Tuesday, December 10, 2019

Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo Nguyên Giác

Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo
Nguyên Giác

Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ. 
Trong Trường A Hàm, Kinh DA 24 (Kinh Kiên Cố), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, có ghi lời Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.(1)
Xin bày tỏ sai lầm trong ấn bản Kinh Pháp Cú Tây Tạng, nơi trang 44, khi ghi về Bát Chánh Đạo, người viết đã ghi thiếu hai chữ “Chánh ngữ” trong tám chi phần. Bây giờ đã bổ túc xong, cả bản trên mạng, bản PDF và cả trên bản giấy lưu hành ở Amazon (2). Người viết trân trọng cảm ơn người chỉ ra lỗi thiếu sót này là Tỳ Khưu Minh Trí Buddhayana, một bạn thân trong việc làm thiện nguyện từ nhiều thập niên và gần đây thọ đại giới tại một ngôi chùa Miến Điện ở vùng Austin, TX. Đồng thời cũng xin cảm ơn Cư sĩ Tâm Diệu, người phụ trách Thư Viện Hoa Sen và nxb Ananda Viet Foundation, đã bổ túc hai chữ “Chánh ngữ” vào các ấn bản hiệu đính. Người viết xin sám hối trước Tam Bảo, và kính xin chư tôn đức sử dụng bản mới trên mạng, nếu có sử dụng. Bài này sẽ viết về đề tài Chánh ngữ.
.
Nơi đây, xin trích dẫn một số lời Đức Phật dạy về Chánh ngữ -- các Kinh sau đây do Thầy Thích Minh Châu dịch (3).
--- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. (Kinh SN 45.8)
--- Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm. (Kinh AN 5.198)
--- Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Thế nào là mười? Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng (của mình) đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo. (Kinh AN 10.69)
--- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: “Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được”. Vì sao? Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. (Kinh SN 56.9)
.
Như thế, Chánh ngữ là một chìa khóa quan trọng để vào Pháp, vì là lời đúng sự thật, lời về viễn ly và giải thoát. Là ngón tay chỉ trăng, là ký hiệu để chở ý, do vậy khi chữ và lời minh bạch nói lên được Chánh pháp hẳn luôn luôn là kết quả từ các lựa chọn qua rất nhiều suy nghĩ, so sánh, đối chiếu giữa các chữ và lời. Đó cũng là một tiến trình để nhận ra khổ đế của những người dịch và ghi chú về kinh điển, khi lọc ra các chữ không vừa ý, lọc ra các ý bất toàn… để chọn các chữ thích nghi nhằm trình bày lời Đức Phật dạy. Thấy chữ này không chính xác, thấy chữ kia bất toàn – đó là nhận ra khổ đế trong khi dịch và viết. 
Không nương vào lời nói và chữ viết, chúng ta sẽ rất gian nan để thọ nhận và hiểu đúng Phật pháp. Ngày hôm nay chúng ta học Phật là nhờ công của các vị tiền bối đã dịch kinh điển ra tiếng Việt. Nhưng chọn đúng chữ để dịch lại là một tiến trình rất mực khó khăn. Bởi vì, hễ dịch sai la không giữ được Chánh ngữ. Lời nói và chữ viết nhiều khi đa nghĩa, thường gặp tình huống không gói trọn ý. 
Thí dụ, chữ dukkha thường được dịch là khổ. Đức Phật nói rằng ngài dạy về khổ và về chấm dứt khổ. Trong tiếng Anh thường dịch gần nghĩa, bằng chữ suffering. Tự điển Pali-English Dictionary (2008) nói rằng chữ dukkha không có chữ tương đương trong tiếng Anh, vì bao gồm cả những bất như ý trong cả thân và tâm. Một số học giả tùy nơi lại dịch là stress (căng thẳng), pain (đau đớn), unsatisfactoriness (không như ý), unhappiness (không hạnh phúc)… Tiếng Việt mình nói là “khổ” cho gọn, nhưng hàm cả nhiều nghĩa “bất như ý” hay “không vui”…
Do vậy, suy nghĩ nhiều nhất về Chánh ngữ chính là những người dịch và ghi chú về kinh luận. Không dễ gì tìm được chữ như ý để ghi lại lời Đức Phật.
Một chữ khác cũng khó dịch là “sati” – chúng ta thường dịch cho gọn, có khi là “tỉnh thức” và có khi là “chánh niệm.” Chữ “tỉnh thức” mang cả nghĩa đời, và đôi khi nghĩa đạo; thí dụ nghĩa đời, trên một chuyến xe buýt vài chục hành khách, có thể người “tỉnh thức” nhất lại là một anh trong nghề móc túi chờ sơ hở của người khác để hành nghề, và đó là bất thiện. Nhưng chữ “chánh niệm” lại không đầy đủ nghĩa.
Dựa theo các kinh trong Tạng Pali, chữ “sati” có nhiều nghĩa, như: ghi nhớ, nhận ra, ý thức được, khởi tâm tác ý, tâm tỉnh thức, tâm trong trẻo, hiện diện của tâm… trong khi tiếng Anh thường gặp là “mindfulness” và theo Wikipedia định nghĩa chữ này là “bringing one's attention to experiences occurring in the present moment” (chú tâm vào kinh nghiệm đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại), nghĩa là mang cả nghĩa đời, khi kỹ năng chú tâm này được các chiến binh bắn tỉa sử dụng để giết người.
Do vậy, Chánh ngữ là một lựa chọn chữ nghĩa rất gian nan (rất mực khổ đế). Vì hễ ghi sai một chữ, là tự lòng mình băn khoăn liền, huống gì là sót tới hai chữ.
Đôi khi, dịch theo nghĩa nào cũng đúng, và hễ chọn chữ này là lại rời chữ kia. Như trường hợp Kinh Pháp Cú Pali, bài kệ 348.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là:
“348. "Bỏ quá, hiện, vị lai,
Đến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già." (4)
Nghĩa là, hãy buông bỏ cả quá khứ, hiện tại và vị lai mới tới bờ giải thoát được. Buông bỏ có nghĩa là rời bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn, thân tâm trong ba thời (như 4 chữ phương châm của Thiền Tào Động: phóng hạ thân tâm, tức buông bỏ thân và tâm).  
