Tuesday, May 5, 2020

Thích Phước An: Về Những Bậc Thầy Của Phật Giáo Việt Nam Hiện Đại

Ảnh: Hòa thượng Thích Phước An - St từ nhà Sư An Trú



Có những cái chết mà dù đã cách xa thời đại chúng ta đến những 6 thế kỷ rồi, vậy mà cứ mỗi lần nhắc đến là trong mỗi người chúng ta dường như vẫn còn đau đớn xót xa, và ta có cảm giác rằng, nỗi đau đớn đó vẫn còn đọng lại cả trên những dòng sông, rặng núi, và cả trên những nẻo đường heo hút của quê hương đất nước nữa. Tôi muốn nói đến cái chết của bậc đại anh hùng Nguyễn Trãi chẳng hạn, cái chết mà Đào Duy Anh đã viết là:
“Và cái ngày đau xót không những cho Nguyễn Trãi mà còn cho cả dân tộc nữa, là ngày 16 tháng 08 năm 1442. Nguyễn Trãi đã rụng đầu dưới lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội mà chính ông đã chiến đấu gian khổ để dựng lên”. (Nguyễn Trãi toàn tập, trang 22, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976)
Cũng vậy, có những cuộc ra đi mà kẻ ra đi phải gánh lên đôi vai gầy yếu của mình tất cả sự thống khổ và phân ly của đạo pháp và dân tộc. Đó là chuyến ra đi của Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ vào năm 1982. Tôi có phóng đại qúa không? Mười năm sau chuyến ra đi lịch sử đó (1982-1992), đọc những dòng sau đây của Hòa Thượng Quảng Độ, tôi mới thấy rằng những tưởng tượng của tôi không hề sai sự thật:
“… Nhìn xuống bãi biển, thấy những đợt sóng trắng xóa cuồn cuộn vỗ vào bờ ầm ầm, tôi có cảm tưởng như những tiếng gào thét của những oan hồn người vượt biển chết đuối từ lòng đại dương vọng về; Phía trên đèo thì những đám mây dày đặc bao phủ mịt mù, thật là tiêu điều ảm đạm. Tôi bèn ghi lại cảnh-tượng ấy bằng mấy câu thơ:” 
Đạo pháp tiêu điều lòng thổn thức
Giang sơn ảm đạm dạ bồn chồn
Vân Hải chiều nay sầu Tô Tử
Đường dài mang nặng nỗi hàn ôn”.
Và đây là cảnh phải chia biệt với người thân ngay trên quê hương đất nước của chính mình:
“Đêm 26.2.1982, chúng tôi ngủ ngay tại ty Công An Quy-Nhơn. Sáng dậy, như ngày hôm trước ở Nha Trang, có khác là khi tôi lên xe đi thì thấy TT. Huyền Quang còn ngồi lại ở văn phòng ty Công An, chỉ có một mình tôi đi thôi. Tôi nghĩ bụng, chắc họ sẽ để Thượng Tọa lại, vì đây là tỉnh quê nhà của Thượng Tọa. Còn tôi chắc là họ sẽ đưa ra Thái Bình là tỉnh quê nhà của tôi. Một cảm giác cô đơn và xót xa len lén trong lòng tôi, vì từ nay, chúng tôi phải cách xa nhau, kẻ Bắc người Nam, cũng như hàng triệu gia đình Việt Nam đã phải lìa tan sau năm 1954 và 1975. Không biết bao giờ mới lại được gặp nhau. Thật vậy, cho đến nay đã đúng 10 năm (1982 -1992) chúng tôi vẫn chưa được gặp nhau. Ôi! Tử biệt sanh ly!”
Năm 1991, gần đúng 10 năm sau chuyến ra đi của hai bậc Thầy đó, tôi cũng có viết một bài về Thiền Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, người đã phải miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử đã bắt đầu đến hồi suy yếu, sau gần thế kỷ cực thịnh (Bài này đã được đăng trong Tạp Chí Văn Học của Viện Văn Học (Hà Nội), số 4 năm 1992, với nhan đề là “Thiền Sư Huyền quang và con đường trầm lặng của mùa thu”, sau đó được tờ “Etudes Vienamiennes” dịch ra tiếng Anh và Pháp số 2 năm 1993) Dù là viết về một Thiền Sư cách đây đã hơn 7 thế kỷ, nhưng tôi cũng nhân cơ hội này để nói lên một chút tâm sự đau đớn của-tôi đối với Phật Giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là, bài viết cũng hàm ý nói lên niềm hảnh diện của tôi đối với hai bậc Thầy đang dánh chịu khổ nạn cho Phật Giáo Việt Nam và tôi muốn nhấn mạnh rằng, thông điệp thực sự mà Phật giáo cần mang đến không phải là tại những nơi giàu sang hay quyền thế, mà phải là những nơi khác – Ví dụ đoạn sau đây:
“Huyền Quang dù bấy giờ đã là người đứng đầu Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử vẫn không đến ở và làm việc tại chùa Quỳnh Lâm và Báo Ân, như Pháp Loa trước đó đã làm. Trái lại, Huyền Quang về ẩn cư luôn ở núi Thanh Mai và Côn Sơn cho đến khi mất, bởi lẽ đọc lại các sử liệu ta thấy rằng, Quỳnh Lâm và Báo Ân là những chùa qúa giàu có, vì được sự hổ trợ tích cực của Vương triều Trần”. Và tôi đã đặt câu hỏi: “Có phải Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua? Và đồng thời – muốn vạch một hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng? Vì với những người đang theo đuổi giấc mộng giải thoát, thì núi rừng và những con đường mịt mù đầy các bụi xa xôi kia mới là chỗ tới lui đích thực của đời mình”.
Tôi không ngờ những câu như: “Phải chăng Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua, và đồng thời muốn vạch hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng?” thì năm 1992, năm mà nói theo Phạm Công Thiện thì: “Hậu thân của ngài Huyền Quang đã oanh liệt chong đèn Bát Nhã để mở ra hướng đi định phận của Quê Hương”. Cũng trong bài ấy, bài “Hòa Thượng Huyền Quang và ý thức dẫn đạo dân tộc”, Phạm Công Thiện viết một cách cảm động như thế này:
“Đứng trơ trụi, cô độc, già nua tuổi tác, hơn 73 tuổi, Ngài đã đương đầu trước cái chết, không một mảy may sợ hãi, như như bất động, nói lên lời cáo trạng oanh liệt nhất; hành động phi thường chưa từng thấy ấy, phải chăng là tiên triệu bất ngờ cho cuộc hồi sinh dân tộc…”
Như vậy, rõ ràng là sức mạnh tâm linh mà tự bao đời Phật giáo có được đều không xuất phát từ những nơi có chùa to phật – lớn, nơi kẻ quyền thế và giàu sang ra vào tấp nập, nói đang say sưa sa vào con đường lợi dưỡng – mà sức mạnh tâm linh đó phải phát xuất từ những nơi đầy các bụi của trần gian, nghĩa là những nơi mà Phật giáo có thể dễ dàng lắng nghe được tiếng thở dài của vạn sinh linh thống khổ.
Tôi vốn sanh trưởng ở Bình Định, nơi mà vào năm 1665, Thiền sư Nguyên Thiều của Trung Quốc đã đến và lập ra chùa Thập Tháp Di Đà. Và từ đấy, Bình Định đã trở thành trung tâm Phật giáo quang trọng nhất của Phật giáo đàng trong thời bấy giờ. Quan trọng hơn nữa là vào năm 1753, Nguyễn Huệ đã chào đời tại một ngôi nhà tranh nghèo khổ bên dòng sông Côn (quận Tây Sơn). Nhưng chính ngôi nhà tranh nghèo khổ này đã cống hiến được cho đất nước một thiên tài xuất chúng. Năm 1786, sau khi đánh đuổi chúa Nguyễn ở đàng trong, Nguyễn Huệ ra chiếm Thuận Hóa rồi vượt qua sông Gianh tiến thẳng ra Thăng Long lật đổ chúa Trịnh chấm dứt 200 năm đất nước bị qua phân. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ lại còn đánh tan 29 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về cùng với sự hỗ trợ của Nguyễn Ánh trong Nam, chỉ trong năm ngày. Dù trăm trận trăm thắng trên chiến trường như vậy,nhưng đối với các nhà trí thức của dân tộc Nguyễn Huệ hết sức khiêm cung và nhất là thành thực. Trong một lá thư gửi cho La Sơn Phu Tử, một nhà trí thức nổi tiếng nhất của Bắc Hà thời bấy giờ – Nguyễn Huệ viết: “Anh em qủa Đức, nguyên chỉ tró trụi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở Tây Sơn. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây được nghiệp bá”. Và trong một đoạn khác, cũng gửi cho La Sơn Phu Tử: “Vả chăng, qủa Đức sanh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế này, bất đắc dĩ phải khởi binh”.
Chính vì vậy mà, ngoài việc được ca tụng là bậc anh hùng võ công đệ nhất, Nguyễn Huệ lại còn được các nhà sử học coi như là người biết tôn trọng những bậc tài hoa của đất nước, có thể nói là số một trong lịch sử của dân tộc ta.
Vậy là, Bình Định cũng đã trở thành trung tâm chính trị của đất nước vào hậu bán thế kỷ 18 nữa.
Hòa Thượng Huyền Quang cũng sanh ở Bình Định. Ngài rất ý thức về mảnh đất mà Ngài đã chào đời, như bốn câu mà Ngài đã tự phát họa chân dung của chính Ngài:
“Nguyên Thiều Pháp Duệ
Nguyễn Huệ nhân dân
Tình đồng chơn cát ái từ thân
Sức chánh tín bạt trần đầu giáo”.
Tôi nghĩ, dường như hầu hết những người sinh ra từ những nơi làm ruộng, quanh năm suốt tháng họ chỉ lo cày sâu cuốc bẩm, nên gần như không hề biết khoa trương hay dùng những lời hoa mỹ để nói về chính mình. Nếu có nói về bản thân, thì cũng chỉ nói lên những hèn yếu và nhược điểm về chính mình mà thôi – Hòa Thượng Huyền Quang có hai câu thơ về mình như thế này:
“Lên rừng hổ thẹn thua chim núi
Xuống nước than thân hổ cá sông”.
Có lẽ, không phải tài hoa hay uyên bác, mà chính nhờ đức tình biết hổ thẹn và thành thực với chính mình này, mà Hòa Thượng Huyền Quang đã đưa Phật giáo Việt Nam vượt qua được khúc quanh hiểm nghèo nhất, để Phật giáo Việt Nam có đủ niềm tự hào mà cùng với dân tộc và nhân loại bước vào thế kỷ 21 chăng?
Vào một ngày cuối năm, tôi đến hầu thăm Ngài trong một ngôi chùa nhỏ tại một thị trấn hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu biến cố thăng trầm của Phật giáo Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, dường như vẫn còn in hằn trên nét mặt già nua vì tuổi tác cùng mái tóc bạc trắng của Ngài. Dù có già nua tuổi tác, nhưng tấm lòng đối với Phật giáo Việt Nam, đối với quê hương đất nước vẫn nồng nàn như ngày nào:
“Chim đứng nhìn xem trời đất chuyển
Chờ ngày vỗ cánh khắp trường không”.
Trên đường trở về, tôi cứ đọc mãi hai câu thơ ấy của Ngài với tất cả nỗi xúc động và hãnh diện vì có những bậc Thầy đang lặng lẽ hy sinh quên mình vì tương lai của đạo pháp và dân tộc.
Nha Trang, tháng 12 năm 1997.
Đọc thêm: THÔNG ĐIỆP HƯỚNG VỀ THẾ KỶ XXI của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất: https://uyennguyen.net/…/thich-huyen-quang-thong-diep-huon…/


CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG


CHÚC NGUYỆN THƯ
PHẬT ĐẢN 2564


NAM-MÔ LÂM-TÌ-NI VIÊN VÔ ƯU THỌ HẠ THỊ HIỆN ĐẢN SINH THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Ngưỡng bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già,

       Trận đại dịch đang gieo rắc hoang mang và kinh sợ cho toàn thể nhân loại, đang làm đảo lộn trật tự thế giới, thách thức trí năng và quyền lực của con người trong một vũ trụ bao la và trong những thế giới cực kỳ vi tế; trong cơn khủng hoàng toàn cầu này, Phật tử Việt Nam, mùa Phật đản năm nay, cúng dường ngày Đức Thích Tôn giáng đản bằng những công đức gom góp hằng ngày trong ánh sáng soi đường hành đạo bằng từ bi và trí tuệ của Đấng Đại Giác, để cùng chia sẻ đau khổ chung của dân tộc và nhân loại, cầu nguyện kẻ trí cũng như người ngu, từ những kẻ quyền lực tột đỉnh cho đến những hạng cùng đinh khốn khổ, thức tỉnh trước thảm họa nhân sinh này mà nhận thấy rõ nguyên nhân chân thật của khổ và con đường diệt khổ. Chính trong hiện thực thống khổ này, người Phật tử dâng hoa cúng Phật, tư duy chiêm nghiệm chân lý hiện thực trong lời dạy của Đức Thế Tôn, chân lý ấy hiện thực suốt mọi thời gian và không gian, cảnh báo sự diệt vong của loài người báo hiệu bằng tai họa ôn dịch, nạn đói, và đao binh trong chu kỳ thành-trụ-hoại-không của vũ trụ: "Những kẻ kia không biết rằng nơi đây ta sẽ bị hủy diệt nên phí công tranh chấp hơn thua."

        Đấu tranh sinh tồn bằng bạo lực là quy luật của một bộ phận chúng sinh trong Dục giới. Mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng đệ tử Phật sẽ dẫn đến sự tan vỡ của khối hòa hiệp Tăng-già, là nguyên nhân khiến Chánh pháp bị lu mờ và cuối cùng biến mất trong bóng tối của điên đảo vọng tưởng.

        Trước mùa xuân Canh Tý, Phật giáo Việt Nam bị mất đi bóng cây cổ thụ đã từng làm nên lịch sử của Đạo Pháp trong lòng Dân tộc. Sau mùa xuân Canh Tý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lại mất đi thạch trụ kiên cường tiêu biêu phẩm đức vô úy của bậc xuất trần thượng sỹ, nêu cao ngọn đèn Chánh pháp không dao động trước sóng gió của hư danh và lợi dưỡng, không khuất phục trước bạo lực cường quyền. Đức Đệ Ngũ Tăng Thống khuất bóng, Phật giáo Việt Nam không còn đồng vọng dư âm những lời cảnh sách chúng đệ tử trước cám dỗ của thế lợi phù hoa, nhắc nhở kẻ sĩ không vì lợi lộc hư vinh mà bẻ cong ngòi bút.

