Thư Pháp: Võ Việt Tuấn |
Lãnh Đạo Trong Chánh Niệm –
5 Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cho
Hàng Huynh Trưởng *
(Mindful Leadership with
the Emphasis on Awareness Practice)
& Htr. Tâm Thường Định
Đây là lời dẫn của Ni Sư Thích
Nữ Thuần Tuệ và Ni Sư đã hoan hỷ cho phép in trong tập sách này.
“Bài nói chuyện này được trao
đổi trong kỳ trại Huấn luyện A Dục năm 2015.
Lãnh đạo là một nghệ thuật. Lãnh
đạo trong chánh niệm là sự tu tập. Lãnh đạo chính mình là sự xoay về tự thân.
Người đứng trên là người cần
phải thấp mình. Hướng dẫn người lại chính là thuận theo ý người, lấy ý người
làm ý mình, lấy lợi ích người làm tâm nguyện mình. Người anh chị trưởng sống
cho đàn em, vì niềm vui các em. Nói thì có vẻ quá lý tưởng, nhưng chỉ cần một
tấm lòng thương yêu và bao dung, một trí sáng yên tĩnh, thì mọi con đường có
thể cùng chung bước dài lâu.
Quên mình thì mới có thể vì người,
lại phù hợp với lời Vô ngã Phật dạy. Nên lãnh đạo cũng chính là rèn luyện chính
mình, tự tu tập và cùng thành tựu.
Lãnh đạo chính mình mới là việc
khó làm và cần làm. Lãnh đạo được chính mình thì tự nhiên nói ai cũng nghe,
cũng thuận. Đó là đem tâm lãnh đạo.”
C
|
hánh niệm, tiếng Pali là
Sammàsati, là nhớ nghĩ chân chính, sự tỉnh giác, biết rõ các pháp một cách trọn
vẹn. Chánh niệm, một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo, vốn được
xem là con đường tám lối (lanes) đưa đến sự an vui và giải thoát, là chân lý thứ
4 (Đạo đế) trong Tứ Diệu Đế.
Theo Phật giáo
Nguyên Thủy, Chánh niệm là trái tim của thiền tập và sự biết rõ những gì phát
sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại - bây giờ và ở đây. Hay nói một cách
khác, chánh niệm là sự nhận thức, biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt,
đang xảy ra. Có thể nói, chánh niệm là năng lượng của sự tự chú tâm quan sát bản
thân và ý thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình và bên trong mình.
Chánh niệm đưa chúng ta quay trở lại với giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại
là điều duy nhất chúng ta đang thực sự có - Bây giờ và ở đây.
Chánh niệm, theo
truyền thống Phật giáo, là điều cần thiết cho sự phát triển của chánh định, là
phương tiện nhận chân và bảo trì các nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống. Chánh
niệm có nhiều chức năng, chức năng đầu tiên là sự rõ biết mọi sự việc, đối tượng
đang tiếp xúc trong phút hiện tại. Chức năng thứ hai là rõ biết những sanh khởi
nơi tâm mình. Dần dần, Chánh niệm đưa hành giả đến Chánh định và cuối cùng là
Trí huệ viên mãn.
Còn lãnh
đạo, theo định nghĩa của chúng tôi là hướng dẫn
người khác trong tinh thần cho đi mà không nhận lại, giúp ích cho mình và giúp người khác không có
tính phân biệt. Thông thường, một nhà lãnh đạo tốt thường có bốn điểm tương đồng
như sau.
1. Tạo một tầm nhìn hướng thiện,
có định hướng, có khả năng truyền cảm hứng trong chánh niệm và ảnh hưởng tốt đến
tương lai.
2. Thúc đẩy và trao truyền định hướng
và cảm hứng đó bằng sự thực tập chánh niệm cho mình và những người đồng hành với
tầm nhìn lý tưởng.
3. Đem niềm vui, sự lợi lạc và an
bình đến với mình và với người ngay trong hiện tại và cho cả tương lai.
