật tụng sơ thời, khi Đức Phật còn sinh tiền.
Sách này có tên đầy đủ là “Essence of the Heart Sutra: The Dalai Lama’s Heart of Wisdom Teachings” (Tinh Yếu Tâm Kinh: Cốt Lõi Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma Dạy Về Trí Tuệ) – tác giả ghi là Tenzin Gyatso The Fourteenth Dalai Lama. Không rõ có bản dịch tiếng Việt nào chưa; tuy nhiên, cho dù đã có vị nào dịch sang tiếng Việt, bạn cũng nên lấy bản tiếng Anh làm chính để đọc hàng ngày.
Có nhiều lý do để lấy bản tiếng Anh làm chính, bất kể dịch giả nào có xuất sắc cách mấy. Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong năm 24 tuổi (sinh 1935, lưu vong 1959), giảng pháp toàn cầu trực tiếp bằng tiếng Anh, khi gặp Phật tử từ Đông Á thường mời tứ chúng tụng Tâm Kinh theo ngôn ngữ các nước. Những thời thuyết pháp của ngài có thể xem trên YouTube. Sách này là tổng hợp nhiều bài giảng của ngài về Tâm Kinh, biên tập và duyệt lại từ nhiều người, với người dịch chủ yếu là Tiến sĩ Thupten Jinpa, một cựu tăng sĩ Tây Tạng thường đi bên cạnh ngài trong những sự kiện lớn. Jinpa viết trong Lời nói đầu năm 2002 (EHS, trang xi) rằng truyền thống Phật Giáo Tây Tạng tụng Tâm Kinh trước tất cả các buổi thuyết pháp. Do vậy, sách này rất cô đọng, và từng chữ tiếng Anh trong sách đều được cân nhắc từ nhiều vị tôn túc.
Có thể chỉ đọc sách dủ để giải thoát? Đủ để chứng quả Thánh? Có thể. Bởi vì, hành vi đọc sách, hay đọc tụng kinh điển, hay nghiền ngẫm kinh điển, cũng có thể dứt bỏ ba phần đầu trong năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân) – nghĩa là, chứng quả Dự lưu, còn gọi là mở Pháp Nhãn, thấy rõ đường đạo không nhầm lẫn, cho dù các phiền não vi tế chưa cắt đứt hết. Đó là lý do cho thấy đọc tụng, hay tư duy về Phật pháp là một phần trong đời sống tu hành, có từ thời Đức Phật sinh tiền.
Sách EHS dày 180 trang, do nhà xuất bản  Wisdom Publications ấn hành, bản đầu tiên in năm 2002, gồm ba phần chính.
Phần I gồm 5 Chương, nói tổng quan về Phật giáo, trình bày sơ lược về nhiều tông phái trong ba thời chuyển pháp luân, trong đó cốt tủy vẫn là Lý Duyên Khởi và cách xa lìa khổ, về ngài Long Thọ (Nagarjuna), về Tâm Kinh, một giáo lý cô đọng của Đại Thừa xuất hiện, theo Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích là xuất hiện nhiều thế kỷ sau Đức Phật, nhưng ngài cũng ghi rằng, “Chúng ta có thể nói rằng kinh điển Đại Thừa không do Đức Phật lịch sử dạy cho công chúng trong ý nghĩa quy ước. Thêm nữa, có thể rằng kinh điển Đại Thừa, như các kinh trong hệ thống Trí Tuệ Viên Mãn (Bát Nhã Ba La Mật), đã được dạy cho một nhóm vài vị mà  Đức Phật xem là thích nghi nhất để học giáo pháp này.” (trang 47). Dĩ nhiên, một số bạn có thể cho rằng Tâm Kinh là hậu tác. Nhưng nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy tư tưởng Tâm Kinh đã có rất sớm trong nhóm Kinh Tập của Tạng Pali, khi Đức Phật mới thuyết pháp.
Nơi trang 52-55, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về ba thời chuyển pháp luân. Đức Phật thuyết pháp trong thời đầu tiên là dạy Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) trong đó Bát Chánh Đạo nằm trong Đạo Đế. Thời kỳ thứ nhì, Đức Phật dạy các kinh hệ thống Bát Nhã, giải thích sâu hơn về Diệt Đế (the truth of cessation, nằm trong Tứ Thánh Đế), đặc biệt là để hiểu bản chất tận cùng của thực tại là tánh không, là rỗng rang (emptiness). Và rồi từ kinh nghiệm sâu hơn về tánh không, dẫn tới thời kỳ chuyển pháp luân thứ ba, khi Đức Phật dạy các kinh về Phật Tánh (Buddha Nature) còn gọi là Như Lai Tạng (Tathagatagarbha) và là nền tảng để hiểu Kim Cang Thừa. Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên là nên học cả ba thời dạy pháp như thế -- Thượng Tọa Bộ (Theravada), Đại Thừa (Mahayana), Kim Cang Thừa (Vajrayana) – để biết cả ba đều là lời Đức Phật dạy, để tránh cái chấp của một số vị cho rằng kinh Đại Thừa đã xa lìa Phật pháp, hay ngược lại là cái chấp cho rằng Theravada là “cỗ xe nhỏ” (trang 54). Ngài khuyên tất cả Phật tử nên kết hợp tất cả giáo pháp cốt tủy ba thừa vào tu tập riêng (trang 55). Nếu bạn không đồng ý với cách giải thích lịch sử đó, cũng không hề gì, vì nhiều luận sư cũng bất đồng về những chuyện như niên đại, thời kỳ… Giáo lý quan trọng là ở phần sau, nói về yếu nghĩa Tâm Kinh.
