Saturday, June 29, 2019

TINH HOA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TUỆ SỸ - Vị Thầy của Bốn chúng

LỜI GIỚI THIỆU


TINH HOA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TUỆ SỸ - Vị Thầy của Bốn chúng

Trong ngày Đại hội của Gia đình Phật tử, anh Tâm Thường Định gặp tôi và có ý xin Lời giới thiệu về tác phẩm của anh: “Vị Thầy Của Bốn Chúng.” 

Tác phẩm này gồm có hai bài của Ôn Tuệ Sỹ. Bài thứ nhất có tựa đề “Tâm Thư Gởi Tăng Sinh Huế”, nhưng người đọc sẽ thấy rõ ý của Ôn muốn nhắn gởi đến cả thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống trong một hoàn cảnh đất nước: “Bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai.” Từ đó, Ôn tha thiết nhắn nhủ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình.”

Đọc nội dung bài này, độc giả sẽ có cảm giác như một tiếng chuông cảnh tỉnh đầy nhân hậu cho Tăng Ni sinh đang sống trên quê hương hôm nay. Như tiếng rống của sư tử làm đinh tai nhức óc loài dã thú và như lời “cáo tật thị chúng” để sách tấn những tâm hồn mê muội, ngập chìm trong biển khổ trầm luân.

Bài thứ hai có tựa đề “Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ.” Bằng cái nhìn và nhận định về một thế hệ, Ôn đã đánh thức những tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam: “Tuổi trẻ Việt Nam đang bị bật rễ, do đó có nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây, tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc.” Ôn đưa ra tầm nhìn về phương thức học Phật, hay giáo dục toàn diện: “Tuổi trẻ học Phật không có mục đích trở thành nhà nghiên cứu Phật học, và học Phật là tự thực tập khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống… Học Phật khởi đi từ thực trạng đau khổ của nhân sinh để nhận thức đâu là hạnh phúc chân thật. Bi và Trí là đôi cánh chắc thật sẽ nâng đỡ tuổi trẻ bay liệng vào suốt không gian vô tận của đời sống.” Ấy là tâm lý giáo dục của Đạo Phật mà Ôn đã định hướng cho tuổi trẻ Phật giáo hôm nay.

Bước qua phần hai là thơ của Ôn Tuệ Sỹ. Khi chúng ta đọc văn của Ôn viết là đã choáng ngợp bởi những ngôn từ chắc như vách đá, vững như tường đồng, nghe sang sảng dội vào tâm thức người đọc. Còn thơ thì sao? Đó là những cung bậc phiêu bồng, yêu kiều, cho một phương trời mộng. Mà ý thơ của Ôn, hàng ngàn năm trước chẳng có ai và hàng ngàn năm sau chẳng ai có. Độc giả thử ngâm lai rai, chậm rãi đôi lời: 
Cũng như lời và ý thơ của Ôn Tuệ Sỹ, anh Tâm Thường Định đã đưa người đọc về một thế hệ yêu thương ngập tràn từ, bi, hỷ, xả, nhưng đồng thời không thiếu ý thức khẳng khái, kiêu hùng đầy thơ mộng dưới khung trời yêu dấu của quê hương. 
x












Còn yêu một thuở đi hoang, 
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya.” 

Vì yêu cái thú đi hoang, nên: 

“Còn đây góc núi trơ vơ, 
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.”

Và cũng vì “độc hành kỳ đạo” trong thú đi hoang để đêm về ngủ nơi miếu cô hồn mà mộng chiêm bao:

“Bên đèo khuất miếu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bờ lau
Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao.”

Vì mơ màng chiêm bao, Ôn thấy giấc mộng đẹp, giấc mộng cho một quê hương dân tộc thái hòa:

“Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi.”

Và tiếp theo là những bài thơ của Ôn qua nhiều thập niên về trước như: Một Thoáng Chiêm Bao, Rừng Vạn Giã 1976, Tôi Vẫn Đợi - Sài Gòn 78, Quán Trọ Của Ngàn Sao, Trại Giam Phan Đăng Lưu - Sài Gòn 79 v.v… Tất cả những bài thơ này là trong tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn.

Qua phần thứ ba là thơ của anh Tâm Thường Định: Đôi Mắt Thần Tiên, Thiên Nhãn - Kính Dâng Thầy Tuệ Sỹ, Mùa Xuân Nhớ Thầy Tuệ Sỹ .v.v… Và phần thứ tư cũng là cuối cùng của tác phẩm, đó là bài viết: “Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ” của Tâm Thường Định, muốn tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong bài thơ “Một Thoáng Chiêm Bao”.

Tất cả những bài văn cũng như thơ được anh Tâm Thường Định dịch sang Anh ngữ hay viết đều nhằm phổ biến đến giới trẻ cũng như người bản xứ những ý nghĩa lợi lạc. Từ đó, chúng ta thấy được tấm lòng phụng sự của anh, là một huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam, luôn ưu tư và tinh cần phụng hiến cho con đường giáo dục tuổi trẻ, đồng thời phát huy nền văn hóa Phật giáo.

“Vị Thầy của Bốn chúng” dưới một chủ đề lớn: “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam” đã đưa người đọc về một thực trạng đau buồn, xót xa, chệch hướng, bật rễ của thế hệ người hôm nay trên quê hương, cần phải chấn chỉnh trên con đường giáo dục toàn diện của Đạo Phật, mong rằng vực dậy được những gì đã đổ vỡ, xa cội nguồn, tổ tiên, nòi giống, trả lại cho một nền văn hóa Việt tộc giàu đẹp.


Và cuối cùng, anh Tâm Thường Định như góp nhặt hết tất cả những ngôn từ kính trọng đầy yêu thương để hiến dâng, cúng dường cho một bậc Thầy quý kính, mà tấm lòng của anh như dàn trải một cách rạt rào, đầy vẻ minh nhiên trong tác phẩm “Vị Thầy Của Bốn Chúng”.

Dẫu có giới thiệu đến bao nhiêu đi nữa cũng không bằng tự mình cầm tác phẩm để đọc, chiêm nghiệm, thưởng thức những ý vị đậm đà, nên thơ, ân tình có đủ, như người uống nước nóng lạnh tự biết.

San Diego, ngày 26 tháng 3 năm 2017
Thích Nguyên Siêu

No comments:

Post a Comment