        Sự viên tịch của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN đã để lại khoảng trống lớn lao trong Giáo Hội. Những năm cuối cùng tại thế, Ngài đã đơn thân, bằng những phương tiện khả thi, hóa giải những mâu thuẫn tế toái trong các chúng đệ tử. Nhưng trong một đất nước hòa bình đã trên nữa thế kỷ, mà ngọn lửa hận thù dân tộc chưa được dập tắt, pháp hữu lậu thế tục đã khơi dậy hoài nghi và đố kỵ, những phiền não vụn vặt có nguy cơ làm rạn nứt khối hòa hiệp Tăng. Trong những năm tháng cuối đời, Đức Tăng Thống đã ban hành quyết định ngưng mọi hoạt động của Viện Hóa Đạo, chỉ còn một mình Ngài đứng đầu Viện Tăng Thống, và đã viết nhiều Tâm thư kêu gọi cộng đồng đệ tử hòa hiệp. Trong khi Tăng-già chưa hòa hiệp trọn vẹn, dù trong ngôi vị Tăng Thống, đứng đầu Giáo Hội, Ngài cũng không thể đề nghị một vị nào kham năng kế thừa vai trò lãnh đạo tối cao, thay vào đó, Ngài quyết định ủy thác người tin tưởng trao nhiệm vụ bảo trì ấn tín của Giáo Hội, làm tín hiệu châu tri sinh mệnh Giáo Hội vẫn tồn tại, mạng mạch Chánh pháp vẫn được duy trì, cho đến khi hội đủ thuận duyên, thỉnh cầu Chư tôn Trưởng Lão hòa hiệp suy cử chư tôn đức tái lập và kiện toàn Hội đồng Lưỡng Viện, kế thừa sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, vì lợi ích và an lạc của các cộng đồng đệ tử trong cộng đồng dân tộc.

         Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,

       Khâm thừa ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi tự xét bản thân, lão lai tài tận, đức mỏng chướng dày, khó có thể đơn độc chu toàn sứ mệnh cao cả ấy trong muôn một. Vậy nên, cúi đầu kính lễ Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại đức thanh tịnh Tăng-già, vì sự nghiệp tu trì Chánh Đạo, vì an lạc của muôn dân đang chìm đắm trong dòng khổ lụy nhân sinh, thỉnh cầu Chư Tôn vận tâm bình đẳng, y Luật hành trì, thể hiện bản thệ thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già, nêu cao ngọn đèn Chánh Pháp trong một thế giới tối tăm nguy hiểm vì những tham sân điên đảo. Bằng tâm nguyện chí thành khẩn thiết này, cầu nguyện chúng đệ tử Phật, trong mùa Phật đản 2564 này, nhiếp tâm thanh tịnh lắng nghe đồng vọng trong hư không Pháp âm vi diệu hân hoan đón mừng Đức Thích Tôn thị hiện đản sinh:
  Hạnh phúc thay Chư Phật xuất thế.
Hạnh phúc thay Chánh pháp tuyên dương.
Hạnh phúc thay Tăng-già hòa hiệp.
Hạnh phúc thay bốn chúng đồng tu.

       Ngưỡng nguyện Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại Đức thanh tịnh Tăng-già, đồng chứng tri.
Phật lịch 2564.
Mùa Phật đản tháng Tư, năm Canh Tý
Khâm thừa ủy thác,


Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
__________________
Nguồn văn bản: HT Thích Nguyên Lý.