Phần II là Tâm Kinh, từ Chương 6 tới 11, giải thích về Bát Nhã Tâm Kinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma viết rằng một vị sư Tây Tạng trung bình mất từ 5 tới 7 năm để học các kinh hệ thống Bát Nhã, và một số vị sẽ phải học thêm các bộ luận – khoảng 21 bộ luận đã được dịch từ Sanskrit sang Tạng ngữ, và rồi thêm nhiều bộ luận được các sư viết trực tiếp bằng Tạng ngữ (trang 63-64). Nói như thế để thấy truyền thống Tây Tạng xem tư tưởng Bát Nhã (còn gọi là hệ thống Trung Luận, mà Tâm Kinh là bản văn cô đọng) là cốt tủy Phật pháp.
Bản Tâm Kinh tiếng Hán Việt thường tụng ngắn hơn bản tiếng Anh trong sách EHS, nguyên dịch ra từ Tạng ngữ.
Bản Hán Việt khởi đầu là: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”
Nhưng trong bản tiếng Anh trong sách EHS, trang 68-70, khởi đầu là: “Thus have I once heard: The Blessed One was staying in…” (Như vầy tôi nghe: Thế Tôn đang ở tại…” Khởi đầu là hình ảnh Đức Phật giữa các sư và bồ tát, “Thế Tôn nhập định về nhiều hiện tượng gọi là hiện tướng của sự thâm sâu.” (Blessed One entered the meditative absorption on the varieties of phenomena called the appearance of the profound). Đức Đạt Lai Lạt Ma chú giải rằng “sự thâm sâu” đó là chỉ vào Tánh Không (emptiness), vào Như Thị (suchness), còn gọi là “các pháp chỉ là như thế.”
Do vậy, nếu không dựa vào chú giải của Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà cứ dựa vào từ điển, chúng ta sẽ có thể nhầm nghĩa.
Và cũng do vậy, nếu cứ vin vào chữ, thuần dựa vào văn tự, chúng ta có thể sẽ, hoặc rời xa kinh điển, hoặc mang nghĩa này nhầm sang nghĩa khác. Đức Đạt Lai Lạt Ma dẫn ra một thí dụ cụ thể là chữ Phật Tánh (Buddha Nature).
Nơi trang 82, Ngài viết, dịch là: “Trong Đại thừa, chữ Phật Tánh có nhiều nghĩa. Trong Duy Thức Tông, Phật Tánh chỉ cho tâm vô cấu nhiễm căn bản của chúng ta mà, khi chưa nhận ra, là Tánh Phật “an trú tự nhiên” của chúng ta, và khi tỉnh thức sẽ là Tánh Phật “được chuyển hóa” của chúng ta. Bản chất Phật an trú tự nhiên này cũng là Niết bàn bản nhiên, hay sự giải thoát bản nhiên đã hiện hữu trong tất cả chúng ta. Cũng nhờ có sẵn Niết bàn bản nhiên nên bụi che mờ có thể tách rời khỏi tự tánh của tâm, và mới có thể  chứng ngộ. Trong Trung Luận Tông, bản chất Phật (tức Phật Tánh) được định nghĩa khác: được định nghĩa là Không, cụ thể, là cái rỗng rang không tự thể của tâm. Đây cũng gọi là bản tánh ánh sáng trong trẻo của tâm.”
Tuyệt vời là Tâm Kinh, cho dù chúng ta đọc một câu, hay vài câu cũng sẽ thấy sức mạnh:
…Cho nên trong tướng Không
Không có sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức;
Không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý;
Không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp…
Một điểm lợi ích khi đọc Tâm Kinh qua sách EHS, là khi gặp một số điểm phức tạp, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra nhiều điểm nhìn khác nhau từ nhiều luận thư. Như trong Chương 9, Interpreting Emptiness (Diễn Giải Về Không), Ngài đưa ra điểm nhìn về vô ngã qua các quan điểm Hữu bộ (Vaibhasika), Kinh Lượng bộ (Sautrantika), Duy Thức Luận (Mindonly School), Trung Luận (Middle Way School).
