Ảnh Minh hoạ - from http://www.hungsuviet.us |
Xin được trân trọng giới thiệu truyện như chút tâm tình và ước vọng của nhiều người dành cho
Quê Hương và Tổ Quốc Việt Nam.
Quẩy Gánh Non Sông
(Cô gái chăn trâu)
(Cô gái chăn trâu)
Kính dâng Anh-Linh Sông Núi
Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đổ xuống giòng sông làm chóa mắt cô gái chăn trâu.
Cô giục-giã lũ vật:
- Đi mau, đi mau!
Chú nghé con nghiêng đầu, cúi xuống uống thêm vài ngụm nước rồi vùng
chạy theo đàn. Lũ trâu chậm rãi bước qua sườn đồi. Cô nhẩy xuống lưng
con vật lớn nhất, bước về phía cái miếu hoang.
- Cho chúng mày tự-do.
Mấy con sáo đen đậu trên cây gạo hoa đỏ thấy người ríu-rít bay xa. Tới
của miếu cô dừng lại… Bên này sông, dưới chân ngọn núi là làng Sơn-Việt.
Bên kia sông, gần cuối chân mây là làng Thượng-Hà… Cô trầm-ngâm một lúc
rồi thì-thầm:
- Mẹ ơi! Con sẽ cố-gắng.
Cô cúi xuống đứng tấn rồi bước theo một đồ hình trong trí tưởng-tượng; miệng đếm, tay múa thế võ chưa thuần-thục:
- Một trái, ba phải, lùi năm.
Chân dẫm lên một hòn đá sắc, cô lò-cò xuýt-xoa:
- Đau quá! Vào miếu nghỉ đã.
Bỗng cô dừng lại. Một gã đàn ông gầy-gò đang ngồi dựa vào tường, hai mắt nhắm nghiền, mặt xanh-xao.
Cô hỏi:
- Sao ông ngồi đây?
Người đàn ông không trả lời, cô bé chăn châu gặng hỏi:
- Sao ông không trả lời tôi?
Gã mệt-mỏi:
- Chỗ này của cô sao?
Cô gái cong môi:
- Đây là miếu hoang nhưng ông không thấy dấu quét dọn à?
Gã đàn ông vịn tường đứng dậy. Mặt hơi nhăn khi cử-động. Giọng từ-tốn:
- Thôi, để tôi đi vậy.
Người con gái đổi ý:
- Ông bị đau à? Xin ông đừng bận tâm.
Người đàn ông nói:
- Cám... ơn.
Gã nói xong thì thấy đầu óc choáng-váng. Hình-ảnh của cô gái trước mặt
nhòe đi, bức tường của tòa miếu nhỏ chao nghiêng. Gã mơ-hồ nghe tiếng
êm-đềm bên tai:
- Ông ngồi xuống đã.
Người đàn ông ngồi xuống điều khí. Cơn đau như xé ngực. Gã lẩm-bẩm được vài tiếng rồi gục xuống.
Khi gã tỉnh dậy, trời chiều đã muộn. Gã lấy tay sờ chiếc khăn nhỏ sũng nước đắp trên trán.
Gã nói:
- Cám ơn cô.
Cô gái điềm-nhiên:
- Không có gì.
- Chiều muộn rồi, cô nên về đi.
- Tôi ở lại đây giúp ông chống kẻ thù.
Người đàn ông mỉm cười:
- Tôi quên cô biết võ.
- Sao ông biết?
Gã trả lời:
- Tôi nghe tiếng chân cô học võ ở ngoài.
- Ông tò-mò quá.
Gã đàn ông hiền-từ ngước lên. Cô gái lúng-túng:
- Xin lỗi ông. Tôi lỡ lời. Thôi ông đừng nói nữa kẻo mệt.
Người đàn ông giục cô gái:
- Trời đã muộn!
Người con gái nghĩ tới ông Bá Hạc phì-nộn khó tính. Ông sẽ giận-dữ nếu nàng không dẫn đàn trâu về đúng lúc.
Cô đứng dậy cầm cái bầu nậm ở góc miếu lên để bên người lạ. Gã hỏi:
- Rượu hả?
Cô bẽn-lẽn:
- Tôi là con gái không uống rượu. Đây là bình nước. Mai tôi trở lại.
Gã hỏi:
- Tên cô là gì?
Nàng cười:
- Gọi tôi là Mít. Hồi bố mẹ tôi còn sống, tôi thích ăn mít lắm.
- Bây giờ thì sao?
Nhớ tới những ngày hai mẹ con khổ-cực, nàng chép miệng:
- Vẫn còn thích nhưng ai cho ăn. Ông là ai?
Thấy người đàn ông ngần-ngừ, nàng vui-vẻ:
- Tốt lắm. Ít nhất ông không muốn nói dối. Chào ông.
Sáng hôm sau Mít trở lại. Gã đàn ông đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Nàng ân-cần:
- Ông còn đau không?
Gã yếu-ớt nói:
- Đỡ rồi.
Cô đặt gói lá chuối xuống, nhặt bầu nước nhắc nhắc vài cái.
- Cơm của ông đây. Hết nước rồi để tôi đi lấy.
Gã cảm-động:
- Cám ơn cô.
Bốn ngày trôi qua. Người đàn ông đã gượng đứng dậy được. Buổi sáng Mít
ghé thăm rồi dắt trâu đi. Buổi trưa, nàng trở lại nói chuyện, học võ. Xế
chiều, nàng dẫn lũ trâu về phía hạ-lưu của giòng sông.
Một buổi sáng nàng ghé qua, người đàn ông không còn ở đó. Tự dưng nàng
buồn muốn khóc. Chả lẽ gã bỏ đi không một lời từ-biệt? Nàng ngồi bên cửa
miếu thừ người. Mới hôm qua, những hôm trước nữa gã chăm-chú nghe nàng
nói chuyện. Những lời an-ủi của gã làm Mít vơi nỗi buồn rầu. Mít chưa
bao giờ được ai đối-xử như vậy.
Cô gái mím môi đứng dậy:
- Trên đời này có ai cần mình đâu?
Cô bước xuống dốc. Người đàn ông đang ngồi dưới gốc cây bên đường nhìn
mây trắng. Bên cạnh gã là một trái mít lớn tỏa mùi thơm ngào-ngạt. Nhìn
thấy mồ hôi lấm-tấm trên vầng trán rộng, cô vội-vã hỏi:
- Ông chưa khỏi mà đi đâu?
Gã nhìn nàng trả lời.
- Đi kiếm mít cho cô.
- Ai bảo ông làm vậy? Vết thương đã lành hẳn đâu.
Gã hiền-hòa:
- Tôi đỡ rồi. Nếu không hái sớm trái mít rụng mất.
- Thế ra ông thấy từ trước. Cây mít ở đâu thế ông?
Gã chỉ tay về phía ngọn đồi cuối chân trời. Cô gái ái-ngại:
- Trời ơi, xa thế cơ à?
- Thôi mình lên miếu, tôi muốn bổ mít mời cô.
Cô gái dặn:
- Ông gọi tôi là Ngọc-Kiều.
Gã buột miệng:
- Tên hay quá. Còn tôi là Vĩnh. Trần Xuân Vĩnh.
Cô gái reo vui:
- Thế là tôi biết tên ông.
Gã cúi xuống bưng quả mít lên. Ngọc-Kiều vội-vã:
- Để tôi.
Nàng ngồi bên cửa miếu chăm-chú nhìn gã xẻ quả mít. Không có dao, gã
lấy tay thọc nhẹ. Ngón tay ngập qua vỏ quả mít chín… Khi những múi dài,
óng-ả ló ra, cô xuýt-xoa:
- Trời ơi, mít ống.
- Đúng đấy. Những múi dài này có nước ngọt. Cô ăn đi.
Ngọc-Kiều sung-sướng:
- Tôi ăn mà.
Thấy gã ngồi im, nàng hỏi:
- Sao ông không ăn?
Vĩnh từ-tốn:
- Cô cứ tự-nhiên. Thấy cô vui là tôi thích lắm rồi.
- Ông không ăn. Tôi cũng không ăn nữa.
Gã hiền-từ lắc đầu:
- Cô không nên ép-buộc người khác.
Cô gái gật nhẹ đầu:
- Thôi được. Tôi xin nghe lời ông.
Lúc sau, gã đàn ông hỏi:
- Cô nghĩ gì thế?
Cô gái tâm-sự:
- Tôi không dám ép-buộc ông đâu. Nhưng có ngày giỏi võ, tôi sẽ ép-buộc kẻ khác.
- Ai đấy?
Ngọc-Kiếu thở dài, mơ-màng nhìn vào khoảng không trước mặt. Giọng nàng đấy u-uất:
- Kẻ thù giết mẹ.
Rồi nàng buồn-bã tiếp:
- Võ-nghệ của tôi yếu quá. Tôi không bao giờ theo kịp bố tôi, học mãi vẫn không tiến-bộ. Nhiều khi tôi nản-chí vô cùng.
Nhìn hình-dáng gầy-gò của Vĩnh, nàng cười:
- Tôi làm như tâm-sự với người thích võ không bằng.
Hình như gã có điều gì muốn hỏi. Thấy vậy nàng bảo:
- Ông cứ nói.
- Bố cô giỏi võ lắm nhỉ?
- Giỏi lắm. Tiếc rằng ông chết quá sớm. Ông bị lũ quỷ ngoại-xâm
phục-kích giết chết với bẩy người khác. Bố sửa-soạn trước nên đã dặn mẹ
nhỡ có chuyện gì thì về nhờ vả người anh em kết-nghĩa. Đó là ông Bá. Ông
ấy còn là bà con xa với bố tôi.
Gã gật đầu:
- À, ra thế.
- Ông Bá không phải là người tốt nhưng không tệ-hại. Ông cho mẹ con tôi
ở cái nhà nhỏ góc vườn. Mẹ hết sức làm nhừng việc của lũ gia-nhân. Mẹ
không muốn phiền-lụy người khác.
Ngọc-Kiều nhìn về phía bờ sông lấp-lánh ánh mặt trời kể lể:
- Khi mẹ con tôi về được ít tháng thì cuối năm ấy vào tháng mười ông
già đưa đò trên giòng sông Giáng-Vân này bị chết. Ông bơi lội giỏi và
còn tráng-kiện. Mọi người tưởng ông bị gió độc nhưng nửa tuần trăng sau
hai người khác chết, xác trôi vào ghềnh đá cuối sông. Trên người không
thấy một dấu đánh đập nào. Kể từ đó, thỉnh-thoảng có người thiệt-mạng.
Dân hai làng Thượng-Hà và Sơn-Việt cho là nạn hà-bá. Họ cúng-kiếng đủ thứ nhưng chẳng ăn thua gì.
Có người đưa ý-kiến làm một cây cầu qua sông. Dân hai làng nhiệt-liệt
tán-thành. Họ cho người lên thượng-du chặt gỗ tốt chở tới sông rồi thả
theo giòng. Mọi người hăm-hở lắm. Mỗi làng bắc nửa cây cầu. Họ bắc từ bờ
sông phía làng mình ra giữa. Ban đêm, họ thắp đuốc thay phiên.
Được vài tháng thì mấy ông nhà giầu làng Sơn-Việt xót của không chịu
đóng góp như lúc đầu. Trai tráng trong làng ngoài việc bỏ sức ra, họ còn
phải nuôi gia-đình. Làng Sơn-Việt nghèo lắm. Họ rút bớt nhân-công mới
chịu nổi. Bên Thượng-Hà e-ngại nhỡ làm xong phần mình mà làng Sơn-Việt
không hoàn-tất phần họ được thì sao.
Cô gái chỉ cho người đàn ông những cây cột đóng xuống hai bên giòng sông:
- Thế rồi lời qua tiếng lại. Họ giận nhau, đình chỉ việc làm cầu. Từ
khi không có người làm việc trên sông nữa, khách qua sông lại bắt đầu bị
chết. Các kỳ-lão hai làng ngồi xuống với nhau. Công-cuộc tiếp-tục được
vài tháng thì người bên Thượng-Hà khám-phá ra chân cầu của họ cao hơn
chân cầu của bên Sơn-Việt gần nửa thước. Họ đòi làng Sơn-Việt phải làm
cao hơn. Bên Sơn-Việt không chịu. Cuộc võ mồm biến thành cuộc võ chân
tay. Mỗi bên cử một đại-diện. Cuộc đấu khốc-liệt lắm, không phân-biệt
được hơn thua. Cả hai đại-diện đều bị thương nặng gần chết.
Cô gái tâm-sự:
- Mỗi lúc nhìn thấy những cây cột bơ-vơ, tôi lại buồn. Bao nhiêu người
chết vì chiếc cầu chưa hoàn-tất mà người ta vẫn không bảo được nhau.