Hầu hết các dịch giả đều dịch y hệt như Thầy Minh Châu, trong đó có quý ngài: Narada Thera, Acharya Buddharakkhita, Ajahn Munindo, Bhikkhu Ānandajoti, Daw Mya Tin…
Bài kệ đó là lời Đức Phật nói, khi chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena. Anh này là con của một nhà đại phú, say mê một cô vũ nữ trong một gánh xiếc lưu diễn nên chạy theo, kết hôn với cô và học nghề xiếc với cha của cô. Anh trở thành một nghệ nhân giỏi, trình diễn các màn trên cột cao. Một lần, khi gánh xiếc này tới Rajagaha để trình diễn trong 7 ngày, Đức Phật biết rằng đã tới cơ duyên độ anh này, nên ra đứng xem. Khi Uggasena trèo lên ngồi cột cao, trình diễn và đột nhiên thấy không ai chú ý tới anh để hoan hô, nên cảm thấy rất buồn. Đức Phật lúc đó mới nói với anh: “Hỡi Uggasena, người trí nên rời bỏ tất cả dính mắc vào các uẩn, và hãy tìm giải thoát ra khỏi vòng tái sinh.”
Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 349. Nghe xong, chàng Uggasena, trong khi còn ngồi trên cột cao, đắc quả A La Hán. Anh trèo xuống và xin xuất gia theo Đức Phật.
Bài kệ đó được Thanissaro Bhikkhu dịch hơi khác đi trong tiếng Anh: hãy rời bỏ phía trước (thay vì vị lai), rời bỏ phía sau (thay vì quá khứ), rời bỏ cái trung gian (thay vì hiện tại)… you let go of in front, let go of behind, let go of between…. A.R. Bomhard cũng dịch như Thanissaro. (4)
Cả hai cách dịch đều đúng, vì ý Đức Phật nói là hãy buông bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn/thân tâm trong bất kỳ thời nào và không gian nào. Nhưng người dịch tìm được chữ như ý là một lựa chọn gian nan, trong khi đi tìm Chánh ngữ.
Khi đối chiếu bài Kệ 348 trên với Tương Ưng Bộ, Kinh SN 1.1, có thể chúng ta sẽ thấy một nghĩa rất minh bạch.
Kinh này, trích bản dịch của Thầy Minh Châu là:
“— Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
--- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
--- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.” (5)
Có thể hiểu rằng “bước tới” là mơ tưởng về (hay chạy đi tìm) một ngũ uẩn/thân tâm tương lai, và “đứng lại” là nuối tiếc quá khứ hay nắm giữ hiện tại…  không trôi giạt thì sẽ chìm.

Trong khi đó, nếu không giữ được Chánh kiến, trong rất nhiều trường hợp, chữ nghĩa chính là cạm bẫy lôi chúng ta vào sinh tử luân hồi. Như trường hợp Giả Đảo (779 - 843), một nhà thơ Trung Quốc thời nhà Đường. Ông nguyên là một nhà sư, sau hoàn tục, thi làm quan.
Một lần, ông nghĩ ra hai câu thơ, và suy tính không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ):
Ðiểu túc trì biên thụ ,
Tăng xao nguyệt hạ môn
(Dịch: Chim ngủ trên cây bên ao, nhà sư gõ cửa dưới ánh trăng.)
Gặp nhà thơ Hàn Dũ, được đề nghị dùng chữ “thôi” – nghĩa là: nhà sư đẩy cửa dưới ánh trăng.
Họ Giả mê thơ tới mức, truyền thuyết kể là cứ đêm trừ tịch hàng năm, Giả Ðảo gom hết thơ làm trong năm bày lên án, đốt hương, rót rượu vái lạy rằng: “Ðây là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!”
Mê thơ tới mức như thế, dù thơ hay cỡ nào, cũng vẫn là chìm vào bộc lưu thôi. Bởi vì thơ, nếu không hướng về giải thoát, sẽ không gọi là Chánh ngữ.
Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy chuyển biến rõ rệt trong đời nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), từ một thời lãng mạn tuổi trẻ tới cuối đời là hiển lộ các hiểu biết sâu sắc về Phật pháp. 
Trong tác phẩm “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập: Lưu Hương Ký” do GS Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và chú thích có ghi lại mối tình ngắn ngủi (khoảng hơn hai năm, 1802-1804/5) giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (1770? – 1840?). Theo GS Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Hồ Xuân Hương Poèmes (in ở Paris), và theo nghiên cứu của GS Nguyễn Ngọc Bích trong Lưu Hương Ký, thơ Hồ Xuân Hương có nhắc tới Nguyễn Du qua cách gọi “Nguyễn-hầu” (ông họ Nguyễn) và nhắc chức vị “Cần-chánh học-sĩ” (Nguyễn Du được vua phong làm “Cần-chánh-điện học-sĩ) cũng như dưới đề bài thơ có ghi “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (Ông người [làng] Tiên-điền [huyện] Nghi-xuân). 
Trong khi đó, Nguyễn Du có bài thơ Mộng Đắc Thái Liên (Mộng Thấy Hái Sen) dài 5 đoạn, mỗi đoạn 4 dòng và mỗi dòng 5 chữ được hiểu là đề tặng Hồ Xuân Hương. Trong đó, có những câu rất tình tứ trong văn phong Nguyễn Du, như “Cộng tri liên liên hoa, Thùy giả liên liên cán. Kỳ trung hữu chân ti, Khiên liên bất khả đoạn” (Nguyễn Ngọc Bích dịch là: Hoa sen ai chẳng ưa? Cuống hoa, mấy ai thích? Trong cuống vướng bao tơ, Vấn vương bao giờ dứt?) – nghĩa là, những câu thơ rất nặng nghiệp, đọc lên là biết nhiều kiếp lai sinh cũng khó dứt nổi tơ vương.
Nhưng tới cuối đời, trong bài thơ Phân Kinh Thạch Đài, cụ Nguyễn Du đã có một phong thái rất mực nhẹ nhàng. Thiền sư Đại Lãn trong một bài trên báo Giác Ngộ, nhan đề “Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài” đã phân tích về bài thơ dài này.