Một điểm ghi nhận rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma theo lập trường Trung Luận. Như nơi trang 107, Ngài phân tích về dị biệt giữa Duy Thức và Trung Luận. Duy Thức chỉ ra, phân tích về cái Không của hiện tướng ngoại xứ (hiện tượng ngoài tâm chúng ta) để xả ly tâm tham và sân, nhưng như thế vẫn chưa đủ, theo Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Bởi vì nếu chưa nhận ra cái Không trong nội xứ (hiện tượng trong tâm chúng ta) thì sẽ có thể chấp vào, vin vào cảm thọ an lạc của thiền định, trong khi chỉ Trung Luận mới xóa rào phân biệt giữa trong và ngoài tâm, giữa ngoại xứ và nội xứ -- và đó là tận cùng, cốt tủy Tâm Kinh.
Tuy nhiên, Tánh Không không có nghĩa là không hề có gì hết, theo lời giải thích của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì sẽ vô nghĩa nếu phủ nhận thực tại, “Điều này cho thấy rằng các pháp hiện hữu, nhưng trong tự thể là không; hữu thể chỉ có thể được hiểu qua ý nghĩa duyên khởi.” (trang 112)
Và đó là Không, là Vô Ngã, rằng tất cả các hiện tượng không hề có một chút mảy may hiện hữu nội tại (each and every phenomenon lacks even a trace of intrinsic existence).
Nơi trang 122, Đức Đạt Lai Lạt Ma dẫn ra bài kệ của Long Thọ về bát bất (Tám điều không): không hề có gì sinh, cũng không hề có gì diệt; không pháp nào là thường còn, không pháp nào là đoạn diệt; không gì tới, không gì đi; không hề khác biệt, cũng không phải là một (bất sinh, bất diệt; bất thường, bất đoạn; bất lai, bất khứ; bất dị, bất nhất).
Để dễ hiểu về ý nghĩa  bát bất, chúng ta hãy hình dung rằng, dẫn theo Kinh Tương Ưng SN 35.246 -- Vīṇopama Sutta (1), khi một quân vương lần đầu nghe âm thanh từ cây đàn hồ cầm, mới gọi lính đi bắt lấy những âm thanh tuyệt vời đó. Nhạc sĩ mới nói âm thanh (tức là cái được nghe) là từ cây đàn, thân đàn, dây đàn, nhạc sĩ và cách chơi đàn đúng cách. Thế rồi nhà vua chẻ cây đàn làm trăm mảnh, cũng không thấy âm thanh đâu… Đức Phật kể ẩn dụ này nói tiếp, rằng tìm hoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ không thấy ở đâu có, và đó là vô ngã.
Tương tự, chúng ta nói đó là duyên khởi, tự thể tiếng đàn  là rỗng rang, là trống không – và tiếng đàn không từ đâu tới, không từ đàn, không từ dây, không từ gỗ… do vậy, các pháp không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không tới, không đi, không khác, không một.
Hễ thấy như thế, tức khắc, trước mắt và bên tai là các pháp tịch diệt, tức là Niết bàn.
Nơi trang 123, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng hễ ai nương vào nhóm “bát bất” sẽ vào được Tam Giải Thoát Môn (Không, Vô Tướng, Vô Nguyện). Tức là, nhìn tự thể, nhìn nhân, nhìn quả.
Ngài viết, dịch như sau: “Tám đặc tính này có thể gom vào ba phạm trù, mỗi phạm trù khảo sát Tánh Không từ một điểm nhìn khác nhau. Ba điểm nhìn này gọi là Ba Cửa Giải Thoát. Nếu chúng ta nhìn Tánh Không từ điểm nhìn của tự các pháp, chúng ta thấy tất cả hiện tượng đều rỗng rang không tự thể, va trống rỗng không đặc tính nào là tự thể (ngã).  Nhìn như thế là cửa đầu tiên của giải thoát, Cửa Không. Nếu chúng ta nhìn Tánh Không từ điểm nhìn của nguyên nhân của nó, chúng ta thấy nó không sinh, không diệt, không nnơ và không sạch. Đó là cửa giải thoát thứ nhì, Cửa Vô Tướng. Nếu chúng ta nhìn Tánh Không từ ảnh hưởng (quả) của nó, chúng ta thấy các pháp không thiếu (khiếm khuyết), không dư (toàn hảo). Đó là cửa thứ ba của giải thoát, Cửa Vô Nguyện.” (trang 123)
Nói chung, đối với Phật tử đọc Anh văn, tác phẩm “Essence of the Heart Sutra” cần được nghiền ngẫm, tư duy từng lời giải thích của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi đây, Tâm Kinh, cốt tủy của Phật pháp, đã được giải thích minh bạch. Hễ ai giữ được cái nhìn rỗng rang như thế, tất nhiên là giải thoát.
GHI CHÚ:

Monday, February 4, 2019

NẮNG XUÂN Trong Truyện Ngắn Võ Hồng - Thích Phước An

thơ Tâm Thường Định - Thư Pháp: Võ Việt Tuấn

NẮNG XUÂN 
Trong Truyện Ngắn Võ Hồng

Khi còn sanh tiền, mỗi lần gặp tôi Võ Hồng thường nói: Quê ông cách quê tôi 50 cây số. Mình là dân nhà quê với nhau cả mà”.

Võ Hồng quê ở làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, Nằm phía bắc tỉnh Phú Yên. Từ Tuy An đi đến đỉnh đèo Cù Mông là tỉnh Bình Định, quê của tôi. Đúng là khoảng chừng 50 cây số.

Hầu hết, người dân của hai tỉnh này đều sống bằng nghề nông, nên hồi nhỏ ngày nào tôi cũng đi giữa ruộng đồng, nương rẫy. Khi lớn lên rời bỏ quê hương ra sống nơi các thành phố lớn, mỗi lần có dịp ra khỏi thành phố mà bất ngờ thấy được dòng sông, đồng lúa xanh là tôi cũng mơ ước như Võ Hồng đã mơ ước trong truyện ngắn Trầm mặc cây rừng của ông:

“Bỏ tôi giữa cảnh ấy, tôi sẽ tìm lại quá khứ êm đềm của những ngày thơ ấu, cũng bờ ruộng cỏ ướt sương đêm, cũng dòng nước chảy róc rách”.