Monday, May 4, 2020

Trịnh Thanh Thủy: Khi Người Ở Tuyến Đầu Chống Covid-19 Ngã Ngựa

Xem ở đây

Cái chết của nữ bác sĩ Lorna Breen, 49 tuổi, một giám đốc của khu cấp cứu trong bệnh viện Presbyterian Allen Hospital ở Inwood, New York đã gây rúng động và xót xa cho toàn nước Mỹ. Cô là người đứng trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 bị nhiễm dịch, khởi bệnh và trở lại làm việc sau khi hồi phục, nhưng được bệnh viện cho về nhà nghỉ ngơi và cô đã tự tử chết tại nhà. Cha mẹ cô đều là bác sĩ y khoa, cha cô nói với giới truyền thông New York trong giọng nghẹn ngào, "Con tôi đã cố gắng tận sức, nhưng bệnh dịch đã giết cô, Lorna Breen không có tiền sử bệnh tâm thần.  Tuy nhiên trong lần tâm sự cuối cùng cô đã nói với tôi rằng, thật là kinh khủng khi phải liên tục theo dõi bệnh nhân truyền nhiễm bị tử vong, thậm chí cả một số bị chết trước khi họ được đưa ra khỏi xe cứu thương." Ông thêm "Lorna được hiểu theo nghĩa của một anh hùng như nhiều anh hùng đang đứng ở đầu chiến tuyến, người đã hiến mạng sống cho bạn bè và thành phố của họ". 
Thật vậy, dù cô đầu hàng bệnh dịch trong tuyệt vọng với một thái độ tiêu cực là kết liễu đời mình. Cô đã là một vị tướng đau khổ và có trái tim tổn thương khi thấy những bệnh nhân quằn quại, đau đớn hớp từng hơi thở khó nhọc như những con cá mắc cạn thiếu oxy khi bị dạt lên bờ. Cô đã từng bị nhiễm, trải qua những giờ phút cơ thể của chính cô chống chỏi tận lực với tử thần để giành lại quyền sống. Thể lực và sức khoẻ của cô đã chiến thắng con bệnh nhưng tâm thần cô bị tổn thương và kiệt sức sau những ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ với trách nhiệm đè nặng trên vai của một giám đốc khu cấp cứu. Em gái cô tiết lộ " Cô đã làm việc liên tục 12 tiếng 1 ngày, hết 12 tiếng khi thấy mọi người còn ở đó làm việc, cô lại lao vào giúp họ, cô bảo chung quanh cô, người bệnh khắp nơi, như ngày tận thế đã đến." Em gái cô đã khuyên can cô dừng làm việc, ngủ và nghỉ nhưng cô và các nhân viên y tế đã trả lời rằng " Chúng tôi phải can đảm, phải mạnh mẽ, chúng tôi không thể để người ta nghĩ rằng chúng tôi đang chịu đựng nhọc nhằn khổ sở, dù chúng tôi phải đối đầu với mọi khó khăn"
Quả vậy tất cả họ, những người đứng đầu cuộc chiến như các vị tướng lúc nào cũng phải can đảm làm gương và hy sinh vô điều kiện để dành lại không những mạng sống cho người khác mà còn cả niềm tin chiến thắng tên ác quỷ tử thần nữa. Tuy nhiên, đằng sau những gồng mình mà họ phải chịu đựng, có những mặt trái của sự thật được phơi bày hay dấu kín đã làm tiêu hao tinh thần chiến đấu của họ. Tôi xin liệt kê dưới đây  để bạn đọc thấy được phần nào các vấn đề đã đưa tới sự tự tử của họ. Những nguyên nhân phức tạp này có tác dụng như tiếng sáo Trương Lương áo não làm đứt ruột đứt gan người nghe, mà buông giáo quy hàng. Tiếng sáo đoạn trường đã làm cho 1.000 quân sĩ còn lại của Hạng Võ nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vợ con, bỏ quân ngũ trốn biệt giữa đêm khuya. 
Những cái chết quá nhiều của những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế bị lây nhiễm cũng là một khủng bố tâm thần cho các người lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch. Con số người chết trong hàng ngũ này được báo cáo nỗi nơi một khác, theo từng ngày từng giờ cứ tăng dần. Tôi chỉ xin ghi lại 1 ít mà tôi lượm lặt ở vài nơi và dĩ nhiên từ những nguồn tin đáng tin cậy nhưng chắc chắn là không chính xác vì có nhiều cái chết chưa kịp báo cáo và chưa có một kiểm kê nào đưa ra chính thức. 
Từ tháng 2 cho tới 9 tháng 4, 2020 đã có hơn 151 bác sĩ Ý đã thiệt mạng theo The FNOMCeO Health Association.. Ở Phi, có khoảng 9 bác sĩ vào tháng 4, 2020. Theo báo Guardian, Anh Quốc tiết lộ, có khoảng 400 nhân viên y tế và hàng tá bác sĩ qua đời vì dịch. Trong đó 9 bác sĩ là người nước ngoài di dân. Ở Mỹ, theo CDC, tới April 9, 20 thì có khoảng 27 nhân viên y tế thiệt mạng, 10 ngàn người nhiễm bệnh. Trong số đó cũng có bác sĩ và y tá người Việt. Ở Canada, một bác sĩ trẻ 44 tuổi, Đào Huy Hào cũng hy sinh trên trận tuyến. Toàn thế giới con số tử vong của các bác sĩ, y tá, và nhân viên y tế, có ít nhất là 5400 người.
Đội ngũ tướng lãnh thiếu thiết bị y khoa cứ bị nhiễm bệnh và chết dần dần. Những vị y sĩ chuyên ngành giỏi, nhiều kinh nghiệm lâu năm nhưng cao tuổi là những người bị lây nhiễm và dễ ra đi nhất, khiến giới y khoa mất đi nhiều nhân tài lỗi lạc. Hoa Kỳ đã thiếu bác sĩ, giờ càng thiếu bác sĩ nhiều hơn. Mà muốn đào tạo 1 bác sĩ đâu phải dễ. Học đã khó, tốn bao nhiêu công lao tiền của, chất xám, mà khi vào nội trú còn khó khăn hơn, luật lệ y tế của Mỹ lại vô cùng khắt khe. Nên ngay cả trong bệnh viện, trước khi có dịch, 1 bệnh nhân muốn gặp bác sĩ, phần lớn phải gặp phụ tá bác sĩ rồi khi nào bệnh nhiều mới được gặp bác sĩ. Ngược lại phải hẹn rất lâu mới gặp được bác sĩ. Sự thiếu thốn đã khiến người Mỹ cũng ngạc nhiên và thốt lên "Tại sao tôi thấy giờ bác sĩ toàn là người nước ngoài". Sự kỳ thị cũng xảy ra đối với các bệnh nhân bị bệnh dịch "Tôi không muốn gặp bác sĩ Tàu". Theo thống kê của US Work Force, có trên 41 ngàn  bác sĩ Ấn Độ đang hành nghề tại Mỹ, chiếm 5% tổng số y sĩ toàn quốc vào năm 2005. Dĩ nhiên con số đó tăng lên nhiều sau 15 năm. ngày nay, trong nhiều trung tâm y khoa HMO chúng ta thấy 75 % bác sĩ là người Ấn Độ. 