Không hợp-quần sao làm nên sức mạnh? Trong khi đó lũ ngoại-xâm cưỡi lên
đầu lên cổ chúng ta.
Giọng cô gái hiền-thục trở nên cương-quyết. Mắt cô long-lanh ánh lửa:
- Súng ống dù mạnh nhưng không thể đè-bẹp lòng người. Đó là nói về lòng
người không ly-tán. Tiếc rằng tôi chỉ là đứa chăn trâu nói không ai
nghe.
Những lời của cô gái làm người đàn ông xúc-động. Ngọc-Kiều không tầm-thường như gã tưởng.
- Mong cô nối được chí cha.
Cô bé than:
- Tôi muốn lắm nhưng không đủ sức. Nhìn thấy kẻ thù giết mẹ hàng ngày mà không làm gì được. Tôi chỉ là người vô-dụng.
Người đàn ông nghiêm mặt hỏi. Âm-thanh rõ-ràng và sắc như lưỡi dao chém xuống:
- Ai là thủ-phạm giết mẹ cô?
- Tên võ-sư nhà ông Bá.
- Gã từ đâu tới, cô biết không?
Cô gái buồn-bã thở dài:
- Để tôi kể ông nghe. Khi khách qua sông bị giết càng ngày càng nhiều.
Mọi người đều hoang-mang thì một đứa bé chăn trâu tình-cờ nhìn thấy kẻ
giết người. Nó ỏ xa nên không rõ mặt, chỉ biết gã cầm vật gì như cái
quạt đâm vào nạn-nhân. Người lạ mặt đá xác chết xuống sông rồi bỏ đi
mất. Khi khám-nghiệm tử-thi của người xấu số, quả thật có một chấm đen
trên vai. Ngày hôm sau đứa bé chăn trâu bị giết chết, xác vứt xuống
sông. Bấy giờ người ta biết thủ-phạm là người chứ không phải hà-bá,
thủy-thần gì cả. Nó giết nhân-chứng.
Ông Bá là nhà giầu nhất vùng nên càng lo sợ. Ông mời được hai võ-sư từ
phương xa tới. Họ là hai anh em học cùng thầy. Người anh thâm-trầm,
lạnh-lùng. Người em hay uống rượu. Các thầy võ vùng này nói rằng võ-nghệ
của người anh giỏi không thể tưởng-tượng. Tên ông là Mai-Hạ. Người em
háo-sắc, tên hắn là Tôn Cầu. Thấy mẹ đẹp, hắn nói ra những lời bậy-bạ.
Mẹ buồn lắm nên dặn-dò tôi nhiều điều. Rồi một ngày hắn bắt cóc mẹ định
giở trò càn-rở. Mẹ cắn lưỡi chết chứ không chịu nhục. Nó vứt xác mẹ ra
bụi tre. Gia-nhân trông thấy nhưng ông Bá cứ lờ như không biết. Ông còn
bỏ tiền đút lót quan trên che-chở cho hắn.
Cô bé nói đến đây nước mắt trào ra:
- Tội-nghiệp mẹ vô cùng.
Người đàn ông thở dài:
- Cô muốn trả thù thì phải học võ thật giỏi.
- Mẹ trao cho tôi cuốn võ học của bố. Tôi cố-gắng mà không tiến-bộ đáng kể. Trời ơi, tại sao tôi ngu-dốt quá chừng.
- Không phải đâu. Cô cần người giỏi chỉ-dẫn lúc đầu.
Cô gái than:
- Thầy giỏi nào muốn nhận tôi. Tôi chỉ là đứa con gái bất-hạnh.
Người đàn ông tư-lự nhìn vào khoảng không trước mặt. Cả hai đều im-lặng. Một lúc thật lâu sau, gã xót-xa hỏi:
- Cô thực-sự muốn học võ không?
Cô gái không do-dự trả lời:
- Tôi muốn lắm.
Gã gặng hỏi:
- Cô có tự-nguyện ép mình trong khuôn-khổ của những quy-luật chặt-chẽ không?
- Tôi tự-nguyện. Ông quen thầy võ nào giỏi ư?
Gã lặng-lẽ bảo:
- Tôi nhận cô làm học trò.
Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:
- Ông nói gì? Ông muốn dậy tôi võ sao?
Người đàn ông gật đầu:
- Phải.
- Làm sao tôi biết ông giỏi võ.
Gã mỉm cười:
- Thử thì biết. Cô đánh tôi đi.
Cô gái đứng tấn, định vung tay đánh xuống người đàn ông đang ngồi nhưng rồi nàng lắc đầu.
- Không được, tôi đánh gẫy xương ông mất.
Nhìn bàn tay búp măng xinh-xắn của người thiếu nữ, gã cười:
- Cứ thử đi.
Nàng chạy ra ngoài khệ-nệ bưng bấy, tám cục gạch xếp trước cửa miếu khẽ nói:
- Ông coi đây!
Ngọc-Kiều bước tới vung tay. Chồng gạch bị sức chấn-động vỡ làm hai. Người đàn ông kêu lên:
- Trời ơi!
Cô gái thành-thật:
- Tôi không dám đấm ông. Nhỡ ông bị thương, tôi đâu có thể chăm-sóc được.
Thấy gã im-lặng, nàng hỏi
- Ông nghĩ gì đấy.
- Tôi làm được hơn thế. Cô nhận tôi làm thầy không?
Cô gái lắc đầu:
- Không hơn được đâu.
Gã vặn hỏi:
- Nhỡ hơn thì sao?
Cô tự tin:
- Ông đã sợ thì làm sao hơn được. Nào đánh cuộc đi.
Người đàn ông ra ngoài nhặt một viên gạch rồi quay lại. Cô gái cười khúc-khích:
- Giỏi quá! Ông muốn đánh bể một viên gạch đấy à?
Gã gật đầu:
- Đúng vậy.
Xuân-Vĩnh không đặt viên gạch dưới đất mà tung lên trời. Tay phải chàng như lười dao chém tới. Viên gạch đứt làm hai.
Ngọc-Kiều tròn mắt kinh-ngạc:
- Ông làm được vậy sao?
- Làm được. Bây giờ cô nhận tôi làm thầy chưa?
Ngọc-Kiều cắn môi. Người đàn ông và nàng trong những ngày qua thân ái
như bạn. Bây giờ phải tôn gã làm thầy. Ngẫm-nghĩ một lúc, nàng lắc đầu:
- Không được đâu.
Gã đàn ông bảo nàng:
- Người quân-tử không được nuốt lời.
Ngọc-Kiều cãi:
- Tôi có phải đàn ông đâu mà là người quân tử?
Xuân-Vĩnh nghiêm-giọng:
- Không được đùa-cợt. Cúi xuống lạy ta mau.
Cô gái bĩu môi nói:
- Không lạy, không lạy. Ông vừa vô-tình, vô nghĩa vừa đánh lừa tôi. Ông là ngụy quân-tử, làm thầy tôi sao được.
Gã có vẻ giận:
- Hừ, cô hãy cắt nghĩa đi.
- Này nhé, chuyện gi tôi cũng kể ông nghe mà ông thì chuyện gì cũng
giấú-diếm. Đó là thiếu chân-tình. Ông biết chắc mình thắng cuộc mà còn
bẫy tôi vào đó là thiếu thẳng-thắn. Ông là người khôn-ngoan, tôi là kẻ
khờ-khạo. Ông làm vậy mà hãnh-diện được sao? Nếu không cho là đúng, ông
cứ đánh tôi chết đi. Kẻ “không trượng-phu” này chẳng hề sợ hãi.
Người đàn ông bật cười:
- Cô lý-lắt quá lắm. Muốn trả được thù thì phải học võ. Cô chạy đằng nào cho khỏi?
- Học võ thì được. Nhận làm thầy thì không. Hay chúng ta kết-nghĩa anh em đi.
Người đàn ông đang vui-vẻ đột nhiên đổi sắc. Làn da mặt co lại. Gã quát to:
- Tôi cấm cô không được nói hai chữ anh em. Cô đi mau ra khỏi chỗ này …Cô làm ơn đi mau.
Ngọc-Kiều nước mắt lưng tròng bước xuống đồi. Thế là hết! Cô sẽ không
bao giờ gặp con người tàn-nhẫn này nữa. Người đàn ông đã trấn-tĩnh được
cơn thịnh-nộ, gã thở dài nhìn theo Ngọc-Kiều.
Ngày hôm sau, cô gái không tới. Gã chờ đợi sốt ruột. Ba ngày kế tiếp gã cũng không thấy mặt nàng. Lòng cô-đơn, gã lẩm-bẩm:
- Tội-nghiệp! Cô ta có lỗi gì đâu?
Trưa hôm sau nữa, cô bé bước vào cửa miếu. Không thấy Vĩnh ở đó. Cô lặng người nhìn thềm miếu tần-ngần.
Bỗng có tiếng nói đằng sau:
- Cô trở lại. Tôi đã chờ cô mấy ngày.
Lời nói dịu-dàng đó làm cô muốn trào nước mắt.
- Tôi .,,tôi quay lại để hỏi ông tôi có lỗi gì? Mấy ngày nay tôi buồn quá!
Vĩnh ôn-tồn:
- Cô đừng lo-ngại nữa. Tôi đang định tìm cô đấy. Tôi cũng ân-hận.
Ngọc-Kiều quay lại. Dáng-điệu ủ-dột biến mất.
- Ông nhân-từ đúng như tôi nghĩ.
Vĩnh lắc đầu:
- Tôi có lỗi chứ nhân-từ cái gì. Cô muốn học võ không?
Nàng lưỡng-lự:
- Muốn lắm nhưng …
- Cô không cần nhận tôi làm thầy. Tôi dậy võ của bố cô.
Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:
- Ông là ai mà hiểu được võ của bố tôi?
- Khi lên tới một trình-độ võ học nào đó, người ta hiểu được võ của
người khác dù chỉ nhìn thoáng qua. Vả lại, tôi đã thấy cô luyện võ trong
nhiều ngày.
Vĩnh bước ra phía sau miếu nơi có hàng cây lớn. Chàng ra dấu cho Ngọc-Kiều ngồi trên tảng đá.
- Qua những thế võ cô tập, tôi biết bố cô là người anh-hùng, đường đường, chính chính. Ông có sức mạnh khó người bì kịp.
Nhừng lời dễ nghe của Vĩnh làm Ngọc-Kiều mát lòng:
- Ông nói đúng. Bố tôi là người rất đáng kính.
Chàng giải-thích thêm:
- Những thế võ mà ông dùng thích-hợp với người có thể-chất to lớn. Cô
là người mảnh-dẻ, nhanh-nhẹn. Đừng cố bắt-chước giống hệt như ông. Hãy
tận-dụng ưu-điểm của mình. Quyển võ thuật của bố cô chỉ là gợi ý.
Cô gái thắc-mắc:
- Sao ông không dậy tôi võ thuật khác.
Vĩnh lắc đầu:
- Tôi kính-phục võ-đạo của ông. Khí-phách cao-cả lộ rõ trong những
đường quyền, bước chân. Hãy thấm-nhuần tinh-thần đó trước rồi tính sau.
Võ-đạo quan-trọng hơn võ-thuật.
- Thấm-nhuần võ-đạo lâu lắm. Tôi muốn trả thù cho mẹ.
Vĩnh thở dài:
- Hễ học tắt thì dễ khiếm-khuyết. Cô biết thế không?
Ngọc-Kiều nhu-mì hỏi:
- Tôi làm ông thất-vọng phải không?
- Không đâu. Cô dễ mến, thẳng-thắn.
Nàng hỏi lại:
- Ông nói thật không?
- Tôi chưa nói dối bao giờ.
- Cám ơn ông.
- Thôi, cô nên học võ. Cô cần ngẫm-nghĩ những thế võ của bố cô. Cô
khai-triển theo ưu-điểm của mình. Cùng một thế võ, người mạnh hơn dễ
thắng. Cô phải nhanh hơn họ nhiều mới khống-chế họ được. Cô cần
thuần-thục từng thế võ.
Ngọc-Kiều hỏi:
- Còn chuyện gì quan-trọng nữa không?
Vĩnh đáp:
- Cô hãy lấy ưu-điểm của mình để chống lại khuyết-điểm của địch thủ. Cô nhớ lời tôi dặn chứ.
- Dạ nhớ.
Vĩnh gật đầu:
- Lúc khác tôi dậy tiếp.
- Ông không dậy tôi nữa thật sao?
Vĩnh mỉm cười:
- Hôm nay tôi nói nhiều quá rồi. Cô học đi.
Chàng bước đi không đợi Ngọc-Kiều trả lời. Cô gái ngồi ngẫm-nghĩ những
thế võ đã tập một lúc thật lâu. Nàng đứng dậy thực-hành. Trước chậm, sau
mau. Cùng những bước chân ấy, cùng những cái vung tay ấy nhưng bài võ
trở nên linh-động hơn nhiều.
