Friday, April 15, 2022

Chân Văn - Đỗ Quý Toàn: CHÚ GÀ CON GIỮ CHÁNH NIỆM

 

Bản tiếng Anh mua ở đây, trên Amazon.

Bản tiếng song ngữ, Lotus Media đang chuẩn bị ra mắt.


CHÚ GÀ CON GIỮ CHÁNH NIỆM

Chân Văn


Cuốn sách nhỏ này có thể áp dụng được. Trẻ em có khả năng tập sống trong chánh niệm một cách tự nhiên, dễ dàng. Tôi đã thấy và đã học, từ một cháu bé.

Hồi ba, bốn tuổi, cháu Anica thường được gửi ông bà ngoại nhiều lần, có khi ở lâu mấy tháng. Buổi tối bà ngoại ngồi thiền, cháu hỏi bà làm gì, sao không chơi với cháu. Bà nói bà ngồi thở, tốt lắm. Bà rủ cháu cùng ngồi. Cháu vì thương bà nên đồng ý ngồi xuống, được mấy lần.

Khi cháu 6, 7 tuổi, ở xa ông bà đã mấy năm, một hôm mẹ cháu điện thoại kể ông bà nghe một bài cháu viết trong lớp. Cô giáo bảo các học sinh hãy kể lại về nơi nào mình thích nhất. Anica kể ở nhà ông bà. Cháu nhắc đến chuyện buổi tối bà rủ ngồi thở, viết “… có thể nói là chán lắm, nhưng cũng tốt. Vì bây giờ mỗi khi tôi bực tức (upset) chuyện gì, tôi thở một hơi từ từ, thấy hết upset.”

Cháu Anica theo bố mẹ qua sống ở Thái Lan lúc một tuổi. Nhà cháu ở trong khu Đại học Mahidol. Mỗi khi theo bố mẹ ra ngoài, cháu thấy các sinh viên đi tới góc đường thì đứng lại, ngưng trò chuyện, chắp tay vái pho tượng Phật trên ban thờ. Dân Thái Lan hay đặt bàn thờ Phật khắp nơi như vậy. Ngày ngày, Anica bắt chước vái theo. Cháu học được động từ “vái” trong tiếng Thái Lan.

Khi về thăm ông bà ở Mỹ, vào trong nhà thấy bàn thờ Phật cháu cũng dừng chân, chắp tay, vái. Ra vườn thấy pho tượng Quán Thế Âm, cháu cung kính vái. 

Một hôm hai ông cháu cùng ở vườn sau nhà, ông ngồi đọc sách, cháu tha thẩn với mấy món đồ chơi. Có lúc, ông ngoại ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách để tìm cháu, thấy cháu đang đứng trước một bông hoa. Cháu đứng nhìn hoa, im lặng, khoảng một phút đồng hồ, rồi bỗng dưng cháu chắp hai bàn tay lại, vái bông hoa, cung kính như vái Phật. 

Ông ngoại ngạc nhiên hỏi: “Anica, tại sao  con vái bông hoa?” Tôi nói tiếng Anh, trừ động từ “vái.” Cháu trả lời: “Vì nó đẹp quá!” (Because, it’s beautiful!)

Đứa cháu ba bốn tuổi đã dậy ông một bài học. Nhìn một bông hoa đẹp, nhìn chăm chú, nhìn toàn thể, nhìn bằng mắt, nhìn bằng cả tâm, thân. Cả thế giới chỉ còn bông hoa và người đứng ngắm hoa. Người và hoa thở chung một bầu không khí, trao đổi với nhau trong im lặng. Không biết cháu thấy bông hoa đẹp thế nào đến nỗi trong lòng nổi lên một niềm mến yêu, cung kính, biết ơn, cháu chắp tay vái.

Từ đó, mỗi khi nhìn một bông hoa tôi lại thực tập bài học của Anica. Khi thấy một cảnh chiều tà mặt trời đỏ ối, tôi chăm chú định thần ngắm nghía. Gặp một tảng đá đẹp, một gốc cây già, một búp lá xanh, tôi chiêm ngưỡng, rồi cúi đầu vái. Thế giới chung quanh thay đổi.

Các em nhỏ có thể thực tập theo cuốn sách này của Bạch Xuân Khang và Bạch Xuân Phẻ. Tập thở chậm và đều. Dễ lắm. Tập khi ăn thì biết đang ăn gì, ăn thế nào, cảm thấy miệng mình tiếp xúc với từng miếng thức ăn. Khi đi, biết chân mình bước thế nào, mỗi hơi thở mình đi mấy bước. Như thế gọi là có chánh niệm. Khi trong lòng nổi lên một niềm vui hay một nỗi bực bội, bỗng nhiên mình nhận ra: Ah! Mình đang vui! Ah! Mình đang giận! Đó cũng là có chánh niệm.

Bất cứ người theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều có thể thực tập chánh niệm. Sống chánh niệm quen dần dần, sẽ thấy mình sống bình an, hạnh phúc hơn. 

Xin mời quý vị thử đọc cuốn sách nhỏ này, đọc từ từ, từng dòng, từng chữ. Đọc một trang rồi gấp sách lại, thở một hơi dài chậm và đều. 

Xin chép tặng quý vị và hai tác giả một bài thơ viết ở Làng Cây Phong, Québec, Canada, là nơi chúng tôi vẫn về thực tập sống chánh niệm. 



HÂN HOAN NHƯ MỚI THỞ LẦN ĐẦU


Ở trên núi rất nhiều không khí

Người tới đó tha hồ được thở

Hít vô hai lá phổi đã đời

Máu chảy nhộn nhịp tim hớn hở

*

Không khí rất tốt cho sức khỏe

Phải nói, không khí là nguồn vui

Dù người hăm bốn giờ bận rộn

Cũng nên thỉnh thoảng thở vài hơi

*

Vì không khí quý báu như thế

Cho nên mình phải thở đàng hoàng

Như khi người bịnh cần tẩm bổ

Phải đọc kỹ cách dùng thuốc thang

*

Trước hết người thở phải hít vào

Hít vào đầy đủ rồi thở ra

Hít vào, thở ra, bụng nghe ngóng 

Cẩn thận như hồi tập lái xe

*

Dù mình biết thở không khó lắm

Nhưng thở vô ý là phí phạm

Trái đất, cỏ cây và mặt trời

Giữ bầu khí quyển mấy tỷ năm

Không biết, dùng sai, thật rất uổng

*

Cho nên vừa thở vừa chăm chú

Thở ra xong rồi là hít vào

Mỗi bận về Làng, lòng rộn rã

Hân hoan như mới thở lần đầu


Đỗ Quý Toàn


No comments:

Post a Comment