Những năm đầu thập niên của thế kỷ 20, những làng quê nghèo như làng Ngân Sơn của Võ Hồng thì tấm lịch và cái đồng hồ dường như vẫn rất còn xa lạ. Nhưng chính vì không biết đến cái đồng hồ và tờ lịch nên những đứa trẻ ở vùng quê này ngồi trông đợi cái Tết đến vô cùng thơ mộng dưới cái nhìn của Võ Hồng trong Ngày xuân êm đềm: Đối với tâm hồn ngây thơ của nó, cảnh và vật nói nhiều hơn tháng ngày. Nghe con Tu Hú kêu nó nghĩ đến những cái vú dẻ chín vàng ngọt lịm và nó nghĩ 'tháng Ba mùa gặt tới”.

Nhìn bà hàng xóm gánh đôi thúng xếp đầy những trái bắp nếp luộc hơi nóng lên ngun ngút, nó cảm nghe mùi ngọt thơm của hột bắp dẻo nghiền tan dưới răng và nó nói thầm tháng Tám rồi sắp mưa lụt”. Còn ngày Tết thì luôn luôn được báo bằng những dãy cúc, vạn thọ”.

Người dân quê chuẩn bị đón tết rất sớm, Trong ngày xuân êm đêm Võ Hồng cho biết manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cãi, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà, cái Tết lớn dần lên với những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ”.

Đó là việc của người lớn. Còn trẻ con thì niềm vui duy nhất là xin tiền mẹ để đi mua cho được con gà cồ làm bằng đất nung, có khoét cái lỗ ngang hông, khi thổi thì phát ra tiếng gáy như con gà cồ thật.

Nhưng bây giờ đời sống đô thị đã tràn ngập khắp nơi, tất nhiên những con gà cồ đất cũng không còn nữa, nên tác giả ngày xuân êm đềm chỉ còn biết “ngậm ngùi nhìn cái di tích của thời ấu thơ êm đềm không còn nữa, có còn chăng cũng chỉ trong ký ức bề bộn của chàng mà thôi”.

Nhưng có một cái mà đời sống đô thị không thể nào xóa bỏ được, đó là nắng xuân. Trong một truyện ngắn khác có tên là lễ cúng trường Võ Hồng đã ghi lại cái nắng của một buổi sáng cuối năm nơi làng quê Ngân Sơn của ông. Tôi nghĩ rằng, bất cứ làng quê nào, vào cuối năm cũng đều có một buổi sáng nắng rất đẹp chẳng khác nào làng quê của Võ Hồng như thế này:

“Thật là đẹp những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Phú Hội, rặng dương ở Mằng Lăng hiện lên thành một dãi xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm màu vàng nhạt, sáng óng ánh mặt trời’.

Trong thi ca hiện đại cũng có nhiều câu thơ nói về nắng, ví dụ như trong Lửa Thiêng của Huy cận: ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung”, hay trong tập Mưa Nguồn của Bùi Giáng một buổi trưa nắng vàng in trên tóc.”

Dùng nắng để diễn tả tâm trạng vui buồn, hay cái đẹp trên mái tóc người con gái thì ta thường bắt gặp. Nhưng dùng nắng để diễn tả giọng nói của người con gái thì, nếu tối không lầm chỉ có Võ Hồng. Trong truyện ngắn Hoa Khế Lưng Đồi ông viết: giọng nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ”

Vậy là đúng như Võ Hồng đã phát biểu trong tác phẩm Trầm Tư của ông: nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết cũ”.

Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ vào những buổi sáng hay buổi chiều cuối năm, tôi vẫn thường ngồi nhìn những vạt nắng nơi các rặng núi bên kia đồi, rồi tự nói lê thê với chính mình rằng, mai này đi lìa xa xứ sở của mặt trời” thì có lẽ cái mà tôi luyến tiếc nhất không gì khác hơn là một chút nắng đẹp của những buổi chiều cuối năm nơi một làng quê của tuổi thơ mà bây giờ đã quá xa xôi.