Nàng sung-sướng gọi chàng:
- Ông Vĩnh!
Không có tiếng trả lời. Nàng chạy đi kiếm chàng. Người đàn ông đang
ngồi nướng con gà trên đống than hồng. Ngọc-Kiều nhếch miệng nói:
- Thơm quá! Ông Vĩnh, tôi tiến-bộ ngày hôm nay.
Vĩnh điềm-đạm:
- Ngày mai, ngày mốt, năm bẩy ngày nữa cô không cần tôi đâu. Cứ thế học đi.
- Sao vậy? Tôi muốn ông dậy nữa.
Vĩnh cười:
- Cô tham-lam quá. Gặp người khác có lẽ tôi khỏi dậy vài tháng là ít. Thôi để tôi xé gà ra ăn.
Ngọc-Kiều buột miệng:
- Ông bắt gà ở đâu?
Thấy Vĩnh nhìn, nàng tự trách:
- Mồm với miệng. Tôi nói không suy-nghĩ gì cả. Ông bỏ qua cho tôi.
Vĩnh hỏi:
- Chắc cô giống mẹ. Có lẽ ngày xưa bà thuộc một gia-đình dòng-dõi.
Ngọc-Kiều gật đầu:
- Sao ông biết? Không có gì giấu được ông.
- Qua những thế võ, bố cô là người bộc-trực, đơn-giản. Bởi vậy tôi nghĩ tính-tình của cô giống mẹ. Thôi cô ăn đi.
Ngọc-Kiều đỡ lấy miếng thịt gà:
- Ông ăn với tôi chứ?
Vĩnh cười:
- Được, chúng ta cùng ăn.
Cô gái nói:
- Ông thật tốt với tôi.
- Cô mới tốt. Cô nhịn đói nhiều ngày vì tôi.
Ngọc-Kiều dịu-dàng:
- Có gì đâu.
Những ngày sau, Ngọc-Kiều mê-mải học võ. Đôi lúc Vĩnh bỏ đi đâu mà nàng
vẫn không biết. Nhiều lần nàng xua đàn trâu lên đồi rồi ôn luyện cho
tới chiều. Một hôm đang mê-mải học, nàng lẩm-bẩm:
- Bậy quá!
***
Quẩy Gánh Non Sông (2)
(tiếp theo)(Cô gái chăn trâu)
Nàng xua lũ trâu trở lại phía cái miếu tìm Vĩnh. Thấy chàng đang đắm mình trong suy-tưởng, nàng gọi nhỏ:
- Ông Vĩnh!
Vĩnh quay lại:
- Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?
Ngọc-Kiều dịu-dàng tiến lại gần.
- Mấy hôm nay tôi sơ-ý quá. Ông đừng buồn tôi nhé.
- Buồn chuyện gì?
- Tôi mê-mải học võ không để ý gì tới ông cả.
Vĩnh cười, che-giấu sự cảm-động:
- Cô nghĩ tôi là đứa bé hay sao?
Ngọc-Kiều trở nên lúng-túng:
- Không phải … nhưng … nhưng tôi cảm thấy không chu-đáo với ông.
- Trước khi gặp cô, tôi lo-liệu lấy được. Một ngày gần đây…
Người con gái biến sắc:
- Ông tính … bỏ đi hay sao? Đừng giận tôi. Tôi… tôi không có ý để ông ở đây một mình.
Thấy Ngọc-Kiều săn-sóc mình, Vĩnh nhớ tới Lệ-Nhu. Năm ấy nàng được thầy cứu về.
Gia-đình
nàng bị cướp giết chết hết. Thầy của chàng đã có ba học trò. Người anh
đầu của chàng là Đại-Minh lúc ấy 25 tuổi, Vĩnh 16 tuổi và Ngọc-Đại 14
tuổi. Lệ-Nhu mới 12 tuổi.
Đại-Minh tính-tình tận-tụy, cẩn thận. Ngọc-Đại nhanh-nhẹn, nóng nẩy.
Lần đầu tiên nhìn thấy Lệ-Nhu, Vĩnh đã thích nàng. Sống với các anh vài
tháng, Lệ-Nhu gần-gũi Ngọc-Đại nhất. Hai người cùng học võ, đi chơi với
nhau. Vĩnh cảm thấy mất-mát, cô-độc. Chàng âm-thầm không nói gì.
Đại-Minh giao cho mỗi em chăm-sóc một mảnh vườn nhỏ. Lệ-Nhu cuốc sới
chậm. Buổi sáng nàng thường dậy trễ lại hay đi bắt bướm với Ngọc-Đại.
Một hôm thầy bắt gặp Vĩnh ngủ gật trong lúc nghe giảng. Ông nghiêm-khắc
mắng Vĩnh. Vĩnh quỳ suốt sáng để tỏ lòng hối-lỗi.
Sợ bị phạt, Lệ-Nhu ra vườn chăm-sóc những luống rau của mình. Nàng nhận
ra việc làm cao đẹp của Vĩnh. Người anh thứ hai mỗi ngày dậy sớm để lo
cho em.
Nước mắt đầm-đìa, nàng chạy vào quỳ bên cạnh anh.
- Anh hai tốt với em quá!
Thầy biết chuyện gọi Vĩnh vào bảo:
- Ta hồi nhỏ giống con.
Từ đó hai anh em thân nhau. Lệ-Nhu vẫn đuổi bướm, hái hoa với Ngọc-Đại
nhưng chỉ với Vĩnh nàng mới thích tâm-sự. Có lần thầy cho Lệ-Nhu một
trái cam. Nàng tìm Vĩnh nói:
- Của anh đấy!
Vĩnh cảm-động:
- Em ăn đi.
- Em để dành cho anh. Em không thích cam.
Vĩnh cao-thượng:
- Hay em mang cho anh Ngọc-Đại.
Lệ-Nhu nói nhỏ:
- Anh ba là người tốt nhưng anh ba không thể so-sánh với anh được. Em quý anh hơn nhiều.
Lần khác Vĩnh đang vá áo thì nàng giằng lấy.
- Tại sao anh không bảo em? Anh cả, anh ba đều nhờ em hết.
Vĩnh mơ-màng trong kỷ-niệm cũ. Tiếng nói của Ngọc-Kiều làm Vĩnh trở về với thực-tại.
- Ông Vĩnh nghĩ gì thế?
Chàng mở túi ra lấy một miếng vải:
- Tôi biếu cô cái này may áo.
Ngọc-Kiều ngập-ngừng:
- Cám ơn ông.
Nàng nghĩ ra điều bất-tiện, đưa miếng vải lại cho Vĩnh:
- Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Mặc áo mới người ta..
Vĩnh xót-xa nói:
- Tôi vô ý quá!
Ngọc-Kiều mỉm cười, nàng lấy lại miếng vải trong tay Vĩnh.
- Tôi đổi ý. Ông kiếm kim chỉ nhé.
- Có phải cô định may áo cho người khác không?
Ngọc-Kiều gật đầu:
- Phải, cho ông.
Vĩnh trầm-ngâm như đang đắn-đo việc gì. Chàng với cái que nhỏ dưới đất lên, bẻ làm hai đưa cho nàng.
- Cô thử dùng que. Tay phải vẽ vòng tròn. Tay trái vẽ hình vuông được không?
- Được chứ. Lúc nhỏ mẹ đố tôi rồi. Tôi chơi như vậy hàng ngàn lần. Mỗi lần nhớ mẹ, tôi thường làm như thế.
- Cô cho tôi xem.
Ngọc-Kiều mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền duyên-dáng lũng xuống. Tay
phải nàng thay đổi từ hình ba góc đến hình vuông rồi chuyển qua hình
tròn. Tay trái vẽ một hình khác tay phải. Hai tay nàng chuyển-động mỗi
lúc một nhanh. Những đường vẽ liên-tục bất-tận.
Vĩnh kinh-ngạc:
- Lạ thực!
Ngọc-Kiều không hiểu, nàng hỏi:
- Ông nói gì?
- Cô có thể là một cao-thủ trong thời-gian ngắn. Bây giờ tôi dậy cô những thế võ khác nhé.
Ngọc-Kiều mừng rỡ:
- Học võ khác? Ông bằng lòng với những tiến-bộ của tôi phải không?
Vĩnh dè-dặt lời khen:
- Bằng lòng. Tuy nhiên cô nên luôn ôn-tập khi rảnh. Đừng khinh thường
thế võ nào cả. Bất cứ một thế võ nào dưới tay người giỏi đều trở thành
tuyệt chiêu được. Văn ôn, vũ luyện.
Chàng tận-tình chỉ dậy cho Ngọc-Kiều. Nàng có trí nhớ tốt, học rất
nhanh. Ngọc-Kiều chưa thấy lúc nào chàng vui-vẻ như hôm nay.
- Cô tập mỗi ngày những điều đã học. Tôi dậy tiếp sau. Mai là ngày có phiên chợ. Cô muốn mua gì không?
Ngọc-Kiều reo lên:
- Ông đi chợ sao? Tôi không cần gì. Ông định mua gì đấy?
- Tôi cần một con dao. Con dao cũ mất rồi.
- Ông đánh mất ở đâu?
Chàng chỉ xuống giòng sông âm-thầm chở nước về phía trời xa. Mùa này,
nước chưa rút hẳn. Những làn sóng xô nhau che-giấu cái bí-mặt làm dân
làng sợ-hãi.
- Chỗ kia.
Ngọc-Kiều nói với chàng:
- Ông đi với tôi. Tôi tìm lại con dao cho ông.
Nàng bước nhanh xuống sườn dốc, Vĩnh theo sau. Tới bờ sông, Ngọc-Kiều hỏi chàng:
- Chỗ kia phải không?
Vĩnh cản:
- Không cần-thiết lắm đâu. Dưới lòng sông có đá ngầm. Nguy-hiểm lắm.
Ngọc-Kiều cười:
- Không sao đâu.
Nàng rảo bước thì Vĩnh gọi giật lại:
- Con dao sắc, cô nên thận-trọng.
Ngọc-Kiều sung-sướng thấy Vĩnh quan-tâm đến mình. Thoắt một cái nàng đã
bơi tới chỗ chàng chỉ. Nàng lặn xuống một lúc thật lâu. Khi trồi lên
nàng lắc đầu, giơ tay lên cao vẫy Vình. Trước khi chàng kịp nói, nàng
biến mất trong nước. Cứ như thế vài lần mà không có kết-quả gì. Lần cuối
Vĩnh lo-ngại. Nàng lặn xuống lâu quá. Rồi đầu nàng nhô lên trên những
đợt sóng...Nàng thoăn-thoắt bơi vào.
Vĩnh bước tới đón:
- Cô làm tôi lo-ngại.
Nàng đưa con dao cho Vĩnh:
- Con dao của ông đây.
Ngọc-Kiều bước lên tảng đá. Vĩnh thấy nàng thật đẹp. Khuôn mặt không còn nhọ-nhem. Nụ cười tươi. Hai hàm răng đều-đặn.
Chàng phê-bình:
- Cô trông khác quá.
- Khác gì ông Vĩnh.
Người đàn ông nói lảng:
- Hôm nay tôi biết một bí-mật. Hàng ngày cô cố-tình làm mặt nhọ-nhem cho xấu-xí đi.
Ngọc-Kiều nhăn mặt trêu Vĩnh. Ánh nắng rực-rỡ của buổi chiều chiếu xuống làm nàng càng thêm duyên-dáng.
Ngọc-Kiều nói:
- Tôi cũng biết một bí-mật. Ông Vĩnh tài kinh trời đất, biết cả việc
giết người nữa. Ông giết tên Mai-Hạ, võ sư của nhà ông Bá Hạc. Hắn mất
tích lúc ông bị thương.
- Cô chỉ giỏi đoán mò.
Ngọc-Kiều giải-thích:
- Con dao của ông chuôi bằng ngà, sắc lắm. Có lẽ là một kỷ-vật. Người
như ông làm sao đánh rơi dao giữa sông được… Ông bị thương…Hắn bị chết.
Trận đấu khốc-liệt lắm phải không?
Vĩnh không giấu-diếm:
- Nhờ may-mắn tôi mới thắng. Hắn bị đấm vào thái-dương ngã xuống. Lúc
sắp chết, hắn nhờ tôi chuyển cỗ tràng hạt trên cổ cho người em gái. Mặt
hắn tái đi. Giọng hắn nhỏ dần. Tôi cúi xuống để nghe cho rõ thì hắn dồn
hết sức đánh tôi một chưởng. Tôi đấm hắn tung xuống nước rồi ngất đi.
Lúc tỉnh dậy thuyền dạt vào bờ. Tay hắn còn bám vào cuối thuyền. Hắn
kiệt-sức không leo lên được. Tôi vùi tạm hắn bên bờ sậy xong lết lên
miếu.