4. Sáng suốt và khéo léo hướng dẫn, sắp xếp các việc.
4. Sáng suốt và khéo léo hướng dẫn, sắp xếp các việc.
Tuy nhiên khi chúng
ta nói đến Lãnh đạo trong chánh niệm là nói đến sự đồng hành, đồng sự qua cách
suy nghĩ, lời nói và việc lành trong sáng, hướng thiện, nhân bản, và từ tâm -
làm an lạc cho mình và cho người vượt giới hạn của không gian và thời gian.
Trong tinh thần trên, chúng tôi xin chia sẻ đề tài nghệ thuật LÃNH ĐẠO TRONG
CHÁNH NIỆM cho người huynh trưởng trong tổ chức GĐPT nói riêng và cho các giới
nói chung.
Nghệ thuật lãnh đạo
này gồm có 5 điểm chính.
1. Biết lắng nghe (deep listening)
và thông cảm
2. Sáng suốt trong quyết định
3. Sống hòa hợp, ít làm thương tổn
người
4. Thân giáo
5. Tấm lòng người lãnh đạo
Trước tiên chữ
huynh trưởng có nghĩa là người anh, người chị lớn, người đi trước, đang có
trách nhiệm bảo bọc đàn em. Trách nhiệm thì cần sáng suốt và định tĩnh. Bảo bọc
đàn em thì cần tình thương yêu và lòng bao dung. Hai điều này làm nên một người
huynh trưởng mẫu mực. Huynh trưởng là những người đang sinh hoạt, có bổn phận,
trách nhiệm và lý tưởng phục vụ cho tổ chức Áo Lam. Nói đúng hơn, huynh trưởng
là những nhà lãnh đạo đang dìu dắt, hướng dẫn và un đúc đàn em cũng như có nhiệm
vụ và dấn thân vào những hoạt động của đơn vị, xã hội trong nhiều lãnh vực từ
văn hóa đến giáo dục. Mà lãnh đạo là cả một nghệ thuật và tấm lòng. Đây là một
ví dụ điển hình.
Một lần nọ, có vị Tổng
thống đang nói về khả năng lãnh đạo tại Học viện Quân đội Hoa Kỳ, ông lấy một mẫu
dây trong túi ra đặt lên bàn. Ông bảo một số sinh viên lên bảng, thử đẩy sợi
dây dọc cái bàn. Nhiều sinh viên khác cũng thử. Họ hầu như không tìm ra bất kỳ
giải pháp nào để đẩy cụm dây ngang qua cái bàn một cách dễ dàng. Mỗi khi họ đẩy
cụm dây, chúng cong lại, uốn éo và rối mù. Ai cũng thử đẩy, rồi tất cả đều lắc
đầu.
Vị Tổng Thống quan
sát tất cả sinh viên và cười. Ông nhấc cụm dây lên, đặt chúng trở lại đầu bàn
ngay ngắn rồi lấy ngón tay trỏ kéo một đầu của các sợi dây dọc theo bàn. Tất cả
các sợi dây dường như đều ngoan ngoãn hơn, đi theo ngón tay ông. Vị Tổng Thống
bây giờ nhẹ nhàng bảo: “Mỗi con người như một sợi dây này. Nếu chúng ta dẫn dắt
họ, họ sẽ đi theo. Nhưng nếu chúng ta cố đẩy họ, họ sẽ rối tung lên và không
làm gì hết.”
Để thành tựu tư
cách một người huynh trưởng, chúng ta cần có sự rèn luyện chính mình bao gồm nội
điển, ngũ minh pháp và tam giáo (Thân, Khẩu, Ý Giáo). Như một người không biết
đường thì không thể chỉ đường. Hay một người không có tiền, thì không thể cho
ai tiền. Mình không thể cho những gì mình không có. Muốn giúp người, giúp các
em nhỏ, anh chị huynh trưởng trước tiên cần thành tựu chính mình.
