Thursday, November 9, 2017

CON ĐƯỜNG BỒ TÁT HẠNH



CON ĐƯỜNG BỒ TÁT HẠNH*



"Ta hỏi kiến nơi nào cõi Tịnh

Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời" Thơ Tuệ Sỹ

Hành nhân hỏi vu vơ, hỏi để mà hỏi, vì hơn ai hết Người hiểu rõ Bồ-tát hạnh khởi đi từ thực tại khổ đau của con người, của cõi đời này. Cách Người dùng chữ cũng đã gián tiếp trả lời, “ta hỏi kiến nơi nào cõi Tịnh”. Bỗng dưng tôi muốn bật cười, cười cho những hành nhân hiu hắt trên con đường Bồ-tát đạo, cười cho chính mình, không biết tự lúc nào tâm tư đã hướng đến lộ trình vô cùng tận ấy. Ừ thì chờ chú kiến kia đi cho hết biên tế vũ trụ rồi về kể lại vậy. Có gần Người ta mới càng thấy thú vị ở cái ‘ngẵng’ trong câu thơ trên, “ngẵng” trong ngôn từ, “ngẵng” trong đối tượng để hỏi, “ngẵng” như chính đời sống của Người.

“Ngoài hư không có dấu chim bay”
Người đã trả lời rồi đấy! Tìm cõi Tịnh kia cũng như tìm những dấu chim bay ngoài hư không. Nói có thì trật, mà nói không thì cũng sai. Hư không, chim bay, dấu vết là những cụm từ mà con người ta có thể hình dung bằng tưởng tri, nhưng ghép chúng lại với nhau để chỉ về một nơi chốn cụ thể thì cũng như tìm lông rùa, sừng thỏ vậy. Hai câu thơ trên minh thị cho sự hạn chế của các phạm trù đối đãi: có–không, được–mất, hỏi–đáp, v.v… mà ở đó triết học, thi ca ra đời. Như thế, thế giới của thi ca tư tưởng là thế giới của sự đùa chơi với huyễn tượng, chiêm bao; thế giới của những thao thức, trăn trở rất người. Ở đó, đôi khi câu hỏi chính là câu trả lời, và câu trả lời lại chính là vấn đề được đặt ra.

Người đùa vui với những ai đang phát Bồ-đề nguyện, tu Bồ-tát hạnh xíu thôi, chứ Người đã dạy bằng chính đời sống của một hành nhân ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài thắp sáng ngọn đèn Tuệ. Lời dạy ấy được cô đọng ở hai câu kết:
 “Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời”.

Rõ ràng, từ bóng đêm của vô minh, từ tiếng kêu la đau thương của chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ sanh tử, mà một hành giả đang lần theo ánh sáng Tuệ giác để tự cứu mình đã phát bi nguyện “thắp tâm tư thay ánh mặt trời”. Hành giả đã không còn chỉ nghĩ cho sự an lạc, yên ổn của tự thân, cũng không còn than van hay oán trách cõi đời này. Từ tâm tư bi luỵ, yếu hèn, mặc cảm tự ti, như gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa không tin mình có khả năng kế thừa gia sản của cha, hành giả đã lấy bi tâm ‘rộng độ tất cả chúng sanh là cúng dường chư Phật’ để soi sáng cho mình và người.

Con đường Bồ-tát, như thế, không còn dài xa với những ai đang mang tâm tư ấy, mà có dài xa thì có nghĩa lý gì đâu với những bậc Đại Bồ-tát vì lợi lạc của chư thiên và loài người mà xuất hiện ở cõi đời này. Phải thế không?



Mặc Không Tử

P/S: Vài dòng tản mạn nhân MKT nhận được bài thơ Người viết cho chiều nay, dành tặng những ai đã, đang và sắp bước đi trên con đường ấy.

*Chúng tôi đề tựa

No comments:

Post a Comment