Ngọc-Kiều thân-mật trách:
- Tại ông dễ tin người.
Vĩnh cười:
- Đa-tạ trời đất! Nếu không bị thương thì làm sao tôi biết được cô Ngọc-Kiều tốt bụng? Cô ngồi xuống đây đi.
Ngọc-Kiều nghe lời chàng. Vình dặn:
- Cô đừng hỏi gì nữa. Hãy nhớ lấy những lời tôi sắp dậy. Cố mà nhớ chứ không cần hiểu ngay.
Ngọc-Kiều tròn mắt:
- Tại sao?
Vĩnh lắc đầu:
- Đừng hỏi. Bây giờ tôi dậy cô bài võ này. Cô nên chú-tâm kẻo tôi đổi ý.
Đọc xong vài lần, Vĩnh hỏi Ngọc-Kiều:
- Cô nhớ hết không?
- Nhớ hết.
Vĩnh xúc-động ân-cần dặn:
- Cô chú-tâm học nhé. Bài võ vừa rồi tên là Việt Nữ Kinh.
Nói xong Vĩnh bước đi. Nét mặt phảng-phất nỗi buồn câm nín.
Ngọc-Kiều gọi theo:
- Ông Vĩnh!
- Cô cần gì nữa không?
Nàng lắc đầu:
- Không. Tôi đã làm điều gì khiến ông buồn?
Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều:
- Không phải đâu.
Ngọc-Kiều nhận thấy mỗi khi Vĩnh thân-thiện với nàng, chàng lại buồn-bã, ray-rứt ngay sau đó.
Nàng cắn ngón tay:
- Tại tôi vụng-về, xấu-xí, quê mùa, ăn nói vô duyên phải không?
Vĩnh cười buồn:
- Cô thông-minh, xinh đẹp. Cô như… như…
Ngọc-Kiều chăm-chú nhìn chàng.
- Như gì?
Giọng Vĩnh là làn gió thoảng:
- …một vị phúc-thần.
Ngọc-Kiều bẽn-lẽn:
- Ông khéo nói quá!
Vĩnh lảng sang chuyện khác:
- Tôi muốn nhờ cô một việc.
Ngọc-Kiều sốt-sắng:
- Tôi sẵn-sàng.
Vĩnh chỉ về phía phải. Bờ sông nơi đó hẹp, hai bên um-tùm những cây cổ-thụ.
- Tôi muốn bắc một chiếc cầu dây qua sông. Mong cô giúp tôi một tay.
Tôi đã tìm ra được vài dây song thật lớn, to bằng cố tay dùng làm dây
chính. Tôi kiếm được khá nhiều dây mây nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, tôi
ngâm cả dưới sông.
- Ông muốn tôi kiếm thêm phải không?
- Đó chỉ là một phần. Tôi muốn cô giúp tôi buộc các sợi dây mây từ
miếng gỗ làm cầu lên dây song lớn bắc ngang hai bên để đỡ cầu.
Ngọc-Kiều đùa:
- Mai này tôi ngồi thu tiền kẻ nào qua cầu cho ông nữa chứ.
- Nếu thích thì cô làm. Tiền thu được biếu cô nhé.
Ngọc-Kiều tươi cười:
- Đâu dám. Dạo này khách miền xuôi từ phía Nam lên hay người buôn-bán
từ phía bắc xuống thưa dần vì vụ hà-bá giết người. Họ đi qua ngả
Đại-Bình cách đây hai mươi dặm. Nếu ở đây có cầu, một số sẽ quay trở
lại. Dân hai làng sẽ hồi-tâm mà tiếp-tục bắc nốt cái cầu làm dở phải
không?
Vĩnh ngạc-nhiên sự nhận-xét của nàng đúng y như trong ý-nghĩ của mình. Chàng khen:
- Cô thông-minh lắm.
Nhiều tuần sau, việc làm chiếc cầu dây tiến-triển trông thấy. Ngọc-Kiều
miệt-mài trong công việc. Mỗi ngày, Vĩnh đều dậy nàng học võ. Chàng
không ngờ nàng có khả-năng tiếp-nhận vượt bực.
Một hôm ngồi nghỉ, Ngọc-Kiều gọi nhỏ:
- Ông Vĩnh!
- Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?
Nàng lo-âu thở dài:
- Mấy hôm nay có người theo dõi tôi. Tôi cảm thấy mơ-hồ chứ không dám chắc.
Vĩnh đưa nàng con dao ngắn:
- Cô giữ lấy nhỡ khi cần dùng.
Ngọc-Kiều từ-chối:
- Tôi không dám nhận. Con dao này quý lắm.
Vĩnh ân-cần:
- Cô giữ cho tôi yên lòng.
Người con gái cảm-động:
- Cám ơn ông.
Lúc sau, Ngọc-Kiều gọi:
- Ông Vĩnh!
Chàng nhìn nàng:
- Cô cần chuyện gì nữa không?
- Sao không lúc nào ông vui-vẻ?
Vĩnh cười gượng:
- Cô thấy tôi buồn lắm à?
Ngọc-Kiều trả lời. Âm-thanh ngọt-ngào:
- Vâng. Nhiều lúc tôi muốn hỏi chuyện mà sợ phiền ông.
Vĩnh ngẫm-nghĩ rôi công-nhận:
- Cô trách cũng đúng. Từ nay tôi không còn là kẻ “thiếu chân-tình” nữa.
Ngọc-Kiều ngượng-nghịu:
- Xin ông bỏ qua lời nói không ý-thức của tôi lúc trước.
…Vĩnh bắt đầu câu chuyện. Giọng chàng chĩu nặng buồn rầu:
- Chúng tôi có bốn anh em học cùng thầy. Mỗi người được thầy thu-nhận
trong những hoàn-cảnh khác nhau. Tôi không rõ gia-thế của người anh lớn.
Hừ, đến bây giờ tôi không biết anh là bậc chí-tình, đại-nghĩa hay kẻ
dơ-bẩn, hèn-hạ. Tôi không biết nên gọi là anh em sống chết hay kẻ thù
cần tận-diệt. Sẽ có ngày tôi tìm ra sự thật. Tôi là người thứ nhì trong
bốn anh em. Kế tiếp là Ngọc-Đại. Người em út là Lệ-Nhu. Lệ-Nhu gặp
hoàn-cảnh bất-hạnh được thầy chúng tôi cứu về.
Vĩnh mơ-màng:
- Năm ấy Lệ-Nhu còn nhỏ. Mắt nàng to và đen. Nàng không thích học võ.
Anh Đại-Minh không hiểu nên có phần nghiêm-khắc với nàng. Một lần, tôi
thấy Lệ-Nhu ngồi khóc bên bờ rừng. Tôi an-ủi nàng, lúc đó mới biết nàng
thích thơ văn hơn võ-thuật. Cha mẹ nàng bị giết bởi lũ người biết võ.
Chuyện nàng không thích là lẽ dĩ-nhiên. Tôi biết chút ít thơ văn. Nàng
nhờ tôi chỉ bảo. Sau mỗi lần anh Đại-Minh cằn-nhằn, nàng phải nhờ
Ngọc-Đại dậy thêm xong kiếm tôi tâm-sự. Tôi cắt nghĩa cho nàng rằng học
võ không có nghĩa là giết người mà để giữ-gìn cho thân-thể khỏe-mạnh,
lại có thể tự-vệ nữa. Tôi nói với nàng nếu võ lên tới trình-độ cao thì
cũng thành Kinh như trong thơ văn vậy. Nàng lắng nghe thích-thú. Kể từ
đó, Lệ-Nhu học võ nhanh hơn nhiều. Càng lớn Lệ-Nhu càng đẹp và dễ
thương. Anh cả chúng tôi thấy nàng chịu khó nên hết sức dậy thêm.
Ngọc-Kiều khẽ hỏi:
- Ông cũng dậy nàng chứ?
- Tôi không có giờ. Thầy đích-thân dậy tôi về thơ văn và đôi khi còn
khảo-sát võ-thuật. Tôi còn phải học võ cùng với Ngọc-Đại, Lệ-Nhu nên
không nhiều dịp gặp riêng nàng.
Ngọc-Kiều nhìn xuống đất nhưng rồi cũng hỏi:
- Ông thích chị Lệ-Nhu lắm phải không?
- Nàng thật tội-nghiệp.
Ngọc-Kiều che-giấu cảm-xúc:
- Bây giờ chị ấy ở đâu?
Giọng Vĩnh lạnh-lẽo như băng:
- Chết rồi.
Ngọc-Kiều bứt một sợi cỏ. Cả hai im-lặng. Nàng an-ủi Vĩnh:
- Chị Lệ-Nhu ở dưới suối vàng chắc-chắn vẫn giữ mãi mối tình không phai với ông.
Giọng Vĩnh khô-khan:
- Nàng không được nghĩ đến tôi.
Ngọc-Kiều đang ngạc-nhiên thì Vĩnh tiếp:
- Lệ-Nhu là vợ của Ngọc-Đại.
Vĩnh đứng dậy cười… Tiếng chàng vừa u-uất vừa ngạo-nghễ bay xuống giòng sông tan vào sóng nước.
- Thôi ta về!
Ngọc-Kiều ngơ-ngẩn nhìn chàng bước về phía cái miếu hoang. Trên không
một cánh diều no gió chao đi mấy vòng rồi vút lên cao. Nàng thì-thầm
trong nỗi xót-xa:
- Ông Vĩnh, tôi phảI làm gì đây?
* *
*
Vĩnh bàng-hoàng giữa đêm. Chàng gặp Lệ-Nhu ngồi bên rừng thuở trước. Vĩnh mừng rỡ tiến tới.
Lệ-Nhu hỏi:
- Anh đi đâu?
- Anh kiếm em khắp nơi.
Lệ-Nhu trách:
- Đừng kiếm em. Kiếm Ngọc-Kiều. Tại sao anh bỏ nàng một mình?
Vĩnh khẽ nói:
- Em đừng lo. Nàng biết võ.
Lệ-Nhu lắc đầu:
- Anh biết người muốn hãm-hại nàng là ai không? Đừng nghĩ tới em. Hãy săn-sóc Ngọc-Kiều.
Nói xong, Lệ-Nhu biến thành một giải sương mờ từ từ tan vào khoảng không.
Vĩnh gọi lớn:
- Lệ-Nhu!
Chàng tỉnh dậy buồn-bã bước ra ngoài. Ánh sáng lờ-mờ của vầng trăng sắp
mọc chỉ đủ để bầu trời không tối đen. Đột nhiên, một bóng người từ xa
chạy tới. Khi dến gần miếu, bóng đen chậm lại. Vĩnh nhận ra Ngọc-Kiều.
Hai tay nàng run-rẩy nắm chặt cánh tay Vĩnh.
- Ông Vĩnh!
- Ngọc-Kiều, chuyện gì thế?
Ngọc-Kiều không nói. Nàng khóc nức-nở. Vĩnh trấn-an:
- Bình-tĩnh lại đi, đừng sợ.
Ngọc-Kiều buông tay chàng. Vĩnh thấy vai áo nàng rách một mảnh lớn.
Nàng nói:
- Nó…nó… định bắt tôi.
- Nó là ai?
Ngọc-Kiều trả lời:
- Là tên võ-sư Tôn-Cầu.
- Ở đâu?
- Chỗ tôi ngủ. Nó nắm được vai áo. May tôi vùng ra được.
Ngọc-Kiều kể:
- Gần đây hắn cứ nhìn tôi. Tôi sợ lắm mà không dám nói với ai. Đêm đêm
tôi để bó rơm chỗ thường nằm. Tôi ngủ gần đó với cành chanh bên cạnh.
Hắn chụp trúng bó rơm. Tôi đâm cành chanh đầy gai vào mặt hắn. Trời tối
đen nên hắn không tránh được.
Hắn nắm được vai áo. May mà tôi thoát được.
Vĩnh cảm thấy nhẹ-nhõm:
- Cảm-tạ trời đất!
Ngọc-Kiều hỏi:
- Ông nói gì?
- Cô không phải sợ gì nữa.
Chàng quay vào lấy cái áo đưa cho Ngọc-Kiều khoác. Lúc đó chàng mới
biết nàng đang cầm chắc con dao. Vĩnh liên-tưởng tới sự cương-quyết của
mẹ nàng. Chàng rùng mình hứa:
- Kể từ nay, tôi che-chở cô.
Ngọc-Kiều òa lên khóc:
- Tôi không sợ chết. Chỉ sợ ông…ông không có người săn-sóc.
Những ngày qua, Ngọc-Kiều thường thổi cơm cho chàng. Vĩnh bắt cá ở dưới
sông, gài bẫy bắt chim làm thức ăn. Bên đống lửa đợi chờ cơm chín, hai
người nói chuyện thật vui-vẻ tương-đắc.