Ai cũng muốn mình tốt,
dễ thương và giỏi. Nhưng mỗi chúng ta sẽ thường tự thấy mình rất dở và nhiều chứng
tật. Một huynh trưởng mà nhiều chứng tật và thiếu khả năng, thiếu tấm lòng thì
đàn em ít nghe lời. Chúng ta có khả năng giả vờ như tốt, nhưng lâu ngày rồi
cũng sẽ lộ ra những chứng tật.
Con đường ngắn nhất
để thành tựu chính mình là con đường thực hành chánh niệm. Tâm trí chúng ta suốt
ngày rong ruổi. Chánh niệm là dẫn tâm về với thấy biết hiện tại, gọi là đưa tâm
về nhà. Chánh niệm là thật sự tiếp xúc với người mình đang tiếp xúc, với công
việc mình đang làm. Chánh niệm là cảm nhận bằng trái tim, không nhận thức bằng
tư tưởng.
Trong nghệ thuật
Lãnh đạo trong chánh niệm có những chi tiết như sau.
I. BIẾT LẮNG NGHE (DEEP
LISTENING) VÀ THÔNG CẢM
1. Biết im lặng
Xin hãy nghe hết
câu, không phản ứng ngay, không nhảy bổ đến kết luận. Có tâm thông cảm với nỗi
khó khăn của người khác. Có câu chuyện như thế này, xin được chia sẻ. “Nói Và
Nghe”. Nguyệt Am (Gettan) thường nói với đồ chúng của Sư rằng: “Khi anh có miệng
để nói thì anh không có tai để nghe. Khi anh có tai nghe thì anh không có miệng
nói, hãy suy nghĩ cẩn thận về điều này.”
Biết thông cảm:
Cuộc sống thường có
hai mặt, mặt nổi và mặt chìm. Mặt được phơi bày và mặt bị ẩn khuất.
Thêm một ví dụ: Có
lần một người hàng xóm than phiền với một cụ già:
“Nhà bên cạnh vừa
mua dàn Karaoke. Trời ơi, đứa nhỏ con gái trong nhà hát thiệt là kinh khủng, nó
hát ngang như cua bò, còn thằng con trai thì gào thét đinh tai nhức óc. Nghe mệt
mỏi làm sao!”
Cụ già bình thản trả
lời: “Tôi cũng thấy vậy, nhưng nếu mấy đứa đó mà đi ăn nhậu chơi bời, trộm cắp
phá phách làng xóm thì còn đáng lo hơn. Đúng là việc chúng nó làm, chúng ta phải
chịu đựng khổ sở, nhưng dù sao như vậy cũng an toàn hơn…”
Một ví dụ khác:
Trưa hôm đấy, khi các bạn nhỏ khác ở nhà trẻ đã đi ngủ, chợt cậu bé John lại gần
cô giáo, thì thầm:
- Thưa cô Roberts,
em có thể đi uống nước được không ạ.”
(Miss Roberts, May
I drink water?”)
Cô Roberts lúc ấy
cũng đang thiu thiu ngủ, đột nhiên bị đánh thức, nên trả lời hơi chút khó chịu.
- Được rồi
(Allowed).
- Thưa cô Roberts,
em có thể đi uống nước được không ạ?
Cô lại nghe John hỏi,
lần này cậu nói to hơn một chút.
- Được rồi (Allowed),
giọng cô Roberts đã hơi gắt lên
Lần nữa, John lại
nhắc lại câu hỏi, lần này to hơn lần trước.
- Thưa cô Roberts,
em có thể đi uống nước được không ạ?
Cô Roberts bực dọc
gắt lên:
- Được rồi
(Allowed)
Lần này, John hét
to lên:
- THƯA CÔ ROBERTS,
EM CÓ THỂ ĐI UỐNG NƯỚC ĐƯỢC KHÔNG Ạ?
Nghe thấy tiếng
John hét, các bạn khác bỗng giật mình thức giấc, còn cô Roberts thì thực sự nổi
điên lên, quát John:
- John, có phải em
muốn phá cô hay không?