Cuối bài thơ là 4 dòng:
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh .”
(Nhà phân tích Đại Lãn dịch nghĩa là: Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến, Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều. Cho đến dưới đài đá phân kinh, Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.) (6)
Kinh vô tự, tức là Kinh không có chữ. Đây là văn phong Thiền Tông. Trong bài vừa dẫn, Đại Lãn cũng dẫn thơ Nguyễn Du trong bài đề động Nhị Thanh:
"… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly Thiền..." 
(Đại Lãn dịch: …Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền…”)
Đây chính là chỗ Thiền Tông thường nói. Định nơi đây là không có xuất, không có nhập, vì là Định của Tự Tánh. Và Tự Tánh đây có nghĩa là vô tự tánh, là rỗng rang, là tịch lặng trong mọi thời, bất kể đang đi đứng nói cười…
Đại Lãn giải thích trong bài trên: “Đích thị là Cụ đã tự giới thiệu cho mọi người biết là Tâm cụ không bao giờ lìa Thiền định, có nghĩa là cụ luôn luôn ở trong thiền định. Vậy thì những việc làm của Cụ đó không phải là một việc làm của hành giả đang hành Thiền tu tuệ đó là gì!? Vì cốt tủy của bộ kinh Kim Cương chính là một phương pháp tu để trụ tâm và hàng phục Tâm mình qua công án: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm? (Nên trụ vào không chỗ, mà sinh tâm mình.)”. (6)
Như thế, Nguyễn Du sau một thời lãng mạn, đã về nghiên cứu tu học, đã tụng Kinh Kim Cương hơn cả ngàn lần, và ngộ ra rằng Kinh vô tự (Kinh không chữ) mới là chân kinh, nghĩa là Chánh ngữ thật sự chính là sự tịch lặng của tâm. Và khi nói thường định, nghĩa là thường trực, là luôn luôn (là bất kể khi đi đứng nói cười) an nhiên trong định, có nghĩa là dù khi có tiếng động hay khi không có tiếng động, tất cả đều hiển lộ trong gương tâm chiếu sáng bất động. Nghĩa là, Có (Hữu) và Không (Vô) hiển lộ trong tâm qua tánh sáng của gương sáng bất động, dù có cảnh trần hay không có cảnh trần, bản tính lặng chiếu của tâm vẫn không đổi.
Trong Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà), Đức Phật kể về một nhà vua nghe tiếng đàn tỳ bà, nhận ra tiếng đàn khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn nên ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn tỳ bà làm cả trăm mảnh, nhưng cũng không tìm ra, vì tiếng đàn là do nhiều nhân duyên mới thành. (7)
Tương tự, trong Kinh Sn 5.6 trong Kinh Tập, thuộc nhóm kinh Đức Phật cho chư tăng ni trong các năm đầu dùng làm Kinh  nhật tụng, trích:
1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.” (8)
Và nội dung Kinh Kim Cương mà cụ Nguyễn Du đọc tụng cả ngàn lần, chỉ là nói lên thực tướng là không một pháp nào, và nếu nói nương tựa thì chỉ là “tâm không trụ vào bất kỳ chỗ nào” (vô sở trụ) mới là vượt qua cả ba thời, vì không níu vào bất kỳ sản phẩm nào của ngũ uẩn – nơi vô sở trụ cho dù nói hay nghe thì cũng là bản nhiên tịch lặng, là thường định. 
Trong cái nghe như thế, các pháp hiển lộ chỉ là cái được nghe; trong cái nhìn như thế, các pháp chỉ là cái được thấy. Và tâm rỗng rang, không có ai đang nghe, không có ai đang nhìn. Chỉ là gương tâm hiển lộ, và gương tâm không là cái gì hết. Không thêm gì được, và không bớt gì được trong cái nghe, cái thấy như thế.
Như thế, trong thực tướng, âm thanh không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Các pháp như thế tự thân là Niết Bàn. Y hệt khi lửa tắt, lửa không về đâu. Khi nghe trong tâm rỗng rang như thế, là lìa sanh diệt. Mắt không phải là phiền não của cái được thấy, và ngược lại. Tai không phải là phiền não của cái được nghe, và ngược lại. Không có gì là phiền não của nhau, không có gì trói buộc của nhau, vì tự thân các pháp là Niết Bàn. Như vậy, phiền não từ đâu sanh ra? Câu trả lời: Dục tham là cội nguồn phiền não. Nhưng nhìn suốt tận cội nguồn, dục tham thực tướng vẫn là rỗng rang vô tướng.
Trong A Hàm, Kinh SA 250, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng ghi lời ngài Xá Lợi Phất:
“…chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng... Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.” (9) 
Làm thế nào đoạn tận dục tham? Đức Phật dạy là hãy để các pháp như nó là, để cái được thấy chỉ như cái được thấy, để cái được nghe chỉ như cái được nghe… thì tức khắc lúc đó, tâm sẽ tịch lặng, sẽ như tường vách, ngôn ngữ đoạn tận, cũng là khi Chánh ngữ trở thành vô tự. Không phải là có chữ hay không có chữ, mà chỉ là các pháp như thế thì cứ thấy nghe như thế, tức là nghĩa Như Thị.
Trường hợp thấy tịch lặng khó khăn, hãy dùng một cách khác: nhìn vào cội nguồn của tâm để rồi sẽ thấy bản nhiên rỗng rang vô tự tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, bản Việt dịch của ngài Nhẫn Tế Thiền Sư, trích như sau:
Sau này, có vị tăng hỏi: “Đệ tử mỗi đêm ngồi thiền, tâm niệm tán loạn, chưa biết cách nào nhiếp phục. Xin thầy chỉ bảo”.