Vĩnh ân-cần:
- Cô đừng buồn nữa. Đợi trăng lên, chúng ta đi kiếm nó.
Thấy nàng mất hồn, Vĩnh gọi khẽ:
- Ngọc-Kiều!
Người con gái trả lời:
- Dạ.
Vĩnh đề-nghị:
- Chúng ta kết-nghĩa anh em. Cô nghĩ sao?
- Đừng…nhắc tới chuyện này nữa.
Vĩnh ngạc-nhiên hỏi:
- Tại sao?
Ngọc-Kiều thở dài:
- Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Lúc trước tôi tưởng ông là người tầm-thường nên mới…
Vĩnh ngắt lời:
- Tôi luôn luôn là người tầm thường.
- Tôi không tài-giỏi như chị Lệ-Nhu.
Vĩnh trả lời:
- Lệ-Nhu mộc-mạc, vui-vẻ. Cô tận-tình, khả-ái. Cả hai cùng tốt với tôi.
Ngọc-Kiều êm-ái hỏi:
- Có phải đúng như thế không?
Vĩnh mỉm cười:
- Đúng. Tuy nhiên nếu bằng lòng, cô phải hứa ba điều.
Ngọc-Kiều mạnh-dạn:
- Bất cứ điều gì cũng hứa. Ừ, ừ…mà không được đâu.
- Sao thế?
Ngọc-Kiều trả lời:
- Nhỡ ông bảo tôi phải tha-thứ cho kẻ thù giết mẹ thì sao?
Vĩnh nói:
- Điều tôi muốn cô làm là chính-đáng. Kể cả cha mẹ cô nếu còn sống cũng mong-ước mơ-tưởng.
- Thế thì được.
Vĩnh đọc lời thề trước. Tới phiên Ngọc-Kiều nàng dõng-dạc lên tiếng:
- Trên có Trời, dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, sẽ là người em tốt của anh
Trần Xuân Vĩnh. Tôi hứa luôn luôn trung-thành với anh.
Vĩnh nhăn mặt:
- Không được. Thề lại đi.
Ngọc-Kiều lặng-lẽ:
- Sao vậy anh?
Vĩnh nghiêm-nghị:
- Em thề lại. Trên có Trời. Dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, cùng anh
Xuân-Vĩnh kết-làm anh em. Tôi thề sẽ hết lòng giúp-đỡ khi anh dấn-thân
cho Nghĩa Lớn và diệt-trừ khi anh xấu-xa, đê-tiện.
Ngọc-Kiều từ-chối:
- Xưa nay có ai thề quái gở như vậy. Em không muốn.
Vĩnh lạnh-lùng:
- Em không nghe lời anh!
Ngọc-Kiều mấp-máy môi:
- Thôi, em thề.
Sau lời thề, nàng cúi xuống quỳ lạy anh. Mặt Vĩnh rạng-rỡ:
- Anh vui mừng được kết-nghĩa với em.
Ngọc-Kiều bảo chàng:
- Nếu anh không tốt thì cả hai chúng ta cùng chết vậy.
Thấy nàng có tình ý sâu nặng như vậy, Vĩnh giảng-giải:
- Không bao giờ xẩy ra chuyện đó. Anh chỉ muốn em biết rõ con đường anh phải đi.
Nàng cắn môi hỏi nhỏ:
- Tại sao anh còn bắt em hứa ba điều.
- Sau này em sẽ hiểu.
Ngọc-Kiều nói:
- Anh nói thì em làm. Việc gì phải như vậy?
Vĩnh không trả lời. Chàng bước về phía trước mấy bước:
- Thôi, bây giờ chúng ta sửa-soạn tìm gã Tôn-Cầu.
Vĩnh mang theo thanh sắt tròn và một cây gậy. Khi tới gần dinh-cơ của ông Bá, chàng bảo:
- Em núp trong bụi cây để anh dụ nó ra.
Vĩnh nhẩy qua bức tường cao, quay lại mở cánh cổng nhưng cổng không cài then. Chàng tiến tới căn nhà nhỏ gần sân phơi lúa.
Chàng nhặt mấy viên gạch vỡ ném vào nhà tên võ-sư. Một người đẩy cửa bước ra, tay lăm-lăm cầm thanh kiếm.
Gã quát:
- Ai?
Vĩnh ném thêm một hòn đá lớn. Gã giận dữ chạy đến. Chàng phóng ra ngoài
dụ gã đuổi theo. Tới gần chỗ Ngọc-Kiều núp, chàng đứng chờ. Gã võ-sư
nhào tới. Chàng chống cây gậy xuống đất không xử-dụng, dùng thành sắt
làm kiếm.
Ngọc-Kiều thốt lên:
- Ủa!
Thì ra chàng xử-dụng võ của bố nàng. Đường quyền hóa thành thế kiếm nom
oai-dũng vô-cùng. Đánh được một lúc khá lâu, chàng không xử-dụng thanh
sắt, dùng tay trái cầm gậy đánh với gã. Được vài thế, gã nhẩy ra la lớn:
- Ngươi… ngươi
Gã ngạc-nhiên vì Vĩnh xử-dụng võ của môn phái hắn. Hai bên không phân-biệt thắng bại. Chàng nói to:
- Tròn, vuông, ba góc.
Ngọc-Kiều hiểu ngay là Vĩnh nhắc nàng để ý chàng sắp dùng hai tay
tấn-công địch-thủ. Tay trái chàng dùng võ của hắn, tay phải dùng những
thế võ của bố nàng. Gã chưa đỡ được thế này, thế kia đã tới. Bỗng dưng,
tay phải chàng xử-dụng võ của môn phái hắn, tay trái chàng xử-dụng những
thế đầu của Việt Nữ Kinh. Gã nhẩy ra ngoài định chạy. Vĩnh quát lên một
tiếng, thanh kiếm của gã bay xa cùng với vài ngón tay. Chàng rút trong
áo ra cái quạt giấy của tên Mai Hạ ném xuống đất:
- Ngươi biết cái quạt này không?
Gã không trả lời. Vĩnh quát:
- Đi ngay! Ngươi còn dở trò chó má nữa ta sẽ không tha.
Tên võ-sư nhịn đau chạy mất. Ngọc-Kiều bước tới vui-vẻ.
- Đa-tạ anh dậy em thật tỷ-mỷ.
Vĩnh gật đầu:
- Khi hắn khỏi, em trả thù cho mẹ.
***
Quẩy Gánh Non Sông (3)
(tiếp theo)(Cô gái chăn trâu)
Chiếc
cầu bắc ngang sông im-lìm trong bóng cây. Hai người ngồi nghỉ trên bờ
cỏ. Bóng trăng vàng như nắng. Ngọc-Kiều chăm-chú nghe Vĩnh nói:
- Năm ấy, thầy sai anh làm một việc. Sau đó anh ghé qua Hà-Đông. Ở đây,
anh kết-giao với hai người bạn mới. Một người là học trò nghèo và người
kia quét chợ. Ba người mua thức ăn đánh chén. Bọn anh say túy-lúy ra
sông tắm, khi về uống rượu thi. Vui không thể tưởng! Anh không biết uống
rượu nên đến canh ba đã gục. Gã quét chợ được cuộc. Gã bắt người học
trò nghèo đánh đàn bầu cho hắn nghe. Gã ra lệnh cho anh đi xin chữ ông
đồ Tiếp-Dư làng Bạch-Hạc về treo trong căn chòi rách nát. Ông đồ là
người khó tính. Xin được chữ của ông không phải dễ.
Ngọc-Kiêu chăm-chú hỏi:
- Anh xin được không?
- Lúc đầu người nhà nói ông đi vắng. Anh mượn cây bút lông viết vài chữ
xin tiếp-kiến, hẹn sẽ quay trở lại. Trưa hôm sau, ông đồ tiếp anh rất
niềm-nở. Ông khen chữ anh có thần. Tưởng tới ông một lúc, ai ngờ anh ở
đó hơn một tháng trời.
- Sao lâu thế anh?
- Ông đồ và anh luận về các loại trà rồi lại nói chuyện về hoa. Lúc bấy
giờ trời sắp sang xuân. Ông giữ anh lại để gọt thủy-tiên. Ông gọt một
giò và anh gọt một giò. Anh không từ-chối vì thầy lúc đó đã cùng anh
Đại-Minh, Ngọc-Đại và Lệ-Nhu đi thăm một vị sư trên núi Yên-Tử.
- Hoa của ai nở đúng hẹn?
- Lấy giao-thừa làm thời-điểm thì thủy-tiên của anh nở sớm hai giờ, hoa của ông nở muộn khoảng hai giờ.
Ngọc-Kiều lý-luận:
- Anh hơn ông đồ. Người ta gọt thủy-tiên để đón xuân. Như thế có nghĩa
là hoa phải nở trước giao-thừa chứ. Anh kể tiếp cho em nghe đi.
Vĩnh nói:
- Không nên nói chuyện hơn kém làm gì. Hai tâm-hồn tài-tử mang chút
nghề mọn làm vui người tri-kỷ chả thích hơn sao? Ông đồ và anh chơi cờ.
Một hôm ông đang chơi thì có người mời đi thăm một bệnh nhân bị ngã từ
nóc nhà xuống. Ở nhà lúc đó có ông em ruột. Ông này ngẫm-nghĩ nước cờ
thật lâu, lắc đầu gọi cô cháu ra. Bàn đó anh thua.
Cô ta giỏi lắm. Trong mấy ngày cô ta và anh đánh tất cả năm ván. Ông chú ngồi bên ủng-hộ người cháu hay giám-sát thì không biết.
- Ai được hả anh?
Chàng trầm-ngâm:
- Anh thắng ba. Cô ta thắng hai. Thật ra anh thua. Bàn cuối, có lẽ cô ta nhường anh.
Ngọc-Kiều hỏi:
- Cô ta đẹp lắm phải không?
Chàng thở dài:
- Cô ta đẹp. Lúc đó anh không để ý vì mải tập-trung vào những thế cờ mà
thôi. Khi anh về, Lệ-Nhu đòi anh kể chuyện chuyến đi. Nàng thích trí
cười luôn miệng. Đến lúc nói về người con gái ông đồ, nàng không cười
nữa.
Ngọc-Kiều nhìn chàng:
- Chị Lệ-Nhu muốn biết người con gái nói gì với anh phải không?
- Phải.
Tiếng Ngọc-Kiều như cơn gió thoảng:
- Nàng nói gì?
- Cô ấy mong một ngày hầu-tiếp gỡ bàn thua.
Ngọc-Kiều nhận-xét:
- Cô ta để ý tới anh rồi. Chị Lệ-Nhu bực mình là phải.
Vĩnh buồn rầu:
- Nửa năm sau thầy sai anh mang thư cho ông đồ Tiếp-Dư. Anh không ngờ
thầy là bạn thân của ông. Thầy dặn nếu ông đồ đi vắng thì đợi thư trả
lời. Thầy cho anh được tự-do một thời-gian để học hỏi. Buổi sáng hôm
khởi-hành bất-ngờ thầy giục anh đi sớm. Anh không kịp giã-từ Lệ-Nhu. Mọi
chuyện là số mệnh. Ông đồ đi hái thuốc trên Ba-Vì mãi chưa về. Anh ghé
qua người bà con ở Yên-Lãng, Phúc-Yên. Yên-Lãng là quê của Hai Bà Trưng,
em biết không? Tại đây anh sáng-tạo nốt cuốn Việt Nữ Kinh tặng Lệ-Nhu.
Ngọc-Kiều hỏi:
- Chị ấy chắc thích lắm.
Vĩnh im-lặng một lúc lâu, nhìn về phía trước mặt nhưng hình như không còn thấy gì rồi chàng ngậm-ngùi kể-tiếp:
- “Khi anh về thì Lệ-Nhu đã nhận lời lấy Ngọc-Đại. Nghe anh Đại-Minh
nói, anh gượng vui-vẻ bề ngoài. Những lúc thụ-huấn với thầy, anh đặt
nhiều câu hỏi hơn. Anh về phòng đóng cửa lấy cớ cần nghiên-cứu lời
giảng-huấn. Lệ-Nhu đến bên cửa sổ gọi khẽ anh hai lần. Giọng nàng khổ-sở
lắm. Anh không trả lời. Được một tháng, anh xin phép thầy đi xa. Đêm ấy
anh lang-thang thì thấy ánh lửa đốt bên rừng. Anh bắt gặp anh Đại-Minh
đang buồn-bã đến nỗi khi bỏ đi quên cả bầu rượu. Thì ra anh Cả yêu
Lệ-Nhu…
Anh
đến ngồi đó cho đến sáng. Lúc đứng dậy anh ném cuốn Việt Nữ Kinh vào
lửa, bước ra đường cái. Lệ-Nhu đang ngồi đợi. Nàng hỏi anh:
- Em muốn nói với anh.