Cậu bé John sợ sệt
trả lời:
- Dạ không, thưa
cô. Chính cô bảo em nói to (aloud) lên đấy chứ ạ!
Ở câu chuyện phía trên đã có chuyện gì xảy ra? Tại sao John lại hiểu
nhầm ý của cô Roberts? Lý do ở đây rất đơn giản, khi cô giáo nói “Allowed”, có
ý là cho phép, thì John đã nghe thành “Aloud”, nên cậu bé nghĩ rằng cô giáo bảo
mình nói to hơn. Trường hợp này được gọi là “Homophone”, hay trong tiếng Việt của chúng ta,
còn được gọi là hiện tượng đồng âm khác nghĩa. Thông thường chúng ta sẽ dựa vào
văn cảnh (context) và nội dung của từ ngữ ở trước và sau (co-text) của từ đồng
âm để xác định nghĩa của chúng, nhưng trong trường hợp này cậu bé chỉ được nghe
duy nhất một từ nên xảy ra nhầm lẫn.
Nói chung, người
lãnh đạo cần nhớ:
“Đừng muốn kiểm soát người khác”.
“Đừng muốn người khác suy nghĩ như ta.”
“Đừng
trông cậy người khác làm cho ta hạnh phúc.”
Phải hiểu rằng tốt
hơn là khi chúng ta đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết nhất, thay vì xoáy vào
những điểm yếu lớn nhất của nhau. Hẳn quý vị còn nhớ câu nói bất hủ của cố tổng
thống Abraham Lincoln: “I destroy my enemies when I make them my friends” / “Ta
không còn kẻ thù khi ta biến họ thành bạn bè của mình.”
2. Lãnh đạo là chia sẻ
Hãy lấy câu chuyện
Những Cuộc Đời Được Thay Đổi này như một ví dụ: Vào năm 1921, Lewis Lawes trở
thành trưởng trại tù Sing Sing, trại nổi tiếng khắc nghiệt. 20 năm sau, khi
Lewis Lawes nghỉ hưu, trại trở nên nổi tiếng nhân đạo. Nhưng khi được hỏi về sự
thay đổi này, ông nói tất cả đều nhờ Catherine, vợ ông.
Ai cũng ngăn cô chớ
bao giờ bước chân đến đó, nhưng khi trận đấu bóng rổ đầu tiên trong tù được tổ
chức, cô và 3 đứa con nhỏ cùng ngồi xuống bên những tù nhân. “Chồng tôi và tôi
sẽ chăm sóc những con người này, và tôi tin chính họ sẽ chăm sóc cho tôi. Tôi
không có gì để lo lắng cả.”
Cô thấy có một người
mù bị kết tội giết người. Nắm bàn tay anh, cô hỏi: “Anh có biết đọc chữ nổi
(Braille) không?” “Chữ nổi là gì?” Và cô dạy cho anh biết đọc. Khi phát hiện có
người vừa câm vừa điếc, cô học cách sử dụng ngôn ngữ người câm để dạy cho họ.
Catherine được xem như bà thánh sống ở Sing Sing trong những năm từ 1921-1937.
Bà chết vì tai nạn
xe hơi. Sáng hôm sau, Lewis Lawes không đi làm, người phó thay ông. Ngày tiếp,
quan tài Catherine vẫn còn tại nhà, cách nhà tù khoảng 1 cây số. Người phó trại
thấy đám đông tội nhân khắc khổ, dữ dằn tụ tập trước cổng chính. Trên những gương
mặt là nước mắt. Ông hiểu họ thương mến Catherine vô cùng. “Thôi được, các anh
hãy đi, chỉ cần tối nay các anh về điểm danh đầy đủ.” Rồi ông mở cổng cho đoàn
phạm nhân bước đi, không cần lính gác, suốt 1 cây số để đến ngỏ lòng yêu kính lần
chót trước Catherine. Và tất cả tù nhân đã trở về trại tối đó, không thiếu một
ai.