Cái chết của bác sĩ Lorna Breen đã cho thấy thế giới đang bắt đầu bước vào một cuộc khủng hoảng tâm thần. Trong một cuộc chiến ngắn hạn, tinh thần con người không dễ bị tổn thương, nhưng trong một cuộc chiến dài hạn, tinh thần chiến đấu của con người sẽ từ từ bị suy sụp, chán nản và tuyệt vọng khi chưa thấy được thuốc chủng ngừa là ánh sáng cuối đường hầm. Số tử vong ngày càng cao, dân chúng bị cách ly trong nhà như ở tù, đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách 6ft. Dân chúng Hoa Kỳ, từ sau nội chiến đến giờ ít khi nào phải trực tiếp sống trong cảnh chiến tranh, sợ hãi hay thiếu thốn, cực khổ. Phong tục của Tây Âu không bắt tay, ôm nhau tỏ tình thân gần gũi thì chào hỏi, cười nói thân mật. Ra đường họ không phải đeo khẩu trang ngoại trừ làm công việc cắt cỏ hay liên quan tới bụi bặm. Bây giờ, mấy tháng trời đại dịch, bị bức bối trong nhà, người già còn chịu đựng nổi chứ trẻ em và thanh thiếu niên quen năng động, đã cảm thấy muốn quậy phá, thoát ra và nổi điên. Những hoạt động để thư giãn tinh thần như thể thao, giải trí, hoà nhạc, gặp gỡ bè bạn cuối tuần hay hội họp ở các tụ điểm tôn giáo đã ăn sâu vào đầu óc con người như tập quán bỗng mất đi. Thêm vào tình hình kinh tế nguy ngập, suy thoái, thất nghiệp và nghèo đói đe doạ, người dân giờ như sống trên đống lửa. Tất cả dẫn đến nguy cơ bệnh tâm thần khiến có người tìm đến phương pháp giải thoát cuối cùng là tự tử. 
Đầu tiên là những người tự tử khi biết mình nhiễm bệnh dịch. Một người đàn ông giết bạn gái của mình trước rồi quay qua dùng súng tự tử vì biết cả hai nhiễm bệnh. Một cặp khác, vì lầm tưởng mình bị nhiễm đã tự tử trước khi kết quả thử nghiệm về là không bị nhiễm. Theo báo Tri-City Herald con số người chết vì tự tử ở Benton County, Washington, trong vòng 7 tuần tăng bất ngờ. Từ March 13 tới April 23 có 9 người tự tử chết nâng con số lên 14 người tử vong vì tự tử trong 1 năm tại đây. Đó là chưa kể có người nhảy lầu từ cao ốc hay ở ga xe điện ngầm ở New York hoặc từ Highway 395 ở Franklin County. 
Ngoài Hoa Kỳ, những nơi khác cũng có con số người tự tử tăng lên trong mùa Covid-19. Ở Ấn Độ, có 7 trường hợp tự tử trong vòng 100 giờ và số người dùng rượu để trấn an nỗi sợ hãi tăng vọt. Riêng Thái Lan vì cách ly, thương mại đóng cửa, mất việc, kinh tế suy thoái đã có 38 trường hợp tự tử được báo cáo đưa đến việc 28 người đã tử vong. Còn ở Vũ Hán số người chết vì đại dịch kể cả việc nhảy lầu tự tử không được báo cáo rõ ràng nên tôi không liệt kê vào đây xem như nó là ẩn số.
Trở lại trường hợp của các nhân viên y tế tự vẫn. Chúng ta ghi nhận ngày April, 24, 2020 một nhân viên y tế trẻ 23 tuổi John Mondello ở New York đã tự tử sau 3 tháng làm việc như 1 Emergency Medical Technician giữa mùa dịch. Hai ngày sau, BS Lorna Breen tự vẫn. Họ đã làm việc trong một môi trường y tế tồi tệ nhất của một ổ dịch. Nơi có trên 18 ngàn cái chết mà mỗi 3 phút lại có 1 người ra đi. Thật là kinh hoàng. Mặc dù họ đã được rèn luyện cho chính mình một chiếc áo giáp tinh thần cứng cỏi trước sự chết chóc. Đã vậy, nhân viên y tế còn bị người đời nhìn họ dưới con mắt kỳ thị. Bác sĩ Angela Vegas làm việc ở Mexico City kể khi cô ra khỏi bệnh viện liền thay ngay áo đời thường vì khi người dân nhận ra bạn là nhân viên y tế họ liền lánh xa, vì họ nghĩ bạn là người mang dịch bệnh. 
Ttong một bài viết ngày April, 18, 2020 trên trang mạng của bác sĩ Pamela Wible, bà tiết lộ, " Tôi đã chứng kiến ​​các bệnh viện che đậy những cái chết của bác sĩ kể từ năm 2012 khi tôi bắt đầu điều tra lý do tại sao rất nhiều bác sĩ đã tự sát trong bệnh viện của chúng tôi. Trong 8 năm, tôi đã điều hành một đường dây nóng tự tử của bác sĩ. Bây giờ tôi đã tích lũy được 1.473 vụ tự tử của bác sĩ. Phân tích nguyên nhân gốc rễ cho thấy điều kiện làm việc nguy hiểm và vi phạm nhân quyền là thủ phạm. Tôi rất quen thuộc với sự kiểm duyệt của các tổ chức y tế. Các bậc phụ huynh mất con vì tự tử trong khóa đào tạo y tế đã được trao bằng tốt nghiệp danh dự vì đã ký các thỏa thuận không tiết lộ để ngăn cản họ nói về cái chết của con họ. Một bà mẹ nói với tôi rằng cô được trường y cung cấp tiền để giữ im lặng về việc con trai mình tự tử. Các bác sĩ bị đe dọa đuổi nếu tiết lộ về cái chết đồng nghiệp của họ. Bệnh viện không muốn ai biết về các điều kiện làm việc tồi tệ vô cùng nguy hiểm mà có thể giết các bác sĩ và bệnh nhân như chơi, nhất là trong mùa đại dịch. 
Tôi cá với bạn rằng, bạn không biết:
  • Một bác sĩ mới ra trường phải làm một ca dài 28 tiếng đồng hồ với số lương dưới mức tối thiểu- Sau khi tốt nghiệp trường Y, một bác sĩ nội trú phải làm việc trên 7 năm tại 1 bệnh viện với 80 tiếng 1 tuần (có khi 100 tiếng hay hơn) . Sự thiếu ngủ trầm trọng dẫn tới những sai phạm y khoa kể cả giết chết bệnh nhân. Trong mùa dịch họ phải làm việc nhiều giờ hơn mà không được trả tiền phụ trội.
  • Trong một môi trường làm việc nguy hiểm, các tân bác sĩ nội trú có tuổi hay có bịnh sẵn sẽ lâm vào tình cảnh nguy hiểm hơn 6 lần các bác sĩ khác, dễ chết vì Covid-19.
  • Các bác sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài đến Mỹ làm việc dễ bị lạm dụng nhất. Nếu họ báo cáo bị lạm dụng, bệnh viện sẽ sa thải họ và họ sẽ bị trục xuất. Không có bạn bè và gia đình ở Mỹ, cái chết vì COVID-19 sẽ dễ dàng được che giấu hơn.
  •  Các bác sĩ không đủ thiết vị y tế đang và sẽ lây nhiễm cho chính họ và bệnh nhân của họ. Yêu cầu các bác sĩ sử dụng một khẩu trang cả tuần cũng giống như yêu cầu bác sĩ phụ khoa sử dụng cùng một loại mỏ vịt cả tuần hoặc yêu cầu một cô gái điếm sử dụng cùng một bao cao su tự chế (làm từ túi rác) cả tuần.
Điều bác sĩ Pamela Wible nói đã có ngay minh chứng xảy ra trên bản tin ngày April 30, 2020 của The Wall Street Journal . Một bác sĩ nội trú không kinh nghiệm đã vặn nút trợ thở cho 1 bệnh nhân quá cao khiến tim người này ngừng bất thình lình và qua đời ở Bronx, New York. Tờ báo còn khám phá ra một trong nhiều trường hợp tương tợ cho thấy các bác sĩ nội trú đang tập sự để trở thành bác sĩ gia đình, nha sĩ hay bác sĩ nhi khoa, vì tình trạng khẩn cấp giờ lại phải chăm sóc các bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Trịnh Thanh Thủy