Ngài Quốc Thanh Tịnh trả lời: “Nếu ban đêm ngồi tịnh mà niệm niệm lăng xăng, thì lấy cái tâm lăng xăng đó cứu xét cái chỗ lăng xăng. Thấy là nó không có xứ sở, thì cái tâm niệm lăng xăng đó đâu còn! Cứ xét ngược lại cái tâm, thì cái tâm cứu xét đó đâu có tại chỗ nào. Trí chiếu soi vốn không, cái cảnh để duyên cũng tĩnh lặng vậy. Chiếu mà chẳng chiếu, tuyệt không có cảnh để chiếu soi vậy. Cảnh, Trí đều tịch diệt, tâm lượng an nhiên. Ngoài chẳng tìm cầu lấy sự tán loạn, trong chẳng trụ nơi định tĩnh. Hai đường dứt bặt, một Tánh suốt nhiên. Đây là yếu đạo về nguồn vậy.” (10)
Đó là khi lời và chữ, khi tất cả những cái được nghe về nơi tự thân tịch lặng. Đó là khi, bạn đứng nơi góc rừng, nhìn và nghe cảnh gió thổi, mưa gào, cây nghiêng ngả… mà nhận ra không ai đang thấy và không ai đang nghe, nơi dòng vô thường chảy xiết mà tâm không dính gì tới ba thời.  
Một lần nữa, xin trình bày, rằng người viết có sai lầm cần bày tỏ. Thiếu sót hai chữ “Chánh ngữ” đã hiệu đính, đã bổ túc xong. Nhưng nếu chỉ viết một câu để xin lỗi, tự thấy là không đủ trân trọng. Do vậy, bài này ghi lại các suy nghĩ riêng trong nỗ lực sống và viết với Chánh ngữ. Tất cả những bất toàn xin được sám hối cùng Tam Bảo và độc giả. 

GHI CHÚ:
(2) Kinh Pháp Cú Tây Tạng, bản trên mạng và PDF: https://thuvienhoasen.org/p16a32358/6/kinh-phap-cu-tay-tang 

bản trên Amazon: www.amzn.com/1077971230/ 

(4) Kinh Pháp Cú, Kệ 348, bản dịch HT Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/pham-21-26
Bản dịch Bomhard (trang 62 bản giấy, trang 72 bản điện tử): https://archive.org/details/Dhammapada_201307/page/n71 
(6) Đại Lãn. Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=12565B 
(10) Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông: https://thuvienhoasen.org/p17a1224/quyen-iii 

Sunday, December 8, 2019

Theo Dấu Chân Xưa (Tham luận tại Hội thảo “GĐPT giữa Giáo Hội”)



Tác giả Nguyễn Minh Tiến sinh năm 1961 tại thôn Cổ Lũy, xã Tư Hiền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình Phật tử thuần thành. Từ năm 1968 đã theo gia đình lưu lạc sinh sống qua nhiều nơi. Hiện nay anh đang định cư tại huyện Tân Thành thuộc tỉnh BRVT. Nguyễn Minh Tiến lấy bút danh Nguyên Minh từ những tác phẩm thơ, nhạc đầu tiên cho đến những bài viết ngắn trên các tập san được phát hành nội bộ từ nhiều năm trước, trong đó có tờ Nội san Đạo Uyển được nhiều người biết đến mà Nguyên Minh là một trong những người tham gia biên tập. Mặc dù vậy, trong những công trình nghiên cứu và dịch thuật, hiệu đính, anh thường ký tên thật là Nguyễn Minh Tiến.

Kính thưa Chư Tôn Đức trong Hội đồng Chứng minh.Kính thưa quý vị trưởng bối trong Hội luận đoàn.Kính thưa quý anh chị em Huynh trưởng và toàn thể quý vị quan khách.
Tham luận này, đúng như tên gọi của nó, sẽ không đề cập đến điều gì mới mẻ hơn là những lời dạy từ xa xưa của Đấng Từ Phụ. Mặc dù vậy, những gì nêu ra sẽ được nhận thức và trình bày theo cảm nhận chủ quan của bản thân người viết, nghĩa là dựa trên những trải nghiệm thực tế hiện nay chứ không chỉ là sự lặp lại hoàn toàn theo khuôn thước cũ.Trên tinh thần đó, người viết sẽ đề cập đến một số phẩm tính cần thiết của người dẫn dắt GĐPT và sau đó là gợi ý một vài phương hướng trong việc hoàn thiện hoạt động của GĐPT.
I. NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG
Đức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Tuy vậy, trong thực tế không phải tất cả mọi người đều có đủ trí tuệ để thắp lên ngọn đuốc soi đường cho chính mình. Vì thế, trong hầu hết mọi trường hợp thì chúng ta luôn cần đến những ngọn đuốc soi đường từ các bậc thiện tri thức. Ngay từ thời Phật còn tại thế, chính bản thân ngài cũng là một ngọn đuốc soi đường vĩ đại cho tất cả Thánh chúng đệ tử cũng như biết bao nhiêu người khác noi theo.Và trong suốt hơn 25 thế kỷ qua, bằng vào những chất liệu quý giá có được từ lời dạy của Ngài, nhiều ngọn đuốc tiếp nối cũng đã được các bậc Thầy Tổ qua từng thời đại lần lượt thắp lên, soi sáng cho cả nhân loại này trên con đường tìm kiếm an vui, xa lìa đau khổ.
Từ thực tế đó, chúng ta hiểu được rằng, trên con đường tu học và hành trì Phật pháp, mặc dù yếu tố nỗ lực tự thân của mỗi người luôn được xem là quyết định, nhưng sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn đức Tăng-già cũng như các bậc trưởng bối, huynh trưởng, thiện tri thức vẫn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng.
Đối với thế hệ trẻ là những mầm non đang phát triển, rất nhiều phẩm tính tốt đẹp của các em chỉ vừa mới hình thành chưa thực sự vững vàng nhưng đồng thời cũng có không ít những ham muốn lệch lạc, những khát vọng mơ hồ bởi sự nhận thức chưa định hình đúng hướng, thì vai trò dẫn dắt của những bậc đàn anh đàn chị là vô cùng thiết yếu, có thể quyết định một phần lớn tương lai của các em.