3. Không vội phán xét
Phán xét người khác
chỉ là phóng ảnh của tâm. Nên biết dừng lại.
a) Bố mẹ cãi nhau,
lấy câu chuyện này như một ví dụ. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài
vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con
sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho
con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại,
mang theo bé út đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc
sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
b) Nồi Cơm Nhan Hồi
là một ví dụ khác. Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề.
Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của
Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc,
dân chúng phiêu bạc điêu linh, lầm than đói khổ… Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào
cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy,
không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May
mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng
Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn
sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Tại sao Khổng
Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều
kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công
cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn
các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc
sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng
nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống…
thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ…
Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh… rồi từ từ đưa cơm lên
miệng…
Hành động của Nhan
Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên
trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn,
đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan
thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng
các môn sinh khác mang rau về… Nhan Hồi lại luộc rau… Khổng Tử vẫn nằm im đau
khổ… Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các
môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con
ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn
cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm
lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo
thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước… Hôm nay, ngày đầu tiên
đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên
trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ
thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên
chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng
im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói:
“Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò
không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền
chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại
sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi
cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió
tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh
tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt
đi… nhưng lại nghĩ: Cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô
hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con
đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch
để dâng thầy và tất cả anh em…
“Thưa thầy, như vậy
là hôm nay con đã ăn cơm rồi… bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ
ăn phần rau. Và… thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói
xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có
những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự
thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
II. SÁNG SUỐT TRONG
QUYẾT ĐỊNH
Người đi đầu đồng
nghĩa là người gương mẫu và trí tuệ, mới có thể hướng dẫn an toàn và lợi ích.
Khi tâm thường trong chánh niệm, tức ít nghĩ ngợi vẩn vơ, thực sự tiếp xúc với
hoàn cảnh hiện tại thì tự thấy ra vấn đề.
Ví dụ, trong câu
chuyện Đoàn người đi buôn. Đường xa nắng cháy, khát khô cả cổ không đủ nước uống.
Chợt gặp đầu làng một cây đầy trái chín, vàng ươm mọng nước. Cả đoàn reo lên,
trèo cây hái trái. Người trưởng đoàn ngăn lại:
- Các anh không nên
ăn trái này. Nếu nó là quả lành thì ở khu dân cư này người ta đã hái sạch. Trái
chín đẹp như vậy mà còn y nguyên, hẳn là không tốt.
Người trong đoàn
nghe có lý, đi thẳng không hái trái.
Đoàn thương buôn
khác cũng đi ngang cây này. Mọi người vội vàng hái trái ăn cho đỡ khát. Không
lâu sau, cả đoàn bị trúng độc vì ăn nhằm trái độc, nằm lăn trên đất.
Người trưởng đoàn
có trí tuệ, tầm nhìn xa mới có thể bảo vệ người trong đoàn được an toàn.
Đức Phật còn dạy
chúng ta rằng:
1) Nêu vấn đề đúng thời. Tạo điều
kiện để họ nhận ra. Người đang lúc không vui ít muốn lắng nghe (Như chuyện bà
Gotami chết con, Phật không khuyên giải, ngài chỉ bảo bà đi xin hạt cải của nhà
không người chết, và để tự bà thấy ra lẽ thật.)
2) Chỉ đề cập đến sự kiện, tránh
giải thích hay buộc tội theo tự suy, ức đoán. Tránh cường điệu, phóng đại, thêu
dệt.
3) Nói lời ôn nhu.
4) Nói vì lợi ích người nghe. Tập
trung vào mặt tích cực trong giải pháp giải quyết vấn đề. Đừng phê bình mà
không có đường hướng giải quyết
5) Nói với lòng từ bi, không nói với
tâm giận tức.