Tài liệu tham khảo
Honoring physician trainees lost to COVID-19

Nguồn: Việt Báo

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Nuôi Dưỡng Hạt Giống Phật

Tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật là xưng tụng sự xuất hiện hy hữu và qúy giá vô ngần của ngài trên thế giới này, đồng thời cũng là dịp để cho người Phật tử tưởng niệm đến công ơn giáo hóa sâu dày mà ngài đã dành cho chúng sinh.
Một trong những cách tưởng niệm và báo đáp thâm ân của đức Phật thiết thực nhất mà người Phật tử có thể làm được là tiếp tục phát huy và truyền bá giáo pháp giá trị của ngài, trong đó thắp sáng bản nguyện lớn lao của ngài khi thị hiện ở nhân gian là việc làm có ý nghĩa nhất.
Bản nguyện lớn nhất mà đức Phật thị hiện ra đời là gì?
Chính là muốn tất cả chúng sinh đều làm Phật, như đức Phật đã nói rõ trong pháp hội Pháp Hoa trên núi Linh Thứu.
Có lẽ vì vậy, lần đầu tiên đến núi Hoàng Mai để cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được tổ hỏi đến để cầu gì, ngài Huệ Năng đáp ngay tức khắc: chỉ cầu làm Phật.
Câu trả lời quả thật thẳng thắn, trực diện và quyết liệt. Nếu không có quyết chí, không có tín tâm vững mạnh, không có thệ nguyện kiên cố, không biết chắc mình có thể thành Phật thì khó có câu trả lời khẳng quyết như vậy.
Nhưng trước ngài Huệ Năng, thời Phật còn tại thế, trong hội Pháp Hoa trên đỉnh núi Linh Thứu, đức Phật đã kể chuyện về một bồ tát Thường Bất Khinh khi gặp ai cũng cung kính chấp tay vái chào mà thưa rằng “Tôi không dám khinh ngài, vì ngài sẽ làm Phật.” Lời lẽ đó không phải là kiểu nói ba hoa, chế diễu, làm dáng tôn kính người bề ngoài. Lời lẽ đó được xuất phát từ cái tâm chân thật, từ nhận thức và thái độ nghiêm túc. Lời lẽ đó được nói ra duy chỉ từ một người biết chắc như đinh đóng cột rằng người mà mình kính trọng lễ bái trước mặt rồi đây sẽ làm Phật.
Đơn giản hơn, bình dân hơn, đức Phật, cũng trong hội Pháp Hoa, còn dạy rằng dù với tâm tán loạn, vào trong chùa tháp, niệm một câu “Nam Mô Phật,” thì cũng thành Phật. Hơn thế nữa, ngay cả đứa bé lấy cát giỡn chơi, vẽ, đắp thành hình tượng Phật, rồi cũng thành Phật.
Làm Phật dễ vậy sao?
Tất nhiên là không dễ.
Nhưng, cần phân biệt nhân địa tu hành và quả vị chứng đắc. Trên lãnh vực nhân địa tu hành thì một niệm nghĩ tới Phật ắt hạt giống Phật nẩy sinh. Ngay trong lúc hạt giống Phật nảy sinh thì đã hàm chứa quả vị Phật viên mãn, vì trong nhân ắt có qủa. Trên lãnh vực quả vị tu chứng thì để hạt giống Phật trưởng thành, ra hoa, kết trái cũng cần phải có duyên phò trợ, mà quá trình làm sạch thân tâm với bao nhiêu nghiệp chướng phiền não từ vô lượng kiếp là một trong những duyên lành không thể thiếu, vì từ nhân đến quả không thể thiếu duyên. Cho nên, trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy rằng:
“Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa.”
Các đức Phật đầy đủ phước trí mà nhân thiên kính ngưỡng biết các pháp vốn không có tự tánh, giống Phật do duyên mà khởi sinh, vì vậy, nói pháp nhất thừa, khai mở con đường thành tựu Phật đạo cho chúng sinh.
Trong Luận Thành Duy Thức đề cập đến 6 đặc tính của chủng tử, tức hạt giống, để giải thích rõ về nguyên lý phát sinh và tồn tại của chủng tử. Sáu đặc tính đó là: Sát na diệt, quả câu hữu, quyết định tánh, hằng tùy chuyển, đãi chúng duyên và dẫn tự quả. Ở đây cho thấy pháp, bao gồm sắc và tâm pháp, có mặt và tồn tại như hạt giống là pháp sinh diệt liên tục không ngừng nghỉ trong từng sát na. Một ý niệm khởi lên ắt phải diệt ngay trong sát na đầu, nhưng không diệt hẳn mà tiếp tục tồn tại trong dạng thức sinh diệt liên tục nếu nó là ý niệm xác định tánh thiện hay ác, nếu nó có đủ duyên để dẫn đến kết quả. Như vậy, khi một chúng sinh khởi ý niệm về Phật thì ngay trong sát na đầu tiên đó hạt giống Phật tức thì phát sinh, và vì Phật là pháp có đặc tính tối thiện cho nên hạt giống này sẽ tiếp tục tồn tại dưới dạng thức năng lực qua quá trình sinh diệt liên lỉ cho đến khi viên mãn quả vị Phật. Trong quá trình tồn tại đó, tất nhiên, không phải lúc nào ý niệm Phật cũng được nhớ tới, cũng được trưởng dưỡng qua sức tu tập, mà có khi nó bị bỏ quên đi trong thời gian dài, nhưng nó được hỗ trợ bằng các thiện duyên khác mà một chúng sinh cưu mang theo.
Điều đó cũng có nghĩa là quá trình thành tựu quả vị viên mãn của hạt giống Phật sẽ được rút ngắn nếu một chúng sinh tiếp tục không ngừng nghỉ trưởng dưỡng nó từ đời này sang đời khác, và đặc biệt trưởng dưỡng bằng những chất liệu thích đáng.
Chất liệu thích đáng nói ở trên không gì khác hơn là giáo pháp đại thừa mà đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã dạy. Đại thừa giáo hàm ngụ hai yếu tính cốt lõi đó là: phát tâm bồ đề và thi thiết từ bi và trí tuệ.
Phát tâm bồ đề là bước đầu để vận dụng năng lực tâm linh cho đúng hướng. Thi thiết từ bi và trí tuệ là triển khai diệu lực vô hạn của tâm bồ đề đó qua hai bình diện từ bi và trí tuệ bằng việc thực nghiệm sáu ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Phát tâm như thế nào? Là cầu làm Phật và làm cho chúng sinh cũng thành Phật như mình.
Cầu làm Phật thì phải có trí tuệ siêu việt để phá sạch vô minh và diệt trừ phiền não. Độ cho chúng sinh làm Phật thì phải có tâm lượng đại từ bi thương xót và cứu khổ.