- Anh có việc bận phải đi ngay. Để lúc khác được không?
Lệ-Nhu lắp-bắp. Mặt nàng trắng bệch:
- Anh… anh không chúc mừng em sao?
- Chúc em và Ngọc-Đại ý-hợp tâm-đầu, trăm năm hạnh-phúc.
Lệ-Nhu nhìn anh không chớp. Thật lâu sau nàng mới lên tiếng:
- Em chúc anh và chị Tuyết-Minh vạn sự như ý. Thầy khen chị ấy mấy lần.
Tuyết-Minh là người con gái chơi cờ với anh. Anh chợt hiểu. Lệ-Nhu nhận
lời lấy Ngọc-Đại vì bực-tức tưởng anh bỏ-bê nàng. Nếu Lệ-Nhu biết anh
luôn luôn nghĩ tới nàng thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay”.
Ngọc-Kiều an-ủi:
- Tội-nghiệp anh! Bây giờ chị ấy đã biết.
Vĩnh đau-đớn:
- Không bao giờ anh gặp lại nàng nữa! Hạnh-phúc cuộc đời này sao mong-manh quá.
Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều nói:
- Thôi… chúng ta còn nhiều việc phải làm.
- Em giúp được gì không?
- Những việc sắp làm gần đây, anh phải tự tay giải-quyết. Anh đi về bất-thường, em đừng buồn.
Ngọc-Kiều nhẫn-nại:
- Em đâu dám.
Vĩnh dặn:
- Cây cầu gần xong, em cứ việc làm tiếp nhé.
- Vâng.
Vĩnh lấy từ trong người một túi vải đỏ. Chàng trịnh-trọng rút ra một cuốn sách. Bằng một giọng thân ái, chàng bảo:
- Anh tặng em cuốn Việt Đạo Tâm-Pháp này. Đây là tác-phẩm anh mang hết tâm-huyết ra để sáng-tạo. Anh đã nghĩ nhiều tới em.
Ngọc-Kiều mỉm cười. Nước mắt cảm-động chạy dài trên gò má. Nàng khẽ nói:
- Cám ơn anh. Chưa bao giờ em sung-sướng như lúc này.
Vĩnh giảng-giải:
- Việt Đạo Tâm Pháp không phải chỉ là cuốn sách võ. Quyển sách này gồm
ba phần. Phần đầu gọi là Chính Kinh dựa trên cốt tủy của Đạo Việt mà
soạn ra để kính nhớ ơn sâu nghĩa nặng của thầy anh. Chính Kinh là
căn-bản võ-thuật để tập-luyện hai phần sau. Phần thứ hai là Kinh
Dân-Gian. Phần thứ ba là Kinh Sử. Anh sáng-tạo hai cuốn kinh này khi bị
thương được em giúp-đỡ. Phần sau cùng là Kinh Ca-Dao thì anh chưa
nghiên-cứu xong.
Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:
- Mới vài tháng mà anh đã hoàn-tất được hai cuốn kinh sao? Anh đúng là bậc thầy của võ-đạo.
Vĩnh khiêm-tốn:
- Nền-tảng của Việt Đạo Tâm-Pháp được thành-hình từ lâu rồi. Việt-Đạo
Tâm-Pháp không phải do mình anh hoàn-thành. Trong đó phảng-phất tư-tưởng
của người thầy khả-kính của anh, của bạn-bè kết-giao khắp thiên-hạ và
của cả em nữa.
Ngọc-Kiều trìu-mến nhìn Vĩnh. Chàng luôn ca-tụng người, chưa bao giờ nàng nghe Vĩnh chỉ-trích, chê-bai một ai.
- Em làm gì trong đó?
Vĩnh giảng-giải:
- Lý-luận của em làm anh mở rộng tầm mắt. Khi mới dậy võ cho em, anh
bảo: Sông Núi này bền-vững là do hùng-tâm của kẻ trượng-phu. Vị cô-nương
bên tòa miếu hoang cãi lại: ông nói sai rồi. Trưng Nữ Vương là kẻ
trượng-phu sao? Hai Bà đứng lên dẹp quân bạo-tàn đấy. Trong khoảng 200
năm sau khi Hai Bà tuẫn-tiết, có đấng tu-mi nam-tử nào đứng lên hay phải
đợi người con gái họ Triệu tuốt gươm đuổi giặc? A ha,.. Tôi muốn cưỡi
con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể Đông, quét sạch
bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối. Câu nói khí-phách đó còn vang
vang trong chính sử. Sao ông dám coi thường phụ-nữ Việt?
Ngọc-Kiều nhăn mặt nũng-nịu:
- Sao anh nhớ dai đến thế?
Vĩnh thẳng-thắn:
- Không có em làm gì có những bài Mê-Linh Phẫn-Nộ, Đạp Đường Sóng Dữ,
Ỷ-Lan Trị Nước trong Kinh Sử. Làm gì có bài Quẩy Gánh Non Sông trong
phần Chính Kinh?
Ngọc-Kiều hỏi:
- Còn Kinh Dân-Gian?
- Kinh Dân-Gian là những bài võ cảm-hứng từ cổ-tích từ thuở dựng nước
hoặc những truyền-thuyết trong dân-gian. Ba thế võ Vuông Tròn Hiếu Đạo,
Làng Gióng Mây Bay, Lên Núi Trông Chồng được thêm vào là nhờ em cả.
Ngọc-Kiều say đắm nhìn Vĩnh. Người đàn ông tưởng như gỗ đá, lạnh-lùng lại có tình-cảm nồng-nàn tới vậy.
Vĩnh nói tiếp:
- Khi hoàng-tử Tiết-Liêu làm bánh dầy, bánh chưng dâng lên vua cha, cậu
chỉ có tấm lòng thành và thực-phẩm thông-thường của nhân-gian biến-chế
ra. Mẹ chết, cậu không có các sơn-hào, hải-vị như các anh em. Tròn là
bánh dầy, vuông là bánh chưng. Tròn là Trời, vuông là Đất. Mộng của
Tiết-Liêu là làm vừa lòng vua cha bằng phẩm-vật nhân-gian. Mộng của
chúng ta là đuổi quân bạo-tàn ra khỏi bờ-cõi cho non-nước thanh-bình.
Thế võ Vuông Tròn Hiếu-Đạo này đánh ra, địch-thủ có cảm-giác như bị hai
người tấn-công. Thật ra, Trời Đất là hai mà khi kết-hợp lại là một. Cha
Mẹ hoặc Vua Dân cũng thế. Hiểu thấu được lẽ này thì mới phát-huy được
uy-lực trọn-vẹn.
Ngọc-Kiều kính cẩn:
- Em xin ghi nhớ.
- Thế Làng Gióng Mây Bay là do câu chuyện Phù-Đổng Thiên-Vương. Từ một
đứa bé con, cậu vươn vai đứng dậy nhờ cơm gạo của người dân. Ngựa và
kiếm sắt là của vua ban. Lúc đuổi giặc, kiếm bị gẫy. Cậu nhổ bụi tre làm
khí-giới. Tre tượng-trưng cho văn-hóa dân-tộc. Thế võ này chỉ ảo-diệu
khi biết phối-hợp giữa Chính Kinh, khối óc và chân tay. Cậu bé thắng
địch là nhờ sự phối-hợp của giới cai-trị, nhân-dân và văn-hóa
truyền-thống.
Vĩnh ngừng lời. Chàng bảo Ngọc-Kiều:
- Trời muộn rồi. Thôi để hôm khác anh tiếp-tục.
Ngọc-Kiều như bị mê-hoặc. Nàng năn-nỉ:
- Chưa muộn đâu. Em muốn nghe nữa. Anh luận thêm về Văn-Hóa Truyền-Thống đi.
Vĩnh thiết-tha:
- Trong một nước, người dân là chủ-yếu. Truyền-thống là những gì tốt
đẹp người dân cưu-mang từ đời này sang đời khác. Tách rời Văn-Hóa
Truyền-Thống là xa rời lòng người. Dòng-dõi nhà Nguyễn sợ ảnh-hưởng của
vua Quang-Trung nên mang luật-lệ, phong-tục ngoại-bang áp-đặt trên muôn
dân. Thậm chí buộc cả người đàn bà bỏ váy mặc quần như người Mãn-Thanh.
Hừ, tổ-tiên nhà Nguyễn vất-vả mở rộng cõi bờ, công-nghiệp to lớn biết
bao nhiêu sao con cháu lại thiếu sáng suốt như thế?
Giới quan-lại chẳng hơn gì. Lúc nào cũng nghĩ nho giáo là nhất, không
biết cái tinh-túy của dân-tộc Việt. Hừ, tại sao người phụ-nữ phải theo
tam-tòng của nho giáo?
Người phụ-nữ Việt ra ngoài góp phần thua gì người đàn ông, sách Tầu còn
ghi. Hàng ngàn năm qua, vai-trò của người phụ-nữ trong gia-đình, ngoài
xã-hội khác hẳn với quan-niệm của mấy người khoa-bảng nghĩ. Vô số phụ-nữ
Việt đã đứng lên tranh-đấu cho giống nòi: Bà Lạc-Tướng Trương-Quán,
Đông-Cung Tướng-Quân Hoàng Thiệu Hoa, Nữ Tướng Phùng Thị Chính, Lê-Chân,
Cao-Nhự, Đoan-Trang Công-Chúa…Đâu có phải chỉ có các bà Trưng, Triệu.
Phụ-nữ Việt không bị buộc vải bó chân, giữ ở trong nhà để chiều theo cái
ích-kỷ của nam giới.
Ngọc-Kiều nói:
- Nếu anh làm vua…
Vĩnh mỉm cười:
- Anh không nuôi mộng đế-vương, chỉ mong sau này thanh-bình làm một gã lang-thang chia sẻ vui buồn cùng thiên-hạ.
Chàng hạ thấp giọng hỏi:
- Ngọc-Kiều, em có ngạc-nhiên không?
Ngọc-Kiều tình-tứ:
- Không. Em chỉ ước-mơ là cô gái chăn trâu học theo chàng lãng-tử.
* *
*
Nhà sư từ xa tiến lại. Tay ông chống chiếc gậy sắt. Bộ áo nâu khoác
trên người đã bạc mầu. Trên khuôn mặt khắc-khổ chỉ còn cặp mắt tinh-anh.
Vĩnh đứng dậy:
- Xin kính chào chưởng môn.
Nhà sư trầm-trầm:
- Chào em. Gọi nhau là anh em tốt hơn. Hơn một năm chúng ta mới lại gặp nhau. Ta tìm em từ nhiều tháng nay.
Vĩnh giấu sự lạnh-nhạt:
- Thưa anh Cả, có chuyện gì cần không?
Giọng nhà sư buồn rầu:
- Anh muốn biết lý-do em bỏ đi.
- Em đã kính thưa anh, em có việc quan-trọng phải giải-quyết.
Nhà sư lau mồ hôi mệt-nhọc. Ông chậm rãi nói:
- Anh hiểu rồi.
- Thưa anh Cả, anh vẫn bình-thường chứ?
Nhà sư lắc đầu:
- Tình-trạng nghiêm-trọng. Vì nghĩa lớn, anh tới để yêu-cầu em.
Vĩnh khẳng-khái:
- Nếu liên-quan tới nghĩa lớn, em không chối-từ.
Nhà sư tha-thiết:
- Em phải trở về trước khi nghĩa-quân tan-rã. Anh biết em đang điều-tra
cái chết của Ngọc-Đại. Em hồ-nghi anh mà chưa có bằng chứng phải không?
Vĩnh nhìn Đại-Minh. Nhà sư đau-đớn nói tiếp:
- Cả tháng nay anh điều-tra mà vô-vọng. Anh không bao giờ chứng-minh được mình vô-tội nữa.
Vĩnh chậm rãi nói:
- Người ta nghi-ngờ anh nhưng không ai có quyền kết-án anh cả cho tới khi mọi chuyện rõ-ràng.
Đại-Minh trả lời:
- Lý-lẽ là thế, thực-tế thì khác. Em đi không từ-biệt anh chị em. Ta bị nghi-ngờ đã giết em.
Nhà sư cười cay-đắng:
- A ha! Ta giết Lệ-Nhu! Ta giết Ngọc-Đại! Ta giết Xuân-Vĩnh! Toàn tội
to lớn cả. Một buổi tối, giữa lúc mấy chục anh chị em họp mặt. Cai Kim
đứng dậy nói: chủ-tướng, tôi phải đi kiếm Xuân-Vĩnh! Anh ấy không khéo
chết rồi. Cai Kim là người ngay thẳng, nghĩ gì nói đấy. Cây bút chì của
hắn nhiều lần nhuộm máu quân Pháp. Bút chì là loại vũ-khí tấn-công từ xa
cho nên lợi-hại vô cùng. Không ai muốn Cai Kim đi. Chúng ta có thể rèn
trăm thanh sắt cứng nhưng chúng ta không có người nào xử-dụng được một
thanh sắt như Cai Kim. Ta vô-tình nhấn mạnh tới lời thề sống chết thì
Cai Kim tức giận trả lời: tôi tới đây vì người họ Trần. Tôi thề chết
sống và trung-thành với anh ấy. Chỉ có Xuân-Vĩnh mới có quyền với tôi.