Những bài Thơ Xuân - Huyền Không Thích Mãn Giác

Huyền Không Thích Mãn Giác (1929-2006): 

Những bài Thơ Xuân

TA GỌI XUÂN VỀ
Los Angeles, Xuân Tân Dậu
Ta gọi xuân về, xuân ở đâu
Núi sông xa lạ nắng vương sầu
Tâm tư một kiếp còn nguyên vẹn
Thế sự bao lần hòa biển dâu
Ta gọi xuân về, xuân vẫn đang
Mênh mông trời biển gió lang thang
Ngồi trong đêm lạnh quê hương nhớ
Chùa cũ, vườn xưa hoa cải vàng
Ta gọi xuân về, xuân đến chưa
Hồn xuân chưa đến giữa mong chờ
Hương xuân chưa ấm hồn dân tộc
Ngày tháng đi về trong ước mơ
Ta gọi xuân về, xuân quá cao
Lệ đâu ray rức mãi tuôn trào
Chuông xưa không đánh mà vang vọng
Tiếng pháo giao thừa mãi khát khao
Ta gọi xuân về, xuân đại dương
Khói chiều lam quyện bóng quê hương
Sóng dâng dào dạt tình thương nhớ
Nam Việt kêu hoài vẫn nhớ thương
Ta gọi xuân về, xuân ở đây
Hai tay nâng một đóa hoa này
Đong đưa cánh bướm vàng bay đến
Đã thấy xuân về với cỏ cây
Ta gọi xuân về, xuân bướm bay
Trang Sinh nằm mộng biết bao ngày
Thời gian dù có ngàn năm nữa
Xuân đến lâu rồi, ai có hay
Ta gọi xuân về, xuân của ta
Tâm xuân tô điểm cả Ta Bà
Như trăng chiếu xuống khắp trần thế
Mỗi một con người mỗi đóa hoa
Ta gọi xuân về, xuân tự nhiên
Thoáng trong hơi thở có hương Thiền
Cành mai, khóm trúc vương mùi Đạo
Thế giới trong ta lắng não phiền
Ta gọi xuân về, xuân lặng thinh
Đẹp như trời mộng Kim Cang Kinh
Trước chùa một cánh đào xinh nở
Là cả vườn xuân của thái bình
 
CHÂN NHƯ HOA NỞ

Trăm năm về trước là chi
Nghìn năm sau nữa ích gì thế gian?
Hồn ta lạc lỏng cơ hàn
Bơ vơ như thuở không gian không người
Hỡi ôi! Thế kỷ ta ơi
Phi thuyền mấy chiếc ra đời chu du
Không gian nào có ngục tù
Thì gian nào có hận thù làm chi
Địa cầu muôn nẽo đường đi
Chiếc thân nhỏ bé nghĩa gì mênh mông
Biển đời lấp lại thành sông
Cung hằng sẽ dựng tượng đồng người xưa
Tâm linh thoáng hiện bao giờ
Chân như hoa nở muôn bờ bến xa
Ba ngàn thế giới… hằng sa
Lời xưa Phật dạy chói lòa hôm nay

ĐẦU XUÂN
Gương sáng đầu xuân soi quá khứ
Sáu mươi tuổi chí có già không
Bình minh nắng dậy cười sinh tử
Khi biết thị phi như đóa hồng
Thiền tọa bao đêm mờ dĩ vãng
Xuân về bỗng ngộ kiếp phù du
Giận mình chưa biết quên ngày tháng
Gót mộng trăm năm xóa mịt mù
Vũ trụ phiêu lưu chân đạo sĩ
Càn khôn mòn lối bước thong dong
Trên môi tự tại đầy hoan hỉ
Nghe cả hồn vui, rộn cả lòng
Mây trắng mượn về thăm nước Việt
Chùa xưa còn giữ nét rêu phong
Chuông xưa còn vọng trong tha thiết
Nhớ mãi muôn đời nợ núi sông
Chuỗi hạt lên hương bừng ánh sáng
Rạng ngời tâm sự thoáng bay qua
Giao thừa là phút vui vô tận
Tuổi chẳn sáu mươi mắt chẳng lòa.
 