Cái khổ của chúng sinh có hai mặt: một là cái khổ về vật chất, hai là cái khổ về tinh thần. Cái khổ về vật chất thì phải lấy vật chất mà bố thí tức thực hành tài thí. Cái khổ về tinh thần thì phải đem tinh thần mà bố thí tức thực hành pháp thí và vô úy thí. Nhưng đem vật chất cho người cũng cần phải biết cách cho chứ không phải ném vào mặt họ là xong chuyện. Cách cho đúng phát xuất từ tấm lòng. Bố thí vì danh, vì lợi, vì che mắt thiên hạ, vì làm cho lấy có là thực hiện việc trao đổi, buôn bán chứ không phải đúng nghĩa bố thí. Cho nên, người có lòng từ bi thấy kẻ nghèo khó, khổ đau liền cảm thông thương xót mà giúp đỡ không vì bất cứ danh lợi gì. Tuy nhiên, như người xưa nói “giúp ngặt không thể giúp nghèo,” muốn cho chúng sinh dứt sạch khổ não thì chỉ có cách duy nhất là giúp họ thành Phật. Thành Phật rồi sẽ vĩnh viễn không còn khổ vật chất và tinh thần nữa. Đó là cách bố thí cứu cánh nhất.
Làm Phật là khai mở toàn diện bản thể chân như, là hiển bày trọn vẹn pháp thân mầu nhiệm, là giác ngộ triệt để bản lai diện mục của chính mình đã bị che khuất trong mây mù vô minh vọng niệm. Xua tan mây vô minh thì chỉ có trí tuệ bát nhã mới làm được ngoài ra không còn cách nào khác. Chìa khóa mở kho báu trí tuệ bát nhã là thiền định, bởi lẽ vọng niệm thì tâm động, tâm động là hành tác của vô minh. Hết vọng niệm thì tâm tịnh. Tâm tịnh thì trí sáng. Trí sáng thì mây vô minh bị xóa tan. Mây vô minh sạch thì mặt trời chân như hiển bày, bản lai diện mục tự hiện.
Nói thiền định là nói chung chung. Nếu nói cho rõ thì phải nói thiền và định. Thiền là vận dụng sức nội quán, tức năng lực chiếu kiến của trí tuệ, để nhận diện bản tâm. Phương thức này không cần phải thiền tọa mà có thể thực hiện ngay trong mọi sinh hoạt của đời sống thường nhật lúc đi đứng nằm ngồi. Định bao gồm chỉ và quán, là đình chỉ tạp niệm để thắp sáng năng lực quán chiếu hành tác của tâm. Định cần phải thực hiện trong phương thức thiền tọa đòi hỏi đình chỉ mọi sinh hoạt lao tác trong một thời gian nào đó.
Dù là thực hành từ bi qua việc bố thí để cứu khổ chúng sinh hay vận dụng trí tuệ để phá vô minh trực ngộ chân tánh để tự cứu mình thì cũng đều cần đến nguyên tắc hay khuôn phép nghiêm túc hẳn hoi tức trì giới, sự nhẫn nại để vượt qua trước bao nhiêu nghịch duyên, nghịch cảnh tức nhẫn nhục, và sự kiên trì bền bỉ không thối lui để đạt cứu cánh tức tinh tấn. Sáu ba la mật vì vậy không thể thiếu đối với người cầu làm Phật cho mình và cho người.
Nuôi dưỡng hạt giống Phật còn là việc làm cần thiết để vừa nâng cao giá trị tôn quý của đời sống một chúng sinh, vừa góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội dù ở thời đại nào, quốc độ nào.
Nuôi dưỡng hạt giống Phật là nêu ra mục đích cao cả nhất là làm Phật. Trong quá trình làm Phật đó, một chúng sinh tự thể hiện phẩm giá cao qúy của mình như là giòng dõi của chư Phật, là một thành phần của chủng tánh Như Lai. Phẩm giá đó ở tầm mức căn bản và phổ quát là bình đẳng tuyệt đối giữa tất cả mọi cá nhân, mọi chủng loại. Với phẩm giá bình đẳng như vậy, cho nên không một chúng sinh nào, không một người nào có thể nhân danh bất cứ ai, bất cứ thế lực nào để chà đạp lên phẩm giá và cuộc sống của kẻ khác. Một cộng đồng xã hội biết tôn trọng phẩm giá cao quý của từng người như vậy sẽ là điều kiện ắt có và đủ để có thể vừa duy trì các truyền thống đạo đức nhân bản thuần hậu, vừa tạo dựng vững chắt nền tảng nhân tâm để góp phần kiến tạo hòa bình, ổn định và phát triển xã hội lâu dài.
Nuôi dưỡng hạt giống Phật là triển khai khả tính và năng lực trong mỗi chúng sinh lên tới tầng mức cao nhất hay tối thượng. Đó là quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống cá nhân và cộng đồng xã hội từ đáy sâu tăm tối, tội lỗi, nghiệp chướng, và khổ đau lần hồi lên cuộc sống tươi sáng, cải thiện, tiến bộ, lành mạnh, giải thoát, và an lạc. Một cá nhân thực hành tài thí, pháp thí thì cộng đồng xã hội bớt đi phần nào cảnh lầm than khổ cực về vật chất và tinh thần. Nhiều cá nhân thực hành tài thí, pháp thí thì cộng đồng xã hội sẽ có nhiều người bớt khổ hơn về vật chất và tinh thần. Và nếu cả cộng đồng xã hội đều thực hành tài thí, pháp thí thì toàn thể xã hội sẽ hết khổ đau về vật chất và tinh thần. Tương tự như vậy, nhiều người thực hành hạnh trì giới với năm giới cấm: không sát hại sinh vật, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói dối, không uống rượu thì cộng đồng xã hội sẽ giảm bớt đi rất nhiều những tệ nạn xấu ác như giết người, trộm cắp, cướp bóc, phá vỡ hạnh phúc gia đình, thị phi tranh chấp, lái xe uống rượu, v.v… Đặc biệt, khi mọi người chú trọng vào việc phát huy trí tuệ thì trình độ dân trí sẽ được nâng cao, các lãnh vực giáo dục, văn hóa, tư tưởng, triết lý, học thuật, khoa học kỹ thuật sẽ được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.
Thế mới biết lý tưởng tịnh Phật quốc độ của đại thừa dựa trên nền tảng thành tựu Phật đạo cho chúng sinh là lý tưởng không những giá trị tôn quý mà còn khả thi. Vì vậy, trong Kinh Duy Ma Cật, bồ tát Duy Ma Cật đặc biệt nhấn mạnh đến lý tưởng tịnh Phật quốc độ lấy ba tâm làm nền tảng: Trực tâm, thâm tâm và bồ đề tâm. Trực tâm là nhiếp luật nghi giới. Thâm tâm là nhiếp thiện pháp giới. Bồ đề tâm là nhiêu ích hữu tình giới.
Dùng nhiếp luật nghi để làm pháp luật kỷ cương điều trị loạn động của cá nhân và xã hội. Lấy nhiếp thiện pháp giới để phục vụ lợi ích cho mọi người. Đem nhiêu ích hữu tình giới để làm viên mãn hai điều trên trong mục tiêu làm cho tất cả chúng sinh đều thành Phật.
Nói tóm lại, nỗ lực giáo hóa một đời của đức Phật không gì khác hơn là làm cho chúng sinh được thành Phật như ngài. Tưởng niệm ngày đản sinh của đức Phật còn gì thiết thực hơn là thực hiện theo bản nguyện của Ngài: nuôi dưỡng hạt giống Phật trong chúng ta.