Ai nói tôi lỗi đạo hãy đứng lên mà xử Kim này! Ta không chết vì giặc
Pháp mà chết vì anh chị em mình sao?.
Anh em họ Lê, ba người cùng đứng dậy nói:”Cai Kim, chúng tôi theo anh”.
Sự ra đi của bốn người làm nghĩa-quân xuống tinh-thần. Cứ một vài tháng
lại có một, hai người lấy cớ bỏ ta. Những người còn lại viết tên em vào
thẻ tre đặt trên bàn thờ của Minh Nghĩa Đường. May nhờ Cai Cơ
trung-thành nên đa-số còn ở lại.
Một hôm thơ-thẩn trong rừng, ta nghe vợ chồng Cai Cơ tranh-luận dưới
suối. Người chồng giải-thích: chủ-tướng thận-trọng, anh-hùng,
nguyên-tắc. Xuân-Vĩnh đa-tài, hào-hiệp, tận-tụy với mọi người. Anh chị
em hướng về Xuân-Vĩnh vì họ yêu chú ấy, xa dần chủ-tướng vì ông luôn
luôn mang luật ra bó-buộc mọi người. Người vợ nói: liệu chủ-tướng giết
chú Xuân-Vĩnh không? Nếu quả thật ông ấy giết Ngọc-Đại, Lệ-Nhu thì ông
ấy dám giết người anh em của chúng ta lắm. Cai Cơ quả-quyết: không đúng,
sao em dám nói nhừng lời xúc-phạm như vậy?. Người vợ nổi nóng: anh là
quân-sư cho ông Đại-Minh nên phải bênh-vực chủ-tướng; anh quên khi anh
bị thương, tôi không cõng nổi anh, chỉ một mình chú Xuân-Vĩnh quay lại
liều-lĩnh tấn-công giặc từ phía sau. Tụi giặc đổi hướng. Chú ấy may mà
thoát về được. Không có Xuân-Vĩnh, bây giờ còn vợ chồng Cai Cơ không?
Anh ở lại. Tôi đi kiếm chú ấy một mình.
Người đàn bà ngồi xuống ôm mặt nức-nở: đêm qua, tôi nằm mơ thấy chú ấy
bị thương vì có kẻ đánh lén. Chú ấy bảo chị ơi em không về nữa đâu ! Anh
Cơ, tôi…tôi sợ chú ấy không còn nữa.
Tối đó Cai Cơ gặp ta. Ông ấy bảo cha ở nhà ốm nặng nên xin về săn-sóc
một thời-gian. Ta giữ mãi không được nên phải nói: ông đi, nghĩa-quân sẽ
tan-rã. Tôi nghe được lời nói của vợ chồng ông. Để tôi tìm Xuân-Vĩnh.
Nếu trong sáu tháng mà Xuân-Vĩnh không về, lúc đó ông hãy bỏ tôi.
Nhà sư mỉm cười:
- Không ngờ em tài-giỏi đến vậy. Người ta chỉ vui khi em vui, chỉ muốn tranh-đấu khi họ gần em.
Đại-Minh đưa tay lên cổ lần vào trong áo. Ông lấy ra sợi dây có bức
tượng ngọc-thạch hình con rồng. Bằng một giọng thiết-tha, ông nói:
- Ngày hôm nay, môn phái chúng ta có chưởng môn mới. Xuân-Vĩnh, em quỳ xuống!
Vĩnh lo-lắng:
- Anh Đại-Minh…anh Cả…anh làm gì vậy?
Đại-Minh cười:
- Ta biết em sợ-hãi phải làm chưởng môn nhưng việc này hợp với Nghĩa
Lớn, tốt cho môn-phái. Thầy và ta đều nhầm. Sự mực-thước của người
trưởng môn chưa đủ làm cho môn-phái vẻ-vang.
Mặt ông nghiêm-nghị:
- Trách-nhiệm chưởng môn đời thứ bẩy của phái Hưng-Việt ta trao cho em.
Sau nghi-lễ đơn-giản, ông đeo tượng ngọc cho Vĩnh rồi vái lạy vị chưởng môn mới.
- Thưa chưởng môn, tôi có việc thỉnh-cầu.
- Thưa anh Cả, xin anh cứ nói.
Đại-Minh đứng lên thành-khẩn:
- Em đang điều-tra vụ án Ngọc-Đại. Để ta kể thêm chi-tiết. May ra nhờ em mà việc sáng tỏ.
Ông mơ-màng trở về quá-khứ:
- Câu chuyện dài dòng lắm. Ta yêu Lệ-Nhu mà không biết yêu nàng từ lúc
nào. Khi nghe ta ngỏ ý, nàng bảo tại sao ta không nói từ trước. Lúc đó,
ta không biết nàng đã nhận lời Ngọc-Đại. Hình như em ba nghe được câu
này. Sau đám cưới hai người, em đi ngao-du. Ta chỉ có cô-đơn. Ngọc-Đại
yêu vợ lắm. Lệ-Nhu luôn luôn không vui. Một đêm nàng thơ-thẩn ra ngoài
gặp ta ngồi ngắm trăng. Chỉ thế thôi. Ai ngờ Ngọc-Đại nghĩ rằng ta
tư-tình với Lệ-Nhu… Mấy hôm sau, Ngọc-Đại tìm ta nói đi kiếm em và nhờ
ta săn-sóc … Lệ-Nhu. Ngay sau khi Ngọc-Đại đi, ta cảm thấy không tiện ở
nhà nên đi kiếm Ngọc-Đại giải-thích.
Trên đường qua chợ, đang lúc không biết em ba đi đâu thì gặp hai người
trung niên vào quán. Nhìn dáng-điệu, ta biết một người võ-nghệ rất cao
thâm… Gà lớn tuổi hỏi gã trẻ tuổi làm sao biết được “nó” đi về hướng
nào? Gã trẻ tuổi trả lời nó chạy tới nơi nào thì Tôn Cầu này vẫn kiếm
ra; lần thứ nhất biết em say rượu nó rủ đánh bạc, em bị lừa nhẵn túi;
lần thứ hai nó giả làm người hầu trong quán gõ cửa, em vừa ló đầu ra nó
đã hắt một mâm tro vào mặt! Con mẹ nó, tức chết đi thôi…
Ta buồn cười nhìn sang. Gã đứng dậy định gây sự nhưng người lớn tuổi
hơn kéo gã ngồi xuống nói nhỏ những gì ta không nghe rõ. Ta loáng-thoáng
nghe những chữ Đại-An, hồng ngọc, Giáng-Vân, Bá Hạc. Đại-An là làng của
Lệ-Nhu. Gia-đình nàng bị giết vì một viên ngọc. Giáng-Vân là tên một
giòng sông. Bá-Hạc là gì thì ta không biết, có lẽ là tên người.
Ta bí-mật dò-xét chúng. Tới ngày thứ ba ta mới biết Ngọc-Đại đang theo
dõi hai tên này. Ở làng Vụ-Hồi thì tên nhiều tuổi phát-hiện ra ta. Buổi
sáng sớm hôm sau khi ta thức-dậy chúng đã bỏ đi…Tình-cờ ta gặp Ngọc-Đại
trên đồi. Em ba mỉa-mai ta sao không ở nhà. Ta giận lắm. Ngọc-Đại còn
trách ta lộ-diện làm kẻ thù giết gia-đình Lệ-Nhu trốn được. Lời qua
tiếng lại, Ngọc-Đại điên-cuồng vứt gươm xuống đất thách ta giết người
bịt miệng. Chuyện không muốn xẩy ra đã đến. Ta cho Ngọc-Đại cầm kiếm
đánh với ta. Võ của em ba do ta dậy nên dù Ngọc-Đại có giỏi vẫn không
hơn ta được. Đấu được ba chục chiêu, ta đánh bạt gươm của em ba ra khỏi
tay… Ta đau-đớn vì tình anh em sứt-mẻ nên bỏ đi không nói một lời nào
cả. Ngày hôm sau ta quay lại, trên chỗ đánh nhau hôm trước có thanh kiếm
gẫy. Nhìn kỹ có cả dấu máu khô. Ta lo-lắng lùng khắp cả đồi vẫn không
thấy Ngọc-Đại. Trong lúc ngồi dưới bụi cây thì có tiếng chân người đi
tới. Một tên nói chúng ta phải rửa mối thù trên sông Giáng-Vân; chúng ta
chưa biết kẻ thù là ai, thỉnh-thoảng hãy giết một người qua sông là hắn
trở lại. Tên thứ hai phụ-họa: hay lắm chúng ta làm thế đi. Tên giọng ồ ồ
hỏi liệu thằng nhãi điên hôm qua giết chú Xồi không? Người lớn tuổi trả
lời không phải. Gã trẻ tuổi ác độc nói để em kiếm con vợ nó giết luôn
cho sạch hậu-họa. Gã lớn tuổi ừ hử…
Chúng nó nói nhỏ với nhau trước khi bỏ đi. Ta muốn nhẩy ra đánh nhau
với chúng nhưng không dám chắc Ngọc-Đại bị chúng giết. Vả lại, ta không
phải là đối-thủ của hai người. Ta phải dùng mưu diệt-trừ từng đứa một.
Ta đi khắp đồi một lần nữa vẫn không thấy xác Ngọc-Đại. Có thể em ba
dàn cảnh để thử ta không? Lòng ta như lửa đốt. Đột nhiên ta sợ hãi vô
cùng, biết đâu bây giờ hai tên đang kiếm Lệ-Nhu. Ta vội-vã trở về báo
cho nàng tin dữ. Việc hai tên định kiếm nàng thì ta không nói sợ làm
nàng lo sợ. Lệ-Nhu bình-tĩnh. Nàng chỉ nói gọn “cám ơn anh cả”.
Đêm đêm nàng mặc áo tang ngồi trước hai mảnh gươm gẫy đặt trên bàn thờ.
Mắt nàng trừng trừng như kẻ mất hồn. Không khí sầu thảm vô cùng.
Để bảo-vệ nàng, ta thường quanh-quẩn phía ngoài. Một lần Lệ-Nhu nói
vọng ra lúc ta tình-cờ đi ngang qua cửa sổ: “Cám ơn anh cả canh giữ. Em
muốn đi lúc nào anh không ngăn-cản được đâu”.
Trời ơi! Nàng tưởng ta có ý ám-muội. Ta lắp-bắp không thành tiếng : “Lệ
… Nhu”. Nàng chặn lời ta: “Chồng em mới chết. Xin anh đừng nói gì cả.
Chuyện gì để lúc ban ngày”.
Ta đợi nàng suốt cả buổi sáng. Gần đến trưa ta gõ cửa. Không có tiếng
trả lời. Ta đẩy cửa bước vào thì nàng đang thoi-thóp. Lưỡi dao cắm sâu
trên ngực. Nàng yếu-ớt lên tiếng: “Anh!”.
Ta tưởng nàng nhận ra ta nhưng không phải. Nàng đang mê-man. Từ lúc đó cho đến khi nàng chết, Lệ-Nhu gọi tên em.
Quẩy Gánh Non Sông (4)
(tiếp theo)
(Cô gái chăn trâu)
Trăng
đã lên. Ánh vàng chan-hòa tỏa xuống đồi. Dưới sông vài con cá lớn nhẩy
lên giỡn sóng. Nhìn khuôn mặt thẫn-thờ của Ngọc-Kiều, Vĩnh an-ủi:
-Bây giờ em là chưởng môn. Em không những phải trở thành bậc tôn-sư của võ-thuật mà còn phải làm rạng danh cho môn phái nữa.
Ngọc-Kiều đau-đớn:
- Em làm chưởng môn theo ý anh. Hà, điều thứ nhất là làm chưởng môn.
Điều thứ hai là…đừng để võ-đạo của môn phái thất-truyền. Em phải sống để
làm những điều đó. Khi em hứa với anh ba điều, em không ngờ khó-khăn
tới bậc này. Em tưởng chúng ta luôn sát-cánh bên nhau. Anh vui thì em
vui. Anh buồn thì em buồn. Anh chết thì em chết. Anh hiểu như thế không?
Vĩnh thở dài:
- Anh hiểu.
Ngọc-Kiều u-uất:
- Bao giờ anh đi?
- Đêm nay.
Nàng sững-sờ:
- Sao vội thế anh?