Phật dạy: “Lại nữa,
Xá Lợi Phất, dù ông theo năm phương pháp đối thoại này, vẫn còn một số người
không tán đồng những điều ông nói (do sở tri chướng nơi họ).”
III. SỐNG HÒA HỢP, ÍT
LÀM THƯƠNG TỔN NGƯỜI
1. Nhận ra bản ngã
Khi tâm có chánh niệm,
cái ngã không có điều kiện xuất hiện. Bản ngã gây nên va chạm và đổ vỡ, vì cái
ngã của ai cũng là số một, không cái ngã nào chịu đứng dưới cái ngã nào. Để bảo
vệ và củng cố cái ngã mình, người ta không ngại làm tổn thương nhau. Và không
phải ai cũng nhận ra mình đang làm tổn thương người khác.
Muốn sống chung hòa
hợp, những cái ngã nên lui về một chút, nên nhường nhau một chút. Một trong những
cách sống của chúng tôi là: “trên kính, dưới thương, ngang nhường”.
2. Đúng và sai
Đừng chắc chắn trăm
phần trăm là mình đúng. Đây là nguyên nhân của cãi cọ và tranh đấu. Điều đó chỉ
đúng với chính mình thôi, người khác chưa chắc đã thấy như vậy. Bớt xác quyết
đúng - sai sẽ bớt tranh cãi, bớt giận hờn, đổ vỡ.
Tôn trọng quan điểm
của người khác. Biết rằng người khác có chỗ hợp lý của họ. Như vậy mới có thể sống
chung và làm việc chung lâu dài.
Hòa thượng Trúc Lâm
từng dạy: “Thường chúng ta có thói quen cho rằng cái gì mình nghĩ cũng là chân
lý. Vì vậy mình nghĩ thế này, người khác nghĩ thế kia, mình liền sân giận, có
khi cãi vã và đi tới ẩu đả nhau.
Hòa
thượng kể: “Những năm
tôi ở trên núi, thấy xa xa có cụm mây đen theo chiều gió thuận thổi đến hướng của
mình, tôi cứ đinh ninh đám mây đó sẽ mưa nên dọn đồ đạc bên ngoài vô. Một hồi
gió thổi tạt hướng khác, trời không mưa. Như vậy cái nghĩ của mình chưa bao giờ
đúng trăm phần trăm. Chúng ta thường cho rằng mình nghĩ đúng, đó là nhân của sự tranh cãi
hay nói cách khác là nhân của đấu tranh.”
Trong kinh, Phật có
dạy một câu thật chí lý: Người biết tôn trọng chân lý là người nghĩ điều gì thì
nói: “Đây là cái nghĩ của tôi”, ngang đó dừng. Nếu nói cái nghĩ của tôi đúng
thì đã bậy rồi vì không tôn trọng chân lý. Chỉ thêm chữ “đúng” thì có tranh
cãi.
3. Duy trì tâm an tĩnh, vui tươi.
Không thấy gì là
quan trọng quá. Tập suy nghĩ theo hướng tích cực, thấy được những mặt tốt của vấn
đề, những tính cách tốt của người mình đang tiếp xúc. Trân trọng những gì mình
đang có, không đòi hỏi mọi việc phải luôn theo ý mình. Như vậy tự nhiên chúng
ta dễ thấy lòng mình an tĩnh vui tươi, mới có thể hòa hợp, tạo nên bầu không
khí an vui cho tập thể.
IV. THÂN GIÁO
Trong bài “Thân
Giáo: Có thể là một giải pháp cho tất cả”, chúng tôi cũng nhấn mạnh: Giáo lý của
Đức Phật được đặt trên nền tảng Từ bi và Trí tuệ qua sự chứng nghiệm của Ngài.
Thân giáo là bài pháp vô giá và công dụng nhất mà Ngài đã sống và truyền đạt.