Sunday, May 3, 2020

Trần Trung Ðạo: Những Lần Gặp Phật


Trước cửa tiệm bán quà du lịch. (Rockport, Massachusetts)
ROCKPORT, MASSACHUSETTS
Một lần ghé thăm Rockport, một thành phố du lịch nhỏ, cách Boston khoảng một giờ lái xe. Dọc hai bên đường phố hẹp là những quán bán quà kỷ niệm du lịch.
Tôi đi ngang một tiệm bán hàng điêu khắc. Nhiều tượng Phật được trưng bày. Tôi dừng lại. Trước khi chụp vài tấm hình, tôi đứng thẳng, nhìn các tượng Phật và chắp tay vái một vái. Du khách tấp nập và hình như có ai đó đang nhìn tôi.
Rất nhiều người nghĩ chỉ có Phật được đặt trên chánh điện nghiêm trang trầm hương nghi nghút mới là Phật, còn Phật ở các cửa tiệm, ở những phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng thì không phải.
Thật ra, hình tượng chỉ để nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức, và vì thế, Phật ở mọi nơi. Khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta. Bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuần trước đó tôi đi chùa nhân lễ Phật Đản. Thầy trụ trì rất vui và bảo “Lâu lắm con không về chùa, lát nữa con lên nói vài lời với các đạo hữu nhân ngày Phật Đản”. Tôi không chuẩn bị gì nhưng nói rất dễ dàng vì Đạo Phật có rất nhiều điều hay, nét đẹp để nói về. Tôi nói sở dĩ đức Phật chọn một nơi nhiều bất công, nghèo nàn như Ấn Độ để thị hiện chỉ vì tình thương của đức Phật dành cho con người.
Chùa Ấn Độ Giáo nổi tiếng ở Chennai nhưng các tiệm chung quanh phần lớn là “bán” tượng Phật.CHENNAI, INDIA (Chennai, India)
CHENNAI, INDIA
Phật ở Ấn Độ cũng không khác gì Phật ở Rockport tấp nập.
Một lần ở Chennai, tôi hỏi người chủ tiệm món hàng nào được du khách ưa chuộng nhất, người chủ tiệm trả lời “tượng Phật”.
Đức Phật là biểu tượng của tình thương và Đạo Phật là đạo của tình thương. Ai lại không muốn mang về nhà một biểu tượng từ bi, bác ái và bao dung như thế dù người đó thuộc tôn giáo nào.
Trong ý nghĩa đó, Đạo Phật không chỉ là đạo riêng của những người Phật Tử mà là đạo chung của con người, bởi vì con người còn tồn tại đến hôm nay là nhờ có tình thương. Thế giới con người sẽ tận diệt nếu một ngày tình thương không thắng được hận thù.
Một tiệm coi bói ở Cape Cod, Massachusetts
CAPE COD, MASSACHUSETTS
Mới “gặp Phật” ở Rockport tháng trước, nay lại “gặp Phật” ở Cape Cod. Lần này tôi không lạy Phật. Phật ở Cape Cod được dùng như một loại trang sức hay chỉ để lừa bịp khách hàng.
Một tượng đức Phật được đặt trước cửa một tiệm coi bói, một tượng đức Phật được đặt trong lồng kính chung với áo quần, một tượng đức Phật được dựng trên lối đi như để chào đón khách hàng, một số tượng đức Phật bị nhốt bên trong cửa sắt của một khu vườn dường như lâu rồi không ai chăm sóc.
Buôn bán tượng Phật là một kỹ nghệ đang được thịnh hành, bắt đầu từ quê hương đức Phật. Bước xuống phi trường quốc tế New Delhi hình ảnh đầu tiên những khách phương xa bắt gặp là bàn tay đức Phật. Bước vào tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách ở nhiều nơi trên xứ Ấn, hình ảnh được trưng bày nhiều nhất cũng là đức Phật. Khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu của ngài rất thu hút khách thập phương.
Tuy nhiên, đúng như Giảng sư Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse viết, Ấn Độ là quốc gia đã lãng quên người con yêu quý của mình: Đức Phật. Bởi vì di sản của đức Phật không phải là khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu hay ngay cả đền đài mà là những lời dạy của ngài. Rất hiếm tại Ấn Độ có nơi phát hành các kinh sách Phật Giáo, phần lớn chỉ bán các tượng Phật hay giữ đền thờ để thu tiền.
Nhìn những tượng Phật ở Cape Cod, tôi thầm mơ ước, ngày nào người Mỹ nói riêng và Tây Phương nói chung không còn nhìn các tượng Phật như món đồ trang trí mà cùng tìm hiểu, cùng lắng nghe những lời khuyên của đức Phật, ngày đó nhân loại sẽ hòa bình.
Một người Nhật lễ Phật trước khi xuống trạm xe điện để đi làm.KYOTO, NHẬT (Kyoto, Nhật Bản)
Tại Nhật, đạo Phật trở thành một đạo dân tộc, cùng với Thần Đạo (Shinto) đã và đang tồn tại một cách hài hòa. Đạo dân tộc không nên hiểu theo nghĩa là quốc giáo hay đạo riêng của một nước nhưng tư tưởng Phật Giáo thấm đậm vào đời sống văn hóa và con người Nhật.
Người dân Nhật không đến chùa lễ Phật, tụng kinhh thường xuyên nhưng trên đường đi làm họ có thể dừng chân ở một ngôi chùa, kéo dây chuông ba lần, chắp tay cầu nguyện.
Người hướng dẫn du lịch kể lại khi người Nhật sinh con, cha mẹ thường ẳm con đến đền Thần Đạo để làm lễ cầu nguyện nhưng khi qua đời thường làm đám tang theo nghi lễ Phật Giáo.
Đa số là các ông bà già cầu tài lộc. (Seoul, Nam Hàn)
SEOUL, NAM HÀN
Seoul thì khác. Đạo Phật một thời hưng thịnh tại Triều Tiên đang mờ dần vào quá khứ. Thống kê năm 2005, chỉ 25% dân số xác nhận là tín đồ Phật Giáo nhưng con số đó đã xuống thấp dần đến mức ngày nay Phật Giáo tại Nam Hàn không còn được xác định một cách rõ ràng như một tôn giáo mà đang hòa chung vào tập tục văn hóa.
Chùa Jogyesa, ngôi chùa lớn nhất tại Seoul, được biết như là một địa điểm du lịch nhiều hơn là Thiền Viện chính của tông phái Jogye. Cám dỗ vật chất đã thu hút các thế hệ trẻ đi theo, bỏ lại sau lưng họ những cụ già ngồi đếm từng ngày cuối của đời mình trong lời kinh tiếng kệ. Các tượng Phật dễ tìm thấy ở khu shopping Insadong hơn là tại các ngôi chùa.
Đạo Phật là đạo của con người với các giá trị tình thương và sự thật nhưng để mang tình thương và sự thật đến cho con người, Phật Giáo cũng cần thay đổi cách hoằng dương.
Monterey, California
MONTEREY, CALIFORNIA
Trên con đường chính dọc bờ vịnh Monterey có một tiệm Ấn Độ bán đồ kỷ niệm cho du khách. Một phụ nữ Ấn ngoài 60 tuổi và một thanh niên Ấn trạc 30 tuổi đang coi tiệm. Một số hình tượng đạo Hindu như Lord Shiva, Lord Brahma v.v.. được trưng bày nhưng đa số là tượng Phật.
Tôi dừng lại chụp một số hình những tượng Phật được đặt bên ngoài. Chàng thanh niên bước ra ngăn cản. Anh chỉ tấm giấy nhỏ “No photography” gắn trên một trong những tượng Phật. Tôi ngừng, nhưng không quên phản ứng “Tấm giấy quá nhỏ để thấy”, và tôi lại tiếp “Lẽ ra anh nên để cho du khách chụp hình thoải mái. Bức tượng đẹp sẽ gây cho họ ấn tượng đẹp khi nhìn lại. Biết đâu vì thế họ sẽ trở lại mua. Cho dù không mua, họ sẽ giúp anh quảng cáo miễn phí khi gởi cho bạn bè họ.”
Chàng thanh niên dịu giọng “Vâng, anh nói cũng đúng.” Tuy nói vậy anh ta vẫn không lấy cái bảng cấm chụp hình xuống. Tôi bước vào tiệm. Chàng thanh niên hỏi tôi muốn mua tượng Phật nào không. Tôi đáp “Tôi là Phật Tử nhưng cám ơn, tôi không mua.”
Tôi muốn thử anh ta một câu rất dễ “Anh biết Đức Phật ra đời ở đâu không?” “Nepal”, chàng thanh niên đáp ngay. “Anh google chứ gì?” Anh cười “Đúng vậy.”Lý do tôi đoán anh ta google vì người có kiến thức lịch sử căn bản cũng có thể biết Đức Phật đản sanh tại một vương quốc của nước Ấn Độ, ngày nay thuộc lãnh thổ Cộng Hòa Nepal. Tôi giải thích “Đúng ra anh nên trả lời là Ấn Độ nay thuộc Nepal vì khi Đức Phật ra đời chưa có nước Nepal. Là người Ấn anh cũng nên hãnh diện là nơi Đức Phật ra đời.”
Anh không nói gì nhưng người đàn bà lớn tuổi gật đầu.
Nhiều báo chí ca ngợi sự phục hồi Phật Giáo tại Ấn Độ bởi vì đi đâu họ cũng gặp hình tượng Đức Phật. Nụ cười Đức Phật có thể nhận ra từ khi du khách bước xuống phi trường New Delhi cho đến một quán nhỏ bán đồ kỷ niệm ven đường.
Tôi không lạc quan như vậy. Cao trào phục hưng phải được đánh dấu bằng tăng đoàn, tu viện, thiền viện, trung tâm nghiên cứu, đại học, thiện trí thức, tín đồ. Đạo Phật không phải là một món đồ để trưng bày, một thị hiếu dù hấp dẫn bao nhiêu.
Nhìn những đồng bạc cắc và viên đá mỏng viết chữ “fortune” đặt dưới chân một tượng Phật, tôi định nói với anh Đức Phật không mang may mắn tài lộc gì đến cho ai cả, nhưng rồi đổi ý. Nói để làm gì, một người không biết nơi sinh của một trong số rất ít bậc thầy của nhân loại thì Đức Phật trong mắt anh đơn giản chỉ là một món hàng.
Braintree, Massachusetts
BRAINTREE, MASSACHUSETTS
Nhớ lại chuyện nhiều năm trước. Không bao lâu sau khi dọn về nhà mới, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán. Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là có chùa theo đó.” Lúc đầu tôi tưởng là thầy đi lạc nhưng khi bước ra hỏi mới biết vợ tôi nói đúng.
Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Một phần vì bận rộn với đời sống và phần khác cũng không cảm thấy cần thiết. “Trong núi không có Phật” như Tổ Trúc Lâm đã dạy thì trong chùa cũng chưa hẳn có Phật. Đến chùa để tìm gì?
Ngày còn nhỏ tôi thường niệm hồng danh Đức Phật và ngủ nhiều năm dưới chân ngài. Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Tôi tâm sự với ngôi sao những chuyện thầm kín nhất, những chuyện tôi chưa từng nói với ai và cho dù tôi muốn cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ.
Qua Mỹ cũng thế. Tôi niệm Phật và nghĩ đến những lời dạy của ngài ở bất cứ nơi đâu dù khi ngồi nhìn những đám mây bay bên kia cửa sổ phi cơ, những đêm thao thức và ngay cả những chiều kẹt trên xa lộ. Tôi yêu đạo Phật vì đạo Phật là đạo của tình thương, bao dung và tha thứ.
Tôi chợt hiểu ra, đến chùa không phải để “gặp Phật” mà gặp lại chính mình.
Trần Trung Đạo