Vĩnh xót-xa. Mai đây đời của Ngọc-Kiều là nỗi buồn triền-miên. Chàng nói:
- Anh không biết làm gì hơn. Hàng ngàn năm nay đã có bao nhiêu người mẹ
đợi con, người vợ mong chồng, người em ngóng anh. Đời họ buồn-thảm
nhưng họ vẫn phải sống cho gia-đình, xóm làng, dân-tộc. Em còn phải sống
cho môn phái nữa. Lúc nào nhớ tới anh, hãy luyện Việt-Đạo Tâm-Pháp.
Trong Chính Kinh có những bài võ như “Trời Cao Chí Tôn”, “Vai Mang Nghĩa
Lớn”, “Biết, Làm Một Mối” … Chúng ta tin có Trời, có đời sống khác nối
dài với đời sống hiện-tại. Cuộc đời hôm nay buồn nhưng ngày sau sẽ vui.
Chúng ta lấy Nghĩa Lớn làm trọng. Chúng ta không những phải “biết” mà
còn phải “làm”.
Hà-Thành thất-thủ, tổng-đốc Hoàng-Diệu nhận trách-nhiệm của mình. Ông
tuẫn-tiết. Các án-sát, đề-đốc chạy dài. Hoàng tổng-đốc bắt đầu sống
trong lòng muôn người ngay khi ông chết.
Ngọc-Kiều rung mình. Nàng nức-nở khóc. Gió từ dưới sông thổi lên tung
muôn ngàn lá. Xuân-Vĩnh ngạo-nghễ như một ông tướng giữa đồi cây.
Ngọc-Kiều nghẹn-ngào:
- Anh! Em yếu-đuối quá phải không?
Vĩnh đầy tin-tưởng:
- Khi anh đi, em sẽ không còn yếu-đuối. Em là đứa con yêu của người cha
anh-hùng, là con hiếu của một người mẹ trinh-liệt, là người em tri-kỷ
mà anh hãnh-diện.
Ngọc-Kiều khuyên:
- Việc cướp súng, diệt giặc đã có người khác. Anh nên bảo-trọng để lãnh-đạo anh chị em.
Vĩnh mỉm cười:
- Mạng sống của ai cũng quý cả, đâu phải chỉ của anh. Dù thân anh có
đổ, máu anh có chẩy; Tổ-Quốc vẫn còn những người khác đứng lên thay thế.
Nếu mỗi ngọn đồi, mỗi con sông, mỗi ruộng lúa cần có máu người Việt đổ xuống để cứu lấy Quê-Hương, Dân-Tộc ta vẫn phải làm.
Ngọc-Kiều nén xúc-động:
- Em kính-phục anh. Chỉ lúc khó-khăn người ta mới thấy khí-độ của kẻ anh-hùng.
Vĩnh an-ủi:
- Đâu phải ai đi chống giặc đều chết nơi chiến-trường. Các anh Đại-Minh, Cai Cơ, Cai Kim…đều còn sống tới bây giờ.
Hai người im-lặng…Có tiếng chim trong đêm trăng vọng lại. Dưới kia sóng
nước xô nhau tan ngàn ánh bạc và trên cao bầu trời quang-đãng không một
áng mây.
Vĩnh nói:
- Bẩy ngày nữa, anh Đại-Minh trở lại đây. Em chuyển lời cho anh Cả rằng anh đã tìm ra hung-thủ giết chết Ngọc-Đại.
Ngọc-Kiều khẽ hỏi:
- Làm sao anh tìm ra?
- Anh Cả đã đi tìm kiếm khắp đồi mà không thấy xác. Anh đoán xác em ba
bị vứt xuống nước. Anh tìm được hài cốt Ngọc-Đại dạt vào gần bờ chỗ vòm
sông. Ám-khí của tên Mai-Hạ còn cắm trên xương vai. Vết gươm chém là của
tên Tôn-Cầu. Con chim Việt bằng bạc anh tặng còn đeo trên cổ. Không thể
nhầm được.
Ngọc-Kiều thở dài:
- Tội-nghiệp anh Đại-Minh. Anh ấy bị oan-ức nhiều năm. May mà anh là
người thận-trọng, sáng-suốt nếu không anh ấy ôm hận suốt đời.
Vĩnh nói:
- Kẻ thù đều đã chết. Tên Tôn-Cầu không ngờ hèn mạt đến vậy.
Ngọc-Kiều tiếp lời:
- Nó đánh lén em. Việt Nữ Kinh lợi-hại thật!
Vĩnh kể:
- Anh Cả đoán tiền của lão Bá-Hạc là do nghĩa-quân trao cho để
kinh-tài. Khi bố em và sáu người bạn bị chết, hắn muốn nuốt cả. Sau lúc
em giết tên Tôn-Cầu, anh cả đặt xác hắn trên giường lão Bá-Hạc. Hắn sợ
lắm. Anh Đại-Minh tới lạc-quyên cho Nghĩa Lớn, hắn hiểu ngay. Em hãy
yêu-cầu anh cả xây một ngôi chùa, chiêu-mộ người tâm-phúc, giúp dân hai
làng Thượng-Hà, Sơn-Việt dựng nốt cây cầu. Nếu được nhiều người từ
phương bắc xuống hay người từ miền xuôi tấp-nập lên buôn-bán thì chúng
ta mới giải-quyết được việc tiếp-vận. Sau khi tụ-họp nghĩa-quân, chắc
anh phải đi nhiều nơi liên-kết anh chị em. Chúng ta không thể dồn hết
lực-lượng về một chỗ được. Khí-giới của giặc tối-tân quá.
Ngọc-Kiều thấy chàng định nói điều gì, nàng giục:
- Anh muốn dặn em gì nữa không?
- Làng Thượng-Hà có họ Đoàn là người tuấn-kiệt, văn hay, võ giỏi. Nếu kết-giao, em có thể cậy nhờ…việc lớn được đấy.
Ngọc-Kiều lạnh-lùng gặng hỏi:
- Đây là điều thứ ba anh muốn em làm phải không?
Vĩnh lắc đầu;
- Không, anh chỉ góp ý.
Ngọc-Kiều dịu nét mặt, nàng bảo:
- Anh đi bất ngờ quá, em không kịp chuẩn-bị gì cả. Em đưa anh bằng một đường võ mới học vậy.
Nói vừa dứt, thân nàng đã chuyển-động như mũi tên. Tay chân nàng
linh-hoạt vô-cùng. Những thế đầu ở trong bài Quẩy Gánh Non Sông, tiếp
theo là bài Mê-Linh Phẫn-Nộ và sau chót là bài Lên Núi Trông Chồng… Khi
xong, nàng đứng im-lìm như tượng đá. Bài võ kỳ-diệu ở chỗ liên-tục,
biến-ảo và diễn-tả được tâm-sự của nàng… Mái tóc mây bị nàng cắt đứt còn
bay trong gió thành những sợi tơ trăng…
Nước mắt chẩy xuống trên khuôn mặt kiều-diễm, nàng chỉ mấp-máy môi nhưng Xuân-Vĩnh nghe rất rõ-ràng:
- Anh lên đường bình-an.
* *
*
Ba người đàn ông sánh vai. Những giải sương mù còn giăng trước mặt. Người họ Nguyễn nhiều tuổi hỏi Vĩnh:
- Cai Kim, Đội Cảnh sẽ đi sau. Cả Nễ đi từ mấy hôm trước. Chúng ta ghé qua làng Bạch-Hạc tìm Huấn Song Đao không?
Vĩnh trả lời:
- Chú Nghĩa báo tin đủ rồi!
Người họ Nguyễn bước chậm lại. Gã nói đủ cho hai người đồng-hành nghe:
- Anh Vĩnh, chú Tôn coi chừng phục-kích.
Vĩnh nhìn kỹ. Phía trước một người dựa gốc cây đang ngủ, chiếc nón che kín mặt. Chàng bảo:
- Cẩn-thận vẫn hơn. Nên đi cách xa nhau. Để tôi đi trước.
Người họ Nguyễn trẻ tuổi cầm trong tay lưỡi dao nhỏ rảo bước. Gã hiên-ngang nói:
- Không được. Anh em chúng tôi đi trước. Gặp lại anh trên đồi.
Khi Vĩnh nhìn thấy mầu áo của kẻ đang nằm, chàng nhận ra ngay Đại-Minh. Chàng tiến lại chào. Nhà sư từ-từ ngồi dậy mỉm cười:
- Ta đợi em đã lâu.
- Kính thưa anh, có chuyện gì không? Ngọc-Kiều đâu?
Đại-Minh không trả lời. Ông ngước nhìn lên một cành cây cao gần đó.
Vĩnh trông theo. Ngọc-Kiều hai chân đong-đưa, mặt tươi cười, giơ tay vẫy
chàng.
Nàng nhẩy xuống nhẹ-nhàng, đến trước mặt Vĩnh:
- Thưa anh, em đây.
Vĩnh chưa kịp nói thì nàng nhìn Đại-Minh rồi nhắc:
- Anh không ra mắt vị chưởng-môn mới của chúng ta sao?
Đại-Minh cười hiền-hòa:
- Ta chỉ hửa tạm nhận chức trưởng môn cho em một thời-gian. Mai mốt thanh-bình ta trả lại.
Ngọc-Kiều lắc-đầu:
- Anh Cả nhận luôn giùm em. Cái đó…cái đó…làm em nhức đầu quá.
Đại-Minh nói với Vĩnh:
- Ngọc-Kiều nói em đi kiếm Cai Kim nên ta mới biết em sẽ quay lại đường này. Mọi chuyện ra sao?
Vĩnh cung kính trả lời:
- Thưa anh đều tốt đẹp. Chúng ta kết-nạp thêm một số người mới.
Nhà sư hỏi Vĩnh:
- Làm sao em rủ được anh em họ Nguyễn?
Ngọc-Kiều nhanh-nhẩu đoán:
- Dùng Nghĩa Lớn.
Người anh cả nghĩ đến những gì xẩy ra. Ông cảm-khái:
- Nghĩa Lớn không chưa đủ. Còn phải làm sao cho người ta yêu mến,
kính-phục mình. Mấy ngày đợi em, ta nghiền-ngẫm Việt-Đạo Tâm-Pháp. Không
ngờ em không những hiểu được cái đạo của Tổ-Tiên mà còn uyên-thâm nhiều
thứ võ khí đặc-thù của Dân-Tộc. Ừ, các bài võ như Cờ Lau Nuôi Mộng, Lời
Thề Lũng-Nhai, Sông Bạch Anh-Dũng, Diên-Hồng Chính-Khí làm động tâm ta
không ít. Hay, hay lắm, hay vô cùng!
Ông giục hai người:
- Các em đi kẻo người ta đợi.
Xuân-Vĩnh và Ngọc-Kiều kính-cẩn chào ông:
- Mong anh Cả bảo-trọng.
Đi được một quãng xa, Ngọc-Kiều chậm lại bảo Xuân-Vĩnh:
- Em còn nợ một lời hứa. Món nợ này làm em không yên-tâm. Hai lời hứa trước…khổ-sở quá!
Xuân-Vĩnh dừng chân. Chàng nhìn vào mắt người con gái:
- Lời yêu-cầu thứ ba là…
Ngọc-Kiều hồi-hộp chờ đợi. Xuân-Vĩnh thân-mật tiếp:
- Đường còn xa lắm, để anh mang hành-trang giúp em được không?
Ngọc-Kiều sung-sướng. Nàng choàng cái tay nải của mình lên vai chàng.
- Em mơ câu nói này từ lâu. Sao bây giờ anh mới hỏi?
* *
*
Bốn người đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống. Bình-minh trên cao thật đẹp.
Xóm làng rõ dần qua làn sương mỏng. Người họ Nguyễn nhiều tuổi tư-lự:
- Ước gì đất nước sớm thanh-bình.
Lời nói phảng-phất một tiếng than. Lòng của người chọc trời, khuấy nước
chợt mềm đi vì chân mây dưới kia từ nay có lắm kẻ đợi chờ.
Gã trẻ tuổi quay sang hỏi người con gái:
- Cô ước muốn gì không?
Ngọc-Kiều chỉ tay về phía mặt trời hồng khẳng-khái:
- Có Trời Đất làm chứng, em chỉ khao-khát cùng anh Xuân-Vĩnh và các anh
dấn-thân cho Nghĩa Lớn, đuổi lù bạo-cuồng ra khỏi Quê-Hương. Ngoài ra
em không mong-mỏi gì khác.
Anh em họ Nguyễn nhìn nhau kinh-ngạc. Người con gái chăn trâu
hiên-ngang, xinh đẹp lạ thường. Hào-khí bốc lên cao, họ đồng-thanh nói:
- Hay lắm! Chúng ta lên đường.
HẾT
Bonus:
Anh hùng, Anh thư Việt Nam
No comments:
Post a Comment