ĐÊM XUÂN CẦU NGUYỆN
Tokyo, đêm giao thừa Quý Mão 63
Mùa Xuân rồi lại mùa xuân
Tháng ngày tuần tự xoay vần theo nhau
Cỏ hoa tô điểm sắc màu
Có con bướm trắng bay vào mênh mông
Chân như là chốn vô cùng
Biển xanh, mắt rộng ai trông cuộc đời
Vui gì khi lá vàng rơi
Vui gì khi thấy hoa cười nắng xuân
Bụi vàng gió thổi phân vân
Tha hương một bóng quên dần trời mây
Không gian còn ánh trăng đầy
Soi trong vũ trụ từ nay huy hoàng
Sông Hằng nước chảy lang thang
Có con Hạc trắng bay ngang thuở nào
Gió về, nước dợn lao xao
Lòng không đóng cửa: ra vào thiên thu
Sương ơi, đừng phủ trăng mù
Cho lòng giải thoát vi vu dặm ngàn
Xuân đi, dù lắm hoa tàn
Trước sân có nhánh mai vàng xinh xinh
Chắp tay cầu nguyện thanh bình
Buồm xuôi, gió thuận, gập ghềnh qua nhanh
Đêm nay nguyên đán tâm thành
Nghe hương trầm thoảng về quanh mái nhà.

XUÂN ĐÃ VỀ CHƯA
Los Angeles, Xuân Nhâm Tuất
Xuân đã về chưa ở xứ người
Buồn vui lẫn lộn xót xa ơi
Thương xuân tuyết trắng trên đầu núi
Nhớ nước, làm sao nở nụ cười
Xuân đã về chưa sưởi ấm lòng
Soi gương thấy mặt nhớ mình không
Ai mang tất cả hồn xưa cũ
Ấp ủ trong người nợ núi sông
Xuân đã về chưa quá khứ sầu
Hương trầm thoang thoảng khói bay đâu
Mùa Xuân hội ngộ bao giờ đến
Quốc hận ai đành chôn biển sâu
Xuân đã về chưa trên bước đường
Con tim sáng rực ánh quê hương
Bạc đầu vẫn nhớ hờn vong quốc
Có ngại ngùng chi vạn dặm trường
Xuân đã về chưa hãy dặn lòng
Giao thừa gợi nhớ kiếp lưu vong
Giang tay đón nhận tình dân tộc
Thâm nhập trong người nỗi nhớ mong
Xuân đã về chưa nhắc nhở ai
Quê hương, Đạo pháp vấn vương hoài
Mỗi lần xuân đến nghe ray rức
Bao phủ quanh ta tiếng thở dài
Xuân đã về chưa nối đạo tình
Đời ta nguyện vẹn tuổi bình minh
Lòng ta chan chứa nguồn sinh lực
Quyết tạo mùa xuân đất nước mình
Xuân đã về chưa giữa phố phường
Mai vàng từng cánh nhớ quê hương
Đạo tình dân tộc keo sơn quá
Dâu biển không sờn chí hướng dương
Xuân đã về chưa với nụ cười
Buồm hồng rẽ sóng vượt ra khơi
Thành tâm khấn nguyện mười phương Phật
Đã đứng lên rồi cố tới nơi.
 
XUÂN MỚI 
Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh.