Thân giáo là lối hành xử trong đời sống hằng ngày. Sự tiến hóa và hòa bình của
nhân loại một phần lớn là do giáo lý giác ngộ rốt ráo của Ngài. Ngày nay, Đạo
Phật vẫn là những giải pháp cho nhân loại. Chúng tôi cũng đưa ra bảy phương
cách thực tiễn, đó là:
1. Thiết lập một mindset (tâm/tư
duy) thánh thiện.
2. Thấu rõ nguyên lý Nhân duyên,
Nghiệp quả
3. Làm tốt bối cảnh quanh mình trước
4. Đồng Lợi - Lợi người lợi mình:
(Mutual Respect/Benefit)
5. Có mặt cho nhau - (Presencing
as in the Theory U)
6. Sức mạnh của đoàn kết
(Collaboration with other organizations for sustainable change)
7. Hành giả - Be a Buddhist
Practitioner.
Nhìn chung, lãnh đạo
cần được sự đồng thuận, hợp tác trên nền tảng từ bi và nhân bản. Điều này chỉ
có khi có lòng kính tin và thương mến. Nên người huynh trưởng cần vững vàng, có
thể là chỗ nương tựa và học hỏi của đàn em.
Muốn khuyên, muốn dạy dỗ ai,
Trước tiên hãy tự sửa nơi chính mình.
Đích thân gương mẫu thực hành
Rồi sau mới dạy điều lành, điều hay!
Sửa mình quả thật khó thay!
(Kinh
Pháp cú 159)
Sự tu tập bản thân,
thể hiện từ hành động bản thân. Sự Hành thiện đến từ giới luật và tinh tấn, bền
chí thực tập. Phật vì từ bi và nguyện lực mà thành tựu hóa độ chúng sanh.
1. Tu tập chánh niệm:
Làm việc gì biết việc
đó. Ý thức việc mình đang làm. Thân đâu tâm đó.
Ví dụ:
a) Trong mỗi hành vi cử động trong
ngày đều phải tự mình tỉnh thức rõ biết, như bước chân đi thì tỉnh táo nhận biết
chân nào đưa trước.
b) Tâm thức duy trì tỉnh giác có
thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Cuộc sống buông lung, thất niệm, hay quên sẽ
rất khó thành tựu được bất cứ điều gì.
2. Tu tập tỉnh thức:
a) Nhận biết Tánh biết qua 6 căn:
Thấy biết hiện tiền - Rõ ràng thường biết.
b) Tỉnh thức để kịp thấy ra vọng
tưởng có những khuynh hướng chấp ngã và thiếu hiền thiện.
c) Tỉnh thức trong phút hiện tiền:
thư giãn (relax) thân và tâm.
3. Trí tuệ và từ bi: Hai cánh giúp con chim bay.
4 Lãnh đạo chính mình:
Biết tự trọng và tạo
ra sự kính trọng nơi mọi người mới có thể lãnh đạo. Người ta nghe mình do thương
yêu và kính trọng chứ không chỉ vì quyền hạn.
5. Hương tỏa từ hoa:
Phải vun bồi nội lực,
tu dưỡng tự thân, được như vậy thì hữu xạ tự nhiên hương.
6. Không có thành quả từ trời rơi xuống:
Thiên tài là sự
tích lũy của nhiều kiếp trước hoặc trải qua nhiều năm tháng ngay trong đời này,
được rèn luyện trở thành tập quán tốt đẹp.
V. TẤM LÒNG NGƯỜI LÃNH
ĐẠO
Người lãnh đạo phải
luôn cân nhắc: Sự thông hiểu, thương yêu, đoàn kết là quan trọng, hay đúng sai
là quan trọng?
Một tín đồ người Ấn
Độ đi bộ đến chùa Thánh ở Hymalaya. Đường đi thì xa xôi, đường núi vô cùng khó
đi, không khí thì loãng. Ông ta tuy mang theo đồ đạc rất ít, nhưng vẫn cất bước
không nổi, vừa đi vừa thở hổn hển. Ông ta đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi… không
ngừng nhìn về phía trước, hy vọng mục tiêu đi đến sẽ sớm xuất hiện. Thình lình
ông thấy phía trước có một bé gái chưa đầy 10 tuổi, trên lưng cõng một em bé
khác đang từ từ bước từng bước về phía trước. Cô bé thở hổn hển, mồ hôi đầm
đìa, nhưng hai tay vẫn quàng chặt lấy đứa trẻ trên lưng.
Tín đồ người Ấn Độ
đi đến bên cô bé, rất đồng cảm nói:
- Cháu của ta, cháu
cũng giống như ta, cháu nhất định mệt rồi, cháu cõng nặng quá!
Cô bé nghe xong,
không vui, trả lời:
- Cái ông cõng là sức
nặng, nhưng cái cháu cõng không phải là sức nặng, nó là em trai của cháu.
Người cảm thấy gánh
nặng vì không có tình yêu.
Chính Tình Yêu cho
ta sự nhẹ nhàng. Mọi thứ chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho ta sống cho một tình
yêu chân chính, cho một lý tưởng rõ rệt, cho một cuộc đời có ý nghĩa.
Tình yêu nào cũng cần
có sự hy sinh. Hy sinh là gánh nặng nếu tình yêu đó không thật. Thế giới sẽ hạnh
phúc biết bao nếu mọi đôi vai đều biết kề nhau chung vác những trách nhiệm và bổn
phận để làm cho thế giới đẹp hơn.
Trong gia đình, cộng
đồng, tập thể, tôn giáo… đều cần phải như vậy.
Mọi người sẽ đi trọn
kiếp nhân sinh này với “gánh nhẹ nhàng” vì có nhau, vì nhau, trong một thế giới
yêu thương huynh đệ cùng chung hướng về một niềm tin cao cả.
Từ những chia sẻ
trên, bài thơ này có thể là sắc thái của việc lãnh đạo cần thiết này trong tổ
chức Gia đình Phật tử.
Lãnh đạo trong chánh niệm
Biết lắng nghe, thông cảm
Bình tĩnh mọi vấn đề
Sống hòa hợp đề huề
Sáng suốt trong quyết định
Không sân si dua nịnh
Tứ Nhiếp Pháp luôn hành
Giữ tâm đẹp trong lành
Là lãnh đạo chánh niệm
KẾT LUẬN
Ngày nay, sự phát
triển kỹ thuật và khoa học đi rất nhanh so với phát triển tâm linh. Mỗi người
con Phật, dù là Huynh trưởng hay đoàn sinh, xuất gia hay tại gia, trai hay gái,
già hay trẻ, trong tổ chức GĐPT hay không đều phải học và thực hành và áp dụng
những lời Phật dạy một cách nghiêm túc để chuyển hóa chính ta và những người
xung quanh. Chúng ta phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những tập khí không tốt
để chúng ta từng bước hướng thiện. Ngoài ra, chúng ta cần phải nhiệt thành, làm
tròn trách nhiệm và chức năng của mình trong mọi hoàn cảnh khi có thể. Từ sự ý
thức vai trò, bổn phận và trách nhiệm của người huynh trưởng, với tấm lòng của
người đầu đàn, anh chị huynh trưởng cố thực hành chánh niệm sẽ tự mình lan tỏa
năng lực, trí tuệ và từ bi hầu hướng dẫn cho đàn em ngày càng vững mạnh. Nghệ
thuật lãnh đạo trong chánh niệm cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Vậy chúng ta
hãy bắt đầu, bạn nhé!
Ni Sư Thích Nữ Thuần Tuệ
Htr. Tâm Thường Định
*Bài này đã được trình bày cho Trại Huấn Luyện A Dục Lộc Uyển của Miền Liễu Quán, năm 2016. Bài này có thể là bài học chính thức cho trại Huấn Luyện từ đây trong tổ chức GĐPT.
Đọc tiếng Anh ở đây. Read the English version here.
https://phebach.blogspot.com/2019/10/mindful-leadership-five-arts-of.html
No comments:
Post a Comment