Mặc dù vậy, dường như chúng ta đang vấp phải một sự “phản kháng” âm thầm nhưng rất đáng lo ngại khi khoảng cách giữa thế hệ trẻ và rất trẻ với các bậc đàn anh đàn chị đang ngày càng gia tăng. Số lượng các em về chùa ngày một giảm dần và sự quan tâm đến sinh hoạt GĐPT cũng suy giảm như một hệ quả. Nhiều nguyên nhân khác nhau đã được nêu ra, trong đó có cả những khác biệt về môi trường sống, về sự chuyển biến của thời đại và kể cả những khác biệt về văn hóa hay khoảng cách thế hệ…Tuy nhiên, cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì đây vẫn là một thực trạng không thể phủ nhận, chỉ cần quan sát các sinh hoạt hiện thời của hầu hết các GĐPT, chúng ta đều có thể nhận ra được thực trạng này. Và theo nhận định của riêng tôi thì đây không chỉ là vấn đề của các GĐPT ở hải ngoại, mà ngay cả thực trạng trong nước hiện thời cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự.
Thừa nhận thực trạng này không phải là một cách nhìn bi quan về thực tại, mà chính là sự khởi đầu cần thiết để xác lập những bước đi đúng hướng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính từ thực tế khuynh hướng “lạnh nhạt” của thế hệ đàn em đang ngày càng gia tăng mà vai trò dẫn dắt của các bậc anh chị trưởng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nói cách khác, trong thực trạng hiện nay, nếu như mỗi một huynh trưởng không thắp lên được một ngọn đuốc soi đường cho chính bản thân mình và dẫn dắt các em, thì nguy cơ lệch lạc của cả một thế hệ đi sau sẽ là rất lớn. Rất nhiều các giá trị truyền thống về tâm linh, đạo đức và kể cả bản sắc dân tộc Việt sẽ có nhiều khả năng mai một hoặc biến dạng.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh mất niềm tin vào thế hệ trẻ, vào khả năng hướng thiện của tự thân các em. Nhưng chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận một thực tế là trách nhiệm của những người đi trước phần lớn nằm ở chỗ tạo ra một môi trường phát triển và trưởng thành tốt nhất cho các em.Điều này chúng ta đã may mắn nhận được từ thế hệ cha anh ngày trước, và do đó chúng ta cũng phải có một trách nhiệm tương tự đối với thế hệ trẻ hôm nay.Hơn bao giờ hết, việc thắp lên những ngọn đuốc soi đường vào thời điểm này là vô cùng quan trọng và cần thiết, cho chính tự thân mỗi người chúng ta cũng như cho thế hệ trẻ tiếp bước theo sau.
Nói cách khác, khi tự thân mỗi người chưa thực sự quay lại suy xét để tự giải quyết và hoàn thiện những vấn đề của chính mình, để thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi đường cho chính mình, thì mọi nỗ lực để làm thay đổi hoàn cảnh hay cải thiện thực trạng hiện nay sẽ không thể nào mang lại kết quả như mong muốn.
Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật dạy rằng: “Thường xét lỗi mình, không nói chỗ khiếm khuyết của người.”(Thường tỉnh kỷ quá, bất tụng bỉ đoản.) Chúng ta không thể mặc nhiên nhận về mình quyền dẫn dắt, dạy dỗ thế hệ trẻ khi chưa soi rọi lại chính bản thân mình để tự tu sửa và hoàn thiện. Nguyên lý giáo dục truyền thống của Phật giáo luôn nhấn mạnh ở sự thực hành hơn là lý thuyết, và do đó đối với hầu hết các bậc thầy chân chánh xưa nay thì hiệu quả thân giáo của các ngài luôn vượt xa so với sự dạy dỗ bằng lời nói. Không cần nói nhiều, nhưng chỉ bằng đức độ và phẩm hạnh tỏa sáng, một vị thầy có thể truyền trao rất nhiều những giá trị tâm linh và đạo đức cho hàng đệ tử. Ngược lại, một vị thầy cho dù uyên bác, thuyết giảngrất nhiều nhưng kém về phẩm hạnh thì sẽ không có khả năng trao truyền những điều tốt đẹp cho đệ tử. Danh xưng Hòa Thượng vốn được dịch nghĩa là “thân giáo sư”, tức là bậc thầy dạy dỗ bằng chính hành vi tự thân của mình. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ hơn nữa ý nghĩa của việc tu dưỡng phẩm hạnh tự thân là quan trọng như thế nào.
Khi tu dưỡng tự thân, mỗi chúng ta sẽ trở thành một ngọn đuốc sáng, soi đường cho chính mình và cho người khác. Đây chính là ý nghĩa căn bản của nguyên tắc “tự giác giác tha” trong Phật giáo. Cái gọi là nguồn sáng, một khi không tự nó tỏa sáng thì không thể có khả năng soi sáng quanh nó, đó là lẽ tất nhiên. Chính vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ, bậc thầy của vua Trần Nhân Tông đã có lần dạy rằng: “Việc của chúng ta là xem lại chính mình, [điều mình mong muốn] không thể có được từ người khác.” (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.) Lời dạy này đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thiết thực của nó.
Trên nguyên tắc, GĐPT là tập hợp của những người con Phật, những người có cùng một niềm tin, một lý tưởng, và hơn thế nữa còn là có chung một nguồn mạch, một huyết thống tâm linh. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập thì hai chữ “gia đình” đã được chọn làm một phần trong tên gọi của tổ chức. Trong ý nghĩa này, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải là mối quan hệ thân ái, yêu thương và hòa hợp, không thể là mối quan hệ dựa trên quyền uy hay thế lực.Do đó, sự dẫn dắt của các anh chị trưởng đối với thế hệ đàn em vừa là bổn phận và trách nhiệm, vừa là biểu hiện tất yếu của tình thương yêu. Và như vậy, sự tu dưỡng tự thân của mỗi người vừa mang ý nghĩa tự hoàn thiện để lợi lạc cho chính mình, vừa là điều kiện tất yếu để có thể thực hiện vai trò soi sáng và dẫn dắt thế hệ đàn em.