XUÂN Ở PHƯƠNG NÀO
Los Angeles, Xuân Quý Hợi
Xuân ở phương nào đã đợi lâu
Sương khuya phủ xuống vướng mây sầu
Nghìn trùng non nước xa xăm quá
Tết đến đây rồi, Xuân ở đâu?
Xuân ở phương nào có đến không
Chấp tay cầu nguyện ánh Xuân Hồng
Thiền Môn rộng mở chờ năm tháng
Nước chảy xuôi dòng qua mấy sông
Xuân ở phương nào giữa thế gian
Cải xanh chưa có những hoa vàng
Chập chờn bướm cũ không về nữa
Trăng nước soi đời thấy ngổn ngang
Xuân ở phương nào biết nói sao
Hàng tùng đứng ủ những chiêm bao
Tháng ngày qua lại mây không vướng
Thầm nhớ xuân xưa mỗi độ nào
Xuân ở phương nào có biết chăng
Ra đi ai chẳng ước mong rằng
Quê hương mờ bóng đầy thương nhớ
Đã mấy xuân về không nói năng
Xuân ở phương nào chẳng thấy sang
Ở đây cũng có đóa mai vàng
Hương trầm phảng phất ngàn năm trước
Xuân đạo chưa về lạnh thế gian
Xuân ở phương nào đợi ở đây
Ngàn xưa còn lại bóng trăng gầy
Hồng chung ngân nhẹ trong đêm vắng
Xóa nhạt não phiền vướng núi mây
Xuân ở phương nào thấy xuyến xao
Đèn khuya chiếu sáng cả tâm bào
Con chim về hót trên cành liễu
Có phải xuân về gọi đó sao
Xuân ở phương nào ta đã quên
Sơn hà cẩm tú bóng in thềm
Ngày đêm niệm Phật qua năm tháng
Trước cổng, tùng xưa quên cả tên.
 
XUÂN VẪN CÒN ĐÂY
Mây trắng bay về tận cố hương
Trăng xưa sáng ngập mấy con đường
Mai vàng tự thuở ngàn năm trước
Hương thoáng tâm hồn dạ vấn vương
Xuân hạ thu đông cảnh bốn mùa
Ngọt ngào hòa hợp vị cay chua
Địa cầu xê dịch trong sanh diệt
Ai dẫn đêm về cho gió khua
Xuân vẫn còn đây sao nhớ trông
Muôn năm hình ảnh đóa hoa hồng
Chân không nhẹ bước lên Thiền Viện
Bốn mấy xuân rồi, có biết không
Hoa nở bên đường hương thoáng bay
Điểm trang nhân loại nước non này
Hoàng Anh về hót trên cành liễu
Đây khoảng trời xanh không đổi thay

XUÂN VỀ
Los Angeles, Xuân Tân Mùi
Xuân về chầm chậm ngoài song
Hương xuân sưởi ấm cho lòng thảnh thơi
Xuân về tô điểm cuộc đời
“Hoa đào năm trước còn cười gió đông”.
Người về ngắm đóa hoa hồng
Nhìn lên đức Phật mênh mông nụ cười
Xuân về muôn vạn hoa tươi
Thong dong tự tại trước lời sân si
Chắp tay cầu nguyện sá gì
Tâm mình thanh thoát thị phi qua cầu
Ngàn năm nước chảy về đâu
Trời xanh mây trắng ai sầu mặc ai
Xuân về với tháng năm dài
Với hương đạo hạnh thơm hoài nhân gian
Xuân về mang cả hân hoan
Trao cho nhân loại ngập tràn niềm vui.

NỤ CƯỜI XUÂN
Chùa Việt Nam, sáng ngày 02 tháng 01 năm 1984
Lá chuối non vừa nhú
Sáng nay bị phong trần
Thời gian không mới cũ
Còn nguyên nụ cười xuân
 
NGÀY XUÂN
Trời xuân thêu dệt bằng hoa
Nở đầy tô điểm tòa nhà biệt ly.
Hương xuân lững thững bay về,
Giữa bao buồn tủi nặng nề xót thương!
Trời xuân thêu dệt bằng hương
Hòa cùng gió sớm đượm nhuần nước non.
Đặt ta vào chốn linh hồn
Dịu dàng cất bước lên đường tương lai.
Năm xưa: cũng một ngày này,
Xuân về với cảnh tượng đầy ước mong.
Và muôn hoa, với sắc hồng,
Hẹn ta những bước ngược dòng sầu thương.
Giờ đây xuân lại lên đường,
Ta đi giữa lối đoạn trường đầy hoa.
Lòng ta nhè nhẹ êm hòa
Tung lên cùng gió xóa mờ hư không…