Nhìn trong bối cảnh rộng hơn thì GĐPT chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là một tổ chức riêng lẻ. Từ khi thành lập đến nay, GĐPT luôn gắn bó và trưởng thành ngay trong lòng Đạo pháp, dưới sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn Đức trong Tăng-già. Do vậy, mối quan hệ giữa GĐPT và Giáo Hội trước hết là mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa người dẫn dắt và người được dẫn dắt.Trong quan hệ đó, chư tăng chính là những ngọn đuốc soi đường và dẫn dắt GĐPT trong sự tu tập và hành trì cũng như trong mọi sinh hoạt thường nhật. Và trong vai trò đó, phẩm hạnh cũng như đạo đức của mỗi một bậc thầy luôn là nguồnđộng lực thúc đẩy, nuôi dưỡng sự trưởng thành và hoàn thiện của GĐPT. Do ý nghĩa này, sự tu dưỡng của chư tăng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự dẫn dắt GĐPT, bởi trước hết thì mỗi một vị thầy cũng đều đang trên đường tu tập, cũng là một thành phần của tứ chúng đồng tu trong Giáo pháp của đức Thế Tôn. Khi một vị thầy có nỗ lực tu tập để hoàn thiện phẩm hạnh và đạo đức của chính bản thân vị ấy, thành quả tốt đẹp này cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến những thành viên GĐPT đang sinh hoạt, tu tập dưới sự dẫn dắt của thầy. Một lần nữa, ý nghĩa tỏa sáng của những ngọn đuốc soi đường lại có thể được nhìn thấy ở đây.
II. PHẨM TÍNH CẦN THIẾT
Hãy nói một cách cụ thể hơn, những phẩm tính nào là cần thiếtđể duy trì và phát triển một tập thể? Ở đây, chính đức Phật đã nhiều lần đề cập đến những phẩm tính này. Đối với tập thể, có sáu nguyên tắc hay phẩm tính phải đạt được và gìn giữ để bảo đảm sự hoàn thiện và phát triển của tập thể đó. Sáu nguyên tắc hay phẩm tính này được gọi chung là Lục hòa kính. Mặc dù xưa nay Lục hòa kính vẫn thường được đề cập đến như những khuôn thước của Tăng-già, nhưng trong thực tế đây cũng là những khuôn thước vô cùng tốt đẹp và có thể được vận dụng trong mọi đoàn thể, ngay cả trong phạm vi những người cư sĩ tại gia. Do vậy, Lục hòa kínhhoàn toàn có thể được vận dụng để hoàn thiện tổ chức GĐPT, để tạo ra môi trường sinh hoạt tốt đẹp và phát triển thuận lợi.
Trước hết, hai chữ “hòa kính” trong tên gọi nói lên yêu cầu chung của các nguyên tắc này, đó là hướng đến sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau. Trong một tập thể mà mọi người có thể sống chung hòa hợp và duy trì được sự kính trọng lẫn nhau thì chắc chắn là tập thể ấy đã có được nền tảng căn bản nhất để tồn tại và phát triển. Ngay từ khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật cũng đã thường xuyên nhắc nhở chư tăng phải luôn biết sống trong tinh thần hòa kính này. Những chuyện kể về Lục quần tỳ-kheo vào thời Phật còn tại thế cho chúng ta biết được rằng chính vì họ không giữ theo tinh thần hòa kính trong Tăng đoàn nên mới thường xuyên phạm vào những điều sai trái,là nguyên nhân khiến đức Phật phải chế định rất nhiều điều giới.
Ba phẩm tính đầu tiên của Lục hòa kính đề cập đến ba phạm trù tổng quát là thân, khẩu, ý, bao gồm thân hòa cộng trú (身和共住), khẩu hòa vô tranh(口和無諍) và ý hòa đồng sự (意和同事).Nói theo cách dễ hiểu nhất, thân hòa cộng trú là cùng sống chung hòa hợp, khẩu hòa vô tranh là lời nói hòa hợp không tranh cãi, và ý hòa đồng sự là hòa hợp ý kiến để cùng nhau thực hiện công việc. Như vậy, với ba phẩm tính đầu tiên này, chúng ta đã có thể làm cho một tập thể trở nên hòa hợp và tránh xa được những sự tranh cãi, bất hòa, cùng thống nhất ý kiến trong những công việc chung của tập thể đó.
Nhìn chung, ba phẩm tính này có thể xem như là mục tiêu mong muốn đạt được của mọi đoàn thể. Nhưng làm thế nào để đạt được những mục tiêu tốt đẹp này? Hẳn nhiên không thể chỉ đơn giản đề ra là có thể đạt được, cho dù mỗi người chúng ta đều rất muốn như vậy. Vì thế, giáo pháp Lục hòa kính nêu lên ba nguyên tắc, có thể xem là những phương thức để đạt đến các mục tiêu trên. Những nguyên tắc này bao gồm giới hòa đồng tu (戒和同修), kiến hòa đồng giải (見和同解) và lợi hòa đồng quân (利和同均).
Giới hòa đồng tu nghĩa là cùng nhau tu tập trong tinh thần của giới luật, cùng nghiêm trì giới luật. Giới luật là chuẩn mực chung của mọi người con Phật, bất kể đó là hàng đệ tử xuất gia hay tại gia. Cư sĩ có giới luật của cư sĩ, đó là Năm giới. Chư tăng có giới luật của chư tăng, đó là Đại giới tỳ-kheo hay Cụ túc giới. Khi mọi người trong tập thể đều nghiêm giữ theo tinh thần giới luật giống như nhau, những hành vi, lời nói và ý tưởng xấu ác đều sẽ bị ngăn chặn, và những điều tốt đẹp đều có cơ hội được phát huy. Đây chính là môi trường lý tưởng để ba phẩm tính thân hòa cộng trúkhẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sựcó thể phát triển dễ dàng.
Hơn thế nữa, những giới luật của hàng xuất gia và tại gia như vừa nhắc đến bên trên đều là những giới “tận hình thọ” (盡形壽), nghĩa là được phát nguyện thọ nhận suốt đời, không có thời điểm chấm dứt, trừ phi người thọ giới cảm thấy không thể thọ trì được nữa và xin xả giới. Vì thế, nguyên tắc giới hòa đồng tu có thể xem là một nguyên tắc quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, bởi nó giúp thiết lập một nền tảng chung cho tất cả những người cùng phát nguyện thọ giới giống nhau.Dựa trên căn bản này, nếu bất kỳ thành viên nào trong tổ chức không thực sự nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ nhận thì đó chính là đi ngược lại với nguyên tắc giới hòa đồng tu. Và thiếu đi yếu tố giới hòa đồng tu thì tất nhiên không thể phát huy được hiệu quả của Lục hòa kính như mong muốn.
Kiến hòa đồng giải có thể hiểu nôm na là sự chia sẻ tri thức giữa tất cả mọi người trong một tập thể. Tri thức là vốn quý được tích lũy và phát triển hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Sự chênh lệchtri thức thường có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảm giác xa lạ, ít gần gũi trong một tập thể, bởi những người thua kém thường mang mặc cảm, trong khi những người vượt trội thường có khuynh hướng phát triển sự cao ngạo. Chính vì vậy, nguyên tắc kiến hòa đồng giải giúp mọi người đến gần nhau hơn, xóa bỏ dần sự cách biệt và nhất là mang lại lợi ích chung cho tập thể. Theo các luận giải xưa thì kiến hòa đồng giải thường được hiểu là sự hòa hợp nhờ có chung một nền tảng tri kiến, đó là cách nhận thức về mọi vấn đề đúng thật như lời Phật dạy. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể hiểu sự hòa hợp về tri kiến ở đây như là sự chia sẻ và trao đổi, thảo luận một cách cởi mở để cùng nhau đạt đến một nền tảng hiểu biết chung, một nhận thức chung.
Lợi hòa đồng quân được hiểu là sự chia đều những lợi lạc có được, ở đây hàm ý những nguồn lợi về vật chất. Chúng ta đều biết, sự phân chia không đồng đều về lợi nhuận rất thường là nguyên nhân chính gây bất hòa và chia rẽ trong mọi tổ chức. Khi những thành viên trong tổ chức cảm thấy không hài lòng, cảm thấy mình bị đối xử bất công do không được phân chia lợi nhuận hợp lý, phản ứng của họ thường là sẽ dẫn đến sự chia rẽ, tan rã. Chính vì vậy mà ngay cả trong Tăng đoàn đức Phật cũng vẫn đề ra nguyên tắc này để ngăn chặn từ đầu nguyên nhân gây chia rẽ. Lợi hòa đồng quân hướng đến sự sống chung hòa hợp với tất cả nguồn lợi luôn được chia đều cho mọi thành viên trong tổ chức. Nguyên tắc này thể hiện sự bình đẳng và đối trị với tâm tham lam vốn có của mỗi người, nuôi dưỡng sự quan tâm chia sẻ cùng nhau trong cùng đoàn thể.
Với ba nguyên tắc giới hòa đồng tukiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân,mọi thành viên trong tổ chức sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường tốt đẹp và lý tưởng để phát triển ba phẩm tính mong muốn là thân hòa cộng trúkhẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sự.  Như vậy, sự kết hợp vận dụng Lục hòa kính chính là phương thức cụ thể và khả thi để giúp hoàn thiện và phát triển GĐPT. Bằng vào tính sáng tạo của các anh chị trưởng, chúng ta chắc chắn có thể vận dụng theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng Gia Đình.Bằng cách sử dụng Lục hòa kính như những nguyên tắc chủ đạo, mọi phương thức được vận dụng phù hợp với các nguyên tắc này chắc chắn đều sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Ngoài ra, khi nhìn lại môi trường sinh hoạt trong mỗi một Gia Đình, dựa trên những tiêu chí của Lục hòa kính như vừa được nêu trên, chúng ta cũng có thể tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu hay hoạt động kém hiệu quả. Bởi vì, có thể nói hầu hết những nguyên nhânđó đều là do không phù hợp với các nguyên tắc Lục hòa kính.
Việc vận dụng Lục hòa kínhsẽ tạo ra một môi trường hòa hợp và phát triển cho GĐPT.Tuy nhiên, yêu cầu dẫn dắt, hướng dẫn các em còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Vì vậy, chúng ta cần đề cập thêm đến những phẩm tính cần thiết mà người anh chị trưởng cần phải có để có thể thành công trong việc dẫn dắt các em. Các phẩm tính này thường được đức Phật nhắc đến trong nhiều kinh điển với tên gọi là Tứ nhiếp pháp,và thường được hiểu như là bốn phương pháp nhiếp phụclòng người. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là những phương pháp có thể giúp các anh chị trưởng đạt được sự đồng thuận, ủng hộ từ các em, để các em chấp nhận đi theo sự dẫn dắt của mình.
Tứ nhiếp pháp bao gồm bốn phạm trù là bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.
Bố thí nên được hiểu theo nghĩa rộng là chia sẻ vô điều kiện những giá trị thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác.Những giá trị đó có thể là vật chất, nhưng cũng có thể là những giá trị thuộc về tinh thần hay tri thức. Vì vậy, trong Phật pháp thường nói đến các loại bố thí như tài thí (chia sẻ tài vật), pháp thí (chia sẻ hiểu biết về giáo pháp) và vô úy thí (tạo ra sự che chở, bảo vệ hoặc trấn an, giúp người khác không còn sợ sệt).Thực hiện một trong những sự chia sẻ, giúp đỡ này thì đều gọi chung là bố thí. Trong tâmlý giao tiếp thông thường, người nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ người khác luôn khởi sinh một ấn tượng, tình cảm tốt đẹp và gần gũi hơn với người đã giúp mình. Đây chính là ý nghĩa vận dụng thiết thực của bố thí nhiếp, nghĩa là sử dụng hành vi bố thí, chia sẻ như một phương tiện để thu phục lòng người.
Ái ngữ là sự tỉnh giác trong lời nói, ngôn từ, luôn chú ý chọn lựa cách diễn đạt hiền hòa, từ ái và thích hợp để không gây tổn thương cho người khác. Người thực hành ái ngữ dễ dàng chiếm được tình cảm từ người khác, bởi tâm lý rất thông thường là bất cứ ai cũng thích được nghe những lời hòa ái, êm dịu. Đây cũng chính là ái ngữ nhiếp trong ý nghĩa là sử dụng ái ngữ như một phương tiện thu phục lòng người.
Lợi hành có nghĩa là làm những việc mang lại lợi ích cho người khác, hay nói đơn giản hơn là những hành vi lợi tha. Khi sự có mặt của chúng ta trong một tập thể luôn mang lại lợi ích cho người khác bằng những nỗ lực hành vi thiết thực và cụ thể, thì việc người khác chấp nhận nghe theo sự dẫn dắt của chúng ta cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Trong ý nghĩa này, khi người anh chị trưởng luôn tâm niệm thực hiện lợi hành nhiếp, chắc chắn sẽ dễ dàng chiếm được tình cảm và sự đồng thuận từ các em.
Đồng sự có thể hiểu đơn giản là cùng nhau làm việc. Tuy nhiên, trong đồng sự nhiếp thì hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận cùng làm hết thảy mọi việc với các em, mà sự hợp tác, cùng làm chung này luôn phải có ý nghĩa dẫn dắt các em theo về con đường tiến bộ, hay nói khác hơn là một cách “đồng sự” có chọn lọc. Và trong một ý nghĩa khác, việc thực hành “đồng sự” chính là để giúp chúng ta gần gũi với các em hơn, thấu hiểu được những suy nghĩ và mong muốn của các em, từ đó mới có thể có sự hướng dẫn thích hợp. Một người hướng dẫn chỉ biết đưa ra những mệnh lệnh, chỉ dẫn về mặt lý thuyết mà không gần gũi, không chung tay thực hiện cùng các em thì không thể nào tạo ra được sự gắn bó tình cảm cũng như sự dẫn dắt có hiệu quả.
Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự là bốn phương thức được sử dụng để chinh phục lòng người, nhưng cũng chính là bốn pháp tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng việc tu dưỡng tự thân luôn được xem là yếu tố quyết định trước khi có thể dẫn dắt người khác. Sự giáo dục bằng chính hành vi tự thân của mình, hay thân giáo, bao giờ cũng là phương thức hiệu quả nhất.
III. KẾT LUẬN
Sự thay đổi hoàn thiện của bất kỳ một tổ chức nào cũng đều phải bắt đầu từ nỗ lực vươn lên của mỗi một thành viên trong tổ chức ấy. Không một phép mầu nào có thể giúp chúng ta đạt được những thành quả mong muốn mà không cần đến sự chung tay xây dựng của tất cả mọi người. GĐPT trước hết là một tổ chức tập hợp của những người con Phật, những người đã sẵn có tâm nguyện đi theo con đường tu dưỡng và hướng thiện do đức Phật khai sáng. Đây là một ưu điểm rất lớn mà không một tổ chức, đoàn thể nào khác có được. Do đó, mọi nỗ lực kiện toàn hay thúc đẩy sinh hoạt của GĐPT đều không thể xa rời lời Phật dạy. Trong ý nghĩa đó, những phẩm tính và phương thức được đề cập đến trong tham luận này không nhằm vạch ra những bước đi hay biện pháp cụ thể cho từng GĐPT, nhưng có thể xem là những nguyên tắc chung vô cùng khái quát dựa trên lời Phật dạy. Vì thế, cho dù chúng ta có vận dụng bất kỳ giải pháp cụ thể nào cũng sẽ không đi ra ngoài những khuynh hướng đó. Một cách tổng quát, có thể tóm gọn thành các nguyên tắc chính sau đây.
Thứ nhất, nguyên tắc thân giáo đòi hỏi sự tu dưỡng tự thân của mỗi người là điểm khởi đầu trước nhất. Bất kỳ ai muốn đứng ra dẫn dắt người khác thì trước hết cũng đều phải tự tu dưỡng hoàn thiện bản thân mình. Trước khi làm một ngọn đuốc soi đường cho tha nhân, bản thân chúng ta phải có khả năng tự tỏa sáng để soi đường cho chính mình.
Thứ hai, nguyên tắc tự lợi lợi tha đòi hỏi bất kỳ giải pháp hay hành động nào cũng phải mang lại lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho tha nhân. Sự tu tập đúng hướng trong Phật pháp luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác. Nếu một pháp tu nào mang lợi lạc cho người khác nhưng gây tổn hại đến bản thân người tu tập thì nhất thiết phải xem xét lại, vì đó không thể là Chánh pháp theo lời Phật dạy.Bởi vì mọi nỗ lực đúng Chánh pháp sẽ luôn luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác.
Cuối cùng, cho dù những lời dạy của đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ, nhưng thực tế đã chứng minh Giáo pháp của ngài vẫn giữ nguyên tính chính xác và lợi lạc khi được vận dụng vào thời đại hiện nay. Dù vậy, để có thể thực sự phát huy được những lợi lạc từ lời dạy của đức Phật, chúng ta cũng cần phải biết vận dụng khéo léo sao cho phù hợp với những điều kiện thực tế của thời hiện đại. Nói cách khác, cho dù về mặt nguyên tắc thì Giáo pháp vẫn không thay đổi, nhưng trong sự thực hành vận dụng vào từng hoàn cảnh thực tế hiện nay, chúng ta nhất thiết phải cần đến tính sáng tạo và sự linh hoạt thích nghi. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thì đây là nguyên tắc tùy duyên bất biến. Và chính nguyên tắc này sẽ giúp mỗi người chúng ta vận dụng khéo léo những lời Phật dạy vào trong từng trường hợp cụ thể, mang lại lợi ích cho chính bản thân ta và mọi người quanh ta.
Khi nêu ra những nguyên tắc như trên qua tham luận này, người viết mong rằng có thể đóng góp phần nào theo hướng tìm tòi và xây dựng nên những phương thức hoạt động mới từ những chất liệu xưa nhưng không cũ. Thực trạng và những vấn đề cần giải quyết của hôm nay quả thật không dễ dàng, nhưng tôi tin chắc rằng với niềm tin chân chánh và nỗ lực tu tập đúng hướng, các anh chị trưởng hiện nay sẽ tìm được những phương cách hoạt động thích hợp để duy trì và phát triển GĐPT. Mặt khác, mong rằng trên tinh thần tự giác giác tha, chư tăng trong Giáo Hội sẽ tiếp tục là những ngọn đuốc sáng soi đường dẫn dắt và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